Sáng tác

Đêm ấy, chuyến tàu ra mặt trận - Truyện ngắn của nhà văn Khuất Quang Thụy

Nhà văn Khuất Quang Thụy
Danh tác văn học
11:00 | 23/07/2024
Hơn hai mươi năm đã trôi qua, tôi cứ nghĩ sẽ gặp một đôi vợ chồng đã luống tuổi, ai ngờ anh Tỉnh và chị Hòa vẫn còn rất trẻ trung, sôi nổi. Câu chuyện về chuyến tàu đêm ra mặt trận ngày ấy được kể lại dưới mái nhà yên ấm của họ, giữa những tràng cười vui vẻ của anh Tỉnh, chị Hòa.
aa

Tặng anh Hành, anh Tỉnh, chị Hòa và cháu Thanh An

Tôi đang có trong tay một tấm ảnh thật cảm động, minh chứng cho một câu chuyện tình đầy lãng mạn của những người lính xe tăng. Tấm ảnh mô tả một khoảnh khắc trên sân ga ở một nhà ga nhỏ thời chiến. Một buổi hoàng hôn, trên sân ga đỗ song song hai đoàn tàu, ở đường ray bên phải là đoàn tàu quân sự với những chiếc xe tăng nằm trên toa đã phủ bạt hoặc để trần. Đoàn tàu ấy sắp đến giờ khởi hành đưa những con chiến mã ra trận; đường ray bên trái là đoàn tàu khách từ Hà Nội tới cũng vừa vào ga. Từ đoàn tàu khách, một người con gái vừa bước xuống và từ đoàn tàu quân sự, một người lính xe tăng hối hả chạy sang. Họ gặp nhau ở khoảng giữa hai đoàn tàu. Tác giả của tấm ảnh, một anh trợ lý tuyên huấn của đơn vị, đã chớp được khoảnh khắc kỳ diệu ấy...

Đoàn tàu khách giảm dần tốc độ, xình xịch tiến vào ga, đồng thời với những tiếng hò reo, la hét. Ngồi ngất nghểu trên những chiếc xe tăng phủ bạt ở đoàn tàu đỗ trên đường ray bên cạnh, lính ta lại được thêm một cơ hội để “bổ túc” con mắt và theo diễn khoa tán gái chớp nhoáng.

- Này... em ơi! Anh ở đây cơ mà!

- Mình ơi, bây giờ mới vô thì còn ăn thua gì, bọn anh sắp hành quân rồi.

- Em ơi, tội gì mà em phải đưa cả mẹ vào thế? Định cho anh cưới ngay trên xe tăng đấy hả?

Bên đoàn tàu khách, tất cả các cửa sổ đều mở và tất cả các cửa sổ đều chen chúc các cô gái và những người đàn bà. Họ cũng nhao nhao lên tiếng, đáo để không kém gì lính xe tăng.

- Này anh ơi, sang đây với em đi!

- Anh ơi... Anh đem xe tăng đi nhưng phải để khẩu pháo ở lại nhé!

- Cho em đi theo với.

Ở một ô cửa sổ của đoàn tàu khách, có một người con gái gần như nhoài hẳn nửa người ra cửa, gương mặt tròn trịa xinh đẹp của chị dường như thất thần.

- Các anh ơi! Có nhà em ở đó không đấy?

- Nhà em là... nhà nào?

- Em thử duyệt xem... bọn anh có xứng là nhà của em không?

- Ối giời ơi! Anh Sửu, - Người con gái ấy bỗng hét lên - anh Sửu ơi! Em là Hòa đây anh Sửu ơi! Có anh...

Cánh lính xe tăng bỗng ồ lên hò hét át cả tiếng người con gái.

- Kìa, Sửu ơi! Có cô nào gọi mày kia kìa.

- Vợ thằng Sửu chắc! Sao nó giấu kín thế?

- Sửu ơi! Ra mà đón vợ mày kìa...

Sửu cũng đã nhận ra người con gái ấy, anh nghiêm mặt hét lên:

- Láo! Chúng mày có im mồm không? Chị Hòa vợ của chính trị viên phó Tỉnh đấy!

Cánh lính bỗng im bặt. Vợ của sếp, chớ có dại mồm dại miệng! Sửu hớt hải chạy ngược lại đoàn tàu đi tìm anh Tỉnh, chính trị viên phó tiểu đoàn. Cuối cùng, anh cũng gặp được chính trị viên phó Tỉnh và chính trị viên Hành đang thảo luận kế hoạch hành quân. Nghe Sửu báo tin cả Tỉnh và Hành đều sững sờ vì bất ngờ. Lặng đi giây lát, Hành liền giục:

- Thôi, trước mắt cậu hãy chạy đi đón cô ấy lại đây đã, mọi việc tính sau.

Tỉnh vội vã chạy lên phía đầu đoàn tàu, vừa lúc đoàn tàu đỗ lại trên sân ga Vân Trai. Hòa cũng đã nhận ra anh và vội vã xuống tàu. Họ đứng lặng nhìn nhau không thốt nên lời. Một lát sau, Hòa mới nghẹn ngào:

- Em xin lỗi... Nhận được tin anh sắp đi xa nhưng em không thu xếp được công việc nên... muộn màng thế này.

Tỉnh nhẹ nhàng nắm lấy hai bàn tay của Hòa:

- Không sao, miễn là em đã đến kịp. Chúng ta vẫn còn một tiếng nữa để tâm sự...

Hòa hốt hoảng nhìn anh thảng thốt kêu lên:

- Các anh đi ngay bây giờ đấy à?

Tỉnh khoát tay chỉ đoàn tàu chở xe tăng đã sẵn sàng xuất phát:

- Em thấy đấy, mọi việc đã sẵn sàng cả rồi.

Mặc cho cánh lính trẻ đang quan sát từng cử chỉ của họ, Hòa gục vào ngực chồng, nức nở khóc. Chị không thể kìm nén được nữa. Thế là anh ấy sắp ra đi chiến đấu ở miền Nam, chưa biết ngày nào trở về. Cưới nhau đã ba năm trời nay, nhưng có mấy khi vợ chồng được gần nhau. Cuối năm 1972, anh ấy từ chiến trường về được ít ngày, gia đình hai bên vội vã giục cưới. Nhưng vì chưa có hồ sơ báo cáo tổ chức nên chần chừ mãi anh mới chịu làm lễ cưới theo phong tục rồi thỏa thuận khi nào anh lên đơn vị thì Hòa sẽ mang hồ sơ lên sau để báo cáo tổ chức. Vài ngày sau, Hòa lặn lội lên tận Tam Đảo để tìm đơn vị anh, đến nơi thì... anh cũng lại vừa hành quân được nửa giờ. Thương tình cho chị, đơn vị cho một cán bộ đưa chị lên xe đuổi theo để gặp chồng được vài phút trên đường anh đang hành quân. Năm ngoái, biết tin anh đóng quân ở Thanh Hóa, mẹ giục năm lần, bảy lượt, rồi phải đích thân đưa chị đi, chị mới dám vào đơn vị để sống với anh ở chiêu đãi sở được ít ngày. Những tưởng lần này sẽ có đứa con thì chị sẽ yên tâm ở nhà nuôi con, nuôi mẹ, mặc cho anh ấy muốn đi đến cùng trời cuối đất nào thì đi. Ai ngờ cũng chẳng ăn thua gì cả. Lần này, nghe tin anh sắp đi chiến đấu xa, mẹ lại giục: “Nó không về được thì mày phải vào mà gặp nó. Ra trận, hòn tên mũi đạn, biết thế nào hả con?” Thế là... chị lại lẽo đẽo lên đường đi tìm chồng. Đàn bà con gái, nói ra những điều này thật ngượng. Nhưng chị cũng chỉ hy vọng được ở với anh vài ngày, may ra lần này sẽ có một đứa con. Ai ngờ, chị lại đến vào cái lúc mà các anh sắp sửa hành quân...

Một tình huống thật khó xử. Chính trị viên Hành đốt liền ba điếu thuốc, đi lại không biết bao nhiêu vòng quanh sân ga nhưng vẫn chưa quyết định được mình phải xử lý như thế nào với vợ chồng người chính trị viên phó tiểu đoàn. Một tiếng nữa đơn vị sẽ hành quân, để Tỉnh ở lại đi sau thì không được, vả lại anh ấy cũng sẽ không chịu, mà để chị về thì... thật tội nghiệp cho cả hai. Nhiệm vụ lần này của đơn vị là rất nặng nề, chiến dịch lớn sắp mở, rất có thể là trận đánh cuối cùng. Ai biết liệu mình có còn sống mà trở về? Nếu chẳng may Tỉnh có mệnh hệ nào thì...

Anh đi trở lại đoàn tàu. Đồng đội đã ngồi hết lên các toa xe, tốp thì hò hát, tốp thì đang đánh bài bôi râu. Những chiếc xe tăng nằm phủ phục trên toa tàu như những con sư tử nằm ngủ. Chỉ còn ít phút nữa đoàn tàu sẽ chuyển bánh. Anh trợ lý tham mưu đứng nghiêm trước mặt Hành:

- Báo cáo thủ trưởng! Nhà ga thông báo chúng ta đã có đường. Đề nghị thủ trưởng cho lệnh chuẩn bị xuất phát.

- Được rồi - Hành uể oải vẫy tay - Lệnh cho các phân đội kiểm tra lại xem còn chiến sĩ nào đang lang thang ngoài ga không. Trong vòng mười phút nữa, tất cả phải ở tư thế sẵn sàng xuất phát.

Anh trợ lý tham mưu ngập ngừng:

- Thế còn trường hợp...

- Cậu yên trí tôi đã có cách rồi.

Thực ra, anh cũng chỉ vừa nảy ra một ý. Ý nghĩ ấy chợt lóe sáng trong đầu khiến anh phấn khởi hẳn lên: “Đúng rồi, đó là lối thoát đẹp nhất”. Anh vội vã quay lại cuối đoàn tàu. Tỉnh và Hòa đang ngồi dưới đường ray. Anh vội gọi Tỉnh lại gần rồi nói nhỏ nhưng giọng rất kiên quyết:

- Cậu cho Hòa lên toa cuối cùng. Tới Vinh cô ấy sẽ xuống.

Tỉnh hốt hoảng kêu lên:

- Không được đâu, như vậy là vi phạm mệnh lệnh hành quân.

Hành vội xua tay:

- Tôi là người chỉ huy ở đây. Tôi sẽ chịu trách nhiệm.

- Không! Tôi... không thể đồng ý.

Hành nhìn thẳng vào mặt người đồng đội:

- Thôi nào! Cậu phải nghĩ đến cô ấy nữa chứ. Chúng ta là lính thật, nhưng trái tim chúng ta không phải làm bằng sắt thép. Cậu đưa cô ấy lên toa dưới. Tớ sẽ lệnh cho tụi thằng Sửa, thằng Khôi lên toa trên. Từ đây vào Vinh, cả một đêm. Biết đâu... các cậu chẳng làm nên chuyện trong đêm nay. Mười phút nữa hành quân. Cậu không phải lo gì đến công tác chỉ huy nữa. Tới ga, nếu có ai hỏi thì cậu nói cô ấy là y tá của đơn vị là được rồi. Thôi, chúc hạnh phúc!

Hòa cũng nghe được câu chuyện của họ mặc dù họ đã cố gắng nói nhỏ với nhau. Chị lặng lẽ khóc thầm. Chị cũng biết, chị không đủ nghị lực để từ chối một chuyến đi hấp dẫn như vậy.

Đoàn tàu quân sự rời ga Văn Trai vào lúc trời vừa sập tối. Những chiếc xe tăng phủ bạt im lìm lặng lẽ trôi về phương Nam. Trên các toa tàu, các chiến sĩ xe tăng bỗng nhiên im lặng. Kể cả những tay bẻm mép nhất cũng đột nhiên thấy cần phải lặng im. Họ ngồi kề vai lên nhau ngắm những xóm làng thân thuộc đang vùn vụt trôi qua. Dấu vết của những năm tháng chiến tranh dài dằng dặc in hẳn trên từng mảnh đất. Hố bom đạn ngổn ngang. Những hàng dừa bị mảnh bon phạt cụt ngọn, những đoàn tàu bị trúng bom nằm lật nghiêng bên đường... Bấy giờ là những ngày đầu tháng Ba năm 1975. Những người chiến sĩ xe tăng chưa thể biết được rằng họ đang hành quân vào trận quyết chiến cuối cùng. Họ chỉ biết rằng họ đang hành quân ra trận. Trận đánh đang chờ họ ở phía trước chắc hẳn phải là những trận đánh quyết liệt. Họ đã được chuẩn bị kỹ càng để đón nhận điều ấy.

- Ơ kìa! Sao lại im lặng cả thế. Hát lên đi chứ các cậu - Chính trị viên Phạm Văn Hành lên tiếng.

Mọi người ồn ào một lát rồi tiếng ghi ta bật lên, sau đó tiếng hát thô mộc nhưng trầm hùng của những người lính.

Năm anh em trên một chiếc xe tăng

Như năm bông hoa nở từ một cội

Năm ngón tay trên một bàn tay

Đã ra trận là năm người như một...

Ở toa cuối đoàn tàu, Tỉnh và Hòa cũng nghe rõ những lời hát ấy. Nằm trong vòng tay nhau dưới gầm một chiếc xe tăng T59 họ chìm ngập trong hạnh phúc. Có lẽ cõi đời này chưa có nơi nào có một cái “chiêu đãi sở” lạ lùng như thế này. Từ nhịp điệu của đoàn tàu, nhịp điệu của tiếng hát hòa quện với nhịp điệu của trái họ. Ánh trăng lóa cả đất trời ngoài kia và gió lồng lộng thổi. Chiếc xe tăng từng cùng anh bao phen trận mạc giờ hiền lành chở che cho lứa đôi hạnh phúc!

- Anh ơi... - Hòa thổn thức trong lòng anh - Bây giờ là Thanh Hóa hay Nghệ An hở anh?

- Anh... cũng không biết chúng ta đang ở Thanh Hóa hay đã vào đất Nghệ An rồi.

- Nếu... may ra chúng mình có con

- ... Thì đó sẽ là điều kỳ diệu nhất trên đời này.

- Chúng ta sẽ đặt tên nó là gì?

- Là... Tăng!

- Nỡm! Ai lại đặt cái tên kỳ cục như vậy.

Tỉnh nhìn ra bầu trời sáng lóa ánh trăng đang vùn vụt trôi qua trước mắt mình. Đất trời thật kỳ diệu nếu không có chiến tranh.

- Để nhớ mãi thời khắc hạnh phúc trên đường ra trận này, chúng ta sẽ lấy tên vùng đất này để đặt tên cho con. Vì không rõ con chúng ta được bắt đầu ở Thanh Hóa hay Nghệ An nên nếu nó là con trai hãy đặt là Nguyễn An Thanh, còn con gái thì đặt ngược lại Nguyễn Thị Thanh An, được không em?

- Tên thế thì... hay nhỉ? Và... em sẽ không bao giờ quên đồng đội của các anh, quên ơn nghĩa của anh Hành. Anh thấy đấy, họ đã dành cho chúng ta những giờ phút hạnh phúc nhất đời, ngay cả trong điều kiện như thế này.

Từ toa xe phía trên bỗng có những tiếng cười rộ lên, rồi có tiếng một cậu nào đó gọi với sang.

- Ông Tỉnh ơi! Đánh đấm cho cẩn thận. Đừng làm xấu mặt lính xe tăng đấy nhé!

Đó là câu chuyện xảy ra cách đây đã hơn hai chục năm. Khi được nghe anh Phạm Văn Hành, chủ nhiệm chính trị bộ đội xe tăng kể lại câu chuyện này, tôi ngỡ ngàng sửng sốt vì chất “tiểu thuyết” của nó. Có lẽ, dù có trí tưởng tượng của một nhà tiểu thuyết, cũng ít nhà văn nào nghĩ ra được những chi tiết độc đáo như thế. Đó là những điều kỳ diệu của cuộc sống, của một thời chiến tranh máu lửa.

- Mười lăm năm sau, tôi cũng mới biết đến đoạn kết của câu chuyện này. - Anh Hành kể - Hồi đó vào chiến dịch mùa xuân 1975, đánh nhau một lèo cho đến ngày tiến vào giải phóng Sài Gòn. Hòa bình rồi thì tôi và anh Tỉnh mỗi người mỗi nơi, không có dịp gặp lại nên cũng không biết gì thêm về cuộc sống riêng của vợ chồng anh ấy. Cho đến một lần tôi vào Ninh Bình công tác, khi xe qua bến phà Đế, tôi thấy một người phụ nữ gánh một gánh lá nón lên phà, cứ nhìn tôi chằm chằm. Một lát sau, chị ấy gọi “Bác ơi! Bác có phải là bác Hành không?” Tôi trả lời đúng, tôi là Hành thì chị ấy lao tới, nắm lấy tay tôi: “Anh Hành ơi! Em là vợ anh Nguyễn Hữu Tỉnh đây mà...” Như sợ tôi quên, chị nhắc thêm: “Anh còn nhớ tháng Ba năm 1975 trên chuyến tàu chở xe tăng ra trận...” Tôi đã nhận ra Hòa, và dĩ nhiên cũng không sao quên được câu chuyện đêm ấy trên chuyến tàu ra trận. Thấy tôi ngần ngừ dường như muốn hỏi, chị liền nói ngay: “Cháu Thanh An... luôn luôn nhắc tới bác Hành đấy. Mời bác có rảnh ghé lại để nhà em và cháu mừng”. Tôi hứa sẽ tới thăm anh chị và cháu. Nhưng phải hai ngày sau tôi mới tìm tới nơi ở của họ. Tỉnh đã về nghỉ mất sức, đưa vợ con từ Ứng Hòa vào đây lập nghiệp. Gặp tôi, cả nhà vui mừng khôn xiết. Thanh An đã trở thành một cô gái. Cháu đã được nghe bố mẹ kể về câu chuyện này nên cứ ôm lấy tôi mà khóc ròng.

Để có thể viết lại câu chuyện này, tôi phải nhờ anh Hành tổ chức cho một chuyến đi vào tận xã Yên Trị, huyện Yên Thủy để gặp gia đình anh Tỉnh.

Hơn hai mươi năm đã trôi qua, tôi cứ nghĩ sẽ gặp một đôi vợ chồng đã luống tuổi, ai ngờ anh Tỉnh và chị Hòa vẫn còn rất trẻ trung, sôi nổi. Câu chuyện về chuyến tàu đêm ra mặt trận ngày ấy được kể lại dưới mái nhà yên ấm của họ, giữa những tràng cười vui vẻ của anh Tỉnh, chị Hòa. Anh cho tôi xem tấm ảnh quý giá của ngày ấy và nói:

- Đời chiến đấu của tôi có rất nhiều kỷ niệm. Nhưng tôi chỉ giữ tấm ảnh này. Mọi cái có thể làm lại, nhưng những giây phút quý giá này thì chỉ có một.

Chị Hòa lườm anh một cái rồi nói:

- Dạo này ông Tỉnh ông ấy đâm khó tính khó nết ra đấy. Nhiều lúc làm tôi giận đến phát điên lên. Nhưng vợ chồng giận nhau đến đâu thì giận, hễ nhắc tới chuyện ngày ấy trên tàu là lại có thể bỏ qua cho nhau được tất cả. Ông ấy cũng biết thế yếu của tôi nên hễ thấy tôi giận là ông ấy lại mang tấm ảnh này ra xem. Thế là lại quên hết mọi điều.

Tôi xin được mượn tấm ảnh này và hứa sẽ trả lại cho anh chị, tôi cũng xin được ghi lại câu chuyện này với mọi tình tiết hoàn toàn chân thực, kể cả tên của các nhân vật. Nếu có ai còn hồ nghi tính chân thực của câu chuyện này xin mời đến xã Yên Trị, huyện Yên Thủy, tỉnh Hà Tây gặp anh Nguyễn Hữu Tỉnh, chị Nguyễn Thị Hòa và cháu Nguyễn Thị Thanh An.

Hà Nội, tháng 9 năm 1994

Khách ở quê ra - Truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Minh Châu Đá dăm trắng - Truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tú Cái hom giỏ - Truyện ngắn của nhà văn Vũ Thị Thường Chớp trên đỉnh Kon Từng - Truyện ngắn của nhà văn Trung Trung Đỉnh Muối của rừng - Truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp
Truyện ngắn - Kỷ niệm 75 năm báo Văn Nghệ
Thời tiết ngày 20/9: Thanh Hóa - Quảng Trị tiếp tục có mưa lớn diện rộng

Thời tiết ngày 20/9: Thanh Hóa - Quảng Trị tiếp tục có mưa lớn diện rộng

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, từ đêm 19/9 - 20/9, mưa lớn xảy ra tại khu vực từ Thanh Hóa - Quảng Trị
Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Baovannghe.vn - Đọc truyện: Hà Phương; Đồ họa: Thùy Dương
Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Baovannghe.vn - Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 98/CĐ-TTg ngày 18/9/2024 chỉ đạo tập trung ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ.
Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Trong số các nhà văn nữ Việt Nam đương đại, nhà văn Vũ Thanh Lịch, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình, là cây bút văn xuôi có nội lực sung mãn. Chị là tác giả của nhiều truyện ngắn hay, ghi dấu trong lòng bạn đọc mà “Nhà Thánh” - giải nhất Cuộc thi truyện ngắn Lửa mới 2018-2019 do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức là một minh chứng tiêu biểu.
Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Baovannghe.vn - Bà ngoại chỉ nói: "Đừng thúc ép gì nhiều. Phải tội. Đời người bạc, phận mỏng, biết sao được số trời. Mày làm thế không sợ chuốc khổ cho con bé".