Diễn đàn lý luận

Phụ nữ và tình yêu qua chiến tranh trong truyện ngắn Bảo Ninh

Đoàn Ánh Dương
Lý luận phê bình
17:00 | 19/11/2024
Baovannghe.vn - Chiến tranh trước hết là câu chuyện của đàn ông. Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh chỉ là vì tình thế. Nhưng chính vì tính chất tình thế ấy mà phụ nữ càng phải chịu nhiều hi sinh và mất mát hơn.
aa

1.

Bảo Ninh có một địa vị quan trọng trong nền văn học viết về chiến tranh. Bước ra từ chiến cuộc, nhà văn cựu binh Bảo Ninh mang nặng và ý thức sâu sắc về chấn thương mà cuộc chiến đã để lại. Điều này khiến cho việc viết về chiến tranh và người lính trở thành dòng chính trong sáng tác của ông, từ tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh lừng danh đến các loại hình tự sự ngắn khác như tạp bút và các truyện kể. Phụ nữ và tình yêu qua chiến tranh, vì vậy, đã tìm thấy chỗ đứng không chỉ trong tiểu thuyết mà còn trong cả truyện ngắn và tạp bút của Bảo Ninh. Ở đó, phụ nữ và tình yêu qua chiến tranh trở thành một chủ đề nổi bật, hiện diện trong nhiều tác phẩm, nhất là trong các truyện ngắn, nơi cho thấy sự chăm chút đặc biệt của Bảo Ninh dành cho đề tài tình yêu và người phụ nữ.

2.

Phụ nữ và tình yêu qua chiến tranh trong truyện ngắn Bảo Ninh
Ảnh minh họa

Chiến tranh trước hết là câu chuyện của đàn ông. Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh chỉ là vì tình thế. Nhưng chính vì tính chất tình thế ấy mà phụ nữ càng phải chịu nhiều hi sinh và mất mát hơn. Từ rất sớm, trong các hư cấu nghệ thuật, Bảo Ninh đã quan tâm nhiều hơn tới đời sống và số phận người phụ nữ trong và sau chiến tranh. Các sáng tác đầu tay của ông đều quan thiết tới phụ nữ và các vấn đề của họ trong và sau chiến tranh. Có thể nói, hình ảnh người phụ nữ ngập tràn trong tập truyện ngắn đầu tay của ông: Trại “Bảy chú lùn”. Trong số 5 truyện ngắn này, duy nhất trong Bên lề cuộc tiến công là truyện mà người phụ nữ không phải là nhân vật chính. Sự hi sinh anh dũng của Liên trong Âm vang những người mất tích không chỉ cảm hóa được Tư Hoành, khiến trung sĩ biệt động quân này thay cô tiếp tục binh vận phản chiến, mà còn dệt nên một huyền thoại, làm nên một bài ca được lưu truyền trong những ngày tháng Tư lịch sử: “‘Người con gái Hà Nội’ tên của bài ca là như thế nhưng cũng có người quen gọi là bài ca ‘Âm vang những người mất tích?’ Bài hát ca ngợi Thùy Liên, nữ chiến sĩ binh vận của ‘sư đoàn ta’, người con gái Hà Nội xinh đẹp, dịu hiền đã hi sinh trước ngày thắng lợi.” Ở phía bên kia chiến tuyến, truyện Loan kể về người con gái cùng tên, thiếu úy thông tin không lực Cộng hòa đồn trú sân bay Hòa Bình, trong những ngày Quân giải phóng và Trung đoàn 53 giành giật nhau từng mét đất phi trường. Đang là một thiếu nữ hai mươi tuổi đẹp đẽ yêu kiều, Loan bất ngờ bị đẩy vào trận chiến khốc liệt đẫm máu, chứng nhận đầy đủ sự man rợ và điên loạn của chiến tranh. Bảo Ninh đã dành rất nhiều tâm huyết cho người phụ nữ ở phía bên kia chiến tuyến này khi Loan vượt quá khuôn khổ của một truyện ngắn để hiện diện như một truyện vừa. Dung lượng lớn ấy được dùng để miêu tả nỗi kinh hoàng của Loan khi bị nhốt trong một trận chiến tắm máu. Vượt lên nỗi đau thể xác và tinh thần, cô trở thành lương tri còn sót lại sau cuộc chiến, để nhận chân sự tăm tối của chiến cuộc, sự phi lý của cái chết, và để nuôi dưỡng tình yêu sự sống vượt lên chiến tranh.

Chiến tranh là đau thương tang tóc. Nhưng tro tàn của ngọn lửa chiến tranh phi nhân tính cũng nảy sinh mầm sống của tình thương yêu. Truyện ngắn Tiếng vọng kể chuyện tân binh Dần được cô giao liên tên Hà giúp vượt qua vùng trắng đường 19 phía đông bắc Đức Cơ mùa mưa năm 1969. Tình cảm chân thành của cô gái lần đầu gặp gỡ, lời hứa sẽ liên lạc và tìm nhau sau chiến tranh, dường như đã trở thành động lực giúp Dần vượt qua chiến tranh, và nỗi buồn của việc không cách nào tìm gặp lại một lần nữa hun đúc ở Dần tình yêu với sự sống, giúp anh luôn tìm thấy sự thi vị của cuộc đời hậu chiến dài dặc và gian lao. Trong truyện ngắn Trại “Bảy chú lùn”, Mộc cùng với Nga, vốn là thanh niên xung phong, dọn về ở cùng trong “trại ‘Bảy chú lùn’”. Tuy họ ở cùng nhau nhưng Nga không đem lòng yêu Mộc. Có thể do trước đấy cô đã đem lòng yêu Huy, người đồng đội cuối cùng của Mộc ở trong trại, và sau đấy là tình yêu với người chỉ huy tốp quân báo của trung đoàn Plâyme đã xông đất “trại ‘Bảy chú lùn’” đầu năm 1970. Nhưng cũng có thể là do hoàn cảnh sống khủng khiếp mà họ phải trải qua từ sau Mậu Thân 1968, khi mà “suốt cả một năm 1969, ba trăm sáu mươi lăm ngày đêm, chỉ có tôi với Nga, Nga với tôi. Lương thực tích trong kho, trong vựa không có đơn vị nào đến lĩnh. Bởi vì làm gì còn đơn vị nào nữa trên Cánh Bắc này. Tạt cả sang Miên hoặc rút tuột xuống Cánh Nam rồi.” Rồi Nga mang thai, có con. Rồi cô bỏ lại con nhờ Mộc chăm sóc để đi tìm Huy với một niềm hi vọng mong manh rằng anh còn sống. Chiến tranh kết thúc, đứa bé lớn lên, từ biệt núi rừng, vươn xa, bay cao. Chỉ còn Mộc ở lại “trại ‘Bảy chú lùn’”, nơi chiến địa, nơi có mồ mả anh em, mảnh đất sống mãi của đời anh, một điểm hẹn “nơi mà Nga luôn có thể trở về tìm lại đứa con”… Chiến tranh như vậy, đã tước đi của Nga, và theo đó của Mộc, hầu như tất cả.

3.

Phụ nữ và tình yêu qua chiến tranh trong truyện ngắn Bảo Ninh
Ảnh minh họa

Trong cảm hứng phản tư chiến tranh, sau Nỗi buồn chiến tranh, truyện ngắn Gió dại là một tác phẩm dữ dội của Bảo Ninh khi soi rọi vào “mùa khô cuối cùng” của cuộc chiến. Và cũng giống như Phương ở Nỗi buồn chiến tranh, Diệu Nương trong Gió dại dựng lên một hình ảnh đầy thách thức về người phụ nữ và tình yêu trong chiến tranh. Diệu Nương, cô ca sĩ Sài Gòn lưu lạc đến vùng sông A Rang vào mùa hè đỏ lửa năm 1972. Bị chiến sự thình lình cầm giữ trong làng Diêm mới được bộ đội giải phóng, vẻ yêu kiều và tiếng hát hút hồn, với những khúc du ca lạc loài, những nỗi sầu thương hồ hải, đã dệt nên xung quanh Diệu Nương biết bao huyền thoại hư thực, xấu có, tốt có, mà thậm chí hoang đường kì ảo cũng có. Chỉ có một sự thật, là từ giữa năm 1973, khi tiểu đoàn pháo cao xạ được điều về giữ ngầm A Rang ngay kề làng Diêm thì Diệu Nương đã làm thay đổi tâm tình người lính, bằng giọng ca phản chiến và bằng những mối tình hoang mà cô gieo vào lòng người lính chiến. Trong số họ, Tuấn đã đem lòng yêu Diệu Nương. Người đàn người hát những bản tình ca, họ trở nên đồng điệu trong tình yêu và trong cả khát vọng rũ bỏ quá khứ, đi tìm miền đất tự do xây cuộc đời mới. Ngay trước cuộc hành quân vào mùa khô cuối cùng của cuộc chiến, Tuấn và Diệu Nương đã bỏ trốn nhưng không thành. Bất chấp việc họ trốn lên rừng chứ không phải về phía đồng bằng khiến những tin tức về cuộc hành quân có thể bị lộ, họ vẫn bị bắn chết trong cuộc truy lùng. Chỉ đến khi bình tâm lại, những người bắn vào họ mới nhận ra rằng tình yêu của Tuấn và Diệu Nương chính là tín hiệu báo trước cho hòa bình, cái mục tiêu tối thượng mà vì nó họ đã chiến đấu để sống và sống để chiến đấu.

Cùng với Phương và Diệu Nương, Giang trong truyện ngắn Hà Nội lúc không giờ là một người phụ nữ quan trọng khác trong văn chương Bảo Ninh. Khi khủng hoảng hậu chiến đi qua, khi thôi thúc phản tư về cuộc chiến dần khép lại, Bảo Ninh không còn chú tâm vào việc thể hiện người phụ nữ trong và sau chiến tranh như là nạn nhân của cuộc chiến. Dường như ông muốn mở rộng, muốn đào sâu tìm kiếm “bí ẩn nữ tính” như nguồn cội của sự sống, sức mạnh ẩn tàng đem lại phúc lành cho người lính, cho cuộc đời. Tình cảm của chị Giang dành cho những đứa trẻ khu nhà số 4, cho anh Trung và anh Vinh biệt hiệu “Pét xồm” trong những đêm giao thừa, nhất là trong lễ xuất binh năm hòa bình cuối cùng 1964, tất cả những tình cảm đời thường dung dị ấy làm nên sức mạnh của lòng người, của dân tộc. Để cho nhân vật của mình hồi tưởng lại những năm tháng ấy, Bảo Ninh dường như cũng muốn nói lên suy tư của chính ông: “Không, không phải do ngày nay nghĩ lại mà mường tượng ra như thế. Mà thực sự là như vậy, vào buổi chiều hôm ấy, một chiều mùa xuân cực độ thanh bình, dưới chân gò Đống Đa, tôi đã cảm thấy trời long đất lở trong lòng mình. Mà thật ra, nào phải là tôi, thật ra là nhân dân, nhân dân muôn thuở dịu hiền, muôn thuở cầu ước sống bình yên, đã âm thầm cảm thấu con sóng lừng thời đại mới đang ập thẳng tới bến bờ Tổ quốc tôi. Một thời đại lớn lao và nghiệt ngã chưa từng có. Thời của chiến tranh và của cách mạng lay trời, thời của những đau thương vô hạn, những mất mát vô bờ, thời của chủ nghĩa anh hùng tuyệt đỉnh, của sức chịu đựng vô cùng, thời của tình yêu và của lòng quả cảm. Và từ họa sĩ Năm Tín, từ anh Trung, nhất là từ bà mẹ anh, từ chị Giang, những người đàn bà mềm yếu và nhân từ, thân thương hiền dịu của ngôi nhà số bốn, linh cảm về số phận sắp tới của dân tộc đã truyền vào trái tim tôi, làm xoay chuyển cuộc đời tôi ngay từ khi tôi chưa kịp bước hẳn vào đời. Đối với tôi, thời thơ ấu êm ả và tươi đẹp thế là đã vĩnh viễn và dữ dội ra đi vào chính cái buổi chiều mùa xuân êm ả và tươi đẹp đầu năm Giáp Thìn ấy.”

Tình yêu thầm kín của đứa trẻ dành cho chị Giang, làm nên những cơn tưởng tượng mê lú về người tình không có thật khi đứa trẻ ấy thành người lính chiến, mối tình đầu ấy, như sau này người lính ấy chiêm nghiệm, “đã góp phần ánh sáng soi rọi tâm hồn tôi, giúp tôi vững tinh thần, và có lẽ một phần nhờ thế mà rốt cuộc tôi đã sống sót trở về [và…] vẫn còn tiếp tục là một trong những nguồn sáng giúp tôi từ sau ngày trở về biết yên lòng vui sống, biết vững tâm mà mạnh dạn vượt qua được những năm dài gian lao thời hậu chiến…” Ba mươi lăm năm sau cái Tết năm Giáp Thìn, khi được chị Giang cho xem bức tranh vẽ lũ trẻ nhà số bốn đêm 28 Tết năm ấy do họa sĩ Năm Tín gửi tặng, “tất cả cái đẹp, cái chân thực và thần thái mê hồn của bức tranh” đã tạo nên trong lòng nhân vật xưng tôi một “cảm giác đau buốt”, “xuyên ngọt qua thời gian và qua cả da thịt”, bởi “bức tranh cho tôi thấy một điều hiển nhiên mà bấy lâu nay với cái ý thức đã ngày một trở nên phẳng lỳ, tôi đã không thể có khả năng một lúc nào đó tự nhận ra, trong số chúng tôi, sáu thằng con trai còn trẻ con và non dại đến thế đang ngồi quanh nồi bánh chưng trong bức tranh này, đến ngày hôm nay chỉ còn sống sót có một, chỉ độc nhất một mình tôi. Một mình tôi mà thôi!” Vin vào sức mạnh huyền bí và linh diệu nào đó, nhân vật xưng tôi cảm thấy tình yêu có thật với một người tình không thật làm nên số phận riêng anh, nỗi buồn được yêu và được sống của riêng anh. Nhưng khi gắn số phận của anh vào số phận đất nước, lại chính tình yêu thủy chung, bao dung, khoan thứ của Giang, những người phụ nữ như Giang, làm nên nguồn cội sức sống của dân tộc, phép màu giúp cho dân tộc vượt qua được khổ nạn chiến tranh.

Trong thế giới nghệ thuật của Bảo Ninh, người phụ nữ, tình yêu và tấm lòng thuần phác của họ, luôn là nguồn sức mạnh vượt lên sự tàn phá chết chóc của chiến tranh. Ở đó, những gặp gỡ tình cờ luôn luôn mang đến những điều đẹp đẽ diệu kì. Đó là thời khắc ngắn ngủi trong đêm sinh nhật của cô giao liên giúp anh lính mới vượt qua vùng trắng đầy hiểm nguy chết chóc rình rập trong Tiếng vọng, tình cảm của cô không chỉ giúp anh vượt qua được khó khăn tức thời mà còn nuôi dưỡng ở anh ý chí phải sống để được gặp lại, được yêu thương. Với truyện ngắn, những tình huống tình cờ như này càng trở nên đắc địa. Đó có thể là là lí do để Bảo Ninh thường viết về những câu chuyện tình yêu, tình nghĩa tình cờ. Song có thể quan trọng hơn, chính những điều tình cờ thoáng qua trong cuộc sống lại ẩn chứa trong nó những giá trị vững bền và dài lâu, khiến người ta quyến luyến, nhớ nhung, mong chờ, tin tưởng và hi vọng. Câu chuyện về cô gái tên Giang trong truyện ngắn cùng tên chẳng hạn. Đó đâu chỉ là những rung cảm bất ngờ của việc chàng tân binh được cô nữ sinh sơ tán giúp đỡ. Không có lời hứa nào kịp thực hiện suốt dọc đường chiến tranh nhưng vì có những lời hứa đó mà người chiến sĩ như được tiếp thêm sức mạnh, lòng quả cảm, niềm tin vào ý nghĩa của tình yêu và sự sống. Ở Khắc dấu mạn thuyền, trận trải thảm B52 có thể xóa đi dấu vết một con phố, một ngôi nhà, nhưng nó không xóa được dấu ấn tình cảm của người con gái Hà Nội với người lính lái xe từ chiến trường Quảng Trị lần đầu tới thủ đô. Thảng hoặc, một tình cờ nào đấy cũng có kết quả. Như cái việc mê tín của những anh lính đi B thả thư phía bắc cầu Hàm Rồng lấy may đã giúp kết đôi cho Vũ và Hiền, cô con gái một gia đình cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc. Cô gái đã nhặt được lá thư của Vũ và nhất định tự tay đem tới tận nhà anh. Họ thành đôi bởi trân trọng những tình cảm chân thành như thế. Không phải ngẫu nhiên mà Bảo Ninh thích thú viết về những tình huống tình cờ này. Với ông, những điều tưởng như nhỏ nhặt ấy thực chất lại bao chứa những điều lớn lao hơn. Tình yêu có thể xuất phát từ nhiều lí do, nhưng dường như chỉ trong hoàn cảnh chiến tranh, người ta mới thấy được một điều giản dị: “Tình nghĩa con người trong chiến tranh rất gần với tình yêu.”

4.

Viết về chiến tranh như để chiến đấu lại cuộc chiến đấu đã qua, sống lại cuộc đời đã mắc kẹt trong quá khứ, ở một phương diện, Bảo Ninh cá nhân hóa cao độ cuộc chiến dựa trên chấn thương cá nhân, và ở phương diện khác, cố gắng lí giải và cắt nghĩa những thương tổn và cơ hội chữa lành thông qua việc chia sẻ với những trải nghiệm của những người lính khác. Ở đó, ông nhận ra vai trò quan trọng của phụ nữ và tình yêu qua chiến tranh. Hơn tất cả, Bảo Ninh nhận thấy sự khổ đau tột cùng mà người phụ nữ phải chịu đựng trong chiến tranh và hậu chiến. Nhưng vượt lên tất cả, chính phụ nữ và tình yêu của họ, đã nuôi dưỡng tâm hồn người lính, giúp họ vượt lên nỗi đau cô nén, nỗi buồn mênh mang, chữa lành trong họ những vết thương sâu mà cuộc chiến tranh đã gây ra, để lại di chứng. Tình cảm của người phụ nữ - tình yêu và cả tình nghĩa được Bảo Ninh hình dung rất gần với tình yêu trong chiến tranh - dành cho người lính, cho đất nước, che chở và nuôi dưỡng thiện lương người lính. Như đất mẹ bao dung, chỉ phụ nữ và tình yêu của họ mới vượt lên trên ý thức hệ, phe phái, sự tàn bạo và hận thù. Trình hiện một thế giới nhỏ bé những người phụ nữ qua chiến tranh, Bảo Ninh không chỉ truyền tải được thông điệp tình yêu vượt lên chiến tranh và gian khổ của họ mà còn cho thấy được tình yêu thắm thiết của ông, trong tư cách cá nhân, và có thể là của cả những nhà văn cựu binh, dành cho phụ nữ, tình yêu và những hy sinh thầm lặng cao cả của họ dành cho người lính, cho đất nước, trong và sau cuộc chiến tang thương của dân tộc. Để ghi nhớ, trân trọng, và không để sự tang thương ấy lặp lại.

Cảm nhận Tây Hồ - Thơ Lê Thành Nghị

Cảm nhận Tây Hồ - Thơ Lê Thành Nghị

Baovannghe.vn- Từ vòm cây/ Những tiếng chim đôi
Đọc truyện: Cá vàng trong bể. Truyện ngắn dự thi của Lê Nhung

Đọc truyện: Cá vàng trong bể. Truyện ngắn dự thi của Lê Nhung

Baovannghe.vn - Giọng đọc: Hà Phương; Đồ họa: Thùy Dương
Cu li không bao giờ khóc và những “lớp lang” điện ảnh của Phạm Ngọc Lân

Cu li không bao giờ khóc và những “lớp lang” điện ảnh của Phạm Ngọc Lân

Baovannghe.vn - Cu li không bao giờ khóc không hề khó hiểu, mà ngược lại, rất dễ theo dõi và cảm nhận. Phạm Ngọc Lân tạo ra một ngôn ngữ điện ảnh tiết chế và hàm súc nhưng vẫn khiến người xem thâm nhập vào thế giới phim một cách tự nhiên. Trên tất cả, vị đạo diễn đã ghi dấu ấn trong bộ phim dài đầu tay của mình bởi những “lớp lang” điện ảnh của riêng mình.
Phượng hoàng - Thơ Lê Nguyệt Minh

Phượng hoàng - Thơ Lê Nguyệt Minh

Baovannghe.vn- Có phải đã cùng thơ?/ Lấy mong manh làm điểm tựa
Khóa sen - Thơ Lê Nguyệt Minh

Khóa sen - Thơ Lê Nguyệt Minh

Baovannghe.vn- Khóa sen tình mở sang trời khác/ Hồng đã phai cánh mộng hững hờ.