Chuyên đề

Mẹ. Tản văn của Trần Mỹ Thương

Trần Mỹ Thương
Văn học địa phương
15:53 | 23/11/2024
Baovannghe.vn - Mẹ của con, chẳng một lời oán than dù phải thui thủi một mình khi chúng con lớn khôn sải cánh tự lập. Tuổi thất thập ăn ngủ vò võ một mình.
aa

Một chiều cuối thu gió xào xạc thổi qua đám cỏ lau khô quắt, ngồi bên cửa sổ, con ngồi gõ phím, những dòng đầu tiên về mẹ. Con đã viết, tuy không nhiều nhưng đủ để trải lòng mình, để tự cân bằng qua những chênh vênh nghịch cảnh. Đã có biết bao nhiêu nhân vật, bao nhiêu phận đời được con xây đắp, khắc vẽ nên. Vậy mà gom góp lại, con chợt xót lòng khi nhận ra: chưa có một trang nào con viết riêng về mẹ. Chao ôi!

Con lạch cạch gõ. Những thanh âm của ký ức như khe suối nhỏ róc rách reo vào tâm trí, tuôn ra qua những đầu ngón tay nhẹ lướt trên phím máy. Bố lên đường tham gia cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc ngay sau ngày cưới mẹ, nên mãi tám năm sau, khi bố trở thành bệnh binh xuất ngũ trở về, mẹ mới sinh anh cả, rồi đến chị. Nên khi sinh tới lượt con thì mẹ đã ngoài bốn mươi tuổi. Dáng người đàn bà ngoài bốn mươi in rõ vào ký ức mới tượng hình của một đứa trẻ lên năm, lên sáu. Tí tách tiếng nổ của những chú giun kim bị mẹ hơ vào ngọn đèn dầu leo lét mỗi đêm khi con mơ màng chìm vào giấc ngủ. Một đứa trẻ lên năm, lên sáu nhưng ghi khắc được cả những chuyện diễn ra vào lúc nửa tỉnh nửa mơ. Kỳ diệu thay, ký ức! Quên sao được, trong mỗi giấc ngủ chập chờn trên manh chiếu cói đã sờn xô những sợi, con liu thiu vào giấc, những chú giun kim bắt đầu cựa quậy. Ngày đó chuyện tẩy giun, diệt sán chỉ là chuyện của con nhà giàu, chuyện của người ở phố. Còn ở nông thôn, bụng đứa trẻ nào cũng chướng lên như bụng cóc, đau nhấm nhẳng như giả vờ. Người lớn chẳng để tâm, đứa nào chả thế. Vậy mà mẹ, đêm nào cũng lặng lẽ chong đèn, vạch mông từng đứa ra, tỉ mẩn gắp từng chú giun kim bé tẹo, hơ vào ngọn đèn dầu. Những tiếng nổ khe khẽ chạy qua tai, mùi khen khét xông vào mũi, kéo nhau ùa vào giấc ngủ đang thiêm thiếp của chúng con. Bóng mẹ in lên vách nứa nghiêng nghiêng, ghim vào giấc mơ con mồn một.

Mẹ. Tản văn của Trần Mỹ Thương
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Lạch cạch tiếng phím, vin vít tiếng roi. Mẹ chỉ thường vụt chúng con khi chúng con mải chơi bỏ quên trâu ăn lúa, lúc trốn ngủ trưa chạy theo mấy anh chị trong xóm ào ra vũng nước sâu. Khi ấy, trong suy nghĩ non nớt của một đứa trẻ, con giận mẹ. Con nhà người ta thỏa thích tắm suối, mà cớ sao mẹ cứ vít roi đuổi chúng con về nhà. Sau này lớn lên, ngụp lặn qua những nông sâu cuộc đời bất trắc, con mới hiểu, lằn roi ấy để giữ cho chúng con một tuổi thơ an toàn, một cuộc đời lành lặn, bởi anh em con vốn chẳng ai biết bơi, nước thì quẩn xoáy.

Con vẫn lạch cạch gõ. Tiếng cằn nhằn chửi mắng của mẹ ùa về, khi bước vào cuối cấp hai con bỏ ôn đi cùng đám bạn tụ tập ở tận bờ sông. Mẹ mắng, con lại giận hờn, hôm sau tan học tự ý một mạch đạp xe bỏ sang nhà dì ở tận cuối xã ngủ qua đêm. Có biết đâu cả nhà tìm loạn và mẹ khóc oặt người. Đến khi dì đưa về, thấy mắt bố vằn đỏ, nghiến răng ken két, còn mắt mẹ thâm quầng trũng sâu, con mới lí nhí nói lời xin lỗi.

Rồi tiếng những câu chuyện rôm rả, những tràng cười đùa vui vẻ bên mâm cơm đạm bạc đầm ấm cũng rủ nhau theo về trên những phím máy con gõ. Có cả tiếng đũa khẽ chạm vào miệng bát khi nhà ta gắp cho nhau những miếng ăn theo sở thích của mỗi người mỗi khi được mổ một con gà ri be bé. Mẹ thường gắp tim bỏ vào bát cho con rồi giục: “ăn đi cho khỏe tim, cả nhà có mình con còm nhom ốm yếu”. Đôi khi, vì con không chịu tập ăn thịt mỡ, mẹ thường mắng yêu: “Kén ăn cho lắm rồi mai kia đi học chuyên nghiệp xa nhà cho chết đói”, mắng vậy thôi, rồi mẹ lại xé phần mỡ, nhường tất cả phần nạc cho con.

Gia đình chúng ta là gia đình nông thôn kiểu mẫu lúc bấy giờ. Ý con là thời còn nghèo nhưng ăm ắp tình yêu thương và người lớn thì luôn làm những tấm gương sáng để con cái nhìn vào, soi rọi. Cho đến một ngày kia, khi chúng con đều đã khôn lớn trưởng thành. Cứ ngỡ rằng cuộc đời của mẹ từ đó sẽ viên mãn, tròn đầy, an nhàn hưởng lạc. Thì bất ngờ bố không còn muốn sống cùng mẹ nữa. Sau những can gián, nối ghép đầy bất lực, chúng con và mẹ vẫn không vá víu nổi vết rách toạc của tổ ấm gia đình. Mẹ lặng lẽ ký đơn. Tiếng bút ký không phát ra âm thanh nào cả. Cũng chẳng có tiếng khóc rưng rức nào của mẹ. Tuổi lục tuần, mẹ chấp nhận sống đời đơn thân, nước mắt chỉ lọc tọc rơi lúc mẹ ở một mình và thật hiếm lần chúng con bắt gặp. Hàng ngày, mỗi bữa cơm lách cách lẻ loi tiếng một đôi đũa va vào miệng một cái bát. Chỉ còn mình mẹ.

Mẹ của con, vốn chẳng phải người mẹ khéo léo tề gia nội trợ. Mẹ nấu ăn vụng về, bởi chỉ quen công việc ruộng nương trồng cấy. Mẹ của con, ngại ngần có mặt trong những cuộc họp phụ huynh đông đúc chớp nhoáng, nhưng lại kiên trì dành cả tiếng đồng hồ mỗi đêm để soi gắp giun kim cho con say giấc ngủ. Mẹ của con, chẳng sành việc đưa con đi sắm từ từng cái áo, manh quần, nhưng bất kể cái nào tuột chỉ, đứt cúc, rách gối, đều do một tay mẹ khâu, mẹ vá. Mẹ của con, những lúc chúng con ốm đau mẹ đều không biết cầm lái để đưa chúng con đi viện, nhưng chẳng ngại trèo đèo, vượt núi đi tìm những phương thuốc nam gia truyền để chữa bệnh cho con. Mỗi thang thuốc sắc xong, mẹ đều là người đầu tiên tự mình nếm thử, đắng ngọt thế nào tự mình điều chỉnh, hoặc giả có lấy nhầm mà trúng phải độc thì mẹ sẵn sàng là người đầu tiên và duy nhất chịu độc. Mẹ nhoẻn cười tỉnh khô khi nói về điều ấy.

Mẹ của con, chẳng một lời oán than dù phải thui thủi một mình khi chúng con lớn khôn sải cánh tự lập. Tuổi thất thập ăn ngủ vò võ một mình.

Vậy mà, trong những lúc chao đảo buồn đau, con chỉ cặm cụi tự chữa lành mình, viết cho những tổn thương bất lực của bản thân mà chưa hề viết về mẹ, chưa từng nhìn thấu nỗi đau của mẹ.

Giờ thì mẹ đang ngồi đây, ngay cạnh con, bình thản giở từng trang sách, tiếng sột soạt khẽ len vào tiếng phím gõ lạch cạch, con cố gắng rà nhẹ từng đầu ngón tay, để không phá vỡ đi phút an nhiên lúc ấy. Gió nhè nhẹ thổi vào từ ngoài khung cửa sổ, những sợi tóc lụa lấm chấm phai màu khẽ lay bay. Đôi thoảng, trong ánh chiều tà xuyên chiếu qua khung cửa sổ ấy, con ngẩn người ngắm mẹ, tưởng nhớ về dáng mẹ nghiêng nghiêng in trên vách nứa, in vào giấc mộng tuổi thơ con thuở nào.

Nguồn Văn nghệ Hà Giang số 10/2024

Tags:

Vị phố. Truyện ngắn dự thi Kiều Bích Hương

Vị phố. Truyện ngắn dự thi Kiều Bích Hương

Baovannghe.vn- Nhìn từ ngoài vào, Phở Hà lặng bặt trước cái siêu thị lúc nào cũng như siêu nước sôi réo. Phở Hà như cái bánh cuốn mỏng tang. Hàng thịt của ông Thổ như chiếc Kebab sắp bung nứt vì nhồi nhiều thịt và hành tím. Mỗi sáng Phở Hà nhường nhịn hàng người dài rì rầm trò chuyện chờ đến lượt vào hàng bánh mì Muối và Đường của chị Hà Lan phía bên kia phố.
Nhà thơ của đường Trường Sơn huyền thoại

Nhà thơ của đường Trường Sơn huyền thoại

Baovannghe.vn - Trong thế hệ nhà thơ những năm đánh Mỹ, Phạm Tiến Duật có nhiều đóng góp xuất sắc về giọng điệu thơ, về cách tân thơ. Ông dựng nên một tượng đài Trường Sơn hùng vĩ bằng thơ. Phạm Tiến Duật là nhà thơ của đường Trường Sơn huyền thoại...
Con mộng trắng. Truyện ngắn của Song Ngư

Con mộng trắng. Truyện ngắn của Song Ngư

Baovannghe.vn - Cái chuồng trâu nằm dưới gốc nhãn. Nó sơ sài, được quây bốn xung quanh bởi mười bốn thân cây gỗ to bằng bắp chân. Mái chuồng lợp tranh, trong mái tranh có đôi vợ chồng thằn lằn sống đã nhiều năm, đôi lần con mèo mướp tìm được mấy quả trứng thằn lằn nhỏ như đầu ngón tay út trẻ con, hình trái xoan, vỏ trắng mềm nhẵn nhụi.
Chiếu không - Truyện ngắn của Tống Phước Bảo

Chiếu không - Truyện ngắn của Tống Phước Bảo

Baovannghe.vn - Thiệt chỉ biết con người chỉ sống cuộc đời này một lần mà thôi. Vậy nên thương là thương, chứ câu nệ làm gì mấy chuyện xưa xa cũ càng. Chiếu đêm ấm hơi. Bếp tráng bánh bận đó cũng có đôi. Tiếng bìm bịp gọi bầy cũng ngọt lừ trên dòng sông Đợi.
Đêm cồng chiêng - Thơ Nguyễn Hoài Nhơn

Đêm cồng chiêng - Thơ Nguyễn Hoài Nhơn

Baovannghe.vn- Đất nén thở còn đêm thì quánh lại/ Bật vỡ không gian theo nhịp chiêng cồng