Lịch sử văn học thành văn của nước ta không mấy suôn sẻ. Tính từ sau công nguyên, chúng ta đã mất đi một nghìn năm Bắc thuộc, không có văn học viết bằng văn tự. Một nghìn năm tiếp theo thì có đến chín trăm năm phải dùng văn tự nước ngoài - chữ Hán, hoặc sau đó các trí thức yêu nước có sáng tạo thêm chữ Nôm, một hình thức dùng chữ Hán để ký âm tiếng Việt, gọi là văn chương quốc âm - và chỉ vỏn vẹn một trăm năm tiếp theo chúng ta mới có văn chương quốc ngữ. Bởi vậy, ý nghĩa lịch sử những năm vắt ngang giữa hai thế kỷ XX và XXI, là vô cùng quan trọng đối với tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội, trong đó có tiến trình văn học. Càng có ý nghĩa lớn lao hơn, vì đó còn là quãng thời gian đất nước vừa trải qua hai cuộc chiến tranh dai dẳng chống Pháp và chống Mỹ, vừa được hòa bình thống nhất chưa được bao lâu, lại phải đối đầu với hai cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc. Những gì chúng ta có được hôm nay, sau nửa thế kỷ nhìn lại, là sự nỗ lực của toàn dân, dưới lãnh đạo của Đảng, đã đem lại sự an vui và phát triển cho đất nước, trong đó có đời sống xã hội và văn chương xứ Huế.
1.1 Đất nước thống nhất và công cuộc đổi mới: Hòa bình, thống nhất là khát vọng của cả dân tộc và chúng ta phải gánh chịu nhiều hy sinh mất mát mới giành được. Nhưng sau năm 1975 với bao ngổn ngang của thời hậu chiến, niềm vui hân hoan, đoàn tụ của cả hai miền Nam Bắc chưa trọn vẹn, thì lại phải dốc sức cho hai cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam và phía Bắc, và nhất là những khó khăn về kinh tế bao cấp thời chiến tranh còn tồn đọng, bị cấm vận, những thiếu thốn trăm bề, không chỉ ở miền Bắc mà còn chuyển sang cả miền Nam sau cuộc cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh. Xứ Huế nói chung và văn chương xứ Huế nói riêng, cũng không là ngoại lệ. Cũng vẫn phát huy tinh thần yêu nước vốn có của con người ở vùng đất trầm tích nhiều vỉa tầng văn hóa, tiếp tục đưa con em ra chiến trường, tích cực tham gia khắc phục hậu quả chiến tranh, thực hiện công cuộc đổi mới, mà trong đó không thể thiếu vai trò của người cầm bút, lực lượng nhạy cảm và quan trọng trong việc xây dựng diện mạo đời sống tinh thần của một vùng đất.
Từ bức tranh hiện thực của đất nước đang quẩn quanh trước thực trạng bao cấp, kìm hãm bùng nhùng, với những thiếu thốn lưu cửu và đòi hỏi bức bách cần phải đổi thay để phát triển, người lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam lúc bấy giờ là Tổng Bí thư Trường Chinh, đã có tầm nhìn chiến lược về quy luật vận động của lịch sử và nhận ra vấn đề cốt tử của vận mệnh đất nước, đề ra một quyết sách có ý nghĩa chiến lược Đổi mới là đòi hỏi bức thiết của đất nước và thời đại và chuyển giao cho người kế nhiệm chức vụ Tổng Bí thư là Nguyễn Văn Linh, làm tổng công trình sư tổ chức thực hiện. Có thể nói, đó là một cuộc “cách mạng” làm thay đổi toàn bộ các lĩnh vực đời sống kinh tế-xã hội, mà trước hết là thay đổi cái nhìn, tầm nhìn làm lay chuyển tâm tư nguyện vọng của toàn dân. Trong đề án thiết kế của mình, về văn học nghệ thuật Trường Chinh còn nêu rõ “ngoài việc thể hiện những con người tốt, việc tốt thì cũng phải nêu lên, phải vẽ ra những con người xấu, việc xấu để mọi người khinh ghét, tránh xa những cái xấu, làm như vậy không phải là để lên án chế độ mà để chống lại những con người, những sự việc làm trái với lý tưởng cao đẹp của chủ nghĩa xã hội (...), cần chú ý xây dựng trong tác phẩm của mình những hình tượng chân thực, truyền cảm, có sức thuyết phục cao về những người lao động chân chính đang lao động chân tay và trí óc quên mình, dũng cảm vượt qua mọi thiếu thốn, khó khăn, vượt qua sự cám dỗ ma quỷ để xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, đóng góp tích cực vào sự nghiệp đổi mới mà Đảng ta đã đề ra...”[1]. Đó tiếng nói lương tâm của thời đại, là chân trời rộng mở, đánh thức cảm quan và tài năng sáng tạo cho văn nghệ sĩ cả nước, trong đó có xứ Huế vốn là nơi có truyền thống, là hằng số tự nhiên như thảm cỏ xanh ươm đầy nhựa sống sẵn dành cho văn chương nghệ thuật thăng hoa.
Theo thống kê chưa đầy đủ Huế có đến hàng trăm tác giả đang sinh sống bằng nhiều ngành nghề khác nhau, và đang rong ruổi trên con đường sáng tạo văn học. |
1.2. Đội ngũ sáng tạo - hòa chung một dòng: Có thể nói, chưa có thời điểm nào trong lịch sử văn chương xứ Huế, lại có một đội ngũ những người viết đông đảo như nửa thế kỷ qua, kể cả thời Huế còn là trung tâm / vàng son của cả nước, với những thành tựu của văn chương chữ Hán, chữ Nôm và chứng kiến bước chuyển giao rộn ràng trong buổi giao thời của văn chương quốc ngữ.
Nửa thế kỷ qua có đến mấy thế hệ cầm bút xuất hiện, gối đầu, đồng hành và tiếp tục bổ sung cho nhau. Thế hệ sau 1975, là những người viết đến từ nhiều nguồn, thậm chí có tính đa cực, nhưng khác với nhiều nơi ở các đô thị miền Nam, người viết văn ở Huế hội nhập, nhanh chóng hòa chung một dòng và cùng chung niềm mong ước: xây dựng một nền văn học, văn hóa tinh thần giàu bản sắc dân tộc, đậm đà văn hóa Huế; cho dẫu ở thời điểm mười mấy năm đầu trong môi trường văn nghệ Bình Trị Thiên, hoặc sau này là văn nghệ Thừa Thiên Huế. Nguồn lực đông nhất là những người từ trên rừng và từ miền Bắc trở về, hoặc từ hai tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị nhập lại như Thanh Hải, Xuân Hoàng, Lương An, Nguyễn Khoa Điềm, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Tô Nhuận Vỹ, Tống Hoàng Nguyên, Hải Bằng, Hoài Nguyên, Trần Phương Trà, Trần Công Tấn, Nguyễn Đắc Xuân, Nguyễn Khắc Phê, Nguyễn Quang Hà, Hà Khánh Linh, Trần Vàng Sao, Vĩnh Nguyên, Nguyễn Trọng Tạo, Thái Ngọc San, Võ Quê, Mai Văn Tấn, Nguyễn Khoa Bội Lan, Hoàng Vũ Thuật, Lâm Thị Mỹ Dạ, Lê Thị Mây, Vũ Mạnh Lập, Xuân Đức, Hồng Thế, Lê Đình Ty, Nguyễn Khắc Thạch... hội nhập cùng với các tác giả sáng tác trong nội thành như Phan Văn Dật, Bửu Ý, Trần Duy Phiên, Trần Hữu Lục, Trần Hồng Quang, Tần Hoài Dạ Vũ, Huỳnh Ngọc Sơn, Lê Văn Ngăn, Ngụy Ngữ, Trần Phá Nhạc, Tiêu Dao Bảo Cự, Nguyễn Xuân Hoa, Trần Đại Vinh, Phan Thuận An, Lê Nhược Thủy, Nguyễn Đông Nhật, Lê Gành, Trần Đình Sơn Cước, Phạm Tấn Hầu, Văn Hữu Tứ, Trần Văn Hội, Kiều Trung Phương… tạo nên một dòng chảy ào ạt, mênh mang theo bến bãi, bờ xa. Ngoài một số tác giả cũng sáng tác tại nội thành, nhưng tự mình đã phân cực đối lập (như trường hợp Nhã Ca) hoặc do hoàn cảnh cá nhân / gia đình (Quách Thoại, Minh Đức Hoài Trinh, Túy Hồng, Linh Bảo...) đã ra nước ngoài, trong số phần lớn những tác giả ở lại, hầu hết đều là người từng tham gia phong trào đấu tranh đô thị, nên hầu như không có sự chững lại, mà nhanh chóng tiếp tục bắc nhịp với dòng chảy văn chương thời kỳ hòa bình, thống nhất của cả dân tộc. Ví như, trường hợp Tần Hoài Dạ Vũ, chỉ sau khi lực lượng nội thành làm chủ thành phố Huế (25.3.1975) hơn mười ngày, nhà thơ đã có bài Mưa giải phóng in trên báo Nhân dân tại Hà Nội (9.4.1975). Cảm thức về cuộc hành quân thần tốc như một trận mưa lớn trải rộng dài phủ khắp miền Nam, được coi “là bài thơ đầu tiên của những cây bút trưởng thành từ phong trào sinh viên học sinh miền Nam mừng ngày giải phóng được đăng trên tờ báo của Đảng”[2], trong đó vang lên niềm hân hoan, hạnh phúc đến muốn vỡ toang lồng ngực:
Cho tôi hét, cho tôi hò vỡ phổi
Cho tôi ôm hôn tất cả mọi người
Cho tôi uống no đầy hạnh phúc nhân dân
Khi ngước mặt đón cơn mưa giải phóng
Thế hệ người viết trưởng thành từ sau năm 1975 như Nhất Lâm, Lê Gia Ninh, Nguyễn Văn Vũ, Bửu Nam, Trần Thùy Mai, Phạm Phú Phong, Nguyễn Quang Lập, Mai Văn Hoan, Ngô Minh, Hải Kỳ, Nguyễn Thị Bích Hải, Trần Hoàng, Dương Thành Vũ, Nguyễn Văn Phương, Nguyễn Hới Thọ, Hồ Thế Hà, Ngàn Thương, Phạm Xuân Phụng, Lê Viết Xuân, Trần Tịnh Yên, Lê Ngã Lễ, Nguyễn Thiền Nghi, Nguyễn Việt, Phạm Ngọc Túy, Trần Hạ Tháp, Bảo Cường, Trương Thị Cúc, Tô Vĩnh Hà, Nguyễn Nguyên An, Nguyễn Đức Sĩ Tiến, Văn Công Toàn, Đức Sơn, Triệu Nguyên Phong, Trường Thắng, Phạm Xuân Phụng, Tôn Nữ Ngọc Hoa, Lê Thị Hoài Nam, Đỗ Văn Khoái, Lê Thị Hường, Dương Phước Thu, Lãng Hiển Xuân, Nguyễn Loan, Hà Văn Lưỡng, Thúy Nga, Nguyên Quân, Việt Hùng, Ngô Cang, Nguyễn Tuất, Lê Viết Tường, Nguyễn Thị Thái... Sự kiện chia tách và tái lập tỉnh Thừa Thiên Huế vào năm 1989, cũng gây ít nhiều xáo trộn về đội ngũ. Những người quê gốc ở hai tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị trở về quê để xây dựng quê hương. Một số người tình nguyện ở lại, nhận Huế là quê hương thứ hai, trong đó có cả nhiều người ở các tỉnh khác ven biển miền Trung. Ngược lại, thời gian này cũng có nhiều tác giả từ Huế, do hoàn cảnh công tác/ đời sống, đã lan tỏa đến nhiều vùng đất khác nhau và tiếp tục có những đóng góp quan trọng cho đời sống văn học cả nước như Tố Hữu, Phùng Quán, Trần Phương Trà, Trần Công Tấn, Nguyễn Thị Ngọc Trai, Trần Thanh Đạm, Thái Vũ, Lê Trọng Sâm, Trần Duy Phiên, Trần Hữu Lục, Lê Văn Ngăn, Lê Gành, Tiêu Dao Bảo Cự, Lê Nhược Thủy, Trần Văn Hội, Trần Chi...
Một thế hệ đông đảo và sung sức, là sản phẩm của công cuộc đổi mới, đang dần trở thành chủ nhân của đời sống văn học thế kỷ XXI - những người nắm giữ tương lai văn học của xứ Huế và đóng góp cả đất nước. Họ là những người được đào tạo tử tế, đến với văn học không phải do sự thúc bách của đời sống mà do ý thức từ trong sâu thẳm của tâm hồn, ý thức trong việc chọn đường và có thể hành nghiệp lâu dài đối với văn chương. Đó là các tác giả Phạm Thị Cúc, Nguyễn Thị Duyên Sanh, Từ Nguyễn, Hoàng Thu Thủy, Lê Công Doanh, Trần Bá Đại Dương, Nguyễn Thành, Nguyên Du, Thái Cẩm Thủy, Hà Ngọc Hòa, Nguyễn Khoa Diệu Hà, Tôn Nữ Diệu Hạnh, Nguyễn Duy Tờ, Hồ Đăng Thanh Ngọc, Nguyễn Văn Quang, Đặng Thị Ngọc Phượng, Bạch Lê Quang, Nguyễn Phước Hải Trung, Phạm Nguyên Tường, Hoàng Thị Huế, Trần Huyền Sâm, Nguyễn Thị Tịnh Thy, Lê Huỳnh Lâm, Phi Tân, Nguyễn Lãm Thắng, Lê Vĩnh Thái, Lê Tấn Quỳnh, Nguyễn Văn Thuấn, Trần Nguyễn Khánh Phong, Nguyễn Thống Nhất, Châu Thu Hà, Đông Hà, Lưu Ly, Trang Thùy, Nhụy Nguyên, Ngô Công Tấn, Phan Thuận Thảo, Lê Minh Phong, Nguyễn Văn Hùng, Phan Tuấn Anh, Đặng Văn Sử, Lê Vũ Trường Giang, Nguyễn Vũ Tuấn, Trần Băng Khuê, Phan Trọng Hoàng Linh, Meggie Phạm, Nguyễn Thùy Trang, Hồ Tiểu Ngọc...
Theo thống kê chưa đầy đủ của chúng tôi, có đến hàng trăm tác giả đang sinh sống bằng nhiều ngành nghề khác nhau, và đang rong ruổi trên con đường sáng tạo văn học. Họ vừa lao động kiếm sống vừa miệt mài sáng tạo, ngày càng bồi đắp cho nền văn chương xứ sở, để không phụ lòng thế hệ những người đi trước và không thua kém bất kỳ vùng đất nào trên cả nước, kể cả hai trung tâm lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
Có thể nhận ra, cảm hứng chủ đạo của văn học xứ Huế nửa thế kỷ qua là bài ca hân hoan chào đón sự kiện thống nhất non sông, những hồi ức đau thương về chiến tranh, những ngợi ca công cuộc xây dựng cuộc sống trong tiến trình đổi mới. Điều đó không chỉ là nội dung mỹ cảm có ý nghĩa tập trung, mà còn hướng đến những khám phá mới về hình thức, tuân thủ những quy luật sáng tạo mới, đem lại những thành tựu có ý nghĩa căn cốt trên các lĩnh vực chủ yếu của lãnh địa văn chương như thơ, văn xuôi và nghiên cứu, lý luận, phê bình.
2.1. Thơ: Chắc là khi phát hiện ra đẳng thức Huế, Đẹp và Thơ (1939) từ những năm khởi đầu của văn chương quốc ngữ, Nam Trân không căn cứ trên số lượng đội ngũ những người làm thơ ở Huế thuở ấy, mà căn cứ trên những rung động từ trong sâu thẳm của tâm hồn trước cảnh vật và con người, núi sông và cây cỏ... những tác động không ngừng của vùng sinh quyển đậm đặc chất liệu mỹ cảm, mà tự nó như nó vốn có, tự nhiên đã là nghệ thuật. Nhưng nếu tính về số lượng, vào thời điểm đó, Huế cũng áp đảo. Chỉ tính riêng trong số 46 tác giả được Hoài Thanh “bầu” vào Thi nhân Việt Nam (1942) đã có 18 tác giả trưởng thành từ Huế, lúc ấy đang sống và sáng tác tại Huế (trong đó có 7 người sinh ra và lớn lên ở Huế). Vậy là, Nam Trân đã đúng khi khẳng định nơi đây là vùng sinh quyển của mỹ cảm, của cái Đẹp, cái dành cho nghệ thuật Thơ.
Mỗi nhà thơ ở xứ thơ đều là chủ nhân của một gia sản giàu có, khó mà thống kê cho thật đầy đủ. Trong sự am hiểu có giới hạn của mình, mỗi tác giả chúng tôi chỉ nêu vài ba tác phẩm tiêu biểu được sáng tác trong năm mươi năm qua, như sau: Vĩnh Nguyên với Mây đá nhớ nhau (1989), Chòi ngắm sóng (2004); Nguyễn Khoa Điềm với Ngôi nhà có ngọn lửa ấm (1986), Cõi lặng (2007); Lê Ngã Lễ với Chiêm bao (1998), Lục bát bồng bềnh (2003); Triệu Nguyên Phong với Say nắng (2004), Rơm rạ chiều quê (2011); Trần Tịnh Yên với Nẻo quyên ca (2000), Gai sen (2014); Võ Quê với Mười thương em bé (1993), Một thuở xuống đường (2001); Nguyễn Khắc Thạch với Dòng sông một bờ (1989), Mưa hai mặt (2002); Nguyễn Thiền Nghi với Thuở biết yêu người (1994), Giấc mơ chữ (2010); Ngàn Thương với Nến chiều (2002), Giấc khuya (2013); Lâm Thị Mỹ Dạ với Bài thơ không năm tháng (1983), Đề tặng một giấc mơ (1998), Hồn đầy hoa cúc dại (2007); Ngô Minh với Chân dung tự họa (1989), Chân sóng (1995), Thơ tặng (2007); Mai Văn Hoan với Ảo ảnh (1988), Lục bát thơ (2006), Đức Sơn với Dấu lạ (2005); Văn Công Toàn với Khúc ru tình (2014); Huỳnh Dung với Dấu yêu tình đầu (2021), Chợt tỉnh mơ hoa (2023); Lê Viết Xuân với Thơ viết cho em (1988), Gió kể (2014); Từ Nguyễn với Như một nỗi đời riêng (2009), Nhặt lá mùa xưa (2011); Nguyễn Duy Từ với Huế mùa đông 1999 (trường ca, 2019), Đất thiêng (trường ca, 2023); Nguyễn Văn Quang với Vay mượn trần gian (2005), Trở dạ (2014); Bạch Diệp với Vũ điệu lam (2011), Mùa Bạch Diệp (2020); Phạm Nguyên Tường với Hoa cúc mùa thu (1994), Quang gánh và những bài thơ khác (2006); Nguyễn Lãm Thắng với Điệp ngữ tình (2007), Đầu non cuối bãi (2014); Lê Vĩnh Thái với Ký ức xanh (2004), Ngày không nhớ (2010); Lê Tấn Quỳnh với Linh ngọc (1998), Những giỏ hoa của thời gian (2014); Lưu Ly với Bốn mùa yêu (2005), Gọi em ở cuối thiên đường (2010), Giấc mơ của trái tim em (2016); Đông Hà với Người đàn bà che mặt (2010), Đi ngược đám đông (2014); Châu Thu Hà với Khúc đêm (2002), Nhận mặt thời gian (2023); Ngô Công Tấn với Vòng tay mưa (2013)...
Cũng từ góc độ số lượng, thời kỳ này những nhà thơ ở Huế không những đông, số lượng tác phẩm được ấn hành khá nhiều, mà còn có cả những cây bút văn xuôi có tham gia làm thơ và loại thể nào cũng hay, không thua kém gì nhau. Các cây bút văn xuôi như Hồng Nhu có các tập thơ Ngẫu hứng về chiều (1988), Nước mắt đàn ông (1992), Chiếc tàu cau (1995), Rêu đá (1998); Hoàng Phủ Ngọc Tường có Dấu chân qua thành phố (1976), Người hái phù dung (1992); Nguyễn Quang Hà có Nghe tiếng gà trên điểm chốt (1976), Gửi em cô gái đỏng đảnh (2019); Hà Khánh Linh có Trăng cứu rỗi (1995), Những bọt bóng màu (1998); Nhất Lâm có Vú đá (2009); Nguyễn Nguyên An có Cơn mê của gió (2011); Phạm Xuân Phụng có Nỗi buồn của Chúa (2010); Nguyên Quân có Nhảy múa cùng smartphone (2021); Nguyễn Quang Lập có Kỷ niệm thời trai trẻ (1988); Hồ Đăng Thanh Ngọc có Đi qua cánh rừng (2009), Chiếc ô đi lẻ (2013); Nhụy Nguyên có Lập thiền (2011), Khi người ta cúi mặt (2016)... Chưa kể các nhà nghiên cứu lý luận, phê bình cũng có những tập thơ hay, đạt các giải thưởng cao như Nguyễn Đắc Xuân, Nguyễn Xuân Hoa, Hồ Thế Hà, Nguyễn Phước Hải Trung, Phan Tuấn Anh.
Nhìn chung, những tác giả tiêu biểu cho giọng điệu thơ Huế, được bạn đọc quan tâm và đạt các giải thưởng cao ở trung ương và địa phương trong thời gian qua là Nguyễn Khoa Điềm, Hồng Nhu, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Khắc Thạch, Lâm Thị Mỹ Dạ, Ngô Minh và nhiều người khác nữa. Trong thơ của những tác giả này không chỉ thể hiện tâm thức của con người xứ Huế với nhiều vỉa tầng văn hóa, những nội dung mỹ cảm của sông núi, cỏ cây, hoa lá, mà còn hướng đến những vấn đề mà cả nước quan tâm, trong xu thế đổi mới và hội nhập với thế giới, trong vòng khí quyển của hòa bình, độc lập, thống nhất, với tư thế: Ta lớn lên bằng niềm tin rất thật / Biết bao nhiêu hạnh phúc có trên đời (Nguyễn Khoa Điềm). Thơ Huế bây giờ không chỉ thể hiện sự vận động của lý tưởng thẩm mỹ, mà còn đổi mới một cách triệt để về thi pháp biểu hiện.
2.2. Văn xuôi: Đối với văn chương tưởng tượng, nói đến văn xuôi là chủ yếu gồm ba thể văn chủ lực của văn học hiện đại là tiểu thuyết, truyện ngắn và các tiểu loại ký. Về đặc trưng thể loại, các thể văn này có mối quan hệ gần gũi, có sự giao thoa, tích hợp và xuyên thấm lẫn nhau, cũng có người thành công với nhiều thể văn, nhưng cũng tùy thuộc vào “cái tạng” của mỗi người, trong từng thời kỳ sáng tạo có thể có những thành công khác nhau. Ví như, đối với nhà viết ký tài hoa Hoàng Phủ Ngọc Tường, cho dù có khi ông viết truyện dài như Bản di chúc của cỏ lau (1986) những vẫn phảng phất “mùi” bút ký. Với cây bút truyện ngắn xuất sắc Hồng Nhu, thì các truyện dài Vẫn chuyện phiêu lưu (1985), Đồi trở gió (2008) cũng chỉ là những truyện ngắn viết dài. Ngược lại, cây bút nữ mang đậm tâm thức xứ Huế Trần Thùy Mai, đã định hình khi gặt hái nhiều thành công với thể loại truyện ngắn từng được bạn đọc chú ý lâu nay, mấy năm gần đây lại nổi bật với tiểu thuyết dài tập, khi chị cho công bố các tiểu thuyết lịch sử Từ Dụ thái hậu (2 tập, 2018), Công chúa Đồng Xuân (2 tập, 2023).
Các tác giả tiểu thuyết có nhiều thành công tiêu biểu như Nguyễn Khắc Phê với Chỗ đứng người kỹ sư (1980), Biết đâu địa ngục thiên đường (2010); Tô Nhuận Vỹ với Dòng sông phẳng lặng (3 tập, 1973-1984), Vùng sâu (2012); Nguyễn Quang Hà với Thời tôi mặc áo lính (1990), Vùng lõm (2008); Hà Khánh Linh với Chiến tranh và sau chiến tranh (1989), Lửa kinh đô (2010); Dương Thành Vũ với Nguyệt thực (1999); Phạm Ngọc Túy với Bình minh ơi trở lại (2008); Nguyễn Nguyên An với Trường đại học của tôi (2007), Bầu trời cổ tích (2010); Nguyễn Việt với Đằng sau hồ sơ chết (1987), Người lính đào hoa (2000); Tô Vĩnh Hà với Tro và lửa lạnh (1998), Em biết anh là ai (2001); Meggie Phạm với Hoàng tử và em (2010), Tôi và em (2013)... Ở thể loại này, những người có đóng góp sung sức nhất là Hà Khánh Linh với 21 tác phẩm, Nguyễn Quang Hà với 17 tác phẩm, Nguyễn Khắc Phê với 10 tác phẩm và cây bút trẻ Meggie Phạm với 5 tác phẩm. Các tác giả truyện ngắn tiêu biểu như Hồng Nhu với Thuyền đi trong mưa ngâu (1995), Lễ hội ăn mày (2001); Phạm Xuân Phụng với Câu chuyện bên hồ (1997), Nghệ thuật lửa (2000); Nguyễn Thi Duyên Sanh với Nơi ấy sẽ là nhà (2019), Vẫn còn nắng trên đồi (2022); Trần Thùy Mai với Thị trấn hoa quỳ vàng (1998), Thập tự hoa (2003);Việt Hùng với Cô gái hoàng hôn (1997), Sứ giả (2010), Bạch Lê Quang với Thõng tay vào chợ (2010); Lê Minh Phong với Chưa đủ để gọi là khoảnh khắc (2011), Trong tiếng reo của lửa (2014); Lê Vũ Trường Giang với Ngủ giữa trùng sơn (2013), Bạc màu áo ngự (2023)... Những người có đóng góp nhiều cho thể loại này là Trần Thùy Mai với 11 tác phẩm, Hồng Nhu với 9 tác phẩm. Ở các tiểu loại ký, nổi bật là Hoàng Phủ Ngọc Tường với Rất nhiều ánh lửa (1979), Ai đã đặt tên cho dòng sông (1986); Nguyễn Văn Dũng với Linh Sơn mây trắng (2006), Lời tự tình của một dòng sông (2013); Hồ Đăng Thanh Ngọc với Chuyện Huế (2008), Đôi triêng gióng của mạ (2011); Nguyễn Xuân Hoàng với Ký ức quỳnh hương (2007), Cõi tạm phù hoa (2011); Nguyên Du với Nhất Huế nhì Sịa (2020), Sông Hương đôi bờ thương nhớ (2021); Phi Tân với Về Huế ăn cơm (2021), Bên sông Ô Lâu (2022), Trang Thùy với Thơm xứ Thần kinh (2021)...
Đặc biệt, xứ Huế có nhiều tác giả đa tài, thành công với nhiều thể loại, như Hồng Nhu, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Quang Hà, Vĩnh Nguyên, Nhất Lâm, Hà Khánh Linh, Ngô Minh, Nguyên Quân, Trần Thùy Mai, Phạm Nguyên Tường...
2.3. Nghiên cứu, lý luận, phê bình: Cứ nhìn vào bảng lược đồ văn học cả nước, trong năm mươi năm qua, sau Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, thì Huế vẫn là một trong ba trung tâm văn chương lý trí của cả nước. Bởi, Huế là trung tâm đào tạo đại học có truyền thống lâu đời, có các tạp chí nghiên cứu chuyên sâu như Huế xưa và nay, Nghiên cứu Huế, Khoa học và phát triển, và nhất là Tạp chí Sông Hương - cơ quan ngôn luận của Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Thừa Thiên Huế, ra đời trước thềm của công cuộc đổi mới (1983).
Có đến mấy thế hệ những người viết nghiên cứu, lý luận, phê bình hành nghiệp trên đất Huế mấy mươi năm qua. Đó là lực lượng tại chỗ từng có những đóng góp nghiên cứu, dịch thuật trong nội thành trước năm 1975, trong đó có cả những người hoạt động trong phong trào yêu nước đô thị như Bửu Ý, Nguyễn Hữu Châu Phan, Tôn Thất Bình, Phan Thuận An, Hồ Tấn Phan, Trần Đại Vinh, Nguyễn Xuân Hoa, Bửu Nam, lại được bổ sung bởi đội ngũ các tác giả từ miền Bắc và trên chiến khu trở về như Lương An, Nguyễn Văn Hạnh, Phạm Văn Sỹ, Nguyễn Đắc Xuân, Phan Ngọc Thu, Trường Ký, Lê Xuân Việt, Tạ Đình Nam, Khải Phong... Ở thời kỳ mở đầu sau ngày đất nước thống nhất, cuộc sống còn bao cấp, giấy in cũng khan hiếm, hoạt động nghiên cứu, lý luận, phê bình chưa có gì nổi bật, chỉ có mấy công trình nghiên cứu về văn học dân gian của Tôn Thất Bình, hoặc những buổi nói chuyện về tác giả, tác phẩm, những bài phê bình, điểm sách in trên các báo của Lê Xuân Việt là đáng chú ý. Điều đáng lưu ý là, trong số họ cho đến nay, có nhiều người chuyên nghiên cứu về văn hóa Huế, và không ít người mặc định được tôn vinh là “nhà Huế học” như Nguyễn Đắc Xuân, Trần Đại Vinh, Nguyễn Xuân Hoa, Phan Thuận An, Hồ Tấn Phan.
Lực lượng nghiên cứu, lý luận, phê bình nhanh chóng phát triển trong đội ngũ giảng viên ở hai trường đại học Sư phạm và Tổng hợp (nay là Đại học Khoa học), nhằm nâng cao trình độ của những thầy cô giáo thành các nhà khoa học, thông qua hoạt động nghiên cứu, lý luận, phê bình. Về tuổi tác có thể chênh nhau dăm ba tuổi, nhưng họ xuất hiện gần như cùng lúc, tự đào tạo / hoàn thiện trở thành những cây bút chủ lực trong hoạt động học thuật với nhiều hình thức tọa đàm, hội nghị, hội thảo, in ấn và công bố công trình, tác phẩm đầy sôi động gần nửa thế kỷ qua: Phan Hứa Thụy, Triều Nguyên, Nguyễn Thị Bích Hải, Trần Hoàng, Trần Thái Học, Lê Thị Bích Lộc, Phạm Phú Phong, Trần Viết Điền, Hồ Thế Hà, Hồ Vĩnh, Nguyễn Thành, Lê Thị Hường, Dương Phước Thu, Phan Thị Đào, Hà Văn Lưỡng, Đặng Thị Ngọc Phượng, Nguyễn Duy Tờ... Những người viết khỏe như Hồ Thế Hà, Phạm Phú Phong, Dương Phước Thu, Trần Hoàng, đã là chủ nhân của vài chục đầu sách, tuân thủ theo một hệ thống quan niệm và phong cách riêng, khẳng định tư cách chuyên gia về một số lĩnh vực nhất định. Hồ Thế Hà vận dụng phân tâm học vào nghiên cứu, phê bình thơ Việt Nam hiện đại; Phạm Phú Phong vận dụng thi pháp học hiện đại vào giải mã văn xuôi và tiến trình văn học; Dương Phước Thu vận dụng văn bản học vào nghiên cứu báo chí, văn hóa Huế; Trần Hoàng thành công với công việc sưu tầm, nghiên cứu văn học dân gian miền Trung... Bên cạnh đó, còn phải kể đến các nhà sáng tác có tham gia vào lĩnh vực nghiên cứu, phê bình và đã đem lại những thành công đáng ghi nhận như Nguyễn Khắc Phê, Mai Văn Hoan, Võ Quê, Nguyễn Phước Hải Trung, Lê Huỳnh Lâm, Meggie Phạm, Lưu Ly.
Đặc biệt, từ sau đổi mới (1986) đến những năm đầu của thế kỷ XXI, đã xuất hiện các nhà nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học trẻ, một thế hệ mới với phương pháp và góc nhìn, giọng điệu và cảm thức đều mới mẻ - thế hệ những người được đào tạo tử tế, có khả năng làm thay đổi diện mạo tương lai văn học của xứ sở và đất nước: Nguyễn Phước Hải Trung, Trần Huyền Sâm, Hoàng Thị Huế, Nguyễn Thị Tịnh Thy, Nguyễn Thị Kim Ngân, Nguyễn Văn Thuấn, Thái Phan Vàng Anh, Nguyễn Văn Hùng, Phan Tuấn Anh, Trần Nguyễn Khánh Phong, Thanh Tâm Nguyễn, Phan Trọng Hoàng Linh... Cùng với các nhà sáng tác trẻ, lớp người này mang lại những tín hiệu mới và kỳ vọng cho người đọc trong tương lai.
Nghệ thuật và đổi mới có cùng một bản thể không chia cắt. Từ trong bản thể của nghệ thuật luôn thể hiện quy luật không lặp lại. Đành là vậy, nhưng nhìn chung không chỉ có nghệ thuật, mà sự sáng tạo nào cũng là sáng tạo cái mới. Nhưng ở đây, những tín hiệu mới đáng để người ta kỳ vọng, là những nhân tố mới mang bản lĩnh văn hóa triệt để một cách toàn diện, đáp ứng sự mong đợi và kỳ vọng của mọi người trong tiến trình vận động của đời sống xã hội và lịch sử nghệ thuật. Khác với các lĩnh vực khác, lịch sử là cái đã qua / thuộc về quá khứ, còn đối với nghệ thuật, lịch sử là cái còn lại / thuộc về hiện tại và tương lai.
3.1. Tín hiệu mới từ phía người sáng tạo: Không khí đổi mới đã mở ra cả một chân trời cao rộng cho sáng tạo nghệ thuật. Đổi mới cũng bắt đầu từ những con người cũ. Thật khó mà vượt qua những thói quen cũ, trong cách nghĩ, cách làm với cái nhìn và cảm quan đã từng ăn sâu trong tâm thức, nên không thiếu những lực cản, những lúng túng, bùng nhùng đôi khi khó gỡ. Nhưng đối với thế hệ trẻ, đổi mới vẫn nguyên vẹn giá trị và không thể đảo ngược. Họ được tiếp thu một cách cẩn trọng và có chọn lọc các trào lưu mới một cách chính đáng, từ việc nhận thức đúng bản chất của các trào lưu hiện đại, tiếp thu chủ nghĩa hậu hiện đại, tân hình thức, liên văn bản, liên văn hóa, nữ quyền luận, phê bình sinh thái... Cái mới đến với người trẻ là trinh nguyên, tươi mới và nguyên vẹn, được tiếp thu bởi những cảm quan vô nhiễm, không vướng phải những bụi bặm của cuộc đời, lại phù hợp với giọng điệu mới mẻ của người mới bước chân vào con đường hành nghiệp. Sinh thời, cố họa sĩ Bửu Chỉ có câu nói lặp đi lặp lại cửa miệng như một tuyên ngôn nghệ thuật, rằng: “Bằng chính tôi, tôi đến với cuộc đời!”. Câu này, xem ra rất phù hợp với những người sáng tạo trẻ hôm nay.
Chỉ riêng với lĩnh vực văn chương nghệ thuật, một lĩnh vực mà tự thân nó đã luôn phải mới, thì dường như về mặt chủ thể, khi đề ra đổi mới là nhằm đến những con người cũ, đòi hỏi họ phải nghĩ khác, xoay nhìn theo hướng khác, đi theo con đường khác, nói bằng một giọng điệu khác... Còn đối với thế hệ trẻ, những người trưởng thành trong vòng sinh quyển của công cuộc đổi mới, từ hơi thở đến giọng điệu tâm hồn đều thẩm đẫm cái mới, là sản phẩm của thời đại, họ đích thị là nhân tố mới của thời đại hôm nay. Hơn nữa, như đã nói, thế hệ trẻ là những người được đào tạo tử tế, nên họ không hề lãng quên hoặc phủ nhận quá khứ, qua từng trang văn đầy nhiệt huyết của họ, người đọc có thể tìm thấy cả những gì xưa cũ và mới mẻ của Huế nguyên khôi!
Điều đáng mừng là những tín hiệu mới, đến từ cả những người sáng tác lẫn nghiên cứu, lý luận, phê bình. Ở phía những người sáng tác, nổi lên những gương mặt trẻ như Bạch Lê Quang, Nhụy Nguyên, Lê Minh Phong, Lê Vũ Trường Giang, Trần Băng Khuê, Nguyễn Vũ Tuấn, trong đó có cả những người tuổi đời không còn trẻ, nhưng chỉ mới chạm tay vào cánh cửa văn chương là trở thành nhà văn như Nguyễn Thị Duyên Sanh, Nguyên Du, Nguyễn Khoa Diệu Hà, Phi Tân. Ở phía những người nghiên cứu, phê bình đội ngũ đông hơn, nhờ có môi trường học thuật của xứ Huế, như câu nói đã quá cũ, rằng “lý luận có khi đi trước một bước”, nhưng lại đúng trong trường hợp này. Đó là các tác giả trẻ, như Nguyễn Phước Hải Trung, Trần Huyền Sâm, Nguyễn Thị Tịnh Thy, Nguyễn Thị Kim Ngân, Nguyễn Văn Thuấn, Thái Phan Vàng Anh, Nguyễn Văn Hùng, Thanh Tâm Nguyễn... Cá biệt, có những người nổi bật cả sáng tác lẫn nghiên cứu, phê bình như Phan Tuấn Anh, tác giả của các tập thơ Người ngủ muộn (2008), Đoản khúc (2013) và các công trình Gabriel García Márquez và nỗi cô đơn huyền thoại (2015), Văn học Việt Nam đổi mới-từ những điểm nhìn tham chiếu (2019) và Những khu vực văn học ngoại biên (2020); hoặc trường hợp Meggie Phạm, tác giả của bộ truyện dài liên hoàn 5 tập Hoàng tử và em (2010, 2011), Giám đốc và em (2011, 2012), Chàng và em (2012, 2013), Người xa lạ và em (2013), Tôi và em (2014), đã được tái bản nhiều lần và công trình nghiên cứu về văn học đô thị miền Nam Chút nắng phương Nam (in chung, 2022). Cần phải nói thêm, cũng có một vài cây bút, mới xuất hiện chưa được bao lâu đã báo hiệu về bản lĩnh và tài năng, như những cơn mưa đầu mùa có tia chớp, tiếc rằng đã sớm vội đi xa như trường hợp Lê Viết Tường, hoặc Nguyễn Xuân Hoàng.
Mỗi người chỉ sống và làm việc trong một thời đại nhất định. Nhà văn là người phát ngôn cho thời đại của mình. Không ai có khả năng nói thay cho tất cả mọi thời. Vì vậy, điều quan trọng không chỉ là ở con người / nhân vật, ở cách nhìn và cảm quan nằm sâu trong tâm thức sáng tạo, mà còn ở giọng điệu tâm hồn, được biểu hiện thành sức mạnh của ngôn từ có thể làm lung lay tâm tưởng của nhiều thế hệ người đọc, soi chiếu nguồn sáng văn hóa nhân văn lên bức tường vách của thời gian, đang cần có sự đổi thay một cách bức thiết và triệt để, và dường như, cũng đang thao thiết gọi mời tiếng nói của tri âm. Những tín hiệu mới được phát ra, có sức vẫy gọi mạnh mẽ đối với mọi người, cũng là sức sống lâu bền trong tâm tưởng của người đọc văn chương. Nhìn từ phía khác, những tín hiệu mới không chỉ phát ra từ chân trời rộng rinh của sáng tạo, mà còn tạo ra từ môi sinh cuồn cuộn chảy một cách có ý thức của người thưởng thức nghệ thuật, là sự tự giác đòi hỏi riết róng về những kỳ vọng mới chính đáng của họ, trước một thiết chế xã hội mới, trong thời đại mới – một thế giới phẳng có ý nghĩa toàn cầu.
3.2. Kỳ vọng của người đọc: Nửa thế kỷ văn học hòa bình, thống nhất cũng là thời gian vắt ngang cân đối giữa hai thế kỷ XX và XXI. Đó cũng là thời gian mà cả thế giới đã trải qua những biến động dữ dội chưa từng có, có sự chia phe, phân luồng, phân cực một cách phức tạp, với bao cuộc đối thoại, đối đầu, thậm chí có cả những cuộc chiến tranh đẫm máu giữa các láng giềng. Tình hình đó chi phối mạnh mẽ đến tâm thức sáng tạo của nhà văn. Hơn ai hết, nhà văn là người nhạy bén với cái mới, phải có một phép ứng xử văn hóa nhằm đánh thức thiên lương con người, đưa con người trở lại với bản chất văn hóa nhân văn vốn có của nó.
Huế ngày nay đã đánh mất vai trò trung tâm, bởi không còn là kinh đô của cả nước. Nhưng Huế hôm nay, trong thời điểm nhìn lại năm mươi năm đất nước thống nhất, cũng là lúc chúng ta dốc hết những nỗ lực cuối cùng để đưa Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025 theo tinh thần Nghị quyết số 54-NQTW, ngày 10.12.2019 của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam. Tình hình đó đặt ra bao nhiêu vấn đề về kinh tế-xã hội, an ninh, quốc phòng, an sinh xã hội, môi trường sinh thái, hệ hình văn hóa... Ngay cả những thiết chế xã hội liên quan đến văn hóa, nghệ thuật cũng buộc phải có những đổi thay, nhằm bảo lưu và làm giàu có thêm đời sống văn hóa-nghệ thuật ở một vùng đất có bề dày truyền thống lâu đời. Người viết văn không thể không quan tâm đến những đòi hỏi và kỳ vọng của người đọc trước tình hình mới. Ví như, khi chạm đến những yêu cầu theo tiêu chí đạt chuẩn về các lĩnh vực dân số, diện tích, y tế, giáo dục, văn hóa, môi trường, đô thị hóa, cơ sở hạ tầng, thu nhập bình quân đầu người, mức tăng trưởng, xây dựng nông thôn mới... không phải là những con chữ lạnh lùng, như đàn kiến bò qua dưới mắt vô cảm, lạnh lùng của người sáng tạo, mà tự nó đã tượng hình thành những hình tượng / sinh thể nghệ thuật, không chỉ ghi dấu một thời điểm quan trọng trong lịch sử thành phố mà còn có sức sống lâu bền trong tâm tưởng nhiều thế hệ người đọc trong tương lai. Hình tượng là bản chất trừu tượng của sự vật, hiện tượng. Hình tượng văn học sáng lấp lánh từ ngôn từ. Ngôn từ sinh ra từ con chữ. Chữ chỉ là cái vỏ ngữ âm vật chất của ngôn từ. Nhưng chữ có hồn của chữ. Chữ qua tay người cầm bút hoặc gõ trên bàn phím, chữ đều mang hơi ấm, khí chất từ tâm hồn người sản sinh ra nó. Huế là vùng đất đậm đặc tài hoa thẩm mỹ. Người viết ở xứ Huế giàu có về sự tinh tế và sức mạnh về ngôn từ, trong những thời điểm lịch sử sang trang mới như hiện nay, người đọc có quyền kỳ vọng vào lực lượng cầm bút đông đảo nơi đây, nhất là những người viết trẻ. Họ chính là những người gánh trên vai trọng trách thực hiện những gì mà thế hệ đi trước chưa làm được hoặc không làm được. Có thể tiên cảm được về hình tượng một xứ Huế đẹp lung linh, rực rỡ sẽ hiện ra qua bức màn nhung thắm đỏ của tâm hồn những người viết trẻ.
Văn chương xứ Huế đã chung kết năm mươi năm với bài ca thống nhất, để bước sang một giai đoạn / thời kỳ mới, trước một vận hội mới của một thành phố Huế trực thuộc Trung ương không ít khó khăn nhưng rực rỡ sắc màu. Mọi kỳ tích / sắc diện thẩm mỹ và những quầng sáng tương lai đang lấp lánh cuối chân trời, có sức vẫy gọi âm vang trước tầm đón đợi của mọi người. Trong bao la vô cùng tận, từng đợt sóng ngôn từ sẽ dựng cao những hình tượng kỳ vĩ cho một thời đại mới, thỏa bao nỗi khát khao, ước muốn, mong chờ.
[1] Trường Chinh (1987), Đổi mới là đòi hỏi bức thiết của đất nước và thời đại, Nxb Sự thật, tr.66
[2] Vu Gia (2020), Một tiếng thơ phản chiến, báo Người Lao động, số ra ngày 30.4.2020.
==========
Bài tham luận tại Hội nghị Lý luận phê bình lần thứ V