Sự kiện & Bình luận

Phải chăng bà Kamala Harris đã sai khi dựa quá nhiều vào các ngôi sao nổi tiếng?

Bùi Quang Hưng
Lăng kính văn nghệ
11:01 | 08/11/2024
Baovannghe.vn - Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đã chứng kiến một chiến dịch chưa từng có khi Kamala Harris nhận được sự hậu thuẫn từ hàng loạt ngôi sao nổi tiếng như Taylor Swift, Beyoncé, và Oprah Winfrey. Với hy vọng rằng ảnh hưởng của những ngôi sao này sẽ thúc đẩy cử tri trẻ và tầng lớp tự do bỏ phiếu cho mình, bà Harris đã xây dựng một chiến dịch đậm tính giải trí và truyền thông. Tuy nhiên, kết quả bầu cử lại không như mong đợi.
aa

Trong bộ phim The Adjustment Bureau (2011) do Matt Damon thủ vai có đoạn nhân vật chính bộ phim là một chính trị gia đang trong quá trình vận động tranh cử tiết lộ quá trình để tạo nên một bộ trang phục hoàn hảo cho ứng viên:

"Giày bóng loáng, chúng ta liên tưởng đến những luật sư và chủ ngân hàng đắt giá. Nếu bạn muốn nhận được phiếu bầu của một người lao động, bạn cần phải làm xước giày một chút, nhưng bạn không thể làm xước chúng quá nhiều đến mức khiến các luật sư và chủ ngân hàng xa lánh […] Vậy thì mức độ làm xước hợp lý là bao nhiêu? Bạn có biết, chúng tôi thực sự đã trả cho một chuyên gia tư vấn 7.300 đô la để nói với chúng tôi rằng ĐÂY là mức độ làm xước hoàn hảo không?"

Chính trị gia ở Mỹ chi hàng tấn tiền chỉ để trả cho một lời khuyên đi đôi giày nào để nhận được phiếu bầu của một người lao động, nhưng vẫn không bị lớp nhà giàu xa lánh, dĩ nhiên đó là phim, nhưng chi tiết này cũng làm người ta thấy được tầm quan trọng của một ứng viên tổng thống là phải dung hòa nhiều tầng lớp trong xã hội Mỹ.

Không biết bà Kamala Harris có thực sự nghiên cứu kỹ bài học này không, nhưng sự ủng hộ từ các ngôi sao nổi tiếng không giúp bà tiến xa mà ngược lại, có vẻ như đã làm tăng thêm khoảng cách giữa bà và tầng lớp cử tri trung lưu, đặc biệt là những người tại các bang nông thôn và hậu công nghiệp. Vậy điều gì đã xảy ra? Phải chăng các ngôi sao nổi tiếng đã mất đi sự ảnh hưởng và chính việc dựa dẫm quá nhiều vào sự ủng hộ của người nổi tiếng đã dẫn đến thất bại này của ứng viên tổng thống Mỹ?

Ủng hộ từ ngôi sao: dao hai lưỡi?

Phải chăng bà Kamala Harris đã sai khi dựa quá nhiều vào các ngôi sao nổi tiếng?
Dù được ngôi sao nổi tiếng nhất thế giới Taylor Swift ủng hộ bà Kamala Harris vẫn thất bại. Ảnh: Brendan Smialowski.

Việc bà Kamala Harris nhận được sự hậu thuẫn của các ngôi sao nổi tiếng như Taylor Swift, Beyoncé, Oprah Winfrey và nhiều cái tên khác trong làng giải trí là một hiện tượng dễ thấy trong nền chính trị Mỹ hiện đại. Trên các nền tảng mạng xã hội và tại các buổi vận động, bà Harris thường xuyên xuất hiện bên cạnh các ngôi sao lớn của Hollywood, với hy vọng rằng sự nổi tiếng và sức ảnh hưởng của họ sẽ thu hút một lượng lớn cử tri trẻ tuổi và cử tri tự do.

Seth Abramovitch của Hollywood Reporter, chỉ ra rằng chiến lược này của Harris có phần giống với chiến dịch của bà Hillary Clinton vào năm 2016, khi bà Clinton cũng được Hollywood “đứng sau lưng”. Abramovitch nhận xét, "Những ngôi sao như Oprah, Katy Perry, Beyoncé, Lady Gaga, Madonna và Ariana Grande thực sự không tạo được sức hút cho Harris. Khán giả của họ – chủ yếu là phụ nữ, người da đen, người tự do – đã có xu hướng bỏ phiếu cho bà ấy từ trước."

Thật vậy, giáo sư Margaretha Bentley tại Đại học bang Arizona, người có các lớp học nghiên cứu về Taylor Swift, thì cho rằng: "Các ngôi sao có thể giúp nâng cao nhận thức và thúc đẩy đăng ký cử tri, nhưng họ không tạo ra sự khác biệt lớn đối với quyết định bầu cử cuối cùng." Điều này đã được chứng minh khi Harris không thể tận dụng sự ủng hộ từ người nổi tiếng để thu hút những cử tri dao động, vốn là yếu tố quyết định trong các cuộc bầu cử tại Mỹ.

Hơn nữa, sự xa cách với tầng lớp lao động và các cử tri nông thôn cũng là một lý do quan trọng. Alexis Pichard, nhà nghiên cứu về nền văn minh Mỹ, nhận định rằng việc xuất hiện bên cạnh các ngôi sao như Beyoncé hay Taylor Swift khiến Harris trở nên "mất kết nối" với cử tri trung lưu, những người không cảm thấy gần gũi với lối sống xa hoa và tính biểu tượng của Hollywood. Theo Pichard, "Đối với những người lao động ở các bang nông thôn và khu vực công nghiệp suy thoái, những ngôi sao này đơn giản là đại diện cho một tầng lớp không liên quan và xa rời thực tế."

Một yếu tố quan trọng khác là cử tri Mỹ có xu hướng ngờ vực và thiếu tin tưởng vào Hollywood. Theo Laurence F. Maslon, giáo sư tại Đại học New York, thì việc người nổi tiếng ủng hộ Harris có thể đã làm giảm sức hút của bà với những người Mỹ cảm thấy bị "hệ thống" bỏ rơi. Ông giải thích: "Sự chứng thực từ các ngôi sao có vẻ đem lại nhiều lợi ích cho người nổi tiếng hơn là cho ứng viên chính trị. Đối với những người nổi tiếng, việc đứng về phía một ứng viên như Harris có thể giúp họ gia tăng ảnh hưởng, nhưng ngược lại, đối với những cử tri không đồng tình với các giá trị tự do của Hollywood, điều này tạo nên một khoảng cách khó lấp đầy." Ông nhấn mạnh rằng, nếu Taylor Swift hoặc Beyoncé muốn tác động thực sự lên cử tri, có lẽ cách duy nhất là tự mình ra tranh cử, thay vì đứng sau một chính trị gia.

Một ví dụ điển hình là Taylor Swift, người từng công khai ủng hộ Harris. Theo khảo sát của YouGov sau sự kiện Swift ủng hộ, chỉ 8% cử tri cho biết họ “có khả năng” bỏ phiếu cho Harris sau khi thấy sự hỗ trợ từ Swift, trong khi có đến 20% cử tri nói rằng điều đó thực sự khiến họ “ít có khả năng” bỏ phiếu cho Harris hơn. Rõ ràng, sự ủng hộ từ một trong những ngôi sao lớn nhất thế giới lại mang đến hiệu ứng ngược, gây phản cảm cho một bộ phận cử tri.

Ricky Gervais, danh hài nổi tiếng người Anh, đã chỉ trích hài hước xu hướng người nổi tiếng “giảng dạy” về chính trị qua một video được lan truyền trên mạng xã hội: “Là một người nổi tiếng, tôi biết tất cả mọi thứ về khoa học và chính trị, nên hãy tin tôi khi tôi nói với bạn rằng bạn nên bỏ phiếu cho ai.” Video của Gervais phản ánh sự hoài nghi mà nhiều cử tri dành cho các ngôi sao Hollywood, khi họ cảm thấy những người nổi tiếng quá xa rời với các vấn đề thực tiễn mà người dân Mỹ phải đối mặt hàng ngày. Đối với các cử tri tại các bang nông thôn và cộng đồng lao động, những ngôi sao này là biểu tượng của sự xa hoa và thậm chí là "cái ác" trong mắt một bộ phận cử tri bảo thủ, đặc biệt khi họ bị ảnh hưởng bởi các thuyết âm mưu về sự đồi trụy trong ngành giải trí.

Khi người nổi tiếng không phải là yếu tố quyết định

Trong khi Kamala Harris liên tục xuất hiện cùng các ngôi sao Hollywood để thu hút sự chú ý, Donald Trump lại áp dụng một chiến lược khác biệt. Ông chỉ mời một số ít người nổi tiếng, nhưng là những nhân vật nổi tiếng có sức ảnh hưởng lớn đối với cử tri của ông, như Elon Musk và Dr. Phil. Laurence F. Maslon nhận xét rằng Trump khắc họa một hình ảnh mạnh mẽ, gần gũi và "nam tính alpha", giúp ông kết nối sâu hơn với tầng lớp lao động.

Phải chăng bà Kamala Harris đã sai khi dựa quá nhiều vào các ngôi sao nổi tiếng?
Được cả Hollywood đứng sau lưng nhưng bà Kamala Harris vẫn thất bại. Ảnh: Dan Doperalski/ Variety.

Sự chứng thực từ các ngôi sao Hollywood, dù có thể giúp tăng cường nhận diện và nhận thức về chiến dịch, nhưng lại không thể thay thế được sự kết nối sâu sắc và thấu hiểu đối với các vấn đề cụ thể mà tầng lớp cử tri đang phải đối mặt. Chính những vấn đề này, từ kinh tế cho đến sức khỏe và giáo dục, mới là điều mà các cử tri coi trọng khi họ ra quyết định bầu cử. Trong một cuộc phỏng vấn với HuffPost, Pichard giải thích rằng: "Cử tri Mỹ ngày nay ngày càng mất lòng tin vào hệ thống, và Hollywood chính là hình ảnh tượng trưng của hệ thống đó."

Khi Oprah Winfrey và nhiều ngôi sao tự do xuất hiện trong các cuộc vận động của Harris, thông điệp mà bà truyền tải dễ bị coi là đạo đức giả và xa lạ với các cử tri Mỹ trung bình. Điều này hoàn toàn trái ngược với hình ảnh mà Trump xây dựng – một người ngoài hệ thống sẵn sàng chống lại "giới tinh hoa". Maslon cho rằng, "Nếu Harris muốn thắng Trump, bà cần phải tạo dựng một hình ảnh gần gũi và kết nối với người dân hơn là tìm kiếm sự hỗ trợ từ những ngôi sao không có giá trị thực tiễn với cuộc sống của tầng lớp lao động."

Nghiên cứu của Ashley Spillane cho thấy, sự ủng hộ từ người nổi tiếng có thể giúp nâng cao tỷ lệ tham gia bầu cử, nhưng rất khó để xác định liệu điều này có chuyển thành lá phiếu cho ứng viên hay không. Kết quả bầu cử của Harris là minh chứng cho thấy sự ủng hộ từ người nổi tiếng không phải lúc nào cũng đồng nghĩa với chiến thắng.

Thất bại của bà Kamala Harris trong cuộc bầu cử 2024 có nhiều nguyên nhân, nhưng các nhà nghiên cứu xã hội sẽ lại có thêm một kênh nghiên cứu về sự ảnh hưởng của người nổi tiếng với các quyết định chính trị. Đôi khi sự nổi tiếng không đi cùng với quan điểm chính trị, cũng như một khi chính trị gia dựa quá nhiều vào giới giải trí, không không chỉ làm giảm sự hấp dẫn đối với tầng lớp cử tri trung lưu và lao động, mà còn làm tăng thêm khoảng cách giữa chính trị gia ấy và nhóm cử tri bảo thủ. Các chính trị gia nên tập trung xây dựng một chiến dịch với các giá trị thấu hiểu và gắn kết với đời sống thường nhật của nhân dân thay vì tập trung vào sự hào nhoáng của giới giải trí, một yếu tố gây phản cảm cho không ít cử tri.

Nhà thơ Chu Thùy Liên: Ngẩn ngơ nhìn hoa mận trắng

Nhà thơ Chu Thùy Liên: Ngẩn ngơ nhìn hoa mận trắng

Baovannghe.vn - Mùa hoa mận của Chu Thùy Liên là mùa xuân rộn ràng của núi rừng Tây Bắc, ở đó tác giả gửi gắm những điều tốt lành như ước mơ ai cũng được thả lên trời cao và lời chúc cho những người con của quê hương dù đi đâu xa đều gặp may mắn, duyên lành để "nhớ lối trở về".
Di sản bất hòa ở Đông Âu

Di sản bất hòa ở Đông Âu

Baovannghe.vn - Tinh thần dám đối diện với quá khứ, dám chấp nhận sự đa dạng của văn hóa đã giúp các quốc gia Đông Âu và cả châu Âu bước qua nhiều trở ngại để bảo tồn và khai thác khối di sản kiến trúc XHCN ở Đông Âu.
Sầm Sơn trong thơ ca xưa và nay

Sầm Sơn trong thơ ca xưa và nay

Baovannghe.vn - Sầm Sơn đang góp phần đưa tỉnh Thanh Hóa đứng top đầu các tỉnh phía Bắc trong phát triển kinh tế, văn hóa...
Quả chuối dán trên tường được bán với giá 6,24 triệu đô la

Quả chuối dán trên tường được bán với giá 6,24 triệu đô la

Baovannghe.vn - Ngày 20 tháng 11 năm 2024, quả chuối mang tên Comedian của Maurizio Cattelan đã được bán tại nhà đấu giá Sotheby’s với giá 6,24 triệu đô la, trở thành tác phẩm nghệ thuật gây tranh cãi nhất trong giới nghệ thuật đương đại. Một quả chuối dán tường với cuộn băng keo đã tạo nên cơn sốt toàn cầu, không chỉ vì giá trị vật chất, mà còn vì các câu hỏi nó đặt ra về giá trị thực sự của nghệ thuật.
Thông cáo báo chí số 22, Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV

Thông cáo báo chí số 22, Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV

Baovannghe.vn - Thứ Năm, ngày 21/11/2024, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 22 (Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV) tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.