Sáng tác

Ma thuốc độc. Truyện ngắn dự thi của Lê Văn Thân

Lê Văn Thân
Truyện
14:00 | 15/12/2024
Baovannghe.vn- Mùa này, sương phủ trắng sườn đồi. Người qua đường cởi nón dừng lại một chút sương đã bám vào mái đầu. Càng đi càng mất hút trong sương. Sương bám vào khuôn mặt lạnh tanh của những người khi ngang qua nhà tôi.
aa

Mỗi chiều, khi luồng sáng ngày tàn vắt ngang thân núi trước mặt, bà nội lại ngó ra phía dòng sông, buông tiếng thở dài: “Đi hết thanh xuân chứ ai đi hết sông dài.” Những lúc đó, cha ngồi bên bếp củi, thân cây khô bung ra bởi sức nóng của lửa, nổ tí tách. “Đi hết quãng đời đã đủ mỏi chân, đi ngược con sông để thấy gì.” Củi cây rù rì chẳng có mùi hương nhưng lại vảng vất lên không gian một mùi buồn ảo não. Tôi ngồi cạnh cha, cùng con chó bị mù một bên mắt. Con mắt còn lại nó nhắm nghiền bởi hơi cay của khói. Khói vảng vất trong căn nhà gỗ tạp ba gian. Những túm ngô vàng óng thu hoạch từ ngày nắng treo lủng lẳng trên chái bếp, chờ ngày tảy hạt gieo vào lòng đất hoặc làm thức ăn cho đàn gà, đàn lợn và cả con người. Nội sẽ quay qua để ngày lụi tàn sau lưng, mắng:

Ma thuốc độc. Truyện ngắn dự thi của Lê Văn Thân
Minh họa Vũ Đình Tuấn

“Chỉ đứng một chỗ nhướng mắt mà nhìn được sao, sinh mắt để nhìn, sinh chân để đi, vợ mày là con đàn bà nó còn đi được đấy thôi.”

Họ lạnh như sương, họ không nói gì, hoặc là thả vào nhà tôi một nụ cười khinh bỉ. Tôi không biết sự khinh bỉ đó xuất phát từ đâu. Sương và sông hòa vào làm một, bước hụt trong sương sẽ rơi vào miệng sông ướt sũng.

“Cái đầu mày phải ướt để tỉnh táo con ạ, u mê quá rồi.”

Thế mà lúc về người cha ướt sũng, từ chân lên đầu nhưng cha vẫn u mê như lời nội nói. Nội thường mắng cha như thế mỗi khi ông trở về với một câu nói:

“Mẹ à, con chẳng thấy gì.”

“Đi hết con sông sẽ thấy, dòng họ này sẽ lụn bại đến bao giờ.”

Nội xúc từng gáo cám lợn cho vào máng, gõ từng nhịp vào thành chuồng luồng âm thanh khô khốc. Mấy con gà tre lì lợm nhảy ra rồi lại xúm vào chiếc máng lợn lổ loang. Nội xua nội đuổi mấy con gà cứng đầu xúm xít dưới chân mình. Phía núi, hòn mặt trời sắp tắt.

“Rồi dòng họ này sẽ lụi tàn như hòn mặt trời kia. Mày không tìm được thì con mày sau lớn lên sẽ phải đi tìm, rồi con mày sẽ khổ, đến đời nảo đời nao.”

Nội nói với cha rồi quay qua nhìn tôi. Cái nhìn xoáy sâu vào ý nghĩ hồ nghi trong đầu con trẻ, xoáy vào trong cơn mơ chập chờn khói sương. Tôi nghe sự im lặng của cha tỏa qua mình, một cảm giác ngột ngạt khó thở.

Tôi không hiểu hết câu chuyện của nội nói với cha, nó kéo dài từ tờ mờ hơi sương đến trăng treo đỉnh núi, từ lúc cha đi đến lúc ông tất tưởi trở về. Từ căn nhà cũ tới ngôi nhà mới.

Làng tôi ở bên con sông Ngàn. Nước lớn quanh năm. Mùa đông nước sông hiền hòa bao nhiêu thì mùa hạ dòng sông như con thú dữ nhấn chìm mọi thứ. Nhấn chìm gò đá nhô giữa dòng sông, từ nhà tôi nhìn ra. Giữa dòng sông, gò độc toàn đá với những thân cây rù rì vươn lên khẳng khiu. Cha bảo: “Loài cây cam chịu, nắng mưa kệ trời.” Cha nói từ “kệ trời” nhẹ bẫng, như thể cha đang muốn buông xuôi một điều gì làm ông mệt mỏi. Hoa rù rì li ti có màu tím hồng, không hương thơm. Dù mùa lũ hay hạn hán nó vẫn sống tươi xanh. Nội bảo: “Loài cây sinh ra chả để làm gì, chỉ để già, rồi chết đi.” Hình như nội đang nói tới sự vô nghĩa trên đời. Những lúc như thế, cha vờ như không nghe và ngồi lặng im. Thế rồi ngày nắng, tôi theo cha bơi qua gò chặt những thân cây rù rì về làm củi sưởi ấm ngày đông, hoặc cho nội tấp mấy vạt gừng tránh lũ gà phá hoại. Cha bảo: “Nó vẫn có ích.” Thế nhưng đêm về, người tôi ngứa ngáy khó chịu vì vướng vào những con sâu róm trên cây rù rì. Loài cây rù rì rất hợp sâu róm, chúng làm tổ trên cây, từ thân tới ngọn, chi chít. Suốt đêm đó tôi không ngủ được, người ngứa ngáy khó chịu. Tôi càng gãi những cơn ngứa càng lặn sâu vào da thịt, âm ỉ. Nội trở dậy xoa dầu cho tôi. Nội xót cho tôi, xót cho niềm hi vọng cuối cùng của dòng họ. Nội lột áo tôi ra, xoa dầu nóng toàn thân. Nội sờ xuống thứ nằm giữa hai chân tôi, thở dài: “Chờ nó lớn bao giờ?” Nội chờ từng ngày như củ sắn cứu đói trên đồi, củ khoai trên nương. Củ sắn, củ khoai làm no cái bụng, nhưng nội mong chờ nhiều hơn thế. Nội bảo: “Sống chỉ để tìm cái no sao?” Tôi lờ mờ hiểu được sự kì vọng nội đặt lên vai mình. Tôi tiếp tục kêu ngứa để thấy vẻ mặt lắng lo hiện lên khuôn mặt nội, khác hẳn với lúc chì chiết cha. Cha nằm bên giường đối diện, bảo tôi: “Gặp sâu róm sao không phủi nó đi, càng tì nó vào da để giết càng ngứa.” Nội đằng hắng giọng: “Nói phủi là phủi được sao? Có những thứ muốn phủi có phủi được đâu.”

Tôi mơ hồ biết nội đang muốn phủi một lời đồn nào đó. Lời đồn đó đã khiến gia đình tôi sống khổ sống khốn thế nào.

Tôi hiểu cuộc cãi vã giữa nội và cha là do mình, nên đêm đó tôi ôm cơn ngứa nằm cựa quậy mà không dám kêu lên một tiếng. Tôi im lặng như những gì cha và nội câm nín suốt bao năm.

Những đêm sau đó, giấc mơ về một bầy sâu róm quay lại. Nó xây tổ trên đầu tôi, trong hốc mắt. Tôi nghe tiếng cha rù rì bên tai: “Phủi nó đi, phủi nó đi.” Tôi cố đuổi theo nhưng nó chui tọt vào chum nước nội dựng đầu hồi. Chúng ở đó, sinh ra vô số loại ấu trùng. Những cơn ngứa lây lan, từ cơ thể sang ý nghĩ mơ hồ như lời đồn của dân làng giáng xuống gia đình tôi: “Nhà bà Tuyền nuôi ma thuốc độc.”

Người ta bảo dòng họ tôi nuôi ma thuốc độc, truyền từ đời này sang đời khác. Họ bảo những chiếc chum nội dựng đầu hồi là để con ma thuốc độc trú ngụ. Nhà nào mất gà họ đều chửi sang nhà tôi. Họ còn bảo giờ không hại được ai nên gia đình lụn bại, chồng chết, con dâu bỏ đi biệt xứ. Dòng họ tôi từng người cũng xuôi theo dòng sông mà đi, họ không sống nổi ở nơi mình được sinh ra.

Kể từ giấc mơ về bầy sâu róm, tôi không theo cha bơi qua gò chặt cây rù rì nữa. Tôi sợ giấc mơ về bầy sâu róm bò lổm ngổm trong chum. Nhà tôi có rất nhiều chum vại. Mỗi chuyến đi dọc con sông, cha lại mang về một chiếc chum. Chum lớn bà dùng để hứng nước mưa, chum bé mẹ dùng để muối cà, muối nhút. Mùa nào thức nấy. Còn có những chiếc chum dựng đó, chả để làm gì, qua ngày này tháng nọ, tôi cũng không dám bén mảng lại gần. Mùa mít tới, mẹ lựa những quả non làm nhút. Mẹ gọt vỏ, dùng dao băm quả mít thành những sợi nhỏ ngâm vào nước muối. Sau đó vớt ra, bỏ ít lá đậu cùng chút tỏi ớt, thêm một lần muối rồi nén vào vại. Hòn đá nén tôi mang về từ gò Rù Rì. Có lần thấy mẹ dùng sào để chọc những quả mít non, nội bảo: “Đến phá hoại những thứ non mà kiếm cái no, tận diệt.”

Có phải vì sự cay nghiệt của cuộc đời nên vại nhút nào mẹ muối cũng mặn, không mặn cũng bị hôi nước. Nội bảo: “Thứ đàn bà vụng.” Tôi ăn xong là cơn khát ào tới, nội nói vống ra: “Đời cha ăn mặn, đời con khát nước.” Tôi chạy vội ra hồi, vục mặt vào chum uống cho thỏa thích. Nhưng sau này tôi không dám uống kiểu đó nữa, tôi nhìn xoáy sâu vào chum cho tới khi nội bước tới sau lưng, phả nhẹ từng câu vào tai tôi: “Nội cấm con vục mặt vào chum, vục vào đó chỉ thấy tối tăm thôi.” Nội muốn tôi ngẩng đầu nhìn bầu trời cao xanh, sau này trưởng thành sẽ làm điều lớn lao.

Không cùng cha bơi qua sông, tôi chỉ đứng bên này, nhìn sang gò Rù Rì xanh um, và phía sau lưng là những lời đồn rù rì qua tai.

***

Những đêm lạnh giá, sương phủ xuống dãy núi lô nhô trước nhà. Tôi nghe thân thể mình lớn lên bên bàn tay nội, từng chút một. Không hiểu sao dòng họ tôi ai cũng có bàn tay rất xấu, chúng khô cong, gầy đét lộ rõ những đường gân xanh. Bàn tay nội sờ xuống hai chân tôi, rồi luồn vào quần, tôi thấy thế giới người lớn kì diệu làm sao, dù đó chỉ là cảm giác xẹt qua trong khoảnh khắc. Nhưng rồi, tôi bảo nội mình đã lớn, đừng làm như thế nữa. Tôi thấy nụ cười bí ẩn của nội lập lòe trong đêm, sau câu nói “con đã lớn” của tôi. Ý nghĩ tôi dùng dằng trong câu chuyện nội kể, từ thuở xa xưa. Nội kể, dòng họ tôi bắt nguồn từ một dòng sông, theo sông xuôi dòng mà về đây. Tổ tiên tôi mang họ gì? Dĩ nhiên tôi họ gì thì tổ tiên họ đó. Tôi vẫn đem thắc mắc đó hỏi nội. “Thế họ Giang sao?” Nội lắc đầu. “Thế đích thị là họ Hà, một con sông nhỏ.” Tôi luận giải cả một nguồn gốc dòng họ theo ý nghĩ trẻ con. Nội giơ tay đánh khẽ vào miệng tôi. Nội lo sợ một điều xa xăm nào đó, những con sông nhỏ, một ngày sẽ cạn, như thể nội sợ ngày tận diệt không xa. Từ đó, tôi không hỏi thêm về nguồn gốc tên họ mình.

Sự ác nghiệt của tuổi thơ là chẳng có một đứa trẻ nào dám chơi cùng tôi. Cha mẹ cấm chúng nó. Từ lúc sinh ra cho tới thứ nằm giữa hai chân tôi biết ngọ nguậy khi tiếp xúc bàn tay nội, tôi chuyển nhà hai lần. Tôi sẽ xa rời khuôn mặt lạnh băng của những đứa trẻ cùng lứa để đến nơi ở mới. Lần thứ nhất chuyển nhà tôi còn quá nhỏ không tài nào nhớ nổi. Lần thứ hai là sau khi ông nội mất được bảy tuần. Hôm đó, cha và nội cãi nhau rất to về chuyện chuyển nhà. Mẹ ngồi im lặng nơi cái cối để cho một ý nghĩ nào đó nảy mầm và lớn lên. Cha bảo: “Phải đi xa nơi này may ra mới được sống yên ổn.” Nội nhổ toẹt miếng trầu nhai dở trong miệng, quát: “Đến đất tổ tiên mình không bám được thì tận diệt.” Thế rồi, quyết định cuối cùng của người lớn là vẫn chuyển nhà nhưng chẳng qua nổi dòng sông. Nội mời thầy địa lí xem long mạch để xác định hướng tốt dựng nhà. Mong cuộc sống yên ổn về sau. Chỗ ở mới tách biệt với làng, xa rời những đứa trẻ.

Những lời dị nghị cũng mọc cánh mà bay theo. Mẹ thấy không sống nổi nên đêm đó xuôi dòng sông mà đi, như bao người họ hàng đã thoát li khỏi làng. Họ thường đi vào ban đêm, để sáng mai tới nơi ở mới vừa lúc đón bình minh, bắt đầu cuộc sống. “Có đi thì đi một mình, tao chả tiếc cái thứ lạc loài dòng họ.” Tiếng nội sắc lẹm lẫn trong tiếng nức nở của mẹ. Tôi bị bàn tay nội giật lại khi cố chạy theo mẹ. Cha đứng chôn chân không dám nói gì. Chỉ con chó mù một bên mắt chạy ra tiễn mẹ. Tôi hét toáng lên khi niềm tin vỡ vụn như chiếc chum nội vứt bụi tre. Đầu óc tôi quay cuồng theo những búp tre trong trò chơi quẩy măng buổi trưa hè mộng mị. Tôi quẩy cho tới khi những búp tre kiệt nước tóp lại, khô dai tựa thân trai tuổi mười bốn của tôi. Tôi kéo mãi không đứt như nỗi thù hằn dai dẳng nằm im đáy lòng, càng kéo những thương tổn càng quay về, trong đêm mẹ đi và hoa rù rì bung nở. Tôi bảo mẹ nói dối và quay ra hận bà. Những chiều muộn nằm nghe gió thổi, tiếng chim đa đa gáy khản đồng xa, mẹ vẫn dặn tôi hãy tử tế với loài “ở nể”, mình chết rồi nó đem qua sông. Ở nể là tên gọi khác của loài chó mà người làng tôi dành cho con vật trung thành, tình cảm. Tôi đủ hiểu những năm tháng sống trong ngôi nhà, nội coi mẹ không bằng một con chó. “Mẹ chưa chết, sao chó nó đưa người sống qua sông?” Tôi trách mẹ. Tiếng tôi loang ra, đêm thì cô đặc. Từ khoảnh khắc đó, tôi hồ nghi tất cả những lời người lớn nói. Bàn tay khô cong của nội tan vỡ giữa hai chân tôi, trong những đêm xa lắc. Thế giới của người lớn không diệu kì như tôi nghĩ.

Mẹ ngồi xuống vuốt ve bộ lông vàng của nó, mẹ bảo: “Có những đôi mắt sáng mà chẳng tìm thấy lối đi, thua một con chó mù.” Mẹ nói rồi biến mất trong sương, hoặc trong nước tôi không thể đoán định. Nội hết chửi rồi lại thở dài: “Con chó bỏ đi nó còn biết quay đầu bảy lần.”

Suốt bao nhiêu đêm, nội gieo vào đầu tôi ý nghĩ về một dòng sông, về hóa giải lời nguyền huyền bí, về tầm vóc lớn lao dòng họ. Tôi cay đắng nhận ra nỗi bất hạnh dâng trào, cho quãng đời mai sau.

Nội bảo, tổ tiên tôi xuôi theo dòng sông mà về đây, an cư bao đời. Dòng họ tôi rất lớn, làm ăn nên nổi, có được tiếng vang trong vùng, được nhiều người nể trọng. Nhưng đôi khi mọi việc thuận lợi khiến người ta nghi ngờ, dòm ngó. Những cái chết bí ẩn trong làng khiến họ nghi ngờ dòng họ tôi nuôi ma thuốc độc. Họ bảo, không nuôi ma thuốc độc làm gì mà lúa tốt nhất vùng, làm ăn nên nổi, rồi những cái chết của người làng không rõ lí do.

Một lần tôi thấy nội ngửa cổ lên trời cùng cái cắn môi rất chặt.

***

Mùa mưa tới, dòng sông Ngàn đục ngầu và dâng lên rất to. Những ngọn cây rù rì cao nhất nhanh chóng bị nhấn chìm bởi dòng nước từ thượng nguồn đổ về. Lũ kéo theo những chú tôm bám trên thân củi khô. Cha đứng trên thân cầu, cúi người vớt những con tôm trôi từ thượng nguồn về. Người làng tôi gọi là lụt tôm. Lúc cha đưa về một oi đầy tôm, nội cời nắp oi đổ tôm ra đất, chửi một cách cực đoan: “Mày ăn thứ cứt lộn lên đầu thế này bao giờ mới khá, rồi cuộc đời mày sẽ cúi gập như lũ tôm này thôi.” Nội quay qua dặn dò tôi: “Đừng như lũ tôm, đừng như cha mày, phải ngẩng cao đầu mà sống con ạ.”

Cha mặc kệ, vẫn ngày ngày đi kiếm cái ăn cho gia đình. Cha bảo không có cái bỏ vào mồm mới chết. Không như nội, định nghĩa về cuộc sống của cha đơn giản đó là những thứ gì ăn được, sờ được. Nước rút, lợi dụng nước đục ngầu, cha mang lưới đi thả, từ cửa hói này đến cửa hói khác. Người cha ướt cả ngày, lội từ bàu Rạ tới bàu Mây, từ ngày nắng hanh tới những đêm mưa phùn gió bấc. Lúc về tay cha trắng bệch, những đường gân xanh trên tay càng hiện rõ. Cha mang về biết bao loài cá điển hình của sông quê: cá diếc, cá đục, cá rô phi, cá lia thia, cá choạc, cá ngạnh… Tôi cẩn thận giúp cha gỡ những con cá ra khỏi lưới nguyên vẹn. Bàn tay cha to bè, cha gỡ cá bé con nào con nấy bị sứt mất đầu. Cá diếc, cá rô phi cha đem chiên mỡ, cá ngạnh ít xương đem nấu với lá thằng lằng, cá chạch om chuối, cá bống nấu nhút mít, kho quẹt. Cha đùa: “Cứ theo cha thì ăn cơm với cá.” Tôi bảo không phải, người ta nói mồ côi cha cũng được ăn cơm với cá. Nội đang quét lá tre trước ngõ nói vào: “Chờ mẹ mày thì chỉ có trải lá mà nằm!” Tôi bơi trong thế giới của loài cá nhưng nhanh chóng bị nhấn chìm bởi lời dò xét của nội. Mỗi bữa cơm, nội luôn canh chừng tôi. Nội cấm tôi ăn đầu cá, cho tới sau này tôi cũng không biết lí do. Tôi thường giả vờ mang đầu cá ra cho con chó mù rồi giành phần ăn của nó. Con chó sẽ không mảy may nghi ngờ bất cứ điều gì. Tôi ngấu nghiến nhai những cái đầu cá giòn rụm. Con chó nhìn tôi mà nhểu nước miếng. Tôi lén nhìn nội, nghe tiếng gì vừa vỡ ra lạo xạo như ăn phải đầu cá bống đầy cát. Tiếng lạo xạo đó theo dấu chân cha lan dài trên bờ cát rát bỏng, đi hết tuổi thơ tôi.

Kể từ ngày ông nội bị cơn lũ cuốn trôi khi đi vớt tôm, nội coi đó như một điềm báo mà ông trời gửi tới dòng họ. Lũ rút, gò Rù Rì bắt đầu lộ dần. Loài chim cắt từ đâu bay tới kịt trời, chúng mỏi cánh rồi đậu trên những tảng đá to bên gò Rù Rì. Thấy lạ, cha bơi sang và tìm thấy chiếc áo của ông vướng trên cây rù rì. Nhưng tuyệt nhiên không tìm thấy xác. Có người độc miệng bảo xác ông nội dùng để nuôi ma thuốc độc. Cạn chiều dong trâu về cuối bãi, tôi thường ngước lên trời vẩn vơ. Có con chim cắt nào tha xác ông không?

Những ngày sau đó, nội lang thang dọc con sông để tìm xác chồng mình.

Suốt bao năm như thế.

“Thân thể cha giờ cũng hòa vào cát.”

Nội hất chén cơm khi cha nói thế.

“Có một nắm cát cũng phải tìm về.”

Nội bảo cha đi dọc con sông, tôi biết nội không chỉ muốn tìm lại xương cốt ông mà còn tìm kiếm một nỗi u mê nào đó.

“Đi hết sông sẽ thấy.”

Tiếng nội rù rì trong tiếng gió.

Những đêm sương phủ dày như tấm màn nhúng nước bao trùm mọi thứ, tôi nằm co ro trong chăn ấm, mơ hồ nghe nội lẩm bẩm một mình. Theo lời nội nói, hình như dòng họ tôi dính phải một lời nguyền nào đó, sẽ tận diệt nay mai. Những người còn lại của dòng họ sẽ phải đi hết con sông, tìm người hóa giải lời nguyền.

U mê.

Tăm tối.

Đã rất lâu rồi, tôi không nhớ rõ đó là mơ hay thực.

Con chó mù một mắt yếu dần. Lời mẹ trước lúc bỏ đi vẫn vảng vất bên tai. “Có những đôi mắt sáng mà chẳng tìm thấy lối đi.”

Nội mất. Trước lúc đi, người dặn dò: “Hãy đi hết con sông.”

Tôi cùng cha chôn cất nội bên gò Rù Rì theo di nguyện của bà. Mộ được đắp bởi đá, bồi bởi những thân cây rù rì. Mỗi năm một lần, lũ kéo về nhấn chìm vô tăm tích. Nội muốn hóa vào phù sa bồi bãi, trên mảnh đất này.

Lần chuyển nhà thứ ba, tôi cùng cha quyết sẽ rời bỏ mảnh đất này, qua con sông rất xa.

Nội muốn tôi mang tầm vóc lớn lao nhưng nhốt trong huyền tích u mê.

***

Lớn lên tôi học ngành xây dựng. Cơn cớ thế nào tốt nghiệp lại rẽ sang nghiên cứu văn hóa dân gian, một công việc chả liên quan gì tới kiến thức bốn năm tôi mài đũng quần trên giảng đường đại học, như nó phải thế. Tôi bỏ lại những bản vẽ, kết cấu hạ tầng như cố bỏ lại những vụn vỡ tuổi thơ khi xa mãi sông Ngàn. Cơ duyên cho tôi gặp Hạ, một cô gái nhỏ nhắn có nước da rất đẹp. Lần đầu chúng tôi gặp nhau ở buổi triển lãm di sản văn hóa do thành phố tổ chức. Hôm đó, Hạ mặc chiếc váy màu xanh, cổ tay áo dài tới đỉnh ngón tay. Những ngày sau gặp Hạ, cô vẫn mặc những chiếc áo với cổ tay rất dài hoặc mang găng tay lưới. Hạ có chung đam mê với tôi là muốn tìm hiểu về những hủ tục và lời nguyền lẩn khuất trong dân gian.

Cùng Hạ đi qua bao góc phố, chúng tôi vồ vào kí ức của nhau như những con thú đói bị giam cầm. Hạ bảo cha cô ấy là một nhà khoa học trong lĩnh vực hóa - sinh. Ông ấy là người duy vật, còn cô có thiên hướng duy tâm. Cô và cha từng tranh luận về một căn bệnh lạ và sự biến mất của một ngôi làng. Cha cô bảo, căn bệnh lạ có thể khởi phát từ nguồn nước dùng chung của cả làng. Hạ lại cứng đầu bao biện ít nhiều liên quan tới tâm linh huyền bí. Tất nhiên, đó chỉ là ngôi làng trong quá khứ, hoặc trong huyền thoại, chẳng thể xác thực ai đúng ai sai. Hạ bảo có những chuyện cứ để mập mờ lại là hay, nhất là khi mối quan hệ giữa cô và cha không mấy tốt đẹp.

Hạ tỏ ra thú vị khi nghe tôi kể về gia đình và những lời nguyền. Hạ bảo hãy đưa cô về đó một lần. Thực tâm, khi xa tôi chẳng muốn quay về. Mẹ vẫn bảo, khi từ bỏ một điều gì đó tuyệt đối đừng bao giờ ngoảnh lại, kẻo nặng nợ đeo mang. Như khi cùng cha lên con đò bỏ lại làng mạc, tôi không dám quay đầu.

Rốt cuộc tôi vẫn quay lại vì chiều Hạ.

“Đêm nay rất lạnh.”

Hạ nói rồi co người khi đêm xuống, trong căn nhà cũ tôi cùng cha bỏ lại bên sông Ngàn. Cơn gió lạ từ gò Rù Rì ào tới.

“Đi cùng anh không?”

Tôi hỏi Hạ khi thấy cô trằn trọc không ngủ được. Và dĩ nhiên, chuyến đi này của Hạ không phải để ngủ. Chúng tôi đi đánh thức những giấc ngủ mê. Hạ gật đầu mà không hỏi đi đâu. Tôi đem cô ra gò Rù Rì. Những cây rù rì cắm rễ sâu vào đất, dù cho bao mùa bão lũ vẫn ngoan cường bám trụ. Nội từng ghét loài cây này nhưng cuối đời lại muốn thân mình nằm lại trong bạt ngàn xanh um của rù rì. Tôi từng hỏi nội tại sao loài cây có tên gọi rù rì. Nội bảo, loài cây sống theo quần xã bên gò, bốn bề là nước thinh lặng. Đêm đêm, khi ngọn gió quét qua gò, lắng tai sẽ nghe những tiếng rù rì thầm thĩ, qua bao vạn kiếp người. Nội còn bảo đó là tiếng kêu oan của một dòng họ, giữa lao xao mặt người, qua trăm nghìn dâu bể. Tôi chỉ tay về phía bên kia và nói tới ngôi mộ của nội. Vì lạnh và có chút sờ sợ nên Hạ không dám cùng tôi qua sông. Một mình tôi nhảy lên con đò qua gò. Vừa nhảy lên đò bơi được một quãng, tiếng Hạ cất lên.

“Nhớ lấy cho em hòn đá kì lưng nhé, em muốn tắm.”

“Lạnh thế này mà em muốn tắm sao?”

Hạ để mặc thắc mắc của tôi tan loang trong gió.

Tôi bất giác nghe lạnh sống lưng. Đến gò Rù Rì, tôi thắp cho nội nén nhang rồi nhặt một hòn đá nhám cho vào túi áo. Những cánh bướm sắc màu chờn vờn trong đêm tối, chúng đậu kín trên ngôi mộ. Chúng đậu trên cây rù rì, đẻ trứng, trứng nở thành sâu, sâu thành nhộng rồi hóa thành bướm. Một vòng tuần hoàn luẩn quẩn. Tôi cũng luẩn quẩn trong một cuộc người biến động. Đò gần cập bến tôi thấy Hạ đã hòa vào con nước sông Ngàn, như thể đó là nơi cô thuộc về, từ mấy ngàn năm trước.

Đêm buông mành. Trăng cong vênh. Những đường gân trên đôi tay Hạ cũng rất xanh.

Tôi lảo đảo tay chèo. Con đò chênh chao. Tôi quýnh quáng đưa cho Hạ hòn sỏi kì lưng, cô túm lấy tay tôi thật chặt, hai bầu vú bắt đầu lộ ra khỏi nước.

Tôi không nghĩ Hạ mà tôi quen lại nóng bỏng và bạo liệt đến vậy.

Tôi vội vàng rụt tay lại, đứng thật vững trong lòng đò. Trong khoảnh khắc đó, câu hỏi chợt vang lên trong đầu tôi. “Nội còn điều gì che giấu con không?” Suốt bao năm qua, tôi vẫn luôn giấu nội một điều. Tôi thấy bất hiếu khi làm trái ý nội. Nội vẫn bảo, hãy ngẩng cao đầu mà sống, cúi xuống chỉ thấy tối tăm thôi. Tôi không làm được khi là niềm hi vọng của dòng họ, ý nghĩ nội đã gieo vào đầu tôi. Những năm tháng đáng ra dùng để ngẩng cao đầu tôi lại cúi xuống nhìn thứ nằm giữa hai chân mình mãi không chịu lớn, đau đớn tâm can.

“Sao anh không làm gì?” Hạ hỏi tôi.

Tôi không biết hoặc lúc đó giả vờ không hiểu cái làm gì mà Hạ hỏi, chỉ thấy nỗi khổ tâm đè nén trong lồng ngực. Tôi nghe phảng phất tiếng nói từ ngàn năm trước, một ngôn ngữ chưa rõ ràng.

Tôi thắc mắc, ở đây không có người, ai đã để lại con đò cho tôi qua sông.

Tôi và Hạ như những người mù lầm đường lạc lối, trên hành trình nghiên cứu, thấy mọi thứ hiển hiện mà chẳng thể can dự. Như lúc này đây, cơ thể Hạ phơi bày trước mắt, tôi chỉ lặng im cúi xuống mà bất lực không thể làm gì. Nhìn đôi tay Hạ giống hệt với những đôi tay trong dòng họ tôi, kí ức trong tôi bắt đầu rỉ nhựa, hình ảnh nội hiện về choán ngợp tâm trí. Con sông rồi sẽ cạn? Ai sẽ hóa giải lời nguyền dòng họ? Hay đó chỉ là sự u mê của những người làng, khi cái nghĩ chưa qua nổi con sông? Sương bắt đầu ken dày. Sương trời, sương đất, sương sông. Tôi kéo Hạ đi, trước khi cảnh vật và mọi thứ chìm trong mờ ảo của sương.

Đến bây giờ, tôi vẫn chưa hỏi nội có ma thuốc độc trên đời không. Mọi thứ sẽ lặng im như đá. Người nằm dưới ba tấc đất, miệng lưỡi vẫn chưa tan.

Tôi hướng về gò Rù Rì tạ lỗi với nội.

Đêm hôm đó rất dài. Sương rơi dày báo hiệu một đợt rét sắp tới.

Giấc mơ về bầy sâu róm không quay lại.

Chú chó mù một mắt có dẫn người làng qua bến sông mê?

VN14/2024

Ma thuốc độc. Truyện ngắn dự thi của Lê Văn Thân
Tranh của Wassily Kandinsky
Khai mạc triển lãm mỹ thuật "Hành trình Huỳnh Phương Đông"

Khai mạc triển lãm mỹ thuật "Hành trình Huỳnh Phương Đông"

Baovannghe.vn - Sáng 11/4, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, đã diễn ra lễ khai mạc triển lãm chuyên đề Hành trình Huỳnh Phương Đông. Đây là triển lãm có quy mô lớn nhất từ trước đến nay của chiến sĩ - họa sĩ Huỳnh Phương Đông, trưng bày 151 tác phẩm tiêu biểu của ông.
Bộ sưu tập của nhạc sỹ Hoàng Vân được UNESCO ghi danh Di sản Tư liệu Thế giới

Bộ sưu tập của nhạc sỹ Hoàng Vân được UNESCO ghi danh Di sản Tư liệu Thế giới

Baovannghe.vn - Bộ sưu tập của nhạc sỹ Hoàng Vân được UNESCO ghi danh Di sản Tư liệu Thế giới. Đây là di sản tư liệu đầu tiên về âm nhạc của Việt Nam được ghi danh, góp phần làm giàu thêm kho tàng văn hóa dân tộc và văn minh nhân loại.
Bản tin Văn nghệ ngày 11/4/2025

Bản tin Văn nghệ ngày 11/4/2025

Baovannghe.vn - Giải thưởng Lớn Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia 2024-2025 thuộc về công trình Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam (năm 2024).
Trong cánh rừng già… - Thơ Huỳnh Thị Kim Cương

Trong cánh rừng già… - Thơ Huỳnh Thị Kim Cương

Baovannnghe.vn- Những dốc dài bỏ lại phía sau/ ngày trả về im ắng
Vẽ - Thơ Tân Quảng

Vẽ - Thơ Tân Quảng

Baovannghe.vn- Ngất ngư ngồi vẽ cơn say/ hồn như cốc chén rót đầy hoàng hôn