Sáng tác

Trăng bạc. Truyện ngắn của Hàn Nguyệt

Hàn Nguyệt
Truyện
17:00 | 27/10/2024
Baovannghe.vn - Khi thằng con của nàng mang con bé về nhà giới thiệu "Bạn con thưa má", nàng đã ngờ ngợ. Chính nó. Đôi mắt đen có những tia sáng bất thường
aa
Trăng bạc. Truyện ngắn của Hàn Nguyệt
Trăng bạc - truyện ngắn của Hàn Nguyệt

Đôi mắt đen to có những tia sáng bất thường. Cái cằm chẻ đặc biệt không lẫn được. Chính nó là bản sao của kẻ đã toan bóp chết nàng hai mươi sáu năm về trước.

- Bạn đâu nói giọng kì vậy con? - Nàng hỏi Vũ.

- Hà Nội đó má.

- Con cái nhà ai?

- Trang Thi là con bác Hoài ở Tổng cục thuế. Má ở tài chính chắc má biết?

Nàng im lặng. Cái gì mà nàng chẳng biết. Cả tia sáng di truyền trong mắt của cô gái kia nàng cũng biết?

- Con tiếp bạn lầu hai má ha? - Thằng con hiếu thảo của nàng hỏi thầm.

- Con giết nó cũng chẳng sao!

Nàng khoác chiếc áo choàng tím sẫm lên vai, ra khỏi nhà, mặc cậu con trai hai mắt trợn tròn.

Nàng chẳng biết mình đi đâu. Tìm một cái gì như là phương thuốc an thần.

Sài Gòn đêm ngập sáng. Ngột ngạt. Nàng nhìn về phía bến Nhà Rồng, những con thuồng luồng kết nên bởi vô số bóng điện đủ màu như muốn ngoạm lấy nàng. Nàng quịt mắt xuống lề đường khấp khểnh gạch vỡ. Người ta tản bộ để thư giãn, còn nàng lê bộ vì căm hận.

Đột ngột nàng chững lại, nắm chặt hai tay chém mạnh quay ngoắt trở về. Gã xích lô khẩy cười nhìn theo nàng hút đoạn rẽ: "Người bị thần kinh có khi cũng rất sang."

Nàng đóng sầm cửa. Trang Thi hơi hoảng.

- Má anh không thích em hay sao ấy anh nhỉ?

- Hổng phải. Má anh tính khí thất thường. Em đừng chấp bả.

- "Chấp." Anh nói như thế em là người thân í.

- Chưa thân cũng thể người nhà - Vũ có dáng võ biền nhưng hơi yểu điệu. Mắt dài dại hoang đường như mẹ, khi nhìn mi mắt cất lên rất chậm - Em dùng gì? Vang hay Champagne?

- Anh tập hư cho em phải không?

- Đâu có. Anh giỡn đùa tí xíu nghen: rượu nồng cay, môi em ngọt, anh sẽ được uống một thứ nước trời.

- Ối giời ơi! Còn hơn cả diễn viên nhà nghề nữa. Sao anh không thi vào trường em.

Vũ tắm Trang Thi bằng trận mưa hôn. Có cả nồng, cay, ngọt nhưng chẳng phải nước trời.

Nước trời đang xối xả rửa bụi bậm ngoài kia. Nước trời nhòa nhoẹt ướt trên gương mặt mẹ Vũ.

Nàng khóc. Nàng khóc thật sự sau bao nhiêu năm găm nước mắt vào lòng. Con bé ngây thơ hơi có vẻ rụt rè kia, nó đẹp tàn nhẫn như cha nó. Cũng trán rộng, mũi thanh tú, chiếc cầm chẻ chia gương mặt làm hai, một nửa nàng yêu quặn thắt, một nửa nàng muốn băm vằm. Nàng lục lọi từng tấm ảnh cũ rích, thả xuống chỗ giọt nước. Nước xối xuống gương mặt sung mãn của Hoài. Ảnh đen trắng mấy mươi năm vẫn còn giữ được nét, chỉ có mưa Sài Gòn mới dội tuột nó, cuốn vào đường ống, trôi ra cống rãnh. Nàng hả dạ.

