Sự kiện & Bình luận

Tay phàm có được vẽ hình thiêng?

Hồ Anh Thái
Lăng kính văn nghệ
11:48 | 04/09/2024
Liệu miệng phàm có được nói lời thiêng? Câu hỏi ấy có vẻ là mối băn khoăn đã cũ nhưng chắc hẳn vẫn còn mang ý nghĩa nào đó trong thế giới hiện đại.
aa

Người cha thấy quyển sách vứt lăn lóc ở góc phòng, đứa con cầm đọc rồi vừa bỏ đi đâu đấy. Nhặt sách lên thì thấy đó là quyển kể về 100 bậc thầy vĩ đại trên thế giới. Khi đứa con về, ông bảo: Sách không là thứ không được bạ đâu vứt đấy, sách về những nhân vật vĩ đại lại càng không phải nằm ngồi chỗ nào cũng đọc được. Quyển này nếu con muốn đọc, phải ngồi ngay ngắn bên bàn mà đọc.

Có những cuốn sách thiêng, người xưa còn phải đốt hương trầm lên, sửa mình cho ngay ngắn rồi mới ngồi đọc.

Người Hồi giáo trước khi vào đền thờ cầu nguyện đều phải rửa chân tay sạch sẽ. Đấy là lý do bên hông đền thờ Hồi giáo bao giờ cũng có nhiều vòi nước để cho tín đồ rửa chân tay. Cũng thế, trước khi ngồi vào bàn đọc kinh Koran, ai ai cũng phải dọn mình sạch sẽ. Người ta còn phải đóng những cái bàn nhỏ bằng gỗ quý dành riêng cho kinh Koran, tín đồ ngồi xếp bằng trên một tấm thảm và trân trọng giở từng trang sách.

Trong nhà thờ Cơ Đốc giáo cũng vậy, những quyển Kinh thánh để sẵn cho giáo dân đọc được đặt trên mặt bàn nhỏ phía trước dãy ghế băng. Nhưng ở thời hiện đại, đôi khi cũng thấy ở một nhà thờ giáo xứ nào đó người ta bỏ Kinh thánh trên mặt ghế. Đấy là một sự sơ suất.

*

* *

Phải nhiều thế kỷ sau khi Phật qua đời, tín đồ Phật giáo mới bắt đầu vẽ tranh và tạc tượng Phật. Có lý do là theo lời Phật dặn, không được họa đồ và tượng hình Ngài. Người ta cho rằng Phật hàm ý vô ngã, Phật coi nhẹ ảnh tượng xác phàm.

Nhưng các Phật tử thời không tranh tượng còn có triết lý sâu xa của họ. Người ta tin rằng một bậc vĩ nhân thì người trần không thể tư duy được, không thấy được, cái ta tưởng là thấy lại chính là ảo ảnh sai lạc. Cho nên mọi mưu toan hoặc nỗ lực vẽ tranh Phật tạc tượng Phật là vô nghĩa. Thay vào hình ảnh Phật, suốt mấy thế kỷ, mỹ thuật Phật giáo chỉ miêu tả hình ảnh tượng trưng gợi nhớ đến Ngài: họ vẽ hình con voi trắng mà hoàng hậu Maya mơ thấy khi hoài thai thái tử Tất Đạt Đa, hình cây bồ đề nơi Ngài giác ngộ, hình bánh xe chính pháp chakra…

Quan niệm thần thánh hóa bậc thầy giác ngộ dần dần thay đổi theo thời gian. Các tín đồ phải thỏa hiệp và nhân nhượng với khao khát có được cái hữu hình để thờ phụng. Thế là bắt đầu từ thế kỷ thứ nhất của Công nguyên, mỹ thuật Phật giáo nở rộ với những pho tượng Phật tuyệt mỹ ở Gandhara, pha trộn phong cách mỹ thuật Ấn Độ và Hy Lạp. Dòng mỹ thuật Phật giáo lan truyền bên miền Tây xứ Ấn, dọc theo bờ biển Arab mà xuống đến vùng hang động Ajanta - Ellora. Trong mấy chục hang động vùng này, ngày nay ta còn được chiêm ngưỡng những bức tranh tường hoành tráng trong hang tối và những quần tượng đồ sộ tạc vào vách đá. Tượng Phật, những sự tích đời Phật, những câu chuyện về Phật giáo… đã được những bàn tay Phật tử tài hoa sáng tạo âm thầm trong hang động. Nghệ thuật tạo tác và kỹ thuật lấy ánh sáng vào hang tối, cho đến nay vẫn còn là bí ẩn.

*

* *

Quan điểm người phàm không thể tư duy điều thiêng một lần nữa được nhắc lại ở thế kỷ VII với sự ra đời của Hồi giáo. Ta chỉ đang nói riêng về lĩnh vực mỹ thuật. Hồi giáo không cho phép vẽ người và tạc tượng, hoặc bất kỳ hình thức tạo hình nào, để miêu tả Allah thượng đế và Mohammed nhà tiên tri. Trong đền thờ Hồi giáo không có tượng mà chỉ có tranh tường, tranh tường cũng chỉ miêu tả hoa lá, và những nét vẽ hình học. Hoặc đó là thư pháp những câu kinh Koran bằng mẫu tự Arab trông như nét vẽ rồng bay phượng múa. Hoàn toàn cấm vẽ hình người và tượng hình thượng đế. Vẽ tranh tạc tượng người là tội phải đổi bằng tính mạng. Làm sao đầu óc tầm thường của con người có thể hình dung được những đấng thiêng và thánh nhân. Không thể. Mưu toan thỏa mãn cá nhân bằng cách vẽ vời chỉ là một thứ dục vọng thấp kém. Những kẻ lén lút vẽ hình tạc tượng bị coi là tha hóa điên loạn và bị khép tội báng bổ.

Ustad Isa là kiến trúc sư trưởng của quần thể đền thờ lăng mộ Taj Mahal ở Ấn Độ, một kiệt tác được coi là linh hồn Ấn Độ trong thể xác Ba Tư. Tương truyền, dù được ghi công trạng nhưng sau khi hoàn tất công trình và trở về Ba Tư, Ustad Isa vẫn bị coi như công dân hạng hai thấp kém. Còn công trình sư trực tiếp thực hiện kiệt tác này thì bị chặt tay, không hẳn khiến cho ông ta không thể làm tiếp một kiệt tác thứ hai như thế nữa, mà đồn rằng bởi vì ông đã đưa thêm vào những bức khảm cẩm thạch trên tường một số hình chim thú. Đấy mới chỉ là hình chim thú, chưa đến mức dám vẽ hình người.

Cũng cần phân biệt rằng người ta chỉ cấm miêu tả thượng đế và con người bằng hình ảnh. Thượng đế là đấng tối cao, vượt xa trí tưởng của người phàm. Con người cũng là sinh thể không thể phản ảnh được, cái đó vượt quá năng lực tư duy và tái hiện của chính con người. Ta nhìn thấy ta mà lại không phải là ta. Suy cho cùng, tin vào ảnh hình miêu tả là tin vào ảo ảnh và người tạo ra ảo ảnh phạm trọng tội.

Khi các hoàng đế Hồi giáo cai trị Ấn Độ, những đội quân kỳ thị tôn giáo tấn công vào đền chùa thì nhiều tượng thần thánh Hindu và tượng Phật bị đập nát, chủ yếu nhằm vào mặt tượng. Những pho tượng Phật khổng lồ cao đến 55 mét ở thung lũng Bamiyan, Afghanistan, qua nhiều thế kỷ bị đập nát mặt, đến thời Taliban đầu thế kỷ XXI thì bị những khẩu đại pháo hủy diệt hoàn toàn.

Nhưng chỉ những gì thiêng liêng như thượng đế và ngôn sứ hoặc hình người mới là cấm kỵ đối với người tạo hình, còn đền chùa giáo đường là chốn thiêng của các tôn giáo vẫn được những bàn tay phàm trần tạo dựng. Đó là sự phân biệt rõ ràng. Như vậy, thiêng và không thiêng đều là khái niệm do con người đặt ra, khó mà thuyết phục rằng đó là quy định của một đấng tối cao.

*

* *

Tay phàm có được vẽ hình thiêng?

Chỉ cần miêu tả con người bằng hình ảnh cũng đã bị khép tội báng bổ và bị xử tử. Vậy dám vẽ tranh mà lại là tranh châm biếm bậc đại sư của người ta thì án tử có thể nhân lên gấp nhiều lần. Đến đây có thể ta đã hiểu việc một vài tạp chí chuyên về biếm họa ở châu Âu vẽ hình giễu cợt nhà tiên tri Mohammed là một sự liều thân.

Trong sâu xa, thiên hạ hầu như đều có một điều nào đó mà họ tôn thờ, liệu người khác có thể nhân danh tự do mà giễu cợt nó hay không? Họ có thể biện hộ bằng quyền tự do tư tưởng và tự do bày tỏ ý kiến trong một xã hội dân chủ. Nhưng dù thế nào đi nữa đó cũng là kém thấu hiểu và thiếu tôn trọng đức tin của người khác. Thiếu cả một thái độ cùng tồn tại hài hòa giữa những niềm tin khác biệt. Cái gọi là tác phẩm của anh suy cho cùng chỉ là một sự cười cợt vô duyên buột ra do thiếu kiềm chế. Hơn cả sự vô duyên, đó phải là án tử trong mắt tín đồ. Ngay cả lời lẽ nhảm nhí hoặc báng bổ cũng là trọng tội, bị xử bằng gậy hoặc roi mây. Tín đồ còn tin rằng chỉ cần buông một lời nhảm ở chốn thiêng cũng có thể lăn đùng ra cấm khẩu.

Người cấm vẽ lấy lý do phải tôn trọng đức tin tôn giáo.

Người chủ ý vẽ lấy lý do phải tôn trọng tự do sáng tạo, tự do bày tỏ ý kiến.

Vậy là ngay trong khái niệm tôn trọng vẫn hàm chứa xung đột, thậm chí có thể dẫn đến gây chiến. Sự tôn trọng quyền con người vẫn cần đi cùng với nó thái độ bao dung và sự hòa hợp giữa các đức tin.

Nhân loại vận động về hướng khẳng định thêm rất nhiều quyền cho con người. Quyền tự do viết và vẽ và làm nhạc làm phim. Quyền tự do được đọc những quyển sách gối đầu giường và cả đọc trong toilet. Quyền được trêu chọc cười nhạo bất cứ những gì chướng tai gai mắt hoặc chỉ là cười cợt đùa vui. Không có vùng cấm.

Tưởng như không có ranh giới đỏ mà thôi. Không thể nhân danh những điều thiêng liêng, thậm chí là có những điều thiêng ngụy tạo, để tạo ra vùng cấm. Nhưng cũng không thể nhân danh tự do mà báng bổ niềm tin của cộng đồng khác. Có những việc không bị pháp luật cấm mà hóa ra trong đó lại thiếu sự thấu hiểu và tôn trọng. Mọi tượng đài đều có thể bị đánh đổ, nhưng trong khi nó chưa bị đánh đổ, nếu không cúi mình thì cứ lẳng lặng đi qua, đừng nghĩ rằng có thể vứt rác vào chân tượng. Trong nhà người Á Đông luôn có một bàn thờ. Trong nhà người Hồi giáo nào cũng có mũi tên chỉ hướng về thánh địa Mecca. Chỗ ấy người không phải tín đồ cũng cần giữ thái độ phải chăng.

Liệu miệng phàm có được nói lời thiêng? Câu hỏi ấy có vẻ là mối băn khoăn đã cũ nhưng chắc hẳn vẫn còn mang ý nghĩa nào đó trong thế giới hiện đại.

Hồ Anh Thái

Bão - Thơ Tế Hanh

Bão - Thơ Tế Hanh

Baovannghe.vn- Cơn bão nghiêng đêm/ Cây gãy cành bay lá/ Ta nắm tay em qua đường cho khỏi ngã.
Dấu vết của lời ca. Truyện ngắn của Lê Thị Kim Sơn

Dấu vết của lời ca. Truyện ngắn của Lê Thị Kim Sơn

Baovannghe.vn- Người đàn bà nào lại không biết yêu, cô mỉm cười, những con chim ngu ngốc không tranh đấu ngoài bầu trời gió sẽ lăn ra chết, số mệnh chỉ có vậy. Người đàn bà đó cũng vậy, lăn ra chết mà hằn học không nguôi, nhưng người đàn bà đó mới đáng thương làm sao, mới xao động làm sao.
Svetlana Alexievich: Hãy đứng về phía điều thiện

Svetlana Alexievich: Hãy đứng về phía điều thiện

Baovannghe.vn - Svetlana Alexievich sách của bà đã được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới và dựng thành khoảng 20 bộ phim.
Nhiều “cây viết” ghi dấu trong bộ sách giáo khoa

Nhiều “cây viết” ghi dấu trong bộ sách giáo khoa

Baovannghe.vn - Trong xu thế đưa sáng tác của các tác giả đương đại vào sách giáo khoa, một số “cây viết” ở thành phố đóng góp nhiều tác phẩm.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: “Cứu dân là ưu tiên cao nhất”

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: “Cứu dân là ưu tiên cao nhất”

Baovannghe.vn - Ngày 12/9, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã có chuyến công tác kiểm tra phòng, chống lụt bão tại tỉnh Tuyên Quang