Sáng tác

Huyết trầm. Truyện ngắn dự thi của Đinh Ngọc Hùng

Đinh Ngọc Hùng
Truyện
00:00 | 03/09/2024
Baovannghe.vn -Gã giắt con dao lên vách. Chậm chạm ra khỏi căn chòi. Đời gã, một tay bạt tử độc hành khắp rừng sâu . Không có gộc trầm, gã cần gì cái mạng già
aa
Huyết trầm. Truyện ngắn dự thi của Đinh Ngọc Hùng
Vùng cao. Ảnh minh hoạ. Nguồn Intrernet

1.

Căn chòi giữa rừng săng lẻ. Lão già cặp mắt đục nhòa chìm giữa làn khói bảng lão, cháu chắt lão có cuộc sống riêng của chúng. làng, ảo mờ, hóa tượng, cô độc. Ở cái nơi ánh sáng không soi rọi đến này, mọi thứ đều nhạt nhòa. Từ ngày dọn ra ở khu rừng săng lẻ này, lão chưa từng trở lại căn nhà sàn mình sinh ra và lớn lên. Ở nơi đó, con trai, con dâu

Cuộc đời của một người Khơ mú ở dãy Pu Soong này từ khi sinh ra đến lúc lìa đời gắn liền với nhiều tập tục, nghi lễ. Trải hết những tập tục nghi lễ ấy là kết thúc kiếp người. Cũng như những người anh, chị trong gia đình, sinh ra ba ngày lão được cha mẹ làm lễ buộc chỉ, bốc gạo bói tên. Từ khi có cái tên, rồi ăn cơm nương, uống nước suối, đứa trẻ ấy như cây nứa, cây tre trong rừng len lỏi lớn lên.

Thời đó, người Khơ mú sống du canh du cư, không tập trung thành các bản làng lớn như sau này. Chọn được đất tốt, đốt rẫy làm nương canh tác được vài ba năm đất bạc màu cằn cỗi lại nhổ nhà đi tìm cái rẫy mới. Cuộc sống du canh du cư, khiến người Khơ mú trên dãy Pu Soong lang thang như con thú hoang trên các triền núi cao.

Giống như bao đứa trẻ Khơ mú, từ khi biết leo lên mỏm đá lão đã phải theo cha mẹ địu eng đi rẫy. Mới cao hơn cái eng một chút, cái nghĩ còn chưa cao hơn ngọn Pu Soong mà bàn chân lão đã qua không biết bao nhiêu quả núi để theo cha mẹ đốt tìm rẫy mới.

Lão còn nhớ, mỗi khi mảnh rẫy cũ cằn cỗi, cây lúa không còn trĩu hạt, cây ngô cho ra bắp nhỏ, gia đình lão sẽ lại nhổ nhà đi tìm một mảnh rẫy mới với diện tích cho ra hạt lúa, hạt ngô đủ để cung cấp đủ lương thực cho cả gia đình. Thời gian đi chọn rẫy mới thường vào khi vụ rẫy cũ vừa xong.

Cha lão bảo khu đất để phát rẫy phải tránh khu rừng ma nơi chôn cất người chết. Ngoài tránh khu rừng ma còn phải tránh xa rừng đầu nguồn, khu rừng có nhiều cây đa, cây cổ thụ, chỗ có nhiều suối nhỏ hoặc vũng nước. Ở những nơi đó đều có thần linh, ma quỷ dưỡng nuôi sự sống của núi rừng trú ngụ nên đốt rẫy ở đó là phá chỗ ở của thần linh, của ma rừng khiến núi rừng không còn muông thú cho con người đặt bẫy săn bắn, sông suối không còn cá tôm để con người đơm, bắt. Bản thân chủ rẫy sẽ bị các đấng thần linh, ma quỷ trả thù, hành cho đau ốm, bệnh tật, tai ương, điên loạn. Dù nương lúa có mọc lên xanh tốt thì thần linh, ma rừng cũng sẽ dẫn thú rừng, sâu bệnh, gọi thiên tai, mưa lũ đến phá nát.

Sau khi đã chọn được khu đất ưng ý, cha dặn anh em lão phải kiểm tra xem khu đất mình chọn có những hiện tượng bất thường gì hay không. Nếu trong mảnh rừng ấy có con gà rừng bỗng đâu dáo dác bay tới đậu trước mặt, trong bạt cỏ gần đấy, bỗng gặp con dúi, con chồn chạy ra khỏi hang, con hoẵng, con mang chạy đến gần ngơ ngơ tác thì dù cái bụng ưng bạt núi, vạt rừng đó đến mấy cũng bỏ qua. Bởi những động vật xuất hiện bất thình lình ấy là điểm gở báo hiệu cho tai ương, chết chóc, ốm đau bệnh tật, tai nạn bất ngờ...

Chọn được mảnh đất không có những dấu hiệu bất thường trên, cha lão sẽ lấy dao phát một khoảng vài sải tay ở giữa rồi cắm xuống đó một cây nêu trên buộc mấy tàu dứa rừng, một cái vòng tròn đan bằng nứa. Sau đó, ông đi phát một đường bao quanh khoảng rẫy để báo với người sau biết đây là mảnh rẫy đã có chủ. Cây nêu cắm giữa khoảng đất để xua đuổi các loại ma quỷ lánh xa, không được phép bén mảng đến nơi đây quấy phá. Qua vài bận theo cha lang thang các triền núi chọn đất làm rẫy, lão đã trở thành thằng trai bản.

2.

Gã vào cùng một cơn gió khiến cành săng lẻ xạc xào. Tiếng lá động khiến lão già giật mình. Lọt vào trong, đôi mắt gã sắc lạnh nhìn lão mong manh bị làn sương khói xuyên qua. Gã với cây dao đi rừng trên vách. Là con dao của gã. Tiếng lưỡi dao tuốt ra khỏi bao da nghe ớn lạnh. Lão thì già. Gã thì trẻ trai. Mắt lão thì lòa. Mắt gã quắc sáng. Lúc trước lão có hơi run. Giờ lão bình thản chờ đợi… Một khắc… Hai khắc… Ba khắc….

Gã vẫn ngồi im lặng như thi gan với sự im lặng của lão. Nhưng lão đã hết kiên nhẫn.

- Mi muốn đòi lại những gì tau đã lấy của mi à?

Gã vẫn im lặng. Lão thì thào:

- Không còn gộc trầm. Tau chỉ còn cái mạng già này. Trả cho mi đó. Hãy lấy rồi đi đi. Xin mi đấy. Hãy lấy một lần cho xong.

Gã giắt con dao lên vách. Chậm chạm ra khỏi căn chòi. Đời gã, một tay bạt tử độc hành khắp rừng sâu núi thẳm tìm trầm. Không có gộc trầm, gã cần gì cái mạng già của lão.

3.

Giờ thì số phận lão vĩnh viễn dính liền với gã. Là do lão tự buộc vào. Buộc vào từ lúc còn trai trẻ. Buộc vào từ khi bước chân lão biết lang thang trong các cánh rừng trên dãy Pu Soong, vượt sang cả các cánh rừng của người Lào bên kia biên giới để tìm trầm. Lão muốn quên đi nhưng ký ức xa cũ vẫn ám ảnh kéo về như trêu ngươi, như đòi nợ. Nghĩ lại cuộc đời mình, lão thấy từ khi sinh ra đến lúc dọn ra ở cánh rừng săng lẻ này toàn làm chuyện tồi bại. Tất cả đều là do lão tự buộc vào. Những nút thắt buộc đó khiến sợi dây đời lão chi chít những mấu chắp vá.

Nhưng cũng có những cái mấu do người khác buộc vào. Đó là lúc lão thành gã trai mới lớn. Đó là lúc anh trai lão đi ở rể hai năm ở bản ngọn núi phía mặt trời mọc rồi dẫn về một người chị dâu. Mía, tên người chị dâu ấy, cơ thể chắc như trái bắp mẩy nhất trên nương. Hàm răng trắng như hạt bắp non. Nụ cười tươi như bông hoa đẹp trong rừng. Người chị dâu ấy khiến lão biết thế nào là ngỡ ngàng, bối rối.

Năm nào trỉa rẫy xong cha và anh lão cũng vào rừng tìm trầm. Gạo muối, thực phẩm, thịt khô mang đầy hai eng lớn. Rồi cứ thế đi miết một tháng, vài tháng, đến khi lương thực, thực phẩm hết mới về.

Cha kể, tìm trầm rất khó, không phải vài ngày mà được. Thường là phải hàng tháng, vài tháng may mắn mới mỉm cười và phải vào tận những cánh rừng nguy hiểm. Mẹ lão nói, người đi tìm trầm ngậm ngải để tránh tai họa. Ngải là một thứ củ cây được luyện rất công phu bằng mật ong, nước suối, đặt trong tay người chết, nhét vào chân lợn, lừa cho hổ ăn rồi bẫy hổ lấy ngải. Ngải lúc ấy có sức mạnh linh thiêng, ai ngậm đi vào rừng không cần ăn uống vẫn sống. Thú dữ không dám làm hại.

Người ta đi tìm trầm có phường có hội, cha lão thì cho anh trai đi cùng. Cha lão nói, con người chiến thắng rừng thiêng không phải ở số lượng đông hay ít mà ở quả tim trong lồng ngực. Quả tim đó từ khi bước chân ra khỏi nhà đến khi trở về chỉ đập một nhịp không loạn. Mỗi lần cha về, đầy những gộc trầm gói bằng vỏ cây trong gùi.

Cha lão từng kể, người đi tìm trầm có khi phải giết người. Sự trở về của một người với những gộc trầm trong gùi được đổi bằng mạng của người khác. Bởi thế trong bản từng có người mang gùi vào rừng tìm trầm không trở về. Không bao giờ người ta đi tìm một người tìm trầm không trở về. Họ có chết thì xác cũng để lại trong rừng, không được mang về bản. Trầm ít, người ở các bản làng quanh dãy Pu Soong đi tìm trầm nhiều, chuyện sống chết cũng là dễ hiểu.

4.

Gã vào cùng một cơn gió khiến mấy cành lá săng lẻ rủ trước chòi xạc xào. Lão già biết ngoài gã thì chẳng ai, kể cả con trai, con dâu lão bén mảng đến căn chòi này. Gã có mặt ở đây không chỉ để đòi nợ mà là để báo thù. Một lời nguyền. Lần nào đến, gã cũng với cây dao đi rừng trên vách. Là con dao của gã. Tiếng lưỡi dao tuốt ra khỏi bao da nghe ớn lạnh. Lưỡi dao này đã từng giúp gã bao lần sống sót khi đi rừng. Vậy mà nó đã không giúp gã tránh được cú đòn hiểm độc của kẻ xa lạ tìm trầm. Giờ lão với cặp mắt lòa đục có muốn cũng không thể thoát khỏi cánh rừng săng lẻ. Giờ gã với không gì trói buộc có thể thoải mái xê dịch không chỉ trong cánh rừng săng lẻ này mà còn khắp dãy núi Pu Soong. Lão sẽ không bao giờ thoát khỏi sự báo thù của gã.

