Chuyên đề

Bất hạnh là một tài sản - cách tiếp cận mới về vấn đề phụ nữ của Phan Việt

Trịnh Đặng Nguyên Hương
Góc nhìn giới
07:00 | 26/08/2024
Baovannghe.vn - Phan Việt mong muốn điều gì? “Không một phụ nữ nào muốn kể lại những đổ vỡ của mình”, - phụ nữ Việt Nam với bản tính Á Đông và những định kiến lâu đời về việc “vạch áo cho người xem lưng” lại càng không
aa

Phan Việt sớm khẳng định chỗ đứng riêng của mình trong văn xuôi đương đại với Phù phiếm truyện (giải nhì cuộc vận động sáng tác văn học tuổi 20 lần III), Nước Mỹ, nước Mỹ (tập truyện ngắn) và Tiếng Người (tiểu thuyết).

Bất hạnh là một tài sản của chị nhanh chóng trở thành bộ sách có sức hút, có nhiều ảnh hưởng tới bạn đọc, nhất là độc giả nữ ở Việt Nam.

Như chính tên gọi của nó, Bất hạnh là một tài sản ngay lập tức gây shock bởi đưa ra quan điểm độc đáo của một nhà văn nữ hiện đại. Trước Phan Việt, không có “tài sản” nào được định giá bằng hai chữ “bất hạnh”.

Văn xuôi nữ nói chung vẫn nhìn nhận “bất hạnh” như một ám ảnh, là thứ người phụ nữ phải gánh chịu và tìm cách thoát ra. Vì thế, Phan Việt với định nghĩa mới về “bất hạnh” mang đến một cách tiếp cận khác về hiện thực cũng như những vấn đề của phụ nữ. Thông qua bộ sách, tác giả đã xây dựng công phu hình tượng một phụ nữ trí thức1 hiện đại trong hành trình đi tìm bản thể, đi tìm hạnh phúc với tư thế chủ động và tư duy phản biện sắc sảo, khao khát đóng góp cho xã hội – một hình tượng người nữ rất mới mẻ trong văn học Việt Nam.

Bất hạnh là một tài sản - cách tiếp cận mới về vấn đề phụ nữ của Phan Việt
Với Phan Việt Bất hạnh là một tài sản

1. Sự ra đời của bộ sách hay trách nhiệm của một nữ trí thức

Bất hạnh là một tài sản gồm ba cuốn: Một mình ở châu Âu (viết năm 2008 - in năm 2013), Xuyên Mỹ (viết năm 2009, 2010 - in năm 2014), Về nhà (viết từ mùa đông 2010 đến hết năm 2013 - in năm 2017). Có thể thấy, mỗi cuốn trong bộ sách đều được cân nhắc, suy nghĩ từ bốn đến năm năm trước khi xuất bản. Sách đến tay bạn đọc cũng là lúc nhân vật chính đã vượt xa khỏi khúc quanh tâm trạng tại thời điểm đó.

In những cuốn sách viết cho riêng mình, Phan Việt mong muốn điều gì? “Không một phụ nữ nào muốn kể lại những đổ vỡ của mình”2, - phụ nữ Việt Nam với bản tính Á Đông và những định kiến lâu đời về việc “vạch áo cho người xem lưng” lại càng không muốn khơi lại những vết thương cũ đầy nhức nhối. Phan Việt băn khoăn “không in thì không có gì trong cuộc sống hiện tại của tôi hay những người có mặt trong cuốn sách này bị phá vỡ”. Việc in sách sẽ xáo trộn cuộc sống đã đi vào quỹ đạo yên ổn, sẽ gây đau theo những cách khác nhau cho Việt và những người thân. In sách là chấp nhận thêm một lần nữa đối diện với mất mát, tổn thương để nhìn lại chặng đường đã đi qua không dễ dàng.

Không giống như phần lớn tác giả viết tự truyện nhằm giãi bày, chia sẻ, hay được sống thật với cái tôi bản thể, được nhìn lại để hiểu “tôi là ai?”, Phan Việt viết bởi thôi thúc: tôi đã mò mẫm một mình, tôi đã rất khó khăn khi trải qua ly hôn, tôi không biết câu chuyện của những phụ nữ khác. Câu chuyện cá nhân của “tôi” sẽ mang đến kinh nghiệm cho những người phụ nữ khác, nhất là những phụ nữ đang li thân hoặc ở ngưỡng cửa của ly hôn, giúp họ không đơn độc trong việc quan sát, cắt nghĩa những khổ đau, bớt dằn vặt bản thân cũng như tự tin hơn vào giá trị độc lập của chính mình. Đồng hành với phụ nữ, hi vọng giúp họ tìm ra câu trả lời cho cuộc sống của mình, đó là mục đích khiến Phan Việt xuất bản bộ sách. Xuất phát từ mong muốn ấy nên có thể thấy tác giả không ngại cài vào tác phẩm nhiều tri thức khoa học liên quan đến các trạng thái, giai đoạn khác nhau của một phụ nữ đối mặt với đổ vỡ.

