Văn hóa nghệ thuật

Ú… oà… tiếng Việt!

Tịnh Thy
Sách
10:48 | 13/08/2024
Baovannghe.vn - Nhà báo Dương Thành Truyền (bút danh Duyên Trường) có niềm say mê đặc biệt với tiếng Việt, luôn phát hiện hoặc sưu tầm những điều kỳ lạ trong cái bình thường...
aa

Nhà báo Dương Thành Truyền (bút danh Duyên Trường) có niềm say mê đặc biệt với tiếng Việt, luôn phát hiện hoặc sưu tầm những điều kỳ lạ trong cái bình thường của “tiếng ta”. Vì vậy, ông được giao giữ chuyên mục “Ú… oà... tiếng ta” trên tờ Tuổi Trẻ Cười và viết bài thường xuyên cho mục “Tiếng nước tôi” trên Tuổi Trẻ và các tờ báo khác.

Mới đây, Dương Thành Truyền vừa xuất bản cuốn sách Tình ca Tiếng nước ta với 41 tản văn ghi chép về những cách thức chơi chữ trong tiếng Việt. Thú vị và đầy ngạc nhiên, đó là cảm giác của bạn đọc khi đọc cuốn sách này. Mỗi tản văn đều mang đến những điều bất ngờ khiến ta không khỏi thốt lên: “Ú… oà... tiếng Việt!”

Dương Thành Truyền là người kể chuyện có duyên. Dùng giọng văn dí dỏm để viết về những điều hóm hỉnh, ông như đang say sưa kể với chúng ta những cái hay ho đáng quý của tiếng Việt. Đằng sau những câu chuyện, câu chữ của Dương Thành Truyền, lấp lánh ánh mắt tinh nghịch, trí tuệ khôi hài và tình yêu sâu đậm của ông với ngôn ngữ của dân tộc.

Ú… oà… tiếng Việt!
Bìa cuốn sách Tình ca Tiếng nước ta

Tất cả những hiện tượng ngôn ngữ mà cuốn sách Tình ca Tiếng nước ta đề cập đều là những “biên bản từ cuộc sống” - cuộc sống của người xưa được lưu giữ qua văn bản văn học dân gian và cuộc sống hôm nay ngồn ngộn hiện thực sống động, từ ngôn ngữ truyền miệng mang trầm tích lịch sử cho đến ngôn ngữ “truyền mạng” mang hơi thở đương đại.

“Gi gỉ gì gi… cái gì cũng có”: chơi chữ, nói lái, đố chữ, giỡn chữ, vọc chữ, cà rỡn với chữ trong văn chương thi phú xưa nay cho đến cách nói năng của người Việt ở “thời đại số”, “thời mắc dịch” với muôn vàn sắc thái ngữ nghĩa khác nhau lần lượt được tác giả trình bày qua ngòi bút tung tẩy, giàu chất hoạt kê và ngập tràn cảm hứng.

“Từ báo đến sách, từ phát thanh đến truyền hình, từ văn bản hành chính đến thông điệp quảng cáo, từ tiếng nói sân khấu đến ca từ trong ca khúc, từ phát biểu nghị trường đến bình luận thể thao, từ lời ăn tiếng nói hàng ngày đến những cuộc đấu khẩu bên bàn nhậu, sân tập, chiếu bạc, ván cờ… đâu đâu cũng cho ta cơ hội nhận ra vẻ đẹp, sự đặc sắc và sức mạnh diễn đạt của tiếng Việt, của văn hoá Việt.” Người đọc sẽ được “thỏa thích thú” với thứ tiếng Việt bỏ túi được sưu tập bằng sự cần mẫn của một nhà báo. Rất nhiều hiện tượng ngôn ngữ trong cuốn sách là sinh ngữ - sống động, cập nhật, thời thượng và dĩ nhiên là chưa kịp xuất hiện trong các bộ từ điển tiếng Việt.

Dương Thành Truyền còn tham khảo rất nhiều sách vở, bao gồm ngữ liệu và tài liệu khoa học, để đưa ra những nhận định, kiến giải thuyết phục cho các hiện tượng ngôn ngữ; mặc dù, mục đích của cuốn sách nghiêng về sưu tầm hơn là khảo cứu. Điều đó cho thấy sự nhạy bén, chuyên tâm và cách làm việc rất khoa học, nghiêm túc của tác giả về một vấn đề hài hước tưởng chừng chỉ để “mua vui cũng được một vài trống canh” (Nguyễn Du).

Từ đặc điểm đơn tiết đa thanh, lại tiếp nhận yếu tố ngoại lai của các thứ tiếng Hán, Pháp, Anh…, người Việt đã tạo ra nhiều cách “chơi đùa cùng mẫu tự”, “ảo thuật” từ ngữ độc nhất vô nhị - “riêng một góc trời”: “see tình”, “tự teen sải bước vào tương life”, “đời thay đổi khi ta thôi đẩy”, “đừng mơ hão mà thành hao mỡ”, “một câu đựng trời trong cơi đựng trầu”; người Bắc nói “hợp nhãn”, người Nam nói “hạp nhỡn”; người Bắc nói “đang đi trên đường”, người Nam nói “đương đi trên đàng”… Quả là, tiếng Việt giàu đẹp, tiếng Việt kỳ thú!

Ngôn ngữ không đơn thuần là công cụ giao tiếp, đằng sau mỗi sự sinh sôi hay tàn lụi của một từ ngữ đều là dấu ấn của văn hoá và lịch sử dân tộc; đều ẩn chứa những câu chuyện rất dài, rất thú vị về nét ăn nết ở của người dân và những biến động về kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước. Vì thế, bằng việc cần mẫn sưu tầm, ghi chép ngôn ngữ, vô hình trung tác giả Dương Thành Truyền đã làm công việc của một người viết sử - lịch sử của đời sống, của sinh hoạt. Trong dòng chảy ngôn ngữ mà ông tái hiện một cách sôi nổi trên trang sách, ta có thể hình dung bức tranh đời sống của đất nước qua từng thời kỳ. Và, điều đáng nói là “tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau”, song hài hước thời nào cũng có (ý thơ Bình Ngô đại cáo, Nguyễn Trãi).

Tính hài đó chính là sức mạnh đưa đưa dân tộc vượt qua những gian nan trắc trở và khẳng định mình với thiên hạ. Cũng như con người, một dân tộc biết hài hước là một dân tộc thông minh và giàu tinh thần lạc quan. Vì thế, tiếng cười trong Tình ca Tiếng nước ta không chỉ là tiếng cười giải trí. Niềm thích thú, ngạc nhiên “ú… oà… tiếng Việt!” còn lan tỏa niềm tự hào đến người nói, người viết, người nghe, người đọc.

Tình ca Tiếng nước ta không chỉ là kho tư liệu quý giá về ngôn ngữ học, mà còn là cuốn sách thể hiện sự sáng tạo của người Việt thông qua việc sử dụng và làm giàu tiếng mẹ đẻ của mình. Đọc sách, bị cuốn hút bởi cách kể chuyện đầy hóm hỉnh của tác giả, ta thấy ngạc nhiên và kính nể trí tuệ dân gian. Và, quan trọng nhất là thấy yêu hơn tiếng Việt của mình - thứ tiếng “như bùn và như lụa, óng tre ngà và mềm mại như tơ” (thơ Lưu Quang Vũ).

Dương Thanh Truyền | Báo Văn Nghệ

--------

Bài viết cùng chuyên mục:

Nói chuyện đọc Sách NGƯỜI VIẾT cũng cần đọc sách nhiều hơn Hệ lụy khi nhà văn ít đọc sách "Tiệm sách Cơn Mưa" - Nuôi dưỡng niềm đam mê đọc sách Đọc sách và sách dành cho trẻ em - những vấn đề đặt ra trong đời sống sáng tác
Công chiếu 3 bộ phim đặc sắc của điện ảnh Việt Nam

Công chiếu 3 bộ phim đặc sắc của điện ảnh Việt Nam

Baovannghe.vn - Ba bộ phim đặc sắc được công chiếu "Dòng sông hoa trắng" ngày 11/12; "Cây bạch đàn vô danh" ngày 12/12 và "Người đàn bà mộng du" ngày 13/12
“Bài văn về trứng vịt lộn” đoạt giải Nhất Cuộc thi sáng tác truyện tranh

“Bài văn về trứng vịt lộn” đoạt giải Nhất Cuộc thi sáng tác truyện tranh

Baovannghe.vn - Vượt qua hai vòng chấm Sơ khảo và Chung khảo “Bài văn về trứng vịt lộn” đoạt giải Nhất Cuộc thi sáng tác truyện tranh do Nxb Kim Đồng tổ chức
Gió phương xa. Truyện ngắn dự thi của Trần Thủy

Gió phương xa. Truyện ngắn dự thi của Trần Thủy

Baovannghe.vn- Ngơ ngác, bấn loạn, tôi loanh quanh ở nhà chờ, nơi nhận hành lí để thoát ra ngoài. Cả ba tiếng đồng hồ trôi qua tôi chưa thấy gã. Gã lặn mất tăm với chiếc vali
Han Kang: “Tôi vô cùng sốc khi thiết quân luật một lần nữa lặp lại”

Han Kang: “Tôi vô cùng sốc khi thiết quân luật một lần nữa lặp lại”

Baovannghe.vn - Nhà văn Han Kang vừa có buổi gặp gỡ với báo chí tại Viện Hàn Lâm Thụy Điển trong thời gian chuẩn bị cho buổi nhận giải Nobel Văn chương.
Tờ lịch - Thơ Nguyễn Ngọc Tung

Tờ lịch - Thơ Nguyễn Ngọc Tung

Baovannghe.vn- Bóc tờ lịch cuối năm/ Mùa Đông còn chút lá