Sáng tác

Hoa đèn trang giấy - Truyện ngắn của nhà văn Chu Văn

Nhà văn Chu Văn
Danh tác văn học
19:10 | 29/07/2024
Baovannghe.vn - Kẻ trước người sau, trên đường, như một đôi vợ chồng lái buôn trầy chợ. Lòng vui, chân thoăn thoắt. Một thôi đường, hai bên là nhãn xum xuê. Một thôi đường ven quanh hồ sen, mùa này còn trắng nước. Xóm Ninh Khang ẩn trong vườn hòe, vườn chuối. Rất đậm trong sương sớm, mùa hoa ngâu tinh khiết.
aa

Hoa đèn chưa hiểu lòng trong giấy

Soi mãi trên tường bóng vắng teo...

(Thâm Tâm)

Hai ông tân khoa - theo đường trạm - cùng tới Đốc bộ đường Hà Ninh, một ngày xuân lạnh. Yết kiến quan đầu tỉnh, thăm hỏi các hàng, nhà dịch, tất cả các công việc giao tiếp đón mừng chỉ gọn trong một buổi. Xong xuôi đâu đó, họ cùng lui về nhà trọ, chờ dân hàng xã hàng huyện đem cờ quạt lên rước vinh quy.

Ông Phó bảng Phong Đinh còn trẻ - mới hai bảy tuổi đầu - con út của một cửa đại gia quyền thế. Đốc bộ của ngựa trạm chạy gấp, đưa tin về trình cụ cố. Hai ngày sau, cả huyện tân suất dân phu, đưa cờ quạt, ngựa hồng, võng tía, lên rước tận tình. Ngựa anh đi trước, võng nàng theo sau. Rồi cố ông, cố bà, quan chú, quan anh, có một họ đường quan, thấy rợp mây dặm dài, rực rỡ màu sắc gấm vóc và vang âm chiêng trống.

Bạn đồng khoa đã về làng. Ông Nghè Hương Bông còn nằm khàn nơi quản trọ. Gốc nhà thanh bạch, trong lưng cạn tiền, lại không quen đi lại nơi quyền quý, nên tuy đỗ Tiến sĩ, mà ông ít được nha lại trong tỉnh nể vì. Họ ầm ừ hứa hẹn rằng đã tư giấy báo tận xã Hương Bông, còn việc thúc giục nơi này lên đón tân quan như thế nào, họ không rõ lắm.

Ông Nghè nằm lại quán trọ hai, ba ngày. Những đêm dài thao thức, ông nghĩ xa nghĩ gần, càng ngán ngẩm cho thân phận.

Ấp Hương Bông, đối với ông, vốn không phải là đất tổ. Họ hàng ông, nghe truyền lại trong nhà - là dòng dõi cụ Quận He, vì trốn tránh sự trả thù của họ Trịnh, nên xiêu cư bạt quán về đây. Đất lành chim đậu. Hương Bông, thời Trần, là thái ấp của Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật, vị đại tướng học rộng tài cao, lại rất ưa chuộng thanh sắc. Ngày ấy, Hương Bông là rừng mai, rừng quất, quanh năm suốt tháng, có mấy đêm không tưng bừng tiếng đàn tiếng phách.

Một thời thịnh, một thời suy. Năm trăm năm qua đi. Sông Thiên Nạc đã lấp đặc phù sa. Dòng Hoàng Giang đã đổi lạch. Lâu đài triều cũ không còn lấy một mảnh tường. Cái tên Hương Bông, người đời còn giữ đó, nhưng buổi cuối Lê đầu Nguyễn, khi dân phong đạo lý suy đồi, tình nghĩa dân nước, thầy trò cha con sa sút, có kẻ đón đường lột áo vua như tên Cảnh Thước họ Đỗ, có kẻ trả lời thầy học: “Sợ thầy không bằng sợ giặc. Yêu chúa chẳng bằng yêu thân” như tên Tuần Biện Trang thì còn ai nêu lên được cái sĩ khí, cái nếp trọng lễ nghĩa, thói tục chạy theo lợi trước mắt, bất chấp là chính hay tà. Giao du nặng nề về xảo trá. Các miếu đền thờ tà thần mọc lên, những vị thần độc ác nhưng mang tiếng linh thiêng. Phải có lễ lạt cúng tế thật to, thời sự phù hộ cũng màu nhiệm khôn lường.

Ở Hương Bông - bọn cường hào xóa bỏ các văn chỉ, vũ từ dựng lên một ngôi đình, thờ bốn vị tà thần - mà dân đã gọi là Tứ Hung.

Xã thờ thần hoàng Tứ Hung. Dân thân xã chuộng điều hung tợn. Cường hào ác bá tranh mộng công, tranh chiếu trên chiếu dưới nơi đình trung, tranh xôi tranh thịt, tranh nhau chức hương lý, trương tuần. Chúng chia phe chia cánh, ăn uống bẩn thỉu, lấy việc đem dùi đục, gậy tày, đánh chửi nhau làm thế mạnh, đủ mọi điều độc ác ti tiện. Còn dân đen thì chạy chợ buôn gian bán lậu, lừa gạt xỏ xiên, kiếm được lời lãi bất nhân, đem về, làm lễ tạ thánh.

Dù sao, sông Hoàng Giang tuy đục, nhưng vẫn sót những dòng trong. Đầm lầy Hương Bông sặc sụa bùn tanh, vẫn nở ra những bông sen hồng, sen trắng. Nhà cụ Lang già, bán gánh hàng thuốc Bắc giữa chợ Bông, có cậu con trai học hành chăm chỉ, ăn ở hiếu thảo với cha mẹ, hòa thuận xóm giềng. Bọn hương lý trong làng khinh khi chèn ép, coi như bọn cùng đinh khố rách. Cậu Khóa không sợ kẻ mạnh, không nhiễm thói xấu, đều đặn gánh sách theo thầy theo bạn. Khoa danh lận đận mãi. Mồ côi cha rồi mồ côi mẹ. Ba mươi sáu tuổi đầu mới gặp vận. Thi Hương đậu cử nhân. Vào kinh, thi Hội thi Đình, trúng Tiến sĩ.

Cờ biển mũ áo vua ban, kể cũng đã rạng rỡ môn phong, đền đáp công phu ăn học. Nhưng phép vua thua lệ làng. Cả bọn tiên thứ chỉ kỳ hào lý dịch xã Hương Bông ấy, nó chẳng muốn có ông Nghè. Bọn thổ hào biết ông quá rồi. Từ khi chỉ là một anh học trò nghèo xó chợ, ông đã bài xích mê tín dị đoan, khinh bỉ những tục lệ đớn hèn, thờ thần Tứ Hung nhảm nhí. Đến bây giờ đã có danh vị trong hàng văn thân, mọc thêm lông cánh rồi, liệu con người ấy có để cho bọn vô lại được yên thân?

Và thế là chúng bảo nhau, không đón rước ông Tiến sĩ - mà chúng khinh bỉ, gọi là con thầy lang thuốc ngụ cư.

Ông Nghè chờ một, hai hôm, rồi đành lủi thủi về làng - quầy đôi bồ to đựng cờ biển mũ áo. Ấp Hương Bông không ai đón, mà dinh Đốc bộ cũng chẳng cắt người hầu đi theo.

Người làng Hương Bông, nhìn thấy ông tân khoa về quê - đáng lẽ phải mừng rỡ đón chào vồn vã - nhưng họ chỉ trố mắt nhìn, hoặc lánh mặt. Vì lẽ: dân đen mà bướng với các cụ hào cụ lý thì dễ bị thù ghét. Quan xa, bản nha gần, sự đời nó lắt léo lắm nỗi. Thương mê ông Nghè, họ chỉ đến thăm ban đêm.

Nhà ông ở xóm chợ, gian hàng thuốc Bắc cũ, từ thời cụ Lang thân sinh ra ông. Sặc mùi khói ám, mùi các vị thuốc lâu ngày rêu mốc. Một đôi bồ mũ áo để đó, và cạnh đôi bồ là ông Nghè - vẫn cái dáng dấp dài lưng tốn vải, học trò mặt trắng, ngoài không ruộng vườn, trong không có đầy một hũ gạo.

Người ta than tiếc ngậm ngùi chia buồn với ông, cám cảnh thân phận cô đơn. Người ta mách ông: bọn kỳ lý không những không tiếp ông, mà còn đe dọa, mỉa mai. Chúng bắn tin: muốn là ông tân khoa của xã, phải có ba trâu bảy bò khao vọng, phải mặc phẩm phục triều đình đến lễ thành hoàng Tứ Hung. Bằng không, thì... có giỏi, cứ đi mà làm quan thiên hạ. Hương Bông không thèm nhận con người ấy.

Ở người xui ông lên kiện tại dinh Tổng đốc, tri phủ. Cũng có lý. Nhưng suy đi nghĩ lại, ông Nghè không làm điều ấy. Vinh quy gặp nhục, lại bới ra kiện cáo, vô phúc đáo tụng đình, thêm danh một vị đại khoa, ai dại mà đi đấu khẩu với mấy đứa kỳ hào sâu mọt. Đâu phải là cái lẽ người quân tử.

Vả lại, ông Nghè đã chán tận cổ rồi, cái đất vô ân bạc nghĩa từ ngọn cỏ đến thằng người. Thôi thì, hãy coi nó như một cái dép nát, vứt bỏ mà đi... bốn bể là nhà, lo gì không có đất hành văn, dụng võ...

Chờ đêm đến, ông buộc nắp đôi bồ, cho đòn ống lên vai, kĩu kịt gánh đi. Cả đất Hương Bông lặng lẽ như một bãi tha ma vô tận. Riêng có gian nhà, nơi ông từng đèn sách bao năm, lúc này vẫn còn lơ thơ làn khói thơm lưu luyến; một chi trầm mới đốt.

Để xem ta rời mi, rồi ta có phải tiếc nuối gì không nữa? Hay là mi sẽ có ngày phải hối hận vì đã quá vô tình bạc bẽo với ta...

Trăng cuối tuần vừa nhú. Ông Nghè bước đi, chân nặng như chì, lòng nặng như chì, hơi thở nặng nề như toát ra một luồng hơi xám ngắt, trùm lên cảnh vật. Từ đường xóm chợ ra đường làng, ông qua cánh đồng, hai bên ruộng lúa xào xạc lá. Đây là con sông Ngọt, qua một con cầu sang bên kia là đất hàng huyện.

Cây cầu gỗ chênh vênh, vắt qua dòng nước hình cong cong vành lược, ông gánh đôi bồ, đến chính giữa vòm cầu - dưới là giữa dòng nước - thì đặt gánh, dừng lại, đứng thẳng người, vuốt khăn áo, thắp ba nén nhang xạ, hướng về chòm sao Bắc Đẩu lấp lánh như những con mắt công minh nghiêm khắc đang chờ đón nghe lời tâm sự u uất. Ông vái trời, vái đất, vái bốn phương Đông, Tây, Nam, Bắc. Gió lay rì rào những lùm tre rũ bóng, và mặt nước sóng sánh gợn, một dòng sáng lạnh lẽo. Ông Nghè khoa bó hương, cất giọng bi phẫn, khấn rằng:

- Tôi... một tên học trò mặt trắng, mang ơn mưa móc, vừa được đăng khoa. Ngày này, tháng này, năm này, cúi lạy trời cao đất dày, các ngôi Bắc Đẩu, Nam Tào, các vì tinh tú văn xương vũ khúc. Tôi cáo với thổ địa sơn xuyên, với mười hai vị thời thần chứng giám. Như cái bọn cường hào Hương Bông kia. Chúng đã: trên thì hủy hoại tôn miếu, thờ cúng dâm thần hắc quỷ, dưới thì tham nhũng tàn hại dân đen, bất chấp cương thường đạo nghĩa. Kẻ sĩ bị lăng nhục, khoa bảng bị chôn vùi. Với bọn vô liêm sỉ, quên ơn thuở trước, không lòng mai sau kia, tôi đây nguyền:

Sấm sét lôi đình sẽ đánh tan thây mày!

Tai họa vô thường sẽ giáng xuống nhà cửa chúng mày!

Con cháu chúng mày đời đời là một lũ dòi bọ, gục đầu, vai vướng, không bao giờ mở mắt nhìn đời, chịu cho kẻ chợ nhà quê chỉ tay vạch mặt...

Đất này mãi mãi là đất mao, không bao giờ còn thấy được biển cờ khoa hoạn...

Nắm hương đỏ rực, ông Nghè tung theo gió, lửa rụng lả tả xuống dòng nước. Đoạn, ông cho tay vào bọc lấy ra một nắm tiền. Một đồng tiền tung theo dòng nước, không bao giờ vớt lên được nữa, ứng vào một lời nguyền không gột rửa.

Ông Nghè nhón một đồng tiền, giơ tay quá đầu. Nỗi căm hờn lên tột độ, tay ông run, tim ông đập mạnh, răng ông nghiến chặt. Cả đêm khuya tê lặng trong một làn âm khí. Quỷ thần đôi vai, thổ công, hà bá như đã đón nhận lời nguyền, cùng chứng giám cho nỗi lòng cừu hận.

Bỗng không gian thoáng mát rượi như có làn gió lành lướt qua. Bàn tay ông Nghè vừa toan quẳng đồng tiền xuống giữa dòng sông, chưa kịp buông, đã bị giữ chặt. Ông giật mình quay lại, ánh trăng soi rõ một khuôn mặt trắng, một mái tóc vấn đuôi gà đen mượt, một manh áo lụa mỡ gà, thoảng hương hoa lý. Một người đàn bà...

Người đàn bà đẹp, đang lúc nửa đêm gà gáy, đến với một thư sinh tâm hồn hoảng loạn... Một hồ ly tinh trong hang động mò ra, hay một bộ xương khô tiền kiếp, đội nắp nấm mồ hoang, để hiện về trêu ghẹo người hàn sĩ? Tay ông Nghè run run dưới làn da bàn tay ai dịu dàng mát lạnh:

- Nàng là ai? Tiên hay quỷ? Ta đang lúc đau buồn xé ruột, có nợ nần chi mà còn nỡ trêu nhau.

Trả lời là một tiếng cười khúc khích:

- Em là người thôn nữ vô duyên, còn ngài là một văn nhân vừa hiền đạt. Giữa đường gặp gỡ. Ngài đang cơn bực bội về thế thái nhân tình. Em mạo muội xin dâng... một lời can.

- Chao ơi! Là thế đấy. Nàng nói đi, ta sẵn sàng nghe!

Đôi môi son ghé sát tai ông Nghè:

- Em xin ngài... xin chàng hãy hạ tay xuống, để cho em xin mấy đồng tiền...

- Tiền này là tiền ta quăng vào chốn vô cùng, cắm sâu lời nguyền độc địa. Ta ngậm mối hờn không đội trời chung... Nàng biết hay chăng?

Tiếng người con gái dẽ dàng, thỏ thẻ.

- Dạ. Em biết... em được ngắm thấy chàng đắc ý cưỡi ngựa xem hoa nơi Thượng uyển. Em biết là khi chàng mỏi mắt mong chờ nơi dinh Đốc bộ. Em nhìn chàng cô đơn, đau xót, một mình ôm cờ biển áo mũ nơi túp lều hoang giữa chợ... và đêm nay, chẳng phải vô tình mà em lẻn theo chàng tới chốn này...

- Ta cảm ơn nàng. Nhưng công phu như thế, mà cốt để làm gì?

- Để làm gì ư? Để tới giữ cho ông Tiến sĩ tân khoa đất Hương Bông tránh được điều thất đức!

Ông Nghè giật mình, thốt lên tiếng giận dữ: thất đức? Người con gái từ từ buông tay ông, sửa lại vành khăn nếp áo, kính cẩn cúi đầu:

- Em xin tha tội... vẫn biết chàng u phẫn lắm, nên mới thốt những lời nguyền rủa dữ dội nhường kia. Song em cũng xin chàng xét lại từng điều...

- Nàng nói. Ta xin nghe...

- Dạ xin nói điều thứ nhất: nguyền sấm sét đánh tan thây mấy thằng vô lại ư? Trộm nghĩ: chúng nó sống nhơn nhơn đắc ý, song là cái đắc ý của loài dòi bọ, trong đống rác nhơ. Nó tranh ăn, tranh ở, đâm chém nhau từ trong cơn ác mộng đêm đêm, cho đến lúc xung đột vỡ đầu chảy máu nơi chiếu rượu sân đình. Cuộc sống nhục nhã ấy khốn nạn hơn cái chết, còn can chi phải thốt lời nguyền, làm bẩn lưỡi búa thiên uy...

Ông Nghè ngẫm nghĩ, sẽ gật đầu. Người con gái vẫn thong thả nói tiếp:

- Lời nguyền thứ hai: cầu cho tai họa giáng xuống cửa nhà chúng nó. Lời nguyền này - thưa chàng em nghĩ là thừa. Lẽ thường, đạo trời chí công. Làm phúc được phúc, làm họa được họa. Quân kia bạc đức, trọng lợi. Của vào như nước, nhưng vàng bạc sặc mùi máu hôi. Khối của cải oan gia nó bạo nhập, thì rối bạo xuất. Tự nó mua lấy tai ương đầy rẫy. Can chi mà chàng nhọc công nguyền rủa nó làm gì?

Ông Nghè gật đầu:

- Điều này, nàng có lý...

- Còn điều thứ ba, - cô gái thưa tiếp - thì em xin chàng nghĩ lại. Không nên nguyền cho con cháu đời đời không mọc mũi sủi tăm. Em là phận đàn bà, trộm nghĩ: cái điều oan thì nên giải, không nên kết. Đó là cái lượng cả của bậc hiền nhân. Đối với những đứa ác, ta còn mong cho nó là cái tà quy chính huống chi là dòng dõi của chúng. Xưa nay, theo vòng luân hồi, vẫn có cha ác mà đẻ con lành. Những kẻ đen đầu đều là con dân của đất nước... xin chàng đừng vì cái giận riêng mình, mà oán đến những người vô tội...

Ông Nghè mủi lòng, cắn môi. Cô gái nói tiếp:

- Chàng nguyền cho Hương Bông thành đất bất mao. Dân Hương Bông vô đạo, chôn vùi tên tuổi, không bao giờ còn có cây bút, tiếng đàn. Như vậy là quá. Xin xét lại, chứ bao nhiêu năm đèn sách, có giỏ cơm bầu nước mà theo học bạn giỏi, thầy hay, chàng đã cất túp liều tranh trên mảnh đất nào? Xin nhớ cho: sông Hoàng Giang dòng đục, dòng trong... Tuy có miếu thờ bốn tên ác quỷ hung thần, nhưng ở xóm Ninh Khang, vẫn còn có hương khói phụng thờ đức Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật. Ninh Khang nghèo khó, nhưng phong nhã hào hoa có giống. Ninh Khang có một xóm của Hương Bông, chàng nỡ nào đưa tất cả nó vào trong một bị... oán thù.

Ông Nghè thoáng vẻ băn khoăn.

- Vậy ra... ta rõ. Nàng ở xóm Ninh Khang. Xóm giáo phường... ta - suốt đời thư sinh - ta đâu có dám màng lui tới.

Giọng người con gái thoáng vẻ kiêu kỳ:

- Ninh Khang giáo phường. Nơi có di phong của Nhã nhạc tiêu thiếu, nơi sành thanh chuộng sắc, tôn võ trọng văn. Nơi lui tới của các giai nhân tài tử khắp thiên hạ. Còn em là ca kỹ giáo phường, tuy lận đận phong trần, nhưng với chất tài hoa nghề cũ, đã từng có lúc dâng một bài ca, giúp ông kinh lịch Hải Đông bao năm thất sủng trở lại triều đình sung chức tham tri. Em tuy phận bạc tài hèn, nhưng năm qua - vào Đại nội hát mừng ngài Ngự tứ thập tuần Đại khánh, cũng được gia ban “Đệ nhất thuyền quyên”.

Ông Nghè nghe xong, chỉnh lại khăn áo.

- Xin cảm ơn ngàn lần lời khuyên nhủ của Đệ nhất thuyền quyên. Trong lúc mê muội, kẻ hàn này có điều không phải. Ta xin lắng nghe lời khuyên cao thượng, rút hết lời nguyền độc địa, thốt ra từ trong cơn mê loạn... Nhưng nàng ơi! Ta xin nàng thêm một lời khuyên...

Tiếng Đệ nhất thuyền quyên mượt mà, tha thiết:

- Em mời chàng ở lại với Hương Bông, cái mảnh đất tuy bị tàn phá nhiều bề, song vẫn còn đôi chút cội nguồn phong hóa. Chàng hãy về Ninh Khang với em, tuy là thú lâm tuyền, nhưng cũng có màu thành thị... Em cần cây bút, cây bút tài hoa để sánh đôi, hòa nhịp với cây đàn...

Thoáng nghe tiếng ông Nghè nói trong hơi thở:

- Văn chương tế thế kinh bang, hay văn chương hý trường...

Người con gái hơi có vẻ phật ý:

- Văn chương cử tử mới đưa chàng đến biển cờ, áo mũ. Song chưa hẳn đã là tế thế kinh bang. Văn đi với đàn cá sẽ đem lời hay ý đẹp, trên dâng thần thánh, dưới đến dân dã trong thành ngoại nội. Sự nghiệp đâu có phải vừa. “Mua vui cũng được một vài trống canh”. Nhưng đó vẫn là cái học biển rộng trời cao của Nguyễn Hầu.

Ông Nghè cúi vái:

- Nhi nữ tình trường, anh hùng khí đoản. Ta thẹn chẳng đáng mặt anh hùng để nghe lời nàng dạy bảo. Nhìn đôi mắt này, nghe giọng nói này, lòng ta như cây khô gặp mưa ngọt. Thôi! Xin giã ân nàng. Ta đi...

Bàn tay mềm mại nắm chéo áo ông Nghè:

- Đi đâu? Chàng phải ở lại Hương Bông. Còn nhiều duyên nợ với đất này. Hãy cùng em về xóm Ninh Khang. Em có ba gian nhà tranh vách phấn, có mươi chỗ lan và dăm chậu cúc. Có mười gốc đào mai. Hãy về nơi đó đã. Mà ta đi thôi, kẻo trời sắp sáng rồi. Ta đi sớm để tránh con mắt tục. Chàng về ẩn nơi giáo phường nhỏ bé, để sẽ trồng lại rừng hoa Hương Bông.

Ông Nghè cất gánh lên vai. Người con gái sẽ bật cười:

- Gánh giang san sao mà nhẹ. Nhưng trông chàng cũng quá đỗi phong trần. Em xin đổi, áo mũ triều đình, em gánh... đàn sáo... sênh phách, một túi đầy xin ông tân khoa... ôm lấy vào lòng.

Kẻ trước người sau, trên đường, như một đôi vợ chồng lái buôn trầy chợ. Lòng vui, chân thoăn thoắt. Một thôi đường, hai bên là nhãn xum xuê. Một thôi đường ven quanh hồ sen, mùa này còn trắng nước. Xóm Ninh Khang ẩn trong vườn hòe, vườn chuối. Rất đậm trong sương sớm, mùa hoa ngâu tinh khiết.

Nguồn đào há phải đường đi lại.

Bến nước, làng mây, dám hỏi han...

Ông Nghè thoáng nhớ hai câu thơ của một người bạn xưa nặng lòng thương một nàng ca kỹ, nhưng thân phận nghèo khó, đành chia tay với đôi vần than thở. Đêm nay, thì ông Nghè có phúc phận hơn, chỉ đi một thôi đường, đã đến nguồn đào.

Tới một cổng rào. Người con gái đẩy cửa. Một khoảng sân hẹp, mấy cội đào vươn cành che rợp một góc. Cô nàng mở cánh cửa ba gian nhà lợp lá mía. Hai người bước vào, thắp một đĩa đèn. Ánh sáng soi rõ một lá màn đào, một đôi kỷ trúc, một chồng sách, và một lư trầm. Và ánh đèn soi rõ gương mặt người bạn tâm giao mới mẻ: đúng là một tuyệt thế giai nhân.

Tất cả mọi nỗi cô đơn, nghèo khó, biển cờ, áo mũ, cái vinh cái nhục, đều đảo lộn mơ hồ. Trong tâm hồn ông Tiến sĩ, chỉ còn đọng lại có một người.

Nàng mời ông ngồi trên ghế trúc, xắn tay quạt hỏa lò đun nước pha trà. Nét nặt hiền của người nội trợ, và dáng dấp thanh tú kiêu kỳ của tài tử, nhắc ông Nghè đón một hạnh phúc vô biên. Ông bỗng thổn thức, trào nước mắt. Người đẹp ngẩng lên, ghé lại gần, kéo manh yếm lụa đào, lau đôi mắt đẫm nước, ngọt ngào, thủ thỉ:

- Có ta có mình trong hương trà buổi sớm! Thế sự du du. Bận lòng chi mấy, chàng ơi!

Ngày 20 tháng 8 năm 1989

49 cây cơm nguội - Truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Quang Lập Người bạn ấy xuống tàu ở ga xép - Truyện ngắn của nhà văn Văn Chinh Lời hứa của thời gian - Truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Quang Thiều Ngôi đền thiêng - Truyện ngắn của nhà văn Dương Hướng Lũ vịt giời - Truyện ngắn của nhà văn Tạ Duy Anh
Truyện ngắn - Kỷ niệm 75 năm báo Văn Nghệ
Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Baovannghe.vn - Đọc truyện: Hà Phương; Đồ họa: Thùy Dương
Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Baovannghe.vn - Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 98/CĐ-TTg ngày 18/9/2024 chỉ đạo tập trung ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ.
Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Trong số các nhà văn nữ Việt Nam đương đại, nhà văn Vũ Thanh Lịch, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình, là cây bút văn xuôi có nội lực sung mãn. Chị là tác giả của nhiều truyện ngắn hay, ghi dấu trong lòng bạn đọc mà “Nhà Thánh” - giải nhất Cuộc thi truyện ngắn Lửa mới 2018-2019 do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức là một minh chứng tiêu biểu.
Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Baovannghe.vn - Bà ngoại chỉ nói: "Đừng thúc ép gì nhiều. Phải tội. Đời người bạc, phận mỏng, biết sao được số trời. Mày làm thế không sợ chuốc khổ cho con bé".
Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4  trên khu vực trung Lào

Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4 trên khu vực trung Lào

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, sáng sớm nay (19/9), áp thấp nhiệt đới trên khu vực phía Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa đã mạnh lên thành bão - cơn bão số 4 năm 2024.