Diễn đàn lý luận

Vài kỷ niệm về cố nhà văn Nguyễn Tuân

Vũ Phạm Chánh
Chân dung văn học
14:00 | 10/08/2024
Baovannghe.vn - Trên đất nước này có bao nhiêu nhà văn, nhà thơ họ Nguyễn, nhưng nếu chỉ nói đến “Nguyễn” thì những người thích đọc nghĩ ngay đó là Nguyễn Tuân.
aa

Thì cũng như người dân Trung Quốc nói đến Lý, Đỗ vậy. Còn một điều lạ nữa là nhắc đến Nguyễn Tuân, người ta thường nghĩ đến những chi tiết trong cuộc sống đời thường của ông mà ta nhớ được qua những lần gặp gỡ với nhà văn, chứ chẳng ai nói đến văn ông, các tác phẩm của ông, vì hầu như có một mặc định là những ai đã yêu thích ông thì đều đã đọc hầu như tất cả những gì ông viết. Mà những cái ông đã viết, dù có đọc đến thuộc lòng rồi thì cũng không dễ gì tóm tắt mà kể lại. Văn của ông là thế. Nó cuốn người ta đọc hồi hộp dõi theo từng dòng chữ, từng con chữ để rồi thở phào nhẹ nhõm sau những phát hiện mới mẻ về ý tứ, về ngôn từ... và rồi không thể nhớ được mọi tình tiết, nhưng lại có cảm giác như mình vừa nhặt thêm được những đồng xu bằng vàng quý giá cho đời sống của mình...

Vài kỷ niệm về cố nhà văn Nguyễn Tuân
Nhà văn Nguyễn Tuân (1910 – 1987)

Tôi cũng không nhớ rõ là tôi đọc Nguyễn lần đầu là vào năm nào, tuổi nào? Chỉ nhớ mang máng là vào giữa những năm học trung học trong một ngôi trường sơ tán trên Việt Bắc thời kháng chiến chống Pháp, lũ học trò mười bốn mười lăm tuổi chúng tôi ngày đêm chúi mũi vào những cuốn sách kiếm hiệp, tiểu thuyết trinh thám hay sách của Tự lực văn đoàn, của văn thơ lãng mạn trước cách mạng... trước khi những cuốn sách này được tập trung đem đốt ở sân trường. Tự nhiên sau đó không biết ở đâu ra những bài tùy bút trong Vang bóng một thời lại xuất hiện trong cặp sách của lũ chúng tôi, chúng tôi lại truyền tay nhau đọc Chém treo ngành, Chữ người tử tù, Cái ấm đất, Chùa Đàn... và hàng chục tùy bút khác, trước khi các cuốn sách kháng chiến đến với chúng tôi, như Tùy bút Kháng chiến của Nguyễn Tuân, Thơ của Bút Chiến Đấu (Tú Mỡ), tiểu thuyết Xung kích của Nguyễn Đình Thi, truyện vừa Đôi mắt của Nam Cao, truyện ngắn Làng của Kim Lân, các bài thơ Phá đường, Bầm ơi, Cá nước của Tố Hữu, Đồng chí của Chính Hữu... Thế rồi những con chữ của Nguyễn Tuân cứ chập chờn bám theo tôi cho đến khi về Hà Nội tiếp quản...

Thế mà cơ hội đến, như một quà tặng trời cho. Đầu năm 1964, tôi ghi tên học một lớp Viết ký sự báo chí do Hội Nhà báo mở, ở lớp này người ta đã mời thêm các nhà văn chuyên nghiệp như Đào Vũ, Bùi Hiển và Nguyễn Tuân đến giảng bài như những hoạt động ngoại khóa. Lớp chỉ có hơn mười nhà báo trẻ của nhiều tờ báo ở Hà Nội ngày đó, hằng tối đến tụ tập tại một căn gác nhỏ của ngôi nhà số 65 trên đường Nguyễn Du... Nguyễn Tuân đến lớp, gây ấn tượng ngay với chúng tôi với cái vẻ ngoài hơi bạt mạng, chiếc mũi nhòm mồm, hàng ria mép cộng với đôi mắt nhỏ nheo nheo sau cặp kính lão trông thật hóm hỉnh và gần gũi. Thật sự không ai nghĩ ông đã ngoài năm mươi. Lũ chúng tôi chỉ bằng nửa tuổi ông, nhưng cứ tự nhiên gọi ông lúc là anh, lúc là bác, thân tình. Ông vào lớp đặt túi tài liệu lên bàn, gập người cúi chào chúng tôi thật thấp rồi ngẩng lên: “Xin phép cho tôi được điểm danh?” - đúng như một thầy giáo chính hiệu. Ông gọi tên từng người theo thứ tự trong sổ điểm danh mà Hội Nhà báo đã lập. Ngón tay ông dò theo từng dòng, rồi ông dừng lại ngước cặp kính lên gọi: “Vũ Phạm...” Tôi đứng lên dõng dạc: “Thưa... tôi có mặt!” Nguyễn hỏi: "Anh... người làng Đôn Thư?” - “Vâng, tôi quê Đôn Thư, Hà Đông...” - tôi ngạc nhiên ngập ngừng đôi chút, chờ đợi. “Thế thì... anh có họ hàng gì với Thám hoa Vũ Phạm Hàm?” - “Dạ, thưa tôi là cháu nội của ông Vũ.” Nguyễn hơi mỉm cười, hàng ria mép rung nhẹ, nét mặt giãn ra, rồi như đùa, như thật, ông phẩy tay nói: “Thế thì anh... về đi, không phải học nữa! Về, về!”

Mãi sau này có dịp cùng đi một chuyến công tác với ông, tôi tò mò hỏi lại Nguyễn: “Sao hồi đó bác lại đuổi tôi không cho học?” Nguyễn cười: “Thì anh là cháu nội Vũ Phạm Thám hoa có học hay không thì anh sẽ vẫn có thể viết được, nếu anh không viết được thì có học cũng bằng thừa... Mà sau đó anh có học không, tôi chỉ đến lớp ấy có một buổi nên không biết. Tôi cho ông biết là hồi đó, dù có bị ông “đuổi”, tôi vẫn học những giờ khác, học cho hết khóa và cũng nhờ đó mà tôi biết thêm được những kinh nghiệm thành công của những nhà báo, nhà văn tên tuổi. Và cũng nghĩ là Nguyễn đã dạy tôi một bài học đích đáng “Không chỉ dựa vào gien mà còn phải dựa vào sự dày công học hành”...

Dịp sau mà tôi được đi cùng với Nguyễn để nhắc lại chuyện cũ đó là vào cuối năm 1964. Khi đó ngành Giao thông tổ chức cho các nhà văn, nhà báo ngược sông Đà bằng tàu thủy, tôi được đi tháp tùng đoàn, gồm có Nguyễn Tuân, Văn Cao, Thành Thế Vỹ, Bùi Hạnh Cán, Bảo Định Giang, nhà nhiếp ảnh Nguyễn Chính. Sự kiện tàu thủy ngược sông Đà là sự kiện mới, sau gần hai năm phá thác dọn ghềnh đoạn từ Chợ Bờ lên đến phía trên Tạ Khoa vài chục cây số, để có thể khai thác đường thủy tuyến sông Đà, chở hàng lên cho đồng bào và các công trường Tây Bắc, đỡ đòn cho con đường quốc lộ số 6 gập ghềnh hiểm trở. Chuyến đi này là chuyến đi đầu tiên để “nghiệm thu” tuyến đường sông đã nạo vét chỉnh trị xong xuôi.

Gọi là tàu thủy, nhưng chiếc tàu chở đoàn hôm ấy chỉ là chiếc ca nô chở khách có máy 135 mã lực, với nhóm nhà văn nhà báo đi thực tế trên sông Đà, thì đã là thú vị lắm, vì từ trước các ông chỉ ngược Tây Bắc bằng đường bộ. Chạy được hơn một giờ thì đã đến gần bến phà Chợ Bờ. Thuyền trưởng Tuyết ghé bến yêu cầu đoàn khách lên bờ đi bộ, nghỉ ngơi, chờ anh cho tàu vượt Thác Bờ. Đây là một cái thác không cao lắm nhưng dài. Đội công trình đường sông đã phá hàng ngàn mét khối đá giữa lòng sông, hạ dốc, tạo luồng cho tàu kéo sà lan vài ba chục tấn có thể ngược được thác. Vì đây là chuyến đi nghiệm thu nên thuyền trưởng không muốn để đoàn khách ngồi trên tàu, để đảm bảo an toàn...

Vài kỷ niệm về cố nhà văn Nguyễn Tuân

Nhà văn Nguyễn Tuân (giữa) với họa sĩ Bùi Xuân Phái (trái) và nhạc sĩ Văn Cao (phải)

Chiều tối hôm đó chúng tôi ngủ tại bến Vạn Yên. Đây là một bản người Thái nhỏ ngay bên bến phà, còn thị trấn huyện lỵ Phù Yên thì ở cách đây những hơn mười ki-lô-mét. Trước khi rời tàu lên bờ, ông Bình Tâm, trưởng đoàn, dặn dò: “Tối nay các bác lên nghỉ nhà sàn Thái trên trấn Vạn Yên, các bác không phải mang theo đồ lề gì cả...” Nguyễn Tuân lùi lại sau tay túm lấy Văn Cao, liếc mắt nét mặt rất hóm hỉnh tủm tỉm nói nhỏ: “Này, họ bảo không phải mang đồ lễ gì lên cả, nhưng ông nhớ mang theo cái ấy... lên nhé... khiến Văn Cao đỏ cả mặt. Cái chất hóm ấy của Nguyễn đã theo ông suốt cuộc đời văn nghiệp, làm nên sự lung linh của những con chữ...

Lại nói đến sự sáng tạo chữ nghĩa của Nguyễn, cũng trong cái đêm hôm ngủ nhà sàn Thái với Nguyễn với các bác nhà văn nhà thơ, tôi rụt rè nói với ông: “...Trong Sông Đà của bác, em thấy có một chữ bác dùng rất lạ, rất hay, rất hình ảnh. Nhưng với cánh cầu đường lục lộ chúng em thì chữ ấy lại là một lời trách móc... “Chữ gì?” Nguyễn hỏi. “Đó là cái chữ hoa lốp ấy là bác nói về những hằn vết bánh xe, những vân lốp của ta-lông xe ô tô tải khi chạy trên mặt đường cấp phối mới tinh trên con đường quốc lộ số 6 hồi nào. Những hoa lốp trên đường đẹp quá phải không bác. Nhưng về kỹ thuật làm đường thì như vậy là chúng em mắc lỗi. Mặt đường cấp phối sau khi lu lèn đủ tiêu chuẩn xong phải được như mặt sân đất nện ở quê ta. Nếu xe đi qua mà để lại vết là coi như chưa đạt yêu cầu... Nguyễn Tuân cười xòa, nói: “Thì ra mấy cái anh lục lộ này cũng lắm chuyện thật! Thể sau khi đọc bài ấy, cấp trên của anh có kiểm điểm anh không? Không hả, thế là hoa lốp vẫn cứ là hoa lốp trên đường, đẹp thật đấy chứ, phải không? Vì có hoa lốp chứng tỏ con đường làm xong đã có xe đi, nếu chẳng có xe đi thì đường còn ý nghĩa gì?”

Sáng hôm sau ngủ dậy, ông kéo tôi ra trạm bưu điện Vạn Yên. Sau khi cúi đầu vào ghi-sê chào cô nhân viên bưu điện, Nguyễn thò tay vào trong chiếc túi vải lấy ra một cuốn sổ, mở ra trang mới rồi trịnh trọng nói: “Nhờ đồng chí đóng cho tôi một cái dấu tròn của Trạm Vạn Yên ngày hôm nay, cái con dấu mà vẫn đóng trên thư bưu chính ấy, và đồng chí ghi tên họ đồng chí bên dưới, chả là để cho tôi làm kỷ niệm mình đã đến Vạn Yên thôi mà!” Nguyễn để đất Vạn Yên in dấu lên cuốn sổ của ông, và ngược lại ông cũng in dấu một nhà văn lớn lên ký ức một cô gái bưu điện trẻ trung ở một vùng đất hẻo lánh giữa núi rừng Sơn La xa lắc.

Chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ trên miền bắc, tôi ít được gặp ông. Ông mải mê đi và viết, có thể ông đã đi tới mọi nơi đang có tiếng súng đánh trả máy bay giặc, bảo vệ đồng bào. Rồi tôi được đọc đều đều Sông tuyến, Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi... Rồi ông đi họp hội nghị hòa bình thế giới ở Helsinki. Chẳng biết ông viết Phở hồi nào, mà tôi lại đọc bài ấy đúng vào cái lúc hội nghị Helsinki đang họp. Thế rồi ông về Hà Nội. Tôi lại có dịp gặp ông đúng ngày 21-12-1972, khi máy bay Mỹ đánh bom ga Hà Nội. Vừa dứt tiếng bom, ông đã có mặt ngay ở ngã ba đường Phan Bội Châu - Trần Hưng Đạo. Ông đứng như trời trồng giữa đường, chiếc mũ lá cầm tay, nhìn về nhà ga chỉ còn là một đống gạch vụn. Phải mất đến vài mươi phút như thế, ông mới chầm chậm quay về căn gác nhỏ trong ngõ Vạn Kiếp, ngồi lỳ trong nhà. Rồi ít ngày sau đó, ông lại leo lên con tuấn mã - chiếc xe đạp Sterling đàn ông, ghi đông ca-rê, và chiếc túi vải bạt, đạp hối hả về phía Tây. Gặp ông trên đoạn đê La Thành, ông dừng xe, một chân chống xuống đất gật đầu ra hiệu đáp lại cái chào của tôi rồi ghé tai tôi nói nhỏ: “Tôi lại đi anh ạ!” Vâng ông lại đi, như ông đã từng xê dịch suốt hơn nửa thế kỷ nay rồi... Tôi biết ông lại đến một chỗ nào đó không định trước và để lại những dấu ấn với những con người bình thường ở mỗi góc đất của Tổ quốc mình...

Nhìn ông cắm cúi đạp xe với cái lưng hơi gù gù tôi chạnh lòng cảm phục. Đạn bom thời chiến, rồi rủi ro cạm bẫy của con người có động tới được cái khối đá quý là ông, nhà văn vô cùng yêu quý của chúng tôi? Rồi đây ông sẽ trở về con ngõ nhỏ, ông lại tự mình đẽo ra từng vẩy đá lấp lánh là những con chữ để trịnh trọng bày lên trang giấy cho chúng ta thưởng thức và góp nhặt, làm giàu...

Nhớ có lần liều đến nhà thăm ông, vào đến phòng, liếc mắt lên bàn của ông có đến hai cuốn sổ giấy khổ rộng gấp đôi giấy tập học trò, một tập ông để “Tôi Đọc” còn cuốn kia “Tôi Viết”. Không dám hỏi, chỉ nghĩ “Cái mỏ quặng đá quý trong đầu ông bao giờ mới khai thác hết?”... Nhìn ông ngồi rung đùi đọc báo một cách ung dung không vội vàng, lại nhớ một hôm tôi từ tòa soạn bất ngờ lững thững ra Thủy Tạ uống bia hơi (lúc đó bên ngoài nhà Thủy Tạ có một quầy bia hơi bán kèm lạc rang) chợt từ xa đã thấy bóng Nguyễn ngồi một mình một cốc bia và đĩa lạc. Vừa sán đến chào ông, và một câu hỏi tự nhiên bật ra: “Bác có khỏe không ạ?” Ông nghiêm nét mặt, hỏi ngay lại: “Không khỏe mà tôi lại chịu được đòn từ sáng tới giờ à?” - Tôi ngớ ra không hiểu, lẳng lặng lấy một cốc bia ngồi xuống bên ông, chẳng dám hỏi câu gì nữa. Mãi sau này mới biết, hôm đó ông phải trần tình trước sự phê phán thiên tùy bút Tình Rừng của mình. Ông bực mình thật sự vì sao mà họ nghĩ hẹp như thế? Sao họ không hiểu được tấm lòng nhân ái mênh mông của ông? Bây giờ cứ mỗi lần thấy cảnh rừng bị tàn phá, lũ lụt hủy hoại bao tài sản và cuộc sống của người nông dân nghèo khổ, tôi lại cứ nghĩ đến Nguyễn với Tình Rừng.

Nhờ quen biết Nguyễn mà tôi mới biết thêm nhiều văn nghệ sĩ khác và hiểu tình bạn trong sáng công bằng và không vụ lợi của các ông. Họa sĩ Lê Chính là họa sĩ trình bày báo Văn Nghệ một thời, vợ chồng họa sĩ ở trong một căn phòng của chung cư 96 phố Huế, nơi ở của nhiều văn nghệ sĩ trước đây, như Lưu Quang Thuận, Phan Thanh Nam, Ngô Huỳnh... Có khoảng dăm ba người hay đến chơi và là bạn thân của ông Chính. Đó là Văn Cao, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tuân, Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Sĩ Ngọc... Các ông chơi với nhau như cách của những người bạn rượu, vì thế không mấy khi họ có mặt được cùng một lúc. Lúc người này, khi người khác. Nguyễn thường đến một mình và không hay ngồi lâu, dù lúc nào ông đến cũng mang theo một bi-đông Trung Quốc hai lít rượu gạo. Câu đầu tiên Nguyễn hỏi ông Chính cũng là: “Vua độ này thế nào?” ấy là Nguyễn hỏi thăm về Văn Cao. Ông Chính giải thích: Nguyễn Tuân vẫn thường gọi Văn Cao như thế. Chẳng ai dám hỏi Nguyễn là do căn cớ gì? Hôm tình cờ gặp Nguyễn Tuân ở nhà Lê Chính, cũng đã lâu lắm, Nguyễn đã dành cho tôi một đặc ân là nhận xét về tôi. Nguyễn nói với Lê Chính: “Cái anh này - ông hất hàm chỉ tôi - được đấy. Anh có nhớ cái truyện ngắn mà anh trình bày cái tít đẹp mê hồn trên báo, truyện Đêm trăng rằm không? Truyện cũ rích về tình yêu, nhưng cách viết của hắn thì đáng nể, chẳng có tên của anh của ả mà chi tiết tâm tình thì ngồn ngộn, nhất là viết như thế thì chẳng thể kể lại được. Đúng không?” Thì ra ông nhà văn lớn Nguyễn Tuân cũng đọc cả cái truyện ngắn đầu tay của tôi đăng trên báo Văn Nghệ hồi 1962, đọc và nhớ. Thật là một bộ óc đồ sộ. Như trên tôi đã nói, bộ óc của ông giống như một khối đá quý có mật độ vô cùng đậm đặc.

Nguyễn Tuân mất đến nay đã được hơn hai mươi năm rồi, nhưng những kỷ niệm về ông trong tôi lúc nào cũng long lanh như những con chữ của ông trong những thiên tùy bút có một không hai của nền văn học nước nhà.

Vũ Phạm Chánh | Báo Văn nghệ

--------------

Bài viết cùng chuyên mục:

Ngô Tất Tố - Cây cầu nối báo chí với văn chương Nhà văn Đại tá Quân đội Phạm Quang Đẩu "Lời tự bạch đẹp đẽ" Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm "Mà thơ là nợ, mà tình là đau" Bế Kiến Quốc: Bài thơ đáng viết nhất vẫn đang còn phía trước Nhà thơ Trinh Đường: Nhập thân vào đất nước để nhập thần vào thơ
Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Baovannghe.vn - Đọc truyện: Hà Phương; Đồ họa: Thùy Dương
Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Baovannghe.vn - Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 98/CĐ-TTg ngày 18/9/2024 chỉ đạo tập trung ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ.
Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Trong số các nhà văn nữ Việt Nam đương đại, nhà văn Vũ Thanh Lịch, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình, là cây bút văn xuôi có nội lực sung mãn. Chị là tác giả của nhiều truyện ngắn hay, ghi dấu trong lòng bạn đọc mà “Nhà Thánh” - giải nhất Cuộc thi truyện ngắn Lửa mới 2018-2019 do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức là một minh chứng tiêu biểu.
Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Baovannghe.vn - Bà ngoại chỉ nói: "Đừng thúc ép gì nhiều. Phải tội. Đời người bạc, phận mỏng, biết sao được số trời. Mày làm thế không sợ chuốc khổ cho con bé".
Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4  trên khu vực trung Lào

Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4 trên khu vực trung Lào

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, sáng sớm nay (19/9), áp thấp nhiệt đới trên khu vực phía Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa đã mạnh lên thành bão - cơn bão số 4 năm 2024.