Trận địa đại hội hai ở phía bãi bồi bên một dòng sông. Những đêm mưa ngâu đột ngột nước sông chảy ồ ồ vào ao bèo, cống rãnh, làng bãi và con ễnh ương vội vã dứt bỏ chiếc bọt bong bóng nhảy lên lưng bờ tre phồng bụng kêu gào thì pháo lùi vào trong đê quai. Nước rút đi, chỉ có mảng bèo tây, những đoạn chuối, quả bòng vàng ủng, quả bàm bàm vỏ cứng và vô số cặn rác đụn lại dưới gốc hàng xoan, còn cả cánh bãi mát đỏ mênh mông màu phù sa. Những ngày sau, làng ven đê gỡ dây khoai kín bãi. Công việc thật đơn giản: lóc một lưỡi cuốc hoặc đầu đòn sóc xuống lớp phù sa dẻo sếnh ấy rồi ấn dây khoai lang vào là tự nó sẽ bén rễ, tự nó sẽ lớn xanh ngờm ngợp, sẽ xứng đáng với phù sa đỏ mát một năm ba vụ khoai. Những củ khoai tròn tím khum hai bàn tay chưa kín, mùa nào cũng bở tung bột, thơm bùi như có vị phù sa đã nuôi lớn nó.
Giữa mùa khoai, pháo nằm lẫn với màu xanh của dây. Những cuộc chiến đấu đột ngột và hết sức mau lẹ thường diễn ra ở bãi bồi.
Và trận đánh hôm nay bắt đầu rồi! Hồi kẻng ở trận địa chưa kịp dứt, mặt đất đã vỡ ra và dòng sông phồng lên sôi sục. Cụm chuối tiêu bên ụ pháo nhổ cả rễ và những cây xoan tiện nửa thân vun vút bay lên, quay cuồng ngổn ngang lộn xộn cả bầu trời. Khoảnh khắc ấy trận địa đại hội hai chòng chành, nhưng họ bắn lên thật mãnh liệt. Đại đội trưởng Huỳnh Ý Tiên đang đứng trong công sự chỉ huy nhảy vọt đến ụ pháo khẩu đội năm như một con hổ vồ lấy quả bom 50kg vừa cày xước bờ công sự lăn vào phía trong, nằm ềnh chỗ chân các pháo thủ. Tiên vừa dằn giọng hét các chiến sĩ nằm xuống vừa bế quả bom vất ra phía ngoài. Quả bom chạm đất nổ tung. Nhưng ngoài các chiến sĩ khẩu đội năm ra không ai biết sự việc ấy.
Tiên lao về vị trí chỉ huy. Lá cờ lệnh trên tay anh bị bom bi xé bướp. Lát sau, anh chỉ còn một mẩu que và cánh tay chắc như thanh sắt giơ thẳng để cả trận địa nhìn thấy. Những tiếng “bắn” anh hô cũng tưởng nó phải gắng lắm mới vượt qua sự bế tắc, trở ngại của bụi cát, khói bom chẹn ở cổ họng thoát ra.
Một chiến sĩ nào đấy hét lên: “Ối, ối anh Tiên bị thương rồi”. Tôi hấp tấp nhảy từ “hố khách” sang. Miếng mũ sắt phía sau gáy Tiên rách ra và mảng tóc dày bộn phía đó xém quăn lại. Một mảnh bom bằng ba đầu ngón tay đã cắm ngập vào bả vai trái phía sau anh. Chẳng đời nào Tiên chịu mất thì giờ để cởi áo cho tôi băng. Tôi lặng lẽ xé thêm chỗ áo rách của anh. Mảnh bom hôm nay lại cắm ngay vào vết thương sâu hoáy anh vừa bị hôm qua. Tôi nghiến răng rút mảnh bom ra và ấn nắm bông vào để kìm máu. Công việc của tôi làm run rẩy, lóng ngóng. Còn Tiên, không hề biết là tôi đang đụng vào vết thương đau kinh khủng trên người anh. Đôi mắt vằn đỏ của anh vẫn bám riết lấy bọn địch đang thập thò, rập rình bốn phía. Anh lẩm bẩm: “À, à mẹ nó định giở bàn tay xòe đây”. Rồi anh vụt xoay người gạt tôi xô chúi đi và thét lên hừng hực:
- 34, chiếc thứ ba, tốp phải, tốc độ... bổ nhào... bắn...ắn...
Tôi chưa kịp hiểu đầy đủ mệnh lệnh của anh thì chiếc máy bay đã đứt ra, ộc lửa, cắm thụt xuống bờ sông...
Câu chuyện tôi vừa nói xảy ra trong một trận đánh cách đây nửa tháng. Tôi không kể toàn bộ diễn biến chiến công bắn rơi hai máy bay giặc ở đại đội hai hôm ấy. Cũng như cuộc sống và chiến đấu của cả cái tập thể kiên cường này tôi sẽ không kể đến. Vì công việc đó đã có các nhà văn, nhà báo họ làm. Còn tôi, với trách nhiệm của một trợ lý trong tổ tuyên truyền xung kích của sư đoàn, tôi không cần văn vẻ gì cả. Nhiệm vụ của tôi là tìm hiểu đại đội trưởng Tiên, một cán bộ mà cả sư đoàn tôi ai cũng biết tiếng về lòng dũng cảm đến kinh ngạc để giới thiệu với anh em tân binh nay mai. Lần trước tôi đến đại đội hai, ba ngày và dự bốn cuộc chiến đấu liên tiếp. Khi về, tôi hăm hở viết bản đề cương nói chuyện về Tiên. Đó là những chi tiết của hơn hai trăm trận, mà lần nào cũng táo bạo, mưu trí đánh thắng địch. Những lần bị thương không chịu rời vị trí. Những ngày đêm không ngủ, liên tục hằng tháng trời, dằn vặt, suy nghĩ để tìm cách đánh địch hoàn thành nhiệm vụ. Đến nỗi bây giờ thành thói quen dựa đầu vào cọc sắt, nòng pháo, anh cũng có thể ngủ mười lăm, hai mươi phút.
Nhưng xem xong, đồng chí trưởng phòng tuyên huấn có thói quen hễ nói là nghiêng đầu, rạch bàn tay chém chém mảng không khí trước mặt, đã nhận xét không chút dè dặt rằng:
- Cậu chưa hiểu, chưa hiểu anh ta, cậu có công nhận điểm này không? Anh ta lập chiến công liên tiếp, xuất sắc như thế, nhưng vẫn luôn luôn cảm thấy mình chưa đầy đủ, chưa làm tròn nhiệm vụ. Đúng thế không? Đúng à. Đấy, đấy phải lý giải ra. Chẳng hạn như báo chí người ta nói đến chí căm thù và lòng yêu nước đã tạo thành sức mạnh của anh ta. Cậu nghiên cứu xem, có tìm những khía cạnh tương tự như thế thì mới rút ra bài học cho anh em được. - Đồng chí vừa vội quay đi vừa dặn lại - Thôi, hãy xuống thêm. Cốt nhất là hiểu được những suy nghĩ của anh ta. Khẩn trương nhá.
Ở rìa hàng tre làng, phía ngoài chỗ chúng tôi đứng, các chiến sĩ mới đang lũ lượt kéo về đơn vị.
Nhìn những bước đi hăm hở của anh em, lòng tôi rộn rịch nhớ đến những lần trước sống chung với các đơn vị tân binh. Họ đều là những thanh niên nông thôn, công nhân, học sinh còn trẻ măng. Còn: “Báo cáo anh thủ trưởng, không quen ngủ trưa, liệu có được viết thư hay cứ phải lên giường nằm ạ”. Có anh cả buổi trưa nằm ngắm những tấm ảnh, những dòng lưu niệm trong một quyển sổ tay vô số cành hoa, những chữ lồng vào nhau bằng chì xanh đỏ. Có anh ăn cơm xong vội vã đi bộ năm kilômét chỉ để bỏ một lá thư... ở họ ai cũng căng đầy những kỷ niệm về nhà trường, xưởng máy, người yêu, bạn bè. Những ngày đầu ngỡ ngàng, vụng về của người lính mới đẹp đẽ, đáng ghi nhớ làm sao! Họ đang đòi hỏi ở tôi những hiểu biết về đại đội trưởng Tiên, không phải chỉ những chiến công mà cả những suy nghĩ sâu thẳm của anh nữa.
Qua buổi sáng chuyện trò với chính trị viên và anh em, tôi quyết định sau giờ nghỉ trưa sẽ đến trạm Quân y sư đoàn để gặp Tiên đang điều trị ở đó. Nhưng trong giấc ngủ trưa, hình ảnh Tiên cứ chập chờn, chập chờn trước mắt tôi. Con người ấy to, lùn, ậm ịch, có có đôi mắt tròn như miệng con ốc và đôi môi dày cợm không hay nói ít khi cười đầy đủ. Những lúc hỉ hả lắm anh cũng chỉ tủm tỉm cười để lộ ra hàm răng trắng bóng chẳng hề hòa hợp một chút nào vào lớp da xạm thô ở mặt.
Tiên nhập ngũ năm 1950. Ngày ấy anh mười bảy tuổi, trốn nhà chánh Bính ra đi chỉ có manh quần đùi. Đánh Pháp bốn năm, đến hòa bình, xin phục viên về nuôi mẹ. Đầu năm 1965, anh tái ngũ, để lại năm con và mẹ già mù cho người vợ “đảm đang”. “Cậu bảo sao? Hừ, chỉ có bốn con, ông ấy cũng không nhận, đừng nói năm. Mình lên tỉnh đội được ba ngày thì ông ấy bảo gói quần áo về. Khoác ba lô vào vai mình rơm rớm nước mắt chỉ chực khóc. Về đến chợ Bái gặp vợ mình đang bán dây khoai lang (Dây khoai lang làng mình ý à? Không kém ở đây đâu). Cô ta bỏ hẳn gánh dây, kéo mình ra đầu quán hỏi ngập ngừng.
- Thầy cái Quốc sao lại về? - Mình giải thích. Cô ta không tin. Mãi cũng thế. Cô ấy đay nghiến mình:
- Thầy nó có để cho tôi nhìn thấy ai không? Các con đi học hành nó biết nói thế nào với bạn bè! Đừng làm thế, thầy nó.
Mình phát cáu, vùng vằng bỏ về. Vợ mình chạy theo nói như van:
- Thôi thầy nó phải nghe em, nếu người ta ‘chính sách’ thế để em đi với thầy nó lên trình bày với cấp trên...
Từ trên tỉnh mình định không về, bây giờ vợ còn nói vậy, mình ở nhà có khi cả hai người cùng bực rồi sinh ra điều nọ tiếng kia chẳng ra sao. Ngẫm nghĩ một lúc, mình đánh liều quay lại. Cũng may lên tỉnh gặp được thủ trưởng là cán bộ cũ của mình...”
Sáng nay, chính trị viên đã kể với tôi về trường hợp tái ngũ của Tiên như thế.
Có tiếng reo của anh em chiến sĩ ở đầu lán: “Ơ, anh Tiên! Nhất định là anh Tiên về rồi!” Cả đơn vị đổ xô ra phía con đường rẽ vào đê quai đứng nhìn. Tôi cũng vội vã chạy theo: “Chắc mình nhắc nhiều, ông ấy sốt ruột”. Tôi đang ngã chúi xuống một hốc cát vẫn còn cười thầm với một ý nghĩ mơ hồ nhưng thú vị của mình.
Nắng mênh mông đến tận những ngọn dây khoai ngả đầu dựa vào chân trời. Giữa bãi khoai ngờm ngợp xanh, tôi nhận ra Tiên chỉ bằng cậu bé con. Vẫn cái đầu cum cúp lao về phía trước, lúc nào cũng như đang có việc gì đang đòi hỏi mình phải cấp bách lắm. Tiên về còn cách trận địa độ nửa cây số, cả đơn vị ùa ra đón anh. Họ tíu tít nói với anh về nỗi ân hận vì không có thì giờ đến thăm anh và vội vã hỏi về sức khỏe, về hai lá thư của vợ con anh, đơn vị đã nhờ cô quân y sĩ chuyển, anh có nhận được không?
Chính trị viên hỏi:
- Đã viết thư cho chị ấy với các cháu chưa?
Tiên hơi cúi, lúng túng như người vừa phạm lỗi:
- Khó bỏ mẹ ra, viết được đâu.
Chính trị viên im lặng. Mãi đến lúc anh chia tay Tiên để lên trung đoàn họp hai ngày, anh mới dặn Tiên như một chỉ thị:
- Nghỉ ngơi rồi cậu viết thư về đi. Nhận đến chục lá chưa trả lời còn gì.
Tiên chỉ mỉm cười, im lặng.
Tuy vậy, chiều đó Tiên cũng viết thư để gửi về. Anh đặt tờ giấy lên mặt vỏ hòm đạn gỗ màu xám đựng quần áo ở đầu giường. Hai mắt tròn ra đờ đẫn, đôi môi dày cộm gồ lên suy nghĩ mà cái quản bút cứ xoay xoáy mãi trong miệng chưa đặt xuống viết ra một chữ. Lần nào anh viết thư cũng vất vả, khốn khổ như người ta đánh vật. Vợ chồng anh có cần gì văn hoa màu mè với nhau nữa. Nhưng nó bí bích vì anh đã chậm chạp lại không quen viết thư. Có tranh thủ được mươi, mười lăm phút thì cũng chỉ gạch được vài đầu dòng là cùng. Có lá thư anh phải viết năm, bảy lần mới gửi được. Với lại, vợ con mình vất vả, trong bụng mình lúc nào cũng thương, cũng phục nhưng viết thư có nói được cái mình vẫn nghĩ để động viên hay lại gây thêm lo lắng thì phiền. Vì thế, trong anh đã thành một thói quen, cả đại đội ai cũng biết là: rất mong nhận được thư để biết tin nhà luôn. Lá thư nào nhận được anh cũng đọc đến nhòe các dòng chữ ở nếp gấp rồi mới vuốt thẳng để hàng tập trong hòm. Có lá thư từ ba năm nay anh vẫn giữ. Tuy không cho ai xem nhưng đọc xong anh cười tủm tỉm hay chau mày suy nghĩ là anh em biết hết. Song, người lười viết thư nhất đại đội là anh. “Thương yêu nhau để trong bụng ấy. Cứ đánh giặc khỏe, ở nhà khắc vui. Thư từ, khó bỏ mẹ, viết mãi không hợp ý mình”. Khi nào cần thiết lắm anh mới viết. Có khi năm, sáu tháng mới gửi về một lá thì lại nhờ mấy câu văn hay trong đại hội xem có xuôi không. Ở những lá thư ấy anh thường viết vội vã, gạch đầu dòng như các đề mục chương trình của một cuộc họp. Có lần đùa vui, các chiến sĩ đọc như bài học thuộc lòng để chế anh.
Gạch thứ nhất: tôi vẫn khỏe mạnh như thường. Còn bà và mẹ nó với những đứa trẻ độ này thế nào? Cái ao đã tát để cấy cần chưa? Cố bắc cái giàn mướp ở sườn ấy. Mà mẹ nó cũng nên giữ sức khỏe, kẻo ốm thì rầy rà lắm.
Gạch thứ hai: bố dặn các con là vắng bố phải bảo ban nhau đỡ đần mẹ. Khi nào về, bố mua cho mỗi đứa cái bút chì xanh đỏ. Mà thằng Soát sao tối không bắt gà, nấu cám lợn để chị Điểm xay thóc cho mẹ hả?
Gạch thứ ba: tôi nhắc mẹ nó việc bắn bể ra chỗ khác và xây bếp cứ thư thư lại, không đi đâu mà vội. Khi nào chú Quỳnh đi xây về bảo chú ấy giúp.
Gạch cuối cùng: mẹ nó đừng lo nghĩ gì đến tôi sất. Tôi biết mẹ nó và con vất vả nên cố gắng làm tròn nhiệm vụ của Đảng giao cho, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.
Tái bút: à, mẹ nó hỏi cái xe pháo đi qua làng hôm mồng năm tháng Hai ta có phải của tôi không? Tôi bảo là không phải. Thôi cũng được, bộ đội nhà mình cả chứ đi đâu mà lo.
Những lúc nghe anh em đọc xong, người cán bộ ít nói tưởng đến cục cằn ấy chỉ tủm tỉm, quát: “Toàn bịa, bố láo”.
Tiên rời lá thư đứng dậy vừa đậy nắp bút vừa ậm ịch bước ra cửa. Từ lúc ngồi xuống viết thư đến giờ đã ba, bốn lần anh đứng lên, ngồi xuống. Khi thì khẩu đội ba phải lấy thêm ngụy trang, cậu Hưng phải tìm cho được dây giày. Khi thì bắt bẻ anh nuôi chưa chuẩn bị lá chuối khô để bọc muối vừng cho anh em, cậu y tá phải lên ngay trung đoàn lĩnh thêm thuốc... lần này với những phương án tác chiến mới, những cửa hầm pháo lấp còn mỏng mất nửa phân, một tấc, kẽ máng tống đạn khẩu đội bốn còn bụi bám, v.v... chắc sẽ giữ anh ở lại đấy.
Tôi vào đầu giường anh. Lá thư mới gạch được hai đầu dòng vừa bay quăn lại. Chắc chị Tiên và các cháu hiểu anh lắm đấy! Hàng chục lá thư gửi đi mà chả đòi hỏi gì ngoài những mong muốn cho Tiên được mạnh khỏe, yên tâm đánh giặc. Tôi trân trọng gấp lá thư lại, để trong quyển sổ của anh.
Chiều cuối thu, nắng. Dòng sông với những chiếc thuyền buồm căng gió chạy xuôi. Bãi khoai ánh lên màu xanh của no nê tươi mát. Nhưng trận địa thì nóng hập không khí khẩn trương. Còn Tiên không thấy anh đứng lâu ở chỗ nào mà lại như có mặt trong tất cả các công việc chuẩn bị cho một cuộc đánh lớn sắp sửa xảy đến.
Tôi đã được nghe nhiều nhà văn nhà báo “mách nước” nhau ở sư đoàn rằng: “Đến viết đại đổi trưởng Tiên thì cứ lặng lẽ mà ghi chép, quan sát. Hỏi han ít thôi khỏi ảnh hưởng đến công việc của anh ta. Chà, một anh chàng say mê đánh giặc hơn cả những anh con trai si tình say gái” (tất nhiên, trong lúc ví von bông đùa với nhau họ không để ý đến sự thiếu chính xác của câu đó).
Tôi không biết công việc quan sát, ghi chép từ đâu, bắt đầu ở những cử chỉ, lời nói nào, nên trước sự bận rộn tíu tít của Tiên, tôi trở lên thừa thãi.
Mãi sau bữa cơm chiều Tiên mới có thì giờ ngồi một mình trong lán chỉ huy lấy tay day day bóp bóp vào chỗ bả vai bên trái. Mặt anh nhăn lệch hẳn đi và hai hàm răng nghiến sát lại.
Thấy tôi đẩy cửa vào, Tiên vội vàng rút cánh tay về như người vừa làm một việc gì vụng trộm.
- Chỗ bả vai vẫn chưa khỏi à?
- Vâng, hôm nay đi nhiều nó lại tấy, nóng dừ cả cánh tay anh ạ.
- Chết chửa, xem cậu y tá đi lĩnh thuốc về chưa? - Tôi sốt sắng nói.
Tiên sợ tôi làm lộ sự việc này ra, anh vội vàng cắt ngang tôi bằng một giọng nhỏ lại:
- Tôi có bông băng rồi.
Anh cúi xuống, dỡ tơi hai ống quần đã bẳn xoắn từ lúc nào, tủm tỉm cười xuê xoa:
- Cứ nện thật khỏe vài trận nữa là khỏi, chả việc quái gì đâu.
Chúng tôi im lặng. Không khí trong gian lán đột nhiên trở nên gượng gạo. Tôi biết chắc anh bỏ quân y về, nhưng không muốn để anh phải khó xử, tôi hỏi sang chuyện khác.
- Có tin gì thằng cu Soát không?
Anh nhìn chừng dò hỏi xem có ngụ ý gì rồi mới trả lời:
- Nó khỏi hẳn rồi.
- Chắc lại về ra bụi chuối bắt đom đóm cho vào tủ kính làm đèn điện nhấp nháy chứ gì. - Tôi nói. Tiên cũng hơi cười.
- Cái thằng! Cả nhà là ngang ngược nhất nó. - Tiên ngừng lại như để tình thương yêu đứa con đang ứ đầy phải nén xuống rồi mới nói, giọng trầm trầm - Ông bố cháu Động vừa biên thư cho tôi anh ạ. Ông ấy phàn nàn thằng Soát khí khái quá. Thấy cháu ra nhiều máu xanh rớt, ông bà cho cháu một trăm để ăn quà và thêm thuốc men. Ông ấy bảo đã giấu không cho mẹ nó nhà tôi biết nhưng nhất định thằng Soát không lấy - anh kể xong, mọi cử chỉ trở nên vụng về. Đáng lẽ anh phải nói: “Cháu nó khá quá. Tôi không ngờ nó được như thế”. Nhưng anh lại lấy cái nhíp nhổ râu trong túi ra và nói lẩm bẩm: “Cái thằng! Tính nó vẫn thế”.
Tôi hiểu rõ niềm tự hào chính đáng của anh và trân trọng nó bằng sự im lặng, hơi quay nhìn ra phía trận địa. Đêm trải ra cái màu đen còn mỏng mảnh nhưng trời vắng sao và không gian ẩm lặng. Dòng sông sẫm đen lóng lánh vừa qua mùa nước ồn ào đã trở lại cái vẻ thùy mị sâu thẳm như một cô gái giàu nghị lực ít nói. Dường như chỉ có bãi khoai đang rì rào tâm sự với lòng đất bằng thứ tiếng nói riêng của cây cỏ rằng: “Chúng tôi đang lớn lên đây, đang dồn sức lực xứng đáng với phù sa mát đỏ, để có những củ khoai tròn tím, nhất định bở tung, thơm mùi nhất vùng này đây”.
Trận địa im lặng. Sau những giờ phút chuẩn bị khẩn trương và tỉ mỉ cho cuộc chiến đấu ngày mai, Tiên cho toàn đơn vị ngủ sớm hơn quy định (Tiên đã thú nhận là anh trốn quân y về vì trưa nay thấy có hiện tượng thằng địch trinh sát vùng này, anh không thể nằm yên đấy được - Khoảng bốn giờ chiều trung đoàn cũng báo cho đại đội hai phải “sẵn sàng”). Tôi chắc đêm nay Tiên lại ở ngoài trận địa ngả đầu vào nòng pháo, dựa vào cọc chuẩn để ngủ mười lăm, hai mươi phút như thói quen thường có nên không thấy anh về lán. Tôi đi tìm Tiên và gặp anh đang kỵ quậy khâu vá ở mãi sau nhà khẩu đội tám. Tôi thành thật kêu lên:
- Anh khâu mò thế này biết đường nào!
- Nó quen thôi, tối quái gì! Anh bảo quần áo tôi a, nếu trên có phát vải, hiệu may cũng đừng hòng lấy được một xu của tôi. - Anh vừa nói vừa nhờ vào ánh đèn pin của tôi mà mò mẫm mở cái hộp “ca-mi-na” xanh để lấy một cái kim mới trong chiếc ống thủy tinh bằng ngón tay út thay cho cái kim vừa bị gãy. Tôi ngồi xuống bên anh và nhận ra chiếc quần còn cả dây lưng, trong túi có một gói thuốc lào. Chắc đi kiểm tra thấy quần chiến sĩ rách anh lặng lẽ mang ra khâu. Tiên chìa chỗ rách cho tôi nhìn thấy và nói:
- Anh bảo quần anh em rách thế này đánh nhau chỉ vướng mắc cũng hết giờ chứ còn à? Ban nãy cậu khẩu đội trưởng khẩu đội tám lại báo cáo đã đầy đủ cả. Quái gì, tay ấy đại khái!
- Cậu ấy còn mới, chưa có kinh nghiệm. - Tôi nói.
Chợt Tiên hỏi tôi:
- Anh làm công tác này thì đi nhiều lắm hả.
- Kể chạy hết địa bàn sư đoàn hoạt động cũng khá. Nhưng đã đi được mấy.
- Ối chà, đâu các anh chả sục đến để tóm tắt tin tức. Cũng là dựa vào cái cốt của họ rồi thêm dấm ớt để thành văn chứ gì?
Tôi hào hứng giải thích cho anh rõ những chuyện chúng tôi đã nói với các đơn vị, hoàn toàn y nguyên như việc làm của họ. Thấy anh im lặng để ý nghe, tôi được dịp kể chuyện về những nơi đã đi qua, những làng xóm với chiến công vang dội của họ mà tôi được chứng kiến, chuyện các cụ lão dân quân Hoằng Hóa đội mũ rơm, những cô gái Hậu Lộc đen chắc bắn rơi máy bay địch bằng súng bộ binh tôi cũng được đến tận nơi chuyện trò, gặp gỡ. Trong sự phấn chấn có phần hơi khoe khoang của tôi, không ngờ anh lại vui vẻ thực sự. Nhân sự phóng khoáng ấy tôi có thể tìm hiểu những điều tôi đã đinh ninh đặt ra trong óc từ mấy ngày nay. Cũng như mọi người khác, tôi bắt đầu tìm hiểu từ hoàn cảnh gia đình vợ con anh. Nhưng Tiên lại lặng lẽ khâu. Anh trả lời không hào hứng lắm.
- Chuyện dài dòng, biết nói cái gì. Lúc nào rỗi rãi xem đã!
Tôi thất vọng im lặng.
Tiên vá quần xong, đứng dậy, tôi vội vã nói toạc ra điều mong muốn của mình:
- Thế anh bố trí lúc nào nói cho tôi nghe một vài suy nghĩ về những trận đánh tiêu biểu nhá!
- Suy nghĩ hả? - Anh tủm tỉm cười. - Chả có gì đâu.
- Thôi, xin ông đừng ngại nữa. - Tôi nói, vẻ suồng sã, thân thiết.
- Anh em tân binh đang chờ tôi kể chuyện về anh đấy.
- Thật à? - Anh hỏi.
Tôi đã mừng. Nhưng anh lại nói:
- Tôi chả có gì kể đâu. - Anh vừa bước đi ậm ịch vừa nói - Chán bỏ mẹ, nó đến thì đánh, còn gì phải nghĩ nữa. Các ông chỉ vẽ chuyện!
*
Những hiểu biết của tôi về Tiên chưa rõ ra một khía cạnh nào! Chỉ còn mấy ngày nữa liệu tôi có hoàn thành được nhiệm vụ của thủ trưởng giao cho không? Đối với Tiên thì dù có khiêng pháo đi hàng trăm kilômét để đòn đánh một lần bay của thằng địch anh cũng trổ đi đừng nói những ngày tới chúng có thể dẫn xác đến đây thì đừng hòng anh ta để thì giờ mà chuyện trò. Mối lo về trách nhiệm cứ lớn dần trong tôi.
Khoảng mười giờ đêm, cơn giông nổi lên ào ào, tốc những mảnh bạt bay liên hồi. Tiếng Tiên vẫn lào thào vang lên nhắc nhở việc gì đó với các khẩu đội trực ban. Mưa rơi từng hạt lưa thưa rồi đổ ào xuống mái lán. Lúc nước mưa đang trút ào ào xối xả mới thấy ánh đèn pin loang loáng soi vào lán. Tiên về. Tôi nhổm dậy:
- Sao chậm thế, ướt cả rồi còn gì!
Tiên vừa cởi áo mưa vừa trả lời đủng đỉnh:
- Có mấy cái bạt ở khẩu đội tám đứt, phải buộc lại.
Nói xong, anh lại cầm áo mưa ra cửa đứng. Mưa vẫn ồ ạt như vỡ đập. Ánh chớp lóe lên, soi rõ khuôn mặt anh trong một giây đang chau lại tính toán. Chờ một lúc vẫn chưa ngớt mưa, anh quay vào bấm đèn, móc phong bì thư đã ngấm nước ở túi ngực ra trải lên chăn, lấy vạt áo chấm chấm cho khô. Công việc ấy anh làm cũng thận trọng, tỉ mỉ như cô văn thư sư đoàn bảo quản tài liệu. Rồi anh mở hòm đặt thêm lá thư mới vào đó. Nghĩ thế nào anh lại cầm cả chồng thư dày đến đốt ngón tay, lần lượt đọc hết các chữ đề ở góc trái phong bì. Anh đắn đo xem cái nào giữ lại trong hòm, cái nào để sang một bên đốt vợi đi. Có lúc anh rút lá thư đã ố nát ra đọc hết lượt. Những dòng chữ nguệch ngoạc to bằng những vòng lạt ở cạp rổ. Có chỗ hình như phải đánh vần hoặc đoán. Nhưng những lá thư hẳn là vui nên chốc chốc lớp da mặt đen cợm của anh lại dãn ra khoan khoái. Cái tình cảm mênh mông mà lặng lẽ, cháy bỏng thiết tha mà bề ngoài tưởng như lạnh nhạt như hờ hững trong anh lúc này đã thổ lộ ra thế kia chắc là có những cảm xúc mạnh mẽ lắm. Song, cũng có khi đôi môi dày cợm gồ lên và kéo đôi lông mày gần lại một cách khó hiểu.
Cuối cùng, anh đưa chồng thư đã được chọn lọc cho tôi:
- Thư nhà tôi với các cháu. Khó đọc lắm.
Cầm chồng thư trong tay anh tôi biết anh đã chú ý đến yêu cầu của tôi lúc nãy. Chắc hẳn là anh muốn nói: “Mình không quen kể chuyện tâm tình vợ con đâu. Hoàn cảnh gia đình mình cả trong thư ấy”. Chúng tôi im lặng, một sự im lặng rất thiêng liêng của những người bạn chiến đấu đã có phần nào thông cảm nhau. Ngớt mưa, Tiên ra tổ thông tin, nơi đại đội phó vẫn ăn ngủ. Một lát sau hai người vào lán ban chỉ huy. Tiên vừa bước vào cửa vừa nói:
- Mình nghĩ mãi từ lúc bắt đầu mưa rồi. Nhất định phải dãn ba khẩu ra. Nó trinh sát lúc sắp mưa chứ gì? Mình chuyển đi thế này là bất ngờ lắm? Có phải không?
Chừng như đại đội phó có chút tính toán nào đấy nhưng biết sự suy xét chắc chắn của Tiên đã hàng chục lần dắt thằng địch vào tròng có hiệu quả và lần này anh chưa có đủ lý do để phản đối nên anh chỉ hỏi Tiên:
- Như thế vừa phải đắp lại công sự các khẩu khác, vừa phải tập trung phá và đắp thêm ba công sự mới nữa à?
- Chứ sao!
Hai người không nói. Lát sau, đại đội phó mới dè dặt:
- Từ tối đến giờ anh không ngủ, cẩn thận không vết thương còn đang loét đấy. Thôi nghỉ đi để tôi cho anh em làm.
- Ối dào, vớ vẩn. Mình còn khỏe chán. Cậu sẽ động viên anh em. Căn bản là quyết tâm. Cố cho pháo vào trước sáng.
Tiên để áo mưa lại, bẳn quần ra đi.
Tôi có đến ụ pháo tham gia một vài ý kiến nhưng cả ban chỉ huy không ai đồng ý để tôi ở đấy. “Có mặt mình anh em mất việc thì chả nên”. Tôi lại vào lán. Nằm mãi không sao ngủ được, liền khêu đèn đọc những lá thư Tiên vừa đưa cho.
Đó là những lá thư của vợ con anh gửi đến trong vòng một năm trở lại đây. Phần thì nét chữ nguềnh ngoàng chưa ghép đúng vần, phần đã bị nhàu nhòe nên tôi phải khó khăn lắm mới chắp nối được đầy đủ. Tất cả những lá thư ấy đều kể chuyện làm ăn, chuyện mẹ, chuyện con, chuyện máy bơm chạy không xuể phải tát nước ba bậc, ăn ngủ cả ngoài đồng. “Ôi chao, có khi chị ấy cũng dựa đầu vào gạc gầu mà ngủ như Tiên dựa vào nòng pháo ngủ năm mười phút chắc!” Tôi thầm nghĩ. Cả chuyện cái Điểm được bầu là học sinh giỏi, cái Quốc lớn biết dạy dỗ các em chứ không tị nạnh cành cỏm nữa. Chuyện thằng cháu Soát, con thứ ba, lên tám tuổi lao vào nhà cháy cứu cháu Động. Đưa bạn ra giữa sân, máy bay bắn, Soát nằm đè lên bạn nên bị đạn vào tay, máu ra nhiều. Nhưng thấy bạn lành Soát rất sướng (chuyện này tôi đã được đọc ở báo và Tiên cũng vui đến ứa nước mắt).
Lá thư để ngày mồng năm tháng Ba ta, chị Nhàn - vợ Tiên, kể: cách đây một tháng chiếc cầu phao bị đứt. Chị và trung đội nữ dân quân đi làm đồng về chưa kịp ăn uống gì liền lội xuống sông, bơi ngược dòng gần một kilômét để kéo phao bắc cầu. Lúc trở về chị đang thở như kéo bễ thì cô Hiên chạy đến hổn hển gọi: “Chị có xe pháo anh Tiên ở đằng kia”. “Sao cô biết?” “Em hỏi các anh về đâu? Các anh ấy trả lời: “Về Thanh Hóa, Nghệ An đấy”. “Các anh có biết anh Tiên không?” - “Tiên nào? Có phải Tiên tái ngũ, lùn đen quê ở Nam Hà không?” “Thế thì đúng anh ấy rồi chị ạ”. Nghe xong, chị Nhàn cứ cuống cuồng lên. Chị chạy hơn một kilômét về nhà dốc cả hai ca đậu xanh giống chạy đi. Ra đến nơi, ô tô đã rồ máy, chị chỉ kịp quăng tay nải đậu lên xe nói được một câu: “Các anh bảo nhà em đừng lo nghĩ gì ở nhà sất. Mẹ con em vẫn mạnh khỏe cả”. Chiếc ô tô đi rồi chị cứ sững sờ nhìn theo. “Đánh nhau vất vả có nắm đậu xanh anh ấy nấu bát cháo húp cũng đỡ xót ruột”. Ý nghĩ ấy làm chị bồi hồi sung sướng (Có lẽ Tiên được đăng báo nhiều nên ba tháng sau tay nải đậu đã đến đại đội hai).
Gió từ dòng sông lùa vào gian lán làm ngọn đèn dầu nhô lên sáng trắng. Tôi cứ mân mê lá thư và hình dung lại những lời lẽ mình vừa đọc.
Ở ngoài trận địa đang vọng lên tiếng nện đất thậm thịch, tiếng cười nói ồn ào. “Liệu đêm nay anh em có đắp xong công sự không? Vết thương sâu hoắm ở bả vai Tiên chắc tấy lên dữ lắm! Nhưng nhất định không thể ai tìm thấy một thoáng nhăn nhó nào trên khuôn mặt đen cợm ấy”.
Tôi giở đến lá thư của cháu Tạo, con thứ tư của anh, lên sáu tuổi.
Con Tạo hai (ở lớp vỡ lòng của cháu có một cháu nữa tên là Tạo một) tranh thủ viết thư hỏi thăm bố Tiên bộ đội đánh Mỹ. Bố ơi, bố có khỏe không? Con lợn sề nhà ta nó đẻ hôm tháng trước được gần chục con bố ạ. Bố ơi, bố cho con cái thước mới lị quản bút màu đỏ ý. Con lợn sề nó xuống được cái hầm xây bằng tường rồi bố ạ. Nó nghe kẻng là xuống, con không phải đùn vào đít nó như dạo hôm qua nữa. Mấy lị em Dung không đái dầm nữa. Em không chơi với con, thì con được phần kẹo của cô giáo cho, con để dành cho em, nó mới chơi với con để mẹ đi tát nước mới lị cả đi bắc cầu nữa. Thôi bố nhá. Đánh hết thằng Mỹ bố về ngủ với con một tối bố ạ.
Con Tạo hai - Bố Tiên
Tôi đọc ba lần lá thư của cháu Tạo hai vẫn còn thèm. Chao ơi, cháu ngoan quá. Mới sáu tuổi đã biết đùn đít con lợn sề xuống hầm, tập quen cho nó, biết nhịn phần kẹo để dỗ em. Tôi nắm lá thư trong tay và nhìn ra phía trận địa. Trong đêm tối dày đặc tôi tưởng như đã nhìn ra Tiên đang tủm tỉm cười sung sướng và cả những lúc đôi môi gồ lên suy nghĩ.
Bất giác, tôi nhớ đến các chiến sĩ tân binh. Những người cầm súng còn căng đầy kỷ niệm về xóm làng, trường học, nhà máy... Nơi quê hương thân thiết nào của họ lại chả có những người thân yêu! Có tiếng gà gáy từ lán vọng lại. Một chiến sĩ nào đó ngoài trận địa hỏi Tiên:
- Báo cáo thủ trưởng, đến sáng rõ chưa chắc khẩu đội ba đã xong.
- Thì làm cho xong.
- Báo cáo... ngộ nó đến sớm!
- Đến thì đánh. Xong lại làm.
Vẫn cái giọng chắc nình nịch ấy, tôi tưởng như sau đó Tiên còn lẩm bẩm: “Chán bỏ mẹ, nó đến thì đánh, phải đánh thắng. Tất nhiên thế, còn hỏi nữa!” Nhất định Tiên sẽ nói như vậy! Điều đó cũng dễ hiểu thôi. Nó giống như sự tốt xanh ngờm ngợp của bãi khoai này, bởi lẽ lớp lớp phù sa đã bồi lên cao lắm.
Yên Hà, tháng 11 năm 1967