Diễn đàn lý luận

Trải nghiệm nữ giới về chiến tranh ở Việt Nam: Góc nhìn so sánh văn xuôi đương đại Việt - Mĩ

TS. Đặng Thị Bích Hồng
Lý luận phê bình
06:00 | 14/12/2024
Baovannghe.vn - Có thể khẳng định rằng, trải nghiệm của nữ giới về chiến tranh đã trở thành một chủ đề quan trọng trong văn xuôi Việt Nam đương đại. Đây là mạch nguồn phong phú của văn chương Việt
aa

Cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của đế quốc Mĩ đã kết thúc gần tròn 50 năm nhưng trong đời sống văn học, hiện thực cuộc chiến ấy vẫn luôn là nguồn đề tài chưa bao giờ vơi cạn, vẫn tiếp tục truyền cảm hứng để các cây bút khơi thênh hành trình sáng tạo. Có thể dễ dàng liệt kê tên tuổi các nhà văn Việt Nam thuộc nhiều thế hệ mà văn nghiệp của họ được ghi dấu bởi những tác phẩm quan trọng viết về đề tài chiến tranh và người lính như Nguyễn Minh Châu, Chu Lai, Bảo Ninh, Khuất Quang Thụy, Trung Trung Đỉnh, Lê Minh Khuê, Nguyễn Bình Phương, Sương Nguyệt Minh, Nguyễn Ngọc Thuần, Đỗ Tiến Thụy… Bên cạnh đó, không ít nhà văn Hoa Kì cũng viết về cuộc chiến tranh ở Việt Nam như một cách chiêm nghiệm, chất vấn về lịch sử, về lí tưởng đạo đức, về chủ nghĩa anh hùng: David Halberstam, John Del Vecchio, Philip Caputo, Tim O’Brien, Gustav Hasford, Stephen Wright, Ward Just, Lynda Van Devanter, Winnie Smith… Nhìn riêng vào bộ phận văn xuôi đương đại Việt - Mĩ viết về trải nghiệm nữ giới liên quan đến chiến tranh ở Việt Nam, có thể nói, mảng đề tài này đã đem tới nhiều đóng góp mới mẻ cho diễn ngôn văn học chiến tranh.

Trải nghiệm nữ giới về chiến tranh ở Việt Nam: Góc nhìn so sánh văn xuôi đương đại Việt - Mĩ
Mơ đời chiến sĩ. Tranh của họa sĩ Mai Văn Hiến

Tại sao bài viết đặt vấn đề về những trải nghiệm nữ giới trong văn học chiến tranh? Điều này xuất phát từ luận điểm của các nhà phê bình nữ quyền trên thế giới nghiên cứu sự liên hệ giữa phụ nữ và chiến tranh. Họ bác bỏ giả định cho rằng bạo lực giới là một vấn đề cá nhân hoặc riêng tư cần được tiếp cận từ góc độ tâm lí. Sự phân chia hai phạm vi đối lập là riêng tư và công cộng trở thành nguyên nhân dẫn tới tình trạng phi chính trị hóa lĩnh vực riêng tư, tạo nên mối quan hệ quyền lực giữa nam giới và nữ giới, củng cố sự phụ thuộc của nữ giới trong các vấn đề kinh tế, xã hội và chính trị. Phụ nữ xuống hạng với các công việc gia đình, trách nhiệm của họ đối với hoạt động chăm sóc củng cố tiêu chuẩn tham gia chính trị và nguồn lực kinh tế như một đặc quyền của nam giới. Khái niệm chính trị được định vị trong phạm vi công cộng và vấn đề bạo lực được liên kết với những trận xung đột vũ trang, những phong trào xã hội, những cuộc chiến tranh. Trong khi đàn ông và nam tính liên quan đến chiến tranh, xâm lược thì phụ nữ và nữ tính gợi hình dung về cấu trúc xã hội thụ động, hòa bình. Sự phân biệt nam giới là kẻ xâm lược và phụ nữ là nạn nhân thụ động dẫn đến tình trạng chối từ tiếng nói và sự hiện diện của phụ nữ trong chiến tranh. Susan Farrell chỉ ra rằng: trong những ghi chép về chiến tranh thế kỉ XX, các nhân vật nữ hiếm khi tồn tại ngoại trừ các vị trí ngoại vi, được miễn khỏi bạo lực chiến tranh và do đó, họ không biết gì về những trải nghiệm chiến tranh thực sự cũng như hậu quả khủng khiếp của nó. Theo tác giả, quan điểm này đã đặt người phụ nữ ra ngoài trải nghiệm chiến tranh trong các tác phẩm văn học kinh điển như Huy hiệu đỏ của lòng dũng cảm (Red Badge of Courage, 1895) của Stephen Crane, Phía tây không có gì lạ (All Quiet on the Western Front, 1929) của Erich Maria Remarque. Tác giả nhận định: “Rất nhiều tác phẩm văn học về chiến tranh ở Việt Nam đã sao chép các quan niệm truyền thống của phương Tây về giới tính và do đó củng cố những niềm tin của thể chế gia trưởng” (Farrell: 1). Tuy nhiên, từ ngữ chìa khóa của Farrell là “nhiều” - không phải tất cả. Chối từ góc nhìn nam giới trung tâm luận, phê bình văn học nữ quyền gợi ý cách tiếp cận đề tài chiến tranh như là một cấu trúc giới tính.

Trong một nghiên cứu về Tim O'Brien, Kinh nghiệm nữ giới về chiến tranh trong “Những thứ họ mang” của Tim O'Brien, Katherine Dabrieo chỉ ra rằng, không chỉ đàn ông mà cả những người đàn bà Mĩ bước ra khỏi cuộc chiến tranh ở Việt Nam đều mang về những vết thương cùng những câu chuyện để kể. Theo Dabrieo, mặc dù phần lớn văn học Việt Nam, và cả điện ảnh, được sản xuất bởi những người đàn ông để quảng bá huyền thoại về những nam chiến binh nhưng “những người phụ nữ tham chiến cũng đã viết những câu chuyện của họ, cố gắng tạo ra hình tượng nữ anh hùng bên cạnh hình tượng nam anh hùng” (Dabrieo 8). Về khía cạnh này, tác giả khẳng định: “Văn học Việt Nam đã làm theo [đưa người phụ nữ vào vị trí trung tâm của văn học chiến tranh - ĐTBH chú thích] nhưng chỉ ở một mức độ hạn chế” (Dabrieo 8). Văn học Việt Nam về đề tài chiến tranh dù không phải là đối tượng nghiên cứu trong công trình của Dabrieo nhưng tác giả đã có những liên hệ so sánh để cho thấy sự thay đổi ít nhiều lực lượng sáng tác cũng như đối tượng phản ánh của văn học Việt Nam về phụ nữ và chiến tranh. Tuy nhiên, nhận định đó là cái nhìn từ bên ngoài và chưa phản ánh đầy đủ tình hình văn học Việt Nam đương đại liên quan đến trường chủ đề này. Những nhận định theo hướng như vậy, có thể là, có căn nguyên từ quan điểm Hoa Kì trung tâm luận, như Viet Thanh Nguyen đã chỉ ra rằng: “Văn học về chiến tranh Việt Nam của người Mĩ hiện đang bị kẹt trong một thứ chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi chỉ nhấn tới trải nghiệm và đau khổ của nhóm người này mà làm mờ đi những nhóm người khác” (dẫn theo Trần Đăng Trung 2018: 276). Tiếp cận văn xuôi đương đại Việt Nam - Hoa Kì viết về những trải nghiệm của nữ giới liên quan đến cuộc chiến tranh mà đế quốc Mĩ tiến hành trên lãnh thổ Việt Nam là cách để giải diễn ngôn “chủ nghĩa dân tộc” của văn học Mĩ vốn được hỗ trợ để trở nên phổ biến và chính thống bởi sức mạnh của nền công nghiệp văn hóa hùng hậu, làm đầy thêm xu hướng diễn giải theo tinh thần “chủ nghĩa quốc tế” về đề tài chiến tranh ở Việt Nam trong văn học Việt - Mĩ.

1. Văn học chiến tranh vốn là một chủ đề đáng chú ý bởi xu hướng gạt bỏ các nhân vật nữ ngay cả khi họ thực sự hiện diện. Nhìn vào nền văn chương Hoa Kì đương đại, có thể thấy, những trải nghiệm của phụ nữ Mĩ trong chiến tranh ở Việt Nam vừa là mảng hiện thực nhiều sức hút đối với các nhà văn Mĩ, vừa là một chủ đề nhận được sự quan tâm nghiên cứu của nhiều học giả trên thế giới. Thời điểm xảy ra cuộc chiến tranh ở Việt Nam cũng là lúc phụ nữ đang tạo ra những thay đổi to lớn trong xã hội Mĩ để bước vào vị trí trung tâm. Do đó, văn học về chiến tranh ở Việt Nam cung cấp nhiều thông tin thú vị để xem xét chân dung các nhân vật nữ trong bối cảnh phong trào phụ nữ đang phát triển. Văn chương trở thành một trong những phương tiện trả lại tiếng nói cho nữ giới. Có thể kể tới những cây bút đã có nhiều đóng góp quan trọng ở mảng đề tài này như Lynda Van Devanter, Winnie Smith, Tim O’Brien…

Vào cuối những năm 1960, Lynda Van Devanter trở thành tình nguyện viên phục vụ tại cuộc chiến tranh ở Việt Nam với tư cách là nữ quân y. Cuốn hồi kí Home Before Morning: The Story of an Army Nurse in Vietnam của Van Devanter được xuất bản lần đầu tiên năm 1983, khi VWMP (Vietnam Women’s Memorial Project) chưa được thành lập và điều đó đồng nghĩa với việc chưa có bất kì một công nhận chính thức nào về sự hiện diện của Van Devanter nói riêng và các nữ y tá Mĩ nói chung tại Việt Nam. Trở lại với lựa chọn trở thành y tá của Van Devanter, hành vi này không chỉ xuất phát từ đam mê cá nhân mà còn liên quan tới những huyền thoại cộng đồng phổ biến lúc bấy giờ, như Elizabeth Norman (1990: 8) đã viết, điều dưỡng là một lựa chọn nghề nghiệp hợp lý cho những phụ nữ trẻ vào cuối những năm 1950, bởi vì các cô gái vào thời điểm đó đã học cách “xem bản thân mình trong mối quan hệ với người khác, như những người mẹ, người chị và người bạn - không phải là những cá nhân”, và “nhiệm vụ chăm sóc người khác là cốt lõi của nghề này”. Cùng với đó, Van Devanter bước vào cuộc chiến trong tâm thế hào hứng của những con người được trao sứ mệnh cứu lấy thế giới. Điều này bắt nguồn từ lời thuyết phục về thứ “tình cảm cao quý” mà John Fitzgerald Kennedy đã truyền tới những người trẻ: họ là “một phần của một quốc gia công bằng và danh dự” (Van Devanter 2001: 29) với sứ mệnh giúp đỡ những con người “khốn khổ hàng loạt” và “bảo vệ tự do [của họ]” vì “điều đó là đúng” (30). Người phụ nữ trẻ tuổi khi ấy còn bước vào chiến tranh với một niềm tin ngây thơ rằng “y tá không bị giết” vì họ đều ở “khu vực phía sau” và “bệnh viện vô cùng an toàn” (49). Nhưng thực tế là, cuộc chiến không lâu sau đã khiến Van Devanter đổ vỡ niềm tin, buộc bà phải đặt lại những câu hỏi. Không chỉ là những vấn đề liên quan đến sự sống và cái chết, lành lặn và chấn thương, thực tế chiến trường còn buộc người phụ nữ phải đối mặt với vô số tình huống phi tính nữ. Van Devanter chua chát nhận ra rằng, trong khi các nhà lãnh đạo quân đội đòi hỏi kĩ năng chuyên môn của y tá, họ lại không làm gì nhiều để đáp ứng nhu cầu cá nhân của y tá; những trạm bán hàng quân đội của Mĩ dự trữ rất nhiều bao cao su cho nam giới, nhưng không có băng vệ sinh hoặc đồ dùng vệ sinh cá nhân cho nữ giới; binh lính được chấp nhận “quan hệ” với nhiều gái mại dâm trong khi quan hệ tình dục của y tá bị xem là “không có nữ tính” (122)… Người phụ nữ từng cố gắng duy trì thái độ “cứng rắn” khi thực hiện nhiệm vụ của một y tá đã buộc phải thú nhận: “Tôi mất kiểm soát và trở nên cuồng loạn - tôi trở thành một người hoang dã, khóc nức nở và run rẩy không kiểm soát được. ‘Tôi muốn cha tôi,’ tôi hét lên, ‘Tôi muốn mẹ tôi, tôi muốn về nhà, Việt Nam thật tệ, chúng tôi không thuộc về nơi này. Điều này là sai trái" (Van Devanter 2001: 173). Và bước ra khỏi cuộc chiến, y tá “không được tính” là những cựu binh thực sự. Van Devanter phát hiện ra rằng, không có tổ chức nào lưu giữ hồ sơ chính thức về số lượng phụ nữ phục vụ [ở bất kì cương vị nào] tại Việt Nam. Home Before Morning ghi lại chân thực những chấn thương chiến tranh cùng hành trình dài đau đớn để phục hồi trong thời kì hậu chiến. Cuốn sách vạch trần sự bất ổn trong các chính sách đối ngoại của chính phủ Hoa Kì tại Việt Nam - thứ chính sách đã đẩy những người lính và cả những y tá trẻ tuổi vào vòng nguy hiểm. Nó trở thành tiếng nói đại diện cho lớp người sống sót đang “viết lại những sự kiện đau thương đã cắt đứt mối liên hệ của họ với phần còn lại của xã hội” (Tal 1996: 122).

Cùng là tác phẩm hồi ký về quãng thời gian làm y tá trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam, cuốn American Daughter Gone to War của Winnie Smith xuất bản vào năm 1992 đã chia sẻ với hồi kí của Van Devanter về một thực tế nghịch lí là: các y tá thường xuất hiện như những nhân vật chính bị gạt ra ngoài lề bên cạnh câu chuyện về chiến tranh của nam giới. Tuy nhiên, mỗi nữ nhà văn đều tiếp cận quyền lực trong những câu chuyện mà họ là nhân vật trung tâm theo một cách độc đáo: Van Devanter cung cấp những chi tiết của kí ức bị chấn thương; Winnie Smith đồng nhất vị thế nữ giới và nam giới trên chiến trường. Trong cuốn sách của mình, Winnie Smith thường xuyên mô tả mối liên hệ giữa nữ y tá với những nam quân nhân bị thương mà tác giả gọi là các chiến binh. Đây là cách để nhà văn thiết lập quyền lực cho những trải nghiệm của nữ y tá. Chiến lược thiết lập thẩm quyền này đồng thời giải thích cho cách đặt phụ đề văn bản của Winnie Smith: Trên tuyến đầu với một y tá quân đội tại Việt Nam. Theo nghĩa đen, nhiệm vụ của một ý tá tại bệnh viện vốn không được đặt ở vị trí tuyến đầu. Việc sử dụng cụm từ “trên tuyến đầu” (On the Front Lines) cho thấy ngụ ý khẳng định vai trò của nữ y tá như là một người lính chiến đấu. Cuốn sách thể hiện nỗ lực tháo dỡ những hạn chế về thẩm quyền tiếng nói nữ để kiến tạo bản sắc nữ giới ngang hàng với bản sắc nam giới.

Trong bài viết Những cô gái nguy hiểm: Y tá Mĩ và bản sắc giới tính trong chiến tranh thế giới thứ nhất và Việt Nam, Carol Acton thừa nhận khoảng cách giữa nam giới và nữ giới trong kinh nghiệm về chiến tranh: “Văn hóa đại chúng cũng như hầu hết các công trình nghiên cứu lịch sử và phê bình về Việt Nam vẫn tập trung vào nam giới với tư cách là những người kể chuyện chiến tranh vĩ đại” (Acton 2014: 87). Tác giả tạo ra mối liên hệ giữa việc “loại trừ văn hóa và văn học” của phụ nữ với việc “chính thức loại trừ phụ nữ ra khỏi vùng chiến sự theo định nghĩa của quân đội” (88). Mặt khác, Carol Acton khẳng định, những câu chuyện của Van Devanter và Winnie Smith đại diện cho một bước quan trọng của phụ nữ trong khu vực văn học này. Bài viết nhấn mạnh sự căng thẳng giữa kinh nghiệm của phụ nữ về chiến tranh với khuôn mẫu về người phụ nữ truyền thống. Là một y tá phục vụ trong cuộc chiến ở Việt Nam, Van Devanter lưu ý rằng những người phụ nữ như bà, “nếu được nghĩ đến, thường được coi là thánh nhân hoặc tội nhân” (Acton dẫn Van Devanter: 91-92): như là người mẹ chăm sóc hoặc như là phương tiện giải trí tình dục cho nam quân nhân. Tuy nhiên, Van Devanter, Winnie Smith và các nữ nhà văn viết tự truyện Việt Nam khác đã mở đường cho nỗ lực đánh đồng kinh nghiệm chiến tranh của nữ giới với kinh nghiệm chiến tranh của nam giới. Giống như các nhà văn nam cựu binh, câu chuyện của Van Devanter và Winnie Smith cho thấy quá trình chuyển đổi khó khăn sau chiến tranh, trong đó, “thay vì trở về với sự an toàn của gia đình và bản sắc tiền chiến tranh, cả hai [phụ nữ] đều trải qua một sự xáo trộn sâu sắc khi trở về nhà” (Acton 2014: 104). Những người phụ nữ không thể quản lý quá trình thay đổi của chính mình sau một loạt trải nghiệm khủng khiếp từ chiến tranh.

Trong số những nam cựu binh từng tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Nam, Tim O’Brien trở thành nhà văn Mĩ nổi tiếng với các tác phẩm khai thác đề tài cuộc chiến tranh của Mĩ ở Việt Nam. Farrell khẳng định, Tim O'Brien là một trong những tác giả cựu binh điển hình đã thách thức những tác phẩm viết về chiến tranh từ góc nhìn truyền thống để xây dựng hình tượng những người phụ nữ năng động. Pamela Smiley cũng cho rằng, tác phẩm của Tim O'Brien đã bất chấp giới tính và mời phụ nữ tham gia những trải nghiệm chiến tranh. Bà gọi Những thứ họ mang là dự án trung tâm của của Tim O'Brien để làm cho [phụ nữ] hiểu những người anh em, những bạn bè và những người yêu của họ đã bước vào cuộc chiến tranh ở Việt Nam như thế nào. Thông qua hệ thống các nhân vật nữ, Tim O'Brien hoàn thành “giải giới tính chiến tranh, kiến tạo kiểu độc giả (nữ) lí tưởng và tái định nghĩa nam tính của người Mĩ” (Smiley 2002: 602). Theo Smiley, Tim O'Brien đã đưa người phụ nữ vào tác phẩm của mình bằng một cách mới và thú vị: nhà văn không giả vờ rằng phụ nữ hoàn toàn được tham gia vào chiến tranh ở Việt Nam, nhưng ông nỗ lực để đưa những trải nghiệm nữ giới vào câu chuyện của mình và từ đó, thế giới các nhân vật nữ được hiện lên một cách phong phú, công bằng và sáng tạo.

2. Trở lại với nhận định của Katherine Dabrieo về xu hướng đưa người phụ nữ vào vị trí trung tâm của văn học chiến tranh với những luận điểm rằng “văn học Việt Nam đã làm theo” nhưng “chỉ ở một mức độ hạn chế” (Dabrieo 8), bài viết này sẽ đặt lại và trả lời hai câu hỏi tương ứng: Các nhà văn Việt Nam có “làm theo” các nhà văn Mĩ để kể câu chuyện chiến tranh của phụ nữ Việt Nam? Những trang viết về trải nghiệm chiến tranh của phụ nữ Việt Nam có phải “chỉ ở một mức độ hạn chế”?

Trước hết, phải khẳng định ngay rằng, đề tài chiến tranh có một vị trí đặc biệt trong lịch sử văn học Việt Nam, nói như tác giả Đinh Xuân Dũng: “Đề tài chiến tranh trong văn học Việt Nam có độ dài ngang với chính độ dài của lịch sử văn học dân tộc. Nếu tính từ truyền thuyết Thánh Gióng, chúng ta có thể nghĩ rằng, đề tài chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc là nguồn chủ lực, là nguồn mạch phong phú nhất, không bao giờ vơi của văn học Việt Nam từ khi hình thành đến nay” (2004). Từ năm 1986, khi đất nước bước vào thời kì đổi mới, chiến tranh vẫn được đánh giá như một “siêu đề tài” (chữ của PGS.TS. Bùi Thanh Truyền). Từ đó đến nay, các nhà văn thuộc nhiều thế hệ khác nhau đã tiếp tục khai thác, khám phá những câu chuyện liên quan đến chiến tranh. Có thể kể đến lớp nhà văn trưởng thành trong kháng chiến chống Mĩ như Chu Lai, Khuất Quang Thụy, Bảo Ninh, Lê Minh Khuê, Nguyễn Trí Huân; lớp nhà văn trưởng thành trong chiến tranh biên giới như Sương Nguyệt Minh, Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Tham Thiện Kế; lớp nhà văn lớn lên trong hòa bình như Nguyễn Đình Tú, Nguyễn Thị Kim Hòa, Huỳnh Trọng Khang… Sau 1986, các nhà văn Việt Nam một mặt kế thừa thành tựu của văn chương cách mạng, tạo nên những tác phẩm văn xuôi đậm màu sắc sử thi như Tư Thiên (1994) của Xuân Thiều, Trong vùng tam giác sắt (1995) của Nam Hà, Một ngày và một đời (1997) của Lê Văn Thảo, Những bức tường lửa (2010) của Khuất Quang Thụy, Khúc bi tráng cuối cùng (2010) của Chu Lai, Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 (2014) của Trần Mai Hạnh… Bên cạnh đó, nhiều tác phẩm văn xuôi Việt Nam đương đại được viết theo khuynh hướng giải sử thi như Chim én bay (1987) của Nguyễn Trí Huân; Nước mắt đỏ (1988) của Trần Huy Quang; Không phải trò đùa (1988) của Khuất Quang Thụy; Nỗi buồn chiến tranh (1990) của Bảo Ninh; Ăn mày dĩ vãng (1991), Ba lần và một lần (1999), Mưa đỏ (2014) của Chu Lai; Tàn đen đốm đỏ (1994) của Phạm Ngọc Tiến; Lạc rừng (1999) của Trung Trung Đỉnh; Thoạt kì thủy (2004) của Nguyễn Bình Phương; Màu rừng ruộng (2006) của Đỗ Tiến Thụy; Cơ bản là buồn (2014) của Nguyễn Ngọc Thuần; Từ giờ thứ 6 đến giờ thứ 9 (2023) của Nguyễn Một…

Cùng với đó, nhiều tác phẩm của nhà văn nữ viết về trải nghiệm chiến tranh đã tạo ra được những tiếng vang như Người sót lại của rừng cười (2003) của Võ Thị Hảo, Đàn sẻ ri bay ngang rừng (2005) của Võ Thị Xuân Hà, Ở đất kẻ thù (2007) của Lê Lan Anh, Tiểu thuyết đàn bà (2008) của Lý Lan, Nhiệt đới gió mùa (2012) của Lê Minh Khuê, Đỉnh khói (2015) của Nguyễn Thị Kim Hòa… Trong bài viết Chiến tranh qua cảm thức nữ giới, Lê Thị Hường nhấn mạnh: “Tác phẩm viết về chiến tranh và hậu chiến của các nhà văn nữ có sự mở rộng, chuyển hoá các phạm trù thẩm mĩ (cao cả và thấp hèn, bi và hài, cái đẹp và cái nghịch dị, kệch cỡm…). Chạm đến mảnh đất này, các nhà văn nữ gặp gỡ nhau ở một điểm chung: nỗi đau của những thân phận đàn bà trong và sau chiến tranh” (2014). Lê Hương Thủy trong bài viết Chiến tranh nhìn từ truyện ngắn của một số cây bút nữ nhất trí với nhận định rằng: “Tác phẩm của các nhà văn nữ viết về chiến tranh tất nhiên cũng có những đặc điểm khác với tác phẩm của một nhà văn nam giới. Lẽ dĩ nhiên là nó ít tiếng súng ùng oàng hơn, ít đi vào những vấn đề có tính trọng đại, to tát (!). Các chị thường chú trọng khai thác “giới tính” của mình, đi vào khai thác những mảnh đời thầm lặng, những số phận cá biệt, những đau thương mất mát người phụ nữ phải gánh chịu trong chiến tranh” (2020). Như vậy để thấy rằng, viết về chiến tranh nói chung, phản ánh cảm thức nữ giới liên quan đến bối cảnh chiến tranh nói riêng là một nhu cầu tự thân, tất yếu của văn học Việt Nam đương đại. Nó xuất phát từ thực tiễn lịch sử Việt Nam với những cuộc đấu tranh trường kì để bảo vệ nền độc lập dân tộc. Nhu cầu tự thân ấy không chỉ thể hiện qua số lượng các nhà văn thuộc cả hai giới đã khai thác câu chuyện của nữ giới trong và sau chiến tranh mà còn thể hiện ở sự phong phú, sâu sắc về tư tưởng trong những biểu đạt văn học liên quan đến trải nghiệm chiến tranh của phụ nữ Việt Nam.

Thứ nhất, văn xuôi đương đại Việt Nam đã phản ánh sinh động những kì vọng về vai trò nữ giới trong chiến tranh. Người phụ nữ có thể hiện diện trong các lực lượng quân sự và dân sự, thuộc hai vùng không gian chiến trường và hậu phương. Ở đó, họ được mô tả là những nữ quân nhân dũng cảm trong tình huống chiến tranh, những nữ ý tá tận tâm hay những người đàn bà hậu phương một lòng thủy chung chờ đợi. Các tác phẩm: Mùa chim én bay (1988) của Nguyễn Trí Huân, Nỗi buồn chiến tranh (1990) của Bảo Ninh, Bến không chồng (1990) của Dương Hướng, Ăn mày dĩ vãng (1991) của Chu Lai, Hai người đàn bà xóm Trại (1992) của Nguyễn Quang Thiều, Ở đất kẻ thù (2007) của Lê Lan Anh… đã mô tả người phụ nữ ở những vai xã hội khác nhau: là người nữ chiến sĩ anh hùng, người chăm sóc ân cần nơi chiến trường hoặc là người đàn bà tần tảo, thủy chung nơi hậu phương.

Nói về bối cảnh xã hội Việt Nam trong những năm chiến tranh chống Mĩ, Hồ Khánh Vân chỉ ra rằng: các phong trào chính trị xã hội đã ghi nhận sự góp mặt của những người phụ nữ tiến bộ, sẵn sàng đồng hành cùng nam giới trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Tình thế lịch sử đó khiến cho ý thức nữ quyền mang màu sắc chính trị hóa. Đây có thể là yếu tố làm nên sự tương đồng trong cách phản ánh hình tượng người phụ nữ Việt với chiến lược tự sự của Winnie Smith mà bài viết đã phân tích ở trên: chiến lược kiến tạo bản sắc nữ giới ngang hàng với bản sắc nam giới. Thực tế, xu hướng này đã xuất hiện trong nhiều tác phẩm nghệ thuật Việt Nam ngay từ thời kì cuộc chiến đang diễn ra khốc liệt. Người mẹ kiêu hãnh nhất là khi “người mẹ cầm súng”, hạnh phúc lớn của mẹ là chứng kiến “con gái mẹ đã trở thành chiến sĩ”, người con gái sông La đẹp nhất khi “đạp trên cái chết dáng em hiên ngang”… Phụ nữ thời kì ấy ít được chú ý ở những trăn trở, băn khoăn về giới. Bản thân họ cũng có nhu cầu muốn khẳng định mình như là nam giới. Tuy nhiên, xu hướng này có liên hệ rất lỏng lẻo với tinh thần khẳng định nữ quyền mà chủ yếu xuất phát từ nhiệm vụ chính trị lớn của đất nước: nhiệm vụ thống nhất non sông. Trong Ở đất kẻ thù, Lê Lan Anh mô tả phẩm chất của những nữ dân quân anh hùng quả cảm như Mi, như Hoa, như Hiền… - những cô gái trẻ không quản gian khó, hi sinh để góp sức lực vào công cuộc kháng chiến chung của toàn dân tộc. Nhìn “những khuôn mặt bầu bầu căng tròn sức sống, những ánh mắt rạng rỡ đầy ắp tiếng cười của các cô gái, nếu không có mấy khẩu súng và cái mũ rơm đội đầu thật khó ai có thể đoán rằng họ đang đi đến nơi có cái chết rình rập” (Lê Lan Anh 2007). Nhưng bất chấp thực tế “cái chết rình rập”, họ vẫn lạc quan cất cao tiếng hát: Hò ơi hò là hò ơi hò.../ Trăm tấn sắt trên vai cô gái/ Vượt băng qua đỉnh đá tai mèo/ Tiếng hò át tiếng bom rơi/ Mấy sông cũng vượt mấy đèo cũng qua!!! Hò ơi hò, là hò ơi hò (Lê Lan Anh 2007). Đó là cách mà những người phụ nữ tự tạo nên sức mạnh để vượt lên trên hiện thực chiến tranh đầy nguy hiểm gian lao, để một lòng hướng về ngày toàn thắng. Từ điểm nhìn đặc biệt về nữ giới này, có thể khẳng định lại một lần nữa rằng: con người Việt Nam nói chung không vì gian khổ hi sinh mà nhụt chí sờn lòng. Ngược lại, tình thế chiến tranh như một thứ lửa thử vàng để từ đây ánh lên chất vàng ròng của đức kiên trung. Đó là cách kiến tạo hình ảnh cộng đồng dân tộc Việt thống nhất - sự thống nhất của tinh thần yêu nước, của khát vọng hòa bình.

Trong không khí toàn dân tập trung lực lượng cho công cuộc kháng chiến, một hệ quả tất yếu là những khoảng lặng cá nhân riêng tư có xu hướng mờ đi. Mọi người đồng lòng hòa tiếng nói cá nhân cá thể vào tiếng nói chung của cộng đồng dân tộc. Cho nên, viết về những phụ nữ ở lại hậu phương, các nhà văn nhấn mạnh vào phẩm tính thủy chung sự chờ đợi. Điều này được mô tả như mạch nguồn sức mạnh cho chính họ và cho cả người đàn ông ngoài tiền tuyến. Trong Hai người đàn bà xóm Trại, sự chờ đợi của người đàn bà hậu phương là điểm tựa tinh thần cho những người lính nơi chiến trường. Người lính xông pha và hẹn ước: “Đến tết, kháng chiến thành công chúng tôi về” (Nguyễn Quang Thiều 2011: 144). Người lính chiến đấu và đinh ninh: “Sắp hòa bình rồi. Chúng tôi sẽ về cả thôi” (Nguyễn Quang Thiều 2011: 148). Qua ngôn ngữ nhân vật, Nguyễn Quang Thiều nhấn mạnh viễn cảnh chiến thắng bao giờ cũng song hành với khát vọng trở về. Nhà văn từ đó cho thấy sự đan bện giữa tình yêu đất nước và tình cảm vợ chồng trong hành trang người lính khi ra trận. Viễn cảnh hòa bình và sự trở về liên quan trực tiếp tới một động lực tinh thần to lớn, đó là sự đợi chờ của người đàn bà chốn hậu phương.

Thứ hai, văn xuôi đương đại Việt Nam đã khắc họa thấm thía những kinh nghiệm nữ giới về chấn thương do chiến tranh. Trong văn học chiến tranh, lịch sử và kinh nghiệm nữ giới vốn ít khi xuất hiện ở vị trí trung tâm. Thực tế này có thể xuất phát từ quan niệm rằng, người phụ nữ đang ở “nhà” và được an toàn chứ không phải ở “chiến trường” và không có trải nghiệm đau thương về chiến tranh như những nam quân nhân trực tiếp chiến đấu. Tuy nhiên, lịch sử cũng đã cho thấy: có nhiều hơn một cách mà con người bị tổn thương bởi chiến tranh. Trong vùng chiến, người phụ nữ phải chịu đựng nhiều hình thức bạo lực, đặc biệt là bạo lực tình dục, tra tấn và cái chết. Họ cũng không ngừng phải đối mặt với những sang chấn tâm lý vô hình và thậm chí có thể rơi vào tình trạng rối loạn thần kinh. Ngay cả những người được coi là không tham chiến đều có trải nghiệm đau thương của riêng họ, trong đó phải kể đến tình trạng khủng hoảng giới tính. Miền đời quên lãng (1989) của Nguyễn Tham Thiện Kế, Nỗi buồn chiến tranh (1990) của Bảo Ninh, Bến không chồng (1990) của Dương Hướng, Vĩnh biệt mười chín con gà trống (1990) của Nguyễn Quang Lập, Ăn mày dĩ vãng (1991) của Chu Lai, Người sót lại của rừng cười (2003) của Võ Thị Hảo, Tiểu thuyết đàn bà (2008) của Lý Lan, Người về bến sông Châu (2016) của Sương Nguyệt Minh… đã cho thấy những “mảnh vỡ” thân phận cá nhân trong tình huống chiến tranh và hậu chiến.

Nơi không gian “tuyến đầu”, rừng thiêng trở thành chốn “vật hóa” con người mà nhiều phụ nữ sống trong rừng là nạn nhân ám ảnh. Trong Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, sự “vật hóa” ấy được mô tả với những ấn tượng kinh hãi qua chi tiết người - vượn: “khi ngả ra, cạo sạch bộ lông thì hóa ra: con vật hiện nguyên hình là một mụ đàn bà béo xệ, da sần lở, nửa xám, nửa trắng hếu, cặp mắt trợn ngược...” (2007). Và ở chiều kích khác, cũng nghịch cảnh không kém, rừng vừa “vật hóa” con người, vừa “người hóa” con vật, khiến người ngỡ khỉ, khỉ ngỡ người, như Nguyễn Tham Thiện Kế tái hiện trong Miền đời quên lãng. Câu chuyện liên quan đến số phận của một người lính từng bị lãng quên nơi miền rừng có con với một người đàn bà luống tuổi, đến lượt mình, người đàn bà ấy làm thất lạc đứa con vào tay khỉ độc. Và rồi, chính khỉ độc đã bao bọc, nuôi dưỡng đứa trẻ bằng tất cả sự chu đáo, ân cần của một người mẹ. Chị trở nên dở điên dở dại, gặp bất kì người thợ săn nào vác súng vào rừng cũng hớt hải chạy theo van nài: “Ông ơi, ông đừng bắn khỉ nhé, khỉ nó là con tôi, đừng vì chút xương nấu cao mà ông giết con tôi, ông nhé” (1989). Cùng mạch chủ đề về tình trạng nhiễu căn tính người - vật, Người sót lại của rừng cười của Võ Thị Hảo kể về cuộc đời những cô gái trẻ làm nhiệm vụ giữ kho quân nhu trong rừng Trường Sơn. Một mặt, điều kiện sống khắc nghiệt nơi rừng thiêng nước độc làm mai một vẻ đẹp nữ tính, biến mái tóc óng mượt dài chấm gót của Thảo trở thành “một túm sợi mỏng mảnh xơ xác”. Mặt khác, “nỗi cô đơn đặc quánh” chốn rừng già khiến những người đàn bà dần trở thành hoang dã: hoang dã trong điệu cười man dại, trong vóc dáng trần truồng xõa tóc như một con vượn trắng. Họ tham gia cuộc chiến nhưng gần như bị lãng quên trong chính cuộc chiến ấy, và kết cục, người thì vĩnh viễn nằm lại nơi rừng cười, người sống sót trở về thì lạc lõng và bị xem như một kẻ điên giữa thời bình. Câu chuyện khép lại trong nỗi đắng cay nghiệt ngã về một thân phận nữ bước ra từ chiến trường khốc liệt: “Em là người sót lại của rừng cười, nhưng hạnh phúc chẳng còn sót lại nơi em” (2005). Chiến tranh dù đã kết thúc nhưng người đàn bà ấy chẳng thể nào thoát ra khỏi sự bủa vây của những kí ức đau buồn.

Ở phía khác, chốn hậu phương, nhiều người phụ nữ Việt Nam trong và sau chiến tranh đã phải gánh chịu những nỗi đau tinh thần tan hoang. Có bao nhiêu người con trai ra trận thì (gần như) có bấy nhiêu người mẹ khóc mong con, bấy nhiêu người vợ khóc mong chồng. Trong tản văn Bên ô cửa những toa tàu thời chiến, Nguyễn Quang Thiều viết về sự chờ mong khắc khoải của người mẹ đến hóa thành điên dại: “Ở ga Tía, thuộc huyện Thường Tín của Hà Nội mở rộng bây giờ, người ta thường thấy một người đàn bà mắc bệnh tâm thần. Ngày ngày bà lang thang trên sân ga. Cứ mỗi khi có một chuyến tàu dừng lại, bà lại hỏi những hành khách xem có ai thấy thằng Đức con bà đâu không? Đó là một người lính đã xa mẹ mình năm 18 tuổi đi vào mặt trận” (2012: 50). Câu chuyện liên quan đến một số phận, một nỗi đau mà Nguyễn Quang Thiều tận chứng trên quê hương mình, nhưng câu chuyện cũng là đại diện cho hàng trăm ngàn số phận, trăm ngàn nỗi đau của những người mẹ khác ở khắp các miền quê trên dải đất hình chữ S. Đất nước yên tiếng súng, nhưng nỗi đau của bao người mẹ mất con thì không khi nào yên lắng. Hình ảnh những chuyến tàu, trong ngữ cảnh này, trở thành một biểu tượng. Nó gợi nhắc nỗi ám ảnh về sự chia lìa, mất mát - một thứ chứng tích đau thương mà chiến tranh để lại cho dân tộc Việt Nam.

Nếu với những người đàn ông bước vào chiến trận, “chẳng ai còn nguyên tác mà cha mẹ đã sinh thành” (Ngắm bóng mờ, Nguyễn Tham Thiện Kế), thì với những người phụ nữ ở lại hậu phương, bi kịch bị đánh mất quyền làm vợ, làm mẹ biến họ trở thành những hòn vọng phu đầy cam chịu và thương tổn. Nói về tác động của chiến tranh tại Việt Nam lên trải nghiệm của phụ nữ Mĩ, Carol Acton lưu ý rằng: “khuôn mẫu điển hình về người phụ nữ của những ngôi nhà đẹp, những người chồng và những đứa con yêu thương” (2014: 96) đã bị phá hủy. Khuôn mẫu ấy cũng đổ vỡ hoàn toàn khi nhìn vào số phận những người phụ nữ Việt Nam trong và sau chiến tranh. Trong Hai người đàn bà xóm Trại, Nguyễn Quang Thiều viết về những người phụ nữ nông thôn Việt Nam qua hai tầng chịu đựng. Chiến tranh đã buộc người đàn bà hậu phương đi qua tháng năm thanh xuân trong vò võ cô độc. Đạo đức xã hội một lần nữa trở thành áp lực vô hình buộc họ phải kìm nén những ham muốn về thể xác. Hai người phụ nữ trong câu chuyện của Nguyễn Quang Thiều đã lựa chọn một lối sống khắc kỷ ở không gian xóm bãi chật hẹp bên bờ sông Đáy. Nhưng cảm xúc của con người, đặc biệt là nỗi khao khát bản năng trong vô thức vốn có những mạch ngầm nằm ngoài sự kiểm soát của lí trí. Nguyễn Quang Thiều đã khơi trúng cái mạch ngầm ấy để cho thấy đời sống tâm lí đàn bà đầy ẩn ức. Trong giấc mơ của bà cụ Mật, người lính trở về là một người đàn ông khác không phải chồng bà. Đó là diễn biến tâm lí thành thực nhất thuộc vùng vô thức bất tuân lí trí. Hóa ra, bà cụ Ân và bà cụ Mật đã cùng mong ngóng một người đàn ông. Dù niềm mong ngóng ấy, với bà cụ Mật, không phải là tiếng nói được dễ dàng thừa nhận/ chấp nhận, thậm chí bởi chính bà. Nhưng xét cho cùng, hé lộ vùng ẩn ức nén sâu chôn chặt chính là cách nhà văn từ chối thánh hóa con người để chia sẻ tận cùng những mảng khuất lấp nhân bản của cảm xúc người. Gián đoạn huyền thoại về người đàn bà hậu phương trong vai những người vợ, người mẹ như là “thánh nữ” hi sinh cho chiến thắng, Nguyễn Quang Thiều kiến tạo một tiểu tự sự về chân dung phụ nữ như một “con người”.

Như vậy, có thể khẳng định rằng, trải nghiệm của nữ giới về chiến tranh đã trở thành một chủ đề quan trọng trong văn xuôi Việt Nam đương đại. Đây là mạch nguồn phong phú của văn chương Việt và vẫn đang tiếp tục được khai thác hiệu quả bởi nhiều cây bút thuộc các thế hệ khác nhau: lớp nhà văn sinh ra, lớn lên trong thời chiến, trực tiếp/ gián tiếp can dự vào nó, lớp nhà văn hậu sinh chiêm nghiệm về nó. Nhìn lại những thành tựu văn chương viết về trải nghiệm của nữ giới liên quan đến chiến tranh ở Việt Nam trong cả hai nền văn học Việt Nam và Hoa Kì, phải thấy rằng, cuộc chiến ấy đã trở thành mạch nguồn khởi sinh một lượng tác phẩm vô cùng đồ sộ và đa dạng chiều kích tư tưởng. Nghiên cứu so sánh văn học Việt - Mĩ về trải nghiệm nữ giới trong chiến tranh ở Việt Nam là con đường cần thiết để nhận diện những thành tựu, đặc trưng cơ bản của dòng chủ đề này trong nền văn học mỗi quốc gia cũng như xác lập những giao điểm chung giữa các trang viết, hướng tới những tiếng nói tôn trọng, hiểu biết, đồng cảm lẫn nhau trên tinh thần phổ quát quốc tế.

_____________________

Tài liệu tham khảo:

1. Acton Carol (2014). “Dangerous Daughters: American Nurses and Gender Identity in World War One and Vietnam”, in War, Literature, and the Arts: an International Journal of the Humanities 13/1&2(2001): 87-113. Web. 31 January.

2. Bảo Ninh. 2007. Nỗi buồn chiến tranh. Hà Nội: Nxb Văn học.

3. Đinh Xuân Dũng (2004). Văn học văn hóa tiếp nhận và suy nghĩ, Nxb Từ điển Bách khoa, Hà Nội.

4. Hồ Khánh Vân. 2020. Phê bình nữ quyền và văn xuôi nữ giới Việt Nam, Trung Quốc đương đại (nghiên cứu trường hợp Dạ Ngân và Thiết Ngưng). Luận án Tiến sĩ. Trường ĐHKHXH&NV-ĐHQGTPHCM, tr.71-72.

5. Katherine Dabrieo (2014). The Female Experience of War in Tim O'Brien's “The Things They Carried”, Master of Arts, Salem State University.

6. Lê Hương Thủy. 2020. “Chiến tranh nhìn từ truyện ngắn của một số cây bút nữ”

http://vannghequandoi.com.vn/binh-luan-van-nghe/chien-tranh-nhin-tu-truyen-ngan-cua-mot-so-cay-but-nu_11007.html

7. Lê Lan Anh. 2007. Ở đất kẻ thù. NXB Văn học.

8. Lê Thị Hường (2014). “Chiến tranh qua cảm thức nữ giới”, Tạp chí Văn nghệ quân đội, Số 792.

9. Nguyễn Quang Thiều. 2011. “Hai người đàn bà xóm Trại”. Nguyễn Quang Thiều Tác phẩm chọn lọc. Nxb Phụ nữ.

10. Nguyễn Quang Thiều. 2012. “Bên ô cửa những toa tàu thời chiến”. Có một kẻ rời bỏ thành phố. NXB Hội Nhà văn.

11. Nguyễn Tham Thiện Kế. 1989. Miền đời quên lãng. NXB Lao động.

12. Norman, Elizabeth. 1990. Women at War: The Story of Fifty Military Nurses Who Served in Vietnam. Philadelphia: University of Pennsylvania Press.

13. Pamela Smiley (2002). “The Role of the Ideal (Female) Reader in Tim O'Brien's The Things They Carried: Why Should Real Women Play?”, Massachusetts Review 43.4 (Winter 2002): 602- 613. Literature Resources from Gale. Web. 19 June 2011.

14. Smith, Winnie. 1992. American Daughter Gone to War: On the Front Lines with an Army Nurse in Vietnam. New York, NY, William Morrow and Company, Inc.

15. Susan Farrell. 2003. “Tim O'Brien and Gender: A Defense of The Things They Carried.” CEA Critic 66.1 (2003): 1-21. Literature Resources from Gale. Web. 30 May 2011.

16. Tal, Kali. 1996. Worlds of Hurt: Reading the Literatures of Trauma. Cambridge: Cambridge University Press.

17. Trần Đăng Trung. 2018. “Nghiên cứu văn học ở Mỹ viết về chiến tranh Việt Nam”. Tự sự về chiến tranh trong văn học Việt Nam đương đại (Đỗ Hải Ninh biên soạn). NXB Lao động. tr.265-279.

18. Van Devanter, Lynda. 2001. Home Before Morning: The Story of an Army Nurse in Vietnam. Boston: University of Massachusetts Press.

19. Võ Thị Hảo. 2005. “Người sót lại của rừng cười”. Tuyển tập truyện ngắn. Hà Nội: NXB Phụ nữ.

-----------

Tham luận tại Hội nghị Lý luận phê bình lần thứ V

Dừng chân trong khu vườn... - Thơ Vương Cường

Dừng chân trong khu vườn... - Thơ Vương Cường

Baovannghe.vn- Mười ngày đêm cơm vắt ngang lưng/ nước uống không kịp lọc
Những khả thể và quyền năng của văn chương

Những khả thể và quyền năng của văn chương

Baovannghe.vn - Trao giải cho một nhà văn, theo đó, cũng đồng nghĩa với việc củng cố giá trị, quyền năng và những khả thể của văn học mà nhà văn ấy
Đọc truyện: Về nơi cỏ ngọt. Truyện ngắn dự thi của Trần Thủy

Đọc truyện: Về nơi cỏ ngọt. Truyện ngắn dự thi của Trần Thủy

Baovannghe.vn - Giọng đọc: Hà Phương; Đồ họa: Thùy Dương
Bài ca về người đàn bà - Thơ Bình Nguyên trang

Bài ca về người đàn bà - Thơ Bình Nguyên trang

Baovannghe.vn- Người đàn bà rũ rượi nhìn tôi trong cơn đau sinh nở/ Đôi mắt ngân lên thứ hạnh phúc đợi chờ
Khoai nướng. Truyện ngắn của Dương Nữ Khánh Thương

Khoai nướng. Truyện ngắn của Dương Nữ Khánh Thương

Baovannghe.vn - Mùa khoai nướng đến từ lúc nào thì không biết nữa. Tháng ba thì lưng chừng/Tháng tư thì lỡ cỡ. Mà ngọn khoai đâm từ đất bò ngang, mướt mát xanh đã đổ dồn từ ngọn xuống gốc cái mỡ màng ấy để trở thành củ khoai múp míp lẫn cả đất sổn sảng nhìn đến béo cả mắt.