Sự kiện & Bình luận

Ước vọng giải Nobel văn chương

Phạm Xuân Nguyên
Tiếng nói nhà văn
05:00 | 19/10/2024
Baovannghe.vn- Tại Việt Nam, mỗi mùa giải Nobel văn giới lại lao xao, vừa chờ đợi xem ai được giải, vừa tự hỏi không biết khi nào văn chương Việt có người được giải này.
aa

Ngày 10/10/2024 Viện Hàn lâm Thuỵ Điển đã công bố giải Nobel văn chương 2024 thuộc về Han Kang, nhà văn sinh năm 1970, người Hàn Quốc. Điều này không chỉ khiến người dân Hàn Quốc tự hào, sôi sục cả đêm, mà còn trở thành tâm điểm thu hút người yêu văn chương khắp nơi trên thế giới.

Ước vọng giải Nobel văn chương

Một số cuốn sách của nhà văn Han Kang in ở Việt Nam. Ảnh: Internet

Tại Việt Nam, mỗi mùa giải Nobel văn giới lại lao xao, vừa chờ đợi xem ai được giải, vừa tự hỏi không biết khi nào văn chương Việt có người được giải này. Năm nay giải về tay một nhà văn tuổi đầu 7x, lại ở một nước Đông Á gần gũi Việt Nam, câu hỏi đó lại càng xôn xao. Phần đông nhà văn nước ta vẫn coi giải Nobel văn chương là cái gì cao vời ngoài tầm với. Dường như các văn nhân Việt Nam rất biết và rất yên tâm với tầm vóc văn chương hạn định của mình. Nhưng có một người thì không thế. Một người viết văn năm 28 tuổi đã nói thẳng ra, nói to lên cái ước vọng “ăn” giải Nobel văn chương. Người đó là nhà văn Nam Cao (1915 - 1951). Trong truyện ngắn “Đời thừa” (đăng báo “Tiểu Thuyết Thứ Bảy” số 490, 4/12/1943) ông đã để cho nhân vật văn sĩ Hộ nói lên ước vọng đó của mình.

Hộ là một văn sĩ nuôi khát vọng văn chương lớn. Hộ như là một phiên bản của chính Nam Cao trong tư cách nhà văn: “Lòng hắn đẹp. Đầu hắn mang một hoài bão lớn. Hắn khinh những lo lắng tủn mụn về vật chất. Hắn chỉ lo vun trồng cho cái tài của hắn mỗi ngày một thêm nảy nở. Hắn đọc, ngẫm nghĩ, tìm tòi, nhận xét và suy tưởng không biết chán. Đối với hắn lúc ấy, nghệ thuật là tất cả; ngoài nghệ thuật không còn gì đáng quan tâm nữa. Hắn băn khoăn nghĩ đến một tác phẩm nó sẽ làm mờ hết các tác phẩm khác cùng ra một thời…”

Nhưng rồi khi vướng vào gia đình vợ con cơm áo ghì sát đất, Hộ đã phải viết vội vàng một thứ văn đọc xong là quên. “Khốn nạn, khốn nạn thay cho hắn! Bởi vì hắn chính là một thằng khốn nạn! Hắn chính là một kẻ bất lương! Sự cẩu thả trong bất cứ nghề gì cũng là một sự bất lương rồi. Nhưng sự cẩu thả trong văn chương thì thật đê tiện. Chao ôi! Hắn viết những gì? Toàn những cái vô vị, nhạt phèo, gợi những tình cảm rất nhẹ, rất nông, diễn một vài ý rất thông thường quấy loãng trong một thứ văn bằng phẳng và quá ư dễ dãi. Hắn chẳng đem một chút mới lạ gì đến văn chương. Thế nghĩa là hắn là một kẻ vô ích, một người thừa. Văn chương không cần đến những người thợ khéo tay, làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi, và sáng tạo những cái gì chưa có…”

Cho đến một bữa. Hộ ra phố tình cờ gặp mấy bạn văn và nghe được cái tin cuốn “Đường về” của một người trong nhóm sắp được dịch ra tiếng Anh với bản quyền tác giả ba nghìn đồng. Thế là cái ước vọng làm văn chương đích thực, cao đẹp lại bùng lên trong Hộ.

“Và chỉ độ nửa giờ sau, Mão và Trung đã thấy Hộ đỏ tai, giộng một cái vỏ chai bia xuống mặt bàn:

- Cuốn “Ðường về” chỉ có giá trị địa phương thôi, các anh có hiểu không? Người ta dịch nó vì muốn biết phong tục của mọi nơi. Nó chỉ tả được cái bề ngoài của xã hội. Tôi cho là xoàng lắm! Một tác phẩm thật giá trị, phải vượt lên bên trên tất cả các bờ cõi và giới hạn, phải là một tác phẩm chung cho cả loài người. Nó phải chứa đựng được một cái gì lớn lao, mạnh mẽ, vừa đau đớn, lại vừa phấn khởi. Nó ca tụng lòng thương, tình bác ái, sự công bình... Nó làm cho người gần người hơn. Như thế mới thật là một tác phẩm hay, các anh có hiểu không? Tôi chưa thất vọng đâu! Rồi các anh xem... Cả một đời tôi, tôi sẽ chỉ viết một quyển thôi, nhưng quyển ấy sẽ ăn giải Nobel và dịch ra đủ mọi thứ tiếng trên hoàn cầu!”

Kết truyện khi trở về nhà Hộ lại thấy ân hận thương vợ con vì ước vọng văn chương của mình mà phải chịu khổ. Cuộc sống “cơm áo không đùa với khách thơ” nhiều khi đã giết chết phũ phàng mộng văn chương.

Nhưng câu nói của nhân vật cũng chính là ước nguyện của nhà văn. Nam Cao đã ngã xuống ở tuổi 36 vì đạn bắn, giữa lúc văn tài đang ở độ cao và độ chín. Quyển sách ông muốn viết để ăn giải Nobel cho thế giới biết văn chương Việt đã không bao giờ được viết ra. Nhưng ước vọng đời văn của Nam Cao được gửi vào lời văn sĩ Hộ tôi coi là lời di chúc văn chương của nhà văn để lại cho hậu thế. Giải Nobel như một ấn chứng tầm vóc văn chương thế giới. Lời di chúc không phải viết văn để ăn giải mà phải viết văn ở tầm cao, phải biết vượt lên mọi khuôn thước hình mẫu, phải viết văn hay lay động sâu sắc tâm can trí não người đọc. Không phải ngẫu nhiên mà trong các tác phẩm của mình Nam Cao thường nói lên, khi là lời nhân vật khi là lời tác giả, những suy tư về nghề văn, về cách viết văn. Ông thích Anton Chekhov chứ không phải Maxim Gorky. Có lẽ trong thâm tâm ông cũng đã từng nghĩ như nhà văn Colombia Gabriel García Marquez (1927 - 2014), Nobel văn chương 1982: “Trong nghề văn khiêm tốn là một đức tính thừa. Bởi vì nếu anh có ý định viết một cách khiêm tốn thì anh chỉ là một nhà văn ở mức khiêm tốn. Cần phải vũ trang cho mình tất cả sự hiếu danh của thế giới và đem các mẫu mực bậc thầy ra đặt trước mặt mình (…). Nhiệm vụ là phải tìm cách viết hay hơn họ.” (Tôi dịch từ tiếng Nga).

Các nhà văn lớn đều nghĩ như vậy. Trước García Márquez, Ernest Hemingway (1899 - 1961) Nobel văn chương 1954, khi trò chuyện với một nhà văn trẻ đã nói cái ý là bổn phận của nhà văn là phải viết vượt những người đi trước. Ông khuyên nhà văn phải đọc nhiều sách để biết mình phải đánh bại cái gì. “Nghe đây. Viết ra những cái trước đó đã được viết rồi là một việc vô ích, trừ phi anh đánh bại được nó. Nhà văn thời đại chúng ta chỉ phải làm một việc là viết những cái chưa từng được viết trước đây hoặc là đánh bại những người đã chết vì những thứ họ đã viết ra. Cách duy nhất để hắn có thể nói mình đã viết ra sao là sự cạnh tranh với người đã chết. Hầu hết các nhà văn đang sống là không tồn tại.” (Tôi dịch từ tiếng Anh.) Cả García Márquez và Hemingway nói ra những lời trên trước khi họ được giải Nobel và họ được giải chính vì phương châm viết đó.

Hồi cuối tháng 7 năm nay tại Hà Nội đã có một cuộc thảo luận mang tên gọi “Local or Global?: Bao giờ văn Việt được Nobel?” “Local” là địa phương, “Global” là toàn cầu. Ngay khi được tin nhà văn đồng hương của mình được giải Nobel 2024, ông Kim Ho-woon, Chủ tịch Hội Nhà văn Hàn Quốc, cho biết việc Han nhận giải Nobel là đỉnh cao những nỗ lực của bà trong việc sáng tác các tác phẩm cho độc giả toàn cầu. Phát biểu với tờ “Korea Times” ông nói: “Việc nhà tiểu thuyết Han Kang nhận giải Nobel văn học không chỉ là vinh dự cá nhân mà còn là thành tựu to lớn của đất nước chúng ta. Tôi hy vọng đây sẽ là cơ hội để thế giới công nhận tầm vóc của nền văn học chúng ta. Giải thưởng này chứng tỏ rằng văn hóa và văn học Hàn Quốc đã đạt đến tầm toàn cầu.” Ông nói thêm: “Điểm độc đáo trong văn học của Han nằm ở khả năng sáng tác các tác phẩm gây được tiếng vang với độc giả toàn cầu. Bà đã nhận giải thưởng này vì đã sáng tác tập trung vào nhân loại toàn cầu. Tôi hy vọng đây sẽ là cơ hội để nhiều nhà văn Hàn Quốc sáng tác các tác phẩm văn học không chỉ hấp dẫn độc giả Hàn Quốc mà còn thu hút đông đảo độc giả quốc tế.” (Tôi dịch từ tiếng Anh).

Nhà văn Nam Cao của chúng ta, tôi tin, cũng đã có tinh thần văn chương như vậy. Tôi đưa lại ước vọng giải Nobel văn chương của ông như một cách trả lời câu hỏi bao giờ văn chương Việt vươn được tới tầm cao này mà nhiều bạn đã hỏi tôi cứ mỗi dịp trao giải Nobel hằng năm. Ước vọng đó là lời gửi gắm của nhà văn đi trước cho các thế hệ cầm bút về sau để đưa văn chương Việt Nam vang xa ra ngoài bờ cõi đất nước, góp phần vào kho tàng giá trị nhân văn chung của nhân loại.

----------

Bài viết cùng chuyên mục:

Công bố đường dây nóng tiếp nhận tin phản ánh về tiêu cực, tham nhũng Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu phản ánh về công tác phòng, chống COVID-19 Giáo viên phản ánh, cùng bộ SGK mỗi cuốn viết một kiểu gây khó cho học sinh Hà Nội: Đẩy mạnh giải quyết phản ánh, kiến nghị trên ứng dụng iHanoi Thương. Truyện ngắn dự thi của Mai Linh
Bản tin Văn nghệ: Ra mắt vở kịch thơ "Nữ sĩ Hồ Xuân Hương"

Bản tin Văn nghệ: Ra mắt vở kịch thơ "Nữ sĩ Hồ Xuân Hương"

Baovannghe.vn - Nhà hát Thế Giới Trẻ (thuộc Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP HCM) sẽ công diễn vở "Nữ sĩ Hồ Xuân Hương" vào ngày 24/10 do NSND Trịnh Thúy Mùi - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đạo diễn.
"Cu li không bao giờ khóc" giành giải  FIPRESCI  - Liên hoan điện ảnh mới tại Canada

"Cu li không bao giờ khóc" giành giải FIPRESCI - Liên hoan điện ảnh mới tại Canada

Baovannghe.vn - Sau chiến thắng tại Liên hoan, Phim Cu li không bao giờ khóc cũng đã được ấn định lịch phát hành tại Việt Nam vào ngày 15/11 tới.
Đọc truyện: Thương. Truyện ngắn dự thi của Mai Linh

Đọc truyện: Thương. Truyện ngắn dự thi của Mai Linh

Baovannghe.vn - Giọng đọc: Hà Phương; Đồ họa: Thùy Dương
Bộ GD&ĐT: 5 đối tượng được đề xuất tuyển thẳng vào lớp 10 THPT

Bộ GD&ĐT: 5 đối tượng được đề xuất tuyển thẳng vào lớp 10 THPT

Baovannghe.vn - Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến góp ý dự thảo Thông tư ban hành Quy chế tuyển sinh, trong đó có quy định rõ về các đối tượng được tuyển thẳng, được hưởng ưu tiên cộng điểm trong tuyển sinh vào lớp 10
Quốc hội bước sang ngày làm việc thứ 2 Kỳ họp thứ Tám

Quốc hội bước sang ngày làm việc thứ 2 Kỳ họp thứ Tám

Baovannghe.vn- Ngày 22.10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Báo cáo , dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025, Kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước 3 năm 2025 – 2027.