Khái niệm “truyện ngắn” cũng không được xác định rạch ròi hay sử dụng nhất quán trong sinh hoạt văn học ở Nam Bộ. Truyện ngắn vẫn thường bị lẫn lộn với ký và tiểu thuyết. Cả nhà văn lẫn nhà xuất bản đều ít phân biệt đặc trưng thi pháp giữa các thể loại tự sự này với nhau. Thể loại roman của phương Tây khi vào Việt Nam được gọi là “tiểu thuyết”, một khái niệm có sẵn trong văn học Đông Á dùng để chỉ tác phẩm tự sự hư cấu kể các chuyện vụn vặt, đời thường, đối lập với “đại thuyết” là văn của thánh nhân và “trung thuyết” là văn của các hiền sư, sử gia. Chịu ảnh hưởng văn học Trung Quốc cận hiện đại, người ta lại chia tiểu thuyết thành đoản thiên, trung thiên và trường thiên tiểu thuyết, vốn là những khái niệm chưa xuất hiện trong văn học cổ trung đại. Tuy cũng có người cố gắng xác định điểm khác biệt về mặt cấu trúc rằng “trường thiên tả phần nguyên, đoản thiên tả phần lẻ”, nhưng thực tế sáng tác cho thấy người ta định danh thể loại cho tác phẩm chủ yếu căn cứ vào độ dài. Đến giai đoạn 1945-1954, ở Nam Bộ đã có những bài viết có tính lý luận phân biệt truyện và tiểu thuyết, cũng như nhấn mạnh đặc trưng của truyện ngắn. Triều Sơn có bài Chuyện phiếm về tiểu thuyết phân biệt tiểu thuyết (roman) với truyện kể (recrit), cho rằng truyện chú trọng việc kể còn tiểu thuyết chú trọng việc tả, truyện giúp ta biết còn tiểu thuyết giúp ta thấy, truyện chỉ rút thông tin từ thế giới thường ngày còn tiểu thuyết xây dựng một thế giới riêng trong tác phẩm. Bình Nguyên Lộc có bài Truyện ngắn và tân truyện khác nhau như thế nào? phân biệt khái niệm truyện ngắn (conte) là truyện kể theo kiểu dân gian chú trọng cốt truyện, và tân truyện (nouvelle) là truyện ngắn hiện đại, chú trọng yếu tố tình huống và miêu tả. Ông cho rằng các truyện ngắn phổ biến đương thời phải gọi là tân truyện mới chính xác.
|
Tuy nhiên, những bài lý luận nói trên không chi phối nhiều đến nhận thức thể loại của người sáng tác ở Nam Bộ giai đoạn này, vì các khái niệm trường thiên, trung thiên, đoản thiên tiểu thuyết, truyện dài, truyện vừa, truyện ngắn, tân truyện vẫn được sử dụng lẫn lộn, có khi kết hợp các định ngữ tạo ra những tổ hợp như “truyện vừa vừa”, “tiểu thuyết dài”, “tiểu thuyết ngắn”, “truyện ngắn rất ngắn”... Một số sách có in chữ “tiểu thuyết” ở bìa lại là các tập truyện gồm nhiều truyện ngắn biệt lập. Nhiều tác phẩm được gọi là tiểu thuyết có dung lượng rất ngắn, chỉ khoảng trên dưới 30 trang. Về thành của Hoài Tân ngoài bìa ghi truyện dài nhưng bên trong lại ghi là tiểu thuyết. Tiếng chó tru đêm của Kiên Giang, Cành hoa sim của Minh Đăng Khánh, Màu đỏ hoa vông của Thương Lan, Lá thư chúc tết của Anh Tuyến... được gọi là tân truyện, mặc dù đặc điểm nghệ thuật không khác mấy các truyện được định danh là truyện ngắn. Nỗ lực về mặt lý luận của Bình Nguyên Lộc không được người đương thời để ý nhiều, và theo thời gian khái niệm “tân truyện” không còn được dùng để gọi tên thể loại nữa. Một số truyện lại được thêm định ngữ mô tả như “chuyện thực ngoài đời” (Tôi có một ông chồng của Lê Xuân), “tân liêu trai” (Bóng người con gái của Mạnh Thư), “truyện vui” (Tôi làm báo của Dật Khanh), “bài báo” (Thanh âm người đã chết của Trần Khanh)... Dù gọi như thế nào chăng nữa thì tất cả những tác phẩm nói trên, xét về mặt bản chất thể loại đều là truyện ngắn. Nó là thiên tự sự cỡ nhỏ, được viết bằng tư duy tiểu thuyết, có tính hư cấu, và có khả năng đọc liền một hơi không nghỉ về một vấn đề, một sự kiện, một đặc điểm… của con người, của cuộc sống, của xã hội lúc bấy giờ.
