Khoảng đầu thập kỷ 1980, tôi tình cờ gặp một người đàn ông trạc tứ tuần, gầy héo lẳng nhẳng. Cuộc chuyện trò rất vui vẻ và sau khi người đàn ông đã đi rồi, tôi mới biết đấy là MQ, người có dịch một số truyện ngắn của Konstantin Paustovsky.
Tôi cho rằng nếu đã có Vũ Thư Hiên dịch Paustovsky thì người ta không cần bản dịch của ai khác nữa. Bản dịch Bông hồng vàng và Bình minh mưa đã gây ảnh hưởng đến mấy thế hệ viết văn ở Việt Nam. Vợ chồng nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tú khi ấy cũng biết MQ và cho biết thêm: MQ là người giỏi ngoại ngữ. Anh ấy sống độc thân, hơi thất thường và tự kể là đã nhiều lần không muốn sống.
Lúc ấy tôi đã đọc tập Chiếc nhẫn bằng thép, gồm một số truyện ngắn của Paustovsky, người dịch ghi bút danh là Vũ Quỳnh. Về ngôn ngữ, tiếng Việt của anh nhàn nhạt, không chuyển được vẻ duyên dáng bảng lảng bâng khuâng của Pau. Chỉ nhớ thế, rồi tôi cũng quên con người mà tôi gặp chốc lát.Mãi đến năm 2023 đọc bài của Kim Ân viết từ năm 1998 thì tôi mới biết MQ đã nhảy xuống sông Hồng tự tử hơn ba chục năm rồi. Trước đó, MQ đã mấy lần bày tỏ rằng chỉ muốn chết. Kim Ân viết:
Tôi loại trừ khả năng bất mãn ở va (anh ta). Bất mãn chỉ tồn tại ở những người quan tâm chính trị thôi. Va thì không dính dáng với cái của nợ ấy. Tôi không biết y học để kết luận về căn bệnh của va. Bây giờ người ta có xu hướng gọi nỗi buồn vô cớ ấy là trầm cảm. Nhưng chẳng lẽ trầm cảm là bệnh tự nhiên sinh ra, tự nhiên có, không nguồn không gốc? |
*
Cũng không cần phải là chuyên gia tâm thần học để biết rằng có những người sống mà không muốn sống. Họ không coi cuộc sống có một vẻ đẹp như người đời vẫn quen gắn trong cụm từ “vẻ đẹp cuộc sống”. Có những người tâm trạng u ám chỉ trong một khoảnh khắc, một thời đoạn, nhưng cũng có người triền miên trong cả cuộc đời.
Osho cho rằng những người này vốn có bản năng tự sát. Nhân nhắc lại trường hợp lịch sử một giáo chủ đi truyền đạo và bị giết hại, Osho luận về triệu chứng: “Có lẽ ông có một bản năng tự vẫn. Những người có bản năng tự vẫn thường không đủ can đảm để tự vẫn: nhưng họ có thể xoay xở để người khác mưu sát họ. Và rồi ta sẽ không bao giờ phát hiện ra rằng họ có một bản năng tự vẫn, rằng họ xúi giục ta giết họ, để cho trách nhiệm đổ xuống đầu ta” (Cuộc đời của luận sư Rajneesh Chandra, NXB Trẻ 2007, trang 86).
Từng có một vị nguyên thủ quốc gia, ở giai đoạn cuối đời, phải cùng lúc chống chọi với các đòn tấn công trong và ngoài chính đảng của mình và đứng trước nguy cơ bị ám sát. Cơ quan an ninh quốc gia nhắc nhở bà nên thay đơn vị bảo vệ nhưng bà trì hoãn. Điều đó dẫn đến việc bà bị hai sĩ quan bảo vệ sát hại. Mãi về sau dân chúng vẫn không hiểu được việc bà trì hoãn, không cho đổi sĩ quan bảo vệ khi mà nguy cơ đã rất rõ ràng. Người ta cho rằng lúc ấy bà đã hoàn toàn chán ngán chính trường, bà đã buông xuôi tất cả, muốn ra sao thì ra. Bản năng tự sát vốn nằm im đâu đó bên trong, lúc đó mới thức dậy chăng?
Tranh của họa sĩ Willem de Kooning |
Trong chính trường của một đất nước, các phe phái mâu thuẫn có khi dẫn đến xung đột, huy động cả triệu người xông vào văn phòng chính phủ đập phá, lật đổ giành chính quyền. Có người có lý tưởng có mục tiêu tối thượng là giành chính quyền, đánh đổ cái cũ để thiết lập cái mới theo ý mình. Không loại trừ khả năng có nhiều người hung hãn, bản năng tự sát trong người họ được kích động và phóng đại. Nhiều người coi những cuộc cách mạng là ngày hội, hội được chết, một cảm khoái được quên cái thân này đi, được tuẫn tiết.
Trong lòng những chính thể độc tài, các lực lượng đấu tranh phần lớn phải dùng hình thức đấu tranh bí mật. Nhưng cùng lúc vẫn có những cá nhân cao giọng công khai, có khi hoàn toàn liều thân theo kiểu thách thức chính thể cho mình đi tù.
Trong giao thông hỗn loạn ở các đô thị, không riêng một nước nào, ta vẫn thấy những người xe đạp xe máy xe hơi nghênh ngang giữa lòng đường không chịu nhường đường cho xe sau, thậm chí có những kẻ phóng xe như điên dại cho thỏa chí. Họ như gửi thông điệp cho những người xung quanh: đang muốn chết đây. Có người chỉ là nói liều nhưng cũng có người nói thật tâm trạng khủng hoảng bế tắc của mình.
Cũng như thế là cảm xúc tập thể được kích động, khi đám thanh niên cuồng loạn lao vào những cuộc đua xe “quá nhanh quá nguy hiểm” - tên một bộ phim Mỹ về đám đua xe. Ở Việt Nam từng có những cuộc đua xe máy mà trước khi vào cuộc, đám thanh niên quấn sẵn lên đầu một mảnh khăn tang màu trắng.
Rồi trong quan hệ quốc tế, xung đột giữa các quốc gia nhiều khi bùng nổ thành chiến tranh, đẩy cả biển người ra chiến trường và đổ máu. Có những cuộc chiến chẳng phải mục tiêu tổ quốc cao cả gì mà nó xuất phát từ bản năng tự sát của quốc trưởng. Chỉ có điều quốc trưởng tự sát bằng mạng sống của những sinh linh mù quáng mà thôi.
Ta đang nói về bản năng tự vẫn cho nên không dành nhiều chỗ cho những trường hợp tự sát vì áp lực hoàn cảnh: vì cá cược, vì phá sản, vì thất bại trong công việc, trong tình duyên, trong học hành. Riêng người tự tử vì hổ thẹn gây ra tội lỗi thì hình như vẫn được coi là còn có lương tâm. Lại cũng có những cuộc tự hủy vì bị bức hại như anh bán hoa quả ở Tunisia. Anh bị cảnh sát tịch thu mất xe bán hàng rong. Bị dồn vào con đường cùng có thể làm cả gia đình chết đói, anh đã quay trở lại tự thiêu ngay trước đồn cảnh sát. Vụ tự thiêu của anh ngày 17-12-2010 dẫn đến phong trào Mùa xuân Arab, sự phẫn nộ trước ngang trái và bất công có dịp nổ bùng ra, biểu tình nhanh chóng lan rộng ra khắp khu vực, dẫn đến sự sụp đổ chính quyền ở một số nước Bắc Phi và Trung Đông.
*
Tranh của họa sĩ Vincent van Gogh |
Một người như Hemingway, tài năng, kiêu hùng. Khi xảy ra nội chiến ở Tây Ban Nha, ông tự nguyện sang đấy viết tin và tham gia bảo vệ nền cộng hòa trước sự tấn công của phái quân phiệt nổi loạn. Ông sống một cuộc đời tung hoành, thích săn bắn, từng hào hứng tham gia vào những cuộc đi săn cá mập cá kiếm trên biển. Đẹp đẽ và đào hoa, tuổi trẻ của Hemingway chen chúc những người đẹp. Ấy thế, ông bị sốc khi bước vào tuổi già, một thời đánh đông dẹp bắc, giờ bắt đầu sa sút, dự báo sắp đến thời trí không điều khiển được thân. Tuổi già là con vật bẩn thỉu. Ông nói vậy và kề khẩu súng săn vào bên dưới cằm, tự sát ở tuổi sáu mươi hai. Người ta hiểu câu ông nói chỉ là riêng biệt hoàn cảnh của ông, cho nên thiên hạ chỉ ghi nhận mà không tranh luận. Tất nhiên cũng không thể tranh luận với người chết.
Nhưng cũng có những trường hợp bản năng tự vẫn nổi dậy khi mà đời sống quá đầy đủ quá bằng lặng, đến mức nhàm chán. Không có yếu tố bất ngờ đột ngột thình lình. Mọi sự đều tẻ nhạt, nhàn rỗi, nỗi buồn vô cớ cứ thế dâng đầy. Thế là trong tích tắc chọn ngay giải pháp cuối cùng.
“Giá mà được chết đi một lúc”, câu thơ của Nguyễn Thế Hoàng Linh nói đúng cái ý nghĩ bất chợt nảy ra trong đầu người ta một lúc nào đó. Bản năng tự vẫn nằm im cũng có khi bất ngờ trỗi dậy. Không phải là muốn chết. Chỉ là “một lúc” mà thôi. Được thoát ra khỏi thế giới này trong chốc lát, được thấy mình đã thoát hồn khỏi thân phàm, được thấy người ở lại người cười người khóc. Xong đâu đấy, ta trở lại, tái sinh, nhìn cuộc đời bằng cặp mắt mới. Cuộc đời dù có vắng ta cũng chẳng làm sao.
Vậy nên Nodar Dumbadze, nhà văn người Georgia, mới nói người ta nên ốm thập tử nhất sinh một lần trong đời.
Và thỉnh thoảng cũng nên đi viếng người chết. Xong đám ma, về nhà có người huyết áp tăng vọt, cũng có người sung sướng âm ỉ thấy mình còn sống.
*
Các tôn giáo hầu như đều đồng tình ngăn chặn bản năng tự hủy diệt ở con người. Phần lớn các giáo lý đều khuyên răn sống tốt đời trần thế, tu dưỡng thiện tâm, và hứa hẹn cho người tốt một chỗ ở trên thiên đường. Người tự sát dù có bất cứ lý do gì đều không được lên thiên đường, và họ bị trừng phạt bằng cách thi thể không được táng trong nghĩa trang của giáo xứ. Chỉ có thượng đế mới có quyền cho con người mạng sống hoặc đưa họ đi khỏi cuộc đời. Cho nên người tự sát thực hiện một hành động báng bổ là cướp quyền tối cao của thượng đế.
Nhưng cũng có tôn giáo cho việc tự sát một ngoại lệ: nếu đấy là sự quên thân vì nghĩa lớn, đánh bom tự sát để tiêu diệt một kẻ nguy hiểm hoặc phá hủy một tòa nhà của kẻ thù chẳng hạn. Người tự sát đó được hứa hẹn sẽ lập tức lên thiên đường hưởng lạc với hàng chục mỹ nữ vây quanh.
Đạo Phật là tôn giáo không có thần thánh, không hứa hẹn cho ai lên thiên đường hoặc dọa dẫm họ phải ra khỏi nơi đó, nhưng tất nhiên Phật giáo cũng coi việc tự hủy hoại là vô minh. Trong muôn vạn kiếp, phải khó khăn lắm mới hội đủ nhân duyên để hình thành một kiếp người. Vậy một khi được làm người, người ta phải tranh thủ dùng cơ hội hiếm hoi đó để mà tu tập tìm đường thoát khổ.
Mặt khác, quan điểm của các tôn giáo cũng có độ vênh nhất định trong xã hội hiện đại. Một trong những tình trạng không ăn khớp là khi con người phải chịu nhiều đau đớn bởi bệnh tật. Người bệnh liệt giường trong một thời gian dài hoặc phải chịu đựng cơn đau tinh thần quá mức chịu đựng có được quyền tự quyết định sinh mạng mình hay không? Giúp cho họ một cái chết nhẹ nhàng là nhân đạo hay vô nhân đạo? Hay là tư tưởng còn nước còn tát mới hợp truyền thống và đạo lý, cho dù vô vọng trước thực trạng?
Người ta vẫn thường thầm cầu khấn được khỏe mạnh cho đến giây phút cuối cùng của cuộc đời. Thấy mệt lên giường nằm, tưởng chỉ nghỉ ngơi một lát rồi cứ thế mà đi luôn. Nhẹ bước về trời. Người đời nói: chết như thế là chết tiên.
Nhưng rất ít ai dám nghĩ đến việc một khi mắc bệnh trầm trọng thì được ra đi bằng cách an tử (euthanasia). Người ta vẫn đánh đồng an tử với sát nhân hoặc tự sát, dám tranh giành với đấng tạo hóa quyền định đoạt số phận.
Nhân loại vẫn mãi còn định kiến với việc tự hủy diệt.