Diễn đàn lý luận

Trong căn phòng ẩm mốc của thời gian

Nguyễn Quang Thiều
Chân dung văn học
00:00 | 30/08/2024
Baovannghe.vn - Đã lâu lắm rồi tôi không đến trụ sở báo Văn nghệ. Mấy tháng trước cùng với một người bạn ở xa về ghé qua vào một buổi trưa...
aa

Đã lâu lắm rồi tôi không đến trụ sở báo Văn nghệ. Mấy tháng trước cùng với một người bạn ở xa về ghé qua vào một buổi trưa. Mọi người đang nghỉ. Cả tòa nhà nhiều tầng yên ắng. Tôi đứng ở sảnh chờ đến giờ làm việc và chợt thấy lòng xao động. Tôi đã làm việc ở báo Văn nghệ 15 năm. Một khoảng thời gian không ít và có nhiều kỷ niệm buồn vui với nơi này. Thời gian đổi thay quá nhiều. Nhớ khi tôi được giao nhiệm vụ tổ chức để ra mắt tờ Văn nghệ Trẻ tôi còn rất trẻ. Bây giờ tôi đã già. Gần 60 tuổi là già thật rồi. Tờ Văn nghệ Trẻ cũng không còn nữa. Sau khi được phân công “trông coi” Văn nghệ Trẻ một năm đầu tiên, tôi chuyển sang làm biên tập thơ. Giữa tòa nhà cao tầng hiện đại bây giờ tôi thấy nhớ cái phòng của ban Thơ vô cùng. Một cái phòng nhỏ nằm ở tầng một chứa đầy bản thảo. Và giữa hàng núi bản thảo thơ lưu cữu luôn thoảng mùi ẩm mốc của thời gian là một nhà thơ ngồi một mình im lặng. Ông là Võ Thanh An, Trưởng ban Thơ của báo Văn nghệ.

Ngày đầu tiên đến nhận việc ở ban Thơ, tôi đã nhìn thấy nhà thơ Võ Thanh An ngồi như thế. Tôi bước vào chào ông. Nhưng ông im lặng nhìn tôi một hồi lâu. Đấy cũng là một trong những lý do làm cho tôi mỗi khi nhớ đến ông là hình ảnh đó lại hiện lên. Những năm tháng sau này, tôi vẫn thỉnh thoảng nhìn thấy ông ngồi như vậy. Cách ngồi ấy nó khác hoàn toàn sự sôi nổi của ông thường thấy. Ông là một người sắc sảo, thẳng thắn và mạnh mẽ. Ông có một giọng nói trầm vang và với một đôi mắt nhìn như xuyên qua óc người đối diện. Hồi mới về báo Văn nghệ, nhìn ông với tóc dài, ria mép rậm, quần áo bò, giọng nói quyết liệt, mắt nhìn thẳng... tôi cảm thấy sờ sợ. Vì thế, tôi e dè và cẩn trọng mỗi khi ngồi trước ông. Nhưng khi tôi nhìn thấy ông ngồi một mình trong căn phòng của ban Thơ như không có ai thì tôi đã bắt đầu hiểu ra một phần con người ông. Đặc biệt là tôi đã từng chứng kiến con người ông trước những bất công, những nghịch lý nào đấy trên cõi đời mà ông biết, đôi mắt ông đầy nước trong khi giọng nói ông rung lên với sự nổi giận của lương tâm.

Trong căn phòng ẩm mốc của thời gian
Nhà thơ Võ Thanh An (1942 - 2017)

Ai đã từng quen biết ông đều dễ dàng nhận ra một điều: Võ Thanh An không bao giờ làm ngơ trước những gì chướng tai gai mắt. Ông không sợ hãi kẻ nào và cũng không xu nịnh bất cứ ai. Bởi thế mà ông đã viết những câu trong bài thơ Thằng Bờm nổi tiếng:

Trọn đời không nợ nần ai

Không quyền chức để gọi ngài xưng ông

Không sang trọng, chẳng bần hàn

Không mưu mánh, đừng mong ai phỉnh phờ

Đúng là ông không nợ nần ai. Ông không “mưu mánh” gì. Ông đã sống sòng phẳng. Bởi thế mà sau khi ông về hưu, ông để lại nhiều kỷ niệm đẹp trong lòng bạn bè. Tôi nhớ cách đây rất nhiều năm, tôi tổ chức hai trang báo về nhà thơ Xuân Quỳnh. Nghe tin đó, con trai nhà thơ Xuân Quỳnh đã gặp tôi và đề nghị cho anh xem tất cả những bài viết về mẹ anh trước khi in báo. Tôi không đưa cho anh xem những bài báo đó và đã nói với anh nguyên văn như sau: “Nếu mẹ anh, nhà thơ Xuân Quỳnh, mua hiện tại bằng “lá chuối” thì tương lai sẽ trả lại cho mẹ anh bằng lá chuối. Còn nếu mẹ anh mua hiện tại bằng kim cương thì tương lai sẽ trả mẹ anh bằng kim cương”. Và tương lai đã và đang trả cho bà bằng kim cương. Bởi bà đã sống chân thành, đẹp đẽ và biết hy sinh cho người khác. Cuộc đời luôn công bằng. Nếu cuộc đời chưa kịp công bằng với sự chân thành và lòng tốt của ta thì cuộc đời sẽ trả lại sự công bằng cho ta sau khi ta từ giã cuộc đời hoặc con cháu ta. Đấy là sự thật. Đấy là chân lý.

Nhà thơ Võ Thanh An là người không giấu được con người mình trong giọng của ông khi vang lên và trong đôi mắt của ông khi mở nhìn. Ngồi với ông và chơi với ông là ta được sống trong sự an toàn. Ta chẳng phải ý tứ gì, chẳng phải khôn khéo gì và chẳng phải giả vờ gì khi làm bạn với ông. Cái giá trị lớn nhất trong quan hệ giữa người với người là sự an toàn như thế. Tôi là người đã tìm thấy sự an toàn trong những năm tháng làm việc với ông. Và như vậy, ông chính là người được sống một cuộc sống thực trong cuộc đời của mình. Không phải ông được sống trong xe hơi, nhà lầu, trong chức này, quyền nọ, trong xu nịnh và trong sợ hãi... mà ông được sống trong những lý do làm người đích thực. Ông được quyền yêu đắm đuối, được quyền nổi giận, ông được quyền ngang tàng và được quyền tĩnh lặng.

Trong những câu thơ của ông tôi thích, có một câu thơ vẫn thường đến với tôi: "Trước vườn rộng vẫn thấy mình trống trải". Khi biết câu thơ đó thì tôi mới hiểu cái không gian và thời gian những lúc ông ngồi im lặng một mình trong căn phòng của ban Thơ luôn thoảng mùi ẩm mốc của bản thảo lưu cữu. Câu thơ ấy như một người thầy, như một người tri kỷ đến và nói cho tôi nghe về một điều trong cuộc đời này. Chỉ sau này đã già đi, tôi mới thấy câu thơ đó là một trải nghiệm sâu sắc và là một sự thật. Sự thật ấy là trong cuộc đời này, nhiều khi ta ngồi giữa đám đông cười nói mà lòng ta trống vắng. Con người sống giữa bảy tỉ người mà đâu dễ dàng tìm thấy kẻ tri âm. Và đó cũng là khoảng thời gian mà con người, cụ thể ở đây là nhà thơ Võ Thanh An, hiểu được cái phù phiếm, cái hư vô của cuộc đời này. Nhưng để nhận ra điều đơn giản ấy có khi ta phải đi hết cả cuộc đời, phải trả giá đau đớn có khi bằng chính cái chết ta mới nhận ra.

Võ Thanh An không phải nhà thơ của trí tưởng tượng, của những cảm xúc đa đoan, mơ hồ, của phép tu từ cầu kỳ, của một cấu trúc phức tạp... ông là nhà thơ của lý chí, của rành mạch, của thái độ và của những trải nhiệm thấu đáo và cả đau đớn về cuộc đời. Có những lúc tôi chứng kiến ông đứng trước một hành vi nào đó, một người nào đó mà ông coi thường nhưng ông lại không nổi giận như ông từng nổi giận. Ông khẽ lắc đầu và bỏ đi. Ông bỏ đi như một sự thất vọng, như một sự không thể chịu đựng hơn nữa. Và trong cái dáng lưng bước đi của ông lúc đó, tôi thấy có cả một ghánh nặng buồn bã. Nhớ lại hình ảnh đó, tôi lại thấy những câu thơ của ông vang lên:

Trong căn phòng ẩm mốc của thời gian
Nhà thơ Võ Thanh An và con trai

Dạ thưa thầy!

Dẫu biết rằng “Một sự nhịn chín sự lành”

Dạ thưa thầy

Con đã nhịn đến quên mình

Sao sự lành hiếm thế?

Những câu thơ ấy là một tiếng kêu, là bản công bố về một trong những sự thật cuộc đời, là một bài học triết lý nhân sinh mà khi con người càng sống thì càng có cơ hội nhận ra. Nhưng những câu thơ kia lại không phải là sự nổi giận. Nó làm hiện lên một con người là Võ Thanh An chịu đựng những bất công, những nghịch lý như một kẻ tu hành. Có lẽ thế mà trong những năm tháng sống với ông trong căn phòng chật chội đầy mùi ẩm mốc của bản thảo lưu cữu, thi thoảng ông lại nói với tôi: “Đời có luật nhân quả em ạ. Đừng bao giờ nghĩ mình thua thiệt mà sinh tức tối, đừng ham hố quá mà sinh độc ác. Mày nghe lời anh”. Tôi đã nghe lời ông. Nhưng cũng phải thú nhận rằng: để thực hiện được điều đó đâu có dễ dàng gì. Bởi có quá nhiều cám dỗ vây bủa quanh ta, có quá nhiều bất công dội vào ta, có quá nhiều điều làm lòng ta nổi giận. Nhưng khi ta có ý thức nghiêm túc về điều đó thôi thì lòng ta đã bớt đi một phần ham hố, bớt đi những mưu mô với con người rồi.

Nhà thơ Võ Thanh An về hưu đã nhiều năm nay. Tôi rất ít khi được gặp ông. Và ông hầu như không đến những nơi nhộn nhạo, ồn ào luôn chứa đựng thị phi, không thì thào về chuyện này, chuyện nọ, về người này hay người kia. Ông sống lặng lẽ trong ngôi nhà của mình. Với tôi thật dễ hiểu bởi ngay khi còn làm việc ở một tờ báo mà các nhà văn, nhà thơ thường xuyên qua lại luận bàn chuyện văn chương ồn ã thì tôi đã thấy những khoảnh khắc ông chìm vào tĩnh lặng trong căn phòng chất đầy bản thảo thơ luôn thoảng mùi ẩm mốc, hút thuốc triền miên, mắt mở nhìn bất động như cố tìm kiếm một điều gì đó, như cố lấp đi một khoảng trống rỗng trong cuộc đời. Và trên gương mặt phong trần, rắn rỏi như của một võ sỹ của ông, tôi chợt nhìn thấy một đám mây đa cảm trôi qua.

Trong ngôi nhà giản dị của mình trong những năm tháng nghỉ hưu, ông đọc sách Thánh nhiều hơn, suy ngẫm nhiều hơn về cái giá thực của một đời người. Và tôi tin chắc rằng, thi thoảng ông lại nhếch mép cười một ai đó trong chúng ta. Mỗi khi nhớ về báo Văn nghệ, nhớ về ông, tôi chỉ thấy hiện lên giữa tòa nhà cao tầng một căn phòng chật chội của ban Thơ ở tầng một ngôi nhà 17 Trần Quốc Toản, nơi luôn thoảng mùi ẩm mốc của bản thảo lưu cữu. Và trong căn phòng ấy có một người sau những nổi giận chân thành có lúc tưởng cực đoan lại chìm vào tĩnh lặng và trống vắng như một phép thiền định.

Nhà thơ Võ Thanh An tên thật là Trần Quang Vinh, sinh năm 1942, quê gốc ở xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Ông đã ghép ba chữ trong tên quê hương mình làm thành bút hiệu Võ Thanh An. Nhà thơ từng công tác tại Bộ Điện và Than, về sau làm biên tập viên trang thơ của Tuần báo Văn nghệ.

Tác phẩm đã xuất bản:

Hoa trăm miền (thơ in chung, 1975)

Thỏ bay vào hội (thơ thiếu nhi, viết chung với Phạm Tiến Duật, 1976)

Hành trình lên cao (truyện thiếu nhi, 1977)

Thác điện (thơ, 1981)

Những con chim báo mùa (thơ, 1990)

Lá bồ đề (thơ, 1999)

“Trong cuộc đời tôi không để bụng kẻ tốt, người xấu, điên lên thì làm thơ thế thôi. Tôi yêu cuộc đời này, không đả phá, không âm mưu gì”.

Nguyễn Quang Thiều | Báo Văn Nghệ

---------------

Bài viết cùng chuyên mục:

Bế Kiến Quốc: Bài thơ đáng viết nhất vẫn đang còn phía trước Nhà thơ Trinh Đường: Nhập thân vào đất nước để nhập thần vào thơ Vài kỷ niệm về cố nhà văn Nguyễn Tuân Văn học Phú Yên nửa sau thế kỷ XX: Những gương mặt tiêu biểu Xóm Hà Tiên: Đông Hồ - Mộng Tuyết
Từ Đền Hùng còn vang vọng mãi lời Bác dạy

Từ Đền Hùng còn vang vọng mãi lời Bác dạy

Baovannghe.vn - Trong chín lần về Phú Thọ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hai lần tới thăm Đền Hùng.
Bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm về "Chống lãng phí"

Bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm về "Chống lãng phí"

Baovannghe.vn - Trong mọi giai đoạn cách mạng, Đảng, Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm công tác phòng, chống lãng phí, đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, kết luận về vấn đề này và lãnh đạo cả hệ thống chính trị, toàn dân tổ chức thực hiện đạt nhiều kết quả. Văn nghệ điện tử trân trọng giới thiệu nội dung bài viết “Chống lãng phí” của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Tô Lâm.
Khéo dư nước mắt. Tạp bút của Đông Trình

Khéo dư nước mắt. Tạp bút của Đông Trình

Baovannghe.vn - Con đường ấy mang tên "Đông - Tây". Đơn giản là nó nối hai phương của một thành phố. Con đường lớn, đẹp, lối đi hai chiều.
Kiến trúc Hà Nội - 70 năm Giải phóng Thủ đô (1954-2024)

Kiến trúc Hà Nội - 70 năm Giải phóng Thủ đô (1954-2024)

Baovannghe.vn - Kiến trúc Hà Nội - 70 năm Giải phóng Thủ đô (1954-2024) là cuốn sách có giá trị tổng quan và sâu sắc về các chặng đường phát triển của kiến trúc, đô thị Hà Nội.
Trầm ngâm quê nhà- Thơ Nguyễn Văn Hòa

Trầm ngâm quê nhà- Thơ Nguyễn Văn Hòa

Baovannghe.vn- Tôi từ thương nhớ mà đi/ Vọng trong ngày cũ xanh rì chiêm bao/ Nam non ướt ngọn mưa rào/ Nồm già nứt vách chênh chao nếp nhà