Châu Sa - một cái tên còn khá mới - đã viết như thế này về những dẫn dụ đến với văn chương và sự theo đuổi văn chương:
"Tôi biết mình mang gương mặt của kẻ lưu lạc. Của đứa trẻ năm xưa không có nổi một người bạn cùng chơi, đơn độc trốn trong góc nhà, tìm niềm vui trong cuốn sách dày kín chữ. Thế giới trong sách lấp lánh. Thế giới thực rất buồn. Nỗi buồn đổ loang trên vệ đường bụi bặm tôi đi học buổi chiều, mảnh trời mây ảm đạm, màu mực viết sẫm buồn mà giờ viết nào tôi cũng bị lấm lem những ngón tay. Nỗi buồn nhuốm đầy giấc mơ uể oải, cả những sớm Chủ nhật tỉnh táo ngồi giữa chốn đông người. Tôi tưởng mình sẽ quên. Nhưng nỗi buồn, chúng vẫn ở đó, ứ đọng từng ngày. Tôi viết để không phải nhìn thấy chúng.
Sau này tôi ham các chuyến đi. Tôi nhớ những cây xương rồng mọc hoang bờ cát, mặt biển xanh ngời, những ngôi nhà và những khoảnh đất trống vụt thoáng qua dưới nắng trưa… Đó là một thế giới tuyệt diệu, nhưng tôi quen nghĩ rằng những gì đẹp quá thì chẳng bao giờ dành cho mình. Các chuyến đi cho tôi ngấm đủ nỗi bơ vơ của kẻ lưu lạc, biết rằng đi mãi đi hoài cũng không có nổi một nơi nương trú. Tôi đành tự tìm chỗ náu thân. Tôi viết, kinh ngạc nhận thấy rằng bằng cách ấy, tôi có thể dựng lên một tiểu vũ trụ của riêng mình. Ta xây một thế giới bên trong ta. Mỗi ý nghĩ là một lần tự nhận thức bản thân, mỗi câu chuyện viết ra là cách ta hé ra cái nhìn của bản thân về thế giới.
Tác giả trẻ Châu Sa - Ảnh: Viết & Đọc |
Thỉnh thoảng tôi nghe May Spring Come và nghĩ về sự bất định của một đời. Hai tám năm đời tôi đã trôi qua. Tôi viết nhiều trong những giấc mơ và ngủ vùi trong thế giới thực. Tôi xây các câu chuyện trong đầu và tô vẽ chúng bằng tất cả sắc màu tôi có. Nhưng tôi cũng biết rằng niềm say sưa đó không ở lại mãi. Tôi sớm nghĩ đến một ngày tôi hoang phế, trí tưởng tượng cũng tiêu điều. Bóng tối rồi sẽ phủ ngập lên những bậc thang tôi đã đi, và xóa mờ cả cái tên Sa mà tôi đã chọn. Nhưng tôi đã viết, sẽ viết và yên lòng rằng những ngày tháng này và những ý nghĩ này vẫn luôn còn lại, ở đâu đó".
.
RỪNG TỐI
“Xe nhích từng tấc trên đường. Những chuyển động chậm chạp luôn làm tôi bực bội. Tôi lật chăn ngồi dậy. Dòng xe kẹt cứng, ken đặc kéo dài tới những cột đèn đỏ phía xa. Hôm nay ngày lễ, thành phố tắc đường.
Tôi vừa trở về sau chuyến đi Tây Nguyên. Tôi có ông anh họ, nhiều năm trước đã rời quê và bỏ vào Nam làm kinh tế. Sau anh, tôi là người thứ hai của dòng họ ly hương. Bọn tôi gặp lại nhau ở hàng hủ tiếu sau bao lâu nhỉ, gần mười năm, đúng dịp anh tới thành phố này cất chuyến hàng. Chúng tôi mau chóng nhận ra nhau, bởi cả hai đều mang vẻ đặc trưng nhà nội, da ngăm, cao lớn, mắt sụp mí. Anh đòi tôi ngày nghỉ đến nhà anh chơi, ngắm nhà cửa và rẫy tiêu anh gầy dựng. Anh tha thiết nài mãi, thế là tôi nhận lời cho xong, dù miễn cưỡng. Từ lâu tôi chẳng hứng thú gì với các mối quan hệ, dù là phụ nữ hay họ hàng thân thích. Từ ngày vào Nam tới giờ đã nhiều năm, tôi còn không quay về nhà dịp nào. Nhưng kể từ lần gặp lại đó, cứ vài ba ngày anh lại gọi điện thúc giục, càng gần ngày lễ anh càng giục riết. Tôi hiểu rằng nếu không đi một chuyến thì không yên với anh, nên dù chưa đến lễ tôi cũng xin nghỉ, bắt xe đi Buôn Hồ.
Ở nhà anh được mấy ngày thì tôi trở lại, ngay trước kì nghỉ lễ. Ngày lễ thành phố thường vắng người. Tôi luôn chờ một dịp như thế, bởi còn một dự tính quan trọng phải làm. Đường bắt đầu tắc khi xe vào đại lộ. Khi đến ngoại thành thì đường tắc cứng, xe khách tôi nằm không nhích nổi mét nào. Chỗ này còn cách nơi tôi ở xa lắm. Tôi ngó cửa kính, nhìn chằm chằm mặt mình với vẻ chán chường lạc hướng, mi mắt mọng cứng, râu chưa cạo, nom không giống người sắp khởi sự làm việc lớn. Trong xe ngột ngạt chỉ làm tôi khó chịu thêm. Ven đường có một khu đất bỏ hoang, mọc đầy cỏ dại, tôi xin bác tài mở cửa, rồi co chân nhảy xuống.
Đi hết vỉa hè, nhảy qua hàng lưới thép lỏng lẻo ngăn cách cho có, tôi đã vào được khu đất hoang. Tôi vứt túi đồ, ngồi trên cỏ, ngẩng đầu ngắm mặt trăng. Cạnh đó một quãng vẫn là đường lộ tắc cứng, nhưng chẳng còn can hệ gì đến tôi cả. Bấy giờ chừng bảy rưỡi tối. Tôi gọi một chiếc taxi, nhưng tình hình đó chắc còn lâu xe mới tới. Tôi đói. Đã hơn sáu tiếng tôi chưa có gì trong bụng. Tôi lục túi, vẫn còn cái bánh mì mua lúc đứng chờ xe khách. Bánh mì ỉu, bẹp rúm và nguội ngắt. Chai nước còn một nửa, như thế cũng đủ cho tôi rồi.
Mất mười lăm phút tôi mới xong bữa ăn. Tôi luôn có thói vừa ăn vừa nghĩ ngợi, những ý nghĩ không dính dấp, không đầu cuối. Tôi nghĩ về số phận bất thường của ông anh. Tôi nghĩ về Đà Lạt. Ồ, đừng ngạc nhiên vì cớ gì lại có Đà Lạt ở đây. Tôi hay có những suy nghĩ lan man như vậy. Tôi nhớ về mùa đông miền Bắc, nhìn bầy chó hoang lảng vảng dưới chân cầu. Con nào cũng buồn và ốm đói. Chúng tìm đồ ăn ở đâu? Khu đất này dễ có động vật chết. Mà nơi nhiều cây cỏ và um tùm như này rất thích hợp để vùi xác, cả xác động vật lẫn xác người.
Người tôi run lên phấn chí vì ý tưởng đó, nghĩ mình vừa ngả lưng, ăn tối khi quanh đấy có một xác chết khuất kín thì quả là lạ kỳ. Tôi đứng dậy, nhìn khắp xung quanh. Mảnh đất bỏ hoang, chưa quy hoạch, hai mặt giáp đường, mặt còn lại hướng về sông. Và rộng đến nỗi đứng ở đầu này chẳng trông rõ cái gì ở phía kia, chỉ thấy những lùm cây đen thẫm.
Ven đường ngập rác, tôi thận trọng giẫm chân qua những bao nilon, tấm chiếu mục nát, ly thuỷ tinh bể... Càng đi sâu vào trong cỏ dại càng um tùm, bắt đầu thoáng gặp vài cây lớn, rác rưởi cũng ít hơn. Máu khám phá bốc lên, dù ngần ngại nhưng tôi vẫn tiến lên trước. Cỏ tốt ngụt. Chân tôi lút trong bụi cỏ ngập đến gần đầu gối. Tôi đi xăng đan nên cảm nhận rõ ràng mỗi lần cỏ hay cành khô gại qua mắt cá. Có lúc tôi rùng mình vì ngón chân sục phải lớp da trần của một con sên, trơn và lạnh nhớt. Trăng không sáng, nhưng vẫn đủ soi lờ mờ. Cỏ hơi vạt ra thành gợn mỏng sau lối chân, tôi cứ thế mò mẫm đi xuống gần mạn sông. Tôi nghe tiếng nước vỗ và mùi hôi hôi theo gió tạt qua má. Thứ mùi tôi chưa bao giờ ngửi thấy, ám ảnh và nát mục, dẫn dụ tôi đi về phía trước. Ở đây tối, những tàng cây lặng phắc thâm u. Thoáng chốc tôi đã thấy mình đứng dưới vòm cây tối sầm và chẳng thấy trăng đâu nữa.
Tôi đã tới gần cuối mảnh đất. Chỉ một quãng nữa là sông. Mặt nước đen ngòm không hắt lên chút sáng. Tôi đứng dưới bụi dừa cao lớn gần bờ nước, tàu lá rùm ròa, nghe tiếng loạt soạt vỗ cánh của một con chim đêm. Muỗi bay như trấu. Bất chợt, tôi bị hút vào khoảng tối đen kì lạ giữa hai gốc dừa. Phải giữ mắt mình mở to để quen dần bóng đêm, và tôi đã thấy nó. Một hình thù sầm sẫm thuôn dài, hiện ra ma quái trong khoảng không tối ám, như thể vừa thình lình trồi lên trên bờ đất phẳng. Một xác người - tôi tiến thêm một bước để nhìn - đang phân hủy. Lớp da phù thũng loang lở, hốc mắt trũng đen. Tóc rụng gần hết, vãi vung trên đất bẩn. Trán, bả vai, hai đầu gối, các bộ phận đó như nhô hẳn lên cho tôi thấy, những phần khác vùi trong bóng đêm im lặng. Cái xác ngửa đầu trên hòn đá lớn, mồm há to hệt cái hốc đen ngòm, hướng thẳng lên vòm cây. Thi thể chẳng còn nguyên vẹn nữa, bởi đám giòi bọ đã ăn một góc bụng, nơi lẽ ra là ổ ruột, giờ chỉ là đống bầy nhầy ươn nhũn.
Mùi tử thi, mùi chết chóc như tấm nệm thối rữa vô hình phủ lên nơi tôi đứng. Ban đầu, thứ mùi chỉ phất phơ trong gió, nhưng khi tôi cúi xuống nhìn thi thể, nó đột ngột xộc lên, làm tôi mụ mẫm cả người. Tôi hít một hơi chậm và sâu, để thứ mùi đó thấm vào lòng phổi, tẩm vào từng lỗ chân lông và thấy mình gần như chết ngất.
Lùi ra ngoài một chút để tim đập bớt nhanh, rồi tôi quyết định quay trở vào. Tôi cần kiểm tra cái xác. Tôi muốn bươi nó lên xem thử, nhưng sợ nhớp tay. Tôi bẻ một cành cây, móc đầu chạc vào cổ áo, gắng lật cái xác ra sau. Một cái áo kiểu tàu của đàn ông. Vải áo mủn không chịu nổi, rách xoét một tiếng ghê người. Cái xác trở lật về sau, một bên má ngật ra, trầy nát trên tảng đá. Tôi cúi đầu ngó kỹ, phần gáy lõm xuống, giống như bị thứ gì đập vào. Cú đập ác và mạnh. Tôi hiểu ra ngay: đó là một vụ mưu sát!”
“Trời đất! Ghê quá. Chắc cậu sợ lắm hả? Hèn chi lúc lên xe tui, mặt cậu đỏ hết. Tui nghe mà cũng sảng hồn nè!”
Ông tài xế taxi hổn hển thở, liên tục vuốt ngực. Nom ổng còn mất vía hơn kẻ vừa trải qua cảnh hãi hùng đó, là tôi.
“Ban đầu tôi bất ngờ chớ. Chú nghĩ coi, có cha nào chỉ đi dạo vòng vòng mà tấp phải xác chết giống tôi? Lần đầu tôi thấy xác người phân huỷ luôn. Thiệt là xúi quẩy!”
“Tui nổi hết da gà da vịt. Cậu coi. - ông chìa cho tôi xem cánh tay run rẩy. - Nói tui nghe, rồi sao nữa?”.
“Ờ. Ngó một lúc thì tôi trở ra, vì mùi hôi thúi quá mà. Lại còn lắm muỗi. Tôi ra ngồi chỗ cũ, ba vẫn còn nguyên. Ở đó thông thoáng, gần đường, thở cũng dễ chịu hơn. Ngồi thêm một chốc thì chú đến”.
“Rồi sau cậu làm gì? Cậu báo công an chưa? Rồi có hô lên cho ai biết chưa?”.
“Tôi không báo cho ai. Tôi mới nói với chú thôi à. Vì tôi chợt nhớ ra - tôi nói chậm lại, nhấn từng chữ - người đó do tôi giết mà”.
Ông tài xế tội nghiệp. Coi kìa, ổng hoang mang ra mặt. Ổng cười gượng gượng, lẩm bẩm “Đùa hổng vui gì hết”. Nhưng từ đấy ổng lái xe mất tập trung hẳn, thi thoảng lén ngó tôi qua kính chiếu hậu. Tôi không nói thêm gì, chỉ nhìn chằm chằm gáy ổng, để yên lặng ngấm thêm những nghi ngờ. Nhằm đúng lúc ổng đánh mắt liếc tôi, tôi kéo sụp mũ, nhếch miệng cười. Răng tôi trắng, mắt một mí như mấy thằng biến thái trên phim, cười lên tà ác nom rất dọa người. Ông tài xế giật thót mình, xe lạng đi, suýt thì lao vào cái xe rác bị bỏ dưới gốc bàng. Ông ta lập cập tắt máy, không dám ngó tôi nữa, cái gáy đã loáng mồ hôi.
Đường về vắng. Một vài cái xe máy hoặc ô tô lao vút. Loáng thoáng một người đàn bà chở rau củ trên xe thồ, nhẫn nại đạp chậm chạp đằng trước là gần xe chúng tôi nhất. Chẳng ai buồn nhìn cái taxi đỗ ven đường và hai kẻ lạ lùng bên trong.
“Tôi làm ở xưởng nhôm kính.” - tôi nói tiếp, sau khi dốc chai uống ngụm nước cuối. - “Chú đừng sợ, ngồi yên nghe tôi kể nghen. Tôi đang thèm kể chuyện. Tôi và chú đâu thể ngồi im như chết suốt cuốc xe này. Hoặc, thay vì nói mấy chuyện chán ói như mưa nắng hay số đề thì chuyện giết chóc coi bộ hấp dẫn hơn chớ. Mà tính tôi cục, tôi khoái người biết tập trung cho tôi. Chú nghe không? Nghe không HẢ?”
Tôi lay ghế lái, đột ngột quát sát người ổng. Tay ổng đang mò mẫm cái điện thoại liền rút phắt về. Ổng nuốt nước bọt, luống cuống gật: “Nghe. Nghe. Tôi nghe mà cậu.” “Ừa, vậy mới được.” Tôi hài lòng, ghìm giọng xuống, sắp xếp lại câu chuyện, rồi bắt đầu kể.
“Tôi nói đến đâu ta? À, xưởng nhôm kính. Đó, vì làm việc chân tay nên tiền tôi chẳng có nhiêu. Khu trọ tôi ở tít trong hẻm sâu, muốn vào phải quẹo ngược xuôi mấy bận. Tôi luôn nhớ đường thiệt tệ, nên hồi mới đến bị đi lạc miết.
Khu tôi ở có năm phòng, phòng tôi ở thứ ba. Tiền thuê chỉ bảy trăm ngàn một tháng, vừa bệ rạc vừa nhếch nhác. Lòng sân ngột ngạt tù túng, chẳng có lấy một bóng cây, chẳng lúc nào yên tĩnh. Không khí đẫm mùi hăng của bếp dầu, mùi nước thải, thức ăn thừa trút vào xô chung, những cánh cửa ám khói. Quần áo giăng mắc khắp dây phơi. Cái cổng sắt hoen rỉ, cũ nát đến nỗi lần nào mở cổng vụn sắt cũng lạo xạo trong kẽ tay. Tôi chùi tay vào quần mấy lượt cũng không sạch hết, sau này thành thói, lần nào chùi xong cũng đưa lên mũi ngửi. Thật đó, mùi sắt rỉ giống mùi máu. Thế mà tôi đã ở đấy suốt ba năm. Những tháng mùa hè mới khiếp, cái phòng lợp tôn chẳng khác một lò thiêu. Ngày làm mười tiếng ở xưởng mà đêm về tôi không sao ngủ nổi. Nửa đêm tôi dang tay nằm trên nền đất, mồ hôi đẫm mình mẩy, cánh quạt quay lờ đờ chỉ làm bức bối thêm lên. Có đêm tôi đạp tung cửa, tiếng chửi mẹ đời mắc trong cổ họng, bởi tôi đã thấy lão chủ nhà thò cổ ra ngó. Lúc đó tôi chỉ muốn kiếm ngay một mồi lửa đốt chỗ này thành tan hoang. Nếu không phải chẳng có tiền thì cóc ai muốn ở một nơi như thế.
Cái khu đó thiệt tàn tệ, chẳng có nổi một góc để thở. Thứ mát mắt nhất là bụi hoa giấy đầu cổng. Tôi hay ra đó hút thuốc, nhưng cũng chẳng yên, bởi hễ lão chủ trọ ra đứng cùng là tôi lỉnh đi. Tôi sợ đứng lại lâu hơn, lỡ không kiềm được giơ tay tát lão thì phiền. Không lí do, tôi ghét lão. Ghét từ cái đầu thưa tóc, áo ba lỗ trắng lão hay mặc, tôi tức lây cả mấy bài hát lão hay ngấm ngứ. Mẹ, tôi không thể chịu nổi mỗi lần gần lão. Lão toả ra thứ mùi tăm tối, bệnh hoạn, làm tôi bứt rứt như nhìn phải một con chuột bẩn thỉu. Mọi sự xảo trá, tiểu nhân, ươn hèn, lươn lẹo, khó tính trái nết… qua lão, đều hợp lại thành một. Chẳng ai trong khu trọ ưa lão ta. Còn tôi, tôi căm lão. Những lần lão đứng gần tôi, bắt tôi châm thuốc, tôi âm thầm tưởng tượng mình đang di đầu thuốc vào má lão và ngửi mùi da thịt cháy. Tôi nghĩ thế để tạm thấy hả lòng, dù là trong chốc lát.
Bù lại cho tôi, bà chủ trọ thiệt dễ chịu. Vợ chồng nhà đó chẳng có con, cũng chẳng có họ hàng thân thích gì. Hai ông bà già cãi nhau miết. Mấy lần bả còn bị lão già tát nữa kìa. Ngoài lúc ăn nhậu với cằn nhằn ra thì lão ta đi suốt. Có đợt lão đi cả tháng trời. Lão già mất nết, sáu lăm rồi, già chết mẹ mà còn mê con bé cắt tóc gội đầu mới hai chín. Việc trong nhà lão chẳng làm. Bà chủ phải nhờ tôi làm giùm mấy việc nặng. Trong đám thuê trọ bà ưa tôi hơn cả, vì tôi hay giúp việc, hoặc có thể cùng là người Bắc với bà. Tôi hay ra vô nhà bà chủ, mấy lần thấy lão già chỉ cất tiền trong buồng, kẹp dưới nệm, rất hớ hênh. Một lần bà ra giếng rửa rau, tôi lén vào trộm đi bốn triệu. Hai ngày sau ông bà mới biết. Hai người lại cãi nhau. Lão già mắng vợ làm rớt ở đâu. Bà đổ ổng đưa tiền cho gái. Rồi ổng lại tát bả, như mọi ngày.
Dù thế, nhưng nhờ có tiền thuê trọ và lương hưu của lão già, nên trong đám công nhân, ông bà chủ vẫn sống thoải mái hơn nhiều. Sáng nào tôi đi làm cũng gặp bả xách giỏ đi chợ, dù bả kêu đau khớp gối hoài, vì lão già cảnh vẻ lắm, bữa ăn nào cũng phải là đồ tươi mới chịu. Những đêm lão uống say, cả khu trọ khỏi ai ngủ. Lão lè nhè chửi bới, nôn mửa khắp sân chung, đòi đuổi hết bọn thuê trọ. Đi làm về nhọc còn không được yên ổn, bất mãn của tôi chẳng biết trút vào đâu.”
Mà thôi, chuyện quá khứ rồi, tôi bảo với ông tài xế, tự tay tôi đã giải quyết phiền phức đó. Bằng một mạng người. Giờ đời sống tôi khá hơn. Đã chấm dứt hết rồi.
“Vậy… Xác chết hồi nãy là… Cậu giết người thiệt hả?”
“Chà, ban đầu tôi đâu có ác ý gì - tôi gãi mũi - Chỉ là hoàn cảnh bắt buộc thôi…
Đó là hồi Tết. Tết là đám công nhân về hết, chỉ mình tôi ở lại khu trọ. Lão già đêm giao thừa cúng xong là dông thẳng, sớm mùng một đảo qua nhà lấy tiền, rồi đi tiếp. Bà chủ rầu ra mặt, chiều mùng một nấu ăn xong thì khóa cửa nhà. Bà sang dặn tôi, nếu ông về thì nhắc ông uống thuốc hạ huyết áp, bả vào chùa mấy ngày cho khuây. Tôi âm thầm toan tính. Từ lâu tôi đã biết cánh cửa bếp dễ mở, bởi bà để hổng một lỗ ở chân cửa cho con mèo ra vô. Chỉ cần luồn cái móc sắt qua khe đó là kéo được then cài. Trước tết, tôi đã thấy ông già đi rút tiền lãi ngân hàng. Bữa đó thiệt là cơ hội trời ban, tôi quyết tâm đánh một mẻ lớn.
Tôi mang theo ba lô đựng tiền, mò mẫm mở then cửa. Trong nhà hôm đó không thắp điện nhưng bóng đèn ở đầu hiên hắt qua cửa chớp mù mù đủ cho tôi quan sát. Từ bếp đi xuyên lên gian buồng chỉ mười lăm bước chân. Tôi nhấc thử nệm giường lên. Mẹ ơi, thằng chả ngu độn này vẫn cất tiền chỗ cũ. Mấy xấp tiền đủ mệnh giá, tôi không kịp đếm, cũng không giỏi ước chừng. Tôi mừng rơn vì thấy mình hên, đi ăn trộm mà dễ như ăn hủ tiếu. Tôi vừa kéo khóa ba lô thì nghe tiếng cổng mở, cả tiếng chân líu ríu trên thềm nhà. Có người về. Chết mẹ, tình thế này tôi đâu lường trước.
Tôi dỏng tai nghe ngóng. “Liên, mở cửa!”, cái giọng lè nhè say xỉn của lão già. Tôi muốn chửi, khốn thiệt, sao lão cứ phải về đúng tầm giờ này chớ. Bước chân lão dừng lại, lay lay cái cửa buồng bị khoá. Cửa rung bần bật. Hai người, chủ nhà và thằng trộm chỉ cách nhau cái cửa mỏng và vài bước chân. Tôi vừa hối hả vơ tiền, vừa thầm chửi rủa lão. Tôi không sợ lão già, tôi chỉ ghét những bất ngờ trật khỏi dự tính. Tiếng lanh canh của chùm chìa khóa va vào nhau khiến tôi thót mình. Tôi vừa lắng nghe tiếng bản lề rít kẽo kẹt, lão già hổn hển thở, và vẫn thận trọng không phát ra tiếng động, mau lẹ vơ lấy những xấp tiền chót cùng như một cái máy.
Lão say quá rồi, tôi đoán, bởi lão cứ lập cập thử hết chìa này sang chìa khác. Sắp xong rồi, tôi tính toán. Chắc không kịp cho tôi cài lại cửa như cũ, nhưng lẻn qua bếp rồi chuồn theo lối sau nhà vẫn được. Nhưng số tôi xui. Vườn gió lao xao làm cánh cửa đằng bếp đung đưa khe khẽ. Vì thế, lão phát hiện cửa bếp đang mở. Tôi nghe tiếng chân loạng choạng đi tới.
Tôi nhồi hết tiền vào ba lô, phủ đệm giường xuống như cũ. Lão già phải vịn tường để đi, chân lảo đảo, mùi rượu phả lên lẫn mùi nước hoa càng lúc càng đến gần. Tôi kéo khóa ba lô, muốn chuồn êm, nhưng không kịp. Lão già đẩy toang cửa bếp, mồm âm a hát mấy câu không rõ lời. Tôi núp sau rèm ngăn buồng ngủ, rình chờ. Lão đến giữa nhà, định thò tay bật công tắc điện thì có lẽ thoáng thấy cái bóng tôi. Lão vừa kêu “A!”, tôi gạt chân, lão ngã chổng kềnh trên chiếu trải giữa nhà. Tôi nhảy chồm lên lão, ghì tay bóp cổ cho đến khi lão hết co giật. Vụ tấn công lẹ làng bất ngờ, tôi dồn sức mạnh đến nỗi gần như bẻ luôn cổ lão. Lão già đuỗn người ra. Cổ áo kiểu tàu lão mặc nhăn nhúm sau cuộc xô xát. Nghĩ lại căm tức lâu nay, tôi lật lão lại, kiếm cái chày giã cua nện thẳng một cú xuống ót. Lão già không cựa quậy. Tôi giơ chân đá mấy cái vào sườn, lão bất động, xem ra chết thật rồi. Phần ót lão lõm xuống, ấn vào hơi nhũn nhũn. Rất ít máu chảy ra, chỉ dính chút ở đầu chày. Lúc bấy khoảng mười giờ tối.
Giải quyết tai họa xong, tôi thấy đói. Lúc mở tủ lạnh, tôi thấy ở trỏng có táo, nửa con gà luộc, canh khổ qua nhồi thịt. Tủ bếp có lạp xưởng khô, hũ củ kiệu, mấy món ăn ngon lành ngày Tết. Bụng tôi sôi lên nhưng không dám động vào mấy thứ ấy, đành móc lấy hai túi mì gói mà bà chủ hay để nấu ăn sáng.
Nồi mì sôi. Tôi đổ ra bát, ngồi xuống chiếu, cạnh xác lão già. Cái xác nằm ngửa, mồm há ra, một con ruồi ngửi thấy mùi máu, bắt đầu vo ve đậu lên mũi lão. Tôi kiếm tờ báo lót bàn ăn, đậy mặt lão lại. Ăn xong, tôi rửa bát rửa nồi, khóa gas, xếp mọi đồ đạc lại chỗ cũ. Tôi dốc ba lô ngồi trên giường đếm tiền, tính sơ sơ khoảng hơn sáu chục triệu, mẻ này ngon ăn à. Cái xác lù lù nằm giữa nhà, hai bàn chân lấm đất bắt đầu chuyển màu xám trắng. Tôi sờ tay lên ống quyển, thi thể đã lạnh đi, co cứng lại. Tôi muốn xem quá trình sau chết đi của một người, nhưng biết mình không có thời gian.
Tôi cởi áo lau chút máu dính trên nền, rửa chày gỗ, mở cửa chính để mùi rượu bay đi. Tôi quay về phòng lấy cái vali to, vali mà hồi từ Bắc vào vẫn chưa xài đến lần nào, nhét thi thể lão già vào đó. Nửa người trên tôi xếp được gọn gàng, nhưng tới nửa dưới cơ bắt đầu bó cứng, tôi phải nhồi chân lão gập vào, những đốt xương bị bẻ va răng rắc, chẳng biết có gãy cái gì không”.
Tôi vừa kể vừa khoái ý ngó ông tài xế. Ổng rùng mình từng chặp theo lời tôi kể. Vừa xong vụ án mạng ổng đã cứng người, mặt không sắc máu.
“Cậu... Sao lại thế? Cậu không thấy sợ hay sao?”
“Sợ? Mà sợ cái gì mới được? Lão đáng bị vậy mà. Tôi chẳng hối hận gì hết. Bọn người quanh tôi, cuộc đời, mọi thứ, đều chó đẻ cả.
Tôi có thể tốt với đời lắm chớ, nhưng đời có tốt quái gì với tôi đâu. Ông tưởng tượng nổi không, tôi từng là thằng nhỏ ốm bệnh và yếu ớt. Tôi là đối tượng ngon lành để người ta bắt nạt. Ai cũng có thể hành hạ tôi, từ bố đến bạn bè chung lớp tiểu học. Tôi ám ảnh tiếng trống tan trường, tôi sợ phát khiếp đường đi bộ về nhà. Đám con trai luôn để tôi đi trước, nhằm lúc tôi vừa xoay người đi, chúng sẽ ném đá như mưa vào đầu, vào lưng tôi cho đến khi tôi phải vùng chạy. Còn bố, trò tiêu khiển ưa thích của ổng lúc say là tóm chân tôi, dốc đầu tôi dọng xuống giếng và nghe tôi gào thét. Phải, tôi từng là thằng nhỏ yếu nhược như vậy, nhưng từ lúc dậy thì cơ thể tôi cao lớn kì lạ, cứ như thể bù trừ cho quãng thời gian thất thế.
Tôi không hay ở nhà, cũng không thích trường học. Suốt tuổi niên thiếu tôi chơi lang thang một mình và nghĩ ra nhiều trò vui. Tôi từng khoái trò đi bẫy chim, lấy keo dán chặt hai mỏ con chim lại, rồi thả cho nó bay. Có trưa tôi trốn nhà đi câu trộm cá. Câu được một con khá lớn, tôi đặt nó trên hòn đá phẳng, cầm dao lóc thịt hai bên mình nó rồi thả lại xuống nước, nhìn nó ráng bơi đi. Tôi thề, con cá trơ bộ khung xương và cái đầu quá lớn, máu huyết rây trong nước, ngúc ngoắc bơi trông rất mắc cười. Tôi học được, muốn sống, phải không xót thương ai hết. Tôi muốn thử xem mình mạnh đến đâu.
Này, chú biết không, đêm chằng buộc cái vali sau xe máy và chở đi phi tang, cảm giác con cá trên bờ ao trong tôi trở lại. Nhưng mạnh hơn, ngây ngất cũng hơn nhiều.”
Tôi ngả người ra ghế, nhếch miệng cười, chìm ngập vào ký ức đủ làm tôi hạnh phúc nhiều năm. Những hoài ức luôn gợn lên một niềm vui bệnh hoạn khi tôi kể về nó. Như thể chúng vừa sống dậy, nhảy múa quanh chiếc xe, len lỏi trườn vào bên trong, trong không gian chật hẹp ấy, cắm ngập vào trái tim run rẩy của người lái xe và mơn trớn thần trí tôi, làm bùng lên ham muốn hại người.
“Tôi phóng ra ngoại thành, tìm một khu đất hoang. Kỳ lạ là đêm đó tôi không bắt gặp ai trên đường, Tết mà, lại còn chừng hai giờ sáng, cứ như thể ý trời vậy. Dựng xe sát vỉa hè, tôi vác vali lên vai. Hồi mới vào miền Nam, làm khuân vác hoa quả ở chợ đầu mối, tôi đã vác bao nhiêu bao dừa xiêm và dưa hấu trên người, hệt như lúc đó. Tôi vỗ vỗ chỗ cái đầu lão già, như lúc vỗ để thăm xem quả dưa nào ngọt. Liên tưởng hay hay làm tôi cười thành tiếng. Tôi thấy thèm thuốc, nhưng biết mình phải làm cho xong việc.
Tôi đi đến cuối mảnh đất hoang. Một hòn sỏi lọt vào giày, đâm nhoi nhói gan bàn chân làm tôi khó chịu, nhưng tôi vẫn đi tiếp cho đến lúc thấy chỗ thích hợp. Một lùm cỏ kín đáo, dưới tán những bụi dừa. Tôi dốc vali, thảy cái xác vào lùm. Cái xác rơi bịch, loạt xoạt lăn vào rừng tối. Lúc bấy tôi mới cúi xuống tháo giày, móc lấy hòn sỏi, ném về phía bờ nước. Đêm đó tôi hơi hồi hộp, nên làm ăn ẩu tả quá, chẳng nhớ chỗ đó là vị trí cụ thể nào trong thành phố. Tôi cứ đi lòng vòng, thấy chỗ nào thích hợp thì tấp vào thôi. Lúc tôi trở ra đường vẫn vắng tanh, xe vẫn dựng chỗ cũ. Tôi châm thuốc, đứng tiểu vào một cây hoa. Thấy con bọ dừa đang bò trên cái nụ, tôi nhằm đúng vào nó mà xả nước; con bọ màu cam trôi tuột ngay xuống rãnh.
Vậy chính tôi đã điền dấu chấm hết cho lão già. Một người sống sờ sờ, bỗng nhiên biến mất, bị đoạt đi nhiều năm sống. Tôi nhận rõ quyền năng to lớn của kẻ mạnh, kẻ nắm quyền sinh sát trong tay. Nó cho tôi cảm giác mình là Chúa. Đêm ấy, tôi mất ngủ. Không phải lần đầu tàn bạo, nhưng cảm giác thiệt lạ lùng, run rẩy vì phấn khích. Đấy là lần đầu tiên tôi giết một con người.
Mãi sau này tôi vẫn nghĩ về cảm giác đêm đó. Tưởng tượng cái xác nằm dưới tán cây tối đen, ruồi bọ đậu đen nghịt như một đám mây mù. Dần dần phân huỷ, rã tan không ai hay biết. Tôi hình dung cái xác từng ngày, từng ngày một, khi ở giữa ca làm, hay lúc nửa khuya nằm dưới mái tôn nghe mưa gõ. Tôi nhủ mình có dịp sẽ thử tìm lại nó. Để ngó xuống xác chết lão già bằng cái nhìn hả hê của kẻ chiến thắng, để giẫm chân lên thịt da tan vữa, rứt tóc lão ra vãi vung trên đất bẩn, rồi mang đôi giày lấm thịt người trở về thành phố, bình bình thản thản sống giữa loài người.
Ngay đêm đó tôi đã quay lại căn nhà, bật đèn pin soi xem có lỡ làm rơi cái gì. Một cọng tóc nhỏ cũng không được. Tôi đốt tờ báo và áo thun dính máu, rồi mang tro đi vứt thật xa. Hôm sau tôi đi mua hai gói mì, nhét trả lại chỗ cũ. Mùng bốn Tết bà chủ mới quay về. Lão già hay bỏ nhà đi, nên chẳng ai ngạc nhiên vì sự mất tích. Tiền mất sạch, bà rên rỉ, lão già lại đi theo con bé cắt tóc, trời ơi trời! Tôi hài lòng vì bà nghĩ theo hướng đó. Tôi bảo, nghĩ nhiều làm chi, bác, cũng có ngày con bé đá phắt ông đi, rồi ổng lại phải về à. Buổi tối tôi ngồi trên chiếu, nghe bà chủ khóc than, ngay trên chỗ mà tôi giết người. Tôi không sợ gì cả, thần phật không, ma quỷ cũng không, nhất là với người tôi đã giết. Tôi đã giết được, nghĩa là mạnh hơn người đó một bậc rồi.
Nhiều tháng sau tôi vẫn làm việc nặng trong nhà, ủi an cho bà chủ bớt thương tâm. Tôi tỏ ra đáng tin, đồng cảm với những phiền muộn rặt đàn bà. Nghe bà than thở, tôi lấy khăn cho bả chùi nước mắt. “Thôi mà, má”. Rồi đặt tay lên đầu bả, bàn tay thanh thản như chưa hề vấy bùn và máu.
Bà chủ cảm động chết mẹ, nảy ý định nhận tôi làm con nuôi. Từ bấy tôi vẫn ở phòng trọ, nhưng bà không thu tiền tôi nữa. Tôi cố trả, bà nhét lại. Bà nấu phần cơm cho tôi hai buổi trưa tối, tôi ra vô nhà bà chủ như phòng mình. Thì ra có nhà, có mẹ già là cảm giác tốt đẹp như vậy. Lão già vẫn biệt vô tăm tích. “Cứ để ổng đi, chết dấm dúi ở đâu cũng được”, bà chủ lạt lẽo dần. Lúc bấy tôi mới biết cả khu đất đều đứng tên bà, vậy mà bả vẫn nhẫn nhịn chồng bao năm. Tôi hiểu bà là loại phụ nữ yếu đuối, sợ sệt những bất trắc, đến nỗi không dám sống một mình, lúc nào cũng phải có một người đàn ông để nương tựa trong đời. Mất chồng thì phải kiếm ngay lấy một thằng con trai. Để tôi yên tâm, bả còn viết sẵn di chúc, hứa để lại cho tôi khu trọ sau này. Long ơi, bả nói, con cứ ngoan ngoãn làm ăn, rồi phụng dưỡng má lúc về già, lo má mồ yên mả đẹp, rồi mai sau má cho hết”.
“Vậy... Mừng cho cậu… Tui thiệt tình...”
“Mừng mẹ gì. Tôi định lần này lên rồi giết bả nè. Chắc tôi lấy dây thừng xiết cổ thôi, cho sạch sẽ. Làm lần hai mà, phải kinh nghiệm hơn chớ. Tôi tính hết, nay ngày lễ, người thuê trọ về cả, đường vắng, có chở xác đi vứt cũng dễ. Bả mới sáu mươi, biết bao giờ mới chết. Bả tốt với tôi như vậy, tôi nên giúp bả được đoàn tụ với chồng. Mảnh đất kia bỏ hoang đã nhiều năm, tôi ngắm nghía lâu lắm rồi. Nó sẽ là lãnh địa bí mật của riêng tôi. Để ai sống, cho ai chết, là quyền tôi. Tôi nghĩ về mảnh rừng trong nhiều đêm mất ngủ vì nôn nao, mường tượng ra những gốc dừa xiêu đổ, lùm cây tối đen, biết rằng mảnh rừng dư chỗ cho một người nữa, nhiều người nữa... - Tôi nhếch miệng cười. - Mà ông chạy xe kiếm khá không?”.
Ông ta đang run. Tôi vui thích ngó ông ta từ đằng sau. Gáy nhơm nhớp mồ hôi, bàn tay đặt trên vô lăng rung từng nhịp. Ổng già rồi, cỡ hơn năm mươi, sức mấy tôi tấn công mà ổng cự nổi. Ổng lại liếc tôi qua kính chiếu hậu, phỏng chừng sợ tôi ra tay từ sau lưng, nên hoảng hồn xoay người lại, khổ sở hèn mọn. Hai tay cuống quýt xoa vào nhau như một cái vái. Ổng nài nỉ mà nói không vững nữa.
“Tui xin cậu. Để tui chở cậu về, tui không lấy tiền của cậu, cũng không nói gì với ai hết. Tui hứa mà. Cậu tha cho tui, đừng làm gì, tui có thằng con tự kỷ. Tội lắm, cậu. Tui có làm sao, không ai lo cho nó”.
Đến lúc ấy tôi không diễn nổi nữa. Nom ổng tội quá, ổng tin thiệt mới sợ! Tôi vỗ vai ổng, gập người cười rũ, sặc sụa không nín được, đầu chúi xuống khoảng hở giữa hai ghế trước.
“Trời mẹ ơi, chú tin thiệt hả? Gì mà dễ tin người quá vậy? Tôi bịa đấy. Hồi ngồi chờ chú, chán quá nên tôi nhìn khu đó, nghĩ ngợi tùm lum thứ. Nghĩ khu này tối với vắng hợp giấu xác ghê. Đoạn sau tôi tưởng tượng ra hết, giết thời gian mà. Vụ giết người, khu trọ, ông bà chủ nhà, tôi bịa hết. Mới tức thì. Rồi tôi nghĩ, lúc lên xe chú á hả, phải dọa ổng hết hồn một mẻ chơi”.
Ông chú già đăm đăm nhìn tôi, những nếp nhăn trên trán xô lại. Ổng ngơ ngác mất hàng phút, như thể để tiêu hoá nổi thông tin tôi vừa đưa. Không rõ ổng nghĩ thêm gì, nhưng nom ổng vững tâm hơn, dù còn nghi ngại. “Thôi đi tiếp nghen chú, tôi giỡn mà”. Tôi chưa dứt cơn cười. Ổng khởi động lại xe, cố nhích người ngồi xa xa chút, mắt vẫn thỉnh thoảng đánh về phía tôi.
“Trời ơi chú ơi, thiệt thà quá. Có ai giết người mà kể khơi khơi ra vậy không? Làm gì có ai ngu dữ vậy. Từ nhỏ tôi đã khoái tưởng tượng rồi. Ngày thiếu niên tôi hay đau yếu, có trận ốm làm tôi nằm giường hết tháng, cả ngày tôi chỉ nằm nhìn ra vườn cây. Chú bảo tôi biết làm gì đây? Niềm an ủi đến từ tâm trí của tôi. Tôi vẽ các câu chuyện trong đầu.
Lớn lên chút thì tôi hay coi phim, đọc truyện. Tôi mơ thành nhà văn trinh thám. Chú thấy tôi có khiếu hông? Chỉ cần nắm được một chi tiết nhỏ xíu thôi, mươi mười lăm giây sau, tình huống, biến cố, cốt truyện, rồi kết cục nè, nó bủa khắp đầu tôi, tự kết nối với nhau, dựng thành hình câu chuyện. Một quá trình nhọc mệt, nhưng thăng hoa kinh hoàng. Tôi đọc nhiều sách về tâm lý tội phạm lắm. Tôi hứng thú với góc tối trong người. Tôi nghĩ con người cũng như khu rừng vậy, có sáng và tối, có chỗ nắng rọi và có nơi mây mù. Tôi quyết viết ra hết, không né không sợ cái gì. Thằng cha trong truyện này, hẳn mắc chứng rối loạn nhân cách chống đối xã hội nè. Phải có bệnh mới tàn rợ, mới táng tận lương tâm như thế. Ác liệt. Nghĩ xong chính tôi cũng rợn người luôn đó!”
Ông tài xế buông lỏng người, thở phào như vừa trút gánh nặng. Ổng hỏi nhỏ nhỏ, dè dặt thăm dò.
“Thiệt đó hở? Là giỡn chơi thôi đó hở? Làm tui hết hồn.”
“Chà. Xin lỗi chú nghen. Tôi muốn thử phản ứng người khác chút, coi truyện tôi nghĩ ra có ổn không mà. Đợt này tôi đi chơi về sớm, vì cần yên tĩnh để tập trung khởi cái bản thảo đầu. Chú thấy truyện được không? Tôi viết thành sách bán được chớ?”
“Đụ má mày nha, thằng quỷ - ổng bắt đầu nổi sùng, vung nắm đấm về tôi. - Tao có tuổi rồi nha mày. Tao hất mẹ xuống đường bây giờ! Đùa gì đùa ác ôn!”.
Chắc ổng nhớ cuốc xe này tới chết, tôi tự cười mình nghịch dại, giờ phải nghe ông xế xài xể cả quãng về. Đành chịu vậy, ai biểu tôi chơi ác ổng chớ.
“Thôi mà, chú. Giỡn chút cho vui vậy mà. Kìa. Chú tới đây thôi. Trọ của tôi ngay cuối hẻm kìa. Nhiêu? Trăm bảy hả? Hai trăm nè, khỏi thối.”
Chỗ tiền dư đó chẳng làm ổng tha thứ cho tôi. Ông xế vẫn quạu, gần như muốn hất phứt tôi xuống đường. Mặc tôi nhăn răng cười, ổng bật đèn, ngó nghiêng tìm chỗ quay đầu xe. Tôi sập cửa, bước vào hẻm dưới luồng sáng trắng của đèn xe chớp tắt. Hẻm tối tăm và vắng lạnh tới nỗi tôi nghe vang rõ từng tiếng bước chân mình. Rẽ qua hai ngách nhỏ, tôi đã thấy cây hoa giấy đầu cổng, và cánh cửa cũ kỹ đến mức tôi biết chỉ cần nắm vào là vụn sắt han rỉ bám đầy hai bàn tay. Tôi lục ba lô tìm chìa khóa, nhưng không thấy, đành gọi nho nhỏ: “Má Liên ơi”. Tôi nghe tiếng cửa mở. Tôi cười. Những ngón tay tôi mò mẫm trong ba lô, chạm vào cuộn dây thừng mới mua sớm nay và vùi nó sâu xuống đáy.
Viết & Đọc - Chuyên đề mùa xuân 2024
Hải âu lạc lõng - Truyện ngắn của Đào Quốc Minh Bạn đọc nói về Viết & Đọc Người viết với chuyên đề Viết & Đọc Thơ Nguyễn Hữu Kiên Thơ Nguyễn Tùng Linh |