Sáng tác

Hải âu lạc lõng - Truyện ngắn của Đào Quốc Minh

Đào Quốc Minh
Truyện
12:56 | 05/07/2024
Tôi đứng trầm ngâm, bên bờ biển gầm vang tiếng sóng. Bất giác, nghe như có tiếng hải âu lạc lõng, từng con, từng cặp, từng bầy rời bỏ bến tàu hoang phế...
aa

Người đàn ông đứng bên bờ biển, để mặc cho thủy triều từng đợt lên cao vùi thân mình ông vào sâu trong vũng cát. Mùa này, đã là mùa trăng thứ mấy mươi. Ông không còn nhớ nữa. Ông đã đứng như thế, đôi mắt, đã phải lấp đầy cát của lòng đới gió hanh khô, mái tóc, rồi cũng bết đầy bọt nước của chất đêm giông bão, đến mức chẳng còn phân biệt được đâu là ánh sáng bạc của tuổi già, đâu là sắc trắng đục của con sóng ban mai, mới đây vẫn xô một vài con thuyền gỗ, lạc bến nước, lạc dòng hải lưu, va lộc cộc vào cầu tàu, tưởng chừng hoang phế. Ông bỏ lại quê hương. Phía sau lưng là thảm cát rộng dài bất tận, không thấy vết tích một con đường, xưa kia, vốn là lối mòn trở về với đồng cỏ thênh thao, với ngọn khói vàng khè, trở về với mùi trẻ con ngây sữa và tiếng đàn ghi ta, bùng bùng bên bếp lửa. Ông đã từng có một gia đình, từng có, phải, từng có tất cả, một đời thơ ca, âm nhạc và hội họa. Miền đất nơi ông sinh ra, từng là cái nôi của những thần đồng, của các cuộc chính biến mà ông đã từng tham dự, vẫn còn lăn lóc đâu đó, trong ngôi nhà cũ, là một vài tấm huân chương màu đỏ chói. Ông đang nhìn cái gì ở ngoài kia. Khi còn bé lũ trẻ làng chài chúng tôi từng hỏi nhau như vậy. Nhưng chẳng đứa nào dám hỏi ông. Bởi, trông ông thật dữ tợn, và khác người nhiều lắm. Mỗi mùa trăng lên, ông lại thẫn thờ, như pho tượng đá bị chôn sâu, miệng rền rĩ mà thất thanh, nghèn nghẹn trong cổ họng, gương mặt đăm đăm về phía tia sáng le lói, dường như phát ra từ một con thuyền đắm, thân mình chỉ mặc độc cái khố, đang chực đổ xuống, tròng mắt long sòng sọc, rồi rỉ ra một chất sánh bạc, hai cánh tay gồng lên trơ cả gân xương, nhưng không thể giơ cao, cứ thế trầm dần, trầm dần, và lặng lẽ ôm lấy lồng ngực. Lũ trẻ chúng tôi coi ông như một gã khùng. Còn ông thì lạnh nhạt với cả làng chài chúng tôi. Chỉ trừ có tôi, là đứa trẻ từ bé vẫn thường mang cơm nguội và cá vụn, đến ngôi nhà gỗ lụp xụp ông dựng ở dải đất trống giữa làng chài và biển cả, để từ thiện cho người cơ nhỡ, theo lời mẹ tôi dạy bảo. Khi tôi lớn lên, tầm mười một mười hai tuổi, tôi và ông, không hẹn mà gặp, thường cùng nhau, đứng bên bờ biển, trân trân đến hàng giờ, thậm chí cả ngày cả đêm, tôi chẳng nói gì, mà ông cũng không cất tiếng. Có thể tôi hứng thú với ánh bạc của con thuyền lênh đênh xa dần và ức vàn ngôi sao băng buồn bã. Còn ông, ông đang nhìn cái gì ở ngoài kia. Tôi hỏi ông câu hỏi mà cả làng chài bao lần tự hỏi...

