Sáng tác

Tí tách mưa Xuân. Truyện ngắn của Nguyễn Hương Duyên

Nguyễn Hương Duyên
Truyện
15:00 | 04/01/2025
Baovannghe.vn - Mùi lá chuối, lá giong chín quyện hương nếp, hương than tạo nên hỗn hợp đêm giao thừa đau đáu. Những gộc củi đỏ lừ cùng lửa bò quanh khắc khoải.
aa

Nồi bánh chưng sùng sục rung lên bởi giai điệu rất riêng của những giây phút cuối cùng năm cũ.

Vỗ về. Dứt khoát.

Con Khoang ghé bộ lông mềm mại nằm đánh sịch ngay sau bếp, hơi lửa tỏa ra làm dịu cái lạnh của đêm cuối năm đang vấn vít. Nó đưa mắt nhìn anh thay cho lời xin phép rồi lim dim ngủ. Dẫu đã ngồi rất sẽ sàng, chị vẫn làm anh giật mình. Cơ thể đang hồi phục sau cơn tai nạn khẽ nẩy lên, rồi tấm lưng dài, xương xương lại gù xuống như cũ. “Xong hết rồi hả em?”. Anh hỏi mà không cần câu trả lời. Nắm lấy đôi tay lạnh ngắt của vợ nhẹ giơ ra phía lửa đang hà hơi ấm sực. Anh cảm nhận rõ đôi bàn tay bé nhỏ, xương xẩu của vợ đang ấm dần. Đôi bàn tay này, tấm thân gầy gò này luôn dìu anh qua những ngày nguy khó.

Chị lấy que cời lửa, gắp những viên than đỏ rực tôi xèo xèo trong xô nước cũ. Chị biết anh đang nghĩ gì, nghĩ đến ai và chị tránh không nhắc đến. Lúc chiều, chị đã chở anh lên nghĩa trang, mời hương hồn ông bà hai bên và vợ trước của anh về nhà ăn tết. Hai người đã đứng trước mộ vợ anh rất lâu, mỗi người đều thầm thì với người đã khuất những tâm nguyện rất riêng của mình. Chị hiểu, cho đến tận giây phút này, chị ấy vẫn luôn chiếm một chỗ đứng thiêng liêng trong lòng anh.

- Răng anh không cầm điện thoại như mọi khi?

Chị vờ hỏi vậy. Chị biết anh đang vừa mong chờ vừa sợ điều đó sẽ không đến. Rồi sẽ thất vọng, sẽ đau buồn trong cảm giác mất mát bất lực. Anh hắng giọng như để xua bớt khối đá nặng trĩu trong lòng, khản đặc:

- Máy anh đang sạc.

Kể cả câu nói này chị cũng nhận ra là anh đang nói dối. Thường xuyên để máy kiệt pin để khi đi ngủ anh không phải cầm đến máy. Có những nỗi đau không thể thốt ra lời mà chỉ có thể tìm cách chế ngự nó. Đó là cách anh đang cố vượt qua.

Nhưng mà đêm nay giao thừa.

Con Khoang bỗng nhỏm lên gừ mạnh một tiếng trong cổ họng. Anh quay ngoắt đầu ra cổng, tim đập rộn lên. Là người lao công đang đi gom chuyến rác cuối cùng của đêm. Anh tiu nghỉu, mặt cố giữ sự bình thản để khỏi khiến vợ nhận ra. Chị vờ như không thấy gì hết, nạt khẽ:

- Khoang giở hơi nha, người ta đi ngang mà cũng gừ.

Anh cười, kéo vợ dịch sát vào mình:

- Em xích vô đây cho anh dựa chút, lát mình vô nấu chè, hông xôi.

“Dựa”. Là anh nói theo kiểu bóng bẩy. Chứ cơ thể dẫu đã gầy đi rất nhiều sau trận tai nạn của anh vẫn đủ sức trùm lên bóng chị. Nhưng không có chị, cuộc sống của anh đến giờ sẽ vẫn chỉ là một ông già cô đơn suốt ngày ngồi vỉa hè cờ tướng trà lá với đám bạn hưu nhàn tẻ.

Con bé không biết anh vô tình chứng kiến cuộc thì thầm đầy thù địch giữa nó và chị. Khuôn mặt xinh xắn của nó đỏ bừng, hai mắt long lên với hai hàm răng sít vào nhau cùng những lời thốt ra đầy đe dọa. Sau nhiều năm cha con nương vào nhau để vượt qua nỗi đau mất mát, anh bỗng không còn nhận ra đứa con gái mà anh nhất mực yêu thương bao bọc.

- Chỉ có mẹ tôi mới được quyền sống trong ngôi nhà này. Không ai được phép nấu trong căn bếp mẹ tôi yêu thích, không được phép ngủ trong căn phòng mẹ tôi từng ngủ, không được phép hít thở không gian mẹ tôi đã gây dựng nên.

Anh thậm chí còn không dám tin những lời đó được thốt ra từ một đứa con gái đã trở thành vợ, thành mẹ của hai đứa con. Nghĩa là quá đủ trưởng thành để có thể thấu hiểu những lẻ loi cha mình đã trải sau bao năm từ ngày mẹ nó mất. Những tháng năm sung mãn nhất của người đàn ông anh đã phải ém xuống, quên đi để dành trọn yêu thương, bù đắp cho thiệt thòi mồ côi mẹ quá sớm của con. Ánh mắt ngơ ngác trong đám tang của mẹ nó ám ảnh anh khôn nguôi. Nó khiến anh đành lòng dứt bỏ nhiều sẻ chia mời gọi từ những người phụ nữ muốn bước vào cuộc đời anh. Chỉ mới hình dung đứa con gái 10 tuổi ôm con thỏ bông đứng ngoài căn phòng hạnh phúc của cha nó với người vợ mới đủ khiến anh thắt ngực.

Một vali nhẹ tênh tênh anh xách vào ngôi nhà của chị. Ngôi nhà rường cổ được để lại từ nhiều đời trước đang bao bọc những tháng năm đơn chiếc của người đàn bà u uẩn.

- Rồi từ từ con sẽ hiểu, em chỉ cần anh vui.

Chị khẽ khàng nép vào tấm ngực vững chãi của anh. Chị lo, liệu anh có quen với không gian luôn bị sự vắng lặng bao trùm này. Chị lo tiếng côn trùng râm ran mỗi đêm không vỗ về được người đàn ông vốn quen với phố phường ồn ã. Nhưng không, chỉ cần có chị thì đâu cũng sẽ là nơi anh thuộc về.

Duy nỗi cay đắng trong lòng anh không vì thế mà dịu bớt.

Cho đến thời khắc sắp tiễn biệt năm cũ này. Khi hàng mai cổ ngoài ngõ hân hoan bung cánh, tỏa thứ hương thanh nhã, ngọt ngào ra khắp khu vườn đẹp đẽ đầy quyến dụ. Khi mà cả khu vườn anh chị dày công chăm bẵm đang trở mình bật ra vô vàn chồi biếc. Anh vẫn không không tin nổi vì sao mình lại để thời gian dung túng cho thói ích kỷ, vô cảm của con kéo dài đến thế. Có phải vì anh hy vọng một ngày nào đó con thông suốt ra, để thích ứng với một đầu óc đã trưởng thành? Hay tận cùng tâm can, anh vẫn sợ làm con đau lòng? Thì nỗi đau và hổ thẹn trong lòng anh đây nó có biết không? Khi hành động của nó khiến cho cả họ hàng đều lên án anh nhu nhược, không biết dạy con?

Thằng cháu gọi anh bằng chú ruột, người mà con bé thân thiết nhất không ít lần khuyên nhủ nó. Nhưng không biết bằng sự cố chấp bướng bỉnh thần kỳ nào đó, cả con bé lẫn chồng nó đều không lay chuyển. Chúng không nhận thức được rằng, khi mà chúng bận rộn quấn quýt nhau và bìu ríu con cái, người đàn bà ấy đang thay chúng bầu bạn với cha, giúp cha không phải ngày ngày đi qua tháng ngày đơn độc. Chúng nó không nhận ra việc đẩy cha ra đường chỉ vì cha lấy người đàn bà khác là một hành động vô đạo đức. Thậm chí chúng phớt lờ sự lên án của họ hàng lẫn xóm giềng khi vợ chồng con cái ung dung sống trong ngôi nhà do anh gây dựng. Anh không tiếc thứ gì với con, nhưng việc anh ra đi để lại ngôi nhà không phải cách cho tặng hợp lẽ. Nó thuộc về phạm trù đạo đức, là đạo lý làm người, làm con.

Thế nên, không nói được con bé, thằng cháu cũng tự cảm thấy mình có lỗi. Ở đời sao lắm sự tréo ngoe? Trong khi điều đó đáng ra phải ở trong tâm can của con gái anh mới đúng trật tự phải có. À mà, nếu đúng trật tự thì giờ này anh không phải ngồi đây xa xót, ngóng vọng!

Nghĩ đến thằng cháu thì nó đến, thân thuộc đến nỗi con Khoang khẽ mở mắt ra, ngoe nguẩy đuôi mấy cái rồi nhắm mắt lười biếng ngủ. Nó khệ nệ một két bia mà anh chắc chắn nó tha từ biên giới về.

- Về khi mô đó con? Tết ni không phải trực à?

Anh ngắm thằng cháu bao năm thay thế con gái trò chuyện, tâm tình cùng anh. Bao năm nó cùng người vợ hiện tại của anh dìu anh qua những trở ngại buồn bã. Lòng anh trào lên nỗi trìu mến lẫn biết ơn. Cuộc đời này dẫu khe khắt với anh, nhưng vẫn bù đắp lại cho anh hai con người tâm lành và trong veo như ngọc này.

- Con phải về thăm chú, từ bữa chú bị tai nạn đến chừ con đã chăm chú được ngày mô mô. Vả, dịch đợt ni cũng lắng, bọn con dễ thở hơn nhiều rồi.

Anh kéo ghế cho thằng cháu trai lực lưỡng, hệt anh hồi khỏe. Nòi nhà anh toàn những gã trai “chất từ trong ra ngoài” – từ của nó mỗi khi đứng cạnh anh.

- Ừ! – Giọng anh chao hẳn đi – Mong cho dịch chấm dứt kẻo chú thím xót tụi bây quá!

Chị vẫn lặng lẽ theo dõi câu chuyện của hai chú cháu. Chị biết, cả hai cứ lấy chuyện nọ chuyện kia khỏa lấp. Người có chuyện muốn hỏi thì không dám hỏi vì sợ lại chuốc lấy bẽ bàng lần nữa. Người thì không dám kể vì không nỡ để chú mình đã đau càng thêm đau. Lửa vẫn hí hửng reo bất chấp tâm trạng nặng trĩu của những người vây quanh. Tiếng sùng sục nghe chừng có vẻ nhẹ đi, báo cho chủ rằng tôi cần thêm nước. Anh ý tứ đứng dậy ra giếng. Anh biết, có nhiều chuyện thằng cháu chỉ dám kể với vợ anh, rồi từ từ cô ấy sẽ lựa lời thuật lại. Theo cái cách để cho chồng chấp nhận nhẹ nhõm nhất.

Chị ghé vai thằng cháu hỏi nhanh:

- Con có ghé chỗ con bé không?

Thằng cháu liếc nhanh chú, nói khẽ:

- Lạ lắm thím! Con định ghé thắp hương cho thím cả, định rầy rà nó thêm vài câu cho bõ tức nhưng cửa nhà tối om om. Tưởng nó về bên nhà thằng kia nhưng con qua tìm cũng không thấy. Gọi điện cũng không bắt máy. Hay nhà nó dính ca Fo nào mà bị bế đi cách ly cả nhà không?

Chị bỗng hốt hoảng khi thấy anh đang xách xô nước trở vào. Phần thân bên phải sau phẫu thuật lệch hẳn sang bên, nó khiến cho cả thân hình cao lớn như chữ Y dài bị lỗi. Không lẽ nào? Chiều nay lúc lướt phây, anh bảo vẫn thấy nó đăng hình khoe hai đứa con mặc áo mới. Không lẽ có biến nhanh đến vậy?

Anh mở vung nồi bánh thơm nhưng nhức mùi xưa cũ. Mặt vờ như chẳng bận tâm hai thím cháu đang thì thầm gì với nhau, còn giả lả:

- Khi mô rảnh, kiếm cho chú cây đào phai. Vườn lắm cây mà lại thiếu hoa đào con nì.

Thằng cháu đưa mắt nhìn vợ anh rồi gật. Nó cuốn hai người vào những câu chuyện bất tận miền biên ải. Về những ngày cắm chốt kiểm soát người qua lại vùng biên. Về những câu chuyện cách ly cười ra nước mắt. Phút chốc, nó khiến anh tạm nguôi quên nỗi khổ tâm dằng dặc đang có dịp bùng lên bỏng rát trong giờ khắc mong ngóng sự sum vầy.

Thực ra, đã hai cái tết anh đón giao thừa không có sự tham dự của con bé. Nhưng ít ra tết năm ngoái anh vẫn nén lòng nhượng bộ con để nhận cuộc gọi chúc tết của nó. Tất nhiên, khi cuộc gọi diễn ra, vợ anh tế nhị lánh ra vườn, và nó cũng không hề đả động đến sự tồn tại của vợ anh. Còn năm nay?

Anh tỉnh dậy thì đã thấy mình nằm trong bệnh viện với một bên cơ thể đau buốt óc. Đầu đau dữ dội vì anh bị chấn thương nặng. Bao máu đọng đã được hút ra mới cứu sống được anh. Bao nẹp kim loại và đinh ốc trên phần vai và đùi mới giúp anh sau này có thể đi lại được.

- Bao lâu rồi em?

- Gần một tháng! – Chị cười dịu dàng nhoài nhẹ người ôm lấy anh – Em đã tưởng không níu anh lại được… Ơn trời!

Sự hối hận trào lên tạo thành một cơn đau khiến anh thấy mình xoay tít mù.

Vụ tai nạn khủng khiếp ấy xảy ra bởi những lần anh cố tránh sự im lặng gượng gạo mà nguyên nhân là anh muốn than vãn với chị những não nề trong lòng về con. Về sự hổ thẹn khi không thể bảo vệ được chị trước con gái. Nhưng chị luôn cười rất hiền trấn an anh. Thậm chí chị còn bênh vực con bé. Giá chị mang những tật xấu thường tình như bao người phụ nữ khác: bực tức đay nghiến anh không dạy được con hay cằn nhằn về con bé vài câu. Anh sẽ dễ thở hơn.

Tí tách mưa Xuân. Truyện ngắn của Nguyễn Hương Duyên
Hình ảnh minh họa. Nguồn pinterest

Đằng này chị cứ xem mọi chuyện như những cơn gió thoảng qua. Chị không giận, không trách. Cứ thuần khiết yêu thương anh. Thuần khiết tha thứ cho con bé hết lần vô lễ này đến lần phớt lờ khác. Anh biết, chị nghĩ làm thế sẽ khiến anh vui. Nhưng chị không biết, sự cao cả đó lại đè nặng lên lòng tự trọng của anh. Rằng, ngoài tấm thân cồng kềnh vô dụng, anh chẳng có chi cho chị cả. “Rồi đến ngày con bé sẽ nhận ra sai lầm, chờ đi anh”. Hay là “Em không sao, em có anh là có cả thế gian rồi, em không giận con bé”…

Những lần chị an ủi anh, ánh mắt chị chân thành đến độ anh muốn quát to lên vì hổ thẹn. Nhưng người đàn bà nhỏ bé ấy lại nhanh chóng chuyển sang đề tài khác để lấp đi. Anh chưng hửng. Anh chới với. Anh muốn chị sỉ vả sự đớn hèn của anh. Anh muốn chị khóc lóc oán hận cha con anh nhẫn tâm vì không chào đón chị bước vào gia đình đúng nghĩa theo cách phải có.

Họ hàng thừa nhận chị, yêu mến chị, biết ơn chị. Chỉ duy nhất nó.

Nên anh xách xe chạy đến nhà bạn bè cho khuây. Cho qua cơn bức bối mà anh biết nếu mình nặng lời thì cực kỳ vô lý. Bạn cũng hưu. Cũng ngày ngày hai lượt đưa đón cháu rồi kề cà vỉa hè cờ tướng, uống rượu khan. Có mấy chén mà bung biêng. Dường như khi tinh thần không tốt hơi men được dịp len lỏi công phá các nơron thần kinh thần tốc hơn.

Bao lần như thế, anh lảo đảo dựng xe lúc giờ cơm tối đã qua rất lâu. Chị không chờ cơm anh. Chị không muốn làm anh áy náy. Xong tất cả mọi việc chị một mình với cái ti vi, chốc chốc nhìn con Khoang xem đuôi nó có phe phẩy mừng anh về. Con Khoang có đôi tai rất kỳ diệu, giữa những huyên náo trong phim được trình chiếu trên tivi, nó vẫn nhận ra tiếng xe anh quẹo vào đầu dốc. Lập tức đuôi nó phẩy lên, lao vút ra cổng mừng đón chủ. Chị không đón anh theo kiểu con Khoang. Chị đợi ở anh một cử chỉ hối lỗi. Hai người hiểu tâm tính nhau đến mức, không sự chờ đợi nào dành cho nhau trở nên vô nghĩa.

Lúc ấy, anh sẽ nhẹ nhàng ngồi xuống ôm vai chị. Mùi men sẽ làm chị nhăn mũi. Anh dụi đầu vào khuôn ngực có hai trái cam be bé. Im lặng một lúc đủ chị nguôi giận thì anh đến giở lồng bàn, xúc bát cơm đến ngồi cạnh chị nhóp nhép ăn. Anh sẽ khen món này ngon, món kia vừa miệng và hứa sẽ không để chị ăn tối một mình nữa. Chị sẽ lườm yêu anh, thậm chí chị rủ con Khoang làm đồng minh dọa nghỉ chơi với anh.

Nhưng hôm ấy, anh vẫn phóng xe đi sau khi bàn chuyện năm nay làm giỗ vợ đầu của anh ở đâu. Chị nói: “Anh về nhà làm giỗ với con, em lên mộ thắp hương cho chị rồi về đây chờ anh là được rồi”. Anh không kịp nhìn vào mắt vợ thì chị đã cúi xuống vuốt ve con Khoang. Cái tư thế cui cúi ấy làm lòng anh bỏng rát. Anh lại xách xe đi.

Đêm ấy, cả chị lẫn con Khoang đều sốt ruột. Cuối cùng choáng váng bởi cuộc gọi lạ hoắc.

Cuộc chiến giành giật lại anh từ tay tử thần của chị không chỉ bằng sức lực mà còn khiến chị phải bán đi một phần đất ông bà để lại. Trước khi quyết định bán đất, chị ngần ngừ với cuốn sổ tiết kiệm anh giao rồi tặc lưỡi cất biến. Biết đâu có lúc con bé cần?

Khi chờ anh ở phòng cấp cứu, chị cuống cuồng gọi con anh mấy lần nhưng thất bại. Nó chặn số chị mà chị không biết. Bấm số mà chỉ nghe tiếng tít tít liên hồi chị cứ ngỡ máy bận. Sau rồi tình trạng của anh phải chuyển lên tuyến trên. Chị tất bật ngược xuôi không còn thời gian nghĩ đến con bé nữa. Vào đến bệnh viện Huế, anh qua cơn nguy kịch chị mới gọi cho thằng cháu nhờ nó thông báo cho con bé. Nhưng gặp lúc thằng cháu có chuyến tuần tra cột mốc nửa tháng, điện thoại không liên lạc được. Cái số anh sao mà bạc bẽo thế? Chị thừ ra ngắm thân hình im lìm, chằng chịt dây nhợ và bông băng mà ứa nước mắt thương anh. Lòng chị bấy lâu vốn luôn được gìn giữ phẳng lặng, giờ bỗng chênh chao với những sợ hãi hiển hiện.

Chị sợ không cứu được anh.

Trái tim người đàn bà bình dị thắt lại khi hình dung đến cảnh vĩnh viễn không còn anh trên đời. Và người đàn ông chị dành cả đời để yêu sâu nặng ấy sẽ mang theo nỗi muộn phiền về đứa con gái, đến lúc anh chết cũng không biết mà khóc thương.

Nửa tháng sau, thằng cháu đi biên giới về gọi cho chị. Nó òa khóc như đứa trẻ khi biết tin chú ruột yêu quý hôn mê mười mấy ngày chưa tỉnh. Mấy phút sau đến lượt chuông từ số con bé vang lên giục giã. Chị hấp tấp bấm trả lời, sự mừng rỡ khiến chị quên đi thái độ thù địch bấy lâu nó giành cho mình. Nhưng cũng chính nó đã giúp chị nhớ ra tình cảnh, vị trí của mình ngay lập tức:

- Ba tôi mô? Quẳng máy ba tôi đi mô mà nửa tháng ni tôi không gọi được?

Cơn giận trào lên quay cuồng. Bệnh tim bẩm sinh khiến chị luôn rèn cái đức nhẫn nhịn từ trẻ. Nhưng lần này, sự đi quá giới hạn của con bé làm chị mất kiểm soát. Thốt nhiên, chị muốn trả treo nó bằng sự thách đố lạnh lùng:

- Muốn gặp, cô hãy vào khoa… phòng… bệnh viện Trung ương Huế, muốn ba có ba, muốn điện thoại có điện thoại.

Cúp máy rồi chị ngồi hối hận. Dịch giã khiến cho sự lưu thông giữa tỉnh nọ tỉnh kia là cả một vấn đề nan giải. Bệnh viện chỉ cho phép duy nhất một người nhà ở lại trong bệnh viện chăm sóc bệnh nhân. Không có bất cứ ngoại lệ thăm nuôi nào. Nhưng rồi chị tặc lưỡi, xem như đó là phép thử lòng hiếu thảo của con bé với cha đến đâu. Sau đó chị chẳng nhận được cuộc gọi nào từ nó. Có thể nó không lọt vào được địa phận Huế. Có thể nó đã đến cổng bệnh viện mà người ta không cho vào. Chị thích giả thiết thứ hai hơn, nó khiến nỗi thất vọng trong chị vợi đi. Nếu anh có tỉnh dậy, chị sẽ nói giả thiết ấy với thái độ xác định là chuyện đó đã thực sự xảy ra. Điều đó sẽ an ủi cả chị lẫn anh.

- Có lúc em tưởng anh đã vuột khỏi tay em – chị thôi tư thế nhoài người ôm anh, ngồi ngay ngắn lên ghế, mắt ngấn nước. – Em đã nghĩ sẽ sống sao với cảm giác chênh chao đáng sợ của những ngày tháng đơn lẻ.

Cơn chóng mặt trong anh đã dịu. Những vết mổ đã kịp lên da non trước khi anh tỉnh lại đang bắt đầu gây ngứa ngáy. Trong khi cảm giác nhức buốt ở những chỗ xương gãy vẫn nhói lên từng chặp. Giữa lúc ấy thì con bé gọi:

- Ba tôi?

Chị vừa bấm vào biểu tượng loa ngoài thì âm thanh ấy vọt ra. Cùng lúc mặt anh méo đi và toàn thân co giật. Chị quẳng máy bổ nhào đi gặp bác sĩ. Con bé nghe thấy gì, cảm thấy gì chị cũng mặc. Khi mọi giới hạn đã vượt ngưỡng, thì niềm hy vọng vào sự thay đổi thật mong manh. Nếu có, liệu có bù đắp cho những cay nghiệt, hằn học bao lâu nó dành cho anh chị?

Từ Huế về, anh bảo đến thẳng nhà con gái. Có bao điều nung nấu kể từ sau lần vượt qua cơn co giật kịch phát ấy khiến anh luôn tư lự. Nó trở nên như thế là do anh. Anh đã tạo nên một đứa con chỉ biết nhận và hưởng thụ. Nhiều lần anh ốm liệt giường, anh đã không nghĩ đến chuyện dạy con cách chăm sóc cha, lo lắng cho cha. Anh lại gửi nó sang nhà anh ruột, tự mình thui thủi chống chọi với cơn ốm. Anh là người luôn mua quà cho nó, mà không bảo nó phải tặng quà lại cho cha vào bất cứ sự kiện quan trọng nào của cha. Giờ anh càng thấm thía, nếu không dạy cho con cái biết cách cho đi và chia sẻ từ nhỏ thì lớn lên đứa trẻ ấy rất dễ trở thành một sản phẩm lỗi về hành xử với đời, thậm chí với người thân.

Chị không dám động đến nỗi niềm sâu kín trong anh. Cuộc sống với những bất trắc luôn dạy chị nhiều điều bổ ích để luôn biết mình nên làm gì, vào lúc nào. Giờ đây, cảm tưởng như dù đất có sụt xuống, chị cũng bình thản đứng nhìn hoặc chấp nhận rơi xuống nếu cạnh chị có anh.

- Có những điều đáng lẽ ba nên nói với các con từ lâu. – Anh chậm rãi cẩn trọng buông từng chữ. Vợ chồng con bé và hai đứa nhỏ ngồi quây quanh chiếc bàn đá ngoài sân im re chờ đợi. – Thứ nhất, ba vừa từ cõi chết trở về sau gần hai tháng nằm viện. Cho đến giờ phút này, dì con, người đã bán cả đất đai cộng với công sức giành ba về từ cõi chết, mà con vẫn không một lời chào, một lời cảm ơn thì con là kẻ vong ân bội nghĩa. Thứ hai – anh ngừng lời nhìn hai đứa cháu xinh xắn, khỏe mạnh, cao giọng – Nếu con không chịu sửa đổi, hai đứa cháu của ba sau này cũng sẽ như con, ích kỷ, lạnh lẽo và cố chấp. Từ ngày mai, tất cả các cuộc gọi của con ba đều không nhận. Con đau ốm, vui buồn gì hãy dựa vào chồng con con mà đứng lên. Thứ ba, ba chính thức không coi con là con gái ba nữa. Bởi vì, ba đã nhân nhượng con quá nhiều, khiến con hư càng thêm hư. Thứ tư, điều này ba dành cho con rể: con là chồng, nó ngu thì có con điều chỉnh. Đằng này con vừa tham vừa ngu như nó. Ba coi thường một thằng đàn ông như con.

Anh lập cập đứng lên, tập tễnh bước ra xe taxi đang kiên nhẫn chờ. Chị hối hả xách túi chạy theo. Chị không muốn ngoái lại xem biểu cảm của chúng nó. Chị đoán chúng đang im lặng nhìn nhau, còn lòng chúng nghĩ gì chị không đoán được.

Nồi bánh lại tiếp tục nhẩn nha đòi chêm nước. Chị đã nấu xong món chè xanh đánh và đĩa xôi gấc thơm lừng. Bày biện lên một chiếc bàn hình chữ nhật. Ở đó, có bình mai mi ni chị tỉa từ vườn đang xòe cánh vàng rực. Và những thức quà tết nho nhỏ xinh xinh nghiêm ngắn cạnh nhau đợi thời khắc chuyển giao.

Đã gần 12 giờ đêm. Thằng cháu thăm chú một chốc đã lật đật chạy về đón giao thừa với vợ. Chợt con Khoang đứng phắt lên, nhào ra cổng sủa inh ỏi. Một chốc nó ngưng bặt, đuôi ngoe nguẩy dè dặt. Hai bóng người lớn và hai trẻ con lần lượt chui ra khỏi taxi.

- Con bé về!

Vợ chồng anh cùng lúc thốt lên đồng thanh. Hai đứa trẻ chạy ào vào ôm chầm lấy người ông đang đứng như hóa đá. Anh ngồi thụp xuống đón lấy hai đứa cháu bé bỏng. Chị bất giác nghe âm thanh lanh canh rất khẽ trong từng tế bào hân hoan của anh. Như nghe được tiếng róc rách của máu trong huyết quản bị nỗi xúc động vô bờ hối thúc. Nhưng tai chị lại ù, mắt lại mờ trước khuôn mặt nhòe nhoẹt và những van vỉ xin tha thứ. Chị láng máng thấy vẻ mặt thoắt giận dữ của anh ngay khi quay ra đối diện với vợ chồng con gái. Rồi lấy cớ thắp hương, anh đi vào nhà.

Càng ngỡ ngàng, con Khoang lần đầu tiên gặp chúng nó, sao có thể vẫy đuôi mừng? Như thể nó biết đó là ruột rà của anh?

Thắp hương xong, anh dắt hai đứa cháu ra thăm vườn mai vẫn ánh lên sắc vàng thẫm trong đêm tối. Ở đây chỉ có hoa cỏ, không có pháo hoa rực rỡ mừng đón giao thừa. Vài chú đom đóm lập lòe như những ánh mắt đêm thần bí. Con Khoang lon ton chạy theo ba ông cháu, hít hít vào đuôi áo phao thơm thơm mùi nước xả của bọn trẻ. Chẳng lạ lẫm, sợ sệt gì, hai đứa nhóc ngồi thụp xuống ôm lấy cổ con chó mặc nó liếm láp khắp đôi má non tơ. Anh gióng cổ nói to:

- Cứ như thể quen biết từ lâu! Tài thật! Đến con chó còn biết được đâu là người thân cơ đấy.

Chị thấy con gái anh đánh rơi que củi đang định chêm vào bếp, mặt thần ra đau đớn. Thôi! Có lẽ chẳng cần nói nhiều. Sự hối lỗi đôi khi không cần phải thốt ra lời mà vẫn có thể cho người khác thấy bằng hành động đầy thành ý. Chị chưa bao giờ giận con bé. Một đứa trẻ mồ côi mẹ từ năm 8,9 tuổi đã quá đủ thiệt thòi.

Bếp lửa vẫn nhiệt tình cháy trong màn sương đêm mỗi ngày một nặng hạt. Mưa xuân! Là mưa xuân buông xuống đúng thời khắc giao thừa. Con bé dè dặt xích vào sát chị, chắc muốn giảng hòa, chắc muốn nói lời gì đó. Chị kiên nhẫn chờ đợi, lắng nghe tiếng đêm tí tách rơi trên những tàng lá non, lắng nghe hương đêm đang chầm chậm ướp lên tóc, lên vai áo hai người phụ nữ đang ngại ngần cạnh bếp lửa nồng đượm.

Đã sang phía bên này của năm mới!

Văn nghệ, số 4+5+6/2022
Đến với bài thơ hay "Nụ hồng tháng Giêng" của Hồ Minh Tâm

Đến với bài thơ hay "Nụ hồng tháng Giêng" của Hồ Minh Tâm

Baovannghe.vn - Bài thơ trình ra một triết lý nhân sinh nhẹ nhàng, nhưng đầy suy nghiệm: Muôn vật trên đời vì nhau mà sinh ra, vì nhau mà tận hiến. Vệ đường làm gì còn cỏ hoa khi thiếu bụi và mưa.
Khai mạc phiên họp thứ 41 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội

Khai mạc phiên họp thứ 41 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội

Baovannghe.vn - Sáng ngày 6/1, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp thứ 41
Quả cầu Vàng lần thứ 82 vinh danh những câu chuyện nhân văn, sáng tạo

Quả cầu Vàng lần thứ 82 vinh danh những câu chuyện nhân văn, sáng tạo

Baosvannghe.vn - Hai bộ phim "The Brutalist" và "Emilia Pérez" dẫn đầu trong đêm trao giải Quả cầu Vàng lần thứ 82 với hàng loạt những chiến thắng ấn tượng.
Bản tin Văn nghệ ngày 6/1/2025

Bản tin Văn nghệ ngày 6/1/2025

Baovannghe.vn - Hồi sinh nghệ thuật hiện đại Đông Dương; Liên hoan phim Sinh viên TP.HCM, Xây dựng hồ sơ võ cổ truyền Bình Định ... là sự kiện chính đáng chú ý
Tuổi Tết - Thơ Đào Đức Tuấn

Tuổi Tết - Thơ Đào Đức Tuấn

Baovannghe.vn - Cái Tết qua ngõ/ hương bánh gọi vào