Chuyên đề

"Phù sinh lục ký" - bông hoa lạ trong vườn văn Trung Quốc

Câu chuyện văn hoá
10:16 | 23/10/2019
Cách đây ít năm, tôi tình cờ đọc một bài trả lời phỏng vấn trên báo của nhà văn nổi tiếng Trung Quốc - Phùng Ký Tài về công việc sáng tác tản văn, trong đó có một đoạn hỏi đáp khiến tôi chú ý. Đó là, khi phóng viên hỏi, rằng nếu phải ở trên một hòn đảo cách biệt được chăm lo đầy đủ nhưng chỉ được mang theo một cuốn tản văn yêu thích thì ông sẽ mang theo cuốn sách nào và vì sao, thì Phùng Ký Tài đã không ngần ngại trả lời ngay, rằng cuốn sách ấy là Phù sinh lục ký, vì nó có thể đọc đi đọc lại, giống như thơ vậy, đọc lên thấy thích thú và gợi cho mình nhiều suy nghĩ khác nhau.
aa

Cách đây ít năm, tôi tình cờ đọc một bài trả lời phỏng vấn trên báo của nhà văn nổi tiếng Trung Quốc - Phùng Ký Tài về công việc sáng tác tản văn, trong đó có một đoạn hỏi đáp khiến tôi chú ý. Đó là, khi phóng viên hỏi, rằng nếu phải ở trên một hòn đảo cách biệt được chăm lo đầy đủ nhưng chỉ được mang theo một cuốn tản văn yêu thích thì ông sẽ mang theo cuốn sách nào và vì sao, thì Phùng Ký Tài đã không ngần ngại trả lời ngay, rằng cuốn sách ấy là Phù sinh lục ký, vì nó có thể đọc đi đọc lại, giống như thơ vậy, đọc lên thấy thích thú và gợi cho mình nhiều suy nghĩ khác nhau.

Câu trả lời ấy của Phùng Ký Tài khiến tôi rất tò mò về cuốn Phù sinh lục ký mà ông nhắc đến, đồng thời, cũng thấy một cảm giác rất quen thuộc, tựa hồ mình đã được nghe về cuốn sách đó ở đâu rồi. Sau khi lục soát lại trí nhớ của mình, tôi mới à lên một tiếng, rằng hóa ra tôi đã từng được nghe đến tên cuốn sách, và được đọc một vài phiến đoạn của nó qua cuốn Sống đẹp của Lâm Ngữ Đường, do Nguyễn Hiến Lê dịch. Trong tôi chợt dấy lên một mong muốn tìm hiểu trọn vẹn tác phẩm mà Lâm Ngữ Đường, Phùng Ký Tài đều đánh giá cao, thậm chí dẫn dụng trong tác phẩm của mình này, cũng như về tác giả của nó.

Bản tiếng Việt Phù sinh lục ký do Nxb Hội Nhà văn và Tao Đàn ấn hành

Phù sinh lục ký là một tiểu thuyết tản văn, thể tự truyện đặc sắc của nhà văn đời Thanh - Thẩm Phục. Thẩm Phục tự Tam Bạch hiệu Mai Dật, xuất thân trong một gia đình sĩ tộc ở Tô Châu. Theo như tự thuật trong tác phẩm, ông sinh năm 1763, không rõ năm mất. Có thể nói, Phù sinh lục ký là một bông hoa lạ trong khu vườn văn học Trung Quốc. Từ khi được phát hiện đến nay, tác phẩm đã giành được sự chú ý của vô số những nhà văn hóa nổi tiếng, và được phiên dịch ra nhiều ngôn ngữ, xuất bản ở nhiều quốc gia khác nhau. Vì tác giả là một người có tình cảm phong phú, tính cách hào sảng, tài hoa dồi dào, có thể gầy lên một tình điệu cao nhã, và phát hiện ra những điều thú vị độc đáo ngay từ cuộc sống bình thường, cho nên, tuy phải sống trong cảnh nghèo khó, trải qua nhiều nỗi trắc trở, ông vẫn có một tâm thái lạc quan trước cuộc đời, khiến cho cuộc sống bình thường trở nên tràn đầy xúc cảm nghệ thuật. Trên một bình diện nào đó, cuốn sách đã trở thành kim chỉ nam cho việc phẩm vị hóa cuộc sống cũng như nhã thú của văn nhân.

Tiếc rằng, do tác giả của Phù sinh lục ký không có danh vị cao trong xã hội, gia cảnh lại khốn quẫn, nên tác phẩm đã không được ấn hành ngay thời ông còn sinh tiền, mà chỉ có bản chép tay lưu truyền ở đời. Đến năm Quang Tự thứ ba (1877), khi Dương Dẫn Truyền lần đầu tiên ấn hành tác phẩm, thì “sáu ký đã mất hai”, khiến cho bản Phù sinh lục ký truyền thế giống như bức tượng thần Vệ Nữ bị mất cánh tay, chỉ còn lại bốn ký đầu mà thôi. Tuy nhiên, văn chương của Phù sinh lục ký đã lập tức khiến văn đàn sửng sốt và hâm mộ, đến nỗi không lâu sau đó, trên thị trường đã xuất hiện một bản được gọi là Túc bản Phù sinh lục ký (Phù sinh lục ký bản đầy đủ), bổ sung thêm quyển ký thứ 5: Trải Trung Sơn, và thứ 6: Nhàn dưỡng sinh. Song, qua khảo chứng của rất nhiều học giả, thì đều có một nhận định chung rằng: hai quyển ký bổ sung ấy đều là ngụy tác. Có thể nói, trong lịch sử văn học Trung Quốc, các tác phẩm, hoặc một phần tác phẩm ngụy tác là không ít, song một tác phẩm xuất hiện muộn, ngay trong đời Thanh mà có những phần được ngụy tác, cũng là hiếm có và phải vô cùng đặc biệt.

Lâm Ngữ Đường, trong lời tựa bản dịch tiếng Anh cuốn Phù sinh lục ký năm 1936, có nói: “Tôi đoán chừng rằng, trong các tàng thư gia đình ở Tô Châu, hay các tiệm sách cũ, nhất định sẽ có một bản toàn vẹn, nếu có may mắn ấy, thì có thể chúng ta sẽ phát hiện được.” Đến nay, tuy chưa ai phát hiện được một bản toàn vẹn như Lâm Ngữ Đường nói (không tính bản ngụy tác), nhưng cũng rất may mắn, vào năm 2005, nhà sưu tập Bành Lệnh, đã sưu tầm được một cuốn sách viết tay có nhan đề là Ký sự châu của Tiền Vịnh - học giả, nhà thư pháp nổi tiếng đời Thanh, người sống cùng thời với Thẩm Tam Bạch, trong đó đã tìm thấy có những đoạn ghi chép của Tiền Vịnh về Phù sinh lục ký, đặc biệt là thiên Sách phong Lưu Cầu quốc ký lược, đã được rất nhiều học giả nhận định là sao lục từ quyển thứ 5 - Trải Trung Sơn (hay còn gọi Hải quốc ký) của Thẩm Tam Bạch. Tuy những phần Tiền Vịnh sao lục chưa đầy đủ quyển ký thứ 5 - Trải Trung Sơn - đã thất truyền của Thẩm Tam Bạch, nhưng cũng cho chúng ta thấy phần nào trong nguyên tác của ông.

Kể từ lần đầu tiên ấn hành cho đến nay, Phù sinh lục ký đã được xuất bản hơn 120 lần ở Trung Quốc. Quyển 2 - Thú nhàn tình của tác phẩm còn được trích một đoạn dùng trong sách Ngữ văn cho học sinh phổ thông Trung Quốc như là một khuôn mẫu về cổ văn. Đồng thời, tác phẩm được dịch ra nhiều ngôn ngữ như Anh, Đức, Pháp, Đan Mạch, Thụy Điển, Nhật Bản, Mã Lai... và xuất bản ở nhiều nước. Tuy nhiên cho đến nay, tác phẩm vẫn chưa từng được dịch và giới thiệu một cách đầy đủ ở Việt Nam. Trong lần xuất bản có thể nói là đầu tiên này, người dịch lựa chọn cách giới thiệu tác phẩm tới các độc giả như là một “Túc bản” với phần chính đầy đủ sáu quyển ký, để độc giả có thể hình dung được diện mạo chung của tác phẩm, dẫu rằng hai quyển sau được cho là ngụy tác. Ngoài ra, người dịch có dịch bổ sung thiên Sách phong Lưu Cầu quốc ký lược từ Ký sự châu của Tiền Vịnh, cùng một số lời tựa, lời đề bạt của sách trong phần Phụ lục để độc giả tiện tham khảo.

Văn chương Phù sinh lục ký cô đọng, súc tích, giàu chất thơ, dịch giả dù cố gắng đến mấy cũng khó có thể truyền đạt hết được cái hay cái đẹp của tác phẩm.

VNQD

Thông cáo báo chí số 23, Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV

Thông cáo báo chí số 23, Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV

Baovannghe.vn - Thứ Sáu, ngày 22/11/2024, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 23 (Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV) tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.
Quà tặng của chiến tranh - Truyện ngắn của Hoài Hương

Quà tặng của chiến tranh - Truyện ngắn của Hoài Hương

Baovannghe.vn - Chiến dịch thần tốc như một cơn lốc không ngày không đêm, đơn vị vừa đánh vừa hành quân gần như xuyên dọc theo Quốc lộ 13 hướng về Sài Gòn mỗi ngày một gần thêm.
Lĩnh vực báo chí cần có những ưu đãi về thuế

Lĩnh vực báo chí cần có những ưu đãi về thuế

Baovannghe.vn - Quốc hội tiếp tục chương trình làm việc ngày 22/11 với phiên thảo luận tổ về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) và dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Trôi giữa hương sen nghịch mùa - Truyện ngắn của Đinh Thành Trung

Trôi giữa hương sen nghịch mùa - Truyện ngắn của Đinh Thành Trung

Baovannghe.vn - Mây đen tan. Nắng nhẹ. Hương sen còn sót hòa cùng hương bùn đánh dạt mùi khói xe, đưa nụ cười của hai người đàn ông lấp đầy mi mắt đang nhìn về phía mặt trời.
Nhà thơ Anh Ngọc bình thơ "Thề non nước"

Nhà thơ Anh Ngọc bình thơ "Thề non nước"

Baovannghe.vn - Bài thơ Thề non nước không chỉ là lời tự tình đằm thắm của một tâm hồn thủy chung, tin cậy mà còn cất giấu trong mình một bức tranh thiên nhiên tráng lệ và quyến rũ mê hồn vì một vẻ đẹp như sinh ra bởi con người và cũng chỉ dành để cho con người.