Diễn đàn lý luận

Thơ về người lính - lay động, truyền cảm hứng

Thanh Tú
Lý luận phê bình
10:09 | 22/12/2024
Baovannghe.vn - “Cây thơ” bắt rễ từ mảnh đất văn hóa kháng chiến, quang hợp ánh sáng của Đảng, Bác Hồ, lý tưởng cách mạng kết thành hình tượng người lính Cụ Hồ.
aa

Lịch sử thế kỷ 20 của đất nước ta là lịch sử của chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và chiến thắng những kẻ xâm lược hung hãn nhất, theo lẽ tự nhiên, thơ viết nhiều về hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ. Những “cây thơ” bắt sâu rễ vào mảnh đất văn hóa kháng chiến, vươn cao lá cành quang hợp ánh sáng tư tưởng của Đảng, Bác Hồ và lý tưởng cách mạng đã kết những “trái cây” thi phẩm mang hương vị đặc biệt về hình tượng đẹp nhất-người lính Cụ Hồ.

Thơ về người lính - lay động, truyền cảm hứng

1. Bài thơ “Nhớ” của Hồng Nguyên đã kiến tạo một mô hình nghệ thuật với 3 yếu tố cơ bản: Hoàn cảnh thời đại, tâm thức thời đại, con người thời đại. Mô hình này thẩm thấu, ẩn hiện trong mọi cấp độ kết cấu, thi tứ, hình ảnh, ngôn từ... Như trong đoạn này: Lũ chúng tôi/ Bọn người tứ xứ/ Gặp nhau hồi chưa biết chữ/ Quen nhau từ buổi “một hai”/ Súng bắn chưa quen/ Quân sự mươi bài/ Lòng vẫn cười vui kháng chiến/ Lột sắt đường tàu/ Rèn thêm dao/ kiếm/ Áo vải chân không/ Đi lùng giặc đánh.

Không cần ghi năm sáng tác, người đọc vẫn biết được thời điểm ra đời bài thơ bởi những hình ảnh đặc sắc, độc đáo đã in dấu vào lịch sử. Chỉ ở những năm 1947, 1948 gắn liền với khẩu hiệu “Tiêu thổ kháng chiến” mới có câu thơ rất thật "Lột sắt đường tàu", cho biết nhiệm vụ vừa ngăn địch vừa rèn vũ khí. Câu “Lòng vẫn cười vui kháng chiến” có ý nghĩa như cái bản lề khép lại không gian tâm tình (giới thiệu tiểu sử, hoàn cảnh), mở ra không gian hành động (hoạt động kháng chiến). Đó cũng chính là tâm thức thời đại: Kháng chiến vui đến vô cùng. Vui ở trong lòng, hẳn nhiên vui cả ở bên ngoài. Dù mới mẻ, ngỡ ngàng (Súng bắn chưa quen), dù thiếu thốn (Áo vải chân không)... nhưng người lính-biểu trưng của con người thời đại vẫn tràn trề lý tưởng, đầy tinh thần chủ động (Đi lùng giặc đánh)... Giọt nước biển khác hẳn vạn khối nước sông bởi vị mặn mòi. Nhưng để có vị mặn, giọt nước ấy phải nằm trong biển cả. Thơ hay phải chiết ra từ giữa biển đời. Những câu thơ trong “Nhớ" là như vậy.

2. Thơ gần với họa. Họa tả cảnh bằng hình nét, màu sắc. Thơ vẽ cảnh bằng bố cục, ngôn ngữ. “Đồng chí” của Chính Hữu (sáng tác tháng 2-1948) là một bức họa bằng thơ: Áo anh rách vai/ Quần tôi có vài mảnh vá/ Miệng cười buốt giá/ hân không giày/ Thương nhau tay nắm lấy bàn tay/ Đêm nay rừng hoang sương muối/ Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới/ Đầu súng trăng treo.

3 câu đầu vẽ cận cảnh, cụ thể. 3 câu cuối vừa cận cảnh, cụ thể vừa viễn cảnh, trừu tượng. Câu giữa “Thương nhau tay nắm lấy bàn tay” vẽ bằng tâm trạng, tấm lòng, vừa hữu hình, nhìn thấy vừa vô hình, sâu lắng bên trong. Chỉ có hội họa mới kéo trăng từ trên trời cao treo vào đầu súng. Nhưng chỉ có ngôn ngữ thơ mới nói được cái tình đồng chí ấm áp cùng nhiệm vụ đánh giặc (Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới). Con chim biểu tượng (Đầu súng trăng treo) được nâng bởi đôi cánh thơ và họa, bay vào bầu trời văn hóa hòa bình, để lại một đường bay cả thế giới ngạc nhiên, chiêm ngưỡng!

3. Thơ là sự kiến tạo những mô hình mới về đời sống, thống nhất chứ không đồng nhất với đời sống. Quang Dũng trong “Tây Tiến” đã kiến tạo xuất sắc một mô hình mới lạ: Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc/ Quân xanh màu lá dữ oai hùm/ Mắt trừng gửi mộng qua biên giới/ Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm.

Thực chất, nhà thơ là nhà văn hóa xác lập mã ngôn từ để thời gian bóc đi những lớp vỏ. Bóc mãi mà chưa thấy lõi thì đó là thơ truyền đời. Có thể chưa được như vậy nhưng hình tượng người lính Tây Tiến đầy sức sống bởi tính đa nghĩa. “Không mọc tóc” có thể là tự cạo trọc, cũng có thể là bị sốt rét. “Xanh màu lá” là trang phục, cũng có thể là sốt rét đến xanh xao. Cơ bản hơn, tính đa nghĩa gợi ra bối cảnh, giọng điệu vừa sử thi, cổ kính (đoàn binh, dữ oai hùm, mắt trừng), gợi về hình ảnh những tráng sĩ lẫm liệt lên đường vừa mới mẻ, trần thế (Hà Nội dáng kiều thơm). Được xây dựng bởi chất đời thực gân guốc hôm nay, thêm sự bao bọc lớp sương khói lãng mạn, lại được soi chiếu bởi ánh hồi quang văn hóa của ngàn xưa, hình tượng vừa hư vừa thực này bước vào ngôi đền thơ cách mạng chiếm một vị trí vẻ vang xứng đáng.

4. Với tư cách nhà thơ, nhà văn hóa, thấu hiểu vị trí đặc biệt, vai trò lớn lao của người lính trong sự nghiệp giải phóng đất nước, Tố Hữu làm thơ về họ luôn trong xu hướng nâng hình tượng ngang tầm vũ trụ: Rất đẹp hình anh lúc nắng chiều/ Bóng dài trên/lên đỉnh dốc cheo leo/ Núi không đè nổi vai vươn tới/ Lá ngụy trang reo với gió đèo ("Lên Tây Bắc", 1948). Trong không gian buổi chiều Tây Bắc có hai hình ảnh in hình bóng vào nhau: Người lính và núi non, đèo dốc. Đang hành quân vượt núi nên anh lính trong tư thế “đỉnh cao” (đỉnh dốc), vươn cao (vươn tới) để hòa nhập vào vũ trụ (reo với gió đèo). Ở dưới nhìn lên có cảm giác anh vừa nhập vào núi non, thân thương vừa vượt lên núi non, kỳ vĩ. Hình tượng “rất đẹp” cả về nghĩa thực cả về nghĩa bóng: Người lính vượt qua mọi khó khăn để vươn tới lý tưởng chiến thắng. Vần “eo” vừa gợi ra cái hiểm trở (cheo leo) vừa như mở ra một không gian mới, tầm nhìn mới (reo, đèo) khi đã vượt qua cái “cheo leo” của chòm núi.

Cảm hứng về đối tượng miêu tả mang tầm vũ trụ đã tạo ra những câu thơ vang vọng âm hưởng sử thi, đậm tính huyền thoại: Quân đi điệp điệp trùng trùng/ Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan/ Dân công đỏ đuốc từng đoàn/ Bước chân nát đá, muôn tàn lửa bay ("Việt Bắc", 1954). Những câu thơ đi vào lịch sử-văn hóa để trở thành tài sản tinh thần nuôi dưỡng tâm hồn con người Việt Nam tự hào về đất nước mà phấn đấu vươn lên. Cả dân tộc đứng lên đánh đuổi giặc Mỹ. Khó khăn, hy sinh nhiều hơn. Hình tượng người lính cũng được nâng tầm, không còn sánh ngang mà vượt lên trên vũ trụ: Anh đi xuôi ngược tung hoành/ Bước dài như gió, lay thành chuyển non/ Mái chèo một chiếc tthuyền/xuồng con/ Mà sông nước dậy sóng cồn đại dương ("Tiếng hát sang xuân", 1965).

Thơ hay không chỉ là tiếng lòng mà còn là tiếng thời đại. Tố Hữu có những dòng thơ mang tinh thần thời đại: Nếu được làm hạt giống để mùa sau/ Nếu lịch sử chọn ta làm điểm tựa/ Vui gì hơn làm người lính đi đầu/ Trong đêm tối tim ta làm ngọn lửa ("Chào xuân 67", 1967). Thời đại tin tưởng trao cho người lính nhiệm vụ "làm điểm tựa" lịch sử, tin tưởng trao cho họ sứ mệnh soi đường (làm ngọn lửa). Lối so sánh ngầm (với anh hùng Danko trong văn học Nga móc trái tim mình làm ánh sáng soi cho đoàn người vượt qua rừng rậm, đi về miền hạnh phúc) đã nâng hình tượng người lính mang tầm vóc đất nước-một đất nước biểu trưng cho tinh thần đoàn kết, cho tình yêu tự do, cho chân lý hòa bình quý hơn tất cả!

5. Phạm Tiến Duật được ví là “con chim lửa của Trường Sơn” vì tiếng thơ ấy nói hay, nói đúng, tinh nghịch mà tinh tế, hào sảng về người lính cũng là nói về vị thế hiên ngang của cả dân tộc. Đọc thơ ông mà như đã nhìn thấy chiến thắng vì đầy ắp niềm tin. Nói về chuyện “đi trong rừng” cứ như là đi trong niềm vui tự do: Anh đi trong rừng, lá vỗ trên cao/ Gió bốn bề cây; cây ngả nghiêng chào/ Lay bóng đậm gió thổi vào đốm nắng/ Cây cúc đắng quên lòng mình đang đắng/ Trổ hoa vàng dọc suối để ong bay/ Cây bồng bềnh cười vui suốt ngày... ("Đi trong rừng").

Thế giới từng ngạc nhiên: Đây là thơ của người lính Trường Sơn giữa thời điểm ác liệt nhất. Bởi họ chưa hiểu đó là tiếng thơ của sự sống thách thức bom đạn, vượt lên chiến tranh để hòa mình vào cây xanh vô tư, hòa mình vào thiên nhiên tự tại. Thế nên trong bài thơ, cây cũng như con người, biết vỗ tay (vỗ), biết chào, biết nghịch ngợm (lay bóng đậm...), biết cười vui... Cây cúc đắng quên lòng mình đang đắng/ Trổ hoa vàng dọc suối để ong bay là một trong những câu thơ hay nhất của thơ Việt Nam hiện đại. Chỉ 16 chữ nhưng tả được đặc trưng đối tượng (đắng), vẽ ra cả một không gian màu sắc, hình ảnh, hoạt động, làm bật ra phẩm chất vị tha quên mình vì cái đẹp chung. Cây hoa hay là hình tượng người lính xả thân vì cái đẹp hòa bình? Cũng sẽ đi vào sách lý luận nghệ thuật như một triết lý quan niệm về chủ thể: Người nghệ sĩ phải quên mình, làm mới mình để sáng tạo cái đẹp.

Còn rất nhiều thi phẩm, vần thơ hay về người lính khó có thể kể hết trong phạm vi một bài báo. Chỉ điểm qua vài ba gương mặt, nhắc lại dăm bảy đoạn thơ đã nằm lòng trong ký ức bao thế hệ người Việt để thêm một lần cảm ơn các thi sĩ đã cống hiến, sáng tạo nổi bật về hình tượng người lính trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc. Đó là những tiếng thơ của lòng người, của thời đại còn vang vọng mãi đến hôm nay và mai sau.

Nguồn QĐND

Buổi sáng thần tiên. Truyện ngắn của Nguyễn Thành Long

Buổi sáng thần tiên. Truyện ngắn của Nguyễn Thành Long

Baovannghe.vn - Trong gian nhà nhỏ của Bé, buổi tối thật là vui. Bốn “bố con” (hai tiếng ấy của Bố thân mật bao gồm cả Mẹ) nằm lăn ra dưới sàn gỗ mà đùa.
Tanhia. Truyện ngắn của Nguyễn Thiên Việt

Tanhia. Truyện ngắn của Nguyễn Thiên Việt

Baovannghe.vn - Hằng đêm, Tân mơ thấy mình trẻ về Kiev, lang thang trong khu nhà xưa, gõ cửa từng căn phòng thân quen, rồi dừng lại trước phòng em, Tanhia.
Cú sốc. Truyện ngắn của Bích Ngân

Cú sốc. Truyện ngắn của Bích Ngân

Baovannghe.vn - My chìm vào giấc ngủ. Mái tóc phủ kín chiếc gối ôm lấy gương mặt ngời ngợi hạnh phúc. Gương mặt My bình yên theo nhịp thở, trôi nổi phiêu bồng
Ngọn gió xuân - Thơ Nguyễn Ngọc Hạnh

Ngọn gió xuân - Thơ Nguyễn Ngọc Hạnh

Baovannghe.vn- Làm sao cầm được ngọn gió xuân tràn về/ Để nghe hơi ấm đầy sớm mai chớm lạnh
Hội thảo khoa học "Tổng trấn Nguyễn Văn Thành (1758-1817) với Thăng Long - Hà Nội"

Hội thảo khoa học "Tổng trấn Nguyễn Văn Thành (1758-1817) với Thăng Long - Hà Nội"

Baovannghe.vn - Hướng tới kỷ niệm 220 năm xây dựng công trình Khuê Văn Các - biểu tượng của Thủ đô Hà Nội (1805-2025), sáng 19/12/2024, Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã tổ chức hội thảo khoa học về Tổng trấn Nguyễn Văn Thành (1758-1817), một danh nhân văn hóa đã để lại dấu ấn đặc biệt trên mảnh đất Thủ đô.