Sáng tác

Svetlana Alexievich: Hãy đứng về phía điều thiện

Trần Hậu
Văn học nước ngoài
11:00 | 13/09/2024
Baovannghe.vn - Svetlana Alexievich sách của bà đã được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới và dựng thành khoảng 20 bộ phim.
aa

Nữ văn sĩ Belarus Svetlana Alexievich, giải thưởng Nobel văn học (2015), sinh năm 1948. Năm 1972, bà tốt nghiệp khoa báo chí Trường đại học quốc gia Belarus. Các tác phẩm chính của bà gồm: Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ, Những nhân chứng cuối cùng, Quan tài kẽm, Tiếng vọng từ Chernobyl, Thời đại second hand... Sách của bà đã được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới và dựng thành khoảng 20 bộ phim.

Svetlana Alexievich: Hãy đứng về phía điều thiện
Nữ văn sĩ Belarus Svetlana Alexievich

* Bà nói rằng thời đại của chủ nghĩa duy tâm trong báo chí đã kết thúc và sẽ không bao giờ trở lại. Tại châu Âu, nơi bà đã sống nhiều năm, người ta cũng nói về điều đó. Vậy, cái gì sẽ thay thế?

- Đã xuất hiện những hình thức mới. Blog, báo điện tử - đó là những thứ hoàn toàn mới. Hiện nay, điều chủ yếu nhất trong báo chí là gì? Đó là tiết kiệm thời gian. Nghĩa là tôi thích một nội dung nào đấy và có những chuyên gia, những người hiểu biết có thể nói về điều đó. Tôi tìm gặp họ, và thay cho việc bỏ ra hàng đống thời gian, tôi được định hướng. Tiết kiệm thời gian là điều trước tiên. Không phải quyền con người, không phải tự do tư tưởng. Vấn đề của người đương thời là vấn đề thời gian. Và báo chí giúp đỡ điều đó.

* Nhưng chúng ta thường nhận được những thông tin kém chất lượng, fake (tin giả), chúng ta bị đánh lừa, thường là do mong muốn vượt lên trước người khác, chứ không phải do ác ý.

- Phải có những chìa khóa nhận thức nhất định, cần biết và học cách định hướng trong dòng thông tin xung quanh. Hôm nay không thể sống như ở thế kỷ XIX, nếu bài được đăng trên báo hoặc tạp chí Người đương thời thì nghĩa là hoàn toàn chính xác, là có thật. Con người cần chuẩn bị đón nhận những thông tin hoàn toàn không cần thiết. Rằng anh ta có thể bị cám dỗ và “nuốt” cái gì đấy người ta định áp đặt cho anh ta. Biết định hướng trong không gian tin tức bao giờ cũng là một trong những kỹ năng thực hành cần thiết của người đương thời.

* Các chương trình giáo dục truyền thông đang được áp dụng vào thực tiễn ở nước Nga, ở Pháp ngay từ nhà trẻ, người ta đã bắt đầu dạy môn này...

- Ở châu Âu, từ lâu người ta sống theo kỹ năng này rồi. Đối với họ, fake, hậu sự thật – không phải là tai họa. Họ hiểu rằng họ đang sống trong một thế giới có tất cả mọi thứ. Nhưng ở đấy cuộc sống được tổ chức chủ yếu trên cơ sở con người tự lựa chọn, về mọi mặt, từ khi còn rất trẻ: thế giới quan, tôn giáo, bạn bè, lối sống, và tất nhiên, chịu trách nhiệm về sự lựa chọn này. Ở ta thì khác, các thế hệ lớn lên không có kinh nghiệm tự do lựa chọn, ở ta, báo “Sự thật” viết về tất cả mọi thứ. Hiện nay cần phải học cách tự mình quyết định đọc gì, chọn nghề gì, ứng xử như thế nào? Điều đó rất khó.

* Nhưng ngay cả trong những năm tháng nặng nề nhất của thời kỳ Xô viết vẫn xuất hiện những con người có sự lựa chọn riêng, bất chấp tất cả. Cùng với bà là các nhà văn như Ales Adamovich, Vasil Bykov, sau này đã trở thành những người thầy của bà trong văn học.

- Tôi đến với nghề báo từ một làng quê nghèo đói sau chiến tranh, nơi hầu như không còn đàn ông. Tôi nhìn thấy nhiều đau thương, mất mát - cả ở Ukraina, trong gia đình bà ngoại, lẫn ở Belarus, trong gia đình bố mẹ tôi, cho nên tôi không dễ bị lừa dối. Nhà chúng tôi có nhiều sách, bố mẹ tôi là giáo viên ở nông thôn, tôi là một cô bé “mọt sách”. Nhưng những gì tôi nghe nói về chiến tranh từ những người phụ nữ ở nông thôn dữ dội hơn sách vở nhiều.

Tôi trưởng thành từ những cuốn sách của tôi và nhân vật của tôi. Tôi học ở họ. Tôi lắng nghe, lắng nghe không ngừng, cố để không bỏ sót điều chủ yếu. Những con người bình thường nhất đã kể về cuộc đời mình. Họ đã giết người như thế nào. Họ sẵn sàng chết như thế nào. Họ muốn trở nên xinh đẹp, ngay cả khi đã chết như thế nào. Một phụ nữ nói với tôi rằng bà ta muốn nằm chết giữa những bông tuyết. Vì bà đã nhìn thấy một cô gái bị xe tăng nghiền nát như một con ếch. Sau đó bà ta nhìn thấy một cánh đồng tuyết và quyết định: “tôi sẵn sàng chết vì Tổ quốc, nhưng như thế này”. “Cái gì đáng sợ nhất trong chiến tranh? Chị Sveta, chị đừng nói rằng chết là đáng sợ nhé, tôi sẵn sàng chết. Nhưng chết khi mặc chiếc quần đùi đàn ông dài đến tận đầu gối là một cơn ác mộng, chị hiểu không?”. Những người phụ nữ này đã bị tước đoạt trí nhớ. Nhà nước đã cướp mất ký ức về chiến tranh, và chỉ còn lại một câu chuyện chưa nói hết, bị bỏ qua. Câu chuyện của hàng ngàn, hàng vạn người phụ nữ bình thường.

* Ở nước Nga, mà không chỉ ở Nga, đã mấy năm nay người ta không ngừng đặt câu hỏi: điều gì quan trọng hơn đối với xã hội - một sự thật trần trụi, đôi khi cay đắng hay là “sự lừa dối cao cả” tựa như những huyền thoại, lắm lúc do chính các nhà báo tạo ra?

- Tôi nghĩ rằng chúng ta cần sự thật. Vì tất cả những năm tháng dưới thời Xô viết được xây dựng trên huyền thoại, và bản thân chúng ta đã bị huyền thoại hóa. Mà để thoát khỏi huyền thoại chúng ta cần phải nỗ lực, cần rèn luyện bộ não của mình, suy nghĩ. Bi kịch lớn nhất xảy ra với chúng ta là không ai quen lao động trí óc nghiêm túc. Nhưng đây là vấn đề của giáo dục. Tôi cảm thấy chúng ta đánh giá quá cao những ưu điểm của nền giáo dục Xô viết, ít ra là giáo dục nhân văn, báo chí, ngữ văn. Brodsky không tốt nghiệp đại học, ông tự học. Tiểu luận của ông rất thú vị và rất sâu sắc. Đó là một tài năng đặc biệt. Hiện nay khả năng chi phối tư tưởng của nhà văn, nhà báo bị suy yếu.

* Sau bộ phim truyền hình nhiều tập của Mỹ “Chernobyl” dựa theo cuốn sách “Tiếng vọng từ Chernobyl” của bà, dường như ở nước Nga, nhiều người nhận thức lại về thảm họa này. Ở Belarus, người ta viết gì về bộ phim?

- Không nhiều lắm, hiện tại nó chỉ mới được giới thiệu tại một số câu lạc bộ. Tôi rất ngạc nhiên khi đạo diễn, một người Mỹ gốc Thụy Điển, nói rằng trong các cuốn sách của tôi, ông tìm kiếm “cái đẹp và nỗi buồn”, chứ không chỉ là thông tin về tác hại của chất phóng xạ. Không một đạo diễn Nga hay Belarus nào nói như vậy, mặc dù tôi đã làm việc với rất nhiều người. Cho đến nay người ta vẫn chưa làm phim điện ảnh về Chernobyl.

Nói chung, cho đến nay chúng ta sống, dường như vừa biết vừa không về Chernobyl, nó không in đậm trong ý thức của chúng ta, trong cách tư duy. Nhân tiện xin nói, sau thảm họa “Fukushima”, tôi đến Nhật Bản và rất ngạc nhiên khi thấy tình hình cũng giống y như vậy, bầu không khí hỗn loạn, những con người hoang mang, chính quyền không muốn nói sự thật... Chúng ta sống trong thế giới của những nguy cơ hoàn toàn mới, đó không phải là chính trị, không phải xe tăng, đó là nguy cơ không sờ mó được, không ngửi thấy được về sự biến mất của môi trường sống. Những con người bình thường chết vì chất phóng xạ và những con người trở về những ngôi nhà tràn đầy chết chóc không hiểu được điều đó. Chúng ta chưa sẵn sàng nhận thức điều đó.

* Trong tình hình đó, văn học phải làm gì? Liệu các nhà văn, nhà báo có thể tác động tới tiến trình lịch sử trong thế giới đương đại đang ngày càng trở nên tàn nhẫn không?

- Đứng về phía điều thiện. Sau khi tôi diễn thuyết ở Moskva, một phụ nữ đến gặp tôi và nói: “Bà biết không, tôi không phải là người mạnh mẽ nhất, nhưng tôi sẽ luôn luôn ở phía điều thiện”. Điều này rất quan trọng và là sự lựa chọn riêng của mỗi người. Nhà văn và nhà báo có thể làm được nhiều điều. Bảo vệ, nhắc nhở về điều quan trọng. Không ngừng khai hóa. Lắng nghe mọi người, và tạo điều kiện cho người khác lắng nghe những bậc trí tuệ ưu tú nhất.

* Các nhà nghiên cứu nói rằng cuốn sách của bà không chỉ nâng cao kiến thức về chiến tranh, mà còn mở đường cho hai xu hướng trong văn học và báo chí. Ở đây đang nói về “văn xuôi nữ mới”. Bà cho rằng phụ nữ có một con đường đặc biệt và một cái nhìn đặc biệt trong sáng tạo?

- Phụ nữ có lối kể chuyện rất khác. Họ không nhớ tên các đơn vị, họ nói “chuyện xảy ra ở đấy và ở đấy”, không nói “đại úy đã đến”, mà nói “người có râu mép đã đến”, “người này có nốt ruồi trên má”. Cái nhìn của phụ nữ hoàn toàn khác, nó ghi nhận những mầu sắc khác, âm thanh khác, nó cảm nhận một điều gì đấy tinh tế hơn, bỏ qua điều gì đấy... Khi tôi mang cuốn Chiến tranh không có khuôn mặt đàn bà đến, Adamovich nói: “May mà tôi không viết sách về phụ nữ trong chiến tranh! Có thể tôi không nhìn thấy nhiều thứ, có thể tôi không định hỏi ai về điều đó, không nghĩ rằng nó quan trọng”.

* Một sự cảm nhận bi kịch đặc biệt?

- Phụ nữ và trẻ em có sự hiểu biết đặc biệt nào đấy về sự điên rồ của con người, về mặt tối của con người. Trong các cuốn sách của mình, tôi cố gắng thể hiện tiếng nói và giả thuyết của những con người nhìn nhận sự kiện từ những phía khác nhau. Trong con mắt của một nữ phi công, nữ pháo binh, chiến tranh không giống nhau. Một phụ nữ từng tham gia đánh giáp lá cà nói với tôi: “Tôi sẽ kể với chị về một cuộc chiến tranh mà một vị tướng cũng sẽ nôn mửa”.

