Diễn đàn lý luận

Nhà văn Thái Bá Lợi. Không nhanh mà cũng chả chậm.

Trung Trung Đỉnh
Chân dung văn học
17:00 | 05/10/2024
Baovannghe.vn - Thái Bá Lợi là người không nhanh không chậm, không vừa phải. Ông là người lúc cần nhanh thì nhanh, khi cần chậm thì chậm. Chuyện hóm hạng đầu mà chuyện nhạt cũng đôi khi đoạt giải nhất nhì
aa

Nếu bạn muốn tìm hiểu ngọn ngành về nhà văn Thái Bá Lợi, thì tôi khuyên bạn, hãy tìm đọc những truyện ngắn đầu tiên của ông: "Lòng cha", "Vùng chân Hòn Tàu", "Đội hành quyết" rồi đến truyện vừa "Thung lũng thử thách”, chúng sẽ đưa bạn lên tít trên đỉnh cao mà không thấy mệt, đấy là đỉnh cao "Hai người trở lại trung đoàn”

Một đỉnh cao chói ngời, nhiều sắc màu của truyện ngắn Việt Nam thời hậu chiến. Trước năm 1975, trước "Hai người trở lại trung đoàn" gần như tên Thái Bá Lợi mới chỉ được giới viết văn khu vực miền Trung biết qua “Thung lũng thử thách". Lần lần, từng nấc một, như bạn đang leo thang, mỗi tác phẩm mới của ông là một nấc thang khỏe khoắn, vững chắc, chỉn chu. Sau "Hai người trở lại trung đoàn" người viết văn cả nước đều đồng loạt ngả mũ nể phục đón chào Thái Bá Lợi. Truyện ngắn này, nếu tôi nhớ không lầm, sau khi được in ra, ngay lập tức có hai luồng dư luận đối nghịch nhau. Một bên khen, khen ngút trời, cho rằng Thái Bá Lợi xứng đáng là nhà văn "Trung úy" (theo cách nói đầy mến phục của giới viết văn về chiến tranh của Liên Xô cũ). Ở ta, lúc ấy, các nhà văn miền Bắc, lứa chúng tôi vừa bước ra khỏi cuộc chiến đều đánh giá Thái Bá Lợi là người có cái nhìn mới về người lính và về xã hội. Anh dũng cảm và chính xác nhìn nhận về mình, về thế hệ mình, một thế hệ vừa oai hùng lừng lẫy từ trong cuộc chiến thắng với lấp lánh huân huy chương chiến công ngời ngời và đồng thời, bắt đầu bước phải những bước va vấp tư tưởng, tưởng nhỏ nhưng không nhỏ, tưởng lớn nhưng không lớn bao nhiêu, khiến sự nhìn nhận và cách ứng xử mà cái lối tiếp cận mới chưa đủ mới, chưa đủ mạnh, chưa đủ thuyết phục trong khi thói quen cũ còn khá phổ biến, chưa được cái cách tiếp cận cởi mở thông thoáng. Truyện ngắn “Hai người trở lại Trung Đoàn” tạo nên một không gian văn hóa mới, với cách nhìn nhận về chiến thắng không phải chỉ có một vế, một chiều!

Tác giả dám nhìn thẳng vào sự thật như một lời cảnh tỉnh về sự tha hóa của con người mà trong đó có cả những người lính, những người tưởng như đã thành mặc định là chỉ thấy hay, thấy đúng! Còn một bên phản đối kịch liệt, cho rằng “Hai người trở lại Trung Đoàn” đã chệch đường ray, đây là một cách nhìn sai lệch về người lính cách mạng. Họ cho rằng, những con người hiển hách dũng cảm trong chiến tranh như vậy, sau chiến tranh, sẽ càng hiển hách hơn, không bao giờ có chuyện sa ngã, mất "quan điểm lập trường"…

Nhà văn Thái Bá Lợi. Không nhanh mà cũng chả chậm.
Nhà văn Thái Bá Lợi

Vấn đề sau đó là, sự thật ngày càng chứng tỏ, cách nhìn nhận cảnh tỉnh của Thái Bá Lợi không hề lệch lạc. Những vấn đề hậu chiến của người lính, của hậu phương người lính, của cả một loạt những nhức nhối nóng bỏng mới nảy sinh trong lòng xã hội thời bình sau chiến tranh, càng ngày càng nặng nề.

Tôi có cảm giác lúc nào Thái Bá Lợi cũng đang viết. Mà đúng thật. Ông ta ngồi vào bàn, thực ra chỉ là để chép lại câu chuyện mà ông ta đã viết chín nẫu trong đầu. Thái Bá Lợi viết văn như nghĩ, hay nói đúng hơn, viết bằng nhau với các ý tưởng đã nghĩ đang nghĩ liên tục nghĩ, nghĩ cả khi đang viết, và vì vậy văn ông lúc nào cũng trau chuốt, trau chuốt nhưng không bóng bẩy hào nhoáng mà cực kỳ kỹ lưỡng. Giữa lúc chúng ta còn, đang chưa đủ bình tĩnh nhìn nhận nhân tình thế thái thời hiện tại, thì nhà văn Thái Bá Lợi đã lại một lần nữa tiếp cận vào bên trong những nhức nhối lớn hơn thường ngày của đời sống xã hội. Ông như một nhà tiên tri bị cuốn sâu vào tâm điểm của những mâu thuẫn nội tại nơi con người Việt Nam những năm thương khó, phải nói là thương khó tội tình.

Tôi nghĩ rằng, nếu bạn mới viết văn, có máu mê viết văn, thì tốt nhất bạn nên tránh xa Thái Bá Lợi. Không nên để ý, không nên xem ông ta thao tác nghề nghiệp này. Bởi vì, tôi nói thật, tôi đã được lén lút xem ông bạn của tôi ngồi một mình với trang giấy trắng. Nói như thế thì sang cho ông quá. Thực ra đấy là lúc ông ta được tự do nhất, đuợc coi trời bằng vung, "anh hùng" nhất khoảnh nhất. Tức là mọi sự việc xung quanh, mọi người xung quanh, tất thảy đều vô nghĩa. Mắt Thái Bá Lợi vốn đã lệch lúc này dại đi, nước mũi, nước dãi tự nó "bươn chải", không nơi cư trú, mặc dù trước đó, trước khi viết văn, bao giờ Thái Bá Lợi cũng có ý thức long trọng lau chùi bàn ghế tinh tươm. Sửa sang giá sách gọn ghẽ, giường chiếu và các vật dụng quanh ông thật yên lặng để chúng coi ông đang cắm cúi cặm cụi với mình. Câu chuyện và ý tưởng ông ta đã thuộc làu làu, vậy mà, tóm lại, chúng ta không nên nhìn thấy cảnh này. Nó vừa bi ai hùng tráng lại cũng vừa rất chi là bê tha. Đọc văn thì sướng thiệt chứ xem các nhà văn làm việc thì thật… oải!

Thời bao cấp khó khăn, tôi với Thái Bá Lợi ra học khóa I của Trường Viết văn Nguyễn Du. Lợi thì đã nổi tiếng "hoành tráng". Tôi mới tập tọe viết được vài ba truyện ngắn, chưa ai biết gì. Nhóm bạn chơi của tôi hồi ấy được anh em gọi là "cánh rừng phía Tây" gồm có tôi, Thái Bá Lợi, Nguyễn Trí Huân và Phạm Hoa.

Nguyễn Trí Huân là người nghiêm chỉnh nhất, không rượu chè, không trà lá, chỉ thuốc lào. Thú vui của y dồn hết vào cái nõ điếu thuốc lào.

Phạm Hoa gốc gác lái xe Trường Sơn, đầu bù, tóc rối, viết văn rất hay vì có nhiều vốn sống về lính lái xe Trường Sơn, cá tính có vẻ lầm lì nhưng hóm, máu giang hồ tài tử. Năm ấy Phạm Hoa in truyện ngắn liền tù tì trên báo Văn nghệ. Hình như năm cái. Một con số mơ ước cho những người viết trẻ.

Tôi thì hay rượu, ham chơi, gần với Thái Bá Lợi hơn. Nhưng anh Lợi chín chắn hiền hòa, không nôn nóng như tôi. Kết với nhau như thế nhưng hồn ai nấy giữ. Phạm Hoa với Nguyễn Trí Huân hay ngả sang chơi với nhóm Trần Nhương, Dương Duy Ngữ. Mỗi khi nghỉ hè, nghỉ phép, chúng tôi nhập nhóm "đi thực tế vùng miền" kết hợp đi buôn "đánh quả", chỉ mong lấy lại tiền vé tàu xe.

Hồi ấy xà phòng rất hiếm. Thái Bá Lợi có anh bạn tên là Châu (già) ở Đà Nẵng. Anh Châu già có một "xưởng" nhỏ sản xuất xà phòng, loại xà phòng trắng nhởn, rất nhớt, hôi, nhưng giặt quần áo thấy rất hiệu quả. Tôi và Thái Bá Lợi "đặt vấn đề" buôn chuyến ra Bắc và ngay lập tức được anh Châu nhiệt liệt hưởng ứng. Ba anh em chúng tôi làm ba ba lô kễnh, lên tàu.

Trước hết là đến Đại học Bách Khoa, theo tính toán của chúng tôi, sinh viên ta nghèo, dùng xà phòng này quá hợp. Bỏ mối chào hàng thì có vẻ ai ai cũng tấm tắc, nhận mua, thậm chí có quán nước bốc lên bảo các anh có nhiều thì tôi sẵn sàng bao tiêu, hoặc ta bàn chương trình làm xà phòng tại chỗ, bán sẽ lời hơn.

Về, tôi và Thái Bá Lợi khấp khởi tổ chức liên hoan nhẹ với món truyền thống: cá mè hồ công viên mua của mấy chú nhóc câu trộm nấu dưa chua cùng mấy xị quốc lủi, hẹn nhau sang tuần thu tiền vốn, chưa lấy lãi vội. Tuần sau đi thu hồi, đa số người ta trả lại, không những không mua mà còn chê. Khó khăn thì khó khăn cả nước, vậy mà mấy vị buôn lại còn bày đặt chê hàng Đà Nẵng "nhà quê", không hợp với người Hà Nội, rất khó chịu. Thôi thì làm ăn buôn bán có duyên, có nghiệp, đâu phải dễ ăn. Cánh tôi biết thân biết phận rút quân, thua thì nói là thua cho nó lành!

Nhà văn Thái Bá Lợi là tay ham chơi, thích ngao du, rủ đi đâu chả mấy khi từ chối, ngoài ra ông còn là người hóm hỉnh, cho nên những cuộc đi chơi có Thái Bá Lợi tham gia đều khiến anh em vui vẻ. Hồi ở trên rừng Trà My ông đã bộc lộ tính cách hóm hỉnh của mình. Một lần cơ quan có hội nghị liên hoan, tập trung nhiều người về bếp ăn tập thể. Đấy là những ngày hiếm hoi vui vẻ. Một hôm, vòi nước được anh em bắc bằng ống nứa từ tít trên núi cao rất công phu đưa nước sạch về bếp tự dưng bị tắc.

Mọi người đang hoang mang lo lắng, nhất là mấy cô chị nuôi, thì Thái Bá Lợi kéo theo cậu công vụ đi ngược núi dọc đường ống lên dốc "kiểm tra". Đến đoạn trên dốc cao, đường ống bị một túm lá cây chặn tắc, nhấc túm lá ra, đường ống thông, dưới bếp mọi người hoan hỉ.

Thái Bá Lợi được khen là "sáng kiến". Lợi ta hỉ hả bảo mọi người rằng, không ngờ chỉ mấy cái lá cây có thể làm tắc được cả một dòng nước. Bây giờ nhấc túm lá bỏ đi, được mọi người khen sáng kiến, giỏi. Thế mới biết muốn "lập thành tích", viết được một "cái gương" thì dễ nhỉ! Ở cơ quan văn nghệ có hẳn một "tổ gương", đấy là một tổ những nhà văn được phân công chuyên đi thực tế xuống đơn vị, chỉ để sưu tầm gương người tốt, việc tốt, về nhà, viết lên, biểu dương quân dân là hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ rồi.

Có hồi Thái Bá Lợi phải bươn chải một mình nuôi hai đứa con ăn học, vì bà xã của ông vốn là một thành viên tích cực của phong trào sinh viên nội thành, sau một chín bảy lăm, chả hiểu làm ăn thế nào mà lâm vòng lao lý. Ông vốn không phải loại người tháo vát, chưa bao giờ biết “làm ăn”. (Cái vụ làm ăn to nhất có lẽ là vụ buôn xà phòng thời bao cấp với tôi!).

Nhưng không có con đường nào khác, ông lầm lũi vượt qua tất cả những trớ trêu, những điều tiếng, để trụ lại với đời, với nghề. Có lẽ đây là khúc bi ai nhất trong những khúc đời trước đó mà nhà văn Thái Bá Lợi phải chịu đựng. Hóa ra tạo hóa cũng vẫn không để ai mất hết. Hai đứa con Thái Bá Lợi như hai thiên thần, chúng lớn lên cùng cha, học giỏi, ngoan, hiền, bởi quanh chúng còn có bà con cô bác, anh chị em bè bạn của ba mẹ.

Thái Bá Lợi vẫn viết. Viết cả khi tưởng như trước mắt chỉ có bóng đêm tăm tối. Viết cả khi đi theo các vị sư vào ở hẳn trong chùa. Đi theo nhà Phật, hướng theo triết lý Phật giáo như duyên mệnh. Thái Bá Lợi lao động sáng tạo như là một định mệnh, như là một nhu cầu tự thân, không hề nhằm vào bất cứ giải thưởng hay có ý nhằm vào cuộc đua chen nào.

Ông viết văn cũng như uống rượu, không cố gắng, không phấn đấu, hình như cơ địa ông nó cho phép ông được thế. Hình như bản mệnh ông phải thế. Thái Bá Lợi là người không nhanh không chậm, không vừa phải. Ông là người lúc cần nhanh thì nhanh, khi cần chậm thì chậm. Chuyện hóm hạng đầu mà chuyện nhạt cũng đôi khi đoạt giải nhất nhì.

Thái Bá Lợi có đức tính chiều bạn. Ngồi với bạn thâu đêm suốt sáng mặt vẫn tỉnh bơ. Có lần tôi và anh ngồi tiếp Nguyễn Trọng Tạo từ Huế ra, Cả đêm hết chuyện hồi trong rừng, hồi ra đảo đến chuyện làm báo. Ba anh em bàn khi nào được làm báo tự do sẽ lập tờ lấy tên là “TIN THÌ TIN KHÔNG TIN THÌ THÔI” rất sôi nổi. Thái Bá Lợi bảo cho Nguyễn Trọng Tạo làm đì-zai, sửa bông. Ông bảo Tạo nhiều tài thì phải làm nhiều chuyện đừng than! Ít thấy ông kêu ca, phàn nàn về người này người khác. Càng ít thấy ông bốc đồng thái quá. Khen ra khen, chê ra chê, không chung chung nước đôi lấy lòng. Khi bị những kẻ xấu ganh tị, Thái Bá Lợi đặc biệt cảm thông, bỏ qua như không. Thế sự thăng trầm, tình người thay đổi, có người hôm qua là bạn, hôm nay vì đố kỵ mà tự chuyển thành đối thủ. Khôn khôn lường lường, khôn lường mãi âu rồi đâu cũng vào đó vậy. Hồi viết tiểu thuyết “Bán đảo” tôi biết ông đã phải trải nghiệm nhiều cuộc kinh hoàng và tất nhiên, ông phải có sức chịu đựng quá đỗi mà sự thật cùng nỗi đau mất mát của nhân dân, của dân tộc bị những lỗi lầm của chính mình trừng phạt mình. Cuốn tiểu thuyết mỏng như bị ép chặt bởi nỗi đau mất mát của những cuộc vượt biên, bán bãi. Tiểu thuyết bán đảo, một bầu không khí u ám, tăm tối, tội tình bao trùm lấy một nhóm cư dân không biết mần răng bây chừ! Nhà văn cũng không biết mần răng bây chừ, khi ông nhiều lần phải chứng kiến cảnh tan đàn sẻ nghé trước sóng biển gào xé! Câu hỏi cứ lặp đi lặp lại rằng, răng mà họ bỏ đây họ đi. Đi vượt biên có nghĩa là đi vào cõi chết. Hú họa lắm mới sống được. Nhưng sao người ta cứ đi, cứ đi, cứ chết, cứ chết. Chết mất tăm mất tích cho cá biển, cho sóng biển. Mà sao họ vẫn cứ đi? Nhà văn à, nhà văn ơi, răng chừ đây nhà văn? Răng chừ!!!

Ai đã sống những năm tháng ấy nhỉ?

Chúng tôi.

Nhưng lúc ấy, quả thực, cánh tôi, ít nhất là tôi và Thái Bá Lợi, đều chỉ biết cắm mặt trước những câu hỏi không có câu trả lời. Cắm mặt vào lòng mình không còn giận hay thương nữa. Đó là nỗi đau đớn mịt mù xáo trộn trắng đen, bất kể đúng sai của mình của ai, của ta, của nẫu! (tôi phải dùng từ “nẫu” ở cái văn cảnh lúc này mới thật với hoàn cảnh của chúng tôi bấy giờ!)

Tôi nhớ hồi ấy Thái Bá Lợi mặt méo xệch mỗi lần đi đâu đó về, nhậu thâu đêm suốt sáng với dân bến bãi, rồi chúi mặt ngồi vô bàn, hết ngày này sang đêm khác, quần quật, lặng thầm. Sức uống của Thái Bá Lợi luôn luôn được các tay thợ nhậu kỳ cựu của miền biển Sơn Trà sánh vai cùng. Nhậu bất kỳ lúc nào. Nhậu không phải để quên đời, chán đời, mà là để lấy sức cho đời. Lấy sức cho cuộc nhậu sau. Chúng tôi có tuổi trẻ và chúng tôi có ham muốn. Với bạn văn thì Thái Bá Lợi lại có thói tật hay lặp đi lặp lại câu chuyện mà ông nghe được rồi ông nghiền ngẫm. Ông nghiền ngẫm và ông kể lại cho bạn nghe hay cho chính ông nghe đến khi “ngấu” thì mới viết.. Viết và viết.

Trong đời mỗi người chúng ta đều có một vài địa chỉ ghi dấu ấn quan trọng, lại cũng có vài người cụ thể, như là số phận, như là định mệnh, gắn bó với ta, tạo nên sức sống, niềm vui và cả nỗi buồn của ta. Với tôi, đó là các anh Nguyễn Chí Trung, Nguyên Ngọc, Phan Tứ, Thu Bồn, Thái Bá Lợi, Thanh Thảo, Ngô Thế Oanh, Bùi Minh Quốc, Nguyễn Khắc Phục, Trần Vũ Mai, Nguyễn Trí Huân… Họ vừa là những người anh đồng thời là những người bạn, người thầy đầu tiên khi tôi chân ướt chân ráo bước vào cổng làng văn. Anh Thái Bá Lợi là một trong số người viết văn xuôi của trại viết khi ấy mà tôi đã đọc khá nhiều và ngưỡng mộ. Và quý hóa hơn, ấy là việc anh Lợi cũng đã từng đọc, từng cổ vũ, từng “lăng xê” cái truyện ngắn đầu tiên của tôi được in trên Văn nghệ Quân giải phóng miền Trung Trung Bộ, hồi còn ở trên rừng.

Nhớ hồi học xong trường viết văn Nguyễn Du, hôm tiễn Thái Bá Lợi về Nam, tôi rủ anh Thái Bá Vân và anh Đào Hùng ra ga trước giờ tầu chạy. Mấy anh em vào cái quán rượu quen của tôi. Vừa ngồi yên vị, anh Thái Bá Vân ngọ nguậy thế nào đó, va vào cánh tay cô gái chủ quán đang đưa chai rượu tới, chai rượu đổ ra lênh láng. Cô gái phản xạ tự nhiên quay ngoắt lại, giật cái chai trên tay anh Vân vừa nhặt lên. “Đ mẹ lão già, đồ vô văn hóa!”. Anh Vân luống cuống nói lời xin lỗi rối rít. Cô ta văng tục chửi thêm một câu nữa. Tôi thấy anh Vân hơi hoang mang bèn chồm tới, vung tay vỗ cái bốp vào mông cô ta: “Đ mẹ con ranh! Có câm mõm không? Thày tao đấy!” Cô gái toét miệng: “Em biết đéo đâu!” rồi ngoan ngoãn rót rượu cho chúng tôi. Lúc ấy anh Đào Hùng mới tới, thấy sự việc vừa diễn ra, anh cười cười bảo cô gái: “Cô đem cái ghế ra đây mời tôi ngồi rồi tôi chỉ cho coi”. Cô gái thật thà lấy thêm ghế. Anh Đào Hùng ngồi xuống uống một li, chỉ vào anh Vân mà rằng: “Ông này đích thực là đồ vô văn hóa, đúng không?” - “Đúng!” - “Ở đây là ga. Ga là nhà, khách là chủ, đúng không?” - “Đúng”. Anh Đào Hùng chỉ vào cô ta cao giọng: “Phạt!”. Cô gái ngớ ra. Anh Đào Hùng rót một ly tràn đưa cho cô ta! “Uống hết rồi tôi nói”. Cô gái uống cái rẹt! Anh Đào Hùng rót thêm li nữa đưa cho cô ta, cô gái nhăn mặt lắc đầu. Anh phán: “Cô mắng chúng tôi tức là mắng chủ, đúng không?”- “Đúng”. “Chủ có quyền phạt ai người đó phải chịu.” , anh tiếp: “Cô phải uống hết li nữa rồi tôi nói chuyện với ông này!”. Cô gái ngửa cổ uống gọn luôn. Anh Đào Hùng quay ra nói với chúng tôi: “Ở đây chỉ có thằng Đỉnh là văn hóa cao thôi, các ông toàn là đồ vô văn hóa hết!”. Anh Vân nói: “Mình đã xin lỗi rồi…”. Anh Thái Bá Lợi nâng li, nói: “Thôi, xin chia tay các ông anh vô văn hóa”, rồi quay sang Thái Bá Vân nói tiếp. "Ở đây là văn hóa ga mà ông anh xin lỗi thì thật là phù phiếm, đích thị là vô văn hóa rồi còn cãi gì nữa”…

Thái Bá Lợi thủng thẳng khoác ba lô lên vai, bắt tay chúng tôi rồi nói: “Văn hóa ga phải chửi tục như Đỉnh mới gọi là có văn hóa chứ!” rồi lặng lẽ đi ra cửa, nhập vào đám khách nhốn nháo ngoài sân ga, lẫn luôn vào trong họ.

Trung Trung Đỉnh | Báo Văn nghệ

-----------

Bài viết cùng chuyên mục

Hai tay hai súng Thanh Thảo cùng con ngựa thơ bất kham của mình Hồng Thanh Quang: “Một mình ta đã quá chật ta rồi” Xuân Diệu: Tương tác thơ và đời Nhà thơ trào phúng tiêu biểu thế kỷ XX
Yêu người cây mở đất - Thơ Chung Tiến Lực

Yêu người cây mở đất - Thơ Chung Tiến Lực

Baovannghe.vn- Như những mũi lao cắm vào vùng ngập mặn/ Mầm sống gieo trên sóng nước hoang sơ
Nên bị gai đâm - Tản văn của Chu Văn Sơn

Nên bị gai đâm - Tản văn của Chu Văn Sơn

Baovannghe.vn - Và ta cứ yên trí đi qua thế giới này với bước chân quen xéo lên cỏ hoa. Thỉnh thoảng bàn chân nên bị gai đâm, để ta được giật mình: Tổn thương là rỉ máu.
Trịnh Hoài Đức - Nhà thơ, nhà viết kịch tài hoa

Trịnh Hoài Đức - Nhà thơ, nhà viết kịch tài hoa

Baovannghe.vn - Kịch Trịnh Hoài Đức ngoài chất hài ý nhị, sâu cay, cười ra nước mắt còn bao hàm cả triết lý sâu sắc về thế giới quan, nhân sinh quan... Thơ của ông như gieo vào lòng người cái tình sâu lắng, ngôn ngữ giản dị mà nhân văn đa nghĩa đầy tính bác học...
Microsoft ra mắt nhà xuất bản sách in truyền thống

Microsoft ra mắt nhà xuất bản sách in truyền thống

Baovannghe.vn - Tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới - Microsoft đã chính thức bước chân vào ngành xuất bản sách với việc ra mắt 8080 Books, một nhà xuất bản được thiết kế để thúc đẩy sự đổi mới trong xuất bản và kể chuyện. Được đặt tên theo bộ vi xử lý Intel 8080 – nền tảng cho sự khởi đầu của Microsoft trong thập niên 1970 – 8080 Books không chỉ là một cột mốc mới trong chiến lược đa dạng hóa của công ty mà còn đại diện cho tham vọng đưa công nghệ vào thay đổi ngành xuất bản vốn còn nhiều hạn chế.
Trong y, một tảng băng trôi. Truyện ngắn của Hiền Trang

Trong y, một tảng băng trôi. Truyện ngắn của Hiền Trang

Baovannghe.vn- Đối diện nhau, con cá mập và Tử thần, kẻ bị giết và kẻ giết, con mồi và gã thợ săn, đối tượng của cái chết và tay sai của cái chết, con cá mập nằm sóng soại trên sàn thuyền, Tử thần thì đứng thẳng hiên ngang, một trục hoành - một trục tung, tạo thành một hệ tọa độ bất đắc dĩ giữa biển xanh sâu thẳm, mỗi kẻ đeo đuổi những huyễn tưởng khác nhau, nhưng sau rốt đều xuất phát cùng từ một gốc: ám ảnh về những trò ảo thuật.