Từng là thương hiệu chiếm lĩnh thị trường phim rạp mỗi dịp Tết đến xuân về, thể loại hài vài năm gần đây không còn quá ăn khách. Đổi lại, các tác phẩm đậm tính “drama” về gia đình, mâu thuẫn thế hệ cũng như những câu chuyện nhuốm màu kinh dị lại tạo được nhiều dấu mốc vàng son. Từ biến chuyển trong xu hướng phát hành phim Tết thập niên qua, dự đoán thị trường phim nội địa của Tết Ất Tỵ đang đến gần.
Nhiều năm liền, hài là thể loại độc tôn của điện ảnh Việt đầu năm mới. Tết 2015, ba phim Trúng số, Hợp đồng bắt ma, Quý tử bất đắc dĩ cùng pha trộn nhiều chất liệu nhưng mục đích chủ đạo là chọc cười người xem. Một năm sau đó, phim nội địa ra mắt hai phim - Lộc phát và Yêu là phải xài chiêu, đều đậm tính giải trí. Tương tự, Tết 2018 có bốn phim Siêu sao siêu ngố, 798 Mười, Về quê ăn Tết, Đích tôn độc đắc thì… hài hước cả bốn. Hiếm hoi lắm mới có một “lối đi riêng” khác biệt, ví như phim kinh dị Lời nguyền huyết ngải ra rạp Tết 2012.
Giai đoạn đó, đơn vị quan sát phòng vé độc lập Box Office Vietnam chưa xuất hiện, doanh số bán vé của điện ảnh trong nước còn mù mờ. Có phim nhà sản xuất công bố bao nhiêu thì báo chí và công chúng biết bấy nhiêu. Phim nào ém nhẹm đi, người ta cũng đành chịu. Tuy nhiên, khi nhu cầu giải trí cho cả gia đình những ngày nghỉ là rất lớn, khán giả lại không có lựa chọn nào khác ngoài hài, các bộ phim này vẫn có khả năng rút hầu bao của các khách hàng nơi rạp chiếu. Truyền thông, mạng xã hội ngày ấy cũng chưa nở rộ. Khán giả nhiều khi vào rạp rồi mới biết phim hay - dở ra sao, không may chọn trúng phim hài nhảm thì cũng không thể trả lại vé.
Phần nhiều phim hài ra rạp các mùa Tết hồi đó có NSƯT Hoài Linh và Việt Hương diễn xuất. Hai “cây” hài kỳ cựu được mời nhận phim liên tục chứng tỏ họ là gương mặt bảo chứng cho sức hút của phim. Việc họ được chào đón rầm rộ mỗi lần đến các tỉnh Tây Nam Bộ đảm bảo một lượng khán giả nhất định khi phim trình làng.
Một thời tung hoành các cụm rạp mùa Tết, vậy mà phim hài cũng đến lúc hết “linh”. Quãng 2017-2018, các phim chiếu Tết vẫn ngập tràn nhân vật ngây ngốc, tình huống chọc cười, nhưng tiếng cười thì nhạt dần theo thời gian, hiệu ứng phim cũng không còn như trước. Đầu năm 2018 ghi nhận bốn phim phát hành, duy nhất Siêu sao siêu ngố của đạo diễn Đức Thịnh vượt mốc trăm tỷ. 798 Mười của đạo diễn Dustin Nguyễn về đích lý tưởng với 60 tỷ đồng. Hai phim Về quê ăn Tết và Đích tôn độc đắc kém thu hút và không công bố doanh thu.
Đỉnh điểm của phim hài thoái trào xảy ra vào Tết 2020 với trường hợp 30 chưa phải Tết thu về chỉ hơn 45 tỷ đồng. Mặc dù từng nắm trong tay phim Siêu sao siêu ngố dẫn đầu doanh thu Tết 2018 với 109 tỷ đồng, Trường Giang cũng không cứu nổi độ rối rắm, kém hấp dẫn của kịch bản bộ phim do Quang Huy đạo diễn. Trái lại, Gái già lắm chiêu 3 và Đôi mắt âm dương được đón nhận tốt hơn, lần lượt mang về 165 và 61,5 tỷ đồng. Một phim đậm tính “cung đấu” thời hiện đại, một phim lồng ghép chất kinh dị trong phim gia đình - hình sự.
Ngoài năm 2021 mất mùa phim Tết vì đại dịch, ba năm liền 2022-2024, Việt Nam không có phim hài ra rạp ngày Tết. Có chăng, các phim xen kẽ vài ba tiếng cười như gia vị giảm nhẹ không khí căng thẳng của câu chuyện mà thôi. Khi phim hài không còn là món ăn hấp dẫn với thực khách điện ảnh, thì các “đầu bếp” phía sau máy quay cũng không còn chuộng xào nấu. Bàn luận về vấn đề này, nhà sản xuất - đạo diễn hình ảnh Trinh Hoan (Ngày xưa có một chuyện tình, Tháng năm rực rỡ, Đất rừng phương Nam) cho rằng: “Ngày xưa, ai cũng nghĩ phim hài dễ ăn. Nhưng làm khán giả cười được khi xem phim không dễ. Nếu không có đề tài đặc biệt, kể chuyện không đủ duyên, phim hài khó thành công. Và đó là thực tế của mấy năm gần đây trong điện ảnh Việt.”
Hình ảnh trong phim Bộ tứ báo thủ chiếu Tết Ất Tỵ 2025. Ảnh: NVCC |
Năm 2019 chứng kiến những nhen nhóm đầu tiên của cuộc giao thời chuyển đổi xu hướng phim Tết. Ba phim ra rạp năm ấy - Cua lại vợ bầu, Trạng Quỳnh, Táo Quậy - đều dán nhãn hài, nhưng với hai trong số đó, hài chỉ là chất liệu phụ trợ. Cua lại vợ bầu đi sâu vào chuyện tình yêu và tình cảm cha mẹ - con cái. Trạng Quỳnh lấy cảm hứng từ tích truyện dân gian, đồng thời kể câu chuyện về tuổi trẻ, tình yêu.
Sự mở rộng kịch bản như vậy cho khán giả có thêm chuyện để xem và để bàn luận, thay vì chỉ cười thả ga tiếng rưỡi rồi rời rạp chẳng còn gì đọng lại hay khơi gợi những nghĩ suy. Kết thúc mùa phim mở bát năm mới, Trạng Quỳnh cán mốc 100 tỷ tròn, Cua lại vợ bầu vượt 191 tỷ đồng, làm nên những kỷ lục đầu tiên cho thị trường phim Tết của Việt Nam. Đó cũng là mùa Tết đầu tiên, phim nội địa có thể thống kê doanh thu đầy đủ qua Box Office Vietnam.
Từ sự mở đường như vậy, dòng phim tâm lý, phần nhiều là chủ đề gia đình, được tạo đà thừa thắng xông lên. Liên tiếp nhiều phim khai thác mâu thuẫn thế hệ gia đình hay cuộc chiến sắc đẹp và quyền lực giữa chị em phụ nữ tạo độ phổ cập rộng lớn, trở thành tựa phim cho khán giả mua vé xem và thảo luận trên mạng. Nổi bật nhất là hai tác phẩm Mai (Tết 2024) và Nhà bà Nữ (Tết 2023) của đạo diễn Trấn Thành, thu về lần lượt 520 và 459 tỷ đồng, hiện chiếm lĩnh vị trí đầu bảng và thứ ba về doanh số trong lịch sử điện ảnh nội địa. Gặp lại chị bầu với 92,7 tỷ đồng và Chị chị em em 2 với 121 tỷ đồng cũng là những cái tên tỏa sáng màn bạc những ngày Tết đến xuân về.
Không làm nên những cú “hit” chói lòa như phim drama, nhưng thể loại kinh dị cũng có chỗ đứng riêng ở thị trường ngày Tết. Chung một ekip sáng tạo, phim Nhà không bán thu về hơn 28.6 tỷ đồng Tết 2022 và Vong nhi kiếm hơn 25 tỷ đồng Tết một năm sau đó. Mức doanh thu này không cao nhưng đủ kiếm chút tiền lời cho nhà sản xuất, bởi quy mô phim nhỏ gọn, bối cảnh đơn giản, dàn diễn viên không có ngôi sao và kỹ thuật làm phim theo phong cách truyền hình.
Nhà sản xuất Hoàng Quân cho rằng sự chuyển giao từ phim hài sang phim tâm lý mùa Tết phản ánh sự thay đổi trong thị hiếu khán giả, đồng thời được thúc đẩy bởi thành công của một số tác phẩm dẫn đường cả về thể loại lẫn chủ đề. Tuy nhiên, anh nhận thấy đa phần các phim ra mắt vào Tết Nguyên đán vẫn cố gắng lồng ghép yếu tố hài để tăng tính giải trí và phù hợp không khí lễ hội.
Anh bày tỏ: “Tết là mùa lễ hội lớn nhất trong năm, kỳ nghỉ dài và cũng là dịp mọi người mạnh tay chi tiêu cho các hoạt động giải trí, trong đó có việc ra rạp xem phim. Với nhu cầu đa dạng, mỗi người có thể chọn xem một hoặc hai phim, ‘thực đơn’ của nhà rạp cũng cần phong phú hơn. Điều này lý giải vì sao các thể loại như drama gia đình hay kinh dị có thêm cơ hội phát triển bên cạnh dòng phim hài quen thuộc.”
Nhà sản xuất Trinh Hoan nhận định gia đình là chủ đề chính của điện ảnh Việt, đặc biệt là dịp Tết. Anh nhắc tên đạo diễn - biên kịch Trấn Thành như đại diện tiêu biểu cho dòng phim này: “Hẳn nhiên, phim gia đình giống như món ăn, ăn nhiều quá dễ gây ngán. Nhưng cốt lõi của người làm phim là phải biết làm mới đề tài đã cũ. Cái hay của Trấn Thành là kể chuyện mâu thuẫn thế hệ rất hấp dẫn.”
Sau vài năm mất nhiệt, phim hài tái xuất ở đường đua phim Tết 2025 với hai phim Bộ tứ báo thủ, Nụ hôn bạc tỷ; ngoài ra còn có phim tình cảm - hài (rom - com) Yêu nhầm bạn thân. Trong số này, Bộ tứ báo thủ do Trấn Thành sản xuất, đạo diễn và diễn xuất hiện đã ra mắt teaser đầu tiên, hé lộ chân dung bốn nhân vật ngốc nghếch, hậu đậu, gây nhiều phiền phức do Lê Giang, Trấn Thành, Lê Dương Bảo Lâm và Uyển Ân đóng. Tuy nhiên, các mảng miếng trong đoạn phim teaser nhạt nhẽo và khó hiểu, gây ngờ vực cho sức hút của phim.
Theo nhà sản xuất Trinh Hoan, Trấn Thành là thương hiệu lớn của mùa phim Tết và hài là sở trường mà anh chưa dùng đến trong các phim điện ảnh anh đạo diễn. Nhà sản xuất Trinh Hoan tin tưởng Trấn Thành vẫn sẽ chiếm lĩnh thị trường rạp chiếu khi làm phim hài.
Ngoài Bộ tứ báo thủ, Trấn Thành còn đầu tư Yêu nhầm bạn thân. Ở vai trò nhà sản xuất của phim này, Trinh Hoan không lo lắng phim kém thu hút khi là phim remake (làm lại). Anh lý giải: Bản gốc Yêu nhầm bạn thân của Thái Lan chiếu tại Việt Nam năm 2019, thu về 50 tỷ đồng, đó không phải mức doanh thu cao. Còn nhiều người chưa xem phim, không thể nói kịch bản đã quá quen thuộc. Hơn nữa, câu chuyện được kể theo cách mới, có dàn diễn viên mới, ra mắt thời điểm mới vẫn sẽ có sức hút riêng. Trong khi đó, Nụ hôn bạc tỷ của vợ chồng nghệ sĩ Thu Trang - Tiến Luật mới chỉ công bố hình ảnh khởi quay, chưa có thêm thông tin gì, dù Tết đã rất gần.
Bên cạnh ba phim hài, Tết 2025 còn có phim kinh dị Âm dương lộ. Bộ phim chưa tiết lộ nhiều chi tiết, ngoài việc cùng đạo diễn Hoàng Tuấn Cường và ekip sản xuất với Nhà không bán, Vong nhi. Theo một số nguồn tin, phim Đèn âm hồn bấm máy hồi tháng 9 ở Cao Bằng cũng nhắm phát hành Tết, nhưng chưa có thông tin chính thức.
Nhà sản xuất Mai Bảo Ngọc (phim Quỷ cẩu, Linh miêu) cho hay vợ chồng cô không định hướng mang phim kinh dị ra mắt ngày Tết, bởi phần đông khán giả quan niệm đầu năm nên xem phim vui vẻ để cả năm được rộn ràng. Nhà sản xuất Trinh Hoan ghi nhận chưa có phim kinh dị chiếu Tết nào thành công. Song, anh cho rằng thể loại này có tệp khán giả riêng, vẫn có thể làm nên doanh thu đáng kể.
Là người đứng sau thành công của các phim Kẻ ăn hồn, Tết ở làng Địa Ngục, nhà sản xuất Hoàng Quân nhận thấy tín hiệu đáng mừng của phim kinh dị khi thể loại này phát hành dài trải từ tháng 7 đến 10 trong năm 2024, thay vì đổ bộ lễ Halloween. Theo quan điểm của anh, nếu phim tốt, khán giả sẽ xem, không cần phụ thuộc thời điểm. Tuy nhiên, nếu đường đua phim Tết đã chật chội với phim gia đình hay phim hài, các nhà sản xuất và phát hành không nên ép kinh dị chen chân. Anh cho biết phim kinh dị chiếu Tết gặp nhiều đối thủ mạnh, đòi hỏi câu chuyện đặc sắc và chiến lược truyền thông mạnh.
Nếu các phim giữ đúng kế hoạch, 2025 sẽ là mùa Tết đông vui với 5 phim đồng thời khởi chiếu, mở ra cuộc cạnh tranh khốc liệt về suất chiếu.