Xuyên Mỹ ngoài việc phân tích, lý giải kỹ lưỡng thực trạng tinh thần của cá nhân còn có tới 16 trang tài liệu tham khảo các công trình khoa học nghiên cứu về ly hôn, một trang liệt kê các tài liệu khoa học tiếng Anh cũng về chủ đề này. Đó là dấu chỉ giúp cho độc giả, nhất là phụ nữ có những tri thức khoa học để hiểu đúng trạng huống cũng như cách thức đối mặt với tổn thương do li hôn. Như vậy, có thể thấy, trong khi kể lại hành trình của mình, Phan Việt luôn có ý thức cung cấp kiến thức nền, công cụ hỗ trợ cho người phụ nữ đối mặt với tổn thương. Đó chính là cách nhà văn – nhà khoa học nữ thực hiện trách nhiệm xã hội của mình. Viết giúp bạn đọc “có thêm thông tin” và “dũng cảm trên hành trình của mình” là một khao khát vừa dịu dàng vừa mãnh liệt của Phan Việt, một phụ nữ trí thức, một nhà văn có trách nhiệm với cuộc đời.

2. Tự do trong không gian

Bộ sách khắc họa rõ nét chân dung của một phụ nữ trí thức coi việc học là đam mê và dồn mọi tâm trí để theo đuổi sự nghiệp học hành. Ngay từ thuở hoa niên, “tôi” đã “một mình rời gia đình ở Bắc Giang lên Hà Nội học cấp ba, rồi lại một mình rời Hà Nội sang Mỹ học và giờ quay lại Việt Nam (…) Tôi muốn biết sự thật về thế giới và cuộc sống. Có sự thật thì có tự do”3. Khao khát hiểu biết, học hỏi, khám phá, làm chủ bản thân, làm chủ cuộc sống khiến “tôi” - Việt gạt bỏ mọi rào cản để chiếm lĩnh thế giới theo cách riêng. Tự do tư tưởng mang lại cho cô tự do trong không gian. Theo chân nhân vật, không gian liên tục mở ra, nới rộng đường biên, kết nối giữa những châu lục khác nhau (châu Mỹ, châu Âu, châu Á).

Có thể thấy, ý thức về không gian thể hiện ngay từ nhan đề từng tập sách: Một mình ở châu Âu là sự đối diện và đối thoại của nhân vật với châu Âu cổ kính; Xuyên Mỹ là sự đối diện và đối thoại với thế giới của sự năng động, biến đổi mãnh liệt, không ngừng. Hai trải nghiệm lớn ấy giúp nhân vật tìm thấy mình, thấy con đường Về nhà. Ba cuốn sách gợi ra hành trình đi tìm mình trong không gian mở, liên tục nới rộng và mang tính toàn cầu. Ở đó, nhân vật tôi như một con lắc dao động giữa các vùng đất, các châu lục. Cô đi một mình, làm việc một mình, suy tư một mình, hạnh phúc ngay cả khi chỉ có một mình. Một mình nhưng không hề cô đơn, sợ hãi, yếu ớt, ngược lại độc lập, tự chủ, dấn thân. Kết thúc hành trình ấy Việt tìm thấy lời đáp cho câu hỏi: mình là ai, mình nên sống như thế nào?

Trước thế kỉ XXI, không gian của người nữ trong văn học gắn với ruộng vườn, chợ búa, ngôi nhà, căn bếp, văn phòng, công sở… Ở đó, họ hiếm khi sinh hoạt một mình mà bị ràng buộc trong các mối quan hệ với xung quanh. Họ làm gì, nghĩ gì, quyết định gì đều phải cân nhắc rất kĩ đến hạnh phúc và sự tồn tại của gia đình. Hi sinh trở thành phẩm tính được đề cao trong đời sống cũng như trong văn học. Thời Đổi mới, văn xuôi nữ đề cập nhiều đến khát vọng, tình yêu, những nhu cầu chính đáng của phụ nữ hơn trước nhưng nhân vật vẫn luôn gắn chặt với không gian hẹp, ở đó, mọi khao khát, mong muốn đổi thay của họ phụ thuộc chặt chẽ vào đạo đức xã hội.

Vì vậy, trước thế kỉ XXI, không tìm thấy không gian tự do cho người nữ trong văn xuôi nữ. Họ lệ thuộc vào không gian, phụ thuộc vào những mối quan hệ gia đình, xã hội một cách chặt chẽ. Nhân vật của Phan Việt lại mang đến một cảm nhận khác về không gian. “Suốt cả ngày tôi ngồi viết trong PHD Lounge dưới tầng hầm và không rời khỏi đó cho tới tận năm giờ chiều”4 đó là không gian quen thuộc để nhân vật “tôi” ngồi viết. Với công việc chính là viết lách (viết luận án, dịch sách, dịch tài liệu nghiên cứu, viết truyện…), bàn viết của Việt không cố định: thường là tại các quán café hoặc những hiệu sách khác nhau, sau này cô còn viết tại chùa. Viết trở thành nỗi bận bịu lớn nhất, là công việc chiếm nhiều thời gian nhất của “tôi”. Để phục vụ công việc này, không gian căn bếp dường như bị xóa bỏ.

Người đọc hầu như không thấy nhân vật nữ chính nấu ăn hay dọn nhà. Thay vào đó là không gian của những nhà hàng, quán xá, quán café. Lần duy nhất nhân vật chính vào bếp cũng không phải để nấu nướng mà để “hâm lại thức ăn còn thừa từ bữa tối hôm qua”, một bữa tối cô không nấu bởi “Ngày mai Sơn đi và tối nay chúng tôi vào khu Việt Nam ăn tối chia tay”. Nhân vật chính hoàn toàn khác xa với chân dung một bà nội trợ truyền thống luôn tất bật với nhà cửa, cơm nước, con cái. Thay vào đó, cô toàn tâm toàn ý cho việc đọc, dịch sách, nghiên cứu khoa học. Cô say sưa thưởng thức các món ăn tại những nơi cô đến rất hào hứng: “Tôi xắt những củ khoai tây mềm thành những miếng nhỏ tưởng như đang xắn vào những khối hạnh phúc, rồi nhúng chúng vào nước xốt thịt bò hầm và để cho những miếng hạnh phúc tơi trong miệng thành triệu triệu hạt sung sướng”5. Tư thế chủ động hưởng thụ trong ẩm thực của nhân vật thật khác lạ so với hình ảnh người phụ nữ cắm cúi nấu nướng, bưng dọn, lấy phục vụ người khác làm hạnh phúc thường gặp trong văn học Việt Nam.

Không một ai nên chối bỏ bản thân mình, kể cả khi họ làm điều đó nhân danh tình yêu

Bước chân tự do đưa nhân vật đi gần khắp châu Âu, thăm những thành phố nổi tiếng nhất như Berlin (Đức), Paris (Pháp), Rome (La mã), Venice (Ý)… Việt nhận ra trở về Mỹ cô mình sẽ phải đối mặt với một hành trình khó khăn, phải nói với Sơn rằng: cô yêu Sơn nhưng cả hai sẽ hạnh phúc hơn nếu không sống với nhau. Không một ai nên chối bỏ bản thân mình, kể cả khi họ làm điều đó nhân danh tình yêu. Trở về Mỹ, cùng với sự dịch chuyển trong không gian từ bờ Đông sang bờ Tây bằng cách lái xe một mình, “tôi” cũng đi qua những đổ vỡ lớn của bản thân để dũng cảm bước ra khỏi cuộc hôn nhân và sau đó hoàn tất việc bảo vệ luận án tiến sĩ, tìm việc ở một trường đại học lớn.

Nếu châu Âu cổ kính, suy tư giúp “tôi” nhìn rõ hơn đáy sâu tâm hồn cũng như khao khát của chính mình thì nước Mỹ với không gian hiện đại và năng động lại trở thành thử thách để “tôi” có đủ dũng khí bước ra khỏi những sợ hãi của định kiến. “Tôi” đã ba mươi, tôi có tuổi rồi, ly hôn với Sơn tôi có thể lấy ai được nữa… Xuyên Mỹ thực chất là sự thôi thúc cùng quyết tâm mạnh mẽ để “tôi” có thể đi “xuyên” qua những âu lo và sợ hãi của chính bản thân mình. Về nhà là chặng cuối cùng trong hành trình nhận ra Bất hạnh là một tài sản. “Trong ba năm, từ mùa đông năm 2010 đến mùa hè 2013, tôi đã thực hiện nhiều chuyến đi từ Mỹ về Hà Nội và ngược lại.

Tất cả những chuyến đi ấy tôi đều thực hiện một mình, vì mục đích nghiên cứu hoặc để giải đáp những suy tư cho chính bản thân mình. Không có sự can thiệp của bất kì ai: nhà trường, gia đình, bạn bè, người thân… Tôi chủ động với các kế hoạch và công việc của riêng tôi, cũng như chủ động dọn vào chùa sống cùng các sư thầy, sư chú, sư bác… Quyết định khó khăn nhất với “tôi” có lẽ là quyết định chuyển tới South Carolina. Bởi lẽ, khi đó tôi đang có một mối quan hệ tốt đẹp với AJ, nếu kết hôn trở lại, không ai có thể thích hợp hơn là AJ. Nhưng “tôi” vẫn đi vì nhận ra: Tôi muốn tự đứng đàng hoàng trên hai chân mình. Tôi nhất định phải có thể tôn trọng bản thân thì cuộc sống của chính tôi cũng như quan hệ của tôi với AJ mới có cơ hội”6.

Tự do giữa châu Âu, tự lựa chọn việc sống ở chùa thay vì gia đình hay các khách sạn, resort đẹp đẽ vào những dịp về Việt Nam, tự xin việc rồi chuyển tới sống ở miền Tây nước Mỹ, nhân vật “tôi” đã cởi trói hoàn toàn không gian cố định, chật hẹp vốn quen thuộc với hình mẫu người phụ nữ truyền thống. Không gian gia đình thay bằng không gian công việc (trường đại học), không gian nghiên cứu (chùa), không gian du lịch riêng tư (châu Âu), không gian trong nước thay bằng không gian quốc tế hóa. Trong không gian động, luôn thay đổi và nới rộng đó, người phụ nữ tự chủ với những bước đi của đời mình, dịch chuyển cùng với nhịp chuyển động của thế giới. Hình tượng người phụ nữ độc lập trong không gian mở là một đóng góp mới của Phan Việt cho chân dung người phụ nữ Việt trong thời đại toàn cầu hoá. Nó cho thấy, các khái niệm “thế giới”, “chuyển động” không phải là đặc quyền của nam giới, phụ nữ cũng đang chinh phục không gian, chinh phục thế giới bằng sức vóc nhỏ bé, bằng trí tuệ, học thức và bằng cả những đau khổ của chính mình.

Bất hạnh là một tài sản - cách tiếp cận mới về vấn đề phụ nữ của Phan Việt
Tác phẩm của nhà văn Phan Việt

3. Tự do trong suy tư và hành động

Đứng ở vị trí cao nhất về học thức, trí thức là tầng lớp giữ vai trò phản biện, không ngừng suy tư, chất vấn để có thể giải đáp đến tận cùng các vấn đề của bản thân và xã hội. Từ những Thứ (Sống mòn), Điền (Ánh trăng), Hộ (Đời thừa) của Nam Cao đến Nhĩ (Bến quê), tôi (Bức tranh) của Nguyễn Minh Châu, Kiên (Nỗi buồn chiến tranh) của Bảo Ninh, Giang Minh Sài (Thời xa vắng) của Lê Lựu… nhân vật trí thức trở thành độc quyền của nhà văn nam, nhân vật nam. Những nhân vật “dạng” đó hầu như không có trong văn xuôi của các nhà văn nữ. Một số tác phẩm “gai góc” của nhà văn nữ như Bên kia bờ ảo vọng (Dương Thu Hương), Người sót lại của Rừng cười (Võ Thị Hảo), Hậu thiên đường (Nguyễn Thị Thu Huệ), Tiền định (Đoàn Lê), Cánh đồng bất tận (Nguyễn Ngọc Tư)… vẫn dừng lại ở việc kể câu chuyện về người nữ sống, yêu thương, đau khổ, va vấp,… như mọi con người thường gặp trong cuộc đời. Họ không tồn tại trong tư cách trí thức với đặc trưng là những suy tư, tra vấn không ngừng về bản thể, về cuộc sống và con người.

Không khai thác vẻ đẹp đức hạnh truyền thống, Bất hạnh là một tài sản phác dựng hình ảnh một nữ trí thức của thế giới đương đại: có học vị tiến sĩ, độc lập về tài chính, tự do quyết định cuộc đời mình. Cô không ngừng suy tư về hôn nhân, về giá trị bản thân, về việc tôi là ai, ý nghĩa đích thực cuộc đời tôi là gì như cô chia sẻ: “Tôi muốn biết sự thật về thế giới và cuộc sống. Có sự thật thì có tự do. Có tự do thì dễ có hạnh phúc hơn”7.

Khi những rạn vỡ hôn nhân xuất hiện sau bẩy năm chung sống, Việt không than vãn, kêu ca, oán hận hay cúi đầu cam chịu. Cô đi châu Âu một mình. Chủ động tạo khoảng cách, chủ động nhìn lại hôn nhân, đó là tư thế hiếm thấy ở nhân vật nữ trong truyền thống khi đối diện với những bi kịch tình yêu. Cuộc gặp gỡ với bố mẹ Sơn ở Đức khiến cô nhận ra: mình yêu Sơn nhưng sống với anh thật khó, như “xây nhà dưới chân một ngọn núi lửa âm ỉ cháy”, “không biết trước lúc nào thì núi lửa phun trào”? Sự cổ kính và bình lặng của Copenhagen lại khiến Việt nghĩ về nỗi cô đơn: cô đơn khi bên cạnh người mà mình coi là quan trọng nhất trong cuộc đời đôi khi thấm thía hơn nhiều trạng thái một mình. Quan sát những cô gái châu Á tới Paris một mình, Việt nhận ra: họ luôn bị giằng xé giữa ý thức đạo đức truyền thống và mong muốn cá nhân, nhưng phần lớn họ đều thất vọng. Họ khao khát một tình yêu lớn và cái họ cần là được hiểu. Sơn cũng như phần lớn đàn ông châu Á đều không hiểu, không chịu hiểu, không đủ lắng nghe để hiểu về người phụ nữ bên mình. Hoặc mặc định sự hiểu theo cách của phái mạnh về phụ nữ: “Sơn nghĩ - và không ngại nói rõ với tôi - rằng tôi ngây thơ quá, tôi đang làm những việc vô ích, phù phiếm – như viết sách, dịch sách, học tiến sỹ, muốn làm cái nọ, cái kia cho xã hội. Điều này thì không chỉ mình Sơn. Hình như nhiều người đàn ông Việt Nam cũng nghĩ vậy. Họ thích và thành thạo việc nhắc nhở những người phụ nữ quanh họ rằng việc một phụ nữ nghĩ mình có trách nhiệm và có thể làm những việc nghiêm túc cho xã hội là một việc tự thân và sẽ vĩnh viễn không thể thành hiện thực. Với họ, phụ nữ vĩnh viễn chỉ có thể là đom đóm đàn, còn họ nghiễm nhiên là mặt trời, mặt trăng, cột đèn, nếu không cũng là đom đóm gộc. Họ hình như không biết điều đó khiến người bạn đời của họ cảm thấy cô đơn như thế nào. Cô đơn giết người phụ nữ rất nhanh – cái chết từ trong ra, như một thân cây héo hon dần”8. Căn cốt nỗi cô đơn của đàn bà châu Á, có lẽ nằm ở chỗ đã

Căn cốt nỗi cô đơn của đàn bà châu Á, có lẽ nằm ở chỗ đã không được hiểu như họ mong muốn. Càng cố gắng học hỏi, làm việc để hoàn thiện bản thân họ lại càng cô đơn. Bởi lẽ, đàn ông Việt luôn mặc định họ ở vị trí trung tâm, còn người đàn bà, dù cố gắng đến đâu cũng chỉ thực hiện những việc phù phiếm, vớ vẩn. Sự vênh lệch trong nhận thức của hai giới mà cội nguồn là định kiến của xã hội trọng nam khinh nữ đẩy người phụ nữ hiện đại vào nỗi cô đơn vô phương chống đỡ.

không được hiểu như họ mong muốn. Càng cố gắng học hỏi, làm việc để hoàn thiện bản thân họ lại càng cô đơn. Bởi lẽ, đàn ông Việt luôn mặc định họ ở vị trí trung tâm, còn người đàn bà, dù cố gắng đến đâu cũng chỉ thực hiện những việc phù phiếm, vớ vẩn. Sự vênh lệch trong nhận thức của hai giới mà cội nguồn là định kiến của xã hội trọng nam khinh nữ đẩy người phụ nữ hiện đại vào nỗi cô đơn vô phương chống đỡ. Quan sát bản thân và những người phụ nữ xung quanh khi ở châu Âu giúp Việt nhận ra: Cái chết về tâm hồn, cái chết từ trong ra, như một cái cây héo hon là điều đáng sợ nhất. Những người đàn bà có nhận thức, có trình độ, có kinh tế tự chủ có khao khát làm việc và cống hiến cho xã hội [phụ nữ trí thức] lại càng cô đơn hơn bao giờ hết.

Ly hôn chưa bao giờ là việc dễ dàng, càng khó khăn hơn nếu người chủ động đề nghị là phụ nữ. Từ châu Âu trở về Mỹ, Việt đã lưỡng lự, chần chừ rất nhiều trước khi nói với Sơn bằng tiếng Anh: “- Anh ạ, lúc em ở châu Âu một mình, em rất vui. Nếu em quay lại sống một mình thì có được không?/ - Dĩ nhiên là được/ - Nếu em quay lại sống một mình anh có ổn không? - Dĩ nhiên”9. Chủ động đề xuất vấn đề ly hôn nhưng Việt đầy ngập ngừng, e ngại (dùng tiếng Anh), dùng những câu hỏi (có được không, anh ổn không?), thể hiện rõ tâm lý lo lắng cho người đàn ông mà không nghĩ tới mình. Ngược lại, câu trả lời của Sơn, người chồng là những câu khẳng định rất ngắn gọn, chắc nịch như chân lý. Trong những câu hỏi của người Việt hàm chứa sự níu kéo, muốn gìn giữ còn Sơn thì không, không mảy may níu kéo. Điều đó gây tổn thương sâu và khiến Việt nhận ra: “Sơn lúc nào cũng thế, lúc nào cũng sẽ ổn, có tôi hay không cũng vẫn ổn. Không gì có thể tác động đến Sơn. Anh hình như cũng không bao giờ biết tôi nghĩ gì, cảm thấy thế nào. Tôi chỉ như một vật đeo bám vào cái trụ đá không thể xoay chuyển là anh. Cuộc sống này của hai chúng tôi mà sao tôi luôn cảm thấy mình không phải một nửa trong đó”10. Một nhận thức mới vỡ ra: cuộc sống của cả hai nhưng cô luôn thấy đơn độc, luôn thấy có một mình. Những suy tư về bản thân, về Sơn, về việc quyết định ly hôn hay không ly hôn lại kéo nhân vật triền miên trong suy nghĩ. Những khoảng trống và tổn thương mỗi lúc một sâu thêm. Việt im lặng. Với Paris 11/8 (Thuận), điệp khúc “Liên không nói” thường xuyên được lặp đi lặp lại. Thảo (Người sót lại của Rừng cười – Võ Thị Hảo) cũng không nói, không giải thích bất cứ điều gì khi xung quanh kết án cô phụ người yêu. Tôi (China Town – Thuận), chìm sâu vào hồi ức và tưởng tượng về người chồng cũ… Hết thảy họ đều im lặng, không nói. Lòng họ đầy những “bí mật” (từ của Phan Việt). Không chỉ lẳng lặng quan sát nỗi đau của bản thân, đáng chú ý là cách nhân vật chính đối mặt với bất hạnh. Lấy bản thân làm đối tượng quan sát, nghiên cứu, phân tích, đặt rất nhiều câu hỏi (tôi sẽ ra sao? Tôi có thể đứng lên? Tôi đã ba mươi tuổi rồi, tôi có thể lại bắt đầu hay không?), tìm rất nhiều bài báo, các công trình nghiên cứu11 để khảo sát, đeo đẳng suy tư, mổ xẻ đến cùng thực trạng hôn nhân, nghiên cứu kĩ lưỡng chính mình, Việt đã đi ngược những cơn đau để quyết định ly hôn. Để đi tới sự độc lập, tự chủ về kinh tế không khó nhưng độc lập, tự chủ về tư tưởng và hành động, vượt thoát hoàn toàn khỏi “trụ đá” người đàn ông, trở thành người phụ nữ tự do thì không thật dễ dàng. Việt trở thành mẫu hình phụ nữ trí thức có lẽ chưa từng có trong lịch sử văn chương nước Việt.

Suốt thế kỉ XX, người phụ nữ trong văn chương cố gắng cất lên tiếng nói “đòi” tự do trong tình yêu, trong hôn nhân, trong việc bộc lộ những nhu cầu bản thể… là những nhu cầu thiết thân nhất của phụ nữ Việt. Hình tượng nhân vật nữ trong sáng tác của Phan Việt không quan tâm đến nhu cầu đó.

Sự độc lập và tư duy trí thức khiến nhân vật luôn băn khoăn về những vấn đề mang tính triết học: tôi là ai? Tôi sống để làm gì? Ý nghĩa đích thực của tôi trong cuộc đời này là gì? Đâu là ranh giới giữa sự sống và cái chết?

Khi băn khoăn về hôn nhân được giải quyết thấu đáo là lúc một băn khoăn khác thế chỗ trong “tôi”. “Tôi” gặp “ma”12, đối mặt với nỗi sợ hãi tột cùng. Những đau khổ vì ly hôn bỗng chốc trở thành “trò trẻ con” khi đem so sánh với thế giới “mênh mông, vô tận, vô đáy, tối đen ma mị hắc ám”, không sao sờ nắm được. Tư duy của một phụ nữ làm khoa học khiến cô nhanh chóng nghĩ tới việc phải tìm ra câu trả lời: “Nhất định phải có cách giải thích logic cho việc này, phải có câu trả lời”; “Nhất định là dù thế nào thì mình cũng sẽ không để “nó” thắng và hại mình được”; “Nhất định phải có cách ra khỏi cái này”; “Nhất định không thể chết về tay “nó”13. Việt mất ba năm để trả lời cho câu hỏi này. Trong tư cách một người nghiên cứu, một giáo sư hướng dẫn sinh viên Mỹ thực tập, một phật tử… Việt dần nhận ra sự hoang mang và những sợ hãi tột cùng của con người. Sợ “ma” chỉ là một trong muôn vàn nỗi sợ hãi thường trực của con người dù người Mỹ hay người Việt, dù nghèo khổ, thiếu hiểu biết hay giàu có và nhiều bằng cấp, tất cả đều có chung nỗi sợ trong đáy sâu tâm hồn. Son phấn, quần áo, xe cộ, nhà cửa, địa vị, danh thiếp, vợ chồng, con cái, bạn bè, cơ quan và các vật tùy thân khác là những thứ mà con người loay hoay dùng để dệt tấm vải che những miệng vực toang hoác: “Chỉ cần một mũi kim, tấm vải sẽ thủng và cả suối nước mắt, giận dữ, cô đơn, si mê, sợ hãi sẽ tuôn trào. Khi khóc, thì Mỹ hay Việt đều giống nhau”14. Làm thế nào để vượt qua nỗi sợ, để có tự do thực sự trong cuộc đời này? Liên tục tra vấn, cố gắng tìm cách trả lời, Việt đã “thoát” ra khỏi những băn khoăn thường trực của phụ nữ. Suốt thế kỉ XX, người phụ nữ trong văn chương cố gắng cất lên tiếng nói “đòi” tự do trong tình yêu, trong hôn nhân, trong việc bộc lộ những nhu cầu bản thể… là những nhu cầu thiết thân nhất của phụ nữ Việt. Hình tượng nhân vật nữ trong sáng tác của Phan Việt không quan tâm đến nhu cầu đó. Sự độc lập và tư duy trí thức khiến nhân vật luôn băn khoăn về những vấn đề mang tính triết học: tôi là ai? Tôi sống để làm gì? Ý nghĩa đích thực của tôi trong cuộc đời này là gì? Đâu là ranh giới giữa sự sống và cái chết? Đi tìm câu trả lời cho mình chính là cách để nhân vật tìm thấy tự do thực sự. Tự do là khi được về “nhà”. Ngôi nhà bản thể của chính mình. Khi đã nhận ra mình thì đâu cũng sẽ là nhà để thân tâm đều an lạc. Cuối cùng, Việt nhận ra lối đi cho riêng cô là Phật pháp. Sau nhiều mùa an cư ở chùa, những khóa tu học tại các tu viện ở Việt Nam, Thái Lan, Nhật Bản, Ấn Độ… cô từ chối kết hôn thêm một lần nữa để xuất gia gieo duyên. Nhân duyên với Phật cuối cùng đã đem đến cho cô sự bình tâm thực sự, để trở về “căn nhà đích thực” của mình. Khái niệm “nhà” được cấp thêm nghĩa mới theo cách viết của Phan Việt. “Nhà” là nơi cô được bình an nhất, thảnh thơi nhất, là mình nhất dù chỉ có một mình. “Về nhà” là về với bản ngã, được sống là mình, đó là hạnh phúc mà có lẽ ai cũng khao khát kiếm tìm. Điều đáng nói là song song với việc tìm hiểu Phật pháp, Việt tiếp tục mở rộng các nghiên cứu, xây dựng các lớp học, các dự án để đưa những gì học được vào ngành công tác xã hội, nhất là áp dụng Phật pháp để chữa bệnh tâm thần. “Giải thoát” không còn là thoát đời, mà trở thành giải thoát gánh nặng của phiền não, của tinh thần, hướng tới thân tâm an lạc và hướng thiện trong việc cố gắng giúp đỡ mọi người nhiều nhất. Việt trong hành trình tìm mình đã luôn cố gắng làm những việc tốt cho cuộc đời, cho nhiều người. Đó là hành xử thể hiện phẩm giá và trách nhiệm của một trí thức chân chính với cuộc sống.

Viết theo lối tự truyện, nhưng thay vì đứng từ hiện tại nhìn lại quá khứ, Phan Việt chọn cách xử lí tâm trạng của nhân vật vào đúng thời điểm diễn ra khiến người đọc như song hành cùng nhà văn trên từng chặng của cảm xúc dù đau đớn, buồn tủi hay ngu ngốc nhất (như chị từng nói). Hành trình đi tìm mình của một nữ giáo sư Đại học gốc Việt sống và làm việc tại Mỹ dần hiện ra hấp dẫn bất ngờ như một cuốn phim. Ở đó, hình tượng trung tâm chính là chân dung độc đáo của một phụ nữ trí thức thông minh, giàu cảm xúc, dễ tổn thương nhưng không ngừng suy tư, lao động miệt mài để tìm kiếm tự do và hạnh phúc đích thực.

Bất hạnh là một tài sản - cách tiếp cận mới về vấn đề phụ nữ của Phan Việt
Phan Việt và tác phẩm văn học đã được xuất bản

Trước Phan Việt, có thể thấy, văn xuôi Việt Nam thường đề cao vẻ đẹp của nữ tính, thiên tính, của đức hi sinh… Phụ nữ luôn được xem như một “món quà” của cuộc đời cần được thấu hiểu, cảm thông, yêu thương, nâng niu, trân trọng. Bộ sách của Phan Việt lần đầu tiên xây dựng trọn vẹn chân dung một phụ nữ trí thức với vẻ đẹp của học thức, trí tuệ, vẻ đẹp của suy tư và khát vọng theo đuổi đến tận cùng những vấn đề bản thể của con người. Tự do suy tư, tự do lựa chọn, tự do hành động trong tư thế độc lập, làm chủ cuộc đời mình, thực hiện những việc làm ý nghĩa với bản thân và có trách nhiệm với xã hội, hình tượng người phụ nữ trong sáng tác của Phan Việt chấm dứt sự “độc quyền” của nhân vật trí thức nam giói trong văn chương, mang đến một cái nhìn hoàn toàn mới mẻ, độc đáo về người phụ nữ trí thức hiện đại của thế kỉ XXI, trong bối cảnh toàn cầu hóa. Đó là đóng góp mới, cũng là một cách tiếp cận khác về phụ nữ của nhà văn Phan Việt trong văn học Việt Nam đương đại.

Bài được công bố lần đầu tiên trên tạp chí Nghiên cứu văn học.

Trịnh Đặng Nguyên Hương

_______________

[1] Hiểu theo cách chung nhất, phụ nữ trí thức là một phụ nữ có học thức, có nghề nghiệp liên quan đến học vấn chuyên sâu của mình, độc lập về tài chính, có tinh thần phản biện và có trách nhiệm với xã hội.

2 Phan Việt: Xuyên Mỹ, Nxb. Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh, 2014, tr.6.

3 Phan Việt: Về nhà, Nxb. Hội Nhà văn, H., 2016, tr 198.

4 Phan Việt: Xuyên Mỹ, Nxb. Trẻ, H., 2014, tr.6.

5 Phan Việt: Một mình ở châu Âu, Nxb. Trẻ, H., 2012, tr82.

6 Phan Việt: Về nhà, Nxb. Hội Nhà văn, H., 2016, tr.177.

7 Phan Việt: Về nhà, Nxb. Hội Nhà văn, H., 2016, tr. 198.

8 Phan Việt: Một mình ở châu Âu, Nxb. Trẻ, H., 2012, tr.20.

9 Phan Việt: Xuyên Mỹ, Nxb. Trẻ, H., 2014, tr.15.

10 Phan Việt: Xuyên Mỹ, Nxb. Trẻ, H., 2014, tr.15.

11 Mười sáu trang chú thích về các công trình nghiên cứu sâu mà nhân vật chính đã đọc về ly hôn, một trang liệt kê các tài liệu tham khảo bằng tiếng Anh cho thấy Việt đã đọc rất nhiều, tìm hiểu kĩ về ly hôn trên thế giới để soi chiếu với thực trạng của mình.

12 Phan Việt: Về nhà, Nxb. Hội Nhà văn, H., 2016, tr.45.

13 Phan Việt: Xuyên Mỹ, Nxb. Trẻ, H., 2014, tr.15.

14 Phan Việt: Về nhà, Nxb. Hội Nhà văn, H., 2016, tr.56.

------

Bài viết cùng chuyên mục:

Giới và Biểu tượng từ truyện sang phim chuyển thể Bí ẩn nữ tính: Vấn đề không tên Labubu: Cơn sốt mới trong thế giới sưu tầm đồ chơi lưu niệm Trải nghiệm nghệ thuật của người chuyển giới Nghệ thuật: Vũ khí của Nghệ sĩ châu Phi chống bất bình đẳng giới
Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Baovannghe.vn - Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 98/CĐ-TTg ngày 18/9/2024 chỉ đạo tập trung ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ.
Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Trong số các nhà văn nữ Việt Nam đương đại, nhà văn Vũ Thanh Lịch, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình, là cây bút văn xuôi có nội lực sung mãn. Chị là tác giả của nhiều truyện ngắn hay, ghi dấu trong lòng bạn đọc mà “Nhà Thánh” - giải nhất Cuộc thi truyện ngắn Lửa mới 2018-2019 do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức là một minh chứng tiêu biểu.
Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Baovannghe.vn - Bà ngoại chỉ nói: "Đừng thúc ép gì nhiều. Phải tội. Đời người bạc, phận mỏng, biết sao được số trời. Mày làm thế không sợ chuốc khổ cho con bé".
Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4  trên khu vực trung Lào

Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4 trên khu vực trung Lào

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, sáng sớm nay (19/9), áp thấp nhiệt đới trên khu vực phía Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa đã mạnh lên thành bão - cơn bão số 4 năm 2024.
Bản tin Văn nghệ: Cuộc thi "Đưa Văn vào đời" - trao thiệp gửi yêu thương

Bản tin Văn nghệ: Cuộc thi "Đưa Văn vào đời" - trao thiệp gửi yêu thương

Baovannghe.vn - Cuộc thi thiết kế thiệp Văn học: Đưa Văn vào đời 2024, do Nxb Hội Nhà văn phối hợp tổ chức, Hội Nhà văn Việt Nam bảo trợ chuyên môn