Tác phẩm In the Blink of an Eye đầu tay của nữ nhà văn Jo Callaghan mới đây đã giành giải tiểu thuyết tội phạm hay nhất của năm tại Lễ hội sách danh giá Theakston Old Peculier. Cuốn sách được đánh giá “thay đổi cách chúng ta nghĩ về công tác cảnh sát một lần và mãi mãi”.
Nhà văn Jo Callaghan |
Callaghan, 54 tuổi, sinh ra ở Midlands, cho biết bản thân "thực sự bị sốc" khi giành được vinh dự này từ cuộc bình chọn do cả hội đồng chuyên môn cũng như công chúng bỏ phiếu. Các tác giả lọt vào danh sách rút gọn cũng bao gồm có Mark Billingham, Lisa Jewell, Liz Nugent, William Hussey và Mick Herron. Trong đó Jewell là tên tuổi lớn của thể loại này, với hàng chục tựa sách lọt vào danh sách bán chạy ở mảng trinh thám – kinh dị suốt nhiều năm qua.
Tác phẩm của Callaghan xoay quanh viên cảnh sát điều tra Kat Frank - người vừa mất chồng, hợp tác với một đồng nghiệp được vận hành dựa trên trí tuệ nhân tạo là AIDE Lock. Qua đó In the Blink of an Eye cho thấy logic lạnh lùng của máy tính có thể làm việc một cách hài hòa với trực giác của con người để phá án như thế nào. AIDE, theo Callaghan, là viết tắt của “Artificially Intelligent Detective Entity” hay “Thực thể thám tử trí thông minh nhân tạo”.
Theo chia sẻ của nữ tác giả, bà đã mang vào tiểu thuyết đầu tay này của cuộc sống cá nhân cũng như nghề nghiệp mà mình đang làm. Callaghan tiết lộ công việc hàng ngày của mình là một nhà hoạch định chiến lược, chuyên xem xét xu hướng thay đổi lực lượng lao động sẽ trông ra sao trong từ 10 đến 15 năm nữa, và cách AI ảnh hưởng đến khía cạnh này. Riêng về đời sống cá nhân, vào năm 2019, bà đã mất chồng vì ung thư phổi, từ đó đã tái hiện lại nỗi mất mát mà nhân vật chính cũng phải trải qua.
Callaghan bật mí bà bắt đầu viết khi chồng mua cho mình một chiếc máy tính xách tay vào sinh nhật lần thứ 40, và hoàn thành In the Blink of an Eye khi đã 53 tuổi. Bà đã viết 5 cuốn sách trong vòng 13 năm qua, từ truyện thiếu nhi cho đến tác phẩm kì ảo dành cho thanh thiếu niên, nhưng không có cuốn nào được xuất bản cả.
Chia sẻ với The Guardian, bà cho biết mình có ý tưởng cho một câu chuyện trinh thám AI vào năm 2017 nhưng sau khi chồng được chẩn đoán mắc ung thư phổi, bà đã không có đủ thời gian để triển khai nó. Callaghan chia sẻ: "Những gì tôi làm là bắt đầu viết blog về cảm giác của anh ấy cũng như của bản thân tôi khi trải qua những trải nghiệm này. Rất nhiều người theo dõi đã nói câu chuyện của chúng tôi thật đẹp và thật mạnh mẽ”. Qua chuyện buồn ấy, bà cũng nhận ra mình viết tốt hơn khi nó đến từ trái tim.
Tiết lộ về quá trình viết, nữ tác giả chia sẻ dù quen với việc dự đoán xu hướng dài hơi có liên quan đến AI, nhưng khi cuốn sách bắt đầu, Callaghan vẫn chưa thể biết tác phẩm trông sẽ ra sao, bám sát thời sự đến mức độ nào. Bà nói: "Tôi không biết khi bắt đầu viết AI sẽ nhanh chóng trở nên phổ biến như vậy. Tôi nghĩ mọi người đều ngạc nhiên về tốc độ phát triển của mọi thứ trong 2 năm qua. Tôi thậm chí còn không biết liệu mình có muốn xuất bản cuốn sách khi hoàn thành không, sau tất cả những lần bị từ chối với các tác phẩm trước đó. Nó đã hoàn thành mục đích của nó, nó đã giúp tôi sống sót, giúp tôi tiếp tục, vì vậy tôi nghĩ bất cứ điều gì khác xảy ra đều là phần thưởng”.
Nói về thể loại và sự mới mẻ của tác phẩm này, bà chia sẻ bản thân nghĩ nó "nằm đâu đó giữa thể loại tội phạm và khoa học viễn tưởng". Bà nói bản thân vô cùng bất ngờ khi nó được nhà xuất bản Simon & Schuster mua lại và xuất bản vào tháng 1 năm 2023, ngay khi công cụ AI ChatGPT đang trở nên nổi tiếng. 2 tháng sau đó, nó đã được chọn xuất hiện trong chương trình truyền hình nổi tiếng Between the Covers và được giới thiệu như tác phẩm mới tại lễ hội viết truyện trinh thám Theakston Old Peculier một năm trước đây. Nói về những sự kiện này, Callaghan chia sẻ: “Tôi nghĩ mình có một chút may mắn. Tôi liên tục nhận được tất cả những sự nâng đỡ này, đó chính là những ngọn gió giúp nâng tôi lên”.
Callaghan đã tiếp tục cho ra mắt Leave No Trace, cuốn sách thứ hai cũng có sự góp mặt của Kat Frank và cộng sự AI của mình. |
Năm nay, Callaghan đã tiếp tục cho ra mắt Leave No Trace, cuốn sách thứ hai cũng có sự góp mặt của Kat Frank và cộng sự AI của mình. Callaghan dự kiến sẽ cho ra mắt bộ truyện gồm 4 cuốn có sự góp mặt của cặp đôi này và hiện đang chỉnh sửa cuốn thứ 3. Nói thêm về tác phẩm này, nữ tác giả chia sẻ: "Tôi không coi đây là một bộ truyện tội phạm dài 26 tập hay thứ gì đó tương tự. Cốt truyện tôi viết xoay quanh Kat và Lock, từ đó đặt ra câu hỏi: AI có thể học được những gì và điều gì sẽ xảy ra khi nó đạt đến một điểm tới hạn? Tôi nghĩ phải có câu trả lời, và đó là điều tôi đang hướng tới".
Nói về xu hướng sử dụng AI, nữ tác giả cho biết cảnh sát hiện nay đưa ra hàng trăm phán đoán mỗi ngày, nhưng thường trong điều kiện áp lực cực độ và không chắc chắn. Những quyết định nhanh chóng này - thường được mô tả là "linh cảm" hoặc "bản năng" - được đưa ra dựa trên những trải nghiệm xã hội và cảm xúc của cá nhân, nhưng nó cũng bị chi phối bởi những định kiến mà tất cả chúng ta đã tiếp thu từ xã hội rộng lớn hơn, chẳng hạn như phân biệt chủng tộc, phân biệt giới tính, kì thị người đồng tính hay chuyển giới... Trước những lo ngại gần đây và sự suy giảm lòng tin của công chúng, liệu AI có thể đưa ra một cách thức công bằng và hiệu quả hơn cho hoạt động cảnh sát của thế kỉ 21 không? Đó là vấn đề cuốn sách đề cập.
Tại lễ trao giải vào tuần qua, Callaghan đã nhận được giải thưởng trị giá 3.000 bảng Anh và một thùng bia được chạm khắc bởi một trong những người thợ đóng thùng cuối cùng của Anh. Đầu năm nay, giải thưởng đã bị chỉ trích vì danh sách dài cho tiểu thuyết hay nhất không có bất kì cuốn sách nào của nhà văn da màu.
Phản ứng trước hiện trạng này, luật sư và tiểu thuyết gia tội phạm Harriet Tyce, người đã viết thư cho ban tổ chức giải thưởng để bày tỏ mối quan ngại của mình, chia sẻ: “Bởi Theakston Old Peculier đã đưa ra lời xin lỗi vào năm 2021 vì không mời được bất kì tác giả nữ da màu nào tham gia hội thảo nên chúng ta nghĩ họ sẽ lưu tâm hơn, thế nhưng mọi thứ vẫn nguyên như thế”.
Đáp lại bê bối này, vào năm 2021, người phát ngôn của lễ hội cho biết ban tổ chức đã “tích cực tìm cách mang đến nền tảng cho các nhà văn từ mọi cộng đồng và khuyến khích các nhà xuất bản xem xét thêm tính đa dạng trong mọi vấn đề, từ việc mời họ tham gia vào các hội thảo cho đến đưa họ vào danh sách được đề cử”.
Simon Theakston, chủ tịch của Theakston Old Peculier, cho biết In the Blink of An Eye là “một tác phẩm phá vỡ ranh giới của thể loại trinh thám cảnh sát quen thuộc, khi nó được kể bằng cả trái tim và sự hài hước". Sharon Canavar, giám đốc điều hành của Harrogate International Festivals, cho biết thêm rằng tác phẩm đầu tay này là “một cuốn tiểu thuyết mang tính đột phá, thay đổi cách chúng ta nghĩ về công tác cảnh sát một lần và mãi mãi”.
dịch từ The Guardian
*Tên bài viết do Baovannghe.vn đặt
------------
Bài viết cùng chuyên mục: