Với tôi, sông La vừa là ký ức, vừa là hiện tại với những mộng mơ, kỳ vọng tương lai. Với người ở vùng miền khác, tôi tin, ngoài những gì đã biết về dòng sông này qua thơ ca nhạc họa, thì sông La cùng đôi bờ trù phú thơ mộng còn có muôn vàn điều thú vị mà chỉ nơi đây mới có để họ khám phá, trải nghiệm.
Chạm vào sông
Chiều nay tôi tắm sông, từ bờ nam. Bến thoải dài, nước sông mát rượi. Dọc đôi bờ có khoảng dăm chục cái bến như thế. Nhưng, phía bờ đối diện bến nhiều hơn, do dòng chảy quãng này lệch về bờ bắc và do dân cư bên ấy đông đúc hơn, đặc biệt là đoạn làng nghề Bến Hến với Trường Xuân rồi giáo xứ Thọ Ninh. Mùa hè người tắm rất đông, đủ già trẻ gái trai, có cả những em nhỏ một hai tuổi được bố mẹ cho tập bơi. Tôi bơi ra giữa bãi cát chìm, nhìn ngắm cả dòng sông mênh mông mà thấy nhẹ nhõm, thư thái vô cùng. Cái bức bối vì thời tiết ẩm ương và bao nghĩ lo nhanh chóng mất đi. Gió phơn khô khốc chạm vào mặt sông biến thành những vệt hơi nước mát lành như lụa. Có phải ông cha xưa cũng vì cái cảm giác mát lành ấy cùng với hình sắc của nước và dáng vẻ mềm mại của dòng chảy mà gọi tên sông là La? “La”, nghĩa gốc là vải/dải lụa, dải là. Dải là chính là cái dải thắt lưng mềm mại quấn quýt hương tình mà Nguyễn Du từng miêu tả rất tinh tế ở phút Kim Kiều đắm say thề hẹn “Dải là hương lộn bình gương bóng lồng” đó thôi! Tìm hiểu ngọn nguồn lạch sông mà tự hào với bao trầm tích lịch sử; bất giác chạm được vào ngọn nguồn của chữ của tên sông mà cứ rưng rưng… Có phải vì sông La là lụa mà dòng êm, nước dịu? Có phải vì sông La là lụa mà tắm ở đây mát lành hơn bất kỳ dòng sông hay bãi biển nào khác?!
Dòng ký ức
Tôi xuất thân từ tả ngạn và định cư ở hữu ngạn dòng La. Nôm na là từ vùng ngoài đê tôi vào trong đê ở. Sự chuyển cư của thời chúng tôi là vì công việc, chứ không còn tâm lý “chạy/tránh lụt” như thời cha ông thường nói - cái thời phía ngoài đê năm nào cũng hứng chịu những trận bão lụt hoành hành. Những trận lụt dù để lại vô số phù sa, vẫn thường lấy đi rất nhiều yên ổn. Ấu thơ của tôi cũng từng trải qua, ám ảnh nhất là năm 1988. Nhà chúng tôi ngập tận nóc, cả gia đình sáu người sơ tán tứ phía. Với một con thuyền và một tay chèo, cha ở lại trực chiến, trông coi và giằng cột giữ mái kẻo nước cuốn trôi mất nhà. Mẹ và hai anh được tàu đến đón đi, cùng người làng tránh lụt và trông giữ trâu bò ở sân ga Chợ Thượng. Em út gửi nhà bà ngoại. Tôi được cha đưa qua bên nội, gửi nhà bác. Lụt ngâm cả nửa tháng, khiến nỗi hoang mang và nhớ nhà của thằng nhóc như tôi đủ tan biến. Khi được cha đón về, chỉ còn thấy ngấn phù sa in trên nửa bụi tre bạc phếch trong cái nắng ngầy ngậy nồng nồng, thấy sân nhà nhẵn thín hôm nào đã lầy lội nhão nhoét, đường sá bùn ngập tận đầu gối, cha mẹ và các anh ra sức dọn bùn để lấy đường đi… Rồi cả những trận lụt tiểu mãn, nước ngập băng đồng chẳng chịu rút ra sông, lúa gặt chất đầy sân, mọc mầm tua tủa mà mãi trời không chịu nắng; khoai úng nước bới về không thể cất được lâu…
Biết bao ký ức thời chăn trâu, cắt cỏ, tát mương bắt cá, tắm sông mò hến, đá bóng thả diều,... Còn nhớ cảm giác tập bơi sặc nước chết hụt, hốt hoảng ngoi lên khỏi mặt sông thấy trời như nở đầy sao; còn nhớ niềm vui bất ngờ khi cuối buổi đuổi trâu về tình cờ nhặt được những quả trứng vịt nơi cuối bãi; nhớ những lần theo mẹ lội sông bắt hến, vừa bắt vừa hình dung về những bát cơm canh mát ngọt giữa ngày hè; nhớ những ngày đông trời rét ra bãi bồi canh ngô chỉ biết ngồi đọc sách; và nhớ những lần giáp Tết theo bác Thảo xuống gần làng Tiền Phong bứt cỏ lác chất đầy khoang thuyền về cho trâu ăn cả chục ngày để yên tâm chơi Tết… Rồi cả mùi hương cỏ mật khô ngai ngái ngọt ngào nơi nương lạc vừa thu hoạch như vẫn còn quấn quyện vướng vít đâu đây. Đã hơn hai chục năm rồi tôi không tắm ở quãng sông quê nhà. Nhưng những hình ảnh thuở xưa dường như không cũ!
Bến Tam Soa. Ảnh: Quang Diện |
Sông La bây giờ
Tôi thường xuyên đi lại giữa đôi bờ, nhiều lần đi từ lưu vực đến thượng nguồn và đã chứng kiến muôn vàn sắc thái của La Giang. Dòng sông vốn hiền hòa những năm qua càng hiền hòa hơn, bởi thượng nguồn đã có những công trình thủy điện lớn án ngữ. Cư dân hai bên ngày càng quần tụ, đời sống các vùng quê khởi sắc nhờ hạ tầng phát triển, giao thương thuận tiện. Diện mạo tươi sáng của nông thôn mới, của đô thị văn minh đã thực sự hiện hữu, chứ không phải chỉ nghe trên báo, đài. Trong ánh nắng, nhìn đôi bờ sông La như thấy được nét tươi cười rạng rỡ của người Đức Thọ.
Tuần trước, đúng ngày rằm, tôi cùng các con đạp xe vòng từ thị trấn Đức Thọ vượt cầu Linh Cảm, qua chùa Phượng Tường, rồi rẽ theo bờ kè tả ngạn hướng cầu Thọ Tường về nhà. Phía tả ngạn đã có bờ kè chắc chắn từ cây số 4 đến cây số 11, mặt đường đủ để xe cộ lưu thông. Trong nắng chiều, trong bóng hoàng hôn, dưới ánh trăng rằm, dòng sông La hiện lên với những vẻ đẹp rất độc đáo và quyến rũ. Gió Lào nóng và khô, nhưng đón từ trên cầu Linh Cảm, thì gió từ Ngàn Sâu, Ngàn Phố thổi về mát rượi. Người đạp xe đứng hóng cả hàng dài. Từ trên cầu Linh Cảm, có thể thấy rõ tảng đá mà người xưa gọi là “Thi đàn”, có thể ngắm bến Tam Soa thơ mộng. Những áng mây ngũ sắc vừa tô điểm bầu trời vừa in hình nơi đáy nước thẳm sâu. Nhìn về xuôi là Ngưu Chữ (bãi Soi) trù phú xanh thẫm trong ánh hoàng hôn, dòng sông đoạn ấy nhẹ nhàng tách làm đôi ôm lấy bãi bồi. Vài chiếc du thuyền ngược xuôi nhấp nháy đèn màu. Trăng lên, đôi bờ cũng sáng đèn, đôi bên dòng sông và cả lòng sông lấp loáng. Dòng sông thành dòng ánh sáng của đèn và của trăng rằm huyền ảo. Dọc bờ kè và nơi các dốc bến, bao nhiêu người ra ngồi hóng gió, ngắm sông và tắm sông. Có nơi, bến được người dân xây dựng rộng thoáng, trồng cả cây bóng mát bên bờ, lắp đèn điện, có thể đặt cả chục bộ bàn ghế, thủy triều lên nước vây ba phía, tiếng sóng tiếng gió mơn man tận bên bàn. Theo bờ kè qua chợ Thượng rồi Bến Hến có thể cảm nhận rõ hơi ấm ngọt của nước hến lan tỏa trong không gian và có thể thấy hình ảnh một số người dân vừa ngồi hóng gió vừa ngồi đong ruột hến vào bao, sẵn sàng cho phiên chợ sớm mai…
Mơ ước tương lai
Ngắm La Giang về đêm, tôi liên tưởng đến sông Hương ở Huế, sông Hoài ở Hội An và nghĩ rằng khi được chăm chút đầu tư thì dòng sông quê tôi đẹp chẳng kém gì những dòng sông ấy, thậm chí còn có nhiều nét riêng biệt, độc đáo!
Nhưng sông La không chỉ có thể đẹp hơn về đêm. Dưới ánh sáng ban ngày, sông La cũng có rất nhiều sức hấp dẫn. Mỗi mùa, mỗi góc nhìn lại thấy sông lại hiện lên những vẻ đẹp khác nhau. Cũng như sông Hương và sông Hoài là điểm nhấn của một quần thể du lịch văn hóa, sông La không chỉ đáng trải nghiệm ở đôi bờ vùng phụ cận của thị trấn Đức Thọ. Theo dòng, ngược phía thượng nguồn Ngàn Phố và Ngàn Sâu, du khách tha hồ thưởng lãm sơn thanh thủy tú cùng biết bao sản vật, đặt chân lên bờ bãi phía nào cũng có những địa chỉ đặc sắc để dừng lại, để di dưỡng tinh thần. Phía Ngàn Sâu có thể ngắm nghía Ghềnh Tàng, tham quan Thạch Động Tự hay Diên Quang Tự, tìm về thành Vụ Quang xưa,… Phía Ngàn Phố có thể thăm di tích thành Lục Niên, Hải Thượng Lãn Ông hay lên suối khoáng Sơn Kim nghỉ dưỡng… Đôi bên bờ sông La xuôi về phía lưu vực có rất nhiều điểm dừng mà thời gian để khám phá là vô tận. Từ bến Tam Soa, phía hữu ngạn có đỉnh Quần Hội nơi đồng chí Trần Phú yên nghỉ, có làng khoa bảng Đông Thái, xa thêm chút là làng tiến sĩ Trung Lễ, nhìn sang tả ngạn là “làng linh mục” Thọ Ninh, rồi di tích đền Liên Minh thờ Hoàng hậu Bạch Ngọc, đền Trần Duy ở Tùng Châu,… Giữa dòng sông, có bãi Ngưu Chữ với những nếp nhà thuần Việt hiện tồn, mang tiềm năng của một khu du lịch sinh thái tương lai… Hướng về phía lưu vực dòng La, nơi gặp dòng Lam để đổ ra biển, là trùng trùng trầm tích lịch sử xoay quanh địa danh Phù Thạch và Lam Thành, nơi từng là trung tâm của xứ Nghệ trong nhiều thế kỷ… Ngược xuôi La Giang, có thể tỏa ra khám phá cả vùng thiên nhiên cùng văn hóa rộng lớn của xứ Nghệ xưa và nay.
Đến, ghé và nghỉ lại (nếu có các homestay thì hay biết mấy!) với đôi bờ La Giang thì có thể thưởng thức những gì? Rất nhiều đặc sản. Ấy là những món ăn được chế biến từ hến sông La như các kiểu hến xào, cháo hến, canh hến,…; là những món ăn được chế biến từ rươi của vùng Tùng Châu và Quang Vĩnh; là dầu lạc từ những cánh đồng phù sa mỡ màu nhất xứ Nghệ; là gạo, là rượu Đức Thọ; là bánh gai làng Khóng,… cùng rất nhiều sản phẩm hữu cơ được nuôi trồng ở đây. Và có thể mang về những gì? Nếu trải nghiệm La Giang – Đức Thọ cùng văn hóa xứ Nghệ, những điều du khách có thể mang về chắc chắn sẽ không đong đếm được.
Ước mong đôi bờ La Giang có thể phát triển kiểu như sông Hương, sông Hoài có lẽ không phải là mong ước hão huyền hay xa xôi gì lắm!
Thơ Xuân Hoài “Con đường về bến Tam Soa/ Như câu thơ đẹp trải ra đón mời” hay câu ca dao “Ai về Đức Thọ thì về…” vẫn gợi nhớ thương và mời gọi…
Nguồn: Tạp chí Hồng Lĩnh số 218 tháng 10/2024