*

Hoài yêu nàng trong trường hợp hơi ngộ. Hoài là cầu thủ xuất sắc của ngành thuế Hà Nội. Cầu thủ đập bóng lắt léo, cứ mỗi lần Hoài nhảy lên, khán giả vỗ tay vỡ sân, trọng tài tuýt còi và đội Hoài có quyền phát bóng.

Nàng mê thể thao. Suốt ngày rối rắm với những con số, xem bóng còn hơn cả vật lí trị liệu, da mặt tự khắc giãn nở, căng bóng lên vì phấn khích, vì những trận cười.

Vô tình nàng đứng xem bóng vị trí gần đối diện với cầu thủ số 4 Hoài. Những cú đập bóng của Hoài mất chính xác. Trưởng đội bóng tiến hành một cuộc họp bí mật, điều tra nguyên nhân. Trọng tài cảm tình với đội bóng ngành thuế, mách nhỏ, cầu thủ số 4 Hoài cứ sau một cú liếc xéo về góc phải, mắt toé lên một tia dị thường là... đập trượt.

Đội trưởng răn đe tinh thân thi đấu của Hoài, dọa đuổi khỏi cơ quan nếu lơ tơ mơ.

Bà trưởng phòng hành chính sau một hồi úp mở cuối cùng tế nhị đề nghị nàng đổi chỗ xem bóng nếu không làm cổ động viên càng tốt. Nàng hơi bực bội nhưng rồi hiểu ra. Vì danh dự của ngành, nàng không đi xem bóng nữa.

Nhưng tình hình tồi tệ hơn người ta tưởng. Hoài cuống quít tìm nàng. Hoài chuyển sang dùng vị trí cầu công phụ. Thần tượng đập bóng vỡ sân bắt đầu lu mờ.

- Khán giả nhạt với anh mất rồi.

- Chỉ em mặn với anh là đủ.

Hoài chơi bóng sút kém, làm việc sút kém. Nhưng tia mắt dị thường phát ra nhiều hơn. Đến lúc sức mạnh của những tia mắt xoắn xuýt thành cơn lốc đã cuốn nàng đến Hồ Tây một đêm tháng chạp.

Hoài đạp xe đưa nàng dạo chơi từ lúc đèn đường còn hăm hở sáng đến khi những ngọn đèn mệt mỏi không muốn dại ra thứ ánh sáng vàng vọt nữa, hai người vẫn chưa muốn về.

Mặt hồ bảng lảng trăng. Mặt người bảng lảng lên ngôi.

Nàng trong suốt như chính vầng trăng bạc ảo diệu kia. Hoài ngấu lấy nàng. "Em trong suốt như trăng. Nga ơi. Anh sợ em vỡ ra mất." Hoài khép dần những tia mắt dị thường, lúc này nó yếu ớt và tối sẫm. Nàng run rẩy đến từng ngón chân, run rẩy từng ngón tay không biết nên bấu vào đâu trên thân thể Hoài để đừng rã xuống "Hãy cho em vỡ ra. Anh." Nàng chẳng nhớ là nàng đã nói hay rên rỉ.

Tấm áo choàng hồng nhạt màu hoàng hôn nàng thường mặc xoãi dần xuống đất. Tấm áo choàng làm mây, nâng hai người vút lên chạm vào đám trăng, trăng vỡ ra dát bạc xuống mặt hồ. Hình như có một vài con đom đóm bay trong đêm trăng bạc.

Nàng mướt nước mắt. Mặt Hoài cũng ướt, nước mắt hay là sương?

Có lẽ Hoài quá xúc động. Hoài yêu nàng tròn ba mùa bóng.

Nhưng Hoài chỉ là một anh cán bộ thuế giỏi thể thao. Thu xong món thuế tội nợ, Hoài quyết định đóng nghĩa vụ với đời: lấy vợ. Hoài không lấy nàng. Hoài lấy bạn nàng.

Thu Thuỷ có giọng hát trong veo như chảy vào lòng, có lúc réo rắt xéo ruột gan người ta lên. Thu Thuỷ hay bảo: "Mày đẹp một cách ác độc. Mày mà làm chính khách thì khuynh đảo cả thế giới." Nàng cười "Mày vừa đẹp vừa hót hay hơn chim mà đã khuynh đảo được ai đâu, tao thấm gì." Nàng đâu ngờ chính Thu Thủy đã khuynh đảo cả cuộc tình huyền thoại của nàng.

Thu Thuỷ có gương mặt mỏng mảnh. Tóc cắt ngắn hơi bặm trợn. Thu Thuỷ không thích mặc áo màu hồng nhạt như nàng. Thu Thuỷ thường chọn những gam màu chọi nhau, tạo cảm giác chát chúa nhưng rất gợi. Thu Thuỷ đi xe đạp chỉ một tay cầm ghi đông, tay kia linh hoạt làm những cử chỉ mà cô ta thích, như thọc tay túi quần, bóc kẹo nhai, huơ huấy trêu ai đó...

Hoài bị Thu Thuỷ cuốn vào đám cưới, không cưỡng được. Họ như không có nàng trên đời. Nàng mất trắng. Nàng như xí nghiệp làm ăn thua lỗ bị đóng cửa, không còn đường kêu la. Đêm trăng bạc Hồ Tây còn mờ nhạt trong đầu Hoài chỉ là những con đom đóm đi tìm ngọc.

Nàng không khóc được. Nước mắt vô nghĩa với nỗi đau. Nàng bất lực lấy chồng. Chồng nàng đam mê hàng hải với những cuộc vượt biển dài ngày. Chồng nàng lạnh lùng nhưng rộng lượng, yêu nàng như yêu một con bé con chưa đủ lớn. Nàng có con trước Hoài và Thu Thuỷ. Cu Vũ được bốn tuổi nàng theo chồng vào Sài Gòn rồi sống cuộc đời thừa thãi, nhàn nhã, chỉ hơi trở tính vào những đêm tháng Chạp.

*

Sự xuất hiện của Trang Thi hình như là sự sắp đặt của số mệnh. Số mệnh không cho nàng ngủ yên trong vỏ ốc đến cuối đời. Số mệnh tàn ác đôi lúc cuồng nộ như sóng thần, dù nàng muốn chui vào vỏ ốc rêu phong nào nữa thì con sóng cũng cuốn nàng xuống biển. Để rồi lại bị xô đập, cho đến lúc vỡ vụn tan biến vào cõi vô cùng.

Nàng đẻ Vũ trong cảnh sung túc nhưng Vũ là thằng nhỏ khó nuôi. Nhiều đêm nàng trắng mắt với những cơn nóng sốt, có lúc thất thần chạy dọc hành lang bệnh viện, đo từng xăng-ti-mét xem nó lớn từng nào... Vũ lớn, Vũ thành kiến trúc sư và Vũ chém vào tim mẹ một nhát dao ngọt lịm: yêu Trang Thi.

Nàng rủa vợ chồng Hoài rửng mỡ. Hà Nội thiếu gì trường đại học, sân khấu điện ảnh, vậy mà dẫm đạp cho con nhỏ đáng nguyền rủa ấy vào đây học, để rồi... Nàng bứt rứt. Chạy trời không khỏi nắng.

*

Hầu như chủ nhật nào Vũ cũng đưa Trang Thi về nhà. Vũ còn mượn xe chở Trang Thi đi tắm biển Vũng Tàu, đi ăn trái cây miệt vườn Lái Thiêu.

Nàng cho gọi Vũ đến.

- Nói thiệt má nghe coi. Con với Trang Thi là sao?

- Má à. Con thấy cổ hay quá. Con định chờ cổ ra trường rồi thưa ba má.

- Ngoan lắm. Được.

Vũ mừng rơn khoe ngay với Trang Thi: “Má anh gật rồi. Má gật thì ba cũng sẽ gật. Hè này mình đi Đà Lạt ha.”

Cứ đợi đấy. Nàng thương hại vẻ mừng rỡ của Vũ. Nàng càng không chịu được khi mỗi ngày lại phát hiện thêm một nét Thu Thủy ở Trang Thi. Ghét nhất là những chiếc áo. Mẫu áo của Trang Thi y chang gam màu của mẹ nó, cũng chát chúa và rất gợi nhưng với nàng nó gợi lên sự hận thù.

Đôi khi nàng nhìn Trang Thi rồi tím tái cả mặt. Vũ phải mất công thuyết phục: “Mẹ anh tính khí thất thường, hay trở chứng nhưng từ hiền lắm, đừng lo.”

Mắt nàng bớt dần về dài dại hoang đường nó bắt đầu vụt loé những tia kinh dị.

Buổi tối trước khi Trang Thi và Vũ du hí Đà Lạt, nàng tỏ ra chu đáo với Vũ. “Má cho con cầm séc đi xài cho êm. Có chai dầu xịn lỡ trúng gió xức hết liền. Vợ chồng chú Bảy Chiêu biếu má chai rượu Martel, rượu thứ thiệt, má có nếm tí xíu con cứ dùng, dễ chịu lắm.”

Con chó béc giê gâu lên một tiếng. Dì Bưởi vội vã mở cổng.

Trang Thi đến.

- Em kì quá. Anh chuẩn bị đi đón em mà.

- Em hồi hộp quá. Đi Đà Lạt là mơ ước của em, mà lại đi cùng anh nữa.

Nàng kín đáo theo dõi. Phòng khách lầu hai nối với phòng ngủ của Vũ chỉ một cửa kính. Đó sẽ là thiên đường của chúng. Phòng ngủ của vợ chồng nàng tầng một những khi chồng vắng nàng lên tầng ba, nơi chỉ có một phòng duy nhất rộng thênh thang và sân thượng ngập ngụa trăng, nơi có khi nàng thảng thốt hoảng loạn, có khi nhẹ nhõm chơi vơi. Tối nay nàng ở trong một trạng thái không thể gọi tên. Từ tầng ba nàng bò xuống cầu thang, quan sát hai đứa trẻ như con mèo quan sát nhện bắt ruồi.

Gần đây nàng thường mua loại sách sặc sựa tình dục, vờ để quên cho Vũ vớ phải, đọc. Vũ ra bộ hững hờ đọc những cuốn sách khó chịu ấy. Nàng cười nhạo một mình.

Đã chín giờ tối. Phòng khách lầu hai vẫn rích rắc tiếng cười nói. Có tiếng mở nắp chai rượu.

Nàng nép nào mé cầu thang. Chúng nó bắt đầu dùng thử rượu dễ chịu nàng cho.

- Lại rượu. Anh lại tập hư cho em.

- Nhưng em có hư hồi nào đâu. Anh thích uống thử nước trời.

...

- Trời đất. Em đã uống hai cốc rồi. Thôi em... Em muốn chết rồi đây.

- Anh cũng muốn chết. Chết cả hai.

Một cảm giác rần rật chạy dọc người nàng, từ cái miệng đắng xuống đôi chân tê cứng. Nàng bủn rủn. Nàng bỗng thương hại con. Bốn viên Trinuxilin trong chai Martel loại nhỏ đủ để nó làm cái việc của một con thú thèm khát không suy tính trong đêm nay, ngay bây giờ. Và con bé gương mặt thần tiên kia biết đâu sẽ là nàng trong nay mai. Nhưng nàng muốn thế, mọi thứ phải có giá.

Cửa phòng ngủ của Vũ xịch đóng. Nàng còn kịp thấy Vũ bồng một thân thể khát muốn vì thuốc kích thích như chính nàng đã từng khát muốn vì làn trăng trong suốt.

Nàng rón rén lên phòng, lập cập khép cửa như một tên sát nhân trở về. Đêm đó nàng không ngủ, nhưng cuối cùng nàng thấy rất thoả mãn.

Nàng trồng cây cà độc dược chờ đợi và trái nó đã mọc. Thằng con của nàng sợ sệt

thưa:

- Con ngu quá má à. Con... Trang Thi có... có...

Nàng nheo mắt tinh quái:

- Có gì hả con?

- Có... có thai má à.

- Ha ha ha - Nàng cười ngất - Má sẽ có cháu nội.

- Má! Má đồng ý rồi ha má - Mặt Vũ rực lên như trẻ con được đồ chơi.

- Dễ vậy hả con - Nàng nghiêm nét mặt - Cả đất Sài Gòn này hết giống cái rồi hả?

- Má! - Thằng con của nàng đã hiểu là má nó đang trở chứng - Má đừng làm vậy!

- Má không làm gì cả. Má nào có biết gì.

Nàng choàng áo tím lạnh lùng ra đường. Nàng cười rũ. Trang Thi, Hoài, Thu Thuỷ. Cầu khẩn, tuyệt vọng, nhục nhã. Tất cả sẽ đến với họ. Nàng vịn vào gốc cây xà cừ để cười.

*

Trường Sân khấu Điện ảnh có một nữ sinh viên tự tử. Tin đồn như vậy.

Vũ đi đâu hai ngày nay không về. Nàng vụt nhớ đến gương mặt mềm rớt của Trang Thi đêm trước ngày đi Đà Lạt với Vũ. Nàng vụt nhớ đến vẻ đẹp mãn nguyện của Hoài, vẻ lí lắc trâng tráo của Thu Thuỷ. Mắt nàng toé sáng. Nó chết là phải. Mọi thứ phải trả giá.

Nhưng tim nàng không đập nhịp bình thường. Tim nàng loạn xạ với tần số bất ổn. Nàng không ngồi được, không đứng được. Nàng chạy như mất trí từ lầu một lên lầu ba. Trang Thi. Con bé xinh quá, mơn mởn quá. Nó là trái xanh, đang xanh, chưa đủ chín để rụng oan uổng. Mắt nó to đen như cha nó. Môi nó mọng, hơi trễ, gợi nhớ những nụ hôn. Trang Thi mỏng manh như lá non. Không thể được. Không tàn nhẫn như vậy được.

- Xe cho tao.

Nàng quát, luýnh quýnh cầm nhầm chiếc túi xách đi chợ của dì Bưởi.

Sân nhà nàng rộng. Cậu lái xe chậm chạp. Xong vụ này phải thay xế.

- Quá chậm! - Nàng trợn mắt. Cậu lái xe len lét nhìn nàng.

Nàng dự định sẽ đến trường Sân khấu Điện ảnh xem mọi chuyện thế nào. Cánh cổng sắt lâu năm rỉ rét chưa kịp sơn lại. Dì Bưởi cũng chậm. Nàng nguýt xéo, dì Bưởi ngây người.

- Ủa cô Hai. Hồi nãy có ông gì đó nói giọng Bắc đến gặp cô. Tôi biểu tôi lên lầu gọi cô. Ông sắm hàng quà gì đó rồi quay lại.

- Thằng cha nào? - Nàng không tin mình ăn nói như vậy.

- Dạ ông xách vali, mặc bộ đồ... Đó kìa! Ông kìa!

Nàng rơi túi xách. Tiền lẻ, hành đỏ, ớt tươi, những thứ bà dằn xoã xuống đất. Dì Bưởi hốt hoảng.

- Túi đi chợ của tôi. Xin lỗi.

Ông Hoài nhìn nàng, đổi tay xách vali. Nàng chẳng còn hồn vía nào nữa, lúng búng.

- Tôi không ngờ là... cháu lại dại dột như vậy.

Ông Hoài mỉm cười. Quen thuộc quá, nàng vẫn lúng túng kiểu Hà Nội.

- Em không mời anh vào nhà à?

- Xin lỗi.

Biết nói thế nào với ông Hoài bây giờ? Mà sao ông ta điềm tĩnh đến mức bình thường như vậy?

Phòng khách của nàng thiết kế theo kiểu Pháp, đường lượn vòm cửa cũng cong và gợi cảm như vòm tóc mai ôm vầng trán thanh thoát của nàng. Máy điều hoà không đủ lạnh để những giọt mồ hôi quanh trán nàng đỡ loang xuống mắt.

Ông Hoài ngồi bệ vệ trong ghế sa lông. Ông nhìn nàng bằng cái nhìn sở hữu. Còn nàng thì như gà mắc tóc, chẳng biết xử trí mọi chuyện thế nào.

- Anh đến có chuyện gì? - Nàng hỏi, rất khiếm nhã.

- Đến thăm em.

- Tôi đã chết cách đây hai mươi sáu năm.

- Không đâu. Em hạnh phúc hơn anh nhiều.

- Tôi không cho phép anh giễu cợt.

- Nhưng ít nhất em cũng cho phép anh tặng em một món quà.

Ngoài cửa có tiếng chân lịch bịch. Bốn gã đàn ông khệ nệ bưng vào một bức tranh. Nàng vụt đứng dậy.

- Trăng bạc.

Bức tranh đồ sộ gần kín cả bức tường phòng khách của nàng. Tranh lập thể. Mỗi thảm không gian trong suốt, chơi vơi nửa vầng trăng, ánh sáng không hẳn vàng cũng không hẳn trắng, gần như không màu.

Nàng thấy mình đang bay. Bao nhiêu chuyện muốn nổ tung cả đầu rơi bẵng đâu mất. Nàng cười vô hồn.

Nàng bay đến gần bức tranh, và khi chạm tay vào mặt bức tranh lành lạnh nàng mới sực tỉnh. Hai tay nàng nắm lại, xuôi xuống.

- Em không thích à? - Ông Hoài làm nàng tỉnh hẳn.

Nàng không nói gì cả.

Nàng lảo đảo. Hình như ông Hoài có hôn lên má nàng, chào nàng ra đi. Nàng bị ốm.

*

Thằng Vũ lay nàng dậy:

- Má. Bác sĩ tới rồi má.

- Má không cần bác sĩ. Vũ! Má hỏi. Trang Thi sao rồi?

- Cổ định ra Hà Nội với ba cổ.

- Con nói sao? Trang Thi... Thế không phải nó bị...

- Trang Thi hổng có… ấy đâu mà. Mấy bữa này cổ bịnh, nhưng không phải.

- Vậy ba nó nói sao?

- Có nói sao đâu má. Ông cảm tình con, ổng mời con ra Hà Nội chơi.

Nàng rệu rã, kiệt sức như vừa rớt xuống hố, rồi bò lên, rồi rớt xuống. Hai ngày nữa chồng nàng sẽ từ Phi-lip-pin về, mọi màn kịch nàng độc diễn sẽ phải chấm dứt trước khi người đàn ông rạch ròi ấy trở về. Nàng sẽ đóng vai một bệnh nhân tội nghiệp. Nhưng bây giờ nàng chẳng còn hiểu nàng đang thủ vai nào. Nàng chợt mong nhìn thấy mặt cha con Hoài.

Mặt nàng rờn ngợp mặt trời khi sáng hôm sau ông Hoài và Trang Thi đến. Nàng đứng trước tủ áo. Có đến hàng chục chiếc đủ các màu: đen, xám tro, vàng xậm.. Nàng chọn bộ áo màu hồng nhạt. Trông nàng tự tin hơn. Bây giờ thì nàng chẳng nghĩ gì nữa. Con sóng cuồng nộ của số mệnh giằng xé vỏ ốc rêu phong cho đến khi nó không còn là vỏ ốc. Nỗi đau đã bị xé toạc và quẳng ra cho biển. Nàng vô cảm nhìn bức tranh. Mặt bức tranh sáng loáng, bóng ông Hoài nhập nhoà thảm hại trong những nét tuyệt mĩ của hoạ sĩ nào đó đã tạo nên bầu trời trăng bạc. Hoá ra mọi thứ chỉ là ảo ảnh. Nàng cười hồn nhiên.

Ông Hoài ngồi thoải mái trong ghế sa-lông cỡ lớn. Bộ com-lê ông mặc rất hợp với vẻ người. Ông mãn nguyện như mấy mươi năm qua ông luôn hoàn thành công tác thuế. Ông không hề băn khoăn vì sự ngẫu nhiên Trang Thi yêu Vũ mà Vũ lại là con nàng. Với ông mọi thứ đều dễ hiểu và chẳng có gì phải cuống lên. Có những con người vô tâm đến độ bình thản. Họ có thể vô tình giết chết ai đó và chép miệng khi nhận ra chưa đến nỗi giết con mình. Ông Hoài cầm ly trà rất tự nhiên, cười với nàng:

- Sài Gòn nóng quá. Thế mà em vẫn trắng như hồi nào.

Trang Thi rùng mình. Cô thấy lạnh. Bức tranh lập thể hắt ánh sáng bạc vào mặt cô. Không gian sâu quá, vầng trăng khuyết như chiếc cằm che lấp nửa khuôn mặt cô vào nỗi đau. Cô dặn mình đừng khóc. Nhưng nước mắt bò xuống má tự bao giờ. Trang Thi đã tốt nghiệp xuất sắc khoá diễn viên nhưng vai diễn khốn khổ này cô chưa lường trước bao giờ.

Vũ xuống từ lầu hai. Vũ tươi tỉnh như chuẩn bị đi đánh quần vợt. Vũ lễ phép bắt chuyện với ông Hoài và hớn hở nhìn má:

- Ngày mai má cho con ra Hà Nội chơi với bác Hoài nghe má?

- Má cũng không biết nữa. Con hãy hỏi Trang Thi.

Trang Thi oà khóc. Hạnh phúc cay đắng quá.

Hình như trời sắp mưa. Sài Gòn nắng mưa đường đột. Tháng chạp đã qua từ lâu.

-----------

Bài viết cùng chuyên mục:

Đọc truyện: Trăng mắc cạn. Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Thị Thanh Thúy Đọc truyện: Hư cấu. Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Nhật Huy Đọc truyện: Ký ức đồng vọng. Truyện ngắn dự thi của Phan Ngọc Chính Đọc truyện: Phong lan của núi rừng. Truyện ngắn dự thi của Lê Nhung Đọc truyện: Ngày biển động . Truyện ngắn dự thi của Lê Sơn
Văn nghệ Trẻ, số 2/1998
Thông cáo báo chí số 23, Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV

Thông cáo báo chí số 23, Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV

Baovannghe.vn - Thứ Sáu, ngày 22/11/2024, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 23 (Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV) tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.
Quà tặng của chiến tranh - Truyện ngắn của Hoài Hương

Quà tặng của chiến tranh - Truyện ngắn của Hoài Hương

Baovannghe.vn - Chiến dịch thần tốc như một cơn lốc không ngày không đêm, đơn vị vừa đánh vừa hành quân gần như xuyên dọc theo Quốc lộ 13 hướng về Sài Gòn mỗi ngày một gần thêm.
Lĩnh vực báo chí cần có những ưu đãi về thuế

Lĩnh vực báo chí cần có những ưu đãi về thuế

Baovannghe.vn - Quốc hội tiếp tục chương trình làm việc ngày 22/11 với phiên thảo luận tổ về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) và dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Trôi giữa hương sen nghịch mùa - Truyện ngắn của Đinh Thành Trung

Trôi giữa hương sen nghịch mùa - Truyện ngắn của Đinh Thành Trung

Baovannghe.vn - Mây đen tan. Nắng nhẹ. Hương sen còn sót hòa cùng hương bùn đánh dạt mùi khói xe, đưa nụ cười của hai người đàn ông lấp đầy mi mắt đang nhìn về phía mặt trời.
Nhà thơ Anh Ngọc bình thơ "Thề non nước"

Nhà thơ Anh Ngọc bình thơ "Thề non nước"

Baovannghe.vn - Bài thơ Thề non nước không chỉ là lời tự tình đằm thắm của một tâm hồn thủy chung, tin cậy mà còn cất giấu trong mình một bức tranh thiên nhiên tráng lệ và quyến rũ mê hồn vì một vẻ đẹp như sinh ra bởi con người và cũng chỉ dành để cho con người.