Gác sang một bên vấn đề khái niệm thể loại, có thể nói truyện ngắn kháng chiến Nam Bộ đã phản ánh sinh động hiện thực phong phú của cuộc kháng chiến ở vùng đất này. Trong hoàn cảnh kháng chiến, thể loại này có dung lượng vừa phải, phù hợp với việc xuất bản, in ấn và đáp ứng nhanh nhạy nhu cầu của người đọc nên đã nhanh chóng phát triển.
|
Trong các tác giả truyện ngắn thời kỳ này, đáng chú ý có Phạm Minh Tài (tức Sơn Nam), Đoàn Giỏi, Bùi Đức Ái (tức Anh Đức sau này), Nguyễn Ngọc Tấn (tức Nguyễn Thi sau này), Trần Kim Trắc, Hoàng Văn Bổn. Bùi Đức Ái có tập truyện ngắn Biển động gồm 7 truyện ngắn, trong đó truyện Chuyến lưới máu đăng trên Lá lúa rất được yêu thích. Nguyễn Ngọc Tấn có truyện ngắn Đồng nội đăng trên báo Tiền đạo của Quân khu 7. Trần Kim Trắc có truyện ngắn Cái lu (giải Ba giải thưởng Văn nghệ 1954-1955 do Hội Văn nghệ Việt Nam trao). Trần Vạn An có Chim lồng (còn có tên là Ngoài kia trời rộng đất trong) đoạt giải Nhất cuộc thi truyện ngắn kháng chiến do Phòng Chính trị Quân khu 9 tổ chức năm 1948. Bích Lâm có truyện ngắn Trong tay ngoan cố, Nguyễn Hải Trừng có Bà mẹ Việt Nam, Quyết tâm thơ của Phạm Tuân…
Phạm Anh Tài (Sơn Nam) có hai truyện ngắn được giải thưởng Văn nghệ Cửu Long lần thứ hai (1952-1953), đó là Tây đầu đỏ và Bên rừng Cù lao Dung. Bên rừng Cù lao Dung hiện vẫn chưa tìm lại được, còn Tây đầu đỏ là một câu chuyện nói về cuộc đấu tranh quyết liệt của người nông dân Nam Bộ trong việc chống lại bọn thực dân, cường hào ác bá. Qua hình tượng Tây đầu đỏ, tác giả miêu tả sâu sắc và cụ thể tính chất độc ác, nham hiểm và xảo quyệt của bọn điền chủ Pháp trong việc bần cùng hóa nông dân Nam Bộ. Ai đóng không đủ thuế sẽ bị Tây đầu đỏ làm cho tán gia bại sản. Một người vì mắc nợ chưa trả đủ, tên Tây đầu đỏ liền bắt con bò đang chửa mổ bụng lấy bào thai nhắm rượu để trừ nợ. Qua Tây đầu đỏ, Phạm Minh Tài đã phản ánh được sâu sắc tinh thần đấu tranh, ý thức phản kháng của nông dân Nam Bộ.
Đoàn Giỏi có truyện ngắn Em kể về một thiếu niên tên Nguyễn Văn Xe đã cầm cờ xung phong cho bộ đội tiêu diệt đồn Bắc Sa Sa trong chiến dịch Trà Vinh. Tập truyện ngắn Đường về gia hương do Phân hội Văn nghệ Mỹ Tho xuất bản năm 1949, trong đó truyện Đường về gia hương là câu chuyện về một thiếu niên nghèo khổ đi ở đợ và sau đó đi theo cách mạng. Đây vốn là câu chuyện được phát triển từ bài thơ Nhớ cố hương của Đoàn Giỏi đăng ở tạp chí Nam Kỳ ở Sài Gòn vào số Tết năm 1942.