Bà ta nói rằng khi bắt đầu đánh giáp lá cà, con người biến mất, chỉ còn lại một sinh vật nào đấy. Khi người ta chọc vào mắt, vào bụng nhau, khi người ta không kêu, mà rống lên, khi chỉ có bản năng lên tiếng – thì ra, chúng ta được tráng một lớp men văn hóa rất mỏng. Và tất cả mọi người đều nói với tôi: Cái chính là đừng bắt gặp ánh mắt của người mà anh sẽ giết. Chiến tranh đòi hỏi sự điên rồ.

* Bà muốn nói gì với các nhà báo trẻ đang chập chững bước vào làng báo?

- Hãy nhớ rằng cuộc sống rất thú vị. Hãy nhớ rằng con người cũng vô cùng thú vị. Hãy cố gắng yêu mến họ. Và cố gắng đứng về phía điều thiện.

Trần Hậu | Báo Văn nghệ

(Theo Jrnlst.ru)

------------

Bài viết cùng chuyên mục:

Văn học đương đại Trung Quốc trong mắt một nhà Hán học nước ngoài TÌNH HÌNH TIẾP THU LÝ LUẬN, PHÊ BÌNH VĂN HỌC NƯỚC NGOÀI HIỆN NAY QUÁ TRÌNH TIẾP THU LÝ LUẬN ÂM NHẠC NƯỚC NGOÀI TRONG DÒNG CHẢY ÂM NHẠC MỚI VIỆT NAM Việt Nam sẽ đón 24 đoàn nghệ thuật nước ngoài trong năm 2020 Đọc truyện: Mật mã lạc quan. Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Tiến Hóa
Bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm về "Chống lãng phí"

Bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm về "Chống lãng phí"

Baovannghe.vn - Trong mọi giai đoạn cách mạng, Đảng, Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm công tác phòng, chống lãng phí, đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, kết luận về vấn đề này và lãnh đạo cả hệ thống chính trị, toàn dân tổ chức thực hiện đạt nhiều kết quả. Văn nghệ điện tử trân trọng giới thiệu nội dung bài viết “Chống lãng phí” của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Tô Lâm.
Khéo dư nước mắt. Tạp bút của Đông Trình

Khéo dư nước mắt. Tạp bút của Đông Trình

Baovannghe.vn - Con đường ấy mang tên "Đông - Tây". Đơn giản là nó nối hai phương của một thành phố. Con đường lớn, đẹp, lối đi hai chiều.
Kiến trúc Hà Nội - 70 năm Giải phóng Thủ đô (1954-2024)

Kiến trúc Hà Nội - 70 năm Giải phóng Thủ đô (1954-2024)

Baovannghe.vn - Kiến trúc Hà Nội - 70 năm Giải phóng Thủ đô (1954-2024) là cuốn sách có giá trị tổng quan và sâu sắc về các chặng đường phát triển của kiến trúc, đô thị Hà Nội.
Trầm ngâm quê nhà- Thơ Nguyễn Văn Hòa

Trầm ngâm quê nhà- Thơ Nguyễn Văn Hòa

Baovannghe.vn- Tôi từ thương nhớ mà đi/ Vọng trong ngày cũ xanh rì chiêm bao/ Nam non ướt ngọn mưa rào/ Nồm già nứt vách chênh chao nếp nhà
Chiều đã Chạp - Thơ Nguyên Hậu

Chiều đã Chạp - Thơ Nguyên Hậu

Baovannghe.vn- Chầm chậm nhé trời chiều nay đã Chạp/ Người tha hương đã kịp về đâu/ Ai rửa phèn chua nhàu nhĩ áo nâu/ Rơi giấc phố tiếng dế ngày xa lắc