- Hôm nay ta sẽ nói cho lão một bí mật.

- Là bí mật gì.

- Ba đứa con trai, ba đứa cháu trai của lão ngày trước đều do một tay ta giết.

Lão già rú lên đau đớn:

- Mi thật độc ác.

Gã phá lên cười:

- Chúng là máu mủ của lão. Chúng cũng là ta. Lão đau đớn lắm phải không?

- Mi... - Lão già giọng thì thào.

- Điều đó phải là ta nói với lão mới đúng. Chẳng phải khi tìm trầm, lão cũng đã từng lạnh lùng tước đi mạng sống của kẻ khác hay sao. Những lúc ta giết con cháu lão, ta biết lão rất đau khổ nhìn ruột thịt của mình lìa khỏi cõi trần. Đó. Lão đã thấy cảm giác mất đi người thân đau đớn thế nào. Lão hết sinh lực, muốn rũ xuống, tan biến.

Gã tiếp:

- Sao lão không nói cho vợ, con trai, con dâu biết rằng đó chỉ là món nợ mà lão phải trả?

- Xin ngươi hãy dừng lại. Nếu muốn ngươi hãy báo thù ta.

Gã cười lớn man dại:

- Sao ta phải dừng lại. Lúc lão ra tay, nếu ta cầu xin lão có dừng lại không.

Lão cứng họng. Gã. Gộc trầm. Lòng tham đã khiến lão lạnh lùng xuống tay với gã.

- Lão đúng là một kẻ tồi bại. - Gã tiếp - Lão thừa biết luật của dân ăn trầm. Đã ăn trầm, không bao giờ được để lòng tham lấn át. Giữa rừng già, lòng tham lấn át là phải trả giá bằng mạng người. Ngay cả khi vào rừng, tìm được gộc trầm cũng không được phép lấy kiệt. Bởi ra khỏi rừng, nếu chẳng may gặp phỉ núi thì cũng còn có cơ hội quay lại mà kiếm chút cấn cặn.

Lão im lặng. Gã giơ lưỡi dao lên ngắm nghía nói tiếp:

- Lúc đó, khi tìm được gộc trầm, ta đã nghĩ sẽ để lão lấy phần hơn. Vì lão bảo lão vào rừng tìm trầm để dựng nhà ra ở riêng. Trong khi ta nghĩ cho lão thì lão đã làm gì với ta.

Rồi gã dừng lại, đối diện với lão:

- Số lần lão đáng chết nhiều như cây săng lẻ trong rừng này.

5.

Đời lão cũng có những cái mấu do người khác buộc vào. Đó là lúc lão trổ mã thành gã trai mới lớn. Người đi rừng tìm trầm phải thực hiện đủ thứ kiêng kị. Một trong những điều kiêng kỵ ấy là trước khi vào rừng ăn trầm phải kiêng cữ không được gần gũi đàn bà hàng tuần trời. Còn mỗi lần vào rừng ăn trầm phải cả tháng, có khi vài tháng mới trở về. Hai người đàn ông trụ cột đi tìm trầm, mọi việc lớn nhỏ trong nhà do hai người đàn bà và một gã trai mới lớn lo liệu.

Một trong những công việc vất vả hàng ngày của người phụ nữ Pu Soong là giã gạo. Tối nào cũng thế, ăn cơm xong, dọn dẹp hết việc nhà cửa, lợn gà, chị dâu lại mang thóc đi giã. Ngày nào giã gạo ăn ngày ấy. Lão rất hay ngồi bậc thang nhà sàn nhìn trộm Mía giã gạo.

- Em chồng sao cứ nhìn thế. Khiến người ta ngượng - Có lần quay ra thấy lão đứng nhìn, Mía đưa tay quết mồ hôi hỏi.

Câu hỏi bất ngờ của Mía khiến mặt lão bối rối, đỏ như lúc uống rượu. Mía cười lớn:

- Biết xấu hổ thì đừng nhìn trộm nữa.

…Tối đó mẹ lão về quê ở bản dưới đưa tang người họ hàng về với rừng thiêng. Đường xa bà dặn sẽ ở lại lo xong việc mới về. Nhà chỉ còn có lão và chị dâu. Thường ngày có ba mẹ con hoặc đầy đủ các thành viên trong gia đình, mọi sinh hoạt đều diễn ra bình thường. Thế nhưng khi nhà chỉ có lão và chị dâu, mọi thứ bỗng trở lên gượng gạo. Ra vào chạm mặt nhau cũng thấy ngại. Ngay bữa cơm cũng gượng gạo. Suốt bữa lão cứ hướng ánh nhìn đi nơi khác. Chị dâu lão cũng vậy. Ánh mắt cũng cố tránh gặp nhau. Trong bữa ăn, hai người chẳng nói với nhau câu gì. Ai lấy đều vội vã ăn rồi đứng dậy đi làm việc của mình.

Buổi tối, lão lên giường đi nằm, còn chị dâu lúi húi dọn dẹp đến đêm khuya. Mặc dù lão đi nằm sớm nhưng không thể ngủ được. Nếu như mọi hôm lão đã ngủ, nhưng tối đó cứ lục sục mãi mà giấc ngủ chẳng kéo đến. Đêm vắng, tiếng cựa mình của Mía, tiếng thở dài của Mía nghe rõ mồn một. Ngoài rừng tiếng chim đêm gọi bạn vọng lại nghe thê thiết.

Lúc lờ mờ thiếp đi được lão bỗng thấy cơ thể bị đè nén ngột ngạt. Lão cố sức ngồi dậy ú ớ.

- Là Mía đây. - Tiếng chị dâu thì thào - Tôi ngủ một mình không được.

Lão chưa định thần thì bầu ngực ấm nóng của Mía đã tấp vào mặt. Lão, gã trai mới lớn cố vùng vẫy. Nhưng lão càng luống cuống gỡ, vòng tay Mía càng xiết chặt. Tiếng Mía vồn vã:

- Tôi không ngủ được.

Lần này lão cố hết sức gỡ, đẩy cơ thể Mía đang đổ trên mình rồi ngồi thở dốc. Bị cự tuyệt Mía ôm mặt, gục đầu khóc rấm rức. Giữa đêm vắng, tiếng khóc của Mía làm lòng lão rối bời.

Lão định tìm một câu gì đó an ủi Mía thì lại thấy cánh tay Mía vung lên quàng lấy cổ lão vít xuống. Hơi thở Mía gấp gáp phả trên mặt lão. Làn môi Mía mềm mại lục lọi kiếm tìm. Ngọn lửa cháy bùng trong Mía đã không còn dòng suối nào dập được. Bất giác, lão thấy toàn thân nóng bừng. Đầu óc mụ mị, mất tri giác. Cơ thể lão, cơ thể Mía nhập làm một. Lão thành đàn ông từ đêm đó.

6.

Dạo này đối mặt với lão, đôi mắt gã nhìn lão không còn sắc lạnh. Gã cũng không với cây dao đi rừng trên vách. Không có tiếng lưỡi dao tuốt ra khỏi bao da nghe ớn lạnh. Mặc dù số lần lão đáng chết nhiều như cây săng lẻ trong rừng song giờ đây, ý chí trả thù của gã đang bị dao động. Nhất là sau khi gã đã nói cho lão nghe tất cả sự thật. Nhìn gương mặt khổ đau của lão, không hiểu sao gã chẳng thấy hả hê vui vẻ nữa. Nó nhàu nát, tuyệt vọng. Nếu có thể chết đi được chắc lão sẽ chết. Số lần lão đáng chết nhiều như cây săng lẻ trong rừng.

Cái ngày định mệnh ấy, khi gã đang sung sướng vì khối trầm lộ ra theo mỗi nhát dao bổ xuống gốc dó bầu thì từ sau lưng nhát dao của lão nhằm gã bổ xuống. Sau cú chém chí tử, gã đổ gục bên vũng máu dưới gốc dó bầu trong khi lão bình thản đưa khối trầm rời khỏi rừng. Từ đó, gã chỉ có một lời thề, tìm lão và những người thân của lão để trả thù. Gã thề sẽ lấy đủ bảy mạng người trong gia đình lão. Và gã đã lấy đi của nhà lão sáu mạng. Ba đứa con trai của lão. Ba thằng cháu trai của lão. Tất cả cái chết của họ đều khó hiểu, bất thình lình.

Giờ khi chỉ còn một mạng nữa sẽ hoàn thành lời thề thì ý chí trả thù của gã lại bị dao động. Bằng chứng là gã đã có lần ra tay cứu giọt máu của lão khi nó đi rừng. Nó là máu mủ của lão sao gã lại ra tay cứu vớt. Ngày gã ra đời cái thằng cháu trai của lão ấy vẫn chỉ là một linh thể lưu lạc đâu đó giữa Mường Trời.

- Này lão già, những năm qua ta đã quá mệt mỏi vì trả thù. Lão đã từng lấy mạng ta. Nhưng ta trả thù lão cũng tàn độc. Mấy chục năm trong vòng xoáy thù hận, ta bỗng nhận ra, mình không muốn tiếp tục nữa. Hôm nay ta đến để nói với lão, từ nay ta sẽ không đến đây nữa. Chuyện ân oán của chúng ta cũng chôn vùi ở đây. Ta mệt mói lắm rồi. Ta sẽ đi thật xa cái cánh rừng đáng nguyền rủa này.

- Mi nói thật chứ. Mi đã chịu dừng lại - Lão run rẩy.

- Phải - Gã gật đầu đáp - Chuyện ân oán của chúng ta cũng chôn vùi ở đây. Ta sẽ đi với con dao của ta.

7.

Gã đã đi rồi. Vĩnh viễn rời khỏi cuộc đời của lão. Gã bảo không đòi món nợ tiền kiếp nữa. Từ nay căn chòi giữa rừng săng lẻ này sẽ chỉ còn có một mình lão. Một mình cô độc. Con trai, con dâu, cháu chắt lão sẽ chẳng bao giờ vào đây thăm lão, một kẻ tồi bại của dãy Pu Soong. Nhưng liệu gã có đi hẳn hay một ngày nào đó gã lại đổi ý quay lại để tiếp tục hành hạ lão. Gã nói đúng. Cuộc đời lão từ khi sinh ra đến lúc dọn ra ở cánh rừng săng lẻ này toàn làm chuyện tồi bại. Bao nhiêu tháng cha lão, anh trai lão lang thang trong rừng tìm trầm là bấy nhiêu đêm lão và Mía quấn lấy nhau. Nhưng việc làm của Mía với lão không qua được mắt của mẹ:

- Hai đứa mi là lũ tồi bại - Mẹ lão vừa chửi vừa khóc - Chỉ vì cái gia đình này anh mi, chồng mi phải bán mạng cho rừng già kiếm trầm. Vậy mà bọn mi đã làm gì sau lưng nó. Tội loạn luân của tụi mi hôm nay sẽ gây ô uế cho đất, nước, động đến thần linh, làm cho các thần tức giận trừng trị cái nhà này... Từ nay, cuộc sống của cái nhà này, cuộc sống của hai mi sẽ chẳng bao giờ được yên ổn nữa.

Rồi bà quay sang Mía:

- Đứa con dâu hư này. Mi có biết để người chồng mang về được gộc trầm, người phụ nữ phải hy sinh ham muốn xác thịt, phải một mình trải qua những đêm mùa đông lạnh lẽo không. Tau lấy chồng ngần ấy năm nhưng những lần vợ chồng gần gũi cũng chỉ đếm được trên đốt ngón tay này. Sao mi không giữ được?

Rồi bà nhìn chăm chắm lên dãy núi Pu Soong nơi có chồng và thằng con cả đang tìm trầm nước mắt lã chã rơi.

Cái bụng Mía ngày một to đã phơi bày tất cả. Đến lúc ánh mắt người trong bản soi mói nhìn vào đấy thì thào thì Mía không chịu nổi nữa tìm vào rừng ăn lá ngón. Mẹ lão sau cái chết của đứa con dâu hư bỗng cấm khẩu cho đến ngày về rừng thiêng. Trở về sau gần bốn tháng lang thang trong rừng sâu tìm trầm, anh trai lão khuỵu giữa nhà khi hay tin vợ đã ăn lá ngón chết. Những gộc trầm vô hồn lăn lóc trên sàn. Trời tối anh trai lão chạy một mạch vào cánh rừng ma nơi có mộ Mía, điều mà không một người đang sống nào làm trước kia. Vài ngày sau, cha và lão tìm thấy anh trai đã treo cổ ở cành săng lẻ cạnh mộ bằng một sơi mây rừng.

8.

Đã từ lâu, cái khát khao trả thù trong gã đã nguội lạnh. Gã thấy thương hại cho đám con cháu lão. Họ đâu có tội. Cái tội của họ là có một tổ tiên tồi bại như lão. Đã có lúc gã coi họ như chính gia đình, ruột thịt của mình. Gã cũng chẳng biết vì sao mình lại có cảm giác thân thương, gần gũi ấy. Có lẽ bởi gã đã sáu lần đến và đi trong ngôi nhà đó. Và mỗi lần lão bế, cưng nựng gã, gã từng nghĩ, nếu lão và gã không có oán thù thì đã là cha con, là ông cháu một nhà.

Khi gã quyết định chôn vùi chuyện ân oán, quyết định rời xa cái cánh rừng đáng nguyền rủa này thì nơi gã nghĩ tới lúc này lại căn nhà thân quen đó. Dù sao sáu lần đến đi, nhà của kẻ thù, ruột thịt của kẻ thù đã trở thành nhà của gã, ruột thịt của gã.

Và lần hoài thai thứ bảy này là để xóa bỏ tất cả, dứt mọi ân oán, làm cuộc gột tẩy đón nhận một số phận mới.

9.

Gió khiến cành săng lẻ rủ trước chòi xạc xào những thanh âm xưa cũ. Lão giật mình. Sống lưng ớn lạnh. Là gã. Gã đã trở lại.

Phải. Chính là gã.

- Sao mi trở lại? - Lão hỏi.

- Vì ta chẳng có nơi chốn nào để đi - Gã tuyệt vọng đáp.

Chẳng hiểu sao lúc này, gã lại nói ra điều đó với lão. Dường như với gã, giờ lão là người duy nhất gã có thể chia sẻ. Khi gã quyết định chôn vùi chuyện ân oán, quyết định rời xa cái cánh rừng đáng nguyền rủa này thì nơi đầu tiên gã nghĩ tới lại căn nhà thân quen đó. Dù sao sáu lần đến đi, nhà của kẻ thù, ruột thịt của kẻ thù đã trở thành nhà của gã, ruột thịt của gã. Cái lần đến thứ bảy này, gã quyết định xóa bỏ tất cả, dứt bỏ mọi ân oán, hoài thai làm cuộc gột tẩy đón nhận một số phận mới.

Nhưng cuộc đời thật trớ trêu. Chính lúc gã muốn bù đắp những đớn đau mà mình đã gây ra cho con cháu lão, xóa bỏ mọi hận thù mà thế hệ trước gây ra thì đứa cháu dâu lão lại mang gã đi khỏi dãy Pu Soong tới miền đất lạ.

Nói cho gãy gọn, nó đã mang gã bán sang bên kia biên giới.

Gã không bao giờ quên được chuyến hành trình xứ người đó. Sau khi vượt sông qua bên kia biên giới, nhóm phụ nữ lên một chiếc ô tô chờ sẵn. Cuối cùng cả nhóm đến một ngôi nhà sơn trắng ngói đỏ nằm tách biệt với các ngôi nhà khác trong làng. Họ ở đó cho đến ngày lần lượt sinh con. Nhìn hai người phụ nữ đi cùng trở về từ bệnh viện với cái bụng lép kẹp, bầu ngực căng tức sữa, gã rơi vào tuyệt vọng. Những đứa trẻ của họ đã bị đưa đi đâu. Rồi tới đây số phận gã cũng như chúng, sau khi chào đời sẽ bị người ta mang đi đâu. Cũng có lúc đứa cháu dâu lão đổi ý. Lúc đó gã rất mừng chỉ mong cô ta sẽ giữ được quyết định đó mà quay về. Nhưng đứa cháu dâu lão sợ mình sẽ bị những người bản xứ kia mang bán làm vợ một gã đàn ông lạ hoắc ở một nơi xa lắc xa lơ nào ấy để suốt đời không thể về với chồng con.

Chào đời, gã bị một người phụ nữ đưa lên xe ô tô rời khỏi bệnh viện. Gã khóc đến nỗi mệt quá thiếp đi. Tiếng chó sủa khiến gã giật mình lờ mờ tỉnh dậy. Gã thấy mình đang trong một căn biệt thự sang trọng với những bức tường bê tông rất cao có gắn camera an ninh.

Người phụ nữ đã bế gã từ bệnh viện ra cầm bình sữa đã pha sẵn ấn vào mồm gã. Gã lắc đầu qua trái, qua phải tránh chiếc đầu vú cao su khóc tiếp. Chợt gã ớ ra. Sao gã một tay lang bạt khắp rừng sâu núi thắm để tìm trầm lại phải khóc như đứa con nít. Cho dù khóc thì cũng giải quyết được gì. Thế là gã vít lấy bình sữa ấn vào miệng tu lấy tu để như sợ người đàn bà kia sẽ giật mất. Uống sữa no, gã bình thản hướng ánh nhìn ra ngoài cửa sổ ngắm bầu trời. Trên trời mây trắng phơi phới bay. Nhưng mây ở đây tù túng, thiếu sinh khí, không lồng lộng, cuộn trào như ở dãy Pu Soong.

Gã nhớ lại những lần đầu thai làm con, cháu lão già để báo thù. Mỗi lần muốn thoát ra đều nhẹ tênh. Chỉ một cái nhún qua đỉnh đầu, linh thể vọt bay khỏi xác phàm hòa vào những khối mây trời trắng như bông. Nghĩ là làm gã nhún thử. Linh thể gã vọt thoát nhẹ tênh bồng bềnh trong không khí. Thật ra, khi làm người gã không biết rằng nếu muốn buông bỏ lại nhẹ tênh thế. Chỉ cần lòng thực sự muốn trút bỏ, chỉ cần tâm lắng lại, chỉ cần không còn vương vấn ái ố hỉ nộ của cõi người.

Lúc nhìn lại, gã thấy một bầy bé gái đang vây quanh cái xác phàm của gã đầy thù hận. Gã ngạc nhiên không hiểu chuyện gì khiến những đứa trẻ gái ngây thơ kia ghét cái đứa trẻ nằm kia đến thế. Một đứa có vẻ là chị cả giận dữ:

- Hừm. Chúng ta đều là con vậy mà bị tước đoạt mạng sống. Còn đứa trẻ xa lạ này thì lại được yêu thương chỉ vì nó là con trai.

Hóa ra đám trẻ gái này là những thai nhi con nhà chủ. Gã sà tới, bảo đám trẻ gái mình không cần cái xác phàm ấy nữa. Gã sẽ nương theo mây trời trở về nơi đã đến. Mắt đứa bé gái sáng lên tinh quái. Chúng không còn thú vị, đáng yêu. Gã nhún người vọt lên không trung. Rồi linh thể gã nương vào một đám mây trắng đang phơi phới bay.

10.

Gã đến rồi đi, bỏ lại lão trong căn chòi chỉ có tiếng hú của gió núi. Lão thấy vô cùng cô độc. Lão chỉ mong gã quay trở lại cho dù chỉ để tìm lão báo thù. Lũ con cháu tồi bại. Chúng nó đã làm việc đó sao. Vì đồng tiền, chúng nó đem máu thịt của mình đi bán. Từ khi ra ở cánh rừng ma này, lão đã bao giờ về đòi chúng cho ăn trâu đâu. Cuộc đời lão là chuỗi những ngày tồi bại. Lão từng hy vọng một ngày kia, đám con cháu sẽ thay lão gột rửa được phần nào tội lỗi mà tổ tiên chúng đã gây ra. Vậy mà giờ đây, đám con cháu lão lại mắc sai lầm, tiếp nối những việc tồi bại như lão.

Sau cái chết của anh trai, lão theo cha vào núi săn trầm. Lúc đó, lão biết những chuyện người ta đồn thổi thêu dệt quanh việc ngậm ngải tìm trầm chỉ là hão huyền. Ngải thực ra chỉ là một thứ củ rừng giúp tránh rắn rết mà thôi. Dân đi trầm thường phải len lỏi trong rừng sâu núi thẳm. Nếu không ngậm loại củ rừng đó để xua đuổi rắn độc thì có ngày bỏ mạng nơi rừng sâu. Khi ngậm trong miệng lúc đi rừng, hương ngải, vị ngải khiến rắn rết sợ mà tránh xa. Ngải còn giúp mình được mạnh khỏe, chống chọi với sơn lam chướng khí.

Nhưng những nghi lễ tâm linh và kiêng kỵ khi đi ăn trầm là có thật. Trước khi vào rừng tìm trầm, nhất thiết phải làm lễ khấn cầu thần rừng, ma núi phù hộ, che chở. Chọn được ngày, trước khi ngậm ngải tìm trầm, phải xem giờ tốt xấu để khởi hành, phải tắm rửa sạch, không sát sinh. Một khi đã vào rừng ngậm ngải là không được ăn nói bậy, bạ. Khi đi rừng cũng không được nói lớn tiếng kẻo động chạm đến thần linh.

Ngoài ra, trước khi đi rừng hàng tuần phải kiêng kỵ gần gũi đàn bà. Trầm hương là thứ để xua đuổi tà khí, làm cầu nối giữa thế giới trần tục với thế giới tâm linh bởi vậy ai đi rừng tìm trầm mà ăn nằm với đàn bà xem như phạm điều đại kị, vào rừng khó tránh khỏi tai ương bủa vây. Một lần cha đi tìm trầm với anh trai lão. Khi ở lưng chừng núi, cha lão mừng rơn khi phát hiện được hương trầm thoảng quyện, lan tỏa trong không khí. Theo hướng gió, cha và người anh trai lão phát hiện cây dó bầu khổng lồ nên tiến lại làm các nghi lễ để ăn trầm. Thế nhưng khi dùng dao mở ra, cây dó bầu đó lại chẳng có tí trầm nào. Sau này cha lão mới biết, trước lúc đi rừng anh trai lão và Mía đã lén ăn nằm. Cha lão bảo, bị thần linh che mắt, dẫu đến được vùng rừng có trầm nhưng không tìm thấy trầm như vậy là còn may. Chứ nhiều kẻ ăn trầm ở các bản làng quanh dãy Pu Soong vì không thực hiện đúng lễ nghi, cố tình vi phạm cấm lệnh khi vào rừng đã phải bỏ mạng nơi rừng thiêng nước độc.

Nhưng cha lão cũng chỉ đi trầm thêm được vài năm thì ngã bệnh. Khi đó mẹ lão đã về với rừng thiêng. Khi cha lão ngã bệnh thì lão cũng đã là một thằng trai bản lão luyện ăn trầm. Chỉ cần ngửi gió, lão cũng có thể biết được vùng rừng nào có trầm. Khi phát hiện cây dó có trầm lão sẽ tìm đến chặt một nhát mở miệng, cúng xin thần rừng, ma núi được lấy trầm rồi đẽo gọt đưa về. Chính vì vậy có những đội cả chục người đi rừng ăn trầm mấy tháng trời vẫn về tay không. Còn lão, mỗi lần vào rừng khi trở về gộc trầm luôn chất trong eng. Nhờ những gộc trầm đó, lão mua được bò, trâu, lấy vợ, dựng được nhà sàn.

Nhưng cũng vì những gộc trầm đó, lão đã từng giết người. Người mà lão giết chính là gã, tay người Lào có cái mũi ngửi gió tìm trầm thính không như lão. Cha lão từng dặn, khi đi rừng ăn trầm, nếu mình phát hiện cây dó bầu có trầm mà có một nhóm ăn trầm khác cũng tìm đến hoặc đi ngang qua thì luật bất thành văn những ai có mặt ở đó đều được chia phần. Tất nhiên người tìm được sẽ nhận phần hơn.

Vậy mà khi lão và gã, hai kẻ tuổi trẻ như nhau, với giác quan thính nhạy của những kẻ có năng lực ngửi gió tìm trầm cùng tìm được gốc dó trầm, lão đã không kiềm chế được lòng tham. Khi lưỡi dao của gã người Lào bổ xuống gốc dó bầu thì từ sau lưng nhát dao của lão nhằm đầu gã bổ xuống. Sau cú chém chí tử, gã đổ gục bên vũng máu dưới gốc dó bầu mắt trợn tròn nhìn lão đưa khối trầm kỳ rời khỏi rừng già.

Chỉ vì phút tham lam ấy, gã đã bám theo lão để báo thù. Và gã đã lấy đi của nhà lão sáu mạng. Ba đứa con trai của lão. Ba thằng cháu trai của lão. Tất cả chúng đều là gã. Để báo thù, gã nhẫn nhục chịu đủ chín tháng mười ngày trong bụng. Nhưng chỉ thoát khỏi nơi ấy là ngay lập tức linh thể gã thoát ra.

Cũng vì cái chết của gã, lão bị ám ảnh và bỏ hẳn nghề ăn trầm. Thằng con trai duy nhất của lão bị cha cấm theo nghề tìm trầm chuyển sang lập đội đi cắt gỗ. Đã bao lần lão phải bảo nó: Của rừng chỉ lấy đủ thôi, đừng tham. Ăn của rừng rưng rưng nước mắt.

11.

Cành săng lẻ rủ trước chòi xạc xào những thanh âm xưa cũ. Gã lại đến. Nhưng lần này gã không đến một mình mà còn có thêm một lão già nữa. Mắt lão già này cũng lòa đục giống chủ nhân của căn chòi. Lão già đó tiến lại bên chủ nhân của căn chòi, cầm lấy bàn tay răn reo:

- Cha.

Lão sững người. Là con trai lão. Sao nó lại đến đây. Lẽ nào nó đã về rừng thiêng.

- Mi về rừng thiêng rồi à - Lão hỏi.

- Vâng. Hai hôm rồi cha ạ - Con trai lão đáp vẻ ngạc nhiên - Ngần ấy năm cha vẫn ở đây sao? Cha vẫn chưa về Mường Trời à?

Mường Trời nào. À, Mường Trời trong những huyền sử của người Huồi Sa. Người Huồi Sa tin rằng những ai khi đang sống hay làm điều thiện sẽ được các Then mở cổng cho vào ở Mường Trời. Những ai khi đang ở nhân gian thường làm điều xấu như trộm cắp, hại người thường không về được Mường Trời. Họ trở thành những cô hồn lang thang vạ vật trong rừng sâu núi thẳm. Phải chăng đời lão toàn làm những chuyện tồi bại nên không được về Mường Trời.

12.

Mưa rừng thật đáng sợ. Mưa ở cánh rừng ma càng đáng sợ hơn.

Khu rừng này cũng là nơi chứng kiến những cái chết đau đớn, ghê rợn nhất. Chỉ nghĩ đến những câu chuyện rùng rợn đó, người sống bạo gan đến mấy cũng chẳng bao giờ dám vào cánh rừng ma trừ khi chôn cất người thân. Ở trong cánh rừng ma cũng có lúc lão thấy nhớ căn nhà mình, con cháu mình da diết. Nhưng người Huồi Sa quan niệm, khi người sống về với cõi âm thì đã hết duyên trần. Để người chết không trở lại được thế giới dương gian, họ đã thực hiện đủ thứ bùa phép để cắt sợ dây liên hệ giữa hai thế giới. Người sống đã tuyệt tình như vậy thì người chết cũng chẳng muốn quay về nữa.

- Này cha con ông già - Gã lên tiếng - Sau những biến cố, trong những ngày qua tôi nghĩ thật nhiều. Nhất là khi bay qua nơi có ngôi đền Pu Nhạ Thầu tọa lạc. Nơi đó ngày trước đã từng diễn ra trận đột kích bất ngờ của quân Ai Lao khiến toàn bộ quân sĩ của đốc tướng Đoàn Nhữ Hài tử trận. Tôi nghĩ sâu xa thêm về kiếp trước đó. Biết đâu trong một tiền kiếp, tôi chính là một trong những binh sĩ Ai Lao tham gia trận đánh kinh thiên động địa ấy. Còn lão, biết đâu là một binh sĩ triều đình đã bị lưỡi gươm của tôi lấy đi mạng sống. Trong sinh tử luân hồi, chúng ta gặp lại nhau trong rừng sâu để lão lấy mạng tôi đòi lại món nợ kiếp xưa.

Lão già lặng lẽ gật đầu:

- Có thể như vậy lắm. Mọi thứ không tưởng đều có thể xảy ra trong vũ trụ này. Chỉ là chúng ta hữu hạn không thể nhận biết hết mà thôi.

- Tôi đến chào hai người. Hôm nay tôi sẽ đi.

- Mi sẽ đi đâu. Về lại quê hương bản quán với mẹ cha, vợ con sao?

- Tôi cũng chưa biết nữa.

- Vậy thì mi hãy đến trong con cháu tau thêm lần nữa. Coi như tau trả mi món nợ xưa. Tau muốn một lần gột rửa lỗi lầm...

Mưa càng lúc càng nặng hạt.

Đinh Ngọc Hùng | Báo Văn Nghệ

---------

Bài viết cùng chuyên mục:

Đọc Truyện: Gió Cùa se sắt. Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Hiệp Xin lỗi Hungary - Truyện ngắn dự thi của Yen Platz Nghệ thuật khắc kỉ. Truyện ngắn dự thi của Phan Ngọc Chính Đọc truyện: Trăng mắc cạn. Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Thị Thanh Thúy Núi vỡ - Truyện ngắn dự thi của Lữ Hồng
Từ Đền Hùng còn vang vọng mãi lời Bác dạy

Từ Đền Hùng còn vang vọng mãi lời Bác dạy

Baovannghe.vn - Trong chín lần về Phú Thọ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hai lần tới thăm Đền Hùng.
Bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm về "Chống lãng phí"

Bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm về "Chống lãng phí"

Baovannghe.vn - Trong mọi giai đoạn cách mạng, Đảng, Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm công tác phòng, chống lãng phí, đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, kết luận về vấn đề này và lãnh đạo cả hệ thống chính trị, toàn dân tổ chức thực hiện đạt nhiều kết quả. Văn nghệ điện tử trân trọng giới thiệu nội dung bài viết “Chống lãng phí” của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Tô Lâm.
Khéo dư nước mắt. Tạp bút của Đông Trình

Khéo dư nước mắt. Tạp bút của Đông Trình

Baovannghe.vn - Con đường ấy mang tên "Đông - Tây". Đơn giản là nó nối hai phương của một thành phố. Con đường lớn, đẹp, lối đi hai chiều.
Kiến trúc Hà Nội - 70 năm Giải phóng Thủ đô (1954-2024)

Kiến trúc Hà Nội - 70 năm Giải phóng Thủ đô (1954-2024)

Baovannghe.vn - Kiến trúc Hà Nội - 70 năm Giải phóng Thủ đô (1954-2024) là cuốn sách có giá trị tổng quan và sâu sắc về các chặng đường phát triển của kiến trúc, đô thị Hà Nội.
Trầm ngâm quê nhà- Thơ Nguyễn Văn Hòa

Trầm ngâm quê nhà- Thơ Nguyễn Văn Hòa

Baovannghe.vn- Tôi từ thương nhớ mà đi/ Vọng trong ngày cũ xanh rì chiêm bao/ Nam non ướt ngọn mưa rào/ Nồm già nứt vách chênh chao nếp nhà