Hoàng Văn Bổn có tập truyện ngắn đầu tay Dưới bóng dừa xiêm viết năm 1948 kể về tội ác trời không dung đất không tha của bọn thực dân Pháp đối với nhân dân Nam Bộ. Nội dung chính của tác phẩm kể lại những hy sinh anh dũng, những mất mát đau thương của đồng bào ta ven sông Đồng Nai. Tập truyện được Ty Thông tin Biên Hòa ấn hành năm 1950. Rất tiếc là tập truyện này rơi vào tình trạng tuyệt bản, ngay cả tác giả cũng không có bản lưu.
|
Nguyễn Văn Nguyễn với bút danh Ngũ Yến có truyện ngắn Ba ngày trong bụi gai đăng trên tạp chí Lá lúa. Truyện kể chuyện một chiến sĩ tên Thanh và một chú bé liên lạc cùng hai vợ chồng tên Lắm làm Việt gian phải chui vào bụi gai để trốn sự ruồng bố của giặc Pháp. Sống 3 ngày trong bụi gai chứng kiến cảnh tàn bạo dã man của giặc, vợ chồng Lắm đã ăn năn hối hận để trở về với dân tộc với kháng chiến và trở thành người chiến sĩ của nhân dân. Truyện kể theo tuyến tính, kết cấu đơn giản, những mở thắt hợp lý, lý giải được sự giác ngộ của nhân vật lầm đường tạo một cảm giác thật trong người đọc. Các đoạn đối thoại rất Nam Bộ, đầy nghĩa khí và nói lên niềm lạc quan của những con người vì nghĩa lớn xem thường hiểm nguy. Kề cận cái chết trong gang tấc, nhưng họ vẫn cười đùa và tiếu lâm.
Huỳnh Văn Nghệ bên cạnh những bài thơ hào sảng cũng có nhiều truyện ngắn ca ngợi chiến khu xanh, tuy cách thể hiện có khác. Các truyện ngắn Trận mãng xà hay Sấu mũi đỏ mới đầu tưởng chừng như những câu chuyện đường rừng nhưng lại toát lên một tình yêu quê hương đằm thắm và tha thiết với hình ảnh những người dân bình thường nhưng cần cù, thông minh, mưu trí và dũng cảm. Câu chuyện dẫn người đọc về lại các thôn xóm hiền hòa nằm dọc theo hai bên bờ sông Đồng Nai - vùng đất chôn nhau cắt rốn của tác giả - ngay từ những ngày Pháp mới qua xâm lược nước ta. Khi triều đình nhà Nguyễn nhu nhược dâng ba tỉnh miền Đông cho giặc, nhân dân nơi đây đã anh dũng đứng lên chống lại bọn xâm lược và xây dựng thành chiến khu của phong trào chống Pháp. Truyền thống đó được thế hệ ngày nay trân trọng tiếp nối. Chiến khu của nghĩa binh ngày xưa nay là chiến khu Đ nổi tiếng.
|
Nông thôn và người nông dân kháng chiến cũng là một đề tài được thể hiện thành công trong văn xuôi kháng chiến. Các nhà văn chúng ta nói chung đều quen thuộc, gắn bó với nông thôn, khá am hiểu người nông dân. Do đó, bước vào kháng chiến, tuy có lúng túng bước đầu trước sự thay đổi của nông thôn và con người nông dân mới, nhưng so với các môi trường khác, việc thể hiện vẫn có nhiều thuận lợi hơn. Những thử thách và hy sinh của người nông dân trong chiến đấu và sản xuất, vừa phải chống giặc, vừa bám đất, giữ làng, đã được thể hiện trong một loạt tác phẩm hình thành từ phong trào sáng tác ở các địa phương. Bên cạnh Trận Thanh Hương của Nguyễn Khắc Thứ, Đánh trận giặc lúa của Bùi Hiển ở Khu 4; Con trâu của Nguyễn Văn Bổng ở Khu 5; Nam Bộ có Vỡ đất của Hoàng Văn Bổn, Bên rừng Cù lao Dung của Phạm Minh Tài, Lòng dân của Phạm Hữu Tùng, Con đường sống, Anh Tư dân quân của Minh Lộc…
Con đường sống của Minh Lộc viết về đề tài người nông dân chống càn bảo vệ tài sản, đây cũng là đề tài của Đánh trận giặc lúa của Bùi Hiển ở Khu 4. Trong Con đường sống, sự vùng lên của em Tiền và chú Ba Phát có tính chất tự phát; trong Đánh trận giặc lúa, việc làm của đồng bào xã Vân Tập có tổ chức, lãnh đạo hẳn hoi. Ở Con đường sống, gia đình của em Tiền kiên quyết chống cự giặc, bảo vệ con bò, không cho chúng bắt để ăn thịt. Cuối cùng phần thắng thuộc về phía nông dân mặc dù địch ở thế mạnh hơn. Nông dân đã chiến thắng vì họ quyết tâm bảo vệ tài sản do mồ hôi nước mắt của họ làm ra. Tiêu biểu cho tinh thần ấy là nhân vật Tiền. Minh Lộc đã khắc họa nên một hình ảnh Tiền bằng nét bút gân guốc, chắc, gọn. Tính cách của Tiền được bộc lộ rõ nét qua hành động. Tiền là hình ảnh của các em thiếu nhi đã được kháng chiến rèn luyện cho tinh thần dũng cảm của một người chiến sĩ bên cạnh những tính tình, suy nghĩ ngây thơ của một đứa trẻ. Nét đặc sắc trong nhân vật Tiền là lòng mến thương của em đối với con bò, con vật đã gắn bó, thân thương với gia đình em. Nét tâm lý ấy đã được tác giả khai thác khá tốt, vì thế nhân vật Tiền được xây dựng khá sinh động.
Tập truyện ngắn Lòng dân của Phạm Hữu Tùng do Phân hội Văn nghệ Sở Thông tin Nam Bộ xuất bản được giải Ba giải thưởng Văn nghệ Cửu Long Giang (1949-1950). Đến giải Văn nghệ Cửu Long lần thứ hai (1952-1953), các tác phẩm Niềm tin tưởng và Lá rụng về cội của Phạm Hữu Tùng lại được giải. Lá rụng về cội viết về đề tài địch vận là câu chuyện kể về anh lính Việt Nam lầm đường làm tay sai cho giặc, về sau giác ngộ bởi chứng kiến những tội ác của giặc. Với sự giúp đỡ, móc nối của một số cán bộ nữ địa phương, anh lính làm nội ứng, giúp bộ đội kháng chiến đánh chiếm được đồn. Như Lá rụng về cội, anh cùng với một số đồng đội trở về trong vòng tay của đồng bào. Có thể nói trong những sáng tác của ông về đề tài kháng chiến, Lá rụng về cội là một truyện vừa đạt được những thành công cả về nội dung lẫn nghệ thuật. Mỗi con người trong Lá rụng về cội có một số phận khác nhau, họ mang những niềm vui, nỗi buồn khác nhau, cả sự bất hạnh và những lỡ lầm in đậm dấu ấn của cuộc chiến tranh mà chính nghĩa của cách mạng dần sáng rõ. Có thể giải thích thành công của Lá rụng về cội chủ yếu dựa vào vốn sống phong phú đa dạng của ông. Sự am hiểu sâu sắc đời sống kháng chiến chống Pháp cùng với cái nhìn tinh tế lạc quan đã giúp Phạm Hữu Tùng phản ảnh một cách chân thực bức tranh xã hội vùng bưng biền miền Tây Nam Bộ sôi động và bi tráng. Những cảnh, những sự việc, những con người từ nơi cái lán bên gốc tràm thưa, bên rừng điên điển trổ bông vàng dập dờ trên mặt nước, dưới ngòi bút của ông trở nên sinh động, đáng yêu, mang nhiều nét đặc trưng riêng của một vùng đất.
So với Lòng dân và cả Lá rụng về cội, cách viết trong Niềm tin tưởng (giải Ba Văn nghệ Cửu Long lần thứ hai) giản dị, chân thực hơn. Tuy vẫn còn những tình tiết ly kỳ, cảnh ngộ éo le đậm tính chất phiêu lưu, mạo hiểm, nhưng Niềm tin tưởng có sức gợi cảm tương đối gây xúc động đối với người đọc. Phạm Hữu Tùng sáng tác Niềm tin tưởng trong khoảng thời gian ông bắt đầu chuyển sang sáng tác chuyên nghiệp. Ông làm Thư ký tòa soạn báo Cứu quốc, phụ trách ngành Văn của Chi hội Văn nghệ Nam Bộ. Niềm tin tưởng là câu chuyện có thật về trận đánh Xẻo Me nổi tiếng của Tiểu đoàn 410 anh hùng. Truyện không dài, vấn đề đặt ra không lớn, nhưng toàn bộ nội dung Niềm tin tưởng hình như muốn nhắn nhủ rằng trong thử thách lớn lao của dân tộc, con người của chúng ta cũng phải vươn lên cho kịp với yêu cầu cách mạng, quan hệ giữa người và người ở đây cũng đậm đà tình nghĩa hơn. Trong thế giới nhân vật của Phạm Hữu Tùng, Tám là nhân vật gợi cho người đọc nhiều tình cảm và lòng kính trọng hơn cả. Hình ảnh cậu thiếu niên Tám lẳng lặng làm hết chuyện này sang chuyện khác, liều lĩnh nhận trách nhiệm một mình chèo chống đưa cả đoàn thương binh nặng vượt biển về cứ sau trận đánh đã đặt ra vấn đề ý thức trách nhiệm của mỗi công dân trước vận nước. Ý thức ấy và hình ảnh cậu bé đứng sững trước mũi tàu nhìn vào bờ chợt thích chí vỗ tay cười khi thấy bà mẹ nhận được tấm vải mới mà Tám đã mang theo dưới đáy ba lô suốt những chặng hành quân gợi lên được phẩm chất tốt đẹp của con người miền Nam trong kháng chiến.
Trong truyện ngắn kháng chiến nói riêng và văn xuôi kháng chiến nói chung, chúng ta thấy có một nét cách tân, một phát hiện so với văn xuôi trước đó, đó là nhân vật quần chúng, nhân vật tập thể. Họ là nhân vật chính diện và là nhân vật trung tâm. Họ được miêu tả với những phẩm chất tốt đẹp nhất: yêu nước, căm thù giặc, tự giác tham gia cách mạng, thương yêu nhau, lạc quan, yêu đời, tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng, hy sinh tất cả vì sự nghiệp chung… Con người cá nhân trong kháng chiến chưa trở thành đối tượng thẩm mỹ đối với văn học. Con người trong văn xuôi kháng chiến ít được thể hiện về mặt thế giới nội tâm, chiều sâu tâm lý nhân vật chưa được quan tâm đúng mức. Ta hiểu họ chủ yếu qua chân dung, lời nói, hành động, nhất là ở những tác phẩm viết về chiến đấu. Ở những nhân vật có tên riêng thì nét tiêu biểu vẫn là sự hy sinh tình riêng cho sự nghiệp chung, là tính chất thuần khiết, không mâu thuẫn, giằng xé hay xung đột bên trong. Hầu như không có nhân vật chính diện nào có dằn vặt, cô đơn, đau đớn trong tính toán hoặc mất mát riêng tư.
Còn nặng về chất ký, nặng về miêu tả, ghi chép, vì vậy truyện ngắn kháng chiến thời kỳ này tuy được mùa, số lượng nhiều, nhưng số tác phẩm còn lại với thời gian không có nhiều.
Võ Văn Nhơn - Nguyễn Thị Phương Thúy
---------
Bài viết cùng chuyên mục: