Sáng tác

Phù sa - Truyện ngắn của nhà văn Đỗ Chu

Nhà văn Đỗ Chu
Danh tác văn học
09:30 | 13/07/2024
Giống như những lớp phù sa giấu kín dưới nó những dải đất sét quý giá, trong con người bình dị kia cũng đang ẩn tàng những tình cảm, những suy nghĩ tốt đẹp...
aa

Cô sinh viên Hạnh Nguyễn gửi thư về cho bà ngoại và người anh nuôi ở làng nói là giữa tháng Bảy cô sẽ về nghỉ hè, vậy mà mãi đến cuối tháng Tám niên học của cô mới kết thúc. Mấy năm trước, nghỉ hè đối với Hạnh Nguyễn là những chuyến đi đã trở thành quen thuộc. Đó là một buổi chia tay hoan hỉ với bạn bè trong khoa có đông đủ các giáo sư đến dự. Những chuyến xe điện náo nức người lên xuống đỗ sóng đôi ở trước ga Hàng Cỏ. Rồi một con tàu với những toa ghế cứng nồng nặc mùi thuốc lá băng băng chạy qua cầu Long Biên. Dưới khung cửa sổ kia là sông Hồng đang mùa nước với những bè gỗ từ trong gầm cầu lao ra giữa dòng, những người đàn ông cởi trần chạy đi chạy lại trên bè một cách gan dạ. Con sông Hồng sẽ gợi cho cô theo đuổi những kỷ niệm trong suốt chuyến đi.

Giống như nhiều bạn bè, quê hương Hạnh Nguyễn cũng có một con sông. Con sông Cầu bốn mùa nước trong và hiền lành như một người con gái. Làng Hà của cô nằm ở ven sông. Xuống ga là cô đã có thể nhận ra làng mình nhờ những cột khói đen cuồn cuộn phun lên từ miệng những chiếc lò gốm đang ăn lửa. Làng Hà có những lò nung hình con cóc nằm bên bờ sông và những người dân ở đó bằng hai bàn tay khéo léo của mình đã biết lấy những thỏi đất sét dẻo quánh nặn ra nồi niêu chum vại. Con sông Cầu bắt nguồn từ một triền núi gần nơi cô học, Hạnh Nguyễn cùng một số bạn bè đùm cơm nắm đi tắt đường rừng gần một ngày mới ra tới sông. Họ ngồi nhờ bè nứa của Tá Lâm nghiệp về xuôi. Chiều hôm sau, bè nứa trôi qua làng Hà. Hạnh Nguyễn chia tay bạn bè. Bị tù cẳng suốt một ngày một đêm, vừa đặt chân lên bờ là cô đã bước đi như chạy. Làng cô có nhiều ngõ, các ngõ đều bắt đầu từ con đường lớn lát gạch ở ven làng rồi chạy hun hút vào phía trong. Đường trong ngõ cũng lát gạch, dọc hai bên là bờ tường xây bằng những chiếu tiểu lèn đất. Đi trong ngõ kín như chui vào chum; một tiếng cười, một tiếng vỗ tay ở đầu xóm, đứng ở cuối xóm nghe cũng rõ. Gần hết tháng Tám rồi. Vòm trời nhẹ nhõm vời vợi một màu xanh. Mùa thu đang thả những đàn chim nhạn bay ra phơi yếm trên cao. Đó là những ngày đẹp nhất trong cả năm. Hạnh gặp bà ngoại ở sân nhà. Bà đang một tay chống gối, chậm rãi đưa từng nhát chổi trên nền gạch. Bà sờ nắn đôi vai tròn lẳn của cô, ứa những giọt nước mắt mừng rỡ:

- Mẹ mày, làm thằng Nham nó mong mỏi mắt, chậm tý nữa thì anh em không gặp nhau! Nó lại sắp đi bộ đội rồi đấy!

- Anh cháu hôm nay đi đâu, hả bà?

- Anh mày sang bãi Tiên tìm đất. Cánh đồng bên này đào mãi cũng phải hết chứ; cần để cho đất nó hồi, người ta trở về già cũng còn mòn mỏi đi nữa là.

- Bãi Tiên là đất mới, lấy đâu được đất sét mà sang tìm bên ấy!

- Các cụ cũng không tin là có, hôm qua mở hội nghị xã viên, các cụ bàn mang thuyền lên Đồng Vân mua đất cơ. Nhưng anh mày nó chưa chịu, tờ mờ sáng nó đã dậy gọi mấy người nữa cùng đi rồi.

Bà lão ngồi dựa lưng vào chân cột thềm cặm cụi giã trầu trong một chiếc cối bằng đồng nom tựa như một cái chuông nhỏ xíu. Bà trìu mến nhìn đứa cháu gái đang quét nốt mảnh sân, như muốn xem một năm qua nó đã lớn thêm được bao nhiêu. Con gái bà lấy chồng xa, mới sinh được một con bé này thì bị tàu bay của Tây bắn chết. Bấy giờ bố cháu đi bộ đội đóng ở Thái Nguyên mới nhờ người về đón cháu đi. Bố con ở với nhau được tròn ba tháng, nhưng cũng “hoàn cảnh” lắm nên mới lại phải cho cháu về đây với bà ngoại. Anh Nham cháu bây giờ chính là người đã cất công đưa cháu suốt từ Thái Nguyên về. Thế mới biết trên đời này cũng có lắm người sống tình nghĩa thật! Dạo ấy, anh đưa cháu cho bà ngoại dắt, người con bé ngẳng như cái que, lên tám cũng chỉ xuýt xoát bằng con người ta lên năm.

- Này Hạnh, để việc đấy, lại đây bà bảo!

Bà lão thì thầm vào tai cháu:

- Tao nghe phong phanh đâu như anh mày nhắm chị cả Đường ở xóm dưới, mày thấy đám ấy thế nào?

- Tùy anh ấy, bà ạ. Chị Cả đã một đời chồng, nhưng cũng chẳng kém gì cô nào trong làng.

- Là tao hỏi liệu hai đứa chúng nó có hợp nhau không, anh mày là đứa lo cho người thì giỏi, nhưng khi phải lo cho mình thì vụng đủ đường.

- Bà cứ lo xa! - Hạnh ngắt lời bà. Cô lắng nghe có tiếng chân bước thình thịch ở đầu ngõ rồi tiếng cười hồ hởi của Nham vang lên. Cô vội chạy ra đón anh. Anh đưa cả hai bàn tay chai sần lên xoa mái tóc cô. Anh nói với cô hết sức dịu dàng:

- Anh chỉ có việc gả chồng cho em nữa là xong.

Ôi chao, đôi mắt anh nhìn cô sao mà hiền lành và đáng tin cậy làm vậy!

*

Ngay buổi chiều hôm đó, ăn vội mấy bát cơm, buông bát đũa xuống là Nham đến họp luôn với đội thợ đấu. Đây là cuộc họp cuối cùng của anh với những người bấy lâu thân thuộc ở làng Hà. Trong ánh đèn dầu vàng nhòe, anh vừa phổ biến kế hoạch ngày mai toàn đội sang quật đất bên bãi Tiên vừa cố nhìn như muốn in sâu vào trong óc mình lần nữa khuôn mặt của từng người. Những người thợ đào đất đang ngồi trước mặt anh đây chính là niềm tự hào của cả làng. Mặt mũi họ suốt ngày lấm bê bết, trang bị của họ chỉ có một lưỡi mai trong tay và một miếng vỉ buồm phủ trên vai, vậy mà họ đã thay nhau đào vác không biết cơ man nào là đất. Những bộ ngực nở nang như khuôn đổ, những đôi vai để trần bóng nhẫy như đồng hun, những cánh tay rắn chắc và những khuôn mặt cả trong những lúc vật lộn vất vả nhất với đất vẫn sáng lên những nụ cười hào hứng. Họ đã từng ghé vai cùng anh mang những khối đất nhầy nhụa, chia sẻ với anh mọi nỗi lo lắng và những niềm vui trong những chuyến đi tìm đất. Anh thầm nghĩ, mai kia trên những nẻo đường hành quân đi chiến dịch hay dưới những chiến hào tiền duyên ngập ngụa bùn đất, những nụ cười này, nhưng khuôn mặt này vẫn luôn luôn gần gũi bên anh. Ở cuộc họp ra, Nham đi một lượt qua các lò đất ven sông. Ban đêm, anh có cảm giác như dòng nước đang chảy ngược chiều. Ánh sao dính nhấp nháy trên đầu các ngọn sóng. Tới gần lò ở cuối làng, ngửi thấy mùi cay cay của khói cỏ, lập tức người anh nao nao như bị say. Ngọn lửa đang bốc lên đỏ rực quanh miệng lò đắp thành hình quả đào. Tàn lửa từ miệng lò bay lên vùn vụt nom tưởng như chúng không có trọng lượng. Một vầng ánh sáng tỏa ra soi rõ những ngon tre vàng lục và lan cả ra một phần mặt sông. Những đếm như thế này người lạ đi ngoài đường nhìn vào thường thấp thỏm nhầm tưởng trong làng đang xảy ra một vụ cháy lớn. Khi Nham đi tới lò thì từ trong nhà chứa cỏ, một thằng bé chừng bốn, năm tuổi chạy bổ ra đón anh:

- Cô Hạnh đang khâu áo cho bác!

- Ngoan quá. Đằng ra đây với Bác nào!

Anh bế thằng bé lên vai, đi vào nhà cỏ. Trong ánh lửa rực rỡ từ cửa lò hắt ra, Nham nhìn thấy cùng một lúc cả hai người: chị Đường đang ngồi lùa từng ôm cỏ khô vào cửa lò và Hạnh đang hí hoáy vá chiếc áo bộ đội bị rách một miếng ở vai. Chiếc áo đó anh đã cất kỹ trong ba lô từ ngày mới rời bộ đội. Nham không chào ai cả, anh ngồi xuống một đống cỏ, đặt thằng Đằng vào lòng, cười khì khì:

- Mai tôi mặc chiếc áo này đi đây. Áo thu đông ba mươi sáu đường gian khổ đây, còn tươm chán. Bảy năm nay, mỗi lần giở ba lô lấy chiếc áo ra phơi, tôi vẫn thầm nghĩ nhất định còn có ngày mình lại được mặc vào người. Đời mình còn phải đi một chuyến nữa... Đưa chiếc áo lên mũi ngửi thấy nó đã bay hết mùi mồ hôi lính đâu. Nào nào, để tôi xem cô sinh viên khâu vá ra sao.

Hạnh cười hóm hỉnh, cô lấy răng cắn chỉ rồi trao trả Nham chiếc áo đã vá lành lặn:

- Em chỉ vá mấy mũi sau này thôi, mấy đường này chị cả vá, em không chịu trách nhiệm.

- Tôi vá dở từ hôm qua, phải bỏ đấy vì thằng bé ngầy quá.

Chị Đường quay ra phân trần. Chị khâu vá vốn khéo, nhưng ở miếng vá này thì quả là đường kim chạy lên chạy xuống không đều.

- Nghỉ tay đưa tôi đun cho một lúc, chị em nói chuyện với nhau đi!

Nham bế thằng Đằng đặt vào lòng Hạnh rồi đi về phía cửa lò, tranh lấy phần đun cỏ.

- Chúng tôi nói chuyện với nhau thỏa thuê rồi. Nghe tin cô ấy về là tôi chạy sang nhà kéo cô ấy ra đây ngay. Cô ấy vừa mới hỏi tôi chuyện đất cát đun nướng, nhưng tôi chỉ biết đun là đun thôi, anh biết gì thì kể cho cô ấy nghe. Tôi ra ngoài cào tro, lò muốn ngạt rồi.

Đường đứng dậy cầm lấy cái cào mười răng dựng ở góc nhà. Khi chị bước ra khỏi cửa, Nham mới kịp nhận ra là tối nay Đường đã mang chiếc áo màu gạch may từ mấy tháng nay ra mặc. Chiếc áo cắt rất khéo, bó sát lấy tấm thân khỏe mạnh.

- Anh sắp lấy vợ rồi đấy, cô ạ. Bà giục mãi làm anh nóng cả ruột.

- Cũng chẳng sớm nữa, anh chị định đến bao giờ?

- Để lần về sau, anh cũng chỉ mới nói chuyện với cô ấy mấy tháng nay thôi. Cắm đầu vào bùn đất, đến lúc ngẩng lên cũng chỉ thấy quanh quẩn trong làng có cô ấy là hợp mình hơn cả. Cô biết tính anh đấy, vụng lắm.

Hạnh chăm chú nhặt từng lá cỏ khô vương trên tóc đứa cháu. Nham đứng dậy rút một viên gạch trên tường lò ra, ghé mắt nhìn qua lỗ hổng. Trong bụng lò, lửa đang rừng rực cuốn lên phía trên linh động như nước gang đang chảy. Đằng sau ngọn lửa là những chiếc chum xếp chồng lên nhau nom mờ mờ tỏ tỏ. Đất đang chín tới. Đất đang đỏ lựng lên. Đất đang hóa xác để trở thành sành thành sứ. Đất đang hút vào mình sắc hồng của lửa để lên men, sức nóng của lửa để bền vững...

- Em còn học hai năm nữa nhỉ?

Nham quay lại hỏi Hạnh, khuôn mặt anh sáng bừng lên.

- Có lẽ không đến đâu, anh ạ. Thời chiến, chúng em mong chóng được ra phục vụ lắm, đứa nào cũng nóng ruột.

- Nếu em còn giữ được ý định làm đề án tốt nghiệp về sức bền của đồ nung thì phải chuẩn bị từ giờ là vừa. Anh tiếc là chẳng giúp gì được cho em.

- Em sẽ làm, nhưng em thấy khó quá. Ban đầu, em đã quan niệm hết sức đơn giản về vấn đề đó, thật ra em chỉ mới yêu đất thôi chứ hiểu đất còn rất ít... Anh ạ, có một số nhà bác học nước ngoài đã dự tính làm vỏ con tàu vũ trụ bằng một loại hỗn hợp đất nung vì chúng có một độ bền hóa học rất cao, rất khó bốc cháy khi con tàu bay trong các lớp khí quyển.

Đường từ ngoài chạy vào, mái tóc dính đầy tro:

- Tôi nghĩ, của bền tại người, như cái nồi dâu úp dưới bến đấy, suốt mấy năm nay thiên hạ lên xuống rửa ráy có rạn vỡ gì đâu. Sớm hôm nay, lúc đi tìm đất, anh cô thúc nhẹ cái lưỡi mai vào, thế là bục mất rồi.

Nham né ra, nhường chỗ cho Đường ngồi đun; anh hết nhìn Hạnh lại nhìn Đường, cười lộ cả hai hàm răng trắng bóng. Anh cười rất lâu, một niềm vui theo tiếng cười đó tỏa ra, lan sang những người xung quanh, tràn ngập cả gian nhà cỏ đậm đà hơi lửa và phảng phất mùi đất nung.

- Khuya rồi, anh và cô về nghỉ trước đi, để cháu lại đây cho tôi, đợi lửa đượm chút nữa là tôi cũng bịt cửa lò lại đây. Đến hôm nay là ba ngày rồi, đun nữa không khéo những cái ở dưới bị khê mất cũng nên.

- Ta về thôi, cô Hạnh, mai anh đi rồi, cũng phải tranh thủ chợp lấy một giấc ngắn chứ!

Hai người bước ra ngoài. Khí lạnh làm da mặt họ giãn ra, rất dễ chịu. Ánh sáng từ những chiếc lo nung hắt lên soi rõ những viên gạch lát nghiêng trên con đường làng.

Gió thổi làm một vài chiếc tiểu rỗng trong các ngõ tối kêu lên vu vu. Đã tới chỗ rẽ vào ngõ nhà. Cho tới sáng, Hạnh không sao chợp mắt được. Cô thấy mình lưu luyến với tất cả. Dường như không phải anh Nham sắp đi xa mà chính là cô, chính là con bé Hạnh Nguyễn này sắp phải chia tay với những người, những cảnh, mà cô hằng quen thuộc. Cô thao thức lắng nghe tiếng anh thở đều đặn ở giường bên. Cuộc đời anh trở nên thân thiết kể từ buổi anh đưa cô về lành Hà với bà ngoại. Anh cầm tay dắt cô ra khỏi khu rừng nứa trong khi cô nước mắt đầm đìa. Cô nhoài trở lại với cha. Trong rừng, thấp thoáng sau những bụi nứa, bộ đội đang chuẩn bị ra trận. Suốt đêm, anh cõng cô vượt qua cánh đồng Nhẫm cỏ ngập lút đầu. Ánh trăng lạnh lẽo, những con vạc đập cánh lẻ loi, những con đom đóm lập lòe. Cô ôm chặt lấy cổ anh, không dám ngẩng lên nữa. Cô nghĩ đến câu chuyện có người kể ban chiều, những thằng Tây mũi lõ trên bốt Nhẫm nửa đêm khoác áo tơi xuống đón người qua lại, miệng ê a hát trống quân, mắt xanh như mắt mèo. Đến cuối cánh đồng, hai anh em mới mừng là đã đi thoát. Họ gặp một đoàn người buôn chuyến, đàn ông có, đàn bà có; họ bước đi xôn xao và xưng hô, trò chuyện với nhau bằng đủ những tiếng tục tĩu. Anh đưa cô về đến làng, đặt cô xuống con đường lát gạch ngoài kia khi trời chưa sáng. Bà chưa kịp nhận rõ mặt anh thì anh đã đi ngay. Những năm sau này, khi nghe tin cha cô đã chết, bà chỉ còn biết mong anh. Bà đếm từng ngày, rồi bà thở dài, hay là anh cũng đã nằm lại ở đâu rồi? Chính lúc đó anh đã về. Anh đã về và bà đã ôm lấy anh mà khóc, mà mừng mừng tủi tủi... Dân làng Hà đã đón anh như đón một người con đi xa về

*

Cái tin bên bãi Tiên có đất thó chỉ một đêm đã lan ra khắp làng làm nhiều người hết sức sửng sốt. Từ bao đời nay, kể từ khi ông tổ nghề gốm dựng cái lò đầu tiên ở làng này, người ta chỉ quen tìm đất cho lò nung ở giữa cánh đồng màu. Người ta đào dần hết những thửa ruộng cao đến thửa ruộng thấp quanh làng, rồi khi mưa xuống, quanh làng nổi lên toàn ao và chuôm, người ta lại đi mua đất ở những cánh đồng khác, cứ đi xa mãi, xa mãi. Không ai ngờ bên cánh bãi rộng bạt ngàn kia lại có những dải đất sét trắng và mịn thớ đến thế. Chiều qua, khi những vầng đất đầu tiên được tổ của Nham mang về thì các cụ trong làng mỗi người véo một cục nhỏ, hết miết vào lòng bàn tay lại đưa lên mũi ngửi:

- Ông Nham ông ấy có tài Tả Ao chắc, thật là giời cho của đấy!

- Giời nào, tôi nhớ ra rồi, ngày tôi còn để chỏm có nghe các cụ kể chuyện khu bãi Tiên xưa kia là một dãy đồi trọc, mà sông thì chảy vòng vèo bên kia đồi. Nhưng cứ sau mỗi mùa nước, các cụ thấy dãy đồi trôi xuống mé sông một ít, gặp phải năm nước lớn, dãy đồi liền bị nước quấn phăng đi, khi nước rút thì người làng đều thấy nhỡn tiền là con sông đã chảy tuột qua làng mình. Bây giờ, các cụ bảo là trời đã sai Thủy Tinh lên nắn lại dòng nước, nhưng tối bảo không khéo tại cái nền đất sét này trơn mà dãy đồi không có chân bám.

Đối với Nham, việc tìm ra những dải đất sét bên bãi Tiên đơn giản hơn nhiều. Một buổi chiều, ông Kỷ, bố chồng của chị cả Đường, sai thằng Đằng đến tìm Nham lúc ấy đang bận đưa những chiếc chum mộc vào lò.

- Ông cháu mời bác lát nữa đến nhắm thịt chuột.

- Cháu về bảo với ông là bác đang dở tay, khoảng nhọ mặt bác mới sang được.

Ông Kỷ vốn là người có tài bắt chuột. Ông thông thạo đường đất trên bãi Tiên như thuộc lòng bàn tay mình. Ông hiểu được đời sống của lũ chuột ở đó và nắm được tính nết của chúng nữa. Tối hôm đó, Nham đến nhà ông Kỷ, căn nhà ở sâu trong cái ngõ hẹp dưới làng. Khi Nham đến đường đang lúi húi trong bếp, còn ông lão đang ngồi một mình ở góc phản trên nhà.

- Anh ấy đến rồi đây, mẹ thằng Đằng đâu, có cho chúng tao ăn thì bưng lên đi!

- Cả nhà vẫn chờ con đấy à? Dở tay với cái lò thành thử cứ muốn làm rốn cho xong để đêm nay có thể đốt được, ông ạ.

- Tính tôi cũng thế đấy, mó vào việc gì là cũng muốn cưa đứt đục suốt. Tôi ghét nhất sự làm ăn quấy phá, cứ y như chuột vầy cháo ấy.

- Ông mới sắm cái này đấy à?

Nham gõ ngón tay xuống mép phản, như kiểu những anh lái gỗ vẫn thường xem hàng:

- Gỗ gạo đây, làm hậu sự thì nhất vàng tâm nhì gỗ gạo!

- Anh đừng tưởng tôi đã chịu đo nay mai nhé, tôi tự lượng mình còn sống được cho tới ngày nhìn thấy thằng Mỹ phải xéo khỏi Việt Nam ta. Nhưng ngoài sáu mươi rồi cũng phải nghĩ đến cái ngày mình qua đời chứ, thế nào là người già, anh bảo! Tôi khi tôi đã nằm xuống là không còn ai phải bận bịu đến tôi nữa, cỗ hậu sự đấy, các anh cứ việc mang ra sân lắp vào, cho tôi ra đồng.

- Ông lo làm gì chuyện ấy, lúc đó đám con cháu chúng tôi khác phải có trách nhiệm!

- Đã đành, nào tối có sợ con cháu bạc bẽo gì đâu. Chính tôi lo là lo cho các anh, nghĩ việc làng việc nước cũng đã làm các anh bận tối mắt tối mũi lên rồi, việc gì chúng tôi có thể làm trước được thì cứ làm, để các anh còn rảnh tay.

Ở dưới bếp, chị cả Đường đã bày xong mấy đĩa thịt chuột ướp lá chanh, chị xếp cả vào một chiếc mâm gỗ rồi bưng lên trên nhà:

- Ông và anh nhắm rượu trước, cơm con mới vần, chưa được.

- Cho thằng Đằng lên đây, lấy thêm cho nó cái bát đôi đũa, để cánh đàn ông chúng tôi ngồi với nhau.

Ông lão vừa cúi xuống với cút rượu trắng để ở dưới chân phản vừa nói.

- Cháu nó nhông đi chơi rồi, lát nữa về nó ăn sau.

Đường lui xuống bếp. Câu chuyện của hai người đàn ông trên nhà như có món rượu đưa đẩy, mỗi lúc một hào hứng thêm. Ông lão ngồi xếp bằng, hai tay chống vào gối, nghiêng cả người về phía trước.

- Cỗ ở làng Báng, anh ạ, dù là mấy tầng giò nem đi nữa mà thiếu đĩa thịt chuột vẫn không được gọi là cỗ sang. Tôi đã xem họ thi cỗ mấy bận, ra họ ăn cũng sành lắm. Này nhé, thịt chuột hấp bỏ đầu bỏ chân, nhồi lá chanh thái nhỏ rồi mang ép vào giữa hai mặt thớt, khi mang miếng thịt ra chặt thấy cứ thơm phức và khô như thịt cầy ấy. Có bảo là thịt chuột khách lạ chưa chắc đã tin ngay cho. Nhưng nói cho cùng thì không chuột đâu ngon bằng chuột đồng bãi làng ta. Tôi là dân ngụ cư ăn mòn bát thiên hạ nên tôi biết.

- Chắc hẳn thời trai trẻ bác đi nhiều nơi lắm?

- Khi tôi về xin làm người làng Hà thì đã đứng bóng rồi. Tôi cứ nghĩ lang thang mãi có khác nào con chó rừng, cũng phải nghĩ đến việc tìm một chỗ trú chân chứ! Tôi xin làm thợ đấu cho các chủ lò nung, nhưng sự cơ cực không phải là ở trong công việc mà là ở chỗ khác, anh ạ. Cực nhất đối với tôi là vào ngày giỗ ông tổ nghề gốm mồng bảy tháng Giêng hằng năm, người ta tế nước linh đình, còn tôi quá lắm cũng chỉ được làm cái anh vác cây cờ phướn đứng ở đầu làng thôi. Ngẫm lại mới thấy đời như bây giờ nó khác nhiều rồi. Hồi năm kia, lúc bố thằng Đằng đang ốm nặng, nó có bảo tôi thế này: “Ngày xưa thì đúng là bố chỉ có một mình con, nhưng bây giờ con có làm sao thì bố còn có làng xóm...” Anh xem lúc con người ta sắp chết nói có khôn không cơ chứ!

- Gần đây, cháu thấy có người đoán bên bãi Tiên cũng có thể có đất sét, bác bảo sao?

- Thì chính tôi cũng nói thế từ lâu rồi, nhưng các cụ trong làng cứ một mực gạt đi, bảo rằng có muốn tìm cát thì sang đào chứ lấy đâu được đất sét ở bên ấy.

Ông lão cười, nhấp một tý rượu:

- Các cụ đã nói thế thì tôi cũng xin chịu.

- Nhưng bác là người thông thuộc cánh bãi bên ấy, bác phải có nhiều bằng chứng chứ.

- Tôi không nói mò bao giờ, anh ạ. Để mai mời anh sang bên bãi với tôi một buổi, cũng là dịp xem cách tôi hun chuột nữa. Bắt được con nào anh cứ thử lật bụng chúng lên mà nhìn, anh sẽ thấy răng và móng chúng cáu đầy đất sét. Giống chuột bãi làm hang sâu lắm, anh ạ. Nếu chúng lười đào hang, gặp một con nước lên, lớp sa bồi bị ẩm sụt xuống lấp mất hang thì thôi đi đời cả nút!

Ngày hôm sau, Nham theo ông Kỷ sang bãi Tiên hun chuột. Hai người lần theo lõng chuột chạy tìm cửa hang. Vết móng chân chuột in trên cát lỗ chỗ. Đến chân một gò đất cao, ông lão lấy lưỡi thuổng khẽ gạt lớp cát mỏng, một cửa hang nhẵn thín, khô ráo liền hiện ra.

- Nhà nó đấy!

Ông lão cười hả hê:

- Anh hãy chờ để tôi bịt mấy cửa hang phụ lại đã.

Sau chuyến đi ấy, ông Kỷ bắt được một đàn chuột to chưa từng thấy, còn Nham thì bắt đầu tin rằng dưới lớp phù sa sâu hàng mấy thước có ẩn những dải đất sét rất quý. Anh quyết định phải cho người sang thăm ngay vùng đất bãi Tiên. Cũng ngày hôm đó, ông Kỷ rất ngạc nhiên khi nhận ra ở Nham những tình cảm mà ông chưa bao giờ thấy. Ông hình dung một cách đơn giản, giống như những lớp phù sa giấu kín dưới nó những dải đất sét quý giá, trong con người bình dị kia cũng đang ẩn tàng những tình cảm, những suy nghĩ tốt đẹp mà người ta không thể dễ dàng nhận thấy ngay một lúc được. Ông lão biết anh ta yêu đất và hiểu đất lắm, cứ nhìn anh ta ngồi bốc những nắm phù sa trên lòng bàn tay thì biết. Quả thật, ngày hôm đó, công việc ở bãi đã khiến Nham hết sức xúc động. Anh nhớ đến cái đêm năm nào đơn vị anh vượt sông Đà. Sông Đà với những vách đá dựng đứng, những cánh rừng âm u và mặt nước bao giờ ũng sôi lên ào ào. Một bộ phận nhỏ do tiểu đoàn trưởng chỉ huy nhận nhiệm vụ vượt sông trước để chuẩn bị chiến trường. Thuyền vừa chạm bờ bên kia thì bị lộ. Địch lợi thế, từ trên bờ dốc, chúng bắn xuống xối xả. Tiểu đoàn trưởng bị trúng đạn ở bụng ngay những phút đầu. Ông hạ lệnh lợi dụng trời tối men theo bãi đất ven sông, vòng ra phía sau lưng địch, tiếp tục đi. Quá nửa đêm vẫn chưa ra khỏi cánh bãi đó. Biết không gượng được nữa, tiểu đoàn trưởng bình thản nằm xuống, nắm lấy tay Nham:

- Cậu nhớ hộ mình con bé đang sống với bà ngoại ở làng Hà.

Ông yêu cầu chôn ông ngay chỗ ông đang nằm. Mọi người chỉ kịp nán lại bên nấm mồ của người đồng chí trong khoảnh khắc vừa đủ để nói một lời vĩnh biệt: “Đồng chí ơi, đường còn dài, nhiệm vụ chưa làm xong, chúng tôi còn phải đi gấp!” Những vầng sa non ướt lạnh dưới chân, sau lưng, con sông Đà réo lên ầm ầm. Anh lính trinh sát trẻ nhất tiểu đoàn đêm ấy thầm hứa với người đã mất: “Hết giặc, nếu còn sống, tôi sẽ về làng Hà với cháu, làng Hà sẽ là quê hương của tôi”.

Thật ra, cho tới lúc đó, anh cũng vẫn chưa có quê hương. Trong cuốn lý lịch nhàu nát mang bên người, ở phần trước khi nhập ngũ, anh chỉ biết ghi vẻn vẹn một dòng ngắn ngủi: “Hồi ở nhà đi ở, mồ côi cha mẹ từ bé”.

Những ngày đầu rời bộ đội về sống ở làng Hà, Nham chưa thể hình dung hết được sự gắn bó giữa mình với mảnh đất này, nhưng giờ đây nó thực sự trở thành quê hương anh rồi.

*

Đến hôm nay, thế là mọi chuyện đã rõ như ban ngày, chỉ một lát nữa khi mặt trời lên, khi những người thợ đấu cơm nước xong vác mai sang bên kia sông, là lập tức những lớp đất sa bồi sẽ được vét đi, rồi trong ánh nắng của buổi sớm, những vỉa đất sét màu trắng có những đường vân xanh đỏ sẽ hiện ra.

Hai chiếc thuyền lớn đã đậu sẵn ngoài bến. Hôm nay cũng là ngày Nham rời làng Hà trở lại bộ đội. Con đường anh đi cũng phải qua sông. Bến sông bỗng trở nên nhộn nhịp như những năm trước đây, vào tháng Giêng, khi làng bước vào đình đám.

Những chiếc thuyền chở cỏ khô từ mạn Đáp-cầu kéo lên áp nhẹ vào bờ, ngay dưới chân các lò nung đang nhả khói. Từng dãy chum vại xếp dọc theo con đường làng. Những người từ các chợ xa về nhận hàng nâng từng cái nồi lên cao soi xem chúng có bị thủng châm kim hay không, Chùng chình mãi gần nửa buổi, Nham mới ra đến ngoài bến. Mọi người trong làng đã kéo cả ra để tiễn chân anh đội trưởng thợ đấu lên đường.

Tiếng nói chuyện ồn ào. Đã có người nhanh nhảu nhảy lên thuyền chiếm chỗ trước. Mọi người xúm lại bắt tay Nham, có những bàn tay vừa mới ngào đất nặn nồi còn chưa lau sạch cũng len vào chụp lấy cánh tay anh một cái rồi vội vàng rút ra. Hạnh dắt bà ngoại xuống tận bậc đá cuối cùng, sát mé nước. Lúc ở nhà, cô đã dặn đi dặn lại bà là ra bến bà đừng khóc nữa, nhưng lúc này hình như nước mắt bà lại càng giàn giụa hơn. Bà là người duy nhất trong làng hôm nay rơi nước mắt.

Những người thợ đấu nhảy lên thuyền, nhiều người khác cũng nhảy lên theo. Cánh phụ nữ ở lại cả trên bờ, trừ Đường và Hạnh, hai người muốn tiến Nham thêm một đoạn đường bên kia nữa. Nham ôm thằng Đằng đến bên bà cụ Hạnh, anh cúi xuống sát mái đầu bạc phơ của bà, thì thầm:

- Bà cho con gửi cháu.

Nham đặt thằng bé xuống bậc đá; bà cụ nắm lấy tay anh:

- Nhớ là phải về...

Hai chiếc thuyền nối đuôi nhau sang sông. Hơn ba chục người con kéo lên bãi Tiên. Những vết chân in chồng lên nhau trên mặt đất mềm. Nhiều luống dâu sau mùa lá đã bị đốn sát gốc, nhựa ứa ra vàng rộm trên các vết dao chém nghiêng. Những dây bí đỏ đang ra hoa. Những con chuột đồng béo núc ních chạy sục vào trong những cồn đất cao. Nắng đã trải vàng khắp cánh bãi. Những lưỡi mai sáng lấp loáng. Những đám mây trắng bay lững lờ như để mọi người biết rằng nền trời còn ở sau mãi bên trong chúng. Con nước lớn đã qua, những cơn mưa nguồn đã tạnh theo mùa hạ, sông Cầu đang thu mình hẹp dần lại giữa hai chân bãi phù sa ướt nhão. Và con đê hiện lên lửng ở mãi ngoài xa...

Khi mọi người đã dừng lại bắt tay vào công việc thì Nham vẫn còn mải mốt bước về phía trước. Nom dáng anh đúng là một người đang mặc bận. Chiếc áo bạc phếch của anh mang theo một miếng vá trên bả vai, và những vết đất từ lâu chưa giặt sạch... Hạnh đứng nhìn theo cho đến khi bóng Nham khuất hẳn bên kia đê. Cô quay lại nói với Đường:

- Chị Cả ạ, vài ngày nữa, chị sẽ nhận được thư của anh ấy thôi.

- Bộ đội họ gan lắm, không như chị em mình đâu, cô ạ.

Hai chị em theo con đường mòn trở lại bến sông. Vài ngày nữa, Hạnh sẽ trở về trường. Cô cảm thấy mình bắt đầu nhớ đến bè bạn, những người thường vẫn quen gọi tên cô bằng cả hai tiếng Hạnh Nguyễn. Cô biết rằng khi lên trên ấy, cô sẽ lại rất nhớ làng Hà. Đó là lẽ thường tình, nơi sắp phải xa thì nhớ, nơi sắp đến thì yêu, mảnh đất đã yêu rồi sẽ nhớ mãi. Duy chỉ có nơi này thôi, khi ở xa, cô sẽ không thể nào hình dung nổi đầy đủ nếu như lại quên đi hình dáng của người anh.

Cái Tôi văn hóa trong tùy bút Đỗ Chu: KHÁM PHÁ VÀ TRI ÂM Tươi tắn Đỗ Chu - Bút ký chân dung của nhà văn Tô Hoàng Người cầm súng - Truyện ngắn của nhà văn Lê Lựu Trên vành chảo Điện Biên - Truyện ngắn của nhà văn Đặng Quang Tình Hoa rừng - Truyện ngắn của nhà văn Dương Thị Xuân Quý
Tuyển tập 75 gương mặt Văn nghệ - Kỷ niệm 75 năm báo Văn Nghệ
Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Baovannghe.vn - Đọc truyện: Hà Phương; Đồ họa: Thùy Dương
Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Baovannghe.vn - Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 98/CĐ-TTg ngày 18/9/2024 chỉ đạo tập trung ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ.
Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Trong số các nhà văn nữ Việt Nam đương đại, nhà văn Vũ Thanh Lịch, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình, là cây bút văn xuôi có nội lực sung mãn. Chị là tác giả của nhiều truyện ngắn hay, ghi dấu trong lòng bạn đọc mà “Nhà Thánh” - giải nhất Cuộc thi truyện ngắn Lửa mới 2018-2019 do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức là một minh chứng tiêu biểu.
Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Baovannghe.vn - Bà ngoại chỉ nói: "Đừng thúc ép gì nhiều. Phải tội. Đời người bạc, phận mỏng, biết sao được số trời. Mày làm thế không sợ chuốc khổ cho con bé".
Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4  trên khu vực trung Lào

Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4 trên khu vực trung Lào

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, sáng sớm nay (19/9), áp thấp nhiệt đới trên khu vực phía Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa đã mạnh lên thành bão - cơn bão số 4 năm 2024.