Trên dải đất hình chữ S, Phú Yên là vùng đất kì vĩ, mĩ lệ và trữ tình với nhiều danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử cũng như những lễ hội truyền thống, sản vật độc đáo. Trên bản đồ văn học nửa sau thế kỉ XX, địa phương này không phải là địa chỉ đỏ nhưng đã sớm ghi danh nhiều tác phẩm có giá trị, góp phần làm nên diện mạo văn học miền Trung nói riêng và văn học cả nước nói chung. Trong số các nhà văn vùng duyên hải, Liên Nam, Nguyễn Mỹ, Võ Hồng và Thanh Quế có thể xem là những gương mặt tiêu biểu, mang đến cho Phú Yên những mùa vàng bội thu trên cánh đồng chữ nghĩa.
Liên Nam với Chiều An Ninh
|
Nhà thơ Liên Nam tên thật Đặng Nam Phong. Năm 1950, Liên Nam đi bộ đội, tham gia nhiều trận chiến đấu chống giặc Pháp. Năm 1954, ông tập kết ra Bắc. Năm 1961, ông xung phong về Nam công tác ở báo Quân giải phóng Trung Trung Bộ, đi thực tế nhiều nơi ở chiến trường Khu V và sau đó trở về Phú Yên. Năm 1967, Liên Nam ra Bắc chữa bệnh rồi về công tác ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Năm 1977, Liên Nam quay về quê hương làm Chủ tịch Hội Văn nghệ Phú Khánh rồi khi tách tỉnh (1989), ông làm Chủ tịch Hội Văn học – Nghệ thuật Phú Yên kiêm Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Phú Yên. Ông mất vào 6/3/2012 tại Hòa Trị, Phú Hòa, Phú Yên.
Liên Nam có đóng góp đáng kể vào sự phát triển của thơ ca cách mạng ở nhiều thể loại như thơ, trường ca. Có thể kể đến các tác phẩm chính đã xuất bản như Khẩu súng hành quân (1970), Núi rừng mở cánh (trường ca và thơ, 1973), Trên cát trắng (trường ca, 1973), Gió đỏ (thơ, 1975), Tiếng hát mùa màng (trường ca, 1980), Con suối chiến khu (thơ, 1985), Những ngày xa em (thơ, 1994), Tự do thiên nhiên (thơ, 1991), Ngàn xanh (thơ, 1996), Hai nửa cuộc đời (thơ, 1996), Truyền thuyết biển đổi màu (trường ca, 2000).
Không chỉ đa dạng về thể loại, nội dung trong các sáng tác của Liên Nam cũng khá phong phú khi ông viết về chiến tranh cách mạng, về người chiến sĩ, về quê hương đất nước, về tình người, tình yêu đôi lứa. Nhưng có lẽ tình yêu quê hương đất nước là đề tài được Liên Nam ghi đậm dấu ấn và sáng tác được nhiều bài thơ hay hơn cả. Điều đó cho thấy sự gắn bó sâu nặng, máu thịt của nhà thơ với quê hương. Chiều An Ninh là bài thơ được nhắc đến nhiều nhất trong sự nghiệp sáng tác của Liên Nam và được đánh giá là một trong những bài thơ hay của giai đoạn kháng chiến chống Mĩ.
An Ninh, một vùng quê xứ biển, hiện lên thật cụ thể qua hình ảnh những ghềnh đá, cát sải tới chân trời, những rừng dương, mặt trời treo trên núi… Thiên nhiên hoang sơ ấy được tác giả tạo dựng trong không gian ba chiều, kì vĩ, khoáng đạt và sống động. Bức tranh ấy quá đỗi quen thuộc với người dân nơi đây, dung dị và rất đỗi bình yên: Chiều An Ninh những ghềnh đá nhấp nhô/ Cát sải tới chân trời sóng vỗ/ Những rừng dương reo gió/ Mặt trời treo trên núi xa. Con người xuất hiện trong khung cảnh nên thơ đó, với nét đẹp lao động, khỏe khoắn. Người dân nơi đây mạnh mẽ, kiên cường không chỉ trong cuộc chiến với biển khơi, gió lớn mà còn trong chiến tranh bảo vệ quê hương. Ẩn đằng sau sự dân dã, mộc mạc kia là truyền thống đấu tranh của một vùng đất anh hùng: Nhưng sóng biển đập vào bờ vật vã/ Gọi tên từ mỗi ngôi nhà/ Và gọi tên từng con thuyền kiêu hãnh/ Thuyền quay về giương hết cánh buồm ra/ Gió giận nổi lên/ Dừa xù lông nhím/ Mía sột soạt lau gươm/ Chiều An Ninh/ Mĩ đến!
Ngoài Chiều An Ninh, Liên Nam còn nhiều bài thơ hay khác như Trên đỉnh Chóp Chài, Gió nam, Rừng An Lĩnh những ngày gian khổ, Sông Hinh, Tuy Hòa, Sơn Hòa… cùng ra đời trong đợt nhà thơ công tác ở chiến trường Khu V, sau này được ông tập hợp trong tập thơ đầu tay Khẩu súng hành quân (1970). Đây cũng là tập thơ hay nhất trong sự nghiệp sáng tác của Liên Nam. Bên cạnh đó, Liên Nam còn thử nghiệm sáng tác trường ca với hai tác phẩm là Núi rừng mở cánh (1972) và Trên cát trắng (1973). Sau giải phóng miền Nam, Liên Nam tham gia Trại sáng tác văn học Quân khu V. Trong dịp này, nhà thơ đã đi thực tế tại các đơn vị bộ đội làm kinh tế ở Tây Nguyên, thăm đập Đắc Uy, những cánh đồng lúa nước, các rừng cao su, các trại chăn nuôi và trở về với hàng chục bài thơ sau này in trong tập Gió đỏ (1975). Sau khi trở về Phú Yên, Liên Nam lần lượt viết và xuất bản các tập thơ và trường ca: Tiếng hát mùa màng, Con suối chiến khu, Tự do thiên nhiên, Ngàn xanh, Những ngày xa em, Truyền thuyết biển đổi màu, Cuộc đời hai nửa và tập cuối cùng là Kí ức thời gian.
Với những sáng tác bề thế và có giá trị, Liên Nam được các báo, tạp chí và tổ chức, hội về văn học, nghệ thuật vinh danh và trao tặng nhiều giải thưởng danh giá như giải thưởng của Tạp chí Văn nghệ Quân đội; giải thưởng của Hội Văn nghệ Hà Nội; giải thưởng Văn học Nguyễn Đình Chiểu; giải thưởng văn học của Hội Văn nghệ Phú Yên.
Võ Hồng và nỗi niềm Hoài cố nhân
|
Nhà văn Võ Hồng là một tên tuổi lớn và có phong cách rất riêng của văn xuôi đô thị miền Nam giai đoạn 1954 - 1975. Ông sinh năm 1923, mất năm 2013, quê làng Ngân Sơn, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Lúc nhỏ ông học ở trường làng, sau học ở Sông Cầu, rồi Quy Nhơn, Hà Nội. Ông làm nghề dạy học và viết văn. Tác phẩm đầu tay được xuất bản vào 1959 là tập truyện Hoài cố nhân. Võ Hồng sáng tác và thành công ở nhiều thể loại với gia tài đồ sộ: 8 tác phẩm tiểu thuyết và truyện dài, 70 truyện ngắn, nhiều tập tùy bút và các truyện viết cho thiếu nhi, 40 bài viết, khảo cứu và phê bình được công bố trên các báo, tạp chí. Trong số đó, có thể kể đến những sáng tác tiêu biểu của ông như Hoài cố nhân (Ban Mai, 1959), Hoa bươm bướm (Lá Bối, 1966), Người về đầu non (Văn, 1968), Bên kia đường (Mặt trời, 1968), Những giọt đắng (Lá Bối, 1969), Áo em cài hoa trắng (Lá Bối, 1969), Nhánh rong phiêu bạt (Lá Bối, 1970), Trầm mặc cây rừng (Lá Bối, 1971), Như cánh chim bay (Lá Bối, 1971)… Đề tài trong các sáng tác của Võ Hồng khá đa dạng: tuổi học trò, thiếu nhi, tình yêu đôi lứa, chiến tranh, gia đình, xã hội… Tác phẩm của ông từng được đưa vào chương trình giảng văn ở bậc trung học từ năm 1963. Võ Hồng mang đến cho văn chương tiếng nói về những phận đời, phận người, về thời cuộc, về tình yêu quê hương, về những đổi thay dâu bể. Những trang viết của ông thể hiện đời sống nội tâm tinh tế, thiên về suy tư của một nhân cách lớn đáng trân trọng. Người đọc tìm thấy ở ông tâm hồn nhạy cảm, tài năng văn chương, vốn tri thức sâu rộng về văn hóa dân tộc và một trái tim nhân ái với đời, với người.
Cảnh sắc, con người và quê hương Phú Yên hiện diện hầu như xuyên suốt trong các sáng tác của Võ Hồng. Đó là những địa danh quen thuộc như Phú Lâm, cầu Đà Rằng, tháp Chàm, đập Đồng Cháy… Đó là nếp nghĩ, nếp sống, những nét sinh hoạt đời thường, cách ông muốn lưu giữ tập tục xưa như viếng mộ người thân vào đầu năm (Xuất hành đầu năm), cách giáo dục con giữ gìn hòa khí trong gia đình (Trận đòn hòa giải), sự thể hiện tình thương của người cha dành cho con trẻ (Mẹ gà con vịt, Con đường gai)… Nhân vật của Võ Hồng luôn hoài niệm, nhớ về quá vãng, nhớ về quê hương. Chính vì vậy, những trang viết của Võ Hồng giàu sức suy tư và tràn đầy cảm xúc. Giang trong Xuất hành đầu năm, Trận đòn hòa giải hay nhân vật người cha trong Con đường gai luôn đau đáu nhớ về người vợ đầu gối tay ấp với bao nỗi niềm. Cảm giác bâng khuâng, luyến nhớ người đã khuất xen lẫn với cảm hứng nhân văn đã khiến câu chuyện trở nên hấp dẫn, lôi cuốn và ấm áp lạ thường. Cách cư xử tinh tế của người cha, nét hồn nhiên của con trẻ cứ gieo vào hồn người đọc những thanh âm trong trẻo, lấp lánh vẻ đẹp của lòng nhân ái, của tình người.
Có lẽ chính quá khứ là ngọn nguồn sức mạnh để người con Phú Yên xa xứ vững bước trước những thăng trầm, dâu bể của cuộc đời đúng như nhà nghiên cứu Nguyễn Vy Khanh từng nhận định: “Toàn bộ sự nghiệp của Võ Hồng như một dâng hiến cho quê hương ông… Trong các truyện dài hay truyện ngắn của ông, người đọc vẫn thấy rõ miền quê Ngân Sơn, Phú Yên trải qua nhiều thời phế hưng, mà các nhân vật cũng là những con người quê mùa hay thuần hậu của vùng trời đó”.
|
Nguyễn Mỹ và Cuộc chia ly màu đỏ
Nhà thơ Nguyễn Mỹ sinh 21/2/1936, mất 16/5/1971, quê quán thôn Trung Lương, xã An Nghiệp, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Ông nhập ngũ từ 1952 và tham gia chiến đấu tại chiến trường Nam Trung Bộ. Năm 1955, ông tập kết ra Bắc, làm nhạc công trong đoàn văn công Tây Nguyên, đi học lớp báo chí rồi về làm biên tập sách ở Nhà xuất bản Phổ Thông, Hà Nội. Năm 1968, ông về Nam công tác và đến năm 1971 thì hi sinh trên bờ sông Đakta, huyện Trà My, tỉnh Quảng Nam. Những tác phẩm đã in của nhà thơ Nguyễn Mỹ, có thể kể đến bút kí Trận Quán Cau (1954), Sắc cầu vồng (thơ in chung, 1980), Thơ Nguyễn Mỹ (1993).
Nhớ về Nguyễn Mỹ, người yêu thơ thường nhắc đến một thi phẩm để đời, bài thơ Cuộc chia ly màu đỏ. Bài thơ được ông sáng tác vào năm 1964 và đăng trên báo Văn nghệ, gây tiếng vang và được dư luận đón nhận nồng nhiệt. Cho đến bây giờ, Cuộc chia ly màu đỏ vẫn được đánh giá là một trong những kiệt tác của thi ca Việt Nam giai đoạn 1954 - 1975. Ta đã từng gặp nhiều cuộc chia ly trong thơ như trong Chinh phụ ngâm (Đặng Trần Côn), Tống biệt hành (Thâm Tâm), Những bóng người trong sân ga (Nguyễn Bính)…, nhưng cuộc chia ly trong thơ Nguyễn Mỹ rất khác. Nó không còn sắc màu ảm đạm, nỗi buồn tê tái của cảnh chia xa mà thay vào đó là cuộc chia ly có màu thắm tươi của “cánh nhạn lai hồng”, của cái màu đỏ “chói ngời” trong nắng thu “vàng lên rực rỡ”. Nó vẫn có những giọt nước mắt nhưng đó là giọt nước mắt “long lanh, nóng bỏng, sáng ngời”, thể hiện cho tình yêu cao thượng, đẹp đẽ, giàu lí tưởng. Cả không gian sáng bừng lên và xóa mờ những bi lụy để hướng về một ngày mai sáng tươi. Bài thơ hay và độc đáo bởi vừa thể hiện cái riêng tư, vừa thể hiện sâu sắc tinh thần của thời đại. Vì lẽ đó, bài thơ đã truyền cảm hứng cho bao đôi lứa yêu nhau trong bối cảnh chiến tranh và thắp lên niềm tin mãnh liệt về tương lai, về hạnh phúc. Bên cạnh Cuộc chia ly màu đỏ, Nguyễn Mỹ còn có một số bài thơ viết về người lính, về tình yêu, về những nữ thanh niên xung phong như Mùa đánh Mĩ, Trên cánh đồng đảm đang, Ra thao trường, Con đường ấy, Chị tôi… Đặc biệt, Nguyễn Mỹ luôn dành cho Phú Yên tình cảm thương nhớ thiết tha của người con xa quê. Tuy An là bài thơ như thế. Bài thơ được viết bằng giọng điệu reo vui của tác giả trước vẻ đẹp trù phú, thanh bình của quê hương. Những địa danh như núi Ông, núi Bà, đầm Ô Loan, hòn Yến; các sản vật như xoài Đá Trắng, hồ tiêu Trà Úc, cá mắm Tiên Châu, sò huyết Ô Loan được nhắc đến với sự tự hào, hân hoan. Bài thơ cho thấy sự gắn bó máu thịt của tác giả với những cảnh sắc thiên nhiên, sản vật thân thuộc. Bước chân Nguyễn Mỹ đã đi qua bao vùng đất, nhưng có lẽ, không đâu đẹp bằng quê nhà.
|
Thanh Quế - người xem trang văn là những trang đời
Thanh Quế, tên thật là Phan Thanh Quế, sinh năm 1945, tại xã An Chấn, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, trong một gia đình có truyền thống cách mạng nhưng không ai theo nghiệp văn chương. Năm 1954, ông theo gia đình tập kết ra Bắc, rồi học tại trường học sinh miền Nam. Năm 1963, ông đậu vào khoa Sử trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp, ông xung phong vào chiến trường miền Nam, công tác tại Hội Văn nghệ Giải phóng Khu 5. Từ 1980 - 1983, ông làm biên tập viên tại Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Từ 1983 - 1996, ông làm Phó Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Quảng Nam - Đà Nẵng. Năm 1997, ông trở thành Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật thành phố Đà Nẵng, Chủ tịch đầu tiên của Hội Nhà văn Đà Nẵng kiêm Tổng biên tập Tạp chí Non Nước cho đến khi về hưu. Năm 2012, ông được trao giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật.
Cho đến nay, Thanh Quế có hơn 30 tác phẩm đã được xuất bản, trong đó có thể kể đến những tác phẩm chính như: Tên em khuôn mặt em (thơ in chung, 1975), Tình yêu nhận từ đất (thơ in chung, 1977), Cát cháy (truyện dài, 1983), Trong lòng hồ (truyện ngắn, 1984), Trong mỗi ngày đời tôi (thơ, 1986), Rừng trụi (truyện dài, 1987), Giãi bày (thơ, 1988), Người khách lạ (truyện ngắn, 1990), Hái tiếng chim (thơ thiếu nhi, 1991), Từ những trang đời (hồi kí, 2001), Tuyển tập truyện ngắn Thanh Quế (truyện ngắn, 2003).
Thanh Quế sáng tác nhiều thể loại như thơ, truyện ngắn, hồi ký. Ở địa hạt thơ hay văn xuôi, trong hai giai đoạn trước và sau 1975, ông sáng tác đều đặn và gặt hái được nhiều thành công. Nếu như thơ Thanh Quế là tiếng nói trữ tình, giãi bày những hiện thực ác liệt trong những năm tháng chiến tranh hay tiếng nói triết luận trong thời bình thì văn xuôi Thanh Quế hướng đến những con người đời thường qua bao biến động. Văn phong ông giản dị, gần gũi, mộc mạc. Ở thể loại kí sự, ông viết về chân dung văn học là những đồng đội, đồng nghiệp, những nhà văn đã ngã xuống trên chiến trường như Dương Thị Xuân Quý, Chu Cẩm Phong, Nguyễn Thi, Nguyễn Mỹ… Tất cả họ, mỗi người một tính cách, một số phận nhưng họ đã chiến đấu, cống hiến, hi sinh và hóa thân vào dáng hình Tổ quốc.
Không chỉ sáng tác cho người lớn, Thanh Quế còn dành tâm huyết cho văn học thiếu nhi, trong đó phải kể đến tiểu thuyết Cát cháy đoạt giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1991.
Đọc các sáng tác của Thanh Quế, người đọc nhận ra quê hương Phú Yên xuất hiện xuyên suốt với bao ân tình, nhớ nhung và trăn trở. Thanh Quế viết nhiều về cảnh sắc quê hương, về những người phụ nữ, những em bé, những người lính… Trong những trang sách của ông, họ hiện lên hồn hậu nhưng mạnh mẽ, kiên cường và dũng cảm khi đối mặt với những biến cố, thăng trầm của cuộc sống. Có thể kể đến các tác phẩm như Những em bé chăn bò Nhạn Phú (bút kí, 1972), Thăm chồng (thơ, 1973), Dốc dì Tâm (1976), Bạn thuở nhỏ (1978 - 1982), La Hai (1981), Dì Út (1985)… Những em bé chăn bò Nhạn Phú tái hiện chân dung những em bé giao liên, kiên cường, dũng cảm và mưu trí trước gian khổ, hiểm nguy. Thăm chồng là bài thơ ấn tượng của Thanh Quế bởi giọng điệu mộc mạc, tự nhiên, cấu tứ bất ngờ pha lẫn hài hước. Điều gây xúc động ở bài thơ chính là khát vọng hạnh phúc trong chiến tranh, là những phút giây sum họp hiếm hoi nhưng vô cùng quý giá của đôi vợ chồng trẻ. Người chồng bộ đội vừa thắng trận, được cấp trên cho nghỉ phép để đón vợ con ra thăm. Cảnh đoàn viên vô cùng đầm ấm trong sự chứng kiến của bao người, trong lúc người chồng ôm con “hun chùn chụt” thì chị vợ pha trà, sắp bánh ngọt bưng ra mời đồng đội của chồng. Và sau đó, điều bất ngờ đã xảy ra: Lính ta vui bữa liên hoan ngọt/ Thơm má thằng con kêu chút chít/ Khi ngoảnh lại nhìn hai vợ chồng/ Họ đã biến đi đằng nào mất.
Không phải ngẫu nhiên mà làng Phú Thạnh được nhắc nhiều các tác phẩm của Thanh Quế. Đó là nơi ông được sinh ra với “dăm gốc bàng, một cây đa, nhiều đụn cát” (Làng Phú Thạnh quê tôi). Ngôi làng ấy gắn liền với bao trò chơi tuổi nhỏ “chơi trò đánh giặc” và “hát nghêu ngao”. Ở đó, có cô gái tên Loan vốn “sợ chuột”, xinh xắn, học giỏi, muốn được đi nhiều, biết nhiều (Bạn thuở nhỏ). Cho đến khi trưởng thành, Loan trở thành cán bộ, anh dũng lập được nhiều chiến công và không may mất chân phải bởi sự tàn khốc của chiến tranh. Và dù phải từ bỏ bao mơ ước thanh xuân, cô gái ấy vẫn xin làm việc ở một phòng bán vé để nhìn những chuyến đi xa, trở về và lấy đó làm hạnh phúc. Ở đó, có người mẹ tần tảo, cả đời hi sinh trong lặng lẽ, trong âm thầm. Ở đó, có dốc dì Tâm, gắn với câu chuyện về người con gái can trường, quên mình cứu sống đồng đội (Dốc dì Tâm).
Rõ ràng, sáng tác của Thanh Quế không rời ra hiện thực, không rời xa những kí ức và trải nghiệm của bản thân. Từ góc nhìn của một người nghệ sĩ - chiến sĩ, một người con của gia đình, của quê hương, ông khai thác những lát cắt của đời sống để đi đến khái quát hiện thực, khơi dậy những cảm xúc, yêu thương trong lòng người đọc.
Có thể thấy rằng, Liên Nam, Võ Hồng, Nguyễn Mỹ và Thanh Quế đã mang đến cho văn học Phú Yên những tiếng nói khác nhau của cá tính sáng tạo, độc đáo và đầy nội lực. Đó là tiếng nói về thời cuộc, về chiến tranh, về đời tư thế sự. Tuy vậy, họ đều gặp gỡ nhau ở việc hun đúc nên bản sắc văn chương của dải đất duyên hải Nam Trung Bộ xuyên suốt trong nửa thế kỉ. Qua đó, tâm hồn, tính cách, khát vọng của con người nơi đây in dấu rõ nét trong từng tác phẩm. Đó cũng là cách để văn học Phú Yên xác lập chỗ đứng của riêng mình trong tiến trình phát triển của văn học miền Trung nói riêng và văn học cả nước nói chung.
Nguyễn Thị Ái Thoa
------------
Bài viết cùng chuyên mục: