Cổ tích Việt lên phim không hiếm nhưng cũng không nhiều. Ở cả mảng hoạt hình (2D và 3D) cho đến mảng truyền hình, điện ảnh đều có những tác phẩm chuyển thể truyện cổ tích phổ biến như Tấm Cám, Sọ Dừa, Thánh Gióng, Sự tích Mai An Tiêm (hay Sự tích dưa hấu), Thạch Sanh. Từ những năm 1990, Hãng Phương Nam Phim đã cố gắng xây dựng những tác phẩm chuyển thể truyện cổ tích Việt. Nhưng 3 thập kỷ sau đó, dòng phim chuyển thể cổ tích của điện ảnh Việt Nam nói chung vẫn thiếu các tác phẩm hấp dẫn. Cổ tích Việt lên phim một cách hấp dẫn và tự hào vẫn chỉ là… giấc mơ?
Thuý Diễm vào vai dì ghẻ trong phim điện ảnh Con Cám dự kiến ra mắt tháng 10/2024. |
Từ những tác phẩm minh hoạ hời hợt
Nếu truy cập vào YouTube, công chúng sẽ thấy thượng vàng hạ cám những tác phẩm hoạt hình “chuyển thể” các tác phẩm cổ tích của Việt Nam. Đặc điểm chung của những tác phẩm này là minh hoạ lại truyện; tức là sử dụng hình ảnh để kể lại câu chuyện có sẵn thay vì tạo ra một tác phẩm độc lập, có điểm nhìn và sự độc đáo trong ngôn ngữ điện ảnh.
Dù thu hút một lượng lớn lượt xem nhưng những tác phẩm “minh hoạ” này gần như không chứa nhiều “chất” điện ảnh hay giá trị sáng tạo nghệ thuật. Từ thiết kế mỹ thuật thô sơ đến cách diễn hoạt nhàm chán đã khiến những tác phẩm này xưa như… cổ tích. Những Tấm Cám, Sọ Dừa, Cá chép hoá rồng thành công trong việc thu hút từ hàng chục nghìn đến hàng triệu lượt xem nhưng thất bại về mặt sáng tạo. Vì thế rất khó để gọi những tác phẩm này là phim điện ảnh, dù được “nhào nặn” dưới bàn tay của các đạo diễn chuyên nghiệp, phát sóng trên các đài truyền hình lớn.
Những tác phẩm hoạt hình chuyển thể từ cổ tích có vẻ thoát ra khỏi lối minh hoạ đơn điệu thì lại gặp phải những vấn đề khác đáng suy ngẫm hơn. Các bộ phim hoạt hình Thánh Gióng hay Cá chép hoá rồng dưới định dạng 3D (Đài Truyền hình Vĩnh Long) cho thấy một sự nghèo nàn trong nhiều mặt, cả kịch bản lẫn yếu tố thẩm mỹ. Những tác phẩm này cũng chưa thể hiện được những nghiên cứu sâu về mặt văn hoá, lịch sử khiến cho thiết kế mỹ thuật vừa đơn điệu và thiếu sáng tạo.
Hay như dự án Immortal Spirit (Thánh Gióng) đến từ 2 chàng trai trẻ Đặng Hải Hà và Hoàng Tích Quang cách đây 10 năm tuy đẹp mắt và mang dấu ấn cá nhân về cả mỹ thuật và kỹ thuật đồ họa song “thất bại” về mặt văn hoá. Thậm chí, nhiều khán giả dù khen ngợi về mặt hình ảnh của dự án nhưng phải thừa nhận, họ không thể nhận ra đó là một câu chuyện cổ tích với yếu tố văn hoá, con người Việt Nam.
Đến những bộ phim “rối như canh hẹ”
Khi Con Cám, bộ phim điện ảnh thuộc thể loại kinh dị của bộ đôi nhà sản xuất Hoàng Quân và đạo diễn Nguyễn Hữu Tấn công bố những hình ảnh đầu tiên, khán giả đã tỏ ra dè dặt. Phản ứng của công chúng là không quá khó hiểu bởi thông tin về phim còn quá ít ỏi, ngoài hình ảnh mẹ kế do Thuý Diễm đóng và phim thuộc thể loại kinh dị. Bên cạnh đó, nhìn lại nhiều tác phẩm chuyển thể hoặc lấy cảm hứng từ cổ tích Việt Nam, khán giả chưa có cơ sở để “đặt cửa” cho tác phẩm Con Cám dự kiến sẽ ra mắt vào tháng 10/2024.
Đây không phải là lần đầu tiên cổ tích Tấm Cám được chuyển thể lên màn ảnh rộng. Khán giả từng hào hứng rồi thất vọng khi Tấm Cám: Chuyện chưa kể (2016), tác phẩm đầu tiên do Ngô Thanh Vân ngồi ghế đạo diễn ra mắt. Tấm Cám: Chuyện chưa kể có lối làm phim cường điệu giống Hollywood, thêm thắt nhiều yếu tố để kịch bản trở nên lạ lẫm, cuốn hút. Dàn diễn viên khá tròn vai, chất lượng hình ảnh ở mức tốt nhưng chính việc thêm thắt nhiều một cách quá đà và vô lý khiến cho kịch bản phim trở nên thiếu logic.
Những tác phẩm chuyển thể từ cổ tích lên màn ảnh rộng (người đóng) vẫn tỏ ra yếu ở cả khâu kịch bản lẫn thiết kế mỹ thuật, kỹ xảo. Bộ phim Cuộc chiến với chằn tinh (tên khác của bộ phim Thạch Sanh được chuyển thể từ cổ tích cùng tên) của cố đạo diễn Đỗ Quang Hải Âu cũng phải chịu cảnh thất bại cách đây khoảng 10 năm. Dù được đầu tư hơn 10 tỷ đồng, chú ý yếu tố kỹ xảo với việc áp dụng công nghệ Hollywood những phim vẫn không được lòng khán giả.
Không thể phủ nhận rằng, truyện cổ tích Việt Nam là chất liệu quý giá và phong phú để chuyển thể lên màn ảnh rộng. Tuy nhiên, nguồn chất liệu này vẫn chưa được khai thác một cách hiệu quả để tạo ra những tác phẩm đạt được phẩm chất điện ảnh, tức là có giá trị ở cả mặt nghệ thuật. Trong khi đó, nhà làm phim còn phải lo đầu ra của tác phẩm cũng như vấn đề doanh thu thương mại của nó. Việc chuyển thể cố tích Việt lên màn ảnh rộng vẫn còn quá ít, và đa phần thất bại nên rất khó để so sánh và rút ra “công thức” làm phim, so với các thị trường điện ảnh rộng lớn như Hollywood chẳng hạn.
Cái khó của chuyển thể cổ tích lên phim
Các nhà làm phim luôn hướng đến việc “làm mới” để phát triển câu chuyện, tạo nên kịch bản hấp dẫn. Tuy nhiên, việc phải hư cấu và thêm thắt nhiều tình tiết mới lạ lại không đạt được ý đồ và hiệu quả như nhà làm phim mong muốn. Vấn đề ở đây không phải sự vô lý đến từ các tiểu tiết như hoàng tử (trong Tấm Cám: Chuyện chưa kể) hoá quái vật hay chàng Thạch Sanh trong Cuộc chiến với chằn tinh sinh ra từ tảng đá mà nó đến từ kịch bản đầy rối rắm, thiếu logic.
Phải nói thêm rằng, việc thay đổi nội dung tác phẩm gốc (truyện cổ tích) hay thêm thắt các yếu tố khác biệt, “khoác áo mới” cho nhân vật cổ tích không phải là hướng đi mới. Các nhà làm phim Hollywood đã làm điều này trong nhiều năm; có những tác phẩm thành công nhưng cũng có không ít tác phẩm thất bại. Bạch Tuyết có khả năng chiến đấu như dũng sĩ, hay nàng tiên cá có nước da đen... đều đặt ra những câu hỏi khác nhau về mặt văn hoá, chiếm dụng văn hóa.
Bên cạnh yếu tố nội dung (kịch bản), các yếu tố khác về mặt sáng tạo, thẩm mỹ cũng còn khá nhiều vấn đề. Nhiều khán giả “chê” phim chuyển thể cổ tích Việt Nam một phần từ kỹ xảo, đồ hoạ vụng về. Không chỉ với phim hoạt hình mà các bộ phim người đóng cũng cho thấy yếu tố “giả” về mặt hình ảnh, cho thấy công nghệ điện ảnh được áp dụng vào sản xuất phim vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của công chúng. Đặc biệt là khi, khán giả ngày nay đều đã quen thuộc với những tác phẩm quốc tế vốn luôn chắc tay về mặt hình ảnh và mỹ thuật.
So với những trào lưu phim làm lại (remake) từ điện ảnh quốc tế như Em là bà ngoại của anh, Tiệc trăng máu hay dòng phim chuyển thể từ văn học hiện đại như Hoa vàng trên cỏ xanh, Mắt biếc…, dòng phim chuyển thể từ cổ tích gặp nhiều khó khăn ở về nhiều mặt. Điều này không chỉ đến từ việc phục dựng bối cảnh mà còn đến từ việc nghiên cứu sâu sắc và nghiêm túc về văn hoá, yếu tố lịch sử. Nói một cách khác, để chuyển thể một truyện cổ tích lên phim khó khăn hơn rất nhiều so với nhiều dòng phim khác. Vì thế, nếu nhà làm phim không xác định rõ ràng sẽ thất bại trong chính “canh bạc” đầu tư vào dòng phim chuyển thể từ truyện cổ tích.
Nhã Linh | Báo Văn nghệ
*Tên bài viết do Vannghe.vn đặt
-----------
Bài viết cùng chuyên mục: