Diễn đàn lý luận

Nhà thơ trào phúng tiêu biểu thế kỷ XX

Anh Chi
Chuyện văn chuyện đời
08:00 | 04/10/2024
Baovannghe.vn - Ông tên thật là Hồ Trọng Hiếu, quê gốc Nghệ An, có họ hàng chi trên chi dưới với nữ sĩ Hồ Xuân Hương, nhà thơ Nôm trào phúng cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX
aa
Trong Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua toàn quốc năm 1952, nhà thơ Tú Mỡ là người duy nhất trong giới văn nghệ được phong danh hiệu Chiến sĩ thi đua. Dịp này, Tú Mỡ được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hồ Chủ tịch dã nhận ra ông ngay khi ông tự giới thiệu, và Bác đáp lời vui vẻ: “À! Tú Mỡ, nhà thơ bình dân”

Ông tuổi Canh Tý, sinh ngày 14 - 3 - 1900 và lớn lên tại nhà số 24, phố Hàng Hòm, Hà Nội, nơi người mẹ có cửa hàng bán đồ sơn ta, tráp quả. Lên 5 tuổi đã học chữ Nho với ông nội và bố, sau Hồ Trọng Hiếu vào học Trường tiểu học Hàng Vôi. Ngôi trường này rất nổi tiếng vì có những học trò sau khi trưởng thành là những nhà văn lừng danh, như Tú Mỡ, Hoàng Ngọc Phách, rồi Vũ Trọng Phụng, Vũ Bằng… Năm 14 tuổi đỗ đầu Sơ học yếu lược Pháp - Việt, Hồ Trọng Hiếu được vào học Trường Bưởi. Thời học trò, ông đã rất nổi trội về sự tinh nghịch, hay đùa cợt, thích pha trò và thích châm chọc. Vì nghịch tinh nên có lần bị bạn học đánh gẫy nửa cái răng cửa, nhưng rồi ông đã cùng anh bạn này lập một trường thơ “thối” chuyên về thơ chế diễu, châm chọc, để đối lập với trường thơ “thơm” của hai ông bạn nghiêm trang và lớn tuổi hơn một chút là Hoàng Ngọc Phách và Nguyễn Văn Pho. Điều rất thú vị là hai trường phái thơ ở trường Bưởi đã nhanh chóng hòa thuận với nhau, và chính Hoàng Ngọc Phách, tác giả Tố Tâm sau này, đã là người thầy đầu tiên dạy cho Tú Mỡ danh tiếng sau này những phép tắc làm thơ!

Năm 1918, đỗ bằng Thành chung, Hồ Trọng Hiếu không tiếp tục theo học Cao đẳng, vì phải kiếm sống để phụ giúp nuôi bố mẹ, các em và chính gia đình mình, bởi ông cũng vừa cưới vợ. Làm kế toán ở Sở Tài chính Đông Dương, như chân dung do ông tự vẽ: Ở sở “Phi năng” có một thầy/ Người cao dong dỏng lại gầy gầy/ Mặc thường xoàng xĩnh ưa lành sạch/ Ăn chỉ thều thào, thích tịnh chay. Các đồng nghiệp ở Sở Tài chính Đông Dương và một số bạn bè rất thích những bài thơ trào phúng của Hồ Trọng Hiếu, họ coi ông như là một nhà thơ, đôi ba người đã bảo ông nên đặt cho mình một bút hiệu. Ông cười, nói tếu lại rằng, có một tên hiệu mình thích nhất thì một nhà thơ bậc thầy đã chọn mất rồi… Họ gặng hỏi người đó là ai, ông không tếu mà thật lòng rằng, là Tú Xương. Có người bảo, vậy lấy bút hiệu là Tú Mỡ vậy. Ông cười, mình đâu có đỗ Tú tài mà “Tú”, người lại nhẳng thế này sao lại “Mỡ” được. Nhưng kệ, một số người yêu những vần thơ của Hồ Trọng Hiếu, cứ gọi ông là Tú Mỡ! Bản thân ông, chỉ coi đó là chuyện tán phễu với nhau.

Chính những ngày làm việc tại Sở Tài Chính Đông Dương, Hồ Trọng Hiếu gặp Nguyễn Tường Tam cũng vừa học xong trung học, đang chờ một cơ hội đi Tây, nên đến làm việc tại Sở này. Hai người lập tức trở thành đôi bạn thân. Riêng Nguyễn Tường Tam đã nhanh chóng phát hiện Hồ Trọng Hiếu là một tài năng trào phúng bẩm sinh, nên đã khuyến khích bạn nên viết nhiều nữa đi…

Tác phẩm đầu tay của Hồ Trọng Hiếu là bài Phú thầy phán. Nguyễn Tường Tam đọc rất thích, liền chép gửi báo Nam phong, và báo này đăng ngay với tên ký là “Khuyết danh”. Về sau, nhà Nam trích in, lại đề là của Tú Xương(!). Việc đó đã thành một chuyện vui trong làng văn đương thời. Phú thầy phán là một trong những bài thơ hay nhất đời thơ Tú Mỡ (sau Phú thầy Phán nhà thơ đã chính thức dùng bút hiệu Tú Mỡ). Bài thơ khá dài hơi, gồm 44 câu, câu nào cũng hay, mô tả nếp sống, cung cách sinh hoạt của lớp công chức nhà nước thời chính quyền Bảo hộ: Cuối tháng ba mươi, ba mốt, giấy bạc rung rinh/ Qua ngày mười một, mười hai, ví tiền rỗng toác/ Sổ tiêu tính phác, hy hoay cộng cộng trừ trừ/ Lương tháng thấy vèo, tiu nghỉu ngơ ngơ ngác ngác... Những câu lột tả cả phong độ, thần thái cho đến cách nghĩ suy, ứng xử của một lớp người “cạo giấy” khá điển hình đương thời:

Nhà thơ trào phúng tiêu biểu thế kỷ XX
Nhà thơ Tú Mỡ (1900 -1976)

Tiếng Lang - sa thoắng trơn nước chảy, những “uây” cùng “nông”,

Câu Hán tự dốt đặc cán mai, đọc “tộ” hóa “tác”

Giở những chuyện văn chương xốc nổi, “tam tổ thánh hiền”

Bàn những điều nghĩa khí viển vông, “thiên hô bát sát”

Lỡ buổi đi trưa, nhìn trước nhìn sau lấm lét, rụt rè như rắn ráo mồng Năm

Lỡ khi lầm lỗi, đứng lên ngồi xuống băn khoăn, ủ rũ như diều hâu tháng Chạp

…Chuyện nào có ra chuyện, dở dại dở khôn,

Đùa nào có ra đùa, nửa mỡ, nửa nạc

Chính với con mắt xanh của Nguyễn Tường Tam, sau viết văn với bút danh Nhất Linh đồng thời là ông chủ của nhóm Tự lực văn đoàn, chủ báo Phong hóa, Ngày nay, chủ Nhà xuất bản Đời nay suốt những năm ba mươi, thế kỷ XX, là nhân tố quyết định đưa Tú Mỡ vào sự nghiệp thơ trào phúng, khi giao cho ông giữ chuyên mục Dòng nước ngược trên báo Phong hóa, Ngày nay. Với cương vị đó, Tú Mỡ có được khoảng đất đai thật rộng để thi thố tài năng. Thơ Tú Mỡ những năm đó là một bộ tranh biếm họa lớn những chân dung các quan lại cai trị xứ nửa thuộc địa, gồm cả lớn lẫn bé, từ quan thị, quan trạng… mẹo, đến quan trùm nghị viên: “Trời cho cái mã bên ngoài/ Để che đậy cái… sơ sài bên trong”. Còn dân, là mặt bên kia của xã hội:

Quan được tăng lương, dân cũng tăng

Tăng sưu, tăng thuế đến nhăn răng

Còn manh khố rách càng thêm rách

Đời sống lầm than ai thấu chăng?...

Có thể nói, chuyên mục Dòng nước ngược là một ấn tượng rất mạnh trong cuộc sống đương thời. Trong nhiều bài thơ của Tú Mỡ, ngôn ngữ trào lộng đã đạt đến đỉnh cao. Tiêu biểu là bài thơ Lỡm cô Ngọc Hồ, giễu một “giai nhân” được đăng ảnh trên trang bìa báo Loa, tờ báo “vui vẻ trẻ trung” đương thời, với nghệ thuật nói lái các chữ rộng lớncố đeo, cho thấy Tú Mỡ đã theo kịp bậc tiền bối Hồ Xuân Hương. Còn bài Ông Hàn viết theo điệu hát xẩm, so sánh ông quan Hàn lâm với một ông “hàn nồi”. Rất tinh quái khi nhà thơ dùng từ vi thành vốn chỉ tiền đút lót cho quan lại để nói đến tiền trả công cho ông hàn nồi, và từ Hồng lô vốn chỉ chức tước triều đình ban “Hồng lô tự khanh”, nhưng ở bài thơ lại có nghĩa “cái lò lửa đỏ của ông hàn nồi”! Tú Mỡ trở thành một tên tuổi được người đọc rất ngưỡng mộ, dù ông vẫn là một viên chức của Sở Tài chính Đông Dương. Đến năm 1936, ông cho xuất bản tập thơ Dòng nước ngược, và liền trở thành hiện tượng văn chương lớn đương thời. Điều rất đáng kể là, nhờ món nhuận bút tập thơ, gia đình ông mới tậu được khu đất làm nhà ở Láng, bên sông Tô Lịch. Nhưng, đến năm 1939, Sở Liêm phóng đã báo cho Cazaux, Giám đốc Sở Tài chính biết rằng, Hồ Trọng Hiếu chính là Tú Mỡ, người “đã viết những bài thơ châm biếm đả kích ngầm chế độ bảo hộ của Pháp quốc”. Cazaux liền viết “thư cảnh cáo” Tú Mỡ rằng “không có quyền viết báo”, và buộc ông “phải làm tờ cam đoan từ nay trở đi không được cộng tác với một tờ báo nào nữa”. Vì gia đình là một gánh nặng trách nhiệm lớn đối với Tú Mỡ, nên ông đã làm tờ “cam đoan”. Vào thời điềm này, cuộc Đại chiến thế giới thứ II bắt đầu ảnh hưởng tới Đông Dương, và nhóm Tự lực văn đoàn đã thiên hẳn sang hoạt động chính trị. Tú Mỡ đành phải tạm biệt một quãng ngày đẹp đẽ, đầy hào hứng trên trường văn chương. Xin nói thêm, bốn năm sau, Dòng nước ngược đã được in đầy đủ hơn, gồm 2 tập.

"bác Đấu", nhà thơ bình dân

Cách mạng tháng Tám năm 1945, rồi kháng chiến chống xâm lược Pháp bùng nổ, Tú Mỡ vẫn làm nghề chủ sự Sở tài chính. Ông đưa cả gia đình theo Sở Tài chính tản cư lên Bắc Giang. Những cán bộ văn hóa, tuyên truyền của Sở Thông tin tuyên truyền Khu XII, sau chuyển thành Liên khu I, rồi Ty Thông tin tuyên truyền Bắc Giang, do biết danh tiếng Tú Mỡ từ lâu, đã đến mời ông sang cộng tác. Rồi chính các đồng chí Phạm Văn Hảo và Xuân Thủy cũng đến mời Tú Mỡ cộng tác với chuyên mục trào phúng đánh địch của báo Cứu quốc Trung ương. Cuộc tri ngộ mới này đã cho Tú Mỡ cơ hội chuyển hẳn sang làm công việc yêu thích nhất đời là văn chương, ông lại giữ chuyên mục trào phúng, đánh địch, đúng sở trường của mình. Ông bắt đầu dùng bút danh Bút Chiến Đấu và những bài thơ đả kích sắc bén xuất hiện đều đặn trên báo chí kháng chiến: Văn điếu tướng Lơcléc, “Quan lớn” xin hàng, Tam khí Đờ Tát-xi-nhi, Câu chuyện tướng đi ỉa, Kế hoạch Na-va “thượng thò hạ thụt”…

Có thể nói, cuộc sống và sáng tác văn nghệ trong những năm kháng chiến chống xâm lược Pháp của Bút Chiến Đấu là ở vị trí tiên phong. Ông đi rất nhiều trên các nẻo đường chiến đấu, viết rất nhanh, và thơ trào phúng đả kích của ông đáp ứng được những mong muốn cùa lòng dân. Ông thật sự là nhà thơ bình dân. Rất tự nhiên, nhiều người dân đã quen gọi ông vắn tắt, thân mật là “bác Đấu”. Ngoài thơ, ông còn viết chèo. Nhiều vở chèo ông viết, dàn dựng và còn tham gia diễn xuất phục vụ nhân dân, bộ đội, như các vở Giết giặc trừ gian, Lưu Bình - Dương Lễ tân thời, Nhà sư giết giặc, Tổng động viên… Trên chuyên mục Anh hùng vô tận của báo Cứu quốc, Tú Mỡ còn dùng ngôn ngữ của vè dân gian kể những câu chuyện rất cảm động về những người sống tận tụy và nhân nghĩa trong những năm kháng chiến trường kỳ. Là tác giả Nụ cười kháng chiến, Anh hùng vô tận cùng hàng chục tập vè và chèo, sống và viết như vậy, Tú Mỡ là người nghệ sĩ đầu tiên được tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhì (1951), rồi hạng Nhất (1955); và được phong danh hiệu Chiến sĩ thi đua trong Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua toàn quốc năm 1952.

Kháng chiến thắng lợi, năm 1954 Tú Mỡ cùng đại gia đình trở về Hà Nội sống tại ngôi nhà ở Láng. Những năm này vẫn là thời kỳ đắc ý trên con đường sáng tác của ông, khi ngọn bút trào lộng sắc bén được thỏa sức đả kích xâm lược Mỹ và bè lũ tay sai vẫn âm mưu kéo dài việc chia đôi đất nước ta. Dưới tiêu đề Nụ cười chính nghĩa, cả loạt bài thơ của Tú Mỡ như Độc lập chi bay… rách váy bà, “Quốc khánh” hay “cuốc sỉ”, Ranh tướng Tay-lơ, Ngô Đình Diệm khóc Mắc-xay-xay, Xít-pen-man đến miền Nam, Phú Gian-sơn Xi-ty…đã trở thành những bài thơ đặc sắc trong dòng thơ trào lộng - đả kích của nền thơ ca Việt Nam hiện đại!

Còn có một mạch chữ tình trong thơ Tú mỡ

Sau khi xuất bản tập thơ đả kích Đòn bút, năm 1962, Tú Mỡ về hưu. Với người khác, về hưu là một bước ngoặt vào sự yên nhàn, nhưng với ông, vẫn luôn sống trong dòng đời tuôn chảy. Ông vẫn là Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ Việt Nam, đồng thời là Ủy viên thường vụ Ban chấp hành Hội Nhà văn khóa I và khóa II, được cái may là không phải họp hành mấy, Ít họp hành xương đỡ mỏi/ Năng mài năng dũa bút chưa cùn. Ngôi nhà có vườn rộng của Tú Mỡ, bốn mùa đầy cây và hoa, vẫn là nơi các bạn bè và đồng nghiệp luôn lui tới, trong đó có Thế Lữ, người bạn tri kỷ từ thuở họ là thành viên trong nhóm sáu người của Tự lực văn đoàn, tri kỷ suốt đời. Còn bạn thơ trào phúng như Phú Sơn, Lã Vọng, Huyền Thanh, Nguyễn Đình, Ngô Linh Ngọc, Thôi Sơn… thì thường xuyên đến họp mặt trao đổi kinh nghiệm, tạo hứng sáng tác.

Đã là Tú Mỡ, không thể mất đi cái hóm hỉnh đã có trong máu thịt cũng như trong thơ ông, nhưng đận này, đã trỗi lên trong ông một mạch trữ tình thật dịu dàng. Nhất là sau khi bà Tú mất năm 1968, lần đầu tiên thơ ông đầy nước mắt, Ôi, duyên nợ thế thôi là hết/ Năm mươi năm thắm thiết bên nhau/ Bà về trước, tôi về sau/ Thôi đành tạm biệt, nuốt sầu gượng vui (bài Khóc người vợ hiền). Tú Mỡ có 8 người con, Năm trai, ba gái bát tiên/ Trung, Hiền, Thảo, Dũng, Hùng, Chuyên, Vỹ, Cường; và nếu tính cả các cháu, đến năm bà Tú qua đời thì, Nội, ngoại vừa hăm bảy cháu ngoan. Tuổi già hạt lệ như sương, với Tú Mỡ, tuổi già cũng luôn được quây quần vui vầy cùng đàn cháu nhỏ, và mạch thơ trữ tình của ông là giành viết về gia đình, viết cho đàn cháu của ông. Do vậy, sau tập Đòn bút, đến năm 70 tuổi, ông lại có tập thơ Ông và cháu. Cái tôi trữ tình của Tú Mỡ trong mạch trữ tình cuối đời như một tiên ông, Cảnh thú điền viên, tiên thật đấy/ Chỉ duy thiếu vắng một tiên bà. Câu thơ trong trẻo, cũng ẩn chứa một nỗi thiếu vắng, buồn thấm thía. Có thể nói, mạch trữ tình của Tú Mỡ những năm cuối đời càng cho thấy tâm hồn đôn hậu, lạc quan và chan chứa tình yêu con người của nhà thơ trào phúng Việt Nam tiêu biểu trong thế kỷ XX.

Đầu năm 1975, Tú Mỡ viết bài thơ về việc Hội Nhà văn chuẩn bị làm ma… hụt cho ông, như một bày tỏ tình thương mến với bạn bè đồng nghiệp, Lần sau có định làm tang lễ/ Thì nên tổ chức đám ma… vui. Tuy vậy, sự lo lắng của đồng nghiệp và người thân là có lý, đến ngày 13 - 7 - 1976 nhà thơ Tú Mỡ qua đời, là ông đi tới cõi có tiên bà của ông đang ở! Đồng nghiệp và thân nhân thương tiếc ông rất nhiều. Và rồi, người đời còn nhớ thật lâu về Tú Mỡ, nhà thơ tài danh đã tiếp nối văn mạch trào phúng của người Việt ta, kể từ Hồ Xuân Hương, Tú Xương...

Anh Chi | Báo Văn nghệ

---------

Bài viết cùng chuyên mục:

Thu Bồn - một tình yêu quá cỡ Bài thơ "Cô hái mơ " của Nguyễn Bính Bức thư của Phùng Quán gửi cậu Bài thơ "Buổi sớm" của Tô Thi Vân Xuân Diệu: Tương tác thơ và đời
Thương con chiền chiện. Tản văn của Việt Tâm

Thương con chiền chiện. Tản văn của Việt Tâm

Baovannghe.vn - Cả một đồi cây sau làng là thế giới của các loài chim, nhiều lắm, chúng bay thành từng nhóm, từng bầy, có khi từng đôi, cũng có khi riêng lẻ…
Đổi mới sáng tạo Giáo dục Đại học: Cần định hướng và xây dựng chiến lược dài hơi

Đổi mới sáng tạo Giáo dục Đại học: Cần định hướng và xây dựng chiến lược dài hơi

Baovannghe.vn - Trong khuôn khổ " Ngày hội đổi mới sáng tạo" - hội thảo “Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong giáo dục đại học Việt Nam: Năng động và hợp tác” đã đặt ra và giải đáp nhiều vấn đề về Đổi mới Giáo dục đại học hiện nay.
Nhớ làng - Thơ Trần Chấn Uy

Nhớ làng - Thơ Trần Chấn Uy

Baovannghe.vn- Chào mào hót: cởi quách cái thử nào/ Cô gái trẻ giật mình cài lại yếm.
Giải thưởng - Thơ Thanh Quế

Giải thưởng - Thơ Thanh Quế

Baovannghe.vn- "Tác phẩm có ảnh hưởng tốt đến tư tưởng và tình cảm của nhân dân”/ Trong hội trường/ Anh vận bộ veston đỉnh đạc bước lên sân khấu nhận giải thưởng
Chuyện vãn ở La Thành - Thơ Lê Huy Mậu

Chuyện vãn ở La Thành - Thơ Lê Huy Mậu

Baovannghe.vn- Thi nhân ạ!/ Khó minh định rạch ròi/ Ta đang ở Giới nào trong Tam giới?/ Này thì rượu. Này thì thơ. Này thì em roi rói