Bà nội tôi khi về nhà chồng ở phía Nam mới ngoài bốn mươi tuổi kéo theo một bầy con. Nhếch nhác. Một xu không có. Kiểu gia đình cán bộ ngoài Bắc quanh năm nhớn nhác phiếu mì phiếu gạo. Bà lớn lên trong gia đình một vị đại nho, là con út. Cả nhà phía đó từng có người bị bắn, có người đau khổ treo cổ tự tử. Cửa nhà tan nát nghĩa đen. Bà theo cách mạng một lòng thực tâm thành kính nhiều lần giảng bài ngất xỉu vì đói. Bà thường bảo tôi đi ra chỗ khác ngồi đấy làm gì nghe mấy chuyện tào lao rồi thành ông cụ non. Bà nội là cô giáo dạy vật lý. Nhưng chuyện xã hội là thứ được bà để tâm nhất. Hay thắng trong các cuộc tranh luận ở nhà. Nghe bà đuổi tôi càng tò mò. Ngồi đến cùng. Và để tâm đến mọi chuyện. Tôi là cháu đích tôn của ông bà. Tôi đang chờ vào trường Y thành phố.
Cuối năm nay nhà có chuyện gây sốt. Cô Đin lại về. Mấy năm trước cô về một mình. Mỗi lần về cô điên một kiểu. Cô làm cả nhà phát khiếp mà việc chả đi đến đâu. Cô vẫn không ký vào hồ sơ bán nhà.
Tên Mỹ của cô viết là Dean. Tên Việt là Linh. Sau mấy vụ cô hành xử chả ra gì với cả nhà bọn trẻ trong nhà gọi cô là Điên. Linh Điên. Nghe cũng như âm tên Mỹ. Nhưng thằng con cô ngang tuổi tôi tên Mỹ hoàn toàn. Tommy Đentơn vì cha nó là ông Mỹ. Đợt này nó sẽ về với cô. Tôi xốn xang vì sẽ gặp nó. Lâu nay hai thằng toàn tào lao trên mạng có vẻ mọi nghĩ ngợi giống nhau nhưng tôi vẫn thích bắt tay nó. Tôi a lô cho mấy thằng bạn tin thằng Tommy sẽ về. Lên kế hoạch dẫn nó đi chơi về phía biển.
Mọi người chỉ cần cô Đin ký một chữ vào hồ sơ thay cho ông Trình là em thứ hai của ông nội tôi. Mỗi người được một phần tiền rồi ai xây gì thì xây. Bây giờ ngôi nhà có từ những năm hai mươi thế kỷ hai mươi vẫn đẹp chắc chắc dù có nhiều lúc đạn đã găm tứ tung quanh nó. Thành phố tranh chấp giữa các phe trong chiến tranh mà. Giờ ngôi nhà bị chia năm sẻ bảy. Cô Đin từ bên Mỹ có một phần. Ông Trình bố cô giáp với ông nội tôi lúc còn sống đã lằng nhằng với bà giúp việc, cô Đin từ Mỹ về đuổi bà kia đi và khóa chặt cửa của hai căn phòng phía đông. Hai phòng phía tây của ông Tự em út ông nội. Giờ ông cũng ở Mỹ, ông thuê hẳn một người mỗi tháng đến quét dọn cho ông một lần. Cửa cũng khóa chặt. Còn lại ông nội tôi là anh cả đông con được ba phòng cộng với sân phía trước và cái vườn. Cả nhà đông đúc phát triển như dân số quốc gia. Ông bà tôi cũng cần bán nhà chia chút tiền cho các con rồi tỏa đi mà sống đời tự do. Cần phải có chữ ký của tất cả mọi người. Khi ông Trình còn sống thì giao dịch chưa xong. Ông chết đi, cô Đin thay cha sở hữu tài sản nhưng cô bỗng như điên.
Từ Mỹ về, cô nhốt mình trong phòng độ hai ngày. Không ăn với nhà tôi cô đi ăn mấy chỗ quen thuộc bán món dân dã. Cô nghiện ăn bánh ram bún bò. Mỗi lần về cô bĩu môi tui biết ngay là bọn Bắc kỳ trà trộn vô mấy hàng tui quen rồi. Ăn như ăn đất sét. Bọn Bắc kỳ vào thành phố là hỏng hết mọi chuyện.
Cô ở nhà độ vài tuần ngày nào cũng đi ăn. Ăn về là chửi bọn Bắc kỳ. Rồi cô đi Nha Trang, đi Sài Gòn. Về, cô không ký giấy bán nhà đã đành. Cô đi khắp các phòng. Mở cửa cả phòng ông Tự. Ra sân. Vào phòng thờ. Đi dọc hành lang. Cô chỉ đây là thư viện cha tui đọc sách. Đây là chỗ để cây piano của mẹ tui. Đây này. Chỗ này trưa hè cả nhà lăn trên sàn mát lạnh. Đây nữa. Đây nữa... Người ta đang ở ấm đang yên bề mọi việc các bác - chỉ ông nội tôi - đùng đùng kéo về. Giải phóng cái chi? Tui cần chi bác giải phóng tui? Mẹ tui phải chạy vô Sài Gòn rồi theo tàu qua Mỹ may mà cá mập nó tha. Ba tui không lên được tàu chui như con chó ghẻ hết nơi này nơi kia cuối cùng vượt biên hai lần, hai lần vào tù để sau rốt ba tui không muốn đi nữa. Có cho cũng không đi nữa. Tội quá ba ơi...! - Cô hu hu một chặp - Má tui qua Mỹ phải nuôi bầy con cặp với ông Mỹ, ba tui giận không qua nữa. Đâu phải lỗi của má? Lỗi ở mấy người. Mấy người ở Bắc kéo cả đoàn về dơ cả nhà của tổ tiên. Một lũ trông như ăn mày. Lúc đó tui chưa vượt biên tui trố mắt nhìn cả đoàn như lũ khỉ về chiếm từ sân vô nhà. Ăn thì như chó đói gì cũng vơ. Ở bẩn như dòi. Bắc chân lên cả bệ toa lét làm vỡ cả bệ. Có nhớ không? Tui kinh quá tui còn nhỏ tuổi mà phải ngồi co ro trong góc thuyền một tháng trời. Tui qua với má tui. Tui cũng muốn ký, muốn bán nhà nhưng nghĩ các người phá hỏng mọi việc tui găm đó. Tui không ký. Để mấy người chui rúc cho hợp với các người. Bọn cái bang dơ dáy.
Cô nhảy tưng tưng. Người cô cao lòng khòng. Cô cầm cái bình gốm cổ trên ban thờ đập choang xuống nền gạch. Cô chỉ mặt bà nội tôi: bác dân Bắc kỳ bác vô đây dơ nhà, dơ cả lối đi dơ cả vườn nhà tui!
Cô không ký. Cô trở lại Mỹ. Công ty mua nhà đã chồng một ít tiền đến hồi giao nhà họ phạt phải trả gấp đôi số tiền họ chồng. Cả nhà tá hỏa vay mượn. Lại mất công giao dịch nơi khác. Lại phải ký từ đầu. Gọi điện cô bảo chuyện mấy người ai mà ham. Tui không có trả tiền phạt.
Năm ngoái cô về nữa. Cô lại lên một cơn. Cô bảo cái ngõ này ngày xưa là lối vào ga ra. Mỗi lần xe ba tui về tui chạy chân trần trên cỏ mát rượi đón ba. Bây giờ coi đi. Ai cho hàng bán bún vào tận đây? Ai cho người bán nước vào ngồi? Các người cho thuê. Các người điên rồi. Cái thứ dân Bắc kỳ tụ bạ như lũ dòi. Đàn ông thì bắc vòi vô tường nhà người ta rồi khạc nhổ như chó hóc xương trước mặt bất cứ ai. Đàn bà thì ngồi xoạc chân mồm liến láu nói xấu người khác. Ra coi đi! Cái cổng vô ga ra giờ thành chợ rồi. Ghét quá đi!
Cô lại đập lại phá. Lại chỉ chỗ này ngày trước ba cô đã dạy mẹ cô nhảy mấy bản mới. Thời đó chỗ này không có bụi. Các người làm gì mà nền nhà tóe cả xi măng? Cái lũ Bắc kỳ vừa đi vừa gặm đất hả?
Không chờ cô nói hết, ba tôi đang là bác sĩ quân y viện bên kia thành phố nói to:
- Cô im ngay! Nghe đây này. Cô có biết dòng họ này từ đâu ra không? Từ vùng núi phía Bắc. Chỗ giáp biên giới Tàu. Các cụ di cư vào phía Nam theo lệnh của triều đình phong kiến. Dần dần mà hình thành một gia đình. Rồi học hành rồi buôn bán mà nên cơ ngơi. Vậy tính ra cô cũng dân Bắc kỳ. Cô đừng chê Bắc kỳ nữa. Chê ông mình, chê bác mình đâu có ra gì? Các người ở lại bên này giới tuyến do thời cuộc không phải vì thế mà cao đạo vô lối. Trẻ con nó bảo là tự cương tự sướng. Tự cho mình là nhất là trên đầu trên cổ anh em họ hàng. Cha tôi kẹt ở Bắc do chiến tranh đâu phải lỗi của ai? Vậy cô đi đi. Cô không ký thì thôi không bán nữa. Chúng tôi sẽ xây cất trên cái nền sân vườn.
- Tui đố các người đụng vào sân vườn đấy. Tui sẽ giết từng nhân mạng. Tui thừa sức. Ghét các người quá!
Cô lại qua Mỹ. Cô Hiền em út cha tôi tiễn cô Điên như mọi lần. Cô Hiền tính vô tư lự. Không biết cô nói gì với cô Điên mà thấy cô thỉnh thoảng cười rúc rích. Điên nó viết thư này có ai xem không?
Chả ai buồn xem. Bà nội tôi “ghét cả tổ chấy nhà nó”, cái thói ăn tươi nuốt sống người khác. Bà ám chỉ ông Trình bố cô Điên là sĩ quan cấp tá trong quân đội quốc gia chống Cộng điên cuồng. Ông có lý do gì đó ra khỏi quân đội từ năm bảy ba nên không bị cải tạo lâu. Bà bảo mấy ông Mỹ giàu bom đạn đã đành. Họ sử dụng mọi thứ vào chiến tranh. Có cả mấy tiểu đoàn chó Bun - tức chó pitbull - dữ tợn thiện chiến. Việt Cộng nấp trong hầm chúng lôi ra hết. Bà bảo ông Trình đã từng chắp tay sau lưng nhìn hai con chó Bun nhai sống một Việt Cộng. Ông Việt Cộng bị chó lôi ra không cần tra khảo, ông Trình muốn xem trình độ xử lý con mồi của lính chó. Ông đứng nhìn con chó xử lý con mồi cùng với mấy ông Mỹ huấn luyện chó. Đứng xem đồng bào mình bị giết tay chắp sau lưng cháu nghĩ thế nào? Vợ ông năm mười tám tuổi Mỹ vô. Mỹ từ tàu lên thấy cả đoàn thiếu nữ áo dài ôm hoa quàng dây hoa lên cổ lính. Trong đám đấy có vợ ông Trình mẹ cô Đin. Bọn con gái ôm hoa đón Mỹ là con cái các nhà giàu các sĩ quan trong thành phố...
Vậy đấy. Cháu thấy cô Đin lên cơn mấy lần rồi. Cháu nghe gì thì nghe nhưng nên hiểu mọi điều. Họ chả ra sao đâu. Họ chỉ biết trách người khác.
Tôi cũng có hiểu. Nhưng tôi thấy mọi chuyện nhẹ không à. Tôi thích tính cô Hiền em út của cha. Cô yêu quý cha tôi hơn mọi người có lẽ do cái chuyện cô nghe người lớn kể. Cha tôi khi ấy mới hơn mười tuổi gặp ông nội đi công tác đúng hôm bom B.52 rải xuống vùng. Thời đó, ông bà nội tôi sống ở khu Bốn ngoài Bắc. Bà nội trở dạ cô Hiền đau lăn lộn trong hầm, xóm giềng xao xác bom cháy khắp nơi không ai đến giúp. Thằng bé mười tuổi là cha tôi đi nhặt cái ấm chụm củi lấy lửa từ đám cháy đun nước rồi vào hầm nghe mẹ chỉ bảo cách đỡ em. Khi cái đầu cô Hiền nhô khỏi người bà, cha tôi đột nhiên hào hứng muốn nhìn mặt em út. Cha tôi hét mẹ rặn đi. Nó ra đây rồi. Thời đó khổ nên đàn bà khá khỏe. Bà tôi rặn vài hơi là được. Cha tôi cắt rốn cho cô Hiền bằng cái cật nứa. Lau chùi cho cô bằng cái áo của bà, đưa cô út cho bà rồi dọn dẹp tấm dát giường lát trong hầm rồi ra góc vườn nơi có đám cháy và chôn cái nhau thai. Chú tôi và hai cô còn bé tý ngồi nép trong góc hầm nhìn anh cả đỡ đẻ cho mẹ. Sợ lắm mà không ai dám ho he. Sợ hơn cả bom Mỹ đang ầm ầm ngoài kia. Mãi sau này khi lớn lên một lần nhớ tới chuyện đó cha tôi khóc òa. Năm bảy nhăm cha tôi thay mặt cả nhà vào Sài Gòn gặp ông Tự. Ngày trước, ông là kỹ sư phục vụ trong quân đội Sài Gòn. Ông ôm cha tôi bảo con trai anh cả đây rồi! Những ngày đầu tiên đó chưa có sự phân loại. Chưa có trừng phạt. Chỉ có hân hoan vui mừng gặp nhau. Ông Tự nhìn tay cha tôi bảo đi học bác sĩ đi cháu. Ước mong của cả nhà từ xưa mà chưa ai theo được.
Sau đó vài năm, cha tôi nhập ngũ đánh nhau ở biên giới rồi về học trường Y quân đội.
Cô Hiền quý cha tôi từ vụ ra đời đêm bom B.52 ngoài Bắc đó. Giờ cô làm việc trong cơ quan chính trị lớn của thành phố. Tiền bạc ở đó có vẻ đàng hoàng lắm. Tôi thấy năm nào cô cũng xách va li đi mà không phải chi tiền túi. Cô đến hồ Bai Can. Đến cả mũi Hảo Vọng. Cô còn nuôi ý định tới Nam Cực vào mùa chim cánh cụt thiên đường tụ hội sinh nở nuôi con. Cô hưởng thoải mái mọi thứ nhưng ngồi với cả nhà là cô chửi. Cô chửi giống cô Điên. Cô bảo con Điên nói không sai. “Mấy người” gây chiến hung hăng. Ai nó làm gì mà kéo quân đi hết vô Nam. Không có “mấy người” thì đất nước này yên từ lâu. Làm gì có cảnh như nhà mình?... Bà tôi thở dài nhìn cô. Cha tôi thở dài nhìn cô. Cha tôi bảo tao mà ghét “cái tổ chấy” tao đang nấp thì tao bò ra khỏi, tao không ăn nhờ ở đậu như mày. Ăn cứ ăn chửi cứ chửi. Mày ăn ngon mặc đẹp đi chơi khắp nơi bằng tiền của “mấy người” bản thân mày cũng ở trong chỗ “mấy người” mà mày tức tối cái nỗi gì? Ra khỏi đó đi chửi cho đỡ ngượng.
Cô Hiền cười cười, anh Hai ơi việc gì em phải bỏ đi khi có bao nhiêu người nghe ngóng có vụ gì là lao vào kiếm chút anh ơi. Mà người ta chửi hay hơn em kìa... Cô bá cổ bà nội, bá cổ cha tôi xem chuyện như đùa. Cô lấy xe máy lao đi, về chở thằng Cún đứa con muộn của cô đi học trường của mấy ông Pháp nghe nói đắt cháy cổ. Chồng cô cũng làm ở cơ quan đó nên hai người đàng hoàng không phải làm thêm ở đâu mà mua được hai cái nhà... Đến cái chuyện cô Hiền thì tôi chịu. Tôi chả hiểu cái này. Đầu hàng.
Cô Điên không thông báo ngày giờ chính xác nên không ai đi đón cô. Tôi thực tình có háo hức cái vụ được xem cô chửi rủa đập phá như năm ngoái, còn không mong cô ký cót gì cả. Ở nhà cổ thế này vẫn thích hơn. Cô Điên những lúc la hét đó trông như hòn than. Mặt đỏ rực. Tay chân run lẩy bẩy. Cô không diễn. Cô thật. Thành ra xem rất khoái.
Tôi đi học về tới cổng nơi dân Bắc kỳ - nói kiểu cô Điên - thuê bán hàng lặt vặt thì thấy một thằng mặc soóc đen đứng ở sân hai tay đút túi. Nó mặc y chang mấy thằng bạn tôi nhưng có đôi giày nhìn biết ngay hàng “đặc chủng”. Tôi hét Tommy về rồi hả? Thằng Tommy viết cho tôi thường xuyên. Chúng tôi thường nói chuyện mấy đội bóng. Nhờ viết cho tôi mà Tommy cũng mê bóng đá. Rồi chuyện mấy bộ phim. Tôi bảo với Tommy dân Mỹ sướng thật toàn ham phim giải trí. Nhân vật phim không có mấy người bình thường. Toàn là người ngoài hành tinh, là ma cà rồng, là xác sống, là ma cây, là người dơi người nhện... Tommy bảo vui lắm. Nó hay đi rạp coi mấy phim đó. Bây giờ nó đứng kia. Giơ tay bắt tay nhau nó cũng ngượng tôi cũng ngượng. Hóa ra tiếng Việt của nó cũng nghe được. Vào nhà đi! OK. Chúng tôi hầu như bá vai nhau.
Trong phòng của bà nội tôi thấy cô Điên. Cô gật đầu bảo có một năm mà đứa nào cũng cao thêm. Tôi thấy cô không có vẻ muốn đập phá la hét. Thấy cô buồn buồn hơn năm ngoái. Thấy tóc cô bạc hơn năm ngoái. Tôi hỏi cô ở nhà được nhiều không cô? Cho Tommy đi chơi với cháu! Cô bảo Tommy cũng phải đi học. Để đến hè về lâu hơn... Trong phòng có cha mẹ tôi. Có vợ chồng cô Hiền. Có vài người nữa. Bà tôi nói to:
- Thôi vậy là xong một việc mà ai cũng mong. Ngày mai công ty mua nhà sẽ đến giao dịch.
Tôi hỏi nhỏ cha tôi:
- Cô Điên ký hả ba?
- Ừ. Cô ký rồi.
Vậy là không có màn la hét.
Chắc vẫn có. Nhưng lần này kiểu khác. Cô ly hôn với ông Mỹ rồi nên cô không còn mấy hứng thú lôi chuyện cũ ra mà rỉa róc. Rỉa róc mãi được à? Hết hơi rồi.
Tôi chở Tommy qua bên cầu. Gọi mấy thằng bạn. Cả bọn ngồi ở quán cà phê bên sông. Tommy thích chè bắp phải gọi sang quán chè mang cho nó hai lượt. Tommy kể cái phim bom tấn nó mới xem chưa kịp sang Việt Nam bảo vui lắm. Phim này có một dàn sao hành động đóng chung coi rất đã. Có một phim cũng buồn cười. Một xác sống đẹp trai yêu một cô còn sống. Rồi xác có cơ trở lại làm người. Vui ghê... Mấy thằng bạn tôi nói chuyện bóng đá. Chúng tôi vạch kế hoạch đi chơi về phía biển. Tommy bảo về Việt Nam vui ghê. Tôi thích Tommy nói “về Việt Nam”. Không như cô Điên. Cô nói “đi Việt Nam”. Xa lạ như cô không sinh ở đây.
Tôi nghĩ ở nhà thế nào cũng có đập phá. Ký vô hồ sơ rồi nhưng thể nào cô Điên cũng tiếc. Tiếc quá cô không thể diễn vai người thượng lưu như cô vẫn tự nhận. Cô Hiền nhìn cô Điên cười vì cô cũng hay a dua với cô Điên dù cô được tài trợ đi chơi khắp thế giới. Cha tôi lúc nào cũng bình tĩnh. Cha tôi thường bảo cô Điên cao ngạo vô lối. Tiền của Mỹ đổ cho chiến tranh ngập đầu, đồ vô nhà cô cả đống vì ba cô là sĩ quan. Có phải ai cũng sống sướng hơn Mỹ như nhà cô... Nói vậy nhưng cha tôi thương cô thực tình.
Mặc kệ chuyện người lớn. Tôi và Tommy ngồi giữa lũ bạn. Chúng tôi nhìn sông êm đềm. Nhìn thành phố nhà cao xe nhiều. Nhìn mấy cô gái đẹp trên bờ sông chụp ảnh cho nhau. Chúng tôi đều mười tám tuổi. Tôi nhìn Tommy thấy nó rất đẹp trai, trên mạng gọi là đẹp choai. Nó là con ông Mỹ nhưng dòng máu Việt chảy mạnh hơn. Nó giống cô Điên. Thậm chí hơi giống ba tôi. Anh em họ Mạc mà.