Sáng tác

Trên vành chảo Điện Biên - Truyện ngắn của nhà văn Đặng Quang Tình

Nhà văn Đặng Quang Tình
Danh tác văn học
14:13 | 12/07/2024
Đằng này, tiếng ông Thào vẫn cứ oang oang: Chúng định phá Điện Biên ông à? Ông thì ông rang phồng chúng mày!
aa

Sự việc xảy ra quá bất ngờ. Ngày hôm nay là cả một chuỗi bất ngờ với ông Thào. Bất ngờ nhỏ nổi bất ngờ to, rồi đến cái bất ngờ họng súng chĩa thẳng vào mặt ông này.

Nuốt phải câu “làm cái que đuổi lợn đến bao giờ?” của lão Lềnh, sáng nay, ông Thào đã bất ngờ rẽ cương khỏi đoàn ngựa đi lấy đỗ tương giống, đi Pá Lau chơi. Buổi trưa, đáng lẽ phi nhanh về để kịp sửa cái chuồng lợn như đã bàn với bà Mì, ông lại bất ngờ ngoặt cương ngựa lên nương lão Lềnh. “Ta mà thế à? Ta lên cho lão ấy hầu hạ ta như hầu hạ thống lý ấy chứ!”

Thế thôi ông nằm cho lão Lềnh tiêm đủ mươi điếu thuốc phiện như ngày xưa lão vẫn tiêm hầu thống lý Vàng Seo Tả. Đến lúc mặt trời chấm đỉnh Tào Sa ông mới mơ màng cưỡi ngựa ra về.

Đến suối Huổi Xó, ông xuống ngựa, phát đét vào mông ngựa, ra hiệu cho nó lên dốc trước rồi vục mặt xuống dòng nước mát, uống... Và đến khi ngẩng lên thì. Trời ơi! Một họng súng lạnh chĩa vào giữa trán.

- Đứng im!

Một toán biệt kích quần áo chẽn xám tay lăm lăm súng vây chặt lấy ông. Tên cao lớn nhất bọn tôi tuột ông vào khúc suối phía trong, giạng chân, chống tay, hoa súng, đợi cho ông đủ hết vía mới dẩu cái mõm như mõm chó vào tận mặt ông:

- Tao sẽ giết mày ngay bây giờ!... Bắn tại đây! Bọn phi Cao chúng mày không đứa nào chịu về với quan năm Vàng Lau là thế nào?

Nhìn điệu bộ trấn áp của tên biệt kích, ông Thào trấn tĩnh lại ngay: “Đúng là cái kiểu bọn phỉ Tào Sa trước đây. Nó chưa giết ta ngay đâu, mà còn cần cái gì đấy!”

- Thưa quan hai! Nó đã biết sợ.

Một tên loắt choắt phía sau lách lên. Rồi chuyển từ cái giọng cò mồi sang giọng quát lác, nó nói với ông Thào:

- Mày bằng lòng làm cái que đuổi lợn cho quan hai chứ? Thằng chết toi!

“A, giọng nói nghe quen quen”. Ông Thào đưa mắt nhìn tên biệt kích. Hóa ra nó là Vàng A Tủa, con Vàng Seo Tả.

Tên biệt kích đã nhận ra ông: đôi mắt trắng dã hết trợn tròn lại nheo nheo. Nó mừng quýnh:

- Tưởng đứa nào, hóa ra mày!

Nó quay lại tên chỉ huy:

- Thưa quan, con ma xó của Tào Sa đây! Bây giờ lên trời cũng được, kể gì cái đỉnh Đầu Ngựa.

Tên chỉ huy vội lừ mắt, nhưng A Tủa vẫn không bớt được cái mồm. Nó sướng như vớ được thố bạc trắng. Nhiệm vụ trong chuyến đi này của nó với cương vị toán phó là đưa được cả bọn lên đỉnh Đầu Ngựa cao nhất dãy núi Tào Sa. Mười năm bây giờ mới trở lại, cả vùng lại biến đổi, như là chuối rách thành vuông vải đỏ, nên địa bàn, bản đồ, ký ức cũng chẳng ăn thua gì, hai ngày nay cả bọn cứ loay hoay mãi ở ngọn suối chết tiệt này. “Long Chẹng” đã hai lần giục hỏi và cho biết “U Đon” cũng rất sốt ruột. Tên toán trưởng đã có lần chửi nó là đồ ăn hại.

- Thưa quan, đây là thằng Giàng A Thào tôi đã nói với quan trước khi đi.

Trời chỉ cho ta gặp nó đấy.

Ông Thào thì nó còn lạ gì. Ông đã từng làm hộ vệ của bố nó khi xưng vua ở vùng này năm 1958. Bố nó không nhanh tay thì ông đã chết dập xác dưới vực Phi Nhùa rồi. Chả là, vừa học thuộc câu thần chú do vua truyền chi, ông đã cắp lá cọ định bay từ đỉnh Đầu Ngựa xuống Phi Nhùa. Bố nó bảo: “Những thằng u mê thế này rất cần, không thể để chết phí được!” Hai tháng sau, bọn chúng thất bại phải chạy sang Lào. Không muốn xa bà Mì, ông Thào trốn ở lại. Khi biết tin bố nó đã ném giận, gửi theo cho ông hai lạng thuốc phiện. Những tin tức gần đây của lào Lềnh đều nói, ông Thào vẫn tin cậy được.

Tin thì tin, nhưng chính tay A Tùa lấy dây dù trói giật cánh khỉ ông Thào choàng thòng lọng vào cổ.

Bọn biệt kích tiếp tục ngược suối tiến sâu vào, không một đứa nào đặt chân lên bờ. Ông Thào đi giữa toán. Hai tên cầm súng kèm hai bên. Đằng sau, tên cầm dây dong ông như dong trâu đi giết.

Ông Thào lập cập bước, liên tiếp giẫm phải những hòn đá tròn đầy rêu trơn ngã dúi dụi, nước suối bắn tận ngực.

Trong rừng, trời tối rất nhanh. Mặt trời vừa khuất, bóng đêm ập xuống ngay. Toán biệt kích chui lên một rừng vàu sửa soạn chỗ nghỉ.

Ông Thào bị buộc vào một gốc cây vàu, nằm khòng kheo như con trâu già kiệt sức, đầu óc rối mù lên.

“Trời ơi! Làm thế nào bây giờ. Mồi hết thì chó vào chảo. Lên được Tào Sa, chúng sẽ cho ta xuống Phi Nhùa. Tại sao cái thân ta lại đến nỗi này?... Chắc ngựa đã về đến nhà!... Vợ ta đang cuống lên đây! Không, chắc bây giờ họ đã lên đường. Bua Sềnh ta mới nên nỗi này! Sao nó lại la mắng ta là kẻ phá rừng? Mà cũng tại vợ ta. Sao nó bảo ta là cái đuôi của lão Lềnh! Nếu lão không ép ta hút đủ mười điếu thì làm gì mà ta gặp biệt kích!... Tại Bua Sềnh chứ! Sáng nay nó cứ nhất định không cho ta đi lên Pá Lâu như cấm không cho ta đốt bãi săn nai thì đâu đến nỗi này. Mà cũng vẫn tại cả vợ ta. Tối hôm qua nó đừng nói với Bua Sềnh ‘Chồng ta giỏi việc, đừng thúc ép nó quá!’ thì đâu đến nỗi sáng nay Bua Sềnh lại kém kiên quyết như vậy!”

Tại Bua Sềnh, tại lão Lềnh, tại bà Mì... đầu óc ông Thào cứ rối mù lên. Tính ông vốn thế. Chín mươi chín cái hỏng là do người, chỉ mỗi một cái đúng là do ta.

Đã cạn nghĩ, khi nghĩ ông là ông Thào nói ngay. Thường sau mỗi lần la cà ở nhà lão Lềnh về là y như ông sinh chuyện với hợp tác xã. Ông chê gạo ruộng nhạt cơm, áo bông mậu dịch bí hơi. Ông nói oang oang trong cuộc họp làm mọi người bật ra cười còn bà Mì thì xấu hổ muốn chui ngay xuống đất.

Nhưng đúng như bà Mì nói: ông lại là người làm ăn giỏi. Dăm nhát búa thành ngay lưỡi dao, một nắm thanh xoan cũng thành thuốc súng, nương dốc mấy ông cũng cày được. Nhìn ông xoạc cẳng dọc với đường cày, lách lưỡi cày to tướng ở phía trên, con trâu mộng đi băng băng hết hàng dưới đến hàng trên, chàng trai Mèo nào cũng phải thèm. Ông không thể chịu được cảnh vô công rồi nghề. Lão Lềnh bảo “cây lanh xô đổ cây thông” ông còn im được, chứ bảo đừng làm việc là ông mắng ngay: “Vứt cái mồm thối của lão đi”.

Ăn tối xong, lũ biệt kích lăn ra ngủ, chẳng đứa nào vứt cho ông được mẩu bánh. Bụng ông đói cồn lên như có người đang cào bới, rứt tung ra. Nhưng khổ nhất là khắp người tê dại vì cái thế bị trói gô như lợn không sao trăn trở được: mặt mũi, chân tay giơ ra chịu cho muỗi đốt. Nghe tiếng mối rào rào ăn đêm bên cạnh, ông cứ nghĩ: chỉ tý nữa thôi là đàn mối sẽ đục thủng người ông. Thật kinh sợ khi thấy cái chết đang đục khoét mình mà mình không làm gì được. Vì không chịu chết mòn trong rừng nên khi hiểu được “vua ra” chỉ là chuyện bịa của cha son Vàng Sep Tả, ông Thào đã kiên quyết bỏ chúng về bản, cũng như trước đó, tưởng “vua ra” thì phép màu hiệu, “đá biến thành trâu, cỏ may biến thành lúa”, ông đã túm ngay phải cái đuôi ngựa của chúng.

Dứt được bọn phỉ về nhà, được bà Mì vẫn thương, người bạn từ thuở đánh quay, Bua Sềnh, mới ở bộ đội về hết lòng giúp đỡ ông, đã gây dựng được cuộc sống” chưa giàu nhưng sẽ là có; chưa thật sướng nhưng đã hết khổ”, nhất là cái khổ làm trâu, cho chó Vàng Seo Tả, cái khổ lúc nào cũng nơm nớp sợ cha con nó cướp mất bà Mì.

Bây giờ bọn mày lại về đây. Ông Thào thừa biết lũ chồn cáo rồi sẽ cúp đuôi mà chạy, nếu không muốn chết; nhưng cay đắng thay, thân ông lại trở thành con gà đầu tiên của chúng.

- A Thào, mày còn thức đấy chứ? - A Tủa đến, lấy mũi giày đá vào lưng ông Thào hỏi.

- Tao không ngủ.

Tên toán trưởng cũng đến. Hai đứa ngồi xổm ngay trên đầu ông Thào.

- Mày không muốn chết đấy chứ? - Tên toán trưởng lên tiếng.

- Được! không trả lời muốn chết là muốn sống. Muốn sống thì nghe đây: đưa được chúng tao lên Tào Sa thì tao cho về. Nếu muốn đi Long Chẹng cho sướng và bọn dân quân khỏi trả thù cũng được. Bọn dân quân có hay lên Tào Sa không?

Tý nữa thì ông Thào buột mồm nói “có”.

- Không, chúng không lên Tào Sa bao giờ.

- Mày không nói dối đấy chứ? Coi chừng!

Rồi nó nói với A Tủa:

- Cho nó một túi gạo hấp, nới dây trói tay cho nó ăn, nhưng phải coi chừng. Nó mà chạy thì mày mất đầu.

Tên toán trưởng bỏ đi. Còn lại A Tủa, nó gợi chuyện:

- Con Mì vẫn đẹp chứ?

- Nó già rồi!

- Chắc vẫn đẹp. Mẹ nó! Cả Long Chẹng chẳng đứa nào đáng làm chân váy cho nó. Toàn một lũ nghiện oặt môi thâm, tóc xoăn như lông chó phải lửa. Mày bảo: gặp tao bây giờ nó thế nào?

- Nói gọi dân quân ngay.

- Con ngựa ghẻ, mày dám mở mồm nói với tao thế à?

- Tao chỉ nói cái sẽ xảy ra thôi.

- Ô hô! Cái đó không xảy ra được đâu. Chúng mày tưởng - nó dài giọng ra - truyền thông Điện Biên của chúng mày ghê lắm hả? Mấy hôm nay cái đài Mèo Tây Bắc chúng mày cứ ve ve kêu “Phát huy truyền thống Điện Biên...” Rồi mày coi đứa nào Điện Biên đứa nào? Chúng mày Điện Biên Pháp, còn chúng ta sẽ Điện Biên chúng mày!

Không hiểu hết câu nói theo lối Mỹ của A Tủa, nhưng ông Thào đã mường tượng ra chúng có âm mưu gì đấy với ngày kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ sắp tới. Ở hợp tác xã, mọi người cũng đang tấp nập chuẩn bị cho ngày này... Đúng rồi! Tào Sa đứng ngay trên đầu nói đại thủy nông Nậm Rốn đến ngã ba Pắc Nậm. Bọn này mang vác cồng kềnh, nhiều đứa đeo sau lưng những ống tròn dài. Chắc đạn rốc-két.

Ông Thào chợt thấy đau nhói giữa ức. Mỗi khi bị xúc động mạnh ông thường như vậy.

“Ta đến nỗi thế rồi ư? Bọn chúng không cả thèm giấu ta âm mưu. Đúng lão Lềnh là tay sai cho bọn này rồi. Chỉ có lão mới nghe được hết những lời nói bất mãn của ta với hợp tác xã và đem nói với giặc, nên chúng mới cho ta là chó cùng bọn, dê cùng bầy, vừa mới gặp đã mừng ra mặt vậy! Chà, lão Lềnh! Chả thế mà mày sẵn thuốc phiện đến vậy!

Nhưng mày lầm rồi, Lềnh ơi! Mày tưởng lời thối tha của mày đã ngấm vào tao đấy hẳn? Mày tưởng tao nói lung tung như vậy là tao không ưa bát cơm trắng, thích cục cứt chó đấy hẳn? Mày tưởng tao chán sống ở nhà, muốn đi làm trâu, chó cho Vàng Seo Tả à?”

Bọn biệt kích rất thận trọng, chờ sáng bạch, xem xét xóa hết mọi dấu vết nghỉ đêm, mới lên đường và vẫn tiếp tục lội suối mà đi. Ông Thào đi thứ hai, vẫn bị trói cả tay lẫn cổ, có đứa dong. A Tủa đi sát bên ông luôn mồm hỏi: “Sắp đến chỗ rẽ lên yên ngựa Phiềng Sàng chưa? Sao cứ loanh quanh mãi vậy?”

Đi mãi rồi cũng phải đến chỗ rẽ lên. Một bãi cỏ gianh cao vút đầu người.

Bọn biệt kích lôi trong ba lô ra những cái móng nai nhỏ bằng nhựa lắp vào đế giày và bao tay, rồi chia làm hai tốp rẽ cỏ gianh, hàng một bò lên núi. Một lối để lại những vết nai đi xuống, một lối là những vết nai đi lên. Tên toán trưởng rời bờ suối cuối cùng trước khi xem xét kỹ, không để lại một dấu vết con người.

Ông Thào được chúng cởi dây trói tay và cũng được phát một đôi giày, một đôi bao tay có lắp móng nai. Không quen sử dụng của lạ này, vừa đặt chân lên bờ, ông đã ngã dúi dụi vào một gốc vàu.

Lên đến yên ngựa, đứa nào đứa nấy mệt nhoài vì lối bò như chó, chúng ngồi phệt xuống cỏ nghỉ. Tên toán trưởng ra lệnh cất móng nai vì các dấu vết như thế là đủ rồi. Bây giờ lũ chúng chẳng khác gì đã đến đây bằng những đôi cánh câm, vô hình kỳ diệu. Như vậy là kế hoạch bước một của chúng đã hoàn thành. Chúng yên trí giở lương khô ra ăn. Toán trưởng vui ra mặt, mang đến cho ông Thào cả một thanh sô cô la.

Nghỉ một lúc lại lên đường. Nhưng vừa đi được một đoạn thì tên đi đầu dừng lại, cúi rạp người xuống. Cả bọn phía sau vội tản ran, mặt mày tái mét.

A Tủa vội lách người trườn lên và cũng đứng sững lại.

Ông Thào biết chúng dừng lại vì cái gì rồi, nhưng khi lên đến nơi, ông cũng không khỏi sửng sốt. Dưới chân núi, trước mặt mọi người, bãi Phi Cao lộng lẫy như chiếc dù hoa khổng lồ tươi rói sắc màu, xòe rộng trên nền vàng nhạt của cỏ gianh.

- A Thào! Phi Cao đây hả? Cái gì đỏ chói ở góc kia? Dưới ruộng... ruộng nước! Này, còn cái vệt vàng giữa đám xanh xanh kia là gì? Ái chà, vệt đỏ kia hẳn là đường ô tô.

A Tủa rối rít hỏi, ngẩn ra.

Ông Thào cũng đứng lặng người đi. Chưa bao giờ ông thấy quê hương ông tươi đẹp giàu có thế này. “Chao ôi, phơi nắng mới thấy suối mát; lao đến bờ vực, mới biết Phi Cao ta không phải thường. Những chấm đỏ kia là mái ngói bệnh xá, cửa hàng mậu dịch. Vệt vàng là đàn bò của hợp tác xã. Và ruộng nước... thì đúng là ruộng nước rồi, nhưng đâu chỉ có vậy, nó còn ôm lấy chân núi bên kia nữa chứ! Một niềm tự hào chưa từng có tràn ngập lòng ông Thào.

- Chúng mày kinh ngạc lắm à? Chúng mày há mồm ra mà nhìn cho rách mõm đi! Chúng mày trợn mắt lên mà nhìn cho nổ tròng đi. Phép màu thời “vua ra” của chúng mày cũng chỉ mới nghĩ được đến trâu và lúa. Phi Cao của tao bây giờ không những có lúa, có trâu mà còn có cả bò và đậu tương, có cả ô tô lên xuống.

- Nhìn cái gì? Đi ngay!

Tên toán trưởng quát to, lùa cả bọn đi gấp vào sống núi. Giọng hằn học, A Tủa nói với toán trưởng:

- Cọp bắt chúng nó đi! Thế này thì đứa nào chịu vượt biên? Phải bắn cho nát cái Phi Cao này đi. Cả đời bố tôi bắt úa khế, cũng chỉ được đám ruộng bằng bàn tay. Thế mà chúng nó ruộng nọ nối ruộng kia như suối. Đứa nào cầm đầu cái Phi Cao này, phải băm nó ra từng mảnh!

“Hừ! Bua Sềnh thế mà giỏi. - Nghe câu nói của A Tủa, ông Thào nghĩ ngay đến Bua Sềnh - Bạn bè thế mà tài. Không phải kẻ sai, bảo cũng đáng người khiến sai. Thế mà ta cứ ương bướng với nó như con dê con, càng thấy nó nhường, càng húc bậy! Chúng mày định phá Phi Cao tao à? Rồi chúng mày sẽ biết tay chúng tao!”

Càng nghĩ ông Thào càng thấy lòng phấn chấn, quên phăng hiểm nguy trước mắt mà cứ đinh ninh rằng bọn này sẽ bị tiêu diệt.

Đến eo núi... ông Thào bảo chúng nó xuống thung lũng bên trái.

- Sao không đi thẳng lên?

- Đi thẳng lên rồi cũng được thôi, nhưng sườn Rung Lây bị mưa sụt mất rồi, không có chỗ đặt chân. Giỏi thì có thể bò qua, nhưng dân quân ở Phi Cao nhìn lên sẽ thấy như ruồi bò trên miếng thịt ấy. Vừa nói, ông Thào vừa lấy chân gạt đám cỏ gianh cho A Tủa và toán trưởng hiểu rõ tình thế.

Tên toán trưởng chấp nhận ý kiến của ông Thào, ra lệnh cho cả bọn rẽ xuống thung lũng. Dù có bị chậm một chút, nhưng chắc chắn thì vẫn hơn. Vả lại thời gian hãy còn; hôm nay mới là mùng năm.

Và đêm hôm ấy, ông Thào và lũ biệt kích lại ngủ bên một khe nước của ngọn suối Huổi Xó.

*

Để bù lại thời gian phải đi vòng và cũng là để tránh nắng, bọn biệt kích trở dậy lên đường rất sớm mặc dù đứa nào đứa nấy đều đã rũ ra như gà bị dịch. Ông Thào cũng mệt bã cả người chẳng buồn nhấc chân, làm tên toán trưởng đã phờ ra vẫn phải quát giục.

Cả bọn bước một... bước một ngược thẳng lên sườn núi dựng đứng, dày đặc cỏ gianh và gai cây mâm xôi.

Mới sáng ra trời đã nắng gắt. Mồ hôi ông Thào tuôn ra như tắm. Bọn biệt kích càng khổ hơn, vì quần áo bó chặt, vũ khí nai nịt đầy người, lại còn những ba lô rốc-két nặng trịch sau lưng.

Gần trưa mới lên được tầng núi thứ nhất. Cả bọn lăn ra đất như lợn. Nhai xong một gói bánh, tên toán trưởng nói với ông Thào:

- Chiều nay có lên được chân mỏm Đầu Ngựa không? Sáng mai không lên được đỉnh Tào Sa thì tao chặt đầu. Thằng chết thối, ngày mai là mùng bảy rồi!

Nó chống tay nghển cổ động viên bọn lính:

- Còn một đoạn ngắn nữa thôi, anh em ơi! Sáng mai nổ súng là có trực thăng đến bốc đi ngay. Đến trưa là chúng ta có mặt ở Long Chẹng rồi, tha hồ nghỉ ngơi, lĩnh thưởng.

Rồi nó cố bứt đít khỏi mặt đất, ra lệnh tiếp tục cuộc leo núi mà cả đời bọn chúng không bao giờ quên được.

*

Về chiều, trời càng nắng, sườn núi như bốc lửa, cỏ gianh cong mình nổ lách tách. Cái nắng rọi thẳng vào gáy làm đầu óc con người mụ đi. Đi thẳng thì không có sức, mà cúi xuống thì như úp mặt vào lò lửa. Mồ hôi biến thành một thứ dầu nhơn nhớp bết chặt vào lưng, vô cùng ngứa ngáy bứt rứt. Mồm chát ngắt, môi trên dính chặt vào môi dưới. Không gian tịnh không một tiếng chim, một ngọn gió, càng làm con người căng thẳng như có thể nổ tung ra được.

Bọn biệt kích không còn đội hình gì nữa, rải ra khắp sườn núi. Một tên mệt và ngột quá gục ngay xuống đất nôn ọe tới mật xanh mật vàng. Lại một tên nữa say nắng đang gập người đi, thì lờ đờ đứng thẳng dậy... rồi ngã lăn quay xuống dốc. Cả người, cả đạn rốc-két lăn đi hàng chục vòng.

Ông Thào cũng mệt thắt ruột lại, mồm há hốc, nhưng thấy lũ biệt kích nẫu ra như cái tàu luộc, trong lòng ông vô cùng hể hả: “Sướng đời chúng mày chưa? Trời nắng được nữa cứ nắng đi. Nắng cho chúng mày chết cong như miếng thịt nướng ấy”.

Song, cái hể hả nhìn lũ giặc sống dở chết dở cũng không át được nỗi lo lắng trong lòng ông. Ông luôn ngước đôi mắt đỏ ngầu lên nhìn lưng núi, mặc dù nhìn như vậy chẳng khác gì hứng lấy nắm cát bỏng ném vào mắt. Càng gần tới đỉnh lòng ông càng thắt lại, nỗi lo lắng càng lớn.

Kia rồi... Những chùm quả mâm xôi đỏ chót đã hiện rõ trên nền trời xanh... đỉnh núi đây rồi! Từ lúc này, ông Thào không sao rời mắt khỏi được những làn cỏ gianh thỉnh thoảng lại rung rung như nếp váy động ở phía trên.

Cỏ gianh rung động không đánh lừa được ông Thào, nhưng ông Thào cứ muốn mình bị lừa, muốn chúng rung động không phải vì những làn gió nhẹ thường có về chiều trên các đỉnh núi, mà là vì con người. Song, hoang vắng vẫn hoàn toàn hoang vắng.

Ông Thào nằm gục xuống sườn núi nhìn bọn biệt kích, từng đứa, từng đứa... không phải là bò nữa mà là lết lên đỉnh núi. Không đứa nào nói một lời. Chúng vứt tung đồ đạc, súng đạn lăn ra thở. A Tủa và tên toán trưởng cũng mỗi đứa lăn ra một góc, nằm ngửa, dang tay, duỗi chân, nhắm nghiền mắt lại tận hưởng cái nghỉ ngơi sau một ngày trèo leo thừa sống thiếu chết.

“Thôi, thế là hết!”, ông Thào vừa ngán ngẩm thốt được mấy tiếng thì đỉnh núi vang lên tiếng thét:

- Nằm im! Động đậy tao bắn chết!

*

Tính toán của ông Thào đã không nhầm.

Chiều hôm kia, khi thấy ngựa về một mình, bà Mì lập tức kêu trời lên rồi vội vã đi tìm Bua Sềnh. Nhất định có chuyện chẳng lành rồi, ông Thào và ngựa có bao giờ rời nhau. “Ngựa nặng thì người dắt, người say thì ngựa kéo cơ mà”.

Bua Sềnh dẫn ngay tiểu đội du kích cơ động, cùng bà Mì theo ngựa đến ngay Huổi Xó đêm đó. Đêm tối không tìm được dấu vết gì, Bua Sềnh đàng ra lệnh nghỉ lại và phái liên lạc về xã báo cho xã đội trưởng, nhận định của ông là ông Thào có thể đã gặp phải biệt kích và đường từ bản đến đây không có vực sâu nguy hiểm nào và đề nghị cho báo động, triển khai phương án tác chiến một.

*

Suốt đêm, Bua Sênh không ngủ được và càng nghĩ, ông càng khẳng định giả thiết của mình là đúng. Mấy hôm nay máy bay địch hoạt động có vẻ khác thường. Trong lúc lũ phản lực đánh phá lòng chảo Mường Thanh thường có T.28 hặc AD.6 bay thấp dọc theo biên giới và dãy núi Tào Sa.

Sáng hôm sau, có thêm một tiểu đội du kích xã đội phó chỉ huy tới tăng cường. Quan sát kỹ xung quanh, không thấy dấu vết gì, Bua Sềnh chia đôi lực lượng, một do xã đội phó chỉ huy đến Pa Hoc, một do ông dẫn đầu đến Pa Kha, là hai địa điểm từ vùng này có thể lên mỏm Đầu Ngựa hoặc sang Pá Lau. Chính ông Thào đã đoán được ý này của Bua Sềnh nên khi đi trong mạng suối Huổi Xó, ông đã cố ý kéo bọn biệt kích đến đúng bãi Pa Kha mới lên.

Đến Pa Kha, tìm mãi thấy toàn vết chân nai, mọi người đã tưởng không có gì thì Bua Sềnh phát hiện ra một bụi cỏ ống có mấy ngọn bị dập và bụi lau ở đó có vết bùn. Vết bùn gọn của người cố ý quệt, chứ không nhòe nhoẹt như vết nai cọ vào. Dưới mấy ngọn cỏ bị dập còn có vết lõm nhẹ, đúng là đầu gối của người tỳ xuống.

- Các đồng chí, đây là dấu vết của A thào để lại cho chúng ta. Tất cả lên núi nhanh. - Bua Sềnh dẫn đầu mọi người theo vết chân nai đi lên, mắt bám sát các ngọn cỏ để đề phòng bọn địch gài mìn.

Lên đến núi Phiềng Sàng, rõ ràng hướng đi của địch là mỏm Đầu ngựa chứ không phải nơi nào khác, cho nên khi đến động Lay thấy dấu vết địch đi vòng xuống thung lũng phía bên Lào, Bua Sềnh hiểu ngay: ông Thào có ý dẫn địch đi vòng cho dân quân vượt trước đến chốt ở mỏm đầu Ngựa, nơi duy nhất có thể vượt lên đỉnh cao nhất của Tào Sa.

Bua Sềnh thán phục ông Thào có mắt quân sự giỏi. Nếu địch lên trước được, chúng chỉ cần bố trí ba tay súng ở phía trên thì dân quân khó lòng lên được. Bọn ở trên tha hồ gây tội ác và đợi trực thăng đến cẩu đi.

Tiểu đội du kích lập tức chia đôi: bộ phận nhỏ tiếp tục bám theo vết địch, bộ phận lớn theo Bua Sềnh chạy thẳng lên cổ mỏm Đầu Ngựa. Và họ đã kịp đến trước, dàn trận địa đợi cho lũ biệt kích bị ông Thào hành cho thừa sống thiếu chết lên đến nơi, là xông ra tóm gọn.

*

Nghe tiếng thét như sét đánh, bọn biệt kích hoảng hồn nằm gí xuống đất không dám cựa quậy. Chỉ có A Tủa và tên toán trưởng liều mạng vùng dậy, nhào đầu lao xuống núi.

Băng đạn của Bua Sềnh nổ vang phạt đổ ngay tên toán trưởng. Còn A Tủa ở thấp hơn, đạn chì vút qua đầu. Nó vội nằm rạp xuống chui vào các búi cở gianh như rắn trườn. Nó vừa trườn được một đoạn thì nghe tiếng đàn bà kêu lên: “Bua Sềnh! Một thằng biệt kích!”, đồng thời một lưỡi dao sắc lạnh đặt ngay vào cổ. Nó vội rúm người lại, ú ớ kêu:

- Tôi xin hàng! Tôi xin hàng... Đừng giết!

Đến khi được dựng cổ dậy, nó nhận ra người đàn bà trước mắt nó là bà Mì. Bà Mì cũng đã nhận ra nó - con quỷ dâm dục, đã có một thời làm hại đời bà. Nhưng bà cũng chẳng có thì giờ chửi nó một câu. Bà vội chạy lên chỗ ông Thào.

Bua Sềnh cũng đã trói xong tên biệt kích cuối cùng, cùng bà quay lên bãi. Anh em du kích đang quây lấy ông Thào vội dạt ra nhường lối. Ông Thào bỗng òa khóc như trẻ con, chạy bổ xuống, cái dây thòng lọng vẫn còn lòng tòng phía sau.

Bà Mì không giận ông Thào đã không chạy lại với bà, mà chạy đến với Bua Sềnh. Bà lấy vạt đáy sề chấm những giọt nước mắt, nhìn hai người đàn ông thân nhau nhất mà cũng hay gây gổ với nhau nhất gặp nhau.

Hai tay ông Thào nắm lấy tay Bua Sềnh:

- Bua Sềnh, tôi biết thế nào cũng không bị bỏ rơi!

- A Thào! Tha lỗi cho tôi. Tôi nóng tính lại không biết nói năng. Từ lúc tìm được dấu vết của A Thào ở bụi vầu Pá Lau, tôi biết thế nào cũng gặp nhau ở đây.

- Tôi cũng tin như vậy khi giả vờ ngã để quệt bùn vào gốc vầu. Không phải lỗi tại Bua Sềnh, tự tôi đâm đầu vào tình cảnh này đấy chứ! Ôi chà! Ba ngày vừa qua bằng cả một đời người. Ba ngày làm tôi sáng mắt ra. Hóa ra vợ tôi nói đúng: mình chỉ là cái đuôi của lão Lềnh, mà cứ tưởng là ghê gớm lắm. Phải bắt ngay Lão Lềnh! Nó là tay sai của Vàng Lau đấy!

- Bắt hay không còn phải có ý kiến của huyện. Còn lão Lềnh làm gì chúng tôi cũng biết từ lâu rồi.

- Biết sao không bắt? - Ông Thào bắt đầu nổi cáu - Du kích các anh làm ăn thế à?

Như thường tình, ông Thào nổi cáu là Bua Sềnh nhịn và ông Thào càng được nước.

- Phải bắt ngay! Không dám làm, thì thôi làm chỉ huy, để người khác làm.

Bà Mì vội chạy lại.

- A Thào, sao lại thế? Không phải Bua Sềnh chỉ huy thì chắc gì ta đã gặp lại nhau thế này. Thôi đừng có gân cổ lên nữa. Ăn cơm đi! Không đói à? Ba ngày nay ăn cái gì?

Thấy ông Thào vừa nói được hai câu đã to tiếng với Bua Sềnh, anh em du kích bật cười. Tính nết con người khó sửa đến thế. Nhưng cái lý do nổi cáu thì đã thay đổi ngược hẳn lại rồi.

Bua Sềnh vừa cười vừa đi lại chỗ anh em du kích ra lệnh tập trung vũ khí, đồ đạc của địch, và chuẩn bị giải chúng về Phi Cao. Ở nhà còn bao công việc đang đợi. Cuộc mít tinh kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ ngày mai không thể thiếu Bua Sềnh được. Đằng này, tiếng ông Thào vẫn cứ oang oang:

- Không bắt là không được! Phải bắt nó lê bò trên sườn núi này, như tôi bò hôm nay. Bắt nó bò đến phát điên phát cuồng lên như chủ nó bò đến phát nôn mửa ra, bò như kiến bò quanh chảo mỡ sôi ấy!... Ha! Chúng định phá Điện Biên ông à? Ông thì ông rang phồng chúng mày!

Điện Biên, ngày 15 tháng 3 năm 1974

“Bố bản” Đặng Quang Tình Anh bộ đội và lũ trẻ nhỏ - Truyện ngắn của nhà văn Hải Hồ Tào Lường - Truyện ngắn của nhà văn Tô Hoài Đánh trận giặc lúa - Truyện ngắn của nhà văn Bùi Hiển Người cầm súng - Truyện ngắn của nhà văn Lê Lựu
Tuyển tập 75 gương mặt Văn nghệ - Kỷ niệm 75 năm báo Văn Nghệ
Trôi giữa hương sen nghịch mùa - Truyện ngắn của Đinh Thành Trung

Trôi giữa hương sen nghịch mùa - Truyện ngắn của Đinh Thành Trung

Baovannghe.vn - Mây đen tan. Nắng nhẹ. Hương sen còn sót hòa cùng hương bùn đánh dạt mùi khói xe, đưa nụ cười của hai người đàn ông lấp đầy mi mắt đang nhìn về phía mặt trời.
Nhà thơ Anh Ngọc bình thơ "Thề non nước"

Nhà thơ Anh Ngọc bình thơ "Thề non nước"

Baovannghe.vn - Bài thơ Thề non nước không chỉ là lời tự tình đằm thắm của một tâm hồn thủy chung, tin cậy mà còn cất giấu trong mình một bức tranh thiên nhiên tráng lệ và quyến rũ mê hồn vì một vẻ đẹp như sinh ra bởi con người và cũng chỉ dành để cho con người.
Nhà văn Nguyễn Chí Trung

Nhà văn Nguyễn Chí Trung

Baovannghe.vn - Nhà văn Nguyễn Chí Trung trưởng thành từ thiếu sinh quân. Đi lính từ bé và làm cán bộ đại đội từ trẻ - ngày nền nông nghiệp của ta xứng danh với cái tên “nghèo nàn và lạc hậu” thì ông hòa nhập vào lớp thanh niên “vượt lên hàng đầu, vượt là vượt như tên bay”...
Đại biểu Quốc hội: Làm rõ "Tiêu chuẩn Việt Nam" trong áp thuế tiêu thụ đặc biệt

Đại biểu Quốc hội: Làm rõ "Tiêu chuẩn Việt Nam" trong áp thuế tiêu thụ đặc biệt

Baovannghe.vn - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Tám, sáng nay, 22.11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội đã nghe Tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Bản tin Văn nghệ ngày 22/11/2024

Bản tin Văn nghệ ngày 22/11/2024

Baovannghe.vn - Bộ VHTT&DL tổ chức hội nghị triển khai Chỉ thị 30/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam.