Không phải ngẫu nhiên, kể từ khi được xuất bản (tháng 4/2021) đến nay, quyển hồi ký của một người còn sống với tựa đề Thoát khỏi địa ngục Khmer Đỏ của nữ tác giả người Pháp gốc Việt Denise Affonco nhận được sự quan tâm sâu sắc của độc giả Việt Nam. Với tuổi đời chỉ hơn bốn năm, quyển hồi ký đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh mà lịch sử giao phó cho Denise Affonco, bà tái hiện lại một giai đoạn khốc liệt, tồi tệ và đẫm máu của đất nước Campuchia dưới sự cầm quyền của chế độ diệt chủng Pol Pot - Ieng Sary (Khmer Đỏ). Thoát khỏi địa ngục Khmer Đỏ được người Việt Nam đón nhận bởi không chỉ riêng nhân dân Campuchia mà hàng triệu người Việt Nam cũng là nạn nhân của Khmer Đỏ trong cuộc xâm lăng biên giới 1975 - 1979. Tác phẩm giúp độc giả hình dung một cách đầy đủ sự khốc liệt của chiến tranh, cảm nhận rõ những nỗi đau mà chiến tranh gây ra, những vết thương hằn in lên thân thể và số phận con người.
Chiến tranh biên giới Tây Nam đã kết thúc hơn 40 năm nhưng với những biến động trong khu vực hiện nay thì những bài học kinh nghiệm xương máu mà cuộc chiến đã mang lại vẫn còn nguyên giá trị! .Ảnh TL. |
Chiến tranh chống chế độ diệt chủng Pol Pot - Ieng Sary mãi là một sự kiện đau thương và hào hùng không thể nào quên trong lịch sử của hai dân tộc: Việt Nam - Campuchia. Đối với người Việt Nam, đấu tranh chống lại sự tàn phá và huỷ diệt của Khmer Đỏ không chỉ là nhiệm vụ tất yếu (bảo vệ Tổ quốc) mà còn là sứ mệnh quốc tế cao cả (giúp giải phóng nước bạn Campuchia, giúp dân tộc Campuchia thoát khỏi thảm hoạ diệt chủng). Song hành cùng những biến động dữ dội của Việt Nam và Campuchia sau năm 1975, một mảng sáng tác mới được hình thành, là “mảnh ghép” quan trọng hợp thành văn học hiện đại Việt Nam: mảng sáng tác về đề tài chiến tranh chống chế độ diệt chủng Pol Pot - Ieng Sary. Trong đó, đáng nói đến là thành tựu của thể loại tiểu thuyết. Dưới ngòi bút của các nhà văn, phần đông là những người từng góp mặt trong đoàn quân tình nguyện chiến đấu anh dũng ở chiến trường K sau khi đánh đuổi thành công giặc Pol Pot - Ieng Sary ra khỏi biên giới Tây Nam, diện mạo của chiến tranh biên giới hiện lên chân thực đến xót xa trong mảng tiểu thuyết đặc biệt này.
1. Một giai đoạn đầy biến động của lịch sử
Sau ngày đất nước thống nhất (30/4/1975), khi cả dân tộc còn đang say sưa trong niềm vui chiến thắng đế quốc Mỹ, thì sự xuất hiện của tập đoàn diệt chủng Pol Pot - Ieng Sary trên đảo Thổ Chu đã phá tan giấc mộng về một cuộc sống thanh bình. Thành công trong kế hoạch đánh chiếm thủ đô Phnôm Pênh, Pol Pot tràn sang biên giới Tây Nam bắt giữ và thủ tiêu hàng chục ngàn dân thường, đốt cháy nhà cửa, xóa sổ nhiều làng mạc, xác định Việt Nam là kẻ thù số một - kẻ thù truyền kiếp.
Trong bảng tổng kết những đau thương mà dân tộc ta phải hứng chịu trong cuộc xâm lăng của chế độ diệt chủng Pol Pot - Ieng Sary, Trung tướng Lê Hai đã viết: “Kể từ tháng 05/1975 đến ngày 23/12/1978, chúng đã giết hại hơn 5.000 dân thường Việt Nam, làm bị thương gần 5.000 người, bắt và đưa đi thủ tiêu hơn 20.000 người. Hàng ngàn trường học, bệnh viện, cơ sở y tế, nhà thờ, chùa chiền bị đốt phá, hàng ngàn trâu bò bị cướp, giết, hàng ngàn hecta lúa màu bị phá hoại. Hàng vạn hecta ruộng đất và đồn điền cao su ở vùng ven biên giới Tây Nam bị bỏ hoang, nửa triệu dân sát biên giới phải bỏ nhà, bỏ đất, bỏ ruộng chạy dạt về phía Đông, sống chen chúc bên những hố bom B52 chưa kịp lấp”[1].
Trước tình hình đó, Quân đội nhân dân Việt Nam vẫn giữ vững khí tiết, nhanh chóng phản công, quyết tâm bảo vệ biên giới Tây Nam và vạch trần âm mưu xâm lược của Khmer Đỏ. Khi đã đánh đuổi Pol Pot ra khỏi lãnh thổ Việt Nam, từ cuối năm 1978, cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam được mở rộng ra thành cuộc chiến giúp nhân dân Campuchia lật đổ chế độ diệt chủng tàn bạo. Trước lời kêu gọi trợ giúp của Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia, các chiến sĩ tình nguyện Việt Nam đã sẵn sàng lên đường vì nước bạn.
Hiện thực khốc liệt của cuộc chiến tranh chống chế độ diệt chủng Pol Pot - Ieng Sary và số phận của chiến sĩ tình nguyện đã được các cây bút tái hiện trong nhiều tiểu thuyết có giá trị văn học, văn hoá, lịch sử. Phần lớn, những tiểu thuyết này đều thoát khỏi kiểu “văn học minh hoạ” (chữ dùng của Nguyễn Minh Châu), mang đậm dấu ấn tiểu thuyết hậu hiện đại phương Tây. Một số cây bút thành công trong thể loại tiểu thuyết, có thể kể đến: Nguyễn Ngọc Tiến, Bùi Thanh Minh, Nguyễn Tam Mỹ, Đoàn Tuấn, Khuất Quang Thuỵ, Sương Nguyệt Minh, Nguyễn Trí Huân, Nguyễn Thành Nhân, Nguyễn Quốc Trung... và gần nhất là Thương Hà - một cây bút tiểu thuyết trẻ cũng đau đáu về đề tài chiến tranh chống chế độ diệt chủng Pol Pot - Ieng Sary.
2. Hình tượng chiến sĩ tình nguyện trong tiểu thuyết về chiến tranh chống chế độ diệt chủng Pol Pot - Ieng Sary với những chấn thương “di căn”
Từ nỗi đau thân thể
Lịch sử hai dân tộc Việt Nam và Campuchia có điểm chung là cùng hứng chịu thảm hoạ diệt chủng Pol Pot - Ieng Sary (Khmer Đỏ). Những năm tháng tăm tối đó, dấu giày Pol Pot đi đến đâu là đẫm máu đến đó, những hố chôn tập thể có mặt khắp nơi.
Từ vết thương trên thân thể con người trong cuộc chiến tranh chống chế độ diệt chủng Pol Pot - Ieng Sary đến vết thương trên thân thể nhân vật trong văn học nói chung, tiểu thuyết nói riêng là cả một quá trình giãi bày, thể nghiệm những “kinh nghiệm chấn thương” (experience trauma) của người cầm bút. Xây dựng hình tượng con người chấn thương cũng là cách nhà văn “tự thú” vết thương của chính mình, phản ánh vết thương của đồng loại trong hoàn cảnh lịch sử khốc liệt, đầy thử thách.
Bom đạn chiến tranh đóng đanh lên da thịt người lính những vết thương sâu xoáy. Huy trong Mùa xa nhà (Nguyễn Thành Nhân) gãy xương đùi trong cuộc đọ súng với địch ở rừng vào một đêm cuối thu. Quân y viện Huy nằm là nơi tập hợp nhiều bệnh binh, thương binh, họ mang trên mình những vết thương khác nhau, có người mất hẳn một phần cơ thể: “Bệnh binh thì không kể, còn thương binh, nhẹ nhất cũng cỡ anh - gãy xương đùi. Còn có nhiều người cụt một chân, hai chân hay những vết thương nặng hơn”. Khác với Huy, vào những ngày cuối cùng của chiến tranh, Tùng trong Miền hoang (Sương Nguyệt Minh) rơi vào sào huyệt của tàn quân Pol Pot, bị bắt làm tù binh. Khi lưu lạc ở vùng rừng Tây Bắc Campuchia hoang sơ, Tùng đã bị tra tấn hết sức dã man. Những hình thức trừng phạt bạo liệt của tên chỉ huy đám tàn quân Pol Pot, cơn sốt rét sinh tử, cuộc tấn công của thú rừng, những vết thương... đã làm biến dạng thân thể của anh lính tình nguyện Việt Nam. Những vết sẹo trên người Tuấn trong Không phải trò đùa (Khuất Quang Thuỵ) là vết tích của hai cuộc chiến tranh tàn khốc mà dân tộc phải hứng chịu: “những mảng sẹo napan đỏ lòm” ghi dấu một thời đế quốc Mỹ tấn công người Việt bằng bom napan trong chiến dịch “chiến tranh cục bộ”; “những máu của vết thương mới” trong cuộc đấu tranh chống Pol Pot tại chiến trường K. Với người trong cuộc, những vết thương đó chưa bao giờ được xem là huân chương mà lịch sử đã trao tặng cho họ trong cuộc đấu tranh vì chính nghĩa. Đỉnh cao của chấn thương là cái chết. Trong các tiểu thuyết về chiến tranh chống chế độ diệt chủng Pol Pot - Ieng Sary, đặc biệt là những tiểu thuyết ra đời sau năm 2000, “độ lùi thời gian” tạo điều kiện cho tác giả phản tư quá khứ, phản ánh chân thật mất mát, hy sinh của con người trong cuộc đảo điên của lịch sử. Ban đầu là những cái chết cá nhân (chấn thương cá nhân): sự hy sinh của chính trị viên phó đại đội Vinh (Lính Hà, Nguyễn Ngọc Tiến) bởi “đạn xuyên qua ngực, lưng anh Vinh bị phá một mảng, máu đẫm đen áo xanh”, “xác anh Vinh đã trương”, Khải (Miền hoang, Sương Nguyệt Minh) chết “không toàn thây” bởi B40, “toàn bộ phần thái dương và má bay mất”, Trí và Viễn (Dưới tán rừng thốt nốt, Nguyễn Tam Mỹ) chấn thương với những dạng thức khác nhau: “Quả mìn KP2 bung lên, nổ oàng, tiện đứt ngang đôi chân thằng Trí”, Viễn “bị thương nặng”, “đôi chân dập nát đến đùi, xương tuỷ lòi ra trắng hếu”. Sau đó là những cái chết tập thể (chấn thương tập thể) mà xót xa hơn cả là sự ra đi của mấy cô gái trong tiểu đội thanh niên xung phong (Hoang tâm, Nguyễn Đình Tú) do lính Pol Pot hành xác như Hằng “bị cắt đứt cuống họng, chết trong tư thế ngồi, tay buông thõng, hai gối chạm vào nhau”, Gấm “là người duy nhất bị bọn K cắt đầu”, “xác Gấm được vứt ngay gần lán trại, trong một tư thế như con ếch nằm ngửa, cửa mình bị cắm một củ sắn”, “đầu Gấm được cắm vào một ngọn măng mới nhú”, hàng chục cô gái khác không rõ tên tuổi bị phanh thây hiện ra dưới ngòi bút tả thực đầy ám ảnh của Nguyễn Đình Tú: “chục cái xác rải khắp khu đồng trống”, “ba ngón tay bết máu bị chém lìa”, “những mẩu thịt vung vãi”, “một đoạn tóc, một mảng da đầu, một cánh tay, một ống chân, một con mắt, một mẩu môi, một vành tai, một chóp mũi, một đầu vú, một mảnh mông...”. Pol Pot chẳng những gây ra những cuộc thảm sát man rợ, đẫm máu mà còn giẫm đạp lên quan niệm “chết toàn thây” của con người phương Đông (vốn xuất phát từ đạo hiếu của Nho gia). Mọi hành động trái đạo lý của chế độ diệt chủng Pol Pot - Ieng Sary bắt nguồn từ chủ nghĩa dân tộc cực đoan (extreme nationalism), sô vanh (chauvinism), vị chủng (ethnocentrism). Chấn thương thân thể của chiến sĩ tình nguyện trong tiểu thuyết về chiến tranh chống chế độ diệt chủng đã vận hành từ chấn thương cá nhân đến chấn thương tập thể, chấn thương dân tộc, chấn thương văn hoá và đỉnh điểm là chấn thương lịch sử. Rõ ràng, Việt Nam và Campuchia (đặc biệt là Campuchia) giai đoạn này đã chấn thương nghiêm trọng, khắc vào lịch sử những nỗi đau mà đến nay vẫn chưa thể chữa lành.
... đến nỗi đau tinh thần
Tội ác của chế độ diệt chủng Pol Pot - Ieng Sary, những đau thương, mất mát, hy sinh của đồng đội đã hằn sâu trong tâm hồn người lính tình nguyện những vết thương vô hình. Không lở loét hay toát máu, triệu chứng của những vết thương đó là nỗi ám ảnh triền miên, trạng thái căng thẳng, hồi hộp, âu lo, hãi hùng. Mọi hình ảnh man rợ, kinh khủng trên cái nền đổ nát của cuộc chiến đã di dời vào trong đời sống tinh thần của người lính tình nguyện. Sau năm 1975, Quân đội nhân dân Việt Nam không chỉ chiến đấu bảo vệ Tổ quốc trên lãnh thổ Việt Nam (dọc tuyến biên giới Tây Nam) mà còn hành binh đến chiến trường K (Campuchia), giúp nước bạn đánh tan tập đoàn Pol Pot - Ieng Sary đang nuôi giấc mộng về một xã hội “không tưởng”, thực thi chính sách diệt chủng tàn bạo. Tình hình Campuchia sau năm 1975 vô cùng căng thẳng, cùng với những cảnh Khmer Đỏ tra tấn, thanh trừng đồng loại, nhiều chiến sĩ tình nguyện Việt Nam hy sinh trên đất bạn, vĩnh viễn không thể ngắm mặt trời mọc trên quê hương, Tổ quốc của mình,... Tất cả những điều đó đã đánh một đòn đau nhói vào tâm hồn của người lính tình nguyện, gây thương tổn nghiêm trọng.
Hình ảnh người chiến sĩ tình nguyện với nỗi đau tinh thần được những nhà văn Sương Nguyệt Minh, Nguyễn Ngọc Tiến, Nguyễn Tam Mỹ, Nguyễn Thành Nhân, Nguyễn Đình Tú... phát hiện, tái hiện trong tiểu thuyết, tập trung đào sâu vào đời sống tinh thần con người. Hoảng loạn, khiếp đảm trước cái chết của người đồng đội thân thiết, “Trung gấu” (Mùa xa nhà, Nguyễn Thành Nhân) rơi vào trạng thái khổ đau, giày vò, lo âu, sợ hãi, không làm chủ được bản thân: “Trừ những lúc nổ súng đánh nhau, Trung có vẻ lầm lì nhưng còn linh hoạt chút xíu, ngoài ra, mọi sinh hoạt khác, anh làm gì cũng ngơ ngẩn, ngẩn ngơ”, “Anh đi ra xa, tới một chỗ vắng người, ngồi sụp xuống, khóc nghẹn ngào rất lâu”, thậm chí “Có lúc anh nhớ tới cảnh tượng A trưởng Trung nằm đó, đôi mắt khép hờ, thân hình đẫm máu, mà cứ ngỡ mình vừa qua một cơn ác mộng”. Với Tùng (Miền hoang, Sương Nguyệt Minh), cảnh đồng đội hy sinh trong những ngày đối đầu với “lính áo đen”, cảnh Lục Thum và tên tay sai (Rô) tấn công tình dục cô gái câm Sa Ly và dùng vũ lực để khuất phục anh trong những ngày lưu lạc ở vùng lam sơn chướng khí phía Đông Bắc (Campuchia), hình ảnh những bộ phận trên cơ thể Lục Thum hoại tử dần do bị nhiễm trùng, cảnh ăn thịt đồng loại, những hố chôn tập thể đã phân huỷ, trên mặt hố đầy váng mỡ người... khiến anh rợn người, nứt toác tâm hồn, rã rời thân xác. Những vết thương tinh thần không thể lành lặn sau khi chiến tranh kết thúc, cũng chẳng có thứ thuốc nào chữa nỗi vết thương ấy. Một khi nó đã di dời từ đau thương thể xác thì nó sẽ ở mãi, giằng xé mãi trong nội tâm con người. Chiến tranh đi qua, nhưng những hồi ức đau thương về nó vẫn còn. May mắn sống sót và trở về từ chiến trường K, những người lính tình nguyện Việt Nam tiếp tục gặm nhấm nỗi đau từ những sang chấn tinh thần mà người ngoài cuộc khó có thể thấu hiểu rốt ráo. Không một tấm huân chương nào có thể xoa dịu được, những trạng thái khổ sở khác nhau tiếp tục dày vò, hành hạ người lính, khiến anh trở nên thu mình, cảm giác bị tách khỏi cuộc sống thực tại. Từ chiến trường trở về thủ đô Hà Nội, Tiến (Lính Hà, Nguyễn Ngọc Tiến) mắc phải chứng “sốt rét thần kinh” - một loại tâm bệnh mà triệu chứng của nó là sự hiện diện của những ám ảnh chiến tranh kinh hoàng: “Chẳng đêm nào tôi trọn giấc”, “Khi cơ thể run rẩy trong đống chăn dày thì trong đầu tôi lại hiện ra, như một cuốn phim quay chậm, chiến trường ngày ấy”. Phiên (Dưới tán rừng thốt nốt, Nguyễn Tam Mỹ) bình an vô sự trở về nước, nhưng biết bao đồng đội của anh đã hy sinh, để lại trong anh một khoảng trống không gì bù đắp được. Lời độc thoại của Phiên ở trang cuối cùng của tiểu thuyết: “Đâu là nơi thằng Trúc, thằng Khả yên nằm? Đâu là nơi anh Vinh an nghỉ? Tôi không khóc nhưng nước mắt cứ ứa ra, lăn dài trên má” là minh chứng nỗi đau không thể chữa lành, sự mất mát lớn lao trong anh. Khác với Tùng (Miền hoang), Tiến (Lính Hà), Phiên (Dưới tán rừng thốt nốt), nhân vật Anh (Hoang tâm) trở thành nạn nhân của chiến tranh với những chấn thương nặng nề về thân thể, sinh lý lẫn tâm lý. Cảnh mấy cô gái trong tiểu đội thanh niên xung phong bị phanh thây, chết tức tưởi dưới tay Pol Pot để lại những ám ảnh, khiếp đảm trong Anh: “Nó ám lấy đầu óc Anh, hễ có dịp là lại hiện về bủa vây, bóp nghẹt lồng ngực tưởng đã bê tông hóa trước vô vàn những biến cố của cuộc đời”. Biên độ di dời của chấn thương ở nhân vật Anh khá rộng, tâm lý sợ hãi, e dè do trong đầu bị những hình ảnh chết chóc bám riết đã khiến cho bộ phận sinh dục của Anh tạm mất chức năng vốn có: “Anh không cương lên được, vẫn thõng xuống, như trái chuối bóc vỏ treo bên cạnh hai quả chanh úng, dù đầu khấc lộ ra ngoài, tròn trịa và cân đối”. Anh điển hình cho tình trạng con người bước ra từ cuộc chiến nhưng không thể hòa nhập được với thực tại, tâm hồn dị dạng, méo mó, “anh sống trong nỗi thống khổ của một kẻ không sao ru ngủ được chính mình”.
Thông qua những sang chấn tinh thần, di căn từ nỗi đau thể xác (và ngược lại), có thể thấy, các nhà văn trong mảng sáng tác về đề tài chiến tranh chống chế độ diệt chủng Pol Pot - Ieng Sary đã đào sâu vào thế giới bên trong con người. Thẳm sâu trong thân thể người là đời sống tinh thần, tâm hồn. Thân xác và tâm hồn luôn hoà quyện vào nhau, khi một trong hai chấn thương, thì cái còn lại cũng sẽ bị đe dọa và rất khó tránh khỏi tình trạng di dời. Những chấn thương tinh thần con người trong thời kỳ chế độ diệt chủng Khmer Đỏ cầm quyền là chứng cứ tội ác của tập đoàn diệt chủng Pol Pot - Ieng Sary, đồng thời cũng là minh chứng cho sự chao đảo, bấn loạn của con người trong hoàn cảnh lịch sử đầy thử thách.
Chân dung con người với những chấn thương thân thể và chấn thương tinh thần trong văn học hiện đại Việt Nam viết về đề tài chiến tranh chống lại nhà cầm quyền Khmer Đỏ cũng chính là những hình ảnh phóng chiếu từ đời thực. Phần lớn những tiểu thuyết về chiến tranh chống chế độ diệt chủng ra đời sau khi cuộc chiến tranh máu lửa chống lại tập đoàn diệt chủng Pol Pot - Ieng Sary kết thúc một thời gian, “độ lùi” của năm tháng cùng với sự chững lại của cảm xúc, sự trưởng thành của ngòi bút tạo điều kiện cho tác giả nhìn lại và đối mặt với những vết thương đã qua. Tự thú những chấn thương “kép”, khám phá các vết thương con người cũng là một trong những cách nhà văn nỗ lực chữa lành vết thương cho chính mình để hoà nhập với thời cuộc. Bên cạnh đó, phải khẳng định rằng, việc các nhà văn viết về những chấn thương của con người trong chiến tranh và việc nghiên cứu những vết thương của nhân vật trong văn học viết về một giai đoạn lịch sử bi hùng không phải nhằm mục đích khơi nhắc những nỗi đau của chiến tranh mà đáng lẽ cần nên quên lãng. Khi dũng cảm ngoái đầu nhìn lại lịch sử, mỗi người càng trân trọng hơn nền hoà bình hiện tại, bởi lẽ nền hòa bình vốn dĩ được đánh đổi bằng nước mắt, máu xương của dân tộc.
[1] Trích trong tuyển tập Việt Nam trong thế kỷ XX, NXB Chính trị quốc gia phát hành năm 2011, tr. 149.
* Tham luận tại Hội nghị Lý luận phê bình lần thứ V