Chuyên đề

Cầu Long Biên – dải đăng ten thép giá 6 triệu phơ-răng

Hoàng Hằng - Minh Phúc (Dịch và tổng hợp)
Tư liệu
11:00 | 04/10/2024
Baovannghe.vn - Sau 3 năm thi công (1898-1902) dưới sự chỉ đạo của Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer, một dải đăng ten bằng thép đã nối liền hai bờ sông Hồng và nối thủ đô Hà Nội với thành phố biển Hải Phòng.
aa

Đội ngũ công nhân, trong đó đa số là người Việt Nam, đã có những đóng góp đáng kể trong quá trình xây dựng cây cầu lớn nhất vùng Viễn Đông đầu thế kỷ XX.

Cầu Long Biên – dải đăng ten thép giá 6 triệu phơ-răng
Cầu Doumer, trong album Dieulefils, vào khoảng năm 1910

Chuyến vượt sông năm 1897 và quyết tâm xây cầu của Toàn quyền Doumer

Là người sáng lập ra Liên bang Đông Dương, Paul Doumer sớm nhận thấy sự cần thiết của việc thiết lập hệ thống giao thông đường bộ, đường sông và đường biển.

Năm 1897, sau nhiều giờ di chuyển trên sông Hồng với tốc độ chậm chạp, cuối cùng Paul Doumer cũng đã đến nơi, ngài Toàn quyền cảm thấy vô cùng mệt mỏi. Để vào đất liền qua một cây cầu lung lay, trước hết Paul Doumer phải đi trên một "bãi cát" - hòn đảo dài và thấp, lắng xuống bởi dòng nước. Ngay lúc ấy, ông hỏi: “Cây cầu này được làm từ khi nào vậy? Cách đây chừng 6 tháng… Đó chỉ là cầu tạm thôi.. Hai tháng nữa, nó sẽ bị dòng nước dâng cao cuốn đi mất thôi. Ta không thể dựng một cây cầu vững chắc, bền lâu được ư? Bãi cát cần có một cây cầu nhưng chính nó lại không tồn tại được lâu; một ngày nào đó con sông cũng sẽ cuốn trôi nó đi...”

Rộng như một eo biển, sâu chừng 30m vào mùa mưa, di chuyển theo ý muốn của nó, lôi tuột các con đê và cuốn trôi làng mạc, con sông Hồng dường như không thể chế ngự nổi. Nó mang theo cuộc sống bằng việc làm cho đất đai trở nên màu mỡ và mang theo cả cái chết do tràn bờ. Đối với con sông này, người Việt Nam có tình cảm hai chiều: lòng biết ơn và nỗi sợ hãi. Paul Doumer ngay lập tức đã nhận ra thách thức ở đây và thấy rằng phải nhờ vào kỹ thuật, sức mạnh của công cuộc khai thác thuộc địa trước tiên là phải chế ngự được thiên nhiên.

Vào thời điểm đó, các kỹ sư đã thiết kế tuyến đường sắt từ Lạng Sơn tới Hà Nội, họ định dừng đoạn đường sắt bên bờ trái của con sông ở Gia Lâm và người ta đi qua đây bằng một chiếc phà. Vì vậy, Toàn quyền Paul Doumer đã phải thuyết phục những người tài năng trước khi mở phiên đấu thầu công trình xây dựng cầu tại Hà Nội.

Cầu Long Biên – dải đăng ten thép giá 6 triệu phơ-răng
Cầu Long Biên vào khoảng những năm 1950, nguồn: TTLTQG1

Ba năm cho một "dải đăng ten thép" giá 6 triệu phơ-răng

Tại phiên đấu thầu diễn ra vào năm 1897, có mặt các nhà thầu xây dựng chủ chốt của Pháp. Đồ án của nhà thầu Daydé&Pillé, ở Creil (thành phố Oise) đã được lựa chọn. Viên đá đầu tiên được đặt trong lễ khởi công công trình bắt đầu vào mùa khô - tháng 9/1898.

Chiều dài của cây cầu, tính từ giữa hai mố cầu ở hai bên bờ sông, là 1.680m. Cây cầu gồm 19 nhịp vững chắc được tạo nên từ những dầm thép kiểu dầm chìa. Hai mươi trụ chống được xây, tất cả mố cầu và cột trụ có chân trụ chôn sâu 30m xuống nền đất cứng tính từ mực nước thấp nhất của sông Hồng, và cao hơn mực nước này 13.5m. Như vậy tổng chiều cao của các mố và trụ là 43.5m. Phần giữa cầu dọc theo các sườn chính dành cho đường sắt, phần đường bộ là phần nhô ra hai bên. Trên bờ hữu ngạn, phía trong thành phố Hà Nội, cây cầu được nối dài bằng cầu cạn xây bằng gạch, dài hơn 800m, do đó, công trình có tổng chiều dài là hơn 2.5km.

Đây là một trong những cây cầu lớn nhất thế giới, một công trình vĩ đại và đáng chú ý nhất được thi công ở Viễn Đông.

Đó là tác phẩm của các kỹ sư, đốc công và thợ cả Pháp cùng nhân công An Nam. Công trình này vinh danh tất cả họ. Thật vậy, các công nhân châu Á, An Nam với sự hỗ trợ của một số người Hoa đã xây nên các mố, trụ cầu để một cây cầu bằng thép được dựng lên. Tất cả các cột trụ bằng đá, mố ở hai bên bờ và trụ ở các vị trí khác nhau trên mặt sông, móng cầu được những người thợ làm nên trong điều kiện phải dùng thùng ketxon[i], dưới độ sâu trung bình 32m tính từ mực nước thấp nhất vào mùa khô, là phần công trình mà việc thi công rất gian nan, chưa từng có tiền lệ tại một nơi như Bắc Kỳ, vốn có khí hậu vô cùng khắc nghiệt và thời tiết liên tục thay đổi.

Khi Paul Doumer đặt viên đá đầu tiên cho cây cầu tại Hà Nội vào tháng 9/1898, mố cầu phía tả ngạn - mà viên đá này là thành phần - xếp thẳng hàng với một dãy cọc dài trên cắm cờ đánh dấu các vị trí xây trụ.

Trong số những khách mời có mặt tại buổi lễ, rất nhiều người tỏ ra hoài nghi, đặc biệt là dân bản xứ.

Vài tháng sau, khi các trụ cầu nhô khỏi mặt nước và việc lắp ghép khung sắt bắt đầu được tiến hành, các quan lại mới chịu thừa nhận. Họ nói: “Thật là kinh khủng. Đúng là người Pháp muốn gì được nấy”.

Những công nhân An Nam nhỏ bé đã làm việc rất can đảm mà không sợ hãi, không phản đối. Họ tự hào về việc họ làm, và được những người xung quanh ngưỡng mộ xen lẫn ganh tỵ vì lương cao. Ngoài ra, quá trình thi công được tổ chức và điều hành hết sức sát sao, nhà thầu đã biết cách chăm lo đội ngũ công nhân và gắn bó với họ. Các kíp thợ chỉ làm việc 4 tiếng một ca trong bầu không khí nén. Sau đó họ được đưa lên cạn để kíp khác xuống thay. Khi lên cạn, họ được đưa vào lều nghỉ ngơi, được uống thuốc bổ, xoa bóp và có bác sĩ đến thăm khám sức khỏe nếu cần. Cách đối xử nhân ái này đã khiến danh tiếng các công trường vang xa, người đến xin làm việc tại đó ngày càng nhiều.

Việc xây dựng cầu tại Hà Nội được tiến hành bằng các phương tiện hiện đại và những nỗ lực liên tục được ghi nhận. Các trụ cầu hoàn thành đến đâu, các dầm thép được chuyển từ Pháp về kịp thời đến đấy và việc lắp ráp lập tức được triển khai.

Sau ba năm khởi công, cây cầu đồ sộ đã hoàn tất. Nhìn gần, bộ khung rầm bằng thép thật vô cùng ấn tượng. Chiều dài của cây cầu tưởng như vô tận. Nhưng khi chiêm ngưỡng cây cầu từ dưới dòng sông, nó chỉ tựa như một tấm lưới mắt cáo thanh thoát, một dải đăng ten vắt ngang bầu trời. Dải đăng ten bằng thép ấy đã tiêu tốn 6 triệu phơ răng.

Trong cuốn “Xứ Đông Dương” (Hồi ký), Paul Doumer đã viết: “Việc xây dựng cây cầu tại Hà Nội mang tên tôi, đã tạo dấu ấn quyết định lên trí tưởng tượng của người bản xứ. Các quy trình kỹ thuật và sáng tạo được sử dụng vào công trình này cũng như kết quả thu được đã giúp họ ý thức được về khả năng tuyệt vời của nền văn minh Pháp. Năng lực khoa học, sức mạnh công nghiệp của chúng ta đã chinh phục được tinh thần của một dân tộc thay vì trước đây chúng ta quy phục họ bằng vũ lực.

Tôi đã khánh thành cây cầu vào tháng 2 năm 1902, cùng lúc với tuyến đầu tiên của hệ thống đường sắt Đông Dương. Cũng từ đây, tuyến đường sắt Hải Phòng-Hà Nội nối thủ đô với biển đã được đưa vào khai thác. Chuyến tàu đầu tiên đã đi vòng qua thành phố, qua cầu và vượt hơn 100km đường sắt để chính thức khai trương tuyến đường và đưa tôi một quãng trên đường quay về nước Pháp sau khi hoàn tất sứ mệnh của mình tại Đông Dương”.

Cầu Long Biên – dải đăng ten thép giá 6 triệu phơ-răng
Cầu Long Biên hiện nay

Đến nay, cùng với sự phát triển của đất nước, Hà Nội đã có thêm nhiều cây cầu lớn bắc qua sông Hồng. Tuy không còn giữ vai trò huyết mạch nhưng cầu Long Biên vẫn là cây cầu gắn liền với ký ức của nhiều người dân như một chứng nhân lịch sử. Sau 120 năm tồn tại, cây cầu đã trở thành biểu tượng văn hóa, lịch sử của thủ đô ngàn năm văn hiến.

Tài liệu tham khảo:

- Việt Nam qua kiến trúc thuộc địa, Arnauld Le Brusq, 1999

- Xứ Đông Dương (Hồi ký), Paul Doumer, 1905

- http://belleindochine.free.fr/hanoiPontDoumer.htm


[i] Còn gọi là giếng chìm hơi ép để làm việc dưới nước.

Hoàng Hằng - Minh Phúc (Dịch và tổng hợp)

Nguồn: archives.org.vn

------------

Bài viết cùng chuyên mục:

Cầu Long Biên, mối tình đầu của người Hà Nội Triển lãm “Cầu Long Biên - Nhân chứng lịch sử” Những hình ảnh về tiếp quản Hà Nội 10/10/1954 Khai mạc Festival Thu Hà Nội 2024 Từng có một con phố mang tên VICTOR HUGO ở Hà Nội
Nguyễn Đình Thi - Thơ Nguyên Hùng

Nguyễn Đình Thi - Thơ Nguyên Hùng

Baovannghe.vn- Sinh ở Lào nhưng là người Hà Nội/ Một nghệ sĩ hào hoa sắc sảo đa tài
Triển lãm nghệ thuật "Sắc màu bừng nở"

Triển lãm nghệ thuật "Sắc màu bừng nở"

Baovannghe.vn - Từ ngày 23/11 đến ngày 15/12/2024, tại Nguyen Art Gallery (Hà Nội), sẽ diễn ra triển lãm tranh màu nước Colors in Bloom - Sắc màu bừng nở của nhóm 6 họa sĩ trẻ.
Yêu người cây mở đất - Thơ Chung Tiến Lực

Yêu người cây mở đất - Thơ Chung Tiến Lực

Baovannghe.vn- Như những mũi lao cắm vào vùng ngập mặn/ Mầm sống gieo trên sóng nước hoang sơ
Nên bị gai đâm - Tản văn của Chu Văn Sơn

Nên bị gai đâm - Tản văn của Chu Văn Sơn

Baovannghe.vn - Và ta cứ yên trí đi qua thế giới này với bước chân quen xéo lên cỏ hoa. Thỉnh thoảng bàn chân nên bị gai đâm, để ta được giật mình: Tổn thương là rỉ máu.
Trịnh Hoài Đức - Nhà thơ, nhà viết kịch tài hoa

Trịnh Hoài Đức - Nhà thơ, nhà viết kịch tài hoa

Baovannghe.vn - Kịch Trịnh Hoài Đức ngoài chất hài ý nhị, sâu cay, cười ra nước mắt còn bao hàm cả triết lý sâu sắc về thế giới quan, nhân sinh quan... Thơ của ông như gieo vào lòng người cái tình sâu lắng, ngôn ngữ giản dị mà nhân văn đa nghĩa đầy tính bác học...