Sáng tác

Nửa chừng một nốt La. Truyện ngắn dự thi của Đoàn Duy Long

Đoàn Duy Long
Truyện
06:00 | 18/10/2024
Baovannghe.vn - Đêm muộn, phố chỉ còn ánh đèn, các ngã tư rải rác vài bóng xe ôm. Em choáng váng đi ra từ một nhà hàng, bên trong còn tiếng ồn ào rệu rã. Mấy chiếc xe ôm chạy tới, “Về đâu em, về đâu anh chở”.
aa

Kể cả khi tiếng thét của em lẫn vào trong tiếng cười man dại, thì thứ thanh âm đó cũng làm nhiều người đồng cảm. Uất ức đến điên cuồng, em rời sân khấu, rời thành phố, kết thúc niềm đam mê. Ở đường làng, người đi qua ví lời ca mộc mạc của em như tiếng hót vang lừng của chú sơn ca. Họ đứng lại để lắng nghe thứ ca từ không phối khí, chẳng hòa âm, nhưng giai điệu bay bổng hòa quyện cùng cảm xúc thật đắm say. Họ nghe cho đến khi em cười thét lên rồi chùng xuống rười rượi buồn mới rời đi, khép lại một màn biểu diễn. Người ta nói em bị điên từ dạo ấy.

Nửa chừng một nốt La. Truyện ngắn dự thi của Đoàn Duy Long
Minh hoạ Vũ Đình Tuấn

Đêm muộn, phố chỉ còn ánh đèn, các ngã tư rải rác vài bóng xe ôm. Em choáng váng đi ra từ một nhà hàng, bên trong còn tiếng ồn ào rệu rã. Mấy chiếc xe ôm chạy tới, “Về đâu em, về đâu anh chở”. Em tựa vào gốc cây khoát tay từ chối. Có chiếc taxi đỗ lại như đã sẵn sàng, tài xế tự chủ động mở cửa đỡ em lên ghế sau. Mấy chú xe ôm nghi ngại, không hiểu khách quen hay là một thằng đểu bắt em đi. Họ ú ớ, một hai đứa rè rè chạy dõi theo. Trong trạng thái ngà ngà men rượu, em không kịp kháng cự cũng chẳng thắc mắc, mà ngửa đầu tựa ghế như phó mặc. Chiếc đầm suông dài còn ngay ngắn bó sát vòng eo, phũ hờ lên đôi chân thon khép nghiêng đổ về một bên mệt mỏi. Cổ áo vuông lượn một chỗ hở lộ ra góc tờ năm trăm nghìn nơi nhạy cảm. Chẳng cần hỏi về đâu mà xe đã chạy. Hé mắt, chút tỉnh táo cho em ý thức phản vệ: “Anh đưa tôi đi đâu, cho tôi về!” Hắn điềm nhiên nói: “Tôi biết rồi, cô cứ yên tâm!” Em nghe nhưng không kiểm chứng được đó là lời lừa lọc, bắt cóc, hãm hiếp, hay là…, em nghĩ đến những hiểm nguy. Nhưng anh tài xế không giống với đứa biến thái, hắn cũng không bịt khẩu trang. Qua kính chiếu hậu, em lơ mơ một khuôn mặt chất phác, không quá lớn mà cũng không còn trẻ, hơn em tầm 5 đến 7 tuổi. Thấp thoáng dưới ánh đèn đường, chỉ thấy được cái mũi đầy đầy nằm trên đường nhân trung dài phía dưới. Ánh mắt hắn trầm tư, thỉnh thoảng liếc gương nhìn em. Nếu là hạng biến thái thì không thể lái xe một cách điềm đạm như đang đi dạo phố, không thể chọn những con đường lung linh ánh điện, thoáng đãng rồi nhẹ nhàng nhấn ga. Một kẻ như thế trên xe không thể du dương những bản tình ca chưa bao giờ cũ về một mối tình của nhạc sĩ Thanh Tùng. Tiếng nổ của máy cũng liu riu như vuốt ve ru ngủ, nó đàng hoàng cho đến khi nhận ra cảm giác đệm phanh rẽ vào cái hẻm có dãy nhà tập thể của đoàn nghệ thuật rồi dừng lại. Hắn mở cửa, như một vệ sĩ cúi người định dìu em, nhưng em ngồi yên nghi ngờ hỏi: “Sao anh biết tôi ở đây?” Hắn cười, nụ cười trả lời với người say. Để bớt chút hoài nghi, hắn cũng lấy của em mười nghìn đồng, mặc dù “cuốc” dạo phố vừa rồi đồng hồ tính tiền báo hai trăm mười nghìn. Em lảo đảo bước vô, hắn nhìn theo cho đến khi cánh cửa phòng đóng lại mới quay lui, tốp xe ôm cũng về hết khi nào.

Ngày sau thức dậy đã gần trưa, em lơ mơ không biết tối qua mình về như thế nào, chỉ nhớ trước đó chú Dảo nói đi tiếp khách. Chú nói rằng, đến đó ăn uống, được quà và thể hiện tài năng cho các nhà chuyên môn kiểm duyệt qua, trước khi tham gia vòng trong cuộc thi “Tiếng hát Sao Sa” tại Thủ đô. Em đã hát, được khen, được quà. Quà là những tờ năm trăm ngàn… rồi được mời bia, uống và uống. Cuộc vui kéo dài cho đến lúc ông khách VIP bất ngờ thơm vào má em, sự ngượng ngùng nơi em càng thêm duyên dáng khiến ông lỡ dại đặt cái khóa môi nồng nàn mùi rượu thì em xô cái mặt thèm thuồng đầy tội nghiệp vùng chạy…

*

Em đến Hà Nội như cô bé Lọ Lem bước vào tòa lâu đài. Ngoài dáng hình cân đối trong bộ váy kiểu công sở trang nhã, em chỉ đem theo một tâm hồn trong sáng của cô bé đầy đam mê và ước mơ được đứng trên sân khấu. Em trở nên ấn tượng khi ở bên cạnh cô gái thành đô đang ngồi trước cây dương cầm tại phòng tập sang trọng. Các ngón búp măng của cô ta lả lướt trên phím đàn, như à ơi bởi đôi cánh tay dài nõn nà khuất dần sau làn vải voan của chiếc đầm dạ hội. Cánh tay ấy từ thân hình có những đường cong như những nét cọ, mà chỉ có ngôn ngữ của hội họa mới đủ trừu tượng lột tả nét xuân được chăm chút, nâng niu. Nó toát lên sự kiêu sa, quý phái. Xong phần dạo nhạc cô ta ngước lên nhìn về phía em truyền đi tín hiệu bắt đầu… Còn em, ngân lên thứ âm thanh như được chưng cất từ cánh đồng vàng, đằm thắm, mượt mà. Lúc đó em có sức hút lạ kì, thu mọi ánh mắt về phía mình, bắt những con tim ngoan ngoãn rung động trước những cử chỉ dè dặt ẩn chứa sự thanh cao, dấu hiệu tinh hoa đang khuất sau dáng vẻ quê mùa, ngây thơ ấy. Đôi mắt em cười lấp lánh sự kiêu hãnh, lung linh như viên kim cương được lau chùi hoán vị. Em chẳng có gì ngoài giọng hát, với những động tác di chuyển thanh thoát mà duyên dáng. Nếu cô gái đệm dương cầm là Tư đồ giai tác, thì em chính là vẻ đẹp của Tề tựu đài. Dưới ánh đèn, em vén các sợi tóc trước mặt, chút mồ hôi tỏa hương cơ thể như săn lại trong cái rét phố đông… làm ông Dảo càng kiên trì hơn với lộ trình chinh phục. Bởi em đã từng khước từ những lời khiếm nhã, đã vài lần gỡ bàn tay của ông ra khỏi bàn tay mình. Khi không áp dụng giá trị đổi chác sỗ sàng được với em, ông chuyển sang làm người lịch thiệp. Ông chiều những sở thích và suy nghĩ của em đầy tinh tế. Sự chăm sóc, tạo điều kiện cho em tiếp cận nhiều nhân vật quan trọng tới đây, ông hi vọng em sẽ bị hấp dẫn mà khuất phục.

*

Tại một nhà hàng sang trọng, không gian phòng ăn là màu vàng ấm của thứ gỗ sồi nhập khẩu. Mùi khói thuốc thơm, những điếu thuốc to và dài, kèm theo bộ đồ nghề phức tạp, cầu kì. Em gặp những chú, những anh, có cả chị gái điệu đà, động tác lịch thiệp. Em cảm nhận sự lịch thiệp từ các câu chào hỏi trau chuốt, những cái bắt tay với em, như thể nâng niu rồi từ từ buông, quyến luyến. Ông Dảo giới thiệu đó là các chú, các anh có chức trưởng ban, trưởng bệ gì đó mà nghe xong em không thể nhớ nổi, chỉ biết họ là những con người tạo nên số phận cuộc thi hát.

Em bắt đầu cảm thấy yên tâm với thế giới văn minh, hiện đại của những con người lịch thiệp này… Họ vui tính, thay nhau thể hiện sự uyên thâm về kiến thức, về tầm ảnh hưởng xã hội, sự từng trải nghề nghiệp, sành điệu về ứng xử, cách dùng xì gà, rượu Tây, hoa mĩ với em và hầu gái. Những cái cụng ly, những câu chuyện cao sang, lạ lẫm. Họ nói về các cuộc thi hoa hậu, về các cô gái đăng quang và bàn về xu hướng và trào lưu âm nhạc..., có người nói không còn định hướng nghệ thuật, mà để nhu cầu và gu thưởng thức được tự do theo cơ chế thị trường. Nhưng có ý kiến bác học hơn khi phản biện vấn đề “không còn định hướng” này. Giọng điệu của ông ta thay đổi theo cảm xúc, khi thì thiết tha như cầu khẩn, khi lại gay gắt như tức tối: “Sao lại không định hướng, mặc kệ cho cái gu tầm thường lấn át những tinh hoa của nghệ thuật à! ‘Nghe’ chưa phải là ‘thưởng thức’, tôi chưa nói đến việc ‘hưởng thụ’. Thưởng thức và hưởng thụ nó còn ở tầm cao hơn, ngon lạ mới đem ra mời thưởng thức. Có ngon, có tinh túy, có lợi gì khi thưởng thức, thì ta mới gọi là hưởng thụ, chứ đời nào đi hưởng thụ cái thứ rẻ mạt. Mà chúng ta phải có trách nhiệm tập cho xã hội hướng đến ‘tầm cao’ chứ không thể phó thác cho ‘tầm thường’ được. Công chúng đang bị bội thực những ca từ dễ dãi, phản cảm. Nói tóm lại, chất lượng âm nhạc đã chạm đáy rồi…!” Mọi tranh luận ở bàn nhậu cuối cùng cũng dừng lại ở những trò tiêu khiển mà thôi, nhưng khi em hát, họ uống thì chỉ có em là nghiêm túc. Chút văn hóa xuất hiện từ vẻ đăm chiêu rồi tán thưởng, tiếng vỗ tay, tiếng chép chép miệng, và đôi cái gật đầu. Lẫn vào trong đám ấy có lời nói: “Đấy, đấy, hát là phải thế, âm nhạc là phải thế, không thể lai căng được.” Một tràng cười sau đó kèm tiếng vỗ tay. Em cảm thấy vinh dự, em tự hào và em hi vọng…

Rượu bắt đầu đổ ra bàn, đổ vào thức ăn. Họ không còn nghe em hát, không còn trịnh trọng đánh giá về chuyên môn, hay là sửa cho em một số kĩ thuật. Em nhận ra họ bắt đầu nói nhiều hơn, giành nhau nói, giành nhau thể hiện. Họ bắt đầu tình cảm hơn, ngồi nghiêng hơn, tay của họ cần chỗ vịn. Họ thưởng bằng tiền và thưởng bằng lời hứa về nhiều cơ hội đăng quang cho em.

Em cũng bắt đầu hoang mang. Phía đối diện, chị bạn cười ỏn ẻn như bị nhột. Mặt chị hồng lên vì rượu. Chị cũng bắt đầu mạnh dạn, cũng nghiêng và tựa. Em nhận ra có bàn tay thậm thụt mân mê luồn vào trong làn váy, cao lên. Bối rối, em nhìn sang chỉ thấy cái nheo mắt sau mặt kính trong. Trong ồn ào và men rượu, ông Dảo ngồi bên phải em cũng quên những cử chỉ lịch thiệp, ông quên đi những gì ông đã cố gắng thể hiện sự tao nhã khi gần em, là chỗ an toàn để em bấu víu. Ông đưa ly rượu qua, cười hô hố khác con người thường ngày trong bộ vest sạch sẽ, trí thức: “Uống đi em, uống mừng ngày em sẽ đăng quang.” Em ngửa cổ, ly rượu chợt rùng mình. Em vừa uống vừa cảm nhận đôi bàn tay của ông không làm chủ được, từ trên vai em nó trườn xuống, tự nhiên như chốn không người, xòe ra ngoạm lấy đầy ham muốn, người em co rúm lại, ngực em trào lên tức tối, đớn đau. Lời ông lấp lửng: “Em mời sếp của anh một ly, sếp anh là người quyết định cuộc chơi.” Vừa nói ông vừa hướng sang người phía bên trái em. Người đó là trưởng ban giám khảo. Ông trưởng ban đã cầm ly sẵn sàng, với hai từ lịch sự, ngắn gọn: “Mời em!” Giọng của ông cũng đầy uy lực, âm thanh phát ra hơi nhừa nhựa nhưng cái trịch thượng vẫn rõ ràng. Ông mời đã là ân huệ, thậm chí ông để ý, chăm sóc đến em nào thì đó cũng là sự ban phát. Em cảm giác chỉ có người khác cần ông, chứ ông không có khái niệm đó. Không nỡ từ chối con người quan trọng này, em cố nở nụ cười hướng ly rượu sang ông ta. Chưa khi nào em hiểu ý nghĩa của từng ly rượu như lúc này. Uống rượu không phải kiểu “trà tam rượu tứ” tri âm. Ở đây, ly rượu này là ly rượu đặt cược với cơ hội của em, ly này là ly ra giá. Sản phẩm em mua tối nay bằng những lượt nâng ly, em phải trả góp cho đến khi nào thỏa mãn người ta. Em nhìn vào mắt ông, ông lại nhìn vào nơi viền cổ của chiếc áo dài cách tân hai màu trắng đỏ, gần giống áo tứ thân, nơi mà bàn tay ông Dảo vừa mới thoát ra. Ông nhìn như xoáy vào giữa khe ánh hồng phập phồng tai họa: “Chúc mừng em, giọng của em là giọng hiếm, anh sẽ đưa em vào giới showbiz.” Ông nói nhẹ nhàng như vỗ về, ngọt ngào đến độ làm em run lên, thể hiện đầy uy lực: “Anh giúp được em.” Vừa nói bàn tay ông mân mê luồn luồn hư hỏng. Em hoang mang, run rẩy đứng bật dậy theo phản xạ, để rơi cái bàn tay nửa vời của ông giám khảo giữa hai hàng chân ngọc, mấy tờ tiền cũng rơi theo rẻ rúm… rồi em vùng chạy ra ngoài, sau lưng tiếng ông Dảo gọi “Linh! Quay lại!” như mệnh lệnh, ám chỉ răn đe.

*

Em lảo đảo vịn từng gốc cây tìm tới chỗ vắng, nhòe nước mắt. Quán chè chén góc đường túm tụm người ngồi nhìn em xì xào, ái ngại. Mấy chiếc “taxi dù” cũng trờ tới đang mời gọi, gạ gẫm thì một người đi xe máy ghé lại nói “Người nhà tôi” rồi quay sang em: “Lên xe anh đưa về.” Em ngước lên đề phòng, định khoát tay nhưng nghe giọng quê mình làm em chững lại. Người thanh niên trấn an: “Anh là đồng hương, lên xe đi em.” Em càng nghi ngại, sao anh ta lại biết mình mà nhận đồng hương! Đang nghĩ ngợi thì anh ta đưa bàn tay ra như để em lựa chọn. Bàn tay đó hướng về phía em vẻ thiện cảm, chùng xuống chờ đón, hi vọng nắm được những ngón tay mềm bơ vơ ấy. Bàn tay đó không vồ vập áp đặt em phải đi theo, nếu em không đồng ý thì đó là quyền lựa chọn, cái quyền mà có thể bị tước đi khi rơi vào ổ “chim mồi” ở phố đêm này.

Cảm giác yên tâm từ cách nói chân chất, cái giọng quê mình thân thuộc xuất hiện, em đưa tay ra đặt vào bàn tay ấm áp, một lực kéo nhẹ nhàng đủ cho em đứng lên, ngồi nghiêng sau yên xe, áp tai vào lưng người xa lạ. Chiếc xe máy rời đi khỏi cái nhà hàng mà những người lịch thiệp đã lộ nguyên hình bản năng vốn có. Xe đã chạy một hồi mà anh ta không cần hỏi địa chỉ, họ như đôi uyên ương trở về sau buổi hẹn hò. Tiếng máy nổ đều đều cùng con tim loạn nhịp bên tai. Đèn đường loang loáng hết phố này đến phố khác, chạy mãi, chạy như đếm thời gian, như kéo dài khoảng cách. Trong mơ màng em cất tiếng: “Anh đang chở tôi đi đâu?” Người thanh niên im lặng bí hiểm, xe vẫn hướng về khách sạn Liễu Giai, nơi đoàn của em ở. Em lơ mơ biết mình được đưa về đúng địa chỉ, may mà hắn không phải loại “bay đêm” tìm mồi. Cảm giác quen quen về một hoàn cảnh, một con người mà em từng gặp. Nhưng đó là cảm giác, còn lâu nay em tin số em may mắn. Số mệnh con người đâu phải là mê tín, mà do tốt mùa, tốt ngày tháng sinh. Nhưng sao số mệnh của em có quý nhân phù trợ thì quý nhân đó lại là con người như anh, phải khổ thay? Tại sao không phải là nàng Tiên hay là ông Bụt có quyền năng để mình khỏi xót xa cho một con người chân chất này? Nỗi xúc động trào lên, em òa khóc. Em khóc là vì em tủi thân, em khóc là vì xúc động, thế mà vẫn còn người tốt, tốt hơn ông Dảo.

“Anh có thể cho tôi tựa vào vai anh một lúc!” Em thì thào. Một lúc em bình tĩnh hơn rồi đề nghị: “Hay là anh đưa tôi đi đâu đó đi.” Lời thỉnh cầu của em làm cho anh ta bất ngờ, áy náy. Đi đâu, đi đâu cũng được hay sao. Ý em là vậy, đi đâu cũng được. Em tin người ta đến thế ư, em không đề phòng hay ra điều kiện gì ư! Chiếc xe máy tiếp tục chở em đi, lướt qua mấy nhà nghỉ, mấy khách sạn ven hồ. Giờ này nhà nghỉ và khách sạn cũng mời chào những người bơ vơ. Anh ghé vào một nơi sáng sủa, có một vài đôi nam nữ ngồi tựa vào nhau. Chiếc bàn có cái ghế sô pha nhìn ra phía Hồ Tây, nhành liễu rũ xuống làm mặt hồ thêm rười rượi. Anh gọi một tách cà phê, còn cho em một ly trà sen có pha chút hương bưởi, vì hương sen và hương bưởi làm cho con người tỉnh táo hơn. Trong giá lạnh về đêm, giữa hoang mang và nỗi cô đơn của hai người, anh nắm chặt tay em từ khi nào. Bàn tay nhỏ không phản xạ, để gọn gàng yếu đuối trong lực nắm đầy che chở.

“Linh!” Anh gọi. Em giật mình rụt tay lại, ngẩng mặt lên: “Anh là ai, sao anh biết…?” Tìm lại bàn tay đang run, anh trấn an: “Linh! Bình tĩnh nghe anh nói, anh là Tú, lái xe dịch vụ, em và ông Dảo là khách hàng của anh. Ở quê đã mấy lần anh đưa em về trong tình trạng như thế này. Anh biết em là Linh lâu rồi, từ khi khán giả gọi tên em và từ câu chuyện của em và ông Dảo nói với nhau khi ngồi xe anh.”

Tú trình bày như câu chuyện hư cấu của một kẻ si tình. Chất ngôn tình của anh đang bị chèn ép lạc lõng bởi thô thiển sân si mà em vừa trải qua. Một khoảng yên lặng như để kiểm chứng. Không! Sao anh lặn lội ra đây? Linh bàng hoàng tự đặt câu hỏi.

Cảm ơn anh! Em thầm thì khi men tình nơi anh đủ lớn làm em tỉnh hẳn. Em nhận ra anh, là quý nhân của em, là kẻ si tình từ dưới quê lên đây âm thầm theo đuổi. Em hạnh phúc để bàn tay yên trong tay người si tình mà thầm trách: Sao vẫn còn người ngốc đến vậy! Em tựa hẳn đầu vào vai và ngồi sát anh hơn, từ từ ngẩng mặt lên chờ đợi. Hình như mùa đông đang ủng hộ hai người, không gian Coffee Sinh Đôi cũng ủng hộ họ. Trong nồng nàn anh nếm niềm hạnh phúc lẫn tủi hờn từ vị mặn của nước mắt em trôi xuống chung làn môi ấm.

*

Tên “Sao Sa” của cuộc thi hướng liên tưởng đến một vệt sao băng lóe sáng giữa bầu trời. Với giọng hiếm, âm vực cao, dải rộng, em đã được giới chuyên môn đánh giá đầy tiềm năng, đó là một chất giọng trời phú, có âm vực cao nhất trong tất cả các loại giọng, trải dài từ nốt Đô trung tới nốt La cao, phù hợp với giọng ca mềm mại, bay bổng ở những người phụ nữ trong sáng, giản dị và đầy nữ tính như em. Các phần thi trước em đã làm mọi người ngỡ ngàng. Chỉ có giọng hát mới cho em lột xác và nâng em lên khỏi đám mây đen khiếm nhã, sỗ sàng. Lời ca không phụ thuộc tầng lớp nào, không bị chi phối bởi thân phận nào. Tài năng không chỉ sinh ra ở những nơi đầy đủ, mà đang được cuộn tròn ấp ủ, chờ chui ra khỏi cái kén mà thôi.

Thời khắc em thể hiện tài năng đã đến. Em tự tin bước lên sân khấu với khuôn mặt cười rạng rỡ, trong trang phục áo dài cách tân phối hai màu trắng - đỏ duyên dáng, điệu đà. Bao nhiêu cặp mắt đổ dồn, tiếng vỗ tay, tiếng gọi tên. Cái sân khấu hoành tráng kia, cái chùm ánh sáng đủ màu kia đang sẵn sàng đợi em - loài chim Kim Tước có tiếng hót của Sơn ca. Mùa xuân làng lúa làng hoa, em tìm thấy ở đó ẩn chứa những thi tứ sâu sắc, thi cảm đến tột cùng, thi ngữ rất thành công và sự điêu luyện về giai điệu mà nhạc sĩ Ngọc Khuê là tác giả như nhả hết sợi tơ lòng. Em đã thể hiện bằng trái tim đồng điệu hòa với tính cách trong sáng, sự duyên dáng từ động tác diễn xuất, đến nụ cười rạng rỡ cùng khuôn âm để chinh phục bài hát, em thể hiện bằng cả hi vọng và chứng minh cho tấm thân ngọc ngà này mang tiếng đã đánh cược…

Lấy hơi vừa phải, em nhả những lời đầu tiên nhẹ nhàng như hơi thở, thông thả như bước du xuân: Bên lúa anh bên lúa/ Cánh đồng làng ven đê/ Hồ Tây xanh mênh mông/ Trong tươi thắm nắng chiều/ Làng em làng hoa/ Hoa thơm ngát bốn mùa/ Hồ Tây đôi bên/ Trong tình yêu hoa lúa rộn ràng.

Tiếng vỗ tay vang lên ngay nốt Rê ngân dài và cũng kịp yên lặng khi em chuyển sang giai điệu thanh thoát, luyến láy vút cao… Lời em ngọt ngào như đêm Hồ Tây lắng đọng, gửi vào ca khúc những nhắn nhủ biết ơn. Cả khán phòng cuốn theo bài hát, im lìm như không muốn thở, để muốn cảm nhận hết cái tinh tế trong cách bày tỏ tình yêu của con người mà ẩn ý gửi gắm vào lúa và hoa ngạt ngào đến ngất ngây. Em cũng hát như đang gửi đến cuộc đời tình yêu và sức xuân phơi phới bởi lời ca thánh thót, vui tươi: Sóng lấp lánh mặt hồ cho hoa em ngào ngạt/ Hương hoa bay dào dạt làng hoa em gọi mùa...

Phía dưới gần hàng ghế ban giám khảo, dáng của ông Dảo “bầu sô” đi đi lại lại như toan tính điều gì. Mặc kệ, giọng em vẫn đầy vui tươi và đam mê. Em làm chủ sân khấu, những bước di chuyển, nụ cười và ánh mắt hướng về phía nào thì gặp ở đó vẻ chăm chú đến ngẩn ngơ. Em không biết rằng phía góc phải, có anh tài xế ngồi đó đang mê mẩn dõi theo những bước chân êm ả cùng ca từ theo nhịp 6/8 êm đềm như với riêng anh: Em hát câu ca ấy/ Lúa mùa này thêm bông/ Hạnh phúc trên đôi tay/ Nơi anh đã gieo mầm/ Chiều nay anh dù xa/ Hoa nói với anh nhiều/ Hồ Tây nên duyên/ Vẫn gần nhau như hoa lúa cuộc đời...

Những lời cuối cùng của bài hát bay vút lên bầu trời, kéo theo sự im lặng tan chảy của các con tim. Còn mỗi khúc nhạc nền mà những đôi tay đang chờ đợi chưa muốn vỗ, chưa muốn kết thúc. Một khoảng trắng lặng yên, rồi râm ran tỏa khắp khán phòng, như làn sóng xé toang khoảng trắng ấy, của tiếng pháo tay cùng tiếng gọi tên vang dội.

*

Cuộc thi “Tiếng hát Sao Sa” kết thúc. Tấm rèm nhung màu huyết nhụ kéo lại che kín cái sân khấu vốn lung linh khi biểu diễn, giờ trở thành bóng tối bí ẩn. Ban giám khảo đang làm việc, chỉ ít phút nữa thôi, ai sẽ là người đăng quang. Em hồi hộp cắn chặt môi. Trong đầu em lởn vởn giọng nói dẻo sền sệt của ông Dảo bầu sô: “Tài năng chưa đủ để nổi tiếng.” Mặc kệ, nhiều lần em liều như vậy, và trong ranh giới của tài năng và phi vụ đổi chác đó, nó mong manh giữa thành công và thất bại. Có khi em đắn đo, suy nghĩ. Bây giờ em đang nghĩ đến cả quá trình ông Dảo đeo đuổi rót vào tai em thứ giá trị mà em bị ràng buộc - đam mê, sự nghiệp.

Em chọn ưu tiên lợi ích trước mắt, thế mà thứ thực dụng hiệu quả nhất để cho em đạt được hào quang thì em trằn trọc rất nhiều đêm. Em nén những ngôn tình thủ thỉ cuối cùng của anh tài xế si tình đêm ấy: “Hay là về với anh! Em không hợp, anh nghe được gì từ họ em biết không? Họ sẽ bắt em trả giá, em là món quà là trò chơi để họ tiêu khiển… Họ lưu manh em biết không. Anh là lái xe, tiếp xúc đủ hạng người, tin anh! Em lấy ngọc ngà để đổi được thứ em cần, nhưng dù được giá nào đi nữa thì…!” Đã thế em còn đắn đo, chần chừ, còn tiếc nuối tiết hạnh chi nữa cho khổ. Chỉ cần im lặng, để yên các ngón búp măng non nớt trong bàn tay thô kệch đó, chỉ cần chịu khó để làn môi mọng ướt chạm vào cái miệng đầy mùi thuốc lá và bia rượu đó và buông lơi… thì sẽ khác… Bây giờ ân hận đã muộn. Nước mắt em đầm đìa như thay em tẩy trang sau đêm diễn.

Em như vệt sao băng, em đã sáng lên trong sự ngỡ ngàng, sáng nhanh đến nỗi có người vẫn chưa định hình chuyện gì xảy ra, và em rơi xuống một nơi nào đó giữa bầu trời đầy sao.

*

Trên cánh đồng rười rượi gió, Tú lái xe về tìm cô gái điên vừa lang thang vừa hát. Đóa hồng từ tay anh khẽ khàng trao, tay em từ rối loạn vùng vẫy bỗng chuyển sang dịu dàng run run đón nhận. Tiếng hát lang thang dần tắt, đôi mắt ánh lên nhìn anh quyến luyến. Nụ cười ngây ngô chuyển dần sang sắc thái của cảm xúc, màu mắt ươn ướt chậm khép mi khi nụ cười từ từ khép lại. Tú nói nhỏ: “Em hát anh nghe được không?” Chút e ấp, người điên thầm thì: “Em hát tiếp nhé!” Tú bàng hoàng vì câu hỏi cần sẻ chia như thời khắc ở quán Coffe Sinh Đôi bên bờ Tây hồ đêm ấy. “Hát đi em!” Chợt em phá lên cười khanh khách rồi chùng xuống bắt đầu ở khúc hát nhẹ nhàng, mà ca từ gieo vào lòng anh đằm thắm như lời tâm sự: Em hát câu ca ấy/ Lúa mùa này thêm bông/ Hạnh phúc trên đôi tay/ Nơi anh đã gieo mầm… Em di chuyển nghiêng nghiêng, đôi chân bước chéo vòng quanh anh duyên dáng. Một bàn tay chỉ biết cầm vô lăng đưa ra, đón lấy bàn tay diễn xuất của nữ nghệ sĩ, cả hai như đôi bạn diễn… chỉ thiếu sân khấu, ban nhạc và ánh đèn.

Em ngả vào vai Tú kết thúc bài hát trong thì thầm nước mắt: “Em xin lỗi!”.

VN22/2024

----------

Bài viết cùng chuyên mục

Đọc truyện: Mây trôi rừng chiều. Truyện ngắn dự thi của Bùi Tuấn Minh Mời quý vị đón đọc báo Văn nghệ số 42/2024 Mây trôi rừng chiều. Truyện ngắn dự thi của Bùi Tuấn Minh Động cơ xe bãi. Truyện ngắn của Tố Ngọc Đêm sân khấu. Truyện ngắn dự thi của Trần Thị Hồng Anh
Bản tin Văn nghệ: Ra mắt vở kịch thơ "Nữ sĩ Hồ Xuân Hương"

Bản tin Văn nghệ: Ra mắt vở kịch thơ "Nữ sĩ Hồ Xuân Hương"

Baovannghe.vn - Nhà hát Thế Giới Trẻ (thuộc Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP HCM) sẽ công diễn vở "Nữ sĩ Hồ Xuân Hương" vào ngày 24/10 do NSND Trịnh Thúy Mùi - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đạo diễn.
"Cu li không bao giờ khóc" giành giải  FIPRESCI  - Liên hoan điện ảnh mới tại Canada

"Cu li không bao giờ khóc" giành giải FIPRESCI - Liên hoan điện ảnh mới tại Canada

Baovannghe.vn - Sau chiến thắng tại Liên hoan, Phim Cu li không bao giờ khóc cũng đã được ấn định lịch phát hành tại Việt Nam vào ngày 15/11 tới.
Bộ GD&ĐT: 5 đối tượng được đề xuất tuyển thẳng vào lớp 10 THPT

Bộ GD&ĐT: 5 đối tượng được đề xuất tuyển thẳng vào lớp 10 THPT

Baovannghe.vn - Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến góp ý dự thảo Thông tư ban hành Quy chế tuyển sinh, trong đó có quy định rõ về các đối tượng được tuyển thẳng, được hưởng ưu tiên cộng điểm trong tuyển sinh vào lớp 10
Quốc hội bước sang ngày làm việc thứ 2 Kỳ họp thứ Tám

Quốc hội bước sang ngày làm việc thứ 2 Kỳ họp thứ Tám

Baovannghe.vn- Ngày 22.10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Báo cáo , dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025, Kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước 3 năm 2025 – 2027.
Đổ vỡ và khủng hoảng, nhìn từ một gia đình tứ nữ

Đổ vỡ và khủng hoảng, nhìn từ một gia đình tứ nữ

Baovannghe.vn - Thành công nhất của Phạm Thị Bích Thủy trong Gia đình có bốn chị em gái là: viết như một can dự tích cực vào cuộc sống. Viết không phải là đi tìm câu trả lời, mà là liên tục tra vấn cái thế giới đầy những đổ vỡ và khủng hoảng này...