Sáng tác

Thư viện người. Truyện ngắn dự thi của Lê Văn Thân

Lê Văn Thân
Truyện
06:00 | 12/11/2024
Baovannghe.vn - Xa rồi mất hút. Lên thành phố, ông dùng nước máy không quen, người thấy ngứa ngáy khó chịu dù đã kì cọ sạch sẽ. Ông ước được về lại dòng sông,
aa

Chiều chạng vạng, thành phố sáng đèn. Những bước chân rệu rã cố lấn khuất vào đám đông, có gương mặt ủ rũ như bức tường xám phủ rêu của một ngôi nhà bỏ hoang. Ngày tắt nắng. Đâu là ánh sáng đèn đường, đâu là ánh sáng ngày tàn đôi khi người ta chẳng phân biệt nổi. Ai cũng vội vã, giấu sự mệt mỏi trên gương mặt vào những khoảng tối ánh đèn không chạm tới. Họ cố chen chúc để về thật nhanh ngôi nhà của mình.

Thư viện người.  Truyện ngắn dự thi của Lê Văn Thân
Minh họa Đỗ Dũng

Có tiếng bát đũa va vào nhau loảng xoảng.

- Hoàng, coi mua cho bố chiếc xe đạp.

Chỉ vì yêu cầu đó của ông Cấn mà bữa cơm trở nên ảm đạm. Loan - vợ Hoàng ngồi bên cạnh, đặt chén cơm xuống bàn. Âm thanh của sự va chạm tuy không lớn nhưng đủ làm cuộc nói chuyện trở nên đứt quãng.

- Bố cứ ngồi yên một chỗ cho tụi con nhờ - Vợ Hoàng vừa xoay xoay chén cơm trên bàn vừa nói.

- Vợ con nói đúng đấy bố ạ. Người già xương cốt chả biết thế nào mà lần, bố cần đi đâu cứ nói tụi con chở - Hoàng nói thêm vào.

Sau câu nói đó, ông Cấn ậm ừ cố nuốt nốt miếng cơm nhai dở trong miệng rồi đứng dậy đi ra phía ban công.

- Dạo này em thấy bố cứ lú lẫn thế nào anh ạ. Sáng ra bố còn để lẫn áo quần của bố vào của em. Bố bị vẩy nến, em không chịu được - Loan phàn nàn.

- Bố mới lên chắc chưa quen lối sinh hoạt ở đây.

Hoàng nói xong rồi lùa nốt chén cơm vào miệng. Bữa cơm tối xoay đi xoay lại cũng chỉ là những câu chuyện như thế rồi kết thúc. Tẻ nhạt và đơn điệu.

Lúc tắt đèn chuẩn bị đi ngủ, Loan nhắc lại chuyện cũ.

- Dạo này em thấy bố cứ lú lẫn thế nào anh ạ? Trở chứng lại đòi mua xe đạp, hay là bố hồi xuân nhắm được bà lão nào rồi.

- Em đừng có nói linh tinh - Hoàng cáu.

Loan lẩm bẩm tiếp vài câu gì sau đó rồi chìm vào giấc ngủ sau một ngày làm việc mệt mỏi.

Phía bên kia, ông Cấn không ngủ được. Có lẽ về già, người ta càng ngủ ít đi như thể sợ thời gian tựa con ngựa đứt cương chạy qua cuộc đời. Con ngựa băng qua cánh đồng hoa rực rỡ, tới thảo nguyên bao la nhưng cuối cùng lại chết trong một vũng lầy hiu quạnh. Những cánh rừng đã biến mất trong mắt nó. Những cánh rừng trong kí ức cũng mờ nhạt, không đủ lưu dấu thành vệt.

“Hoàng này, bố từng thấy một lũ ngựa già rồi chết trong sở thú, người quản lí là một ông lão. Chả ai quan tâm tới cái chết của những chú ngựa, cũng như chả ai thấy nước mắt người quản lí già rỉ ra nơi hốc mắt. Tất cả đều đơn độc khi về già”.

Ông từng nói với Hoàng như thế khi cậu lúi húi với đề án quản lí di sản. Công việc cả ngày ở viện bảo tàng đã làm anh thấm mệt. Và tất nhiên, anh không muốn nghe thêm một điều gì. Tiếp sau đó là những lời cáu bẳn của anh.

“Bố đừng nói những câu thừa thãi như một đứa trẻ vậy chứ, sinh lão bệnh tử là chuyện thường. Và lại, những vị khách họ tới công viên để tìm niềm vui, chẳng ai để ý tới những thứ lụ khụ như trong viện bảo tàng”.

Hoàng tỏ ra khó chịu. Anh đóng rụp máy tính rồi vươn vai đứng dậy. Những câu nói của bố chẳng làm anh bận tâm. Ừ thì ông biết, sinh lão bệnh tử là chuyện thường. Ông không biết mình có bị lú thật không. Nhưng ông còn suy nghĩ tức là ông đang tồn tại. Ông không phải là cái bóng trong ngôi nhà.

Ông Cấn trở dậy pha ấm trà thật chát. Bàn tay nhăn nheo của ông vò nát nắm trà rồi đưa lên mũi hít hà. Cái mùi trà làm ông nhớ về một vùng quê mà ông gắn bó gần cả đời người. Những vạt chè xanh mướt ôm trọn con sông Ngàn chảy qua làng. Dòng sông nuôi ông lớn. Khúc sông là khúc ruột. Ông nhớ tới nỗi khi nhắm mắt lại, chỉ cần ngửi mùi cây dại bên vệ đường là ông đoán chắc được đấy là khúc sông nào. Đoạn sông nào có con chim cuốc kêu lên thảng thốt đêm đêm, chỗ nào có con bìm bịp kêu khan cả chiều. Trong giấc mơ, ông thấy mình như con nghé ọ đi tìm bầu sữa mẹ. Xa dần, xa dần rồi mất hút. Lên thành phố, ông dùng nước máy không quen, người lúc nào cũng thấy ngứa ngáy khó chịu dù đã kì cọ sạch sẽ. Ông ước được về lại dòng sông, cởi trần nhảy tủm xuống sông tắm cho thỏa thích. Cuộc sống thị thành làm ông ngột ngạt quá. Nhiều lúc, từng mảnh kí ức như những con thú giãy giụa, chồm lên ngực làm ông khó thở. Ông há miệng cố hớp hớp thứ không khí khói bụi nơi thành phố như chú cá quẫy ao bèo đêm trăng. Không lẽ ông lại bảo với thằng Hoàng, cái Loan: “Loan này, bố khó thở quá”. Ông sợ cô con dâu căn vặn, bố lại vẽ chuyện, rồi người già thật khó tính và phiền phức. Tiếp sau đó là câu đùa của Hoàng nhưng làm ông suy nghĩ mãi: “Ngôi nhà có người già chẳng khác nào một viện bảo tàng”. Nghĩ đến đó ông lại sợ, thôi thì cứ im lặng cho cơm lành canh ngọt.

- Có lẽ tui phải trở về - Ông cầm điện thoại gọi cho người bạn già ở quê, giọng ông run run như mếu.

- Này ông bạn thị thành, trẻ cậy cha già cậy con. Cứ ngoan ngoãn đi mà cậy nhờ tụi nó, nhiều người ước ao mà không được đâu.

- Ừ, nhưng sao tui thấy ngột ngạt quá. Tui nhớ hội bạn già quá.

Rồi ông lại ước giá như thượng đế không tạo ra tuổi già. Sống qua tuổi thơ, đến phần tuổi trẻ rồi tan ra như những ngọn khói về trời. Và giá như ông không nghe lời vợ chồng Hoàng bán đất để lên đây “an dưỡng tuổi già”. Ông đã rất do dự khi vợ chồng Hoàng khuyên nhủ ông bán mảnh đất gia tiên ở quê, để lại một mảnh nho nhỏ làm nơi thờ phụng mẹ. Ban đầu ông nhất quyết từ chối, ông bảo lá rụng về cội. Có chết cũng chết trên mảnh đất này. Loan nghe thế liền ngọt giọng pha lẫn chút thách thức. “Bố có khỏe mãi được không, lên thành phố ở với tụi con còn có người săn sóc khi trái gió trở trời. Bố ở một mình nhiều khi nằm ngủ thối ba ngày không ai biết”. Hoàng giật mạnh vào tay Loan. “Em đừng nặng lời như thế”. Mấy ngày sau đó, ông liên tục nhận được cuộc gọi thúc giục của vợ chồng Hoàng. “Bố, bố nghĩ thông chưa. Thời nào rồi hả bố, phải suy nghĩ tân tiến lên”. Mấy câu đại loại như thế ông nghe đến phát chán. Thôi thì trời không chịu đất thì đất chịu trời. Suy nghĩ suốt ba đêm ông gật đầu đồng ý. Được nước, Loan đề nghị thêm: “Hay bố rước mẹ lên thành phố thờ phụng để tiện bề giỗ chạp”. Ông Cấn liệng mạnh chiếc nón lá xuống đất, rồi chỉ thẳng mặt vợ chồng Hoàng giận dữ, “tao cấm”. Kể từ đó, vợ chồng Hoàng không dám nhắc tới mảnh đất thờ phụng mẹ.

- Là tao nghĩ chưa thông - Ông than thở với người bạn già phía đầu dây bên kia.

*

- Cuối tuần hai đứa bận không, bố muốn đi chơi sở thú.

Hình như chẳng ai để ý tới lời ông trong căn hộ vài chục mét vuông. Ông phải nói tới lần thứ hai Loan mới dừng tay gấp mấy bộ quần áo ngước nhìn.

- Bố, bố sống đến tuổi này rồi mà còn lạ lẫm với thế giới động vật sao.

- Chúng không bận rộn và phức tạp như giống người - Ông đáp.

Loan đứng dậy cho mấy bộ đồ vào tủ.

- Cuối tuần con muốn nghỉ ngơi.

- Thế Hoàng thì sao con – Ông quay qua nói với con trai.

- Đợt này bắt tay làm dự án con bận lắm bố ạ - Hoàng nhấp ngụm cà phê đáp.

- Ừ, thì thôi vậy – Giọng ông trầm xuống.

Ông lại lúi húi đi ra chỗ ban công ngắm nhìn mấy chậu hoa. Ông nhìn mãi cho tới khi đôi mắt nhòe đi. Chỗ ban công đặt mấy chậu hoa dạ yến thảo, sử quân tử ông mang từ quê lên. Đó là thứ kí ức đẹp đẽ mà ông có thể chạm tay vào. Hình như chúng không hợp không khí ở đây nên lá cứ queo quắt, hoa không rực rỡ. Người cũng như hoa, ông thấy mình yếu hơn từ lúc lên đây. Tháng trước, Hoàng gọi bạn bảo, “mày lên nhà tao cho chậu hoa giấy”. Ông ngăn cản. “Mày không được mang chậu hoa đi đâu hết, cây hoa này do mẹ mày chăm bẵm mà nên”. Hoàng lay lay cành hoa giấy khẳng khiu không trổ nụ. “Bố nhìn đi, nó đã già cỗi quá rồi, tống đi cho rộng chỗ”. Loan từ trong nhà nói vọng ra. “Cái gì già cỗi thì nên bỏ đi, chúng thật phiền phức và khó chiều”. Ông nghe tim mình như bị ai vo chặt. Ông bảo: “Vợ chồng bây cũng coi tao là thứ già nua bỏ đi sao”. Hoàng ra hiệu cho Loan dừng ngay cuộc tranh luận. Mồ hôi trên trán ông túa ra dù lúc đó ban công gió thổi lồng lộng. Bệnh phổi ngày càng nặng làm ông khó thở, liên tục những cơn ho khục khặc trong cổ họng.

*

Vợ chồng Hoàng đi làm cả ngày. Một mình ông Cấn ngồi nhìn ngày trôi qua cửa sổ. Ngày mới bắt đầu từ những tia nắng ló sau dãy chung cư phía Đông, kết thúc khi tiếng lạch cạch mở cửa của những người từ chỗ làm việc trở về. Ông chạy vội ra phía hành lang, giả vờ đi bộ tập thể dục nhưng mục đích là để nghe tiếng người, để thấy mặt người, nghe ngóng những câu chuyện ngoài kia. Đôi khi, ông còn gõ cửa từng nhà chỉ để nghe tiếng đáp lại “ai đó, có gì không”. Ông lúng túng đáp “Xin lỗi, tôi gõ nhầm nhà” hoặc là “Ông có thấy con mèo tam thể của cái Loan chạy qua đây không”. Cái nỗi thèm người nó lấn át nỗi sợ từ những tiếng xì xào. “Tòa chung cư mình có lão già hâm, ông già lú lẫn”.

Nhốt mình cả ngày trong căn hộ, ông thấy ngột ngạt quá chừng.

Ông có sở thích chăm cây cảnh và đọc sách. Hoàng thích sưu tầm đồ cổ. Còn Loan lại thường xuyên ngồi cả tiếng trên ghế sofa chỉ để vuốt lông mèo. Ai nấy đều đắm chìm trong thế giới của riêng mình, căn nhà càng trở nên trống trải. Hoàng có hẳn một bộ sưu tập với rất nhiều món đồ giá trị. Mỗi lần từ cơ quan trở về, anh lại ngắm nghía và vuốt ve chúng. Anh nâng niu và lau chùi từng hạt bụi. Có lần bạn anh đến chơi, anh bảo bố ra mở cửa. Nghe có khách tới, ông Cấn thấy vui quá chừng. Niềm vui đơn giản của ông là được nghe tiếng người, ông hồ hởi ra mở cửa. Nhìn thấy sắc mặt của ông không tốt, bạn anh cau mặt. “Mày coi những món đồ cũ hơn bạn và bố mày hả Hoàng”. Hoàng vô tư đáp. “Đồ cũ mà hái ra tiền, chứ chẳng phải thứ cũ kĩ vô tích sự. Sự đời cũng thật lạ, đồ càng cũ càng giá trị, còn người...”. Hoàng nói dở câu như nhận ra điều gì đấy lại thôi. Ông Cấn rót trà mời khách mà lơ đãng để chảy ra bàn. Hoàng bảo: “Bố không được khỏe thì vào phòng nghỉ đi”. Ông bước vào phòng mà nghe chân mình lảo đảo. Ông thấy mình thua những chiếc bình cổ ngày ngày được Hoàng nâng niu.

Loan làm việc ở một thư viện nhỏ. Nhà cách chỗ làm không xa. Công việc hành chính của cô không quá bận rộn. Thành phố này người ta sống vội, có mấy ai chỉ chăm chăm vào những trang sách đâu. Và lại thời nay người ta đọc sách báo trên điện thoại thông minh, vừa đa dạng chủ đề vừa tiện lợi. Mỗi chiều sau khi tan làm, cô đều mượn một ít sách báo trong thư viện đem về nhà. Cô lặng lẽ đặt chồng sách báo ở phòng ông Cấn mà không dặn dò gì, như một thói quen chăm bẵm những chú mèo tam thể. Sau mỗi bữa cơm, cô thường đặt một dĩa cá cho những chú mèo cạnh chân bàn. Cô biết thể nào khi quay lại những cái dĩa sẽ được dọn dẹp sạch sẽ. Những chú mèo ăn ngoan ngoãn mà không hề gây ra tiếng động nào. Biết bố có sở thích đọc sách nên cô làm việc đó đều đặn mỗi ngày. Có lần ông nghe Loan bảo với chồng, “Cứ đem sách về cho bố đọc khỏi nhàn cư vi bất thiện, đọc sách để chữa bệnh lú”. Nhưng cô chưa bao giờ hỏi ông là bố thích sách gì để con cầm về, bố đọc cuốn sách đó thấy thú vị không. Có lần ông hỏi, “Con làm ở thư viện mà chả thấy đọc sách bao giờ”. Loan bảo: “Sách chỉ dành cho người nhàn rỗi thôi bố ơi”. Ông già rồi, đâu phải thể loại gì đọc vào cũng tiêu hóa nổi. Vả lại dạo này ông thấy mắt mình kém đi rất nhiều. Có lẽ không gian ngột ngạt cộng với tuổi tác khiến tầm nhìn ông giảm sút. Ông thấy mình không đọc nổi những dòng chữ li ti trong sách báo Loan mang về. Nhưng ông biết, đấy là sự quan tâm duy nhất của cô con dâu dành cho mình. Nên ông sẽ ngoan ngoãn như những chú mèo lẳng lặng dọn sách chiếc dĩa của mình. Nếu ông bảo, “Này Loan ơi, mắt bố không thể đọc nổi những thứ này”, thể nào hôm sau và những ngày sau đó ông chẳng có cuốn sách nào. Và rồi niềm vui hiếm hoi của ông từ lúc lên đây sẽ nhanh chóng bị dập tắt. Ông giả vờ cầm những cuốn sách vò nhẹ và đánh dấu số trang như để bảo rằng đã có người lật giở và đọc chúng. Có lần đi ngang phòng ông, Hoàng bất giác hỏi bố đang đọc gì đấy. Ông giật thót mình, ú ớ bảo: “Cánh rừng biến mất và những chú ngựa đã chết già trong sở thú”. Và rồi, Hoàng lướt qua ông như một cơn gió, anh không biết bố đang trả lời câu hỏi của mình hay đang đọc những dòng chữ trong cuốn sách. Loan khoe với Hoàng: “Sướng nhất bố đấy, có cả một thư viện trong nhà”. Ông nghe rồi cười như đang mếu. Họ đâu biết, điều ông tìm kiếm là một thư viện khác. Thư viện người, ông thèm người. Ông thèm được lắng nghe và kể những câu chuyện của riêng mình.

*

- Tháng sau giỗ mẹ, hai đứa sắp xếp đem bố về thắp cho bà ấy nén nhang. Đường về càng xa, bước chân người già đã mỏi.

Loan ngồi trên ghế sofa, nhẹ nhàng đặt con mèo lên bàn bảo:

- Bố tính sao thì tính. Bảo bán mảnh đất rước mẹ lên đây thì không chịu - Vế sau cô lẩm bẩm trong miệng như sợ ông nghe thấy.

Nói xong Loan vo vo những sợi lông mèo rụng cho vào túi giấy rồi đứng dậy. Cảnh đó làm ông nhớ tới từng sợi tóc rụng của bà Hòe vợ ông những năm tháng cuối đời. Trên bậc thềm những đêm trăng sáng, gió lùa từ cánh đồng trước mặt vào mát rượi, ông ngồi chải tóc cho bà. Bà hỏi. “Tóc rụng nhiều không ông”. Mang bệnh trong người mà bà còn thương những sợi tóc dài. Sợ bà xót, ông lén vo tròn những sợi tóc đen dài lặng lẽ giấu vào túi áo. Ông bảo: “Đỡ rụng hơn hôm qua”. Ngoài vườn, ngọn gió đêm thổi những chiếc lá vàng rơi xào xạc. Bà cười mãn nguyện rồi vấn lại tóc gọn ghẽ. Khi bà đã ngủ im lìm trên chiếc chõng tre, ông đem những búi tóc nhét vào cây dứa dại. Bước chân ông làm đứt quãng tiếng “ tọc tọc” của con vạc sành kêu đêm, chúng rè rè cánh bay đi. Theo quan niệm ở quê làm như thế tóc sẽ nhanh mọc lại, xanh và tốt. Những sợi tóc rụng càng nhiều và sức khỏe bà ngày càng yếu. Bà bị ung thư phổi giai đoạn cuối, bác sĩ bảo, “Cứ làm cho bà ấy vui lên, sống được ngày nào hay ngày ấy. Đời người hữu hạn, cuộc sống vô thường, hãy cứ vui lên”. Vị bác sĩ căn dặn rồi rời đi.

Mỗi sáng, ông sẽ dậy cùng bà tưới tắm những chậu hoa. Những bông hoa rực rỡ, đầy đủ sắc màu. Phớt nhẹ của hồng, tím của cẩm tú cầu, vàng của huỳnh anh... Đối lập với vẻ tiều tụy của bà. Xong việc, ông thường chở bà lên thư viện huyện đọc sách. Căn bệnh di căn sang xương bà chẳng thể đi lại, những chiếc thẻ thành viên treo lủng lẳng không có ai sờ tới. Mỗi tối, trước khi đi ngủ ông làm thư viện của bà. Bà đọc suốt mấy mươi năm mà chưa biết chán. Bà đùa: “Thế ông ơi tôi có cần mang thẻ không”. Ông bảo: “Riêng bà khách VIP được miễn”. Ông kể cho bà nghe những câu chuyện và cùng bà nhắc lại chuyện xưa. Tuổi trẻ sống xông pha còn người già sống bằng kí ức. Ông không biết bà có thấy vui không nhưng bà ra đi nhẹ nhàng lắm. Đêm đó, bà khỏe bất thường, tự mình tắm rửa sạch sẽ rồi leo lên giường chìm vào giấc ngủ ngàn thu. Đêm ấy hoa cau rớt trắng khu vườn. Khuôn mặt bà thanh thản vô cùng, không hờn giận, không oán trách.

Mà sao tuổi già ông thấy cô đơn quá. Ông lôi tấm ảnh của bà vuốt vuốt trong cơn xúc động nghẹn ngào. Tiếng thở nặng nhọc hắt ra đã bị màn đêm nuốt chửng. Ông thay bà cất giữ kí ức, nhưng sao ông thấy mình yếu đuối và hèn hạ quá.

Nửa đêm, ông gọi cho người bạn già ở quê thông báo tháng sau sẽ về. “Rồi cuộc đời này còn bao chuyến đi về nữa”. Tiếng thở than trong đêm của những người già mất ngủ.

Chẳng biết ai vui ai buồn, người nhà quê hay người thành phố nửa mùa như ông.

*

Ngày cuối tuần, ông dậy từ sớm khi mà mọi người chưa tỉnh giấc. Con mèo tam thể cuộn tròn trên bàn, chia ba con người thành ba thế giới riêng biệt như những mảng lông trên cơ thể nó. Ông tiến tới “thư viện” của mình. Thực ra đó chỉ là chiếc kệ gỗ cùng mấy đầu sách. Kệ gỗ Hoàng mua còn sách thì Loan mang về từ thư viện chỗ cô làm việc. Chỉ vì người bạn của Hoàng bảo, “Gia đình trí thức mà chẳng có nổi một kệ sách”. Thế là nghiễm nhiên ông có thư viện của riêng mình. Ông căng mắt cố đọc dòng thông báo ở góc phải một tờ báo, khoảnh khắc đó ông quyết định sẽ ra khỏi nhà. Ông theo lối bộ xuống tầng trệt rồi đi về phía Tây thành phố.

- Ông ấy đi từ rất sớm, hỏi ông đi đâu ông chỉ gật đầu - Bác bảo vệ quả quyết khi Hoàng gặng hỏi.

- Em đã bảo bố bị lú lẫn rồi mà anh không chịu để ý - Loan đứng bên cạnh phàn nàn - Đó là lí do tháng trước bố đòi mua xe đạp đấy.

- Thế là bố vẫn còn tỉnh táo, bố đã chuẩn bị cho chuyến đi này rồi - Hoàng suy luận.

Hoàng cầm điện thoại truy tìm danh bạ xem còn lưu số điện thoại người nào ở quê không. May quá, vẫn còn một vài người. Họ bảo: “Ông ấy chưa về đây, dáng quê ông ấy nếu qua đây sẽ nhận ra ngay”. Từ khi lên thành phố ông ấy còn chỗ nào để đi chứ. Hoàng lo lắng rồi ồ lên, “Phải rồi, chúng ta từng phớt lờ khi bố đòi đi sở thú”.

Vợ chồng Hoàng phóng xe tới sở thú.

Những chú ngựa già đã biến mất, người quản lí già cũng không còn ở đó. Tiếp đón vợ chồng Hoàng là một cô quản lí trẻ trung xinh đẹp. Cô quản lí niềm nở bảo: “Từ sáng tới giờ chỗ cô cũng có mấy vị khách lớn tuổi nhưng họ đều đi cùng con cháu”. Câu nói của cô quản lí khiến vợ chồng Hoàng giật mình nhận ra điều gì đó, họ cúi mặt tỏ vẻ ngại ngùng. Bất giác Hoàng hỏi cô:

- Thế người quản lí già đã đi đâu?

Cô quản lí cúi người nói khẽ:

- Ông ấy đã đi theo chú ngựa già cuối cùng của sở thú. Đấy là khoản lương hưu mà ông ấy đề nghị được nhận. Đến cuối đời, ông đã cô đơn như những chú ngựa lạc mất cánh rừng.

Hoàng quay qua nói với vợ:

- Chúng ta sẽ không trẻ mãi, giá mà chúng ta biết bố đã nghĩ gì!

Nắng tỏa xuống sở thú, chiếu qua tán cây mận quân rủ xuống ba người.

Ba con người im lặng còn những con thú thì vô tư làm trò.

*

“Vậy bố đã đi đâu?”.

Buổi chiều, hòn mặt trời rớt xuống phía Tây thành phố, nhuộm không gian thành một màu đỏ ối nhưng không che nổi nỗi lo âu trên gương mặt của vợ chồng Hoàng. Đột ngột ông Cấn trở về với vẻ mặt rạng rỡ . Hoàng thấy bố liền reo lên. “Bố, bố đi đâu cả ngày nay làm tụi con tìm mãi”. Loan từ phòng bếp chạy ra hỏi han ông. Ông bảo: “Bố đã theo địa chỉ tuyển người in trên tờ báo đi xin việc. Trải qua vòng sát hạch một ngày với những khách hàng khó tính bố đã được nhận. Đó là công việc lí tưởng, bố có thể nghe và kể những câu chuyện của riêng mình”. Vợ chồng Hoàng nhìn nhau ra vẻ không hiểu. Loan hỏi: “Bố đùa sao, nơi nào mà dám nhận bố vào làm việc cơ chứ?”.

“Thư viện người”.

Ông kịp trả lời câu hỏi của cô con dâu trước lúc ánh mặt trời tắt hẳn.

VN5+6+7/2024

Phá vỡ mạng lưới nghệ thuật giả trị giá 212 triệu USD

Phá vỡ mạng lưới nghệ thuật giả trị giá 212 triệu USD

Baovannghe.vn - Vào ngày 13/11/2024, cơ quan chức năng Ý đã phá vỡ một mạng lưới làm giả tác phẩm nghệ thuật quy mô lớn, với thiệt hại kinh tế ước tính lên đến 200 triệu euro (khoảng 212 triệu USD). Mạng lưới này bao gồm hàng nghìn tác phẩm giả mạo của các nghệ sĩ danh tiếng như Andy Warhol, Banksy, Pablo Picasso, Amedeo Modigliani, Joan Mirò, Francis Bacon, Wassily Kandinsky, Henry Moore, và Gustav Klimt. Đây là một trong những vụ việc lớn nhất về làm giả nghệ thuật trong hơn 15 năm qua.
Mặt người khác. Truyện ngắn của Nguyễn Tham Thiện Kế

Mặt người khác. Truyện ngắn của Nguyễn Tham Thiện Kế

Baovannghe.vn - Tiếng gã vọng như dưới hố sâu, âm u dương xỉ. Như kẻ vừa bóp cổ, vẫn còn hằn ngón tay, nhưng lại tủi kiểu trẻ con bị cướp kẹo. Đi xa quá thích
Nâng cao năng lực truyền thông chính sách về thực hành kinh doanh có trách nhiệm

Nâng cao năng lực truyền thông chính sách về thực hành kinh doanh có trách nhiệm

Baovannghe.vn - Ngày 13/11, Bộ TT&TT tổ chức Hội nghị nâng cao năng lực truyền thông chính sách, pháp luật về thực hành kinh doanh có trách nhiệm năm 2024
Đọc truyện: Những ngày bất thường. Truyện ngắn dự thi của Phan Ngọc Chính

Đọc truyện: Những ngày bất thường. Truyện ngắn dự thi của Phan Ngọc Chính

Baovannghe.vn - Giọng đọc: Hà Phương; Đồ họa: Thùy Dương
“Ông lớn” Lọc Hóa dầu Bình Sơn (BSR) đã nộp hồ sơ đăng ký niêm yết lên HSX

“Ông lớn” Lọc Hóa dầu Bình Sơn (BSR) đã nộp hồ sơ đăng ký niêm yết lên HSX

Baovannghe.vn - Theo thông tin từ BSR, ngày 21/08/2024, BSR đã nộp hồ sơ đăng ký niêm yết 3,1 tỷ cổ phiếu BSR lên HSX của CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn