Sau khi hợp nhất tạp chí Văn nghệ (1957-1963) của Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam với tuần báo Văn học (1958-1963) của Hội Nhà văn Việt Nam, tuần báo Văn nghệ, cơ quan của các hội thành viên trong Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam, ra số 1 vào ngày thứ sáu, 3/5/1963. Chủ nhiệm: Nguyễn Đình Thi, thư ký tòa soạn: Hoàng Trung Thông. Tòa soạn ban đầu đặt tại trụ sở Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam, 51 Trần Hưng Đạo, Hà Nội, về sau chuyển tới 17 Trần Quốc Toản.
Dung lượng báo gồm 16 trang A3, “mười sáu thửa ruộng hợp thành cánh đồng”, như cách gọi của Phạm Tiến Duật khi nhà thơ từ Trường Sơn gửi lời mừng báo Văn nghệ ra số 500 (1/6/1973).
![]() |
Báo Văn nghệ hiện nay. Ảnh TL |
Phản ánh hoạt động của tất cả các ngành văn nghệ, nhưng báo vẫn dành số trang nhiều nhất cho văn học. Khoảng 4-6 trang sáng tác văn xuôi (ký, truyện), 2 trang thơ, 2 trang phê bình, 2 trang văn học nước ngoài; chỉ có chừng 2-4 trang cho một vài trong số nhiều ngành nghệ thuật: sân khấu (và nghệ thuật biểu diễn nói chung), điện ảnh (và nhiếp ảnh), mỹ thuật (hội họa, điêu khắc). Trang nhất là manchette báo, giới thiệu các bài vở đáng chú ý nhất. Trang cuối dành cho văn nghệ trào phúng (tranh biếm họa, thơ châm biếm, đả kích, “đánh địch” và “xây dựng nội bộ”).
Có thể không nhiều người còn nhớ, ngay khi tuần báo Văn nghệ thời kỳ mới này đi vào hoạt động, đời sống văn nghệ miền Bắc đã gặp những sóng gió. Cuốn truyện Vào đời (của Hà Minh Tuân) xuất hiện, bị dư luận của một công chúng có phần quá nhạy cảm, quá “cảnh giác” trước những trang đời được miêu tả có màu đen tối, “tiêu cực”, đã lên tiếng phê phán kịch liệt tác phẩm này trên nhiều tờ báo. Lãnh đạo Hội nhà văn, nhà xuất bản Văn học phải vào cuộc. Tổ phê bình của báo Văn nghệ phải tổ chức tường thuật và tổng kết đợt phê phán tác phẩm này, kéo dài suốt 3 tháng trong năm 1963.
Rồi ngay sau đó, do việc lãnh đạo cấp cao chủ trương học tập nghị quyết chống “chủ nghĩa xét lại hiện đại” trong tư tưởng và văn nghệ, trang phê bình của tuần báo Văn nghệ phải tổ chức những chùm bài phê bình tiểu luận cảnh báo giới văn nghệ và công chúng, nêu những dấu hiệu cần lưu ý, những motyf “nhạy cảm” ở một số tác phẩm sân khấu, văn học, điện ảnh của các tác giả Việt Nam hoặc tác phẩm của các nước anh em, đã được dịch in, được trình diễn, trình chiếu trên miền Bắc.
Thế nhưng đời sống văn nghệ những năm 1960s có nhiều tín hiệu vui.
Đầu tiên là sự xuất hiện lớp tác giả trẻ trong sáng tác, trước hết là thơ. Tập Sức mới (Nxb. Văn học, 1965) dù chỉ 200 trang in khổ nhỏ, với lời giới thiệu của nhà thơ đàn anh Chế Lan Viên, đã trình diện vài chục cây bút trẻ, dù mỗi tác giả chỉ một vài bài. Những người sinh thập niên 1940s ấy về sau sẽ đoạt hầu hết giải thưởng các cuộc thi thơ do tạp chí Văn nghệ, tuần báo Văn nghệ tổ chức. Cuộc thi 1960-61: Ca Lê Hiến, Triều Ân (giải nhì). Cuộc thi 1965: Hoàng Hưng, Nguyễn Thái Sơn (giải ba). Cuộc thi 1969-70: Phạm Tiến Duật (giải nhất), Vương Anh, Bế Kiến Quốc, Phan Thị Thanh Nhàn (giải nhì), Vương Trọng, Mã Giang Lân, Vũ Duy Thông, Trần Nhật Thu, Vũ Châu Phối, Nguyễn Hữu Phách (giải ba). Cuộc thi 1972-73: Nguyễn Duy, Hoàng Nhuận Cầm, Lâm Thị Mỹ Dạ, Nguyễn Đức Mậu (giải nhất), Anh Ngọc, Lâm Huy Nhuận, Cảnh Trà (giải nhì). Cuộc thi 1975-1976: Hữu Thỉnh, Văn Lê, Anh Ngọc (giải A), Lê Đình Cánh, Huyền Sâm, Đoàn Việt Bắc (giải B), v.v. Từ khá sớm, giới làm thơ yêu thơ đã thừa nhận những cây bút thế hệ này như Lưu Quang Vũ, Bằng Việt, Xuân Quỳnh, Phạm Ngọc Cảnh, Vũ Quần Phương, Thi Hoàng, v.v.
Lặng lẽ hơn, lớp tuổi sinh những năm 1940s cũng dần dần có mặt trong văn xuôi, với những Đỗ Chu, Lê Lựu, Triệu Bôn, Ngọc Tú, Nguyễn Quang Thân, Cao Tiến Lê, Lý Biên Cương, Nguyễn Thị Ngọc Hải, v.v.
Báo Văn nghệ hầu như là nơi đăng tải những tác phẩm đầu tay của hầu hết các nhà thơ, nhà văn này.
Những năm miền Bắc gánh chịu “chiến tranh phá hoại” cũng xuất hiện một số trẻ em làm thơ, nổi bật là Trần Đăng Khoa; báo Văn nghệ là nơi đầu tiên đăng bài thơ đầu tay của “thần đồng” này (Ảnh Bác, VN s.212, ngày 19/5/1967).
Dư luận xã hội, dư luận báo chí miền Bắc thời ấy từng “sốt” với những lá thư Từ tuyến đầu Tổ quốc (1963), với câu chuyện Sống như Anh (1965). Sáng tác của các nhà văn trong lực lượng “văn nghệ giải phóng” miền Nam là một mảng thông tin rất đáng kể của báo Văn nghệ.
Việc thành lập Hội Văn nghệ giải phóng miền Nam Việt Nam (15/7/1961) được đưa tin khá sớm, thời còn báo Văn học (s.158, ngày 4/8/1961). Chi tiết về Giải thưởng văn học nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu (1965) của Hội Văn nghệ giải phóng, được đăng tải trên các báo ở Hà Nội, trong đó có Văn nghệ (s.147, ngày 18/2/1966).
Tòa soạn báo Văn nghệ ở 17 Trần Quốc Toản, Hà Nội, cũng là nơi thường xuyên đón tiếp các nhà văn miền Nam ra thăm miền Bắc.
Qua tuần báo Văn nghệ, công chúng miền Bắc được biết đến nhiều tác phẩm và dư luận về sáng tác của các tác giả như thơ Thanh Hải, Giang Nam, Thu Bồn, truyện ngắn Nguyễn Thi, Nguyễn Quang Sáng, truyện và bút ký Nguyễn Trung Thành, Anh Đức, Trần Hiếu Minh, Trần Đình Vân, Thủy Thủ, Lê Vĩnh Hòa v.v
*
Thời gian đầu, báo Văn nghệ nêu tên một “hội đồng biên tập” gồm chừng mươi tên tuổi nổi tiếng thuộc nhiều ngành văn học nghệ thuật khác nhau, tuy trên thực tế không làm việc trực tiếp tại tòa soạn; đây là dư âm cách trình diện công chúng của báo chí kiểu cũ. Về sau, cơ cấu nhân sự của tờ báo tương ứng hoàn toàn với thực tế công việc làm báo. Tòa soạn gồm một số ban (tổ) biên tập, mỗi ban lo bài vở cho một trang mục tương ứng: trang văn, trang thơ, trang phê bình-lý luận, trang nghệ thuật, trang văn học nước ngoài, trang thời sự chính trị. Ban thư ký gồm chủ nhiệm, thư ký tòa soạn (sau đó thay bằng hai chức danh: tổng biên tập, phó tổng biên tập). Ngoài ra cơ quan báo có bộ phận hành chính trị