Người đàn ông vẫn đứng, hai cánh tay vẫn đan chéo lại, ôm lấy lồng ngực lạnh giá vì đới gió cực bắc. Ông bần thần, kể lại cho tôi nghe, về bức điện tín được đánh đi vào tháng sáu, vào một năm giữa thế kỷ hai mươi. Không ai còn nhớ được, kể cả ông, kể cả nhân viên bưu điện ở xứ sở này, kể cả người đánh điện từ bên kia bờ biển, phải chăng là như thế, về nội dung chính xác của bức điện tín, là năm một chín bốn nhăm hay là năm một chín bảy lăm. Ông chỉ mang máng rằng, có một người rất quan trọng với ông, đã gửi cho ông một cái tráp son, đựng một thứ quyết định nửa phần đời còn lại, của ông, của làng chài này, của hầu hết những người ông đã gặp, cái tráp gửi theo đường biển, vào quãng thời gian sau chiến sự, địa chỉ nhận tráp là chính tại bến tàu này. Và con tàu mang cái tráp đã khởi hành được gần một tháng, kể từ khi ông nhận được bức điện tín. Theo lời ông nói thì con tàu đó màu xanh dương. Đó cũng là chi tiết độc nhất trong bức điện tín mà ông nhớ như in hình. Nhưng ở bến tàu này, thuyền cá nào cũng sơn màu xanh dương. Kể từ đó, đến nay đã mấy mươi năm, tòa nhà bưu điện cũ đã bị dỡ bỏ, nghề bưu tá đã thất truyền. Người đàn ông vẫn đứng bên bờ biển, ngày này qua đêm khác, đợi chờ một con tàu cập bến. Một con tàu xanh dương, mang theo một cái tráp son...

Ông thường nói với tôi, ông có một khẩu súng lục, và một viên đạn duy nhất, giấu dưới chiếc gối mây rách nát xác xơ trong ngôi nhà gỗ. Một ngày nào đó, hoàng hôn cuối cùng đang dần buông, con tàu xanh dương như huyền thoại cập bến, trên bờ biển rạt rào sóng vỗ, khi ông nhận được cái tráp son, ông sẽ tự sát bằng chính khẩu súng và viên đạn ấy. Tôi chẳng làm sao hiểu được ý nghĩ kỳ quặc đó của ông. Giây phút đợi chờ sau mấy mươi năm, tại sao lại phải kết thúc bằng một phát súng. Ông sống bằng nỗi đợi chờ và niềm hy vọng; ông mong ngày đó đến. Còn tôi thì chỉ mong khoảnh khắc đó đừng bao giờ xảy ra.

Đêm ấy. Ông chết đứng bên bờ biển. Toàn thân bất động, có đôi mắt là vẫn mở chong chong, tuôn ra đôi dòng nước mặn, vẫn trong veo và lấp lánh, không khép lại mà cứ đau đáu, hướng ra biển cả, liên tục phản xạ ánh đuốc, khiến cho người làng chài chẳng dám nhìn. Chẳng ai vuốt mắt nổi cho ông. Chỉ khi từ đâu có tiếng còi tàu vang động, nơi phương trời xa vọng tới, mắt ông mới chớp nhẹ, rồi chầm chậm khép lại, gương mặt thoáng chút tang thương, rầu rĩ, cô đơn.

Một vài ngày sau, khi xác ông vẫn quàn trong làng chài, lũ trẻ đầu còn để chỏm, đang chơi đùa ngoài bãi cát, bỗng reo lên khi nhặt được một cái tráp son, dạt vào từ biển cả, còn nguyên dấu niêm phong dập chìm, in hằn đôi ba vết vân tay loang máu, và bị găm một vài mảnh đạn sắc lạnh. Rồi vì tò mò, chúng tôi bật tung cái nắp gỗ trầm còn thơm; thật bất ngờ, đó chỉ là một cái tráp trống rỗng, như chưa bao giờ được mở ra, kể từ khi được đóng dấu niêm phong. Tôi nâng niu cầm cái tráp, đứng trước linh vị của người đàn ông, dâng lên thành kính.

Một chiều tà, nắng vàng nhạt lạnh lẽo, tôi và những người dân làng chài tiến hành nghi lễ thủy táng cho ông lão. Mới đây thôi mà đã gần trăm năm. Khẩu súng và cái tráp son đều được đặt nghiêm cẩn, trong cỗ quan tài cất bằng gỗ tạp, rồi thả trôi theo dòng hải lưu xuôi về cuối chân trời, nơi những con sóng dồn dập đang cuốn từng mảnh ván tàu đắm, cùng biết bao linh hồn cô tịch, lang thang khắp đại dương. Tôi đứng trầm ngâm, bên bờ biển gầm vang tiếng sóng. Bất giác, nghe như có tiếng hải âu lạc lõng, từng con, từng cặp, từng bầy rời bỏ bến tàu hoang phế, chỉ còn mình tôi, như ngọn hải đăng, mà con mắt chói lọi cứ sáng lên, dọi vào đêm tối trước mặt, một lần nữa trông theo cỗ quan tài của người đàn ông xa lạ. Từng đợt thủy triều lên cao, lại một lần nữa vùi thân mình tôi vào sâu trong vũng cát. Tôi tự hỏi thầm, chẳng biết bên kia bờ biển, liệu có linh hồn nào cũng đang chờ đợi. Dưới trời đêm mênh mang, những con tàu đắm đã trở về rồi lại biền biệt ra đi.

Viết & Đọc - Chuyên đề mùa xuân 2024

Đào Quốc Minh: Sáng tác thơ phải... gắn liền với cái đẹp Kỷ niệm Mùa thu thứ 5 – Chuyên đề Viết và Đọc Bạn đọc nói về Viết & Đọc Người viết với chuyên đề Viết & Đọc
Nguyễn Đình Thi - Thơ Nguyên Hùng

Nguyễn Đình Thi - Thơ Nguyên Hùng

Baovannghe.vn- Sinh ở Lào nhưng là người Hà Nội/ Một nghệ sĩ hào hoa sắc sảo đa tài
Triển lãm nghệ thuật "Sắc màu bừng nở"

Triển lãm nghệ thuật "Sắc màu bừng nở"

Baovannghe.vn - Từ ngày 23/11 đến ngày 15/12/2024, tại Nguyen Art Gallery (Hà Nội), sẽ diễn ra triển lãm tranh màu nước Colors in Bloom - Sắc màu bừng nở của nhóm 6 họa sĩ trẻ.
Yêu người cây mở đất - Thơ Chung Tiến Lực

Yêu người cây mở đất - Thơ Chung Tiến Lực

Baovannghe.vn- Như những mũi lao cắm vào vùng ngập mặn/ Mầm sống gieo trên sóng nước hoang sơ
Nên bị gai đâm - Tản văn của Chu Văn Sơn

Nên bị gai đâm - Tản văn của Chu Văn Sơn

Baovannghe.vn - Và ta cứ yên trí đi qua thế giới này với bước chân quen xéo lên cỏ hoa. Thỉnh thoảng bàn chân nên bị gai đâm, để ta được giật mình: Tổn thương là rỉ máu.
Trịnh Hoài Đức - Nhà thơ, nhà viết kịch tài hoa

Trịnh Hoài Đức - Nhà thơ, nhà viết kịch tài hoa

Baovannghe.vn - Kịch Trịnh Hoài Đức ngoài chất hài ý nhị, sâu cay, cười ra nước mắt còn bao hàm cả triết lý sâu sắc về thế giới quan, nhân sinh quan... Thơ của ông như gieo vào lòng người cái tình sâu lắng, ngôn ngữ giản dị mà nhân văn đa nghĩa đầy tính bác học...