Diễn đàn lý luận

Tôn trọng sinh mệnh

Nguyễn Thị Tịnh Thy
Lý luận phê bình
10:17 | 01/08/2024
Tôn trọng sinh mệnh - Truyện ngắn "Con thú bị ruồng bỏ" và "Rùa hồ Gươm" của Nguyễn Dậu nhìn từ tự sự học sinh thái
aa

Tự sự học sinh thái “kết hợp sự quan tâm của phê bình sinh thái đối với mối quan hệ giữa văn học và môi trường vật chất với sự chú ý của nhà phê bình sinh thái học đối với cấu trúc văn học và các kỹ thuật sáng tạo câu chuyện của nhà văn” [12]. Nó dung hòa để “cả phê bình sinh thái và tự sự học đều có chung mối quan tâm về nội dung và hình thức, đều nhấn mạnh những lợi ích to lớn về môi trường và xã hội khi nghiên cứu kết hợp giữa phê bình sinh thái và lý thuyết tự sự” [6, tr.1].

Trong gia tài sáng tác của nhà văn Nguyễn Dậu, hai truyện ngắn Con thú bị ruồng bỏ (1988) và Rùa hồ Gươm (1990) trở nên khác biệt hẳn so với hơn 100 tác phẩm khác. Bởi vì, đề tài của Con thú bị ruồng bỏRùa hồ Gươm đề cập đến mối quan hệ giữa con người với thế giới tự nhiên, thể hiện quan điểm Tôn trọng sinh mệnh - một quan điểm sinh thái khá mới mẻ so với văn chương cùng thời. Theo nhà triết học Albert Schweitzer, sinh mệnh trong “luân lý học tôn trọng sinh mệnh” không chỉ là con người, mà bao gồm tất cả mọi sinh vật trên Trái đất này. Con người không thể chỉ vì sự sống của mình mà bất chấp các sinh mệnh khác [10]. Từ tư tưởng của Albert Schweitzer, có thể thấy tôn trọng sinh mệnh trong tác phẩm của Nguyễn Dậu là thấu hiểu, tôn trọng vạn vật khác ta, ngoài ta và đau đớn khi các sinh mệnh ấy bị hủy diệt; đồng thời, lên tiếng tỏ rõ sự bất bình trước những tư tưởng và hành vi thể hiện vị trí trung tâm, chúa tể của con người trong thế giới này. Kết hợp giữa luân lý học tôn trọng sinh mệnh và tự sự học sinh thái, bài viết này sẽ trình bày quan điểm tôn trọng sinh mệnh từ góc nhìn tự sự học sinh thái ở ba biểu hiện trần thuật: người kể chuyện, điểm nhìn bên trong và diễn ngôn sinh thái trong mối tương quan với loài vật - nhân vật trung tâm.

Theo nhà triết học Albert Schweitzer, sinh mệnh trong “luân lý học tôn trọng sinh mệnh” không chỉ là con người, mà bao gồm tất cả mọi sinh vật trên Trái đất này. Con người không thể chỉ vì sự sống của mình mà bất chấp các sinh mệnh khác.

1. Người kể chuyện đồng cảm và sự ngợi ca vẻ đẹp của sinh mệnh

Con thú bị ruồng bỏRùa hồ Gươm được kể bởi người kể chuyện ở ngôi thứ nhất. Trong tự sự học, việc kể chuyện ở ngôi thứ nhất để đạt đến độ tin cậy sẽ phải phụ thuộc vào việc người kể chuyện ấy là ai, “anh ta” quan sát và kể lại ở khoảng cách nào, bằng điểm nhìn nào, phẩm chất của anh ta ra sao... Với truyện của Nguyễn Dậu, sự tin cậy mà người kể chuyện có thể đem lại cho độc giả là ở sự đồng cảm sâu sắc với đối tượng được kể - cơ sở để nhà văn bày tỏ quan điểm sinh thái. Từng mắt thấy tai nghe về cuộc đời của những con vật trong hai truyện ngắn này, người kể chuyện vừa là chứng nhân vừa tham gia vào sự kiện cốt truyện và kể lại cho người đọc về vẻ đẹp của những sinh mệnh phi nhân.

Nhân vật trung tâm của Con thú bị ruồng bỏ là con chó Múc. Ở Rùa hồ Gươm, nhân vật trung tâm là những con rùa được người kể chuyện âu yếu gọi bằng những cái tên thân thuộc: Khọm già, thằng Nhắng, đôi vợ chồng rùa. Các con vật đều hiện lên sinh động qua sự thấu hiểu của người kể chuyện - nhân vật xưng “tôi”.

Trong Con thú bị ruồng bỏ, cả Tuýt và Múc đều là những con chó săn thiện chiến của thiếu tướng Nguyễn Hồng Quyền. Con Tuýt không ngoan và láu lỉnh. Tuýt biết phán đoán, ửng xử hầu hết ý chủ, làm vui lòng chủ. Ngoài chức trách dữ dằn, quyết liệt và man rợ trong săn bắt, nó rất dịu dàng, quấn quýt con người. Điều khiến ông Quyền hài lòng nhất ở Tuýt là nó biết phục tùng, tuyệt đối vâng lệnh.

Con Múc thì hoàn toàn ngược lại. Nó không hề thua kém Tuýt về khoản săn đuổi, vật lộn và cắn xé. Nhưng chỉ thế thôi, nó không quẩn quanh bên chân chủ, không biết chào đón, lại càng đần độn với những việc chủ muốn sai khiến. Trong trang trại đông đảo người này, Múc chỉ thân thiết và gắn bó với riêng bé Quỳnh - cháu ngoại ông Quyền. Những lúc tiễn cháu Quỳnh đi học rồi, nó thường quay về nằm duỗi dài chân ở đầu thềm dỏng tai nghe, chăm chú nhìn. “Nó nghe gió ngàn, nghe suối reo, nghe mọi động tĩnh trong rừng sâu. Đầu mũi ướt bóng của nó luôn luôn nhún động, để như nắm bắt, như phân biệt, như tận hưởng mọi thức hơi lạ theo gió lùa tới”. Tự trong sâu thẳm, Múc nghe tiếng gọi của tổ tiên hoang dã, và tự hiểu rằng nó thuộc về thế giới của tự do mặc dù vẫn yêu mến ông chủ và trang trại của ông. Ở nó, tính “rừng” đậm hơn tính “nhà”. Múc luôn tiềm ẩn sự kiêu hãnh, và có thể nói, đó còn là sự bất khuất.

Nếu so sánh giữa Tuýt và Múc, có thể thấy cả hai đều là những con chó săn thông minh và tài năng. Tuy nhiên, qua nghệ thuật đòn bẩy khi miêu tả ưu điểm của Tuýt trước để sau đó càng khẳng định giá trị của Múc, người kể chuyện đã thể hiện tình cảm của mình đối với Múc; nghĩa là tôn trọng bản năng “rừng”, tâm trạng “nhớ rừng” của nó. Tuýt khôn ngoan để thích nghi và hòa hợp, Múc kiên định để không đánh mất mình. Tuýt thân thiết với ông Quyền, bởi nó thích làm một kẻ nô lệ được yêu chiều; Múc gắn bó với cháu Quỳnh, bởi nó mong được làm bạn với con người gần gũi với thiên nhiên giống như khát khao tìm về với nguồn cội của nó. Dù khách quan trong nhìn nhận và đánh giá, nhưng với Tuýt, người kể chuyện chỉ nhìn; còn với Múc, ông “hiểu”. Ông không chỉ kể, mà còn bày tỏ sự đồng cảm với khát khao trở về bản nguyên của loài vật lặn sâu trong ADN của nó. Đó chính là “cái hoang dã”, chất hoang dã mà các nhà sinh thái trên thế giới ra sức khôi phục và bảo tồn cho vạn vật.

Với Rùa hồ Gươm, tình cảm của người kể chuyện đối với những sinh vật đen đúa, xù xì và xưa cũ như cổ tích thật đáng quý. Gắn bó với hồ Gươm trong một thời gian khá dài, người kể xưng “tôi” thân thuộc từng con rùa sống nơi đây. Ngay biệt danh ông đặt cho chúng cũng đủ thấy hoàn cảnh và tính nết của từng con. Con to nhất “sống thui thủi, độc thân”, “cao niên nhất, và hiền từ nhất”; bọn trẻ câu cá và cả người kể chuyện trìu mến gọi nó là “ông Khọm”. Khọm hiền từ thật, ông “không hề gây phiền phức cho người”. Vậy mà, duy nhất một lần, có anh chàng đánh giậm bị Khọm hành hung.

Cho đến khi sơ cứu cho người đánh giậm hoàn sức và hoàn hồn xong, nhìn kỹ hắn, người kể chuyện mới nhận ra hắn chính là tên cướp mình từng bắt hụt từ tuần trước. Có lẽ hắn ném vàng cướp được xuống hồ, hôm nay đến mò tìm, và bị ông Khọm trừng trị. Vậy là, Khọm già hiền từ vốn không nổi giận với ai đã biết nổi giận đúng người và đúng lúc. Khọm không những thông minh, có trí nhớ giỏi, mà còn chính trực, biết trừng phạt kẻ gian. Khọm đúng là biểu trưng cho trí tuệ của tự nhiên.

Nhân vật thứ hai khá gây ấn tượng trong số các con rùa hồ Gươm là “thằng Nhắng”. Dĩ nhiên, nó là trang thanh niên, mà tính tình hoạt bát, cho nên người kể chuyện trìu mến đặt cho nó cái tên “Nhắng”. Thằng Nhắng được ông lưu tâm hơn các con rùa khác là vì nó khác hẳn đồng chủng và đồng bọn về hình hài lẫn tính cách. Khoảng trên ba trăm năm tuổi, Nhắng đẹp trai, “tinh nghịch và linh hoạt nhất hồ”. “Nó sinh động, tràn đầy sức sống, và biểu thị lòng yêu đời, yêu thiên nhiên muôn vẻ”. Nhắng rất thông minh, hồn nhiên, vô tư và độ lượng. Vì vậy, “tôi” không chỉ yêu quý mà còn nể phục Nhắng, và coi Nhắng “như một liều thuốc an thần đối với tôi”.

Hầu như thời gian tiêu khiển của mình, người kể chuyện dành hết cho lũ rùa hồ Gươm. Ông am hiểu bản tính loài và tính cách của từng con riêng biệt. Ông buồn vui theo mỗi hành động và số phận của chúng. Khi một đôi vợ chồng rùa “êm đềm với phút giây thiêng liêng của việc bảo tồn và phát triển nòi giống, người kể chuyện “lịch sự” “rón rén từng bước chân, không ho he, không lên tiếng”. Ông âm thầm vui với hạnh phúc lứa đôi của chúng, đồng thời, đồng cảm với trách nhiệm của chúng dành cho nhau khi sinh nở. Ông còn giúp đỡ chúng bằng cách chặt nhiều cành cây phủ lên miệng hố trứng.

Qua cách trần thuật tỉ mỉ của người kể chuyện về con Tuýt, con Múc, ông Khọm, thằng Nhắng và vợ chồng nhà rùa, có thể thấy sự gắn bó với thiên nhiên, tinh thần ngợi ca vẻ đẹp các sinh mệnh của ông. Người kể chuyện đã tạo nên một sự phấn chấn trong tiếp nhận văn học cho người đọc thông qua giọng kể sôi nổi, khi trìu mến, khi thán phục, khi yêu thương chở che. Từ cái nhìn của ông, ta hiểu rõ hơn quan điểm của Albert Schweitzer: mỗi sinh mệnh là một bí mật, và chúng đều có giá trị riêng.

Việc xác lập một kiểu người kể chuyện “hiểu”, quan tâm và đồng cảm với những sinh mệnh phi nhân đã quy chiếu đến “tầm nhìn” của anh ta trong thế giới truyện kể. “Tôi” trong Con thú bị ruồng bỏRùa hồ Gươm luôn cùng tần số cảm nhận, cảm xúc với những người có tình yêu với thế giới phi nhân. Vì thế, cháu Quỳnh có thiện cảm với ông, dù ông chỉ là bạn của ông ngoại cháu và rất ít khi gặp mặt nhưng cháu vẫn tâm sự mọi bí mật về Múc với riêng ông. Ở Rùa hồ Gươm cũng vậy, người kể chuyện chỉ thân thiết, tâm giao với ông Tư Mã “đẹp trai, hào hoa, học lực cao, tính khoát đạt”, bởi vì giữa hai người là “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” trong tình yêu thương và chở che đối với loài rùa. Để ông Tư Mã, chứ không phải ai khác, phát hiện bọn rùa bị tấn công trong đêm khuya; phát hiện thằng Nhắng đang hấp hối và tất tả chạy đi tìm người kể chuyện cũng là một sự sắp xếp có chủ ý trong cấu trúc truyện kể của tác giả hàm ẩn. Khoảng cách giữa người kể và đối tượng được kể (những con vật) luôn được rút ngắn nhờ điểm nhìn phức hợp với những nhân vật trung gian như cháu Quỳnh và ông Tư Mã. Có sự bổ trợ từ họ, mỗi khi người kể chuyện “vắng mặt” trong sự kiện thì tiêu cự hoá vẫn đảm bảo bằng 0. Vì thế, khoảng cách của người kể và đối tượng được kể gần như không có; tiêu cự quan sát được nối tiếp từ những nhân vật tâm giao khi “tầm nhìn” của người kể chuyện bị khuất lấp. Tất cả những điều này đã khiến cho mối quan hệ giữa người kể chuyện và đối tượng được kể trở nên khắng khít. Sự đồng cảm của đồng cảm trong thế giới loài người cũng được tăng lên, tạo cảm giác rằng vẫn còn có nhiều người hiểu và yêu thương và tôn trọng sinh mệnh.

Nhìn một cách tổng thể, người kể chuyện của Con thú bị ruồng bỏRùa hồ Gươm với tính cách, tình cảm gần gũi, yêu thương, chở che và đồng cảm với thế giới tự nhiên đã mang lại nhiều suy ngẫm về vấn đề sinh thái. Anh ta giữ vai trò trung gian trong việc kết nối nhân loại với phi nhân, tỏ rõ thiện chí bảo vệ cái

Đặt hai tác phẩm của Nguyễn Dậu trong bối cảnh văn học cùng thời, sẽ thấy nhà văn đã vượt ra khỏi tư duy nghệ thuật lấy con người làm trung tâm đang chiếm lĩnh văn đàn. Bằng những gì người kể chuyện quan sát và bày tỏ, có thể thấy tư tưởng phi nhân loại trung tâm, tự nhiên trung tâm, sinh thái trung tâm đã được trình hiện một cách có chủ ý.

hoang dã thuần khiết như một sự đối kháng với quan điểm thống trị và chinh phục. Đặt hai tác phẩm của Nguyễn Dậu trong bối cảnh văn học cùng thời, sẽ thấy nhà văn đã vượt ra khỏi tư duy nghệ thuật lấy con người làm trung tâm đang chiếm lĩnh văn đàn. Bằng những gì người kể chuyện quan sát và bày tỏ, có thể thấy tư tưởng phi nhân loại trung tâm, tự nhiên trung tâm, sinh thái trung tâm đã được trình hiện một cách có chủ ý. Tất cả những tư tưởng tiến bộ đó đi qua lăng kính của người kể chuyện đồng cảm khiến người đọc có thể thấy được thái độ sáng tác, “chức năng điều khiển, chi phối mọi hoạt động và tạo ra cơ chế vận động nghệ thuật trong thế giới nghệ thuật” cũng như “tiêu chuẩn đạo đức luân lý” của “tác giả hàm ẩn” [7, tr.138-141]. Luân lý tôn trọng sinh mệnh trở thành chủ đề của hai tác phẩm. Vì vậy, khi những sinh mệnh bị ngược đãi, bị hành hạ và hủy diệt, nghĩa là luân lý bị phá vỡ, thì bằng điểm nhìn bên trong, người kể chuyện đã bộc lộ nỗi đau xót của mình.

2. Điểm nhìn bên trong và sự thấu hiểu nỗi đau của sinh mệnh

Trong hai truyện ngắn Con thú bị ruồng bỏRùa hồ Gươm, tư tưởng thống trị tự nhiên đã khiến con người cho mình cái quyền chúa tể của thế giới. Dù vô tình hay cố ý, họ đã gây ra tội ác hủy diệt đối với tự nhiên. Vì vậy, số phận các con vật trong truyện ngắn của Nguyễn Dậu đều kết thúc bằng bi kịch. Từ sự chi phối của quan điểm tôn trọng sinh mệnh, người kể chuyện không hề đứng bên ngoài những đớn đau về thể xác và tâm hồn của chúng, ông thấu cảm những nỗi đau đó bằng điểm nhìn bên trong với phức cảm của sự hối hận, phẫn uất, cay đắng, tiếc thương. Chính điểm nhìn bên trong đã truyền tải được năng lượng tình thương của người kể đến bạn đọc, làm tăng hiệu quả của tiếp nhận đối với vấn nạn sinh thái.

Chó Múc dũng cảm và tự trọng, ông Khọm thông minh và quyết liệt, thằng Nhắng tinh nghịch và vị tha, hai vợ chồng nhà rùa hiền lành và cẩn thận... Qua thủ pháp nhân hóa dày đặc và giọng điệu trìu mến của người kể chuyện, tất cả chúng đều bộc lộ những tính cách đẹp đẽ, đáng yêu. Chúng giúp ích cho đời sống vật chất và tinh thần của con người nhưng những gì chúng nhận lại thì thật cay đắng và bi thương.

Trong Con thú bị ruồng bỏ, thiếu tướng Quyền vốn tự phụ, hiếu thắng và rất gia trưởng. Ông lại có định kiến với sự ương ngạnh của Múc, thậm chí, còn “ghẻ lạnh” và “căm ghét” nó. Với ông, thông minh, dũng cảm và trung thành thôi chưa đủ, mà phải biết nghe lời, phải ngoan ngoãn, phải hoàn toàn bị thuần phục. Vì thế, cho dù Múc đã lập công lớn khi đánh bại con lợn rừng, ông Quyền vẫn không ban thưởng cho nó. Ông quên đi những công lao của nó, chỉ còn biết cáu gắt quát tháo mỗi khi nó lì lợm không chịu xua đuổi đàn gà quấy phá vườn rau, hoặc không chịu xua đuổi lũ gia súc đang tứ tán trên đồi.

Sự việc trở thành giọt nước tràn ly vào hôm rằm tháng bảy, Tuýt cắp con gà trên mâm cỗ của ông Quyền, nhưng khi phát hiện có người đến, nó luống cuống nhả ngay đúng chỗ của Múc nằm. Do hiểu lầm, ông Quyền rút roi da quất vào tới tấp vào con Múc. “Con vật rú lên thê thảm, nhảy vọt ra sân, nhưng vẫn còn bàng hoàng ngơ ngác, chưa dám chạy xa hẳn”. Chỉ đến lúc nhác thấy ông chủ giằng lấy khẩu súng hai nòng trên tay cậu quý tử, Múc mới hiểu mức độ giận dữ của ông chủ. “Nó dồn hết sức lực vào bốn cẳng, luồn lỏi qua dãy chuồng gà, chuồng lợn, rồi vượt qua cửa rào, nó lao thẳng về phía rừng…”. “Từ đó nó trở về cuộc sống hoang dại mà tổ tiên nó xưa kia hằng sống”.

Cũng từ đó, “trăm dâu đổ đầu tằm”, mấy chục con gà, dê, lợn của trang trại bị bắt mất, ông Quyền cứ nhất nhất cho rằng Múc là thủ phạm. Ông quyết phục kích để diệt trừ nó. Khi gặp lại Quỳnh trên đồi sim, Múc vô cùng mừng rỡ. Từ đó, đôi bạn thường xuyên gặp nhau, “trìu mến ve vuốt nhau, rồi lại bịn rịn chia tay nhau”. Ông Quyền lợi dụng mối quan hệ này để tiêu diệt Múc. Mỗi lần Quỳnh lên đồi sim, ông thường gói cho cháu một ít thịt rán tẩm bột, bảo đem cho con Múc. Lần gặp gỡ sau cùng, thịt rán đã được tẩm thuốc mê. Lúc gọng kìm của ông Quyền vây chặt, con Múc trúng thuốc mê nằm thẳng cẳng bên cháu Quỳnh đang khóc nức nở. Múc mềm rũ rượi, “song đôi mắt rực lửa của nó vẫn trừng trừng ngắm nhìn tất cả”. Ông Quyền không để mất thời gian. Một loạt đạn ngắn gọn rít lên, hòa cùng tiếng thét xé trời của cháu Quỳnh. Con Múc nhận đủ cả băng đạn. Máu nó xối xả, đỏ sẫm cả bộ lông đen. Cháu Quỳnh lả đi. Lòng dạ trẻ thơ không thể chịu đựng nổi cảnh đau thương này. Múc chết, niềm kiêu hãnh của núi rừng cũng chết, lòng tin về con người của cháu Quỳnh cũng mất theo.

Phân tích những “tổn hại” mà tướng Quyền cho là tại Múc: đôi gà Đông Tảo, con gà trên mâm cỗ (khi Múc còn ở nhà) và hai chục gà bốn đầu lợn, hai con dê sữa (khi Múc trốn vào rừng), có thể thấy sự đối lập trong điểm nhìn của ông và người kể chuyện. Tướng Quyền không cần điều tra, suy xét, mặc dù việc này vốn là sở trường của ông. Ông vội vàng và nhất nhất quy kết Múc là tội phạm. Bằng điểm nhìn bên ngoài đầy thiên kiến và thù nghịch, ông không muốn, không thể và không bao giờ “hiểu” động vật - kể cả con vật gần gũi với mình mỗi ngày. Ngược lại, người kể chuyện chỉ là khách của gia đình tướng Quyền, tiếp xúc với con Múc không nhiều, nhưng bằng điểm nhìn bên trong đầy thấu cảm, ông đã có thể hiểu được sự trung thực, nỗi oan khuất của nó. Vì thế, dù trần thuật ở ngôi thứ nhất nhưng điểm nhìn của ông không bị hạn tri, bị che lấp. Đôi chỗ, điểm nhìn ấy còn mang tính toàn tri, “biết tuốt” như thượng đế. Nhờ thế, ông biết rằng chuyện đánh cắp con gà trên mâm cỗ là con Tuýt đã vô tình gắp lửa bỏ tay người, ném đá giấu tay; con Múc từ nạn nhân trở thành tội phạm. Đằng sau lời kể, lời tả, lời bình luận là điểm nhìn, là sự công chính, và cao hơn hết là tình cảm của người phán xét - người kể chuyện.

Điểm nhìn bên trong còn cho phép người kể chuyện miêu tả được những suy nghĩ, cảm xúc, tâm trạng của Múc: nó “không hiểu người ta định làm gì”, “linh cảm thấy sự chẳng lành”, rồi “bàng hoàng ngơ ngác” và “hiểu rằng nó đã bị bịt hết mọi ngách sống”. Dẫu người kể chuyện không thuyết phục được tướng Quyền, không cứu được Múc, nhưng sự thấu hiểu của ông, nỗi đau của ông như là cái vuốt mắt đầy tiếc thương và an ủi cho con vật bất hạnh trót rơi vào tay của một ông chủ bất nhân.

Cũng như Múc, những con rùa hồ Gươm đều bị con người bạc đãi, thậm chí là hãm hại, tiêu diệt. Ông Khọm đột ngột biến mất. Thằng Nhắng phải hứng chịu “rào rào hàng trăm hòn và đá tảng bay xuống”. Vào một đêm khuya, lợi dụng lúc lũ rùa bơi gần bờ để kiếm ăn, bọn săn trộm đã dùng đầu nhọn của cuốc chim bổ phập vào mui rùa. “Thằng Nhắng” bị thương nặng. “Vết thương trên mai to bằng miệng bát, toả mùi thối khăm khẳm”. Người ta hất nó xuống nước, nhưng nó lại lồm cồm bò lên… Mấy tháng sau, thân xác Nhắng được đặt trong tủ kính “sau một thời gian bị lãng quên dưới đáy hồ, thậm chí bị xua đuổi, bị hành hạ.”

So với Nhắng, mất mát của hai vợ chồng nhà rùa càng khiến người đọc xót xa. Lúc đào hầm tránh bom, cán bộ sở Văn Minh - cơ quan quản lý văn hóa - đã đào trúng ổ trứng rùa. “Hơn một trăm quả bị vỡ nát” sau một nhát thuổng. Tiếp đó, “các ông bà bên sở Văn Minh biết chuyện chạy sang, mỗi ông bà cũng vơ được hàng nón trứng”. “Hố trứng thê thảm như bị trúng bom. Rác rưởi, đất cát, mảnh trứng vỡ hòa trộn vào nhau, ngổn ngang nhớp nhúa”. Hai vợ chồng rùa “như phát điên”. Chúng kêu ké ké rất nhỏ, đầy đau xót. Một con liều lĩnh nghển cao cổ, tiến lại gần hố trứng. Một thanh niên có sẵn lưỡi thuổng trong tay đã quật mạnh trúng đầu con vật xấu số. Nó lúc lắc cái đầu, chới với bốn chân, phóng ào xuống nước.

Ít lâu sau, trong một ngày buồn bã, người dân sống gần hồ đã chứng kiến một cảnh tượng chưa từng diễn ra trong lịch sử. Một xác rùa nổi trên mặt hồ. Thịt nó thối rữa, nổi lềnh phềnh như một cái phao lớn. Một con rùa khác biểu lộ sự đau xót dữ dội. Nó cắn chân con chết kéo xuống đáy hồ, nhưng con chết bị trương phình nên nên cứ nổi bềnh lên. Nó lại cắn chân, cắn đuôi, cắn đầu kéo xuống. Trong bất lực và tuyệt vọng, “nó bơi những vòng rất rộng, quạt nước, quẫy bọt, kêu ké ké, thật sự như một kẻ điên rồ mất trí”. Người trên hồ xúm lại xem dày đặc. Kẻ ném đá, kẻ la hét, song số đông thì im lìm cảm động, thầm lặng chứng kiến một chuyện lạ cổ kim hiếm gặp.

Rồi con rùa chết cũng được đặt trong tủ kính như thằng Nhắng. Con rùa còn sống thì trở nên điên dại. Vừa chưa nguôi nỗi đau chết con của hôm trước, nay lại thêm nỗi đau đớn vì chết vợ, nó không còn thiết sống nữa. Cú “sốc” cay đắng và đau thương vì “tử biệt sinh ly” đã làm cho nó rồ dại, quẫy phá khắp nơi. Về sau, hồ Gươm trở lại yên tĩnh, không ai nhìn thấy con rùa ấy nữa. “Nó đã nguôi dịu nỗi đau, hay đã đào một hố sâu dưới đáy bùn, rồi rúc xuống đáy nằm im vĩnh viễn?” Có thể lắm, bởi vì theo người kể chuyện, “rùa là giống có tình nghĩa lứa đôi rất sâu nặng”.

Theo nhà triết học người Anh Henry More, không ai có thể chứng minh động vật thiếu linh hồn hoặc trải nghiệm về thế giới bên kia. Các nhà triết học theo đuổi thuyết giải phóng động vật như Peter Singer cũng thừa nhận động vật có năng lực cảm nhận niềm vui sướng và nỗi đau khổ như con người, vì vậy chúng xứng đáng được nhận mối quan tâm đạo đức từ con người. Nghĩa là, con người cần tránh gây đau khổ cho động vật [14]. Có thể, nhà văn Nguyễn Dậu vào thời kỳ sáng tác hai truyện ngắn Con thú bị ruồng bỏRùa hồ Gươm không được đọc về những lý thuyết triết học tiến bộ như Tôn trọng sinh mệnh của Albert Schweitzer[10] hay Giải phóng động vật của Henry More và Peter Singer [9]. Nhưng bằng tình yêu và tôn trọng đối với những sinh mệnh quanh mình, ông đã lên tiếng bảo vệ quyền được sống, được hạnh phúc, tự do của chúng qua tấm lòng trắc ẩn của người kể chuyện.

Con Múc tủi hận, uất hận cho đến chết; thằng Nhắng đau đớn cả thể xác lẫn tâm hồn khi luôn bị chọc phá, đánh đập, xua đuổi; con rùa mất vợ con không thể nào “nguôi dịu nỗi đau” và chắc chắn nó đã chết trong sầu hận. Bằng điểm nhìn bên trong với sự thấu cảm, người kể chuyện đã soi rọi tận sâu trong tâm khảm của các sinh mệnh thiệt thòi này để trình hiện nỗi đau đớn cực cùng của chúng. Con Múc dâng hiến và tận tuỵ với chủ nhưng lại chết bởi tay chủ. Thằng Nhắng và vợ chồng nhà rùa chẳng hề làm hại ai nhưng luôn không được sống yên ổn. Con người được thỏa chí, hả hê khi nhìn thấy Nhắng bày trò, nhưng họ cũng hả hê khi làm nó đau đớn. Ngay cả khi con rùa chồng điên dại lay tỉnh vợ mình trên mặt hồ cuộn sóng đau thương, nhiều người vẫn không thôi trò hành hạ loài sinh vật tội nghiệp này. Cán bộ của sở Văn Minh thì hí hửng lấy trứng rùa để ăn mà không hề tỏ chút băn khoăn về sự đau đớn của cha mẹ chúng. Con người trong truyện ngắn của Nguyễn Dậu đa phần đều quá tàn nhẫn, ích kỷ và tham lam. Họ không mảy may nghĩ đến nỗi đau của loài vật, không chia sẻ nỗi đau tử biệt sinh ly mà chỉ “bàn tay của những kẻ bạo chúa” mới có thể thờ ơ[4, tr.97].

Con người trong truyện ngắn của Nguyễn Dậu đa phần đều quá tàn nhẫn, ích kỷ và tham lam. Họ không mảy may nghĩ đến nỗi đau của loài vật, không chia sẻ nỗi đau tử biệt sinh ly mà chỉ “bàn tay của những kẻ bạo chúa” mới có thể thờ ơ.

Đặt điểm nhìn của người kể chuyện bên cạnh các nhân vật “độc ác” và vô cảm khác, có thể thấy sự đối lập giữa điểm nhìn bên trong và bên ngoài trong tổ chức tự sự của nhà văn. Tiếc thay, người mang điểm nhìn bên trong lại quá ít ỏi. Đó cũng chính là nguyên nhân dẫn đến kết cục thê thảm của các con vật trong hai tác phẩm. Bởi vì, cách chúng ta nhìn về thế giới sẽ quy định cách chúng ta đối xử với nó. Nếu chỉ bằng điểm nhìn bên ngoài lạnh lùng và vị kỷ, chúng ta không thể nào có mối đồng cảm và tôn trọng vạn vật.

Suy cho cùng, chỉ có bảo vệ và tôn trọng sinh mệnh, nhân loại mới có thể cứu vớt hố thẳm trong tâm hồn của chính mình. Đó là nguyên tắc đạo đức tất nhiên, phổ biến, tuyệt đối. Để thể hiện quan điểm sinh thái này, nhà văn Nguyễn Dậu đã tổ chức văn bản qua những ngôn từ mang thông điệp của diễn ngôn sinh thái.

3. Diễn ngôn sinh thái - tiếng nói phê phán chủ nghĩa nhân loại trung tâm

Theo Henry More, thế giới này không chỉ là của riêng con người và của riêng đàn ông mà là của tất cả các sinh vật khác. Ông trích dẫn châm ngôn 12:10 từ Cựu ước: “Người đàn ông tốt là người thương xót cho con thú của mình” để khẳng định sự cần thiết của lòng yêu thương động vật [8]. Trong Con thú bị ruồng bỏRùa hồ Gươm, sự cần thiết của lòng yêu thương động vật cũng là biểu hiện của diễn ngôn sinh thái thông qua các kiểu “lời” của truyện: lời kể, lời tả, lời bình luận của người kể chuyện và các nhân vật khác. Họ lên tiếng vì tự nhiên, phê phán Chủ nghĩa nhân loại trung tâm, phản đối những suy nghĩ và hành vi ngược đãi động vật.

Người kể chuyện trong Con thú bị ruồng bỏ kể và tả rất rõ lai lịch và tính cách của tướng Quyền cũng như cơ ngơi mà ông tạo dựng. Tướng Quyền đến đây khai phá, chiếm lấy đất đai, bắt loài vật phục vụ cho lợi ích của mình. Ngựa thì dùng để cưỡi, để kéo máy ép mía, máy ép dầu thay sức người; chó thì để dẫn đường, để giữ nhà, săn thú. Con người cũng như con vật ở trang trại này đều phải nhất nhất nghe theo ông, “chớ để ông phật ý”. Qua cách miêu tả quá trình xâm lấn tự nhiên, khai hoang lập ấp, tổ chức đời sống và ứng xử với con người và loài vật, có thể thấy tướng Quyền không chỉ là đại diện cho chủ nghĩa nhân loại trung tâm, mà còn là người thực hiện triệt để chủ nghĩa nam giới trung tâm. Cả hai thứ chủ nghĩa này là căn nguyên sâu xa của tư tưởng cưỡng đoạt tự nhiên, gây nên nguy cơ sinh thái.

Đồng thời, chỉ bằng một câu “mảnh đất này không phải đất tổ của ông Quyền”, người kể chuyện đã xác lập vị trí đến sau của ông Quyền nói riêng và con người nói chung trên Trái đất này. Chúng ta là “kẻ đến sau”, là khách của thế giới. Nhưng chúng ta không xem thế giới là nơi trú ẩn như triết học sinh thái quan niệm, mà lại xem thế giới là nơi để cướp bóc. Chỉ bằng một câu của người kể chuyện, nếu chú ý, độc giả sẽ ý thức lại vị trí của mình, không quá tự tin “bàn tay ta làm ra tất cả” đến mức vô ơn.

Rùa hồ Gươm, những câu văn miêu tả từ điểm nhìn của người kể chuyện có thể cho người đọc hình dung sự ô nhiễm và thảm họa sinh thái do bàn tay con người gây ra: “Nước từ các cửa cống, các mặt đường trong thành phố trút cả xuống hồ, sóng nước bị ngầu đục mang màu vàng khè, hôi thối và bẩn thỉu, lềnh phềnh toàn rác rưởi”. “... Cá chết hàng loạt… Thủy tộc bị sát hại vô kể”. Cách miêu tả tỉ mỉ này dù được thể hiện với giọng điệu trung tính, nhưng có thể nhận thấy thái độ bất bình của người kể chuyện đối với không gian ô uế, tàn lụi và chết chóc mà muôn loài phải cư ngụ. Tư tưởng nhân loại trung tâm đã khiến con người bất chấp bộ mặt và sự sống của tự nhiên, họ đang từng ngày bức tử tự nhiên.

Chứng kiến việc vui thích của mọi người bằng cách hành hạ những chú rùa vô hại, nhân vật “tôi” - người kể chuyện tỏ rõ sự tức giận qua cái nhìn mang tính đồng thoại của thằng Nhắng và những suy tư của chính mình. Nhắng gọi những người trên bờ là “lũ người ngu ngốc và độc ác”. Người kể chuyện tự thấy xấu hổ với “lũ người tàn tệ”, thấy “tê tái hờn căm”. Lúc Nhắng bị thương nặng, mười ngày bỏ công đi tìm nó nhưng vẫn vô tăm tích, ông “bắt đầu chuyển từ lo lắng sang thành mối đau”. Ngày thứ mười lăm, tìm thấy Nhắng đang vật vạ ở gần nhà Thủy Tạ, ông “thở dài, nhói lòng, nhói ruột”, bật ra câu nói như xót xa, như than khóc: “- Đúng thằng Nhắng rồi! Khốn khổ thân nó…”. “Nước mắt trào tuôn” khi ông nhìn người ta khuân Nhắng lên xe đưa đi… “Khốn khổ thân nó” là những từ ngữ quen thuộc mà chủ thể lời nói thường bật lên khi bày tỏ nỗi thương cảm, xót xa. Đối với vợ chồng rùa cũng vậy, khi nhìn thấy hố trứng thê thảm như bị trúng bom, người kể chuyện cũng thốt lên: “Khốn khổ cho đôi vợ chồng rùa!”. Ngôn từ cảm thán đó tạo nên trong người đọc một nỗi đồng cảm rất lớn với những sinh vật xấu số vốn hiền lành, vô hại nhưng luôn phải chịu ức hiếp và thiệt thòi.

Trong ngôn ngữ của người kể chuyện, từ ngữ dành cho con người và động vật thường có sự đối lập về tính từ theo mô thức con người - xấu xa, động vật - tốt đẹp, đặc biệt là với Rùa hồ Gươm. Lũ người “ngu ngốc và độc ác” (lời của Nhắng); “lũ người tàn tệ” (lời của người kể chuyện); “bọn “người” “lưu manh”, “trục lợi” “vị kỉ, hung bạo”, “vô nhân tính” (lời của ông Tư Mã). Ông Khọm thì “tinh khôn”, “hiền từ” nhưng “cũng biết nổi giận”, “biết hằn thù”, “trừng phạt” khi đối diện với kẻ xấu. Thằng Nhắng thì “nghịch ngợm”, “hồn nhiên”, độ lượng. Những từ ngữ đối lập trong phẩm chất của người và vật không phải được viết nên với dụng ý hạ thấp con người trước tự nhiên, mà ở một góc độ nào đó, đây là những tiếng nói cảnh tỉnh con người; khiến họ cần nhận thức lại chính mình và thế giới tự nhiên; xem xét lại tư duy nhị nguyên thống trị từ bao đời nay trong tinh thần của nhân loại.

Cấu trúc truyện của Rùa hồ Gươm có tính chất gối sóng, kịch tính rất mạnh, đưa người đọc đi từ cảm xúc vui vẻ, háo hức, hồi hộp đến buồn lo và tiếc nuối, xót thương. Những tưởng Khọm già và Nhắng cùng vài cụ rùa, chàng rùa khác bị mất đi, sẽ có những bé con rùa ra đời, tiếp nối giòng giống vừa huyền thoại vừa hiện thực làm nên giá trị của hồ Gươm. Người kể chuyện cũng như độc giả đều hạnh phúc và tràn đầy hy vọng với sự sinh nở của đôi vợ chồng rùa trong đoạn đầu của chương truyện “tử biệt sinh ly”. Vậy mà, cả đại gia đình chúng đều bị hủy diệt bởi lòng tham và sự vô tâm của con người. Nhìn con rùa còn lại điên cuồng làm sôi sục mặt hồ, “tôi” đồng cảm bằng những câu chữ như cào xé lòng người: “Ôi con rùa! Hôm nọ mày đau đớn vì chết con! Nay lại chết vợ!”

Một loạt các dấu chấm than thả xuống đoạn văn như sững sờ nối tiếp sững sờ, xót xa nối tiếp xót xa, bất lực nối tiếp bất lực. Và, đó còn là lời chuộc lỗi bởi đồng loại của mình đã gây ra thảm cảnh này.

Trong Con thú bị ruồng bỏ, thông qua đối thoại và độc thoại, người kể chuyện đã hết mực bảo vệ con Múc. Giữa ông và tướng Quyền là một sự đối lập gay gắt của quan điểm coi thường sinh mệnh và tôn trọng sinh mệnh - những sinh mệnh phi nhân, khác ta, ngoài ta. Biểu hiện đầu tiên của sự coi thường sinh mệnh, tự xác lập vị trí nhân loại trung tâm ở ông Quyền là thú vui săn bắn của ông. Đi săn, từ một hành động kiếm sống đã dần chuyển thành “thú săn bắn”, thành một “bộ môn thể thao say máu” trong xã hội loài người. “Khoái cảm mà thú vui này mang lại, không gì khác, là cảm giác toàn quyền chinh phục tự nhiên, hay, tự tôn vinh chính mình với tư cách là một giống loài” [4, tr.92]. Đó là cách mà “con người vĩnh viễn cảm thấy cần phải tái khẳng định quyền lực thống trị của mình lên tất cả…” [4, tr.93]. Những nhận định này rất phù hợp với tính cách của tướng Quyền. Mê săn bắn, luyện chó săn là cách mà ông thỏa mãn tâm lý thống trị thế giới tự nhiên. Ngoài ra, biểu hiện coi thường sinh mệnh tiếp theo của ông Quyền là sai khiến tự nhiên, mà cụ thể là những con chó của mình, và nếu chúng “ương bướng” như con Múc, thì ông “cần phải nghiêm trị”. Tiêu chí để ông yêu quý con vật của mình “là nó có ngoan ngoãn không? Có phục tùng không?”. Tiêu chí đó, thông thường là của kẻ giữ vai trò chúa tể, vị trí độc tôn trong thế giới này.

Ngược lại với ông Quyền, người kể chuyện luôn bảo vệ con Múc, chưa bao giờ giảm bớt thiện cảm với nó, cho dù bị ông Quyền tác động rất mạnh. Ông luôn biện hộ cho Múc, chính xác hơn, là muốn khẳng định bản chất tốt đẹp của Múc. Nếu ông Quyền gọi con Múc là “con trời đánh”, “không thể không diệt nó” thì người kể chuyện vẫn “bênh nó chằm chặp” và đề nghị “hãy rộng lượng cho nó được tự do”.

Nhưng trước định kiến sắt đá của “con người quen bệnh quyền uy”, người kể chuyện chợt nhận ra rằng “việc mình tỏ lòng thương tiếc con Múc nhiều quá càng khiến tướng Quyền tăng thêm quyết tâm hạ sát nó mà thôi”. Ông cảm thấy buồn rầu khi chứng kiến “cái trò quái gở giữa một bên quyết ý tìm diệt và một bên tinh quái né tránh”. Ông suy tư rất nhiều về những sai lầm của con người khi tự cho mình là chúa tể của tự nhiên: “Chúng ta, con người, loại động vật cao cấp nhất, nhờ có hai bàn tay lao động đã phát triển được trí thông minh. Nhưng sau khi rời bỏ rừng sâu, tiến về đồng bằng, xây dựng nên những trung tâm văn hóa, chúng ta đã quay lưng lại, đã phũ phàng và độc ác với rừng sâu. Chúng ta đã tàn hủy cái nôi sinh ra mình. Chúng ta đã săn bắn, tiêu diệt các sinh vật còn nương tựa vào rừng, mà ngu ngốc không hiểu rằng chúng ta đã tàn hủy tự nhiên và phá hoại thế cân bằng sinh thái. Các sinh vật, dữ và lành, tồn tại được nhờ rừng rậm. Rừng rậm tồn tại và phát triển được cũng đã nhờ sự sinh sôi của muông thú. Và cuối cùng, nếu muông thú và rừng rậm không tồn tại nữa, thì làm sao chúng ta có thể tồn tại được?”. Có thể xem trường đoạn độc thoại - bình luận này là một diễn ngôn bảo vệ sinh thái mạnh mẽ, phơi bày mặt trái của tư tưởng nhân loại trung tâm và hệ quả của quá trình xa rời, phản bội tự nhiên của con người. Diễn ngôn này được phát ra từ người kể vừa như một chứng nhân công tâm và trung thực, vừa như một chiêm nghiệm sau khi trải qua những chấn động tinh thần rất lớn. Những gì ông ta nghĩ và làm đều thể hiện tư tưởng bảo vệ động vật. Vì thế, những dằn vặt, chất vấn, tự vấn của ông ta đều rất đáng tin cậy và có sức thuyết phục đối với người đọc.

Thuở xa xưa, con người sống đơn giản hơn. Người ta chỉ biết rằng điều quý ở trên trời là mưa nắng trăng sao, điều quý dưới đất là ngũ cốc dồi dào, điều quý ở trong nhà là cháu thảo con hiền. Nhưng ngày nay điều quý lại là châu báu vàng bạc, là uy thế lộng quyền, là sát phạt muông thú và sát phạt lẫn nhau… Biết bao giờ mới tỉnh ngộ, mới tháo gỡ, mới đồng cảm và yêu thương?

Tiếp đó, lời bình luận của người kể chuyện lại hướng vào việc truy tìm nguồn gốc của nguy cơ sinh thái -một trong những đặc trưng của tác phẩm văn học sinh thái. Ông cho rằng: “Thuở xa xưa, con người sống đơn giản hơn. Người ta chỉ biết rằng điều quý ở trên trời là mưa nắng trăng sao, điều quý dưới đất là ngũ cốc dồi dào, điều quý ở trong nhà là cháu thảo con hiền. Nhưng ngày nay điều quý lại là châu báu vàng bạc, là uy thế lộng quyền, là sát phạt muông thú và sát phạt lẫn nhau… Biết bao giờ mới tỉnh ngộ, mới tháo gỡ, mới đồng cảm và yêu thương?”. Chủ nghĩa vật chất, chủ nghĩa tiêu dùng, tham vọng bá chủ chính là nguyên nhân đẩy nhân loại vào vòng luẩn quẩn, và nhất là chi phối đến những hành vi ứng xử bất nhân của họ đối với tự nhiên. Diễn ngôn này đã khiến cho Con thú bị ruồng bỏ trở thành một tác phẩm văn học sinh thái xuất sắc.

Nôn nóng có được chiến thắng sau ba lần thất bại với con Múc, tướng Quyền quyết lợi dụng cháu Quỳnh. Xét về mặt chiến thuật, ông Quyền xứng danh là một vị tướng tài; nhưng xét về tình cảm, ông đã phản bội cháu Quỳnh, bất chấp tình cảm, hạnh phúc tinh thần của cháu để đạt được tham vọng chiến thắng của mình. Người kể chuyện nhận ra bản chất tàn độc và lạnh lùng của tư tưởng nhân loại trung tâm bên trong con người “xởi lởi, hào phóng”, “biết chơi đẹp, biết ăn ở, biết cư xử” của ông Quyền. Đó là tư tưởng tôn vinh vị thế tối cao của con người trong Trái đất này: “không gì không thể”, “không gì không được”, “không gì không làm”; thể hiện thái độ của con người tin tưởng vào sức mạnh toàn năng của mình như là “ý muốn của Chúa” [13, tr.10]. Thậm chí, với niềm tin cực đoan hơn, họ cho rằng con người là chủ thể tuyệt đối. Đó là một kiểu “chủ thể điên cuồng” phá bỏ mọi giới hạn và sự trói buộc của tính hợp lý, theo đuổi giá trị và hành vi thực tiễn. Sự kiêu căng và tàn độc của ông Quyền đã giết chết con Múc. Rốt cuộc, con người - mà đại diện là ông Quyền, vẫn thống trị được tự nhiên - mà đại diện là con Múc. Nếu tự nhiên kháng cự hay làm trái ý của con người, chúng sẽ bị tiêu diệt.

Múc bị hạ sát trước mắt cháu Quỳnh, và cháu đã vô tình tiếp tay cho hành động đó của ông ngoại. Đau đớn dồn đau đớn, Quỳnh lả đi trong vòng tay của “tôi” - người duy nhất mà cháu tin tưởng. Ở đoạn kết này, yếu tố bất ngờ được tác giả hàm ẩn sử dụng trong nghệ thuật tự sự thật độc đáo. Thông thường, các nhà văn thường xử lý cái kết của đề tài săn bắn theo mô típ cốt truyện “gieo gió gặt bão” hoặc “nhân quả báo ứng”. Nghĩa là, người thợ săn bắn nhầm vào người thân của mình (Con thú lớn nhất - Nguyễn Huy Thiệp), hoặc là bị động vật trả thù bằng cách giết người thân khiến họ đau đớn tột cùng (Đoạn đầu đài - Aitmatov). Tuy nhiên, trong Con thú bị ruồng bỏ, lúc người kể chuyện xưng “tôi” phẫn uất thốt lên: “- Anh bắn giỏi thật đấy. Một cú “đúp” tuyệt vời! Anh hạ sát cả con Múc lẫn cháu Quỳnh”, tướng Quyền đầy lo lắng và hốt hoảng hỏi: “Cháu Quỳnh có làm sao không?”; thì “tôi” lên tiếng một cách mai mỉa, gay gắt và chua xót: “Thân thể cháu Quỳnh vẫn nguyên vẹn. Nhưng băng đạn mà ông bắn vào lòng nhân ái, vào tình yêu thiên nhiên của cháu Quỳnh thì không thể nào cứu chữa nổi”. Câu nói này còn hơn là sự giận dữ, nó lên án tư tưởng thống trị tự nhiên. Và hậu quả nhãn tiền là “cái chết” của tâm hồn ngây thơ trong trẻo và tấm lòng tôn trọng sinh mệnh của cháu Quỳnh. Như thế, cách xử lý cái kết của truyện thoát khỏi khuôn mẫu thông thường, tạo nên bất ngờ mới. Đây chính là cách mà nhà văn chọn lựa để người kể chuyện có cơ hội lên tiếng vì tự nhiên, đẩy tư tưởng của tác phẩm sang tư tưởng sinh thái rất rõ.

Diễn ngôn sinh thái mang tính truy vấn trong truyện ngắn của Nguyễn Dậu khiến người đọc phải phản tư, phản tỉnh về suy nghĩ và điều chỉnh hành vi sai trái của mình trong quan hệ với tự nhiên. Nói như nhà bảo vệ quyền lợi động vật người Anh Ingrid Newkirk khi nhìn nhận về thuyết giải phóng động vật: “Nó mãi mãi thay đổi cách cư xử của chúng ta với động vật. Nó làm cho con người - trong đó có tôi, thay đổi những gì chúng ta ăn, những gì chúng ta mặc, và cách chúng ta nhìn về động vật” [9].

*

Con thú bị ruồng bỏRùa hồ Gươm được sáng tác vào năm 1988 và 1990, khi mà nguy cơ sinh thái chưa đến mức cấp bách như ngày nay và văn học Việt Nam hầu như rất ít chú ý đến mảng đề tài này, hoặc nếu có, thì cũng là một kiểu “mơ hồ sinh thái” [13]. Tuy nhiên, bằng sự nhạy cảm và những trải nghiệm đớn đau, nhà văn Nguyễn Dậu đã lên tiếng vì sinh thái một cách có ý thức, có chủ đích trong sáng tác của mình thông qua nghệ thuật tự sự độc đáo. Có thể nói, Con thú bị ruồng bỏRùa hồ Gươm của Nguyễn Dậu là những tác phẩm viết “vì một thế giới lâm nguy” [1, tr.vii] vào loại sớm nhất trong văn học nước nhà. Tiếng nói tôn trọng sinh mệnh trong hai tác phẩm của Nguyễn Dậu rất rõ ràng và mạnh mẽ thông qua hệ đề tài, chủ đề, nhân vật, người kể chuyện, điểm nhìn trần thuật và những diễn ngôn sinh thái hiển ngôn lẫn ẩn dụ. Từ góc nhìn tự sự học sinh thái, có thể thấy tính tiên phong, giá trị nghệ thuật của tác phẩm và tình cảm, trách nhiệm cũng như ý thức sinh thái của nhà văn.

Nguyễn Thị Tịnh Thy

Bài viết đã đăng ở Tạp chí Nghiên cứu Văn học, số 7/2022, trang 62-72.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Buell, Lawrence (2005), The Future of Environmental Criticism: Environmental Crisis and Literary Imagination, Malden, MA and Oxford, UK: Blackwell.

[2] Nguyễn Dậu (1997), Rùa hồ Gươm, in trong Phật tại tâm, Nxb. Văn học, tr.5-58.

[3] Nguyễn Dậu (1997), Con thú bị ruồng bỏ, in trong Bảng lảng hoàng hôn, Nxb. Văn học, tr.197-237.

[4] Đặng Thị Thái Hà (2019), Căn tính, thân thể và sinh thái (Một vài thể nghiệm đọc văn chương), Nxb. Hội Nhà văn, Hà Nội.

[5] Đỗ Văn Hiểu (2012), “Phê bình sinh thái - khung hướng nghiên cứu văn học mang tính cách tân”, Tạp chí Sông Hương, số 11/2012.

[6] James, Erin & Morel Eric (2020), Environment and Narrative: New Directions in Econarratology. Columbus, OH, Ohio State University Press. Bản tiếng Việt: “Môi trường và Tự sự: Những hướng nghiên cứu mới trong Tự sự học sinh thái” (Lê Quốc Hiếu dịch) (Tài liệu sắp in).

[7] Cao Kim Lan (2015), Tác giả hàm ẩn và tu từ học tiểu thuyết, Nxb. Văn học, Hà Nội.

[8] Murti, Vasu (2017), Animal Liberation Theology, 31/03/2022.

[9] PETA, What Is Animal Liberation? Philosopher Peter Singer's Groundbreaking Work Turns 40, 26/07/2015, 20/04/2022.

[10] Schweitzer, Albert (2022), The ethics of reverence for life, 31/03/2022.

[11] Trần Đình Sử (chủ biên), Tự sự học - một số vấn đề lý luận và lịch sử, Nxb. Đại học Sư phạm Hà Nội, Hà Nội.

[12] 唐晓云 (2021), 生态叙事学及其对于文学研究的推进, 22/11/2021.

[13] Thornber, Karen (2013), Những tương lai của phê bình sinh thái và văn học (Hải Ngọc dịch), 31/03/2022.

[14] Wise, Steven M. (2022), The modern animal rights movement, 31/03/2022.

Phê bình sinh thái qua một số tác phẩm thơ đương đại Văn học sinh thái là thử thách với người viết và thú vị với người đọc Tiếc thương sinh thái Một số vấn đề sinh thái văn hóa trong nghiên cứu văn học Giữa một dòng văn chương sinh thái còn thưa thớt…
Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Baovannghe.vn - Đọc truyện: Hà Phương; Đồ họa: Thùy Dương
Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Baovannghe.vn - Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 98/CĐ-TTg ngày 18/9/2024 chỉ đạo tập trung ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ.
Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Trong số các nhà văn nữ Việt Nam đương đại, nhà văn Vũ Thanh Lịch, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình, là cây bút văn xuôi có nội lực sung mãn. Chị là tác giả của nhiều truyện ngắn hay, ghi dấu trong lòng bạn đọc mà “Nhà Thánh” - giải nhất Cuộc thi truyện ngắn Lửa mới 2018-2019 do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức là một minh chứng tiêu biểu.
Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Baovannghe.vn - Bà ngoại chỉ nói: "Đừng thúc ép gì nhiều. Phải tội. Đời người bạc, phận mỏng, biết sao được số trời. Mày làm thế không sợ chuốc khổ cho con bé".
Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4  trên khu vực trung Lào

Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4 trên khu vực trung Lào

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, sáng sớm nay (19/9), áp thấp nhiệt đới trên khu vực phía Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa đã mạnh lên thành bão - cơn bão số 4 năm 2024.