Diễn đàn lý luận

Từ thung lũng Khe Cò đến câu chuyện về một ông vua lốp

Ngô Xuân Hội
Chân dung văn học
06:00 | 13/10/2024
Baovannghe.vn - Trần Huy Quang quan niệm, văn chương muốn thuyết phục người đọc, trước hết phải đẹp, lời văn phải trong sáng. Ngôn ngữ văn chương là ngôn ngữ thứ phát được sáng tạo.
aa

Nhà văn Trần Huy Quang, sinh ngày 9 tháng 11 năm 1943. Quê quán: xã Quỳnh Minh, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Dân tộc Kinh. Vào Hội Nhà văn Việt Nam năm 1988.

QUÁ TRÌNH HỌC TẬP, CÔNG TÁC, SÁNG TÁC: Tốt nghiệp Phổ thông năm 1963, gia nhập QĐND Việt Nam năm 1964. Ở bộ đội 8 năm (1964 – 1972), làm lính pháo binh, có lúc phụ trách TNXP, rồi dạy văn hóa trong quân đội. Năm 1977, tốt nghiệp khoa Sử trường đại học Tổng hợp Hà Nội; làm phóng viên báo Độc Lập; từ năm 1987 làm biên tập văn xuôi tuần báo Văn nghệ. Nghỉ hưu năm 2008.

TÁC PHẨM CHÍNH ĐÃ XUẤT BẢN: Chiếc áo màu lửa (truyện ngắn, in chung năm 1970); Sự trắc trở đã qua (truyện ngắn, 1984); Ngày mai (tiểu thuyết, 1985); Ngọn khói (tiểu thuyết, 1985); Người làm chứng (truyện & ký, 1988); Nước mắt đỏ (tiểu thuyết, 1988); Mối tình hoang dã (tiểu thuyết, 1990); Chị dâu (tiểu thuyết, 1994); Khúc hoàn lương (tiểu thuyết, 1995); Trần Huy Quang – phóng sự (1995, 2019); Nước mắt đỏ & những chuyện khác (2005); Chân trời xa thẳm (tiểu thuyết, 2008), Thánh ca Truông Bồn - tập kí 2011…

GIẢI THƯỞNG VĂN HỌC: Giải Nhì cuộc thi truyện ngắn tạp chí Văn nghệ quân đội với truyện ngắn Khe cò (1980); Giải Nhất cuộc thi bút ký do báo Văn nghệ và Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức, với bút ký Câu chuyện về một ông vua lốp (1986); Giải thưởng báo chí Hội Nhà báo Việt Nam với bài ký Lời khai của một bị can (1987); Tặng thưởng Hội Nhà văn Việt Nam với tiểu thuyết Những cô gái Đồng Lộc (1998); Giải Nhì bút ký tạp chí Nhà văn, bài Người lái thuyền trên hồ Vực Mấu (2008), Giải nhì Cuộc vân động viết về Thương binh Liệt sĩ do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức, với tập kí Thánh ca Truông Bồn (2016)…

Năm 1971, sau những chặng dài quần nhau với địch nơi tuyến đầu Khu 4, đại đội pháo mặt đất của Trần Huy Quang được lệnh rút ra đóng quân trong một cái làng nhỏ nằm cạnh sông Ngàn Phố, thuộc Khe Cò, Hương Sơn, Hà Tĩnh. Quân với dân như cá với nước. Tại Khe Cò, anh lính Trần Huy Quang được bố trí ở nhà thầy giáo Lê Ân, Hiệu trưởng trường cấp 1 (trường làng). Thầy giáo Ân có một mảnh ruộng rộng chừng gần sào, trồng mía, dứa (thơm) và một số hoa màu khác. Đất ven sông tơi, xốp, thoát nước dễ dàng, rất hợp với mía. Thầy giáo quý nó lắm, đi đâu thì chớ về nhà lại lăn lưng ra làm. Mía thầy trồng là một thứ mía tím, mập, giòn, thân cao, lá xanh ngắt, trông rất đã. Hàng năm, quãng tháng 10, tháng 11 ta là mùa thu hoạch. Thầy giáo lại cùng vợ con chặt mía bó thành từng vác đem ra chợ bán, kiếm tiền. Một hôm, Trần Huy Quang theo thầy ra ruộng bóc bẹ. Trong lúc anh đang tha thẩn ngắm trời mây non nước, ngoảnh lại đã thấy thầy vác một vác mía chui từ trong ruộng ra thảy trước mặt anh, bảo:

“Ăn đi con. Năm sau nhà không trồng nữa đâu”

“Sao vậy thầy?” – Quang hỏi chiếu lệ.

Không trả lời anh, thầy giáo cầm dao róc mía, mặt trầm ngâm. Chợt cô Thảo, con gái ông nãy giờ lụi cụi chặt, bó mía nói dỗi:

“Có ai cho nữa đâu mà trồng!”

Ngạc nhiên, Trần Huy Quang tìm hiểu mới hay đất trồng mía là đất thầy Lê Ân khai hoang. Nhưng mía ông trồng rồi đem đi chợ bán, bỏ túi mình là sản xuất cá thể, vi phạm đường lối tập thể hóa nông nghiệp của Đảng, vì thế hợp tác xã quyết định tịch thu. “Ruộng rẫy là chiến trường, cuốc cày là vũ khí, nhà nông là chiến sĩ…”(1) Chiến trường không còn, vũ khí xếp xó, thầy giáo – chiến sĩ Lê Ân nhanh chóng trở thành “liệt sĩ”. Hàng ngày, ngoài giờ lên lớp dạy học, thầy ngồi không chơi thú lẩy Kiều, chẳng hiểu sao hôm nào cũng bắt đầu bằng: Xảy nghe thế giặc đã tan/ Sóng êm Phúc Kiến, lửa tàn Chiết Giang… Quang ngắm ông, thấy giống đúc cha mình. Cha anh cũng hay lẩy Kiều, nhưng thường bắt đầu bằng Trăm năm trong cõi người ta… chứ không nửa chừng nửa đoạn như thầy giáo. An ủi gia chủ, một lần anh stop ông lại, nối lời: Thôi thì ông nhé, nghe Quang/ Chuyên tâm gieo chữ, đàng hoàng kiếm cơm/ Ham chi trồng mía, trồng thơm/ Cho người cấm cản, cho nơm nớp lòng. Ông giáo nhìn anh cười, phục lăn. Ông hoàn toàn không ngờ người lính pháo trước mặt mình là tân khoa Trạng nguyên Văn của tạp chí Sông La năm ấy (tân khoa Thơ là Nguyễn Trọng Tạo). Tác giả của nhiều truyện ngắn, bút ký như Trận địa, Đồng đội, Anh Hộ, Như cánh hoa rừng, Chiếc áo màu lửa, Pháo dân quân… in từ những năm 1967, 1968 trên tạp chí Văn nghệ Quân đội và báo Văn Nghệ, Hội Nhà văn Việt Nam mà ông từng đọc. Có lẽ do quá mải mê với trường lớp và công việc đồng áng mà ông quên? Thửa ruộng sau đó Hợp tác xã không phân cho ai, cũng không trồng cấy gì, chỉ một thời gian sau cỏ mọc ngút ngàn. Đứng trước sự vô lý nhỡn tiền, Trần Huy Quang day dứt tự hỏi: “Một chế độ lấy triệt tiêu sản xuất làm chủ trương thì đấy là chế độ gì?”.

Tám năm sau. Năm 1978, anh lính pháo xưa đã trở thành phóng viên báo Độc Lập. Công việc làm báo đưa anh đi nhiều nơi, gặp nhiều người, câu tự vấn ẩm ương vẫn cứ neo trong đầu. Năm 1985, một hôm từ Tòa soạn nằm trên đường Lý Thường Kiệt, Trần Huy Quang cuốc bộ sang Viện Kiểm sát nhân dân tối cao bên kia phố lấy tài liệu viết bài, ông đã chứng kiến một cảnh tượng hết sức đau lòng. Là có hai vợ chồng già, đầu đội đơn quỳ trước cổng Viện chờ kêu oan. Cảnh ấy diễn ra gần nửa tiếng đồng hồ, bảo vệ Viện thấy chướng, chạy ra dẹp. Hai công dân Thủ đô nước Việt đành phải rời đi. Hình ảnh ấy làm nhức nhối tim Quang, trái tim ốm yếu và dễ bị tổn thương của người lính. Anh than thở với các đồng nghiệp. Vũ Từ Trang, phóng viên báo Tiểu - Thủ công nghiệp nghe xong nói ngay:

“Đấy là vợ chồng ông Nguyễn Văn Chẩn, một tiểu chủ bị oan sai. Tôi biết ông bà này. Ông có muốn viết về họ, ngày mai tôi đưa tới”

Từ thung lũng Khe Cò đến câu chuyện về một ông vua lốp
Nhà văn Trần Huy Quang (1943 - 2022)

Trần Huy Quang đồng ý. Y hẹn, hôm sau Trang dẫn ông Chẩn tới phòng làm việc của Trần Huy Quang ở báo Độc lập. Khách quãng sáu mươi tuổi, nói giọng Thanh Hóa, tóc đen, người rắn chắc, đôi bàn tay quen làm lụng đặt trên hai đầu gối trông khỏe mạnh, chỉ ánh nhìn là có vẻ mệt mỏi… Sau những xã giao ban đầu, hai người đi vào công việc. Quang hỏi ông về gia cảnh, về những lá đơn kêu cứu, về nghề làm lốp xe, về những nhà cửa, tài sản bị tịch thu, về những tháng năm tù ngục, về những gì mà anh chợt nhớ trong đầu… Xét bản chất vấn đề, câu chuyện của ông Chẩn không khác gì câu chuyện của thầy giáo Lê Ân ở thung lũng Khe Cò mười lăm năm trước, vẫn là triệt tiêu sản xuất, nhưng nó sắt đá hơn, mất nhân tính hơn rất nhiều. Ông Chẩn trả lời gọn ghẽ những thắc mắc của nhà báo. Đây không phải là lần đầu tiên ông được nhà báo hỏi chuyện, vả chăng nhà báo chẳng đao to búa lớn gì, chỉ hỏi những chuyện về cuộc đời ông, một cuộc đời mà ông đã đi mòn cửa công để mong được kể cho người nghe. Tuy nhiên, hy vọng gì từ ông nhà báo đang lục vấn mình này thì Chẩn phấp phỏng lắm, ông chỉ biết kể hết những sự việc, những oan khuất mà mình đã trải, còn thì tùy trời. Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên mà.

Sau vài lần gặp gỡ chuyện trò, thấy bột đã đủ, Trần Huy Quang đóng cửa gột hồ. Anh viết rất nhanh, chỉ một đêm là xong. Bài viết có tên Tất cả cho sản xuất hay câu chuyện về một ông "vua lốp". Ăn cây nào rào cây ấy, sáng hôm sau anh đưa bản thảo cho báo nhà. Đọc xong, nhà thơ Ngô Quân Miện Phó Tổng biên tập báo trả lại tác giả, kèm theo lời nhận xét: “Bài viết hay, vấn đề thiết thực, nhưng Độc lập là một tờ báo yếu, xuất hiện ở đây hơi uổng. Cậu nên đưa nó cho một tờ báo lớn, biết đâu nên chuyện!...”. Biết đàn anh nói thực lòng, Trần Huy Quang vui vẻ cầm lại bản thảo.

Gửi báo nào đây? Mạnh vô địch có báo Nhân dân, nhưng Nhân dân ông Chẩn đã đến gõ cửa mà không có kết quả gì. Các báo Tiền phong, Quân đội, Lao động… không biết thế nào? Cũng may, sang năm sau - năm 1986 văn đàn có cuộc thi ký do Tuần báo Văn nghệ và Đài Tiếng nói Việt Nam phối hợp tổ chức, Trần Huy Quang quyết định gửi bài tham gia. Do có chút khúc mắc với một biên tập báo Văn nghệ và vấn đề này rất nhạy cảm, anh kí bút danh khác. Chừng hai tuần sau bút ký được in, tên bài viết được nhà văn Ngô Ngọc Bội, Trưởng ban Văn báo Văn nghệ biên tập cắt vế đầu, còn lại là Câu chuyện về một ông vua lốp. Lúc ấy là đầu năm 1987.

Giống như tiếng sấm nổ giữa trời quang, ngay lập tức Câu chuyện về một ông vua lốp đã gây nên một hiệu ứng xã hội tích cực. Người đọc kháo nhau, chuyền tay nhau, đổ xô nhau đi tìm. Tiara báo 10 vạn bản, bán hết veo. Kết quả cuộc thi, cùng với Ký ức đồng chiêm của Trần Hữu Thung, Gặp lại anh hùng Núp của Thao Trường, Câu chuyện về một ông vua lốp được trao giải Nhất. Nhưng nói như nhà văn Ngô Ngọc Bội, Trưởng ban văn báo Văn nghệ: “Cuộc thi này mà không có Câu chuyện về một ông vua lốp thì coi như thất bại.” Ấy là vì tác giả đã đụng chạm đến những vấn đề thiết cốt nhất của đời sống xã hội lúc ấy. Trong vai người dẫn chuyện, anh vòng vo Tam quốc đưa người đọc thâm nhập chợ trời Hòa Bình, đầu phố Huế, Hà Nội. Sau nữa là đi gặp anh Kết, anh Đoàn nào đó và cuối cùng gặp ông Nguyễn Văn Chẩn, nhân vật chính, đại diện cho những tiểu chủ làm nên nguồn sinh lực của chợ trời. Rồi cũng như truyện Tam quốc của Trung Quốc xưa, vòng vo mà hay, mà nên kiệt tác. Ấy bởi cuộc đời ba chìm bảy nổi của vua lốp được tác giả chuyển tải trên nền tảng một tác phẩm giàu tính văn học, thể hiện tính nhân văn sâu sắc.

Trần Huy Quang quan niệm, văn chương muốn thuyết phục người đọc, trước hết phải đẹp, lời văn phải trong sáng. Ngôn ngữ văn chương là ngôn ngữ thứ phát được sáng tạo, chọn lọc từ nguồn nguyên phát đời sống qua lăng kính nhà văn.

Trở lại Câu chuyện về một ông vua lốp. Chỉ lướt qua vài dòng, người đọc đã nhận ra ngay đây không phải là những vụ việc có tính hình sự hay khêu gợi sự tò mò giết, hiếp hay hotgirl lộ hàng như thị hiếu hôm nay. Mà là những vấn đề sống còn của dân sinh và phát triển xã hội. Còn vì sao Trần Huy Quang phải vòng vo, ấy bởi chúng ta đã sống quá lâu trong môi trường xã hội quan liêu bao cấp, quen nói dối, ca ngợi một chiều để yên thân, để làm đẹp lòng cấp trên. Muốn công luận, công quyền quen với phản biện cần phải có thời gian. Chỉ đến năm 1988, khi Lời khai của một bị can ra đời, người đọc mới đã.

Với một bút pháp giản dị, một nghệ thuật có thể nói không quá là trác tuyệt, Lời khai của một bị can không né tránh về thân phận của ông Nguyễn Văn Chẩn, một anh thợ thủ công Hà Nội mỗi năm làm ra hàng ngàn chiếc lốp xe thồ bằng phế liệu mà bị bỏ tù, bị tịch thu nhà cửa, mất quyền mưu cầu hạnh phúc. Lần đầu tiên người đọc bình thường được nghe, được đọc, được tiếp cận với những sự thật cay đắng, khốc liệt và đầy nước mắt trong cuộc sống con người. Như nhà văn, nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng nhận xét: Lời khai của bị can rất ngắn gọn song mang tầm bao quát phản ánh cái khiến tất cả những ai còn chút lương tri đều nhức nhối... (Văn nghệ số 17, năm 1988). Và đây nữa, cũng của Trần Bạch Đằng: Không biết bao nhiêu khái niệm tưởng chừng nằm chết trong các công thức bất di bất dịch, nay bị cuộc sống xốc dậy, lật bề mặt, bề trái, mổ xẻ... vấn đề dân chủ, tự do, tự do ngôn luận, vấn đề đánh giá lịch sử, đánh giá con người... trong từng quốc gia XHCN đòi giải đáp chân thực, có những giải đáp trần trụi khiến chúng ta lạnh toát người như Sám hối ở Liên Xô và Lời khai của bị can Việt Nam ta.

Nhà văn Nguyên Ngọc viết trong hồi ký: Trần Huy Quang thật tài. Thiên phóng sự của anh rất báo chí mà rất văn học. Chính xác, chặt chẽ, kín kẽ như một bài báo mẫu mực. Mà xúc động như một truyện ngắn hay. Là số phận một con người, một tài năng. Chân dung một con người rất nhân hậu nữa, nặng lòng thương người, quan tâm đến cả chuyện nhỏ gây khó cho con người, cố tìm cách giúp cho người ta bớt khổ. Thấy con đi học phải cầm theo cây bút sắt với bình mực đổ lên đổ xuống lấm lem cả quần áo, ông tẩn mẩn đi tìm nhựa hỏng người ta vứt đi, về mày mò lọc sạch nấu lại, chế cho con chiếc bút máy gọn gàng và đẹp. Cho các bạn của con nữa. Công an mà biết, chắc cũng bắt giam rồi. Bài báo của Trần Huy Quang là lời tố cáo một cơ chế bất công vô lý tất yếu vùi dập mọi khát vọng và sáng tạo của con người. Nó vượt xa một bài báo thông thường. Nó là tác phẩm văn học thật sự. Nó không còn chỉ là vụ ông Chẩn, nó đặt vấn đề thân phận con người trong một xã hội có những điều phải đặt lại từ gốc.

Nhà thơ Phạm Tiến Duật viết trên báo Tiền phong (số 225): …Chả biết văn chương trác việt để đời như thế nào, nhưng viết được cái gì có ích ngay lập tức cho bạn đọc như các bút kí phóng sự thời kì Đổi mới, như Trần Huy Quang, cũng thật là đáng quý.

Đến lúc ấy, người đọc mới tò mò hỏi nhau: Nhật Linh là ai? Trần Huy Quang là ai? Hóa ra đây là tác giả của Chiếc áo màu lửa, tập truyện ngắn in chung, năm 1970. Sự trắc trở đã qua tập truyện ngắn (1984). Ngày mai tiểu thuyết (1985). Hai tác phẩm đã đưa Trần Huy Quang vào Hội Nhà văn Việt Nam. Tiếp sau đó là hàng loạt tiểu thuyết có tiếng vang: Nước mắt đỏ (1986), Mối tình hoang dã (1990), Chị dâu (1994), Khúc hoàn lương (1995), Phóng sự chọn lọc (1995), Thánh ca Truông Bồn (2011)…

Tiểu thuyết chiến tranh của Trần Huy Quang ít tiếng súng, khói lửa, công sự và những trận công đồn. Ông chủ trương một không gian nghệ thuật không phải hoành tráng, không có hàng trăm nhân vật, với nhiều phe phái, tiểu thuyết của ông không có kịch tính gay gắt, không có những pha giết hiếp, lừa đảo hay chụp giật ở cấp rơi tim độc giả. Mà ngòi bút của ông như nhà văn Trần Hoài Dương nhận xét: Ngòi bút của Trần Huy Quang như tia laser khám phá đến từng tế bào trong tâm hồn con người.(2)

Nhà văn nghiêng về viết dấu vết của chiến tranh trong đời sống tâm hồn con người. Nước mắt đỏ, Mối tình hoang dã của ông khiến người đọc nhớ đến Số phận con người, một tiểu thuyết nổi tiếng của nhà văn Nga Mikhail Sholokhov(3), trong đó nhà văn tập trung thể hiện hình tượng con người bất hạnh sau chiến tranh, nhìn cuộc sống và chiến tranh một cách toàn diện, chân thực với câu hỏi lớn: “Liệu nhân loại có thể vượt qua thương tổn do chủ nghĩa phát xít gây nên để xây dựng cuộc sống yên bình hay không”… Giống Mikhail Sholokhov, Trần Huy Quang cũng tỏ rõ sự bình tĩnh khi nói rõ về bi kịch, về nỗi đau, về thân phận con người. Đọc tác phẩm của ông, chúng ta thấy tin yêu con người hơn.

Ông cũng đã nhận nhiều giải thưởng văn học, đầu tiên (như đã kể) là Giải thưởng văn xuôi tạp chí Sông La, Hà Tĩnh (1971); tiếp đến Giải Nhì cuộc thi truyện ngắn tạp chí Văn nghệ quân đội với truyện ngắn Khe cò (1980); Giải Nhất cuộc thi bút ký do báo Văn nghệ và Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức, với bút ký Câu chuyện về một ông vua lốp (1986); Giải thưởng báo chí Hội Nhà báo Việt Nam với bài ký Lời khai của một bị can (1987); Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội với tiểu thuyết Mối tình hoang dã (1992)(4); Tặng thưởng Hội Nhà văn Việt Nam với tiểu thuyết Những cô gái Đồng Lộc (1998); Giải Nhì bút ký tạp chí Nhà văn, bài Người lái thuyền trên hồ Vực Mấu (2008), Giải Nhì Cuộc vận động sáng tác văn học do Bộ LĐ & TBXH và Hội Nhà văn phối hợp tổ chức, với tập kí Thánh ca Truông Bồn… Còn vì sao danh giá như vậy mà phải đến Câu chuyện về một ông vua lốp, Lời khai của một bị can tác giả mới được mọi người biết đến. Âu cũng là sự “phi lý một cách hợp lý” của văn chương, của cuộc đời.

Đọc Trần Huy Quang người đọc cảm nhận ở ông những trang văn đẹp. Ông thích Alphonse Daudet, Anatôn Prawngxơ của Pháp, Ivan Alekseyevich Bunin, Konstantin Georgiyevich Paustovsky, Chyngyz Torekulovich Aitmatov của Nga; thích Nguyên Ngọc, Nguyễn Khải của Việt Nam. Nguyễn Khải câu văn thông minh. Còn Nguyên Ngọc? Thưởng thức văn ông thấy rõ chiều sâu văn hóa trong từng câu chữ…

Đọc Nỗi nhớ xa xăm, bút ký mới nhất Trần Huy Quang viết về làng quê mình, vẫn thấy hồn vía của một đứa trẻ ham quan sát phổ vào mỗi câu văn: Khi làn gió lạ lay lay những chiếc lá ngô đồng thì màu lá hàng tre, hàng duối phía nhà ông nội tôi không còn xanh mướt, óng ánh, lung linh như khi tầm tã tắm gội trong trận mưa lê thê cuối mùa, mà đã đổi sắc, lá xanh còn ít ỏi chỉ như tô điểm cho tấm thảm vàng non và cây phượng đình Phúc nơi tôi học lớp đầu cao đẳng tiểu học, thả xối xả những chiếc lá vàng li ti rụng xuống mặt đất từng dòng từng dòng giống y những trận mưa lá…

Sinh năm 1943, Tết Quý Mão nhà văn Trần Huy Quang tròn tuổi 80. Dù không chạy theo số lượng, nhưng với tám tiểu thuyết, bốn tập truyện ngắn và quãng năm mươi bút ký, phóng sự. Từng ấy cũng đủ ông yên tâm khép lại một đời văn. Nhưng hãy tin tôi, nhà văn khi còn sức nhớ là còn sức viết. Nỗi nhớ xa xăm nói với tôi điều đó.

Ngô Xuân Hội | Báo Văn nghệ số 2+3+4 – 2023.

...............

1. Tháng 2-1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho nông dân toàn quốc, động viên tăng gia sản xuất. Cuối thư, Người tặng mấy câu thơ: “Ruộng rẫy là chiến trường/ Cuốc cày là vũ khí/ Nhà nông là chiến sĩ/ Hậu phương thi đua với tiền phương"

2. Trần Huy Quang: Tản mạn văn chương.

3. Mikhail Aleksandrovich Sholokhov (1905 – 1984). Nhà văn Liên Xô, Giải Nobel Văn học năm 1965.

4. Vì vụ “Linh nghiệm”, giải thưởng về sau bị hủy bỏ.

Từ thung lũng Khe Cò đến câu chuyện về một ông vua lốp
Tranh Landscape with Cottage của Maggie Laubser.

------------

Bài viết cùng chuyên mục:

Trăm năm nhà thơ Minh Hiệu (1924-2024): Nghĩ về nhân cách nhà văn Nhà văn Thái Bá Lợi. Không nhanh mà cũng chả chậm. Thu Bồn - một tình yêu quá cỡ Bức thư của Phùng Quán gửi cậu Nhà thơ trào phúng tiêu biểu thế kỷ XX
Bản tin Văn nghệ: Ra mắt vở kịch thơ "Nữ sĩ Hồ Xuân Hương"

Bản tin Văn nghệ: Ra mắt vở kịch thơ "Nữ sĩ Hồ Xuân Hương"

Baovannghe.vn - Nhà hát Thế Giới Trẻ (thuộc Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP HCM) sẽ công diễn vở "Nữ sĩ Hồ Xuân Hương" vào ngày 24/10 do NSND Trịnh Thúy Mùi - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đạo diễn.
"Cu li không bao giờ khóc" giành giải  FIPRESCI  - Liên hoan điện ảnh mới tại Canada

"Cu li không bao giờ khóc" giành giải FIPRESCI - Liên hoan điện ảnh mới tại Canada

Baovannghe.vn - Sau chiến thắng tại Liên hoan, Phim Cu li không bao giờ khóc cũng đã được ấn định lịch phát hành tại Việt Nam vào ngày 15/11 tới.
Đọc truyện: Thương. Truyện ngắn dự thi của Mai Linh

Đọc truyện: Thương. Truyện ngắn dự thi của Mai Linh

Baovannghe.vn - Giọng đọc: Hà Phương; Đồ họa: Thùy Dương
Bộ GD&ĐT: 5 đối tượng được đề xuất tuyển thẳng vào lớp 10 THPT

Bộ GD&ĐT: 5 đối tượng được đề xuất tuyển thẳng vào lớp 10 THPT

Baovannghe.vn - Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến góp ý dự thảo Thông tư ban hành Quy chế tuyển sinh, trong đó có quy định rõ về các đối tượng được tuyển thẳng, được hưởng ưu tiên cộng điểm trong tuyển sinh vào lớp 10
Quốc hội bước sang ngày làm việc thứ 2 Kỳ họp thứ Tám

Quốc hội bước sang ngày làm việc thứ 2 Kỳ họp thứ Tám

Baovannghe.vn- Ngày 22.10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Báo cáo , dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025, Kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước 3 năm 2025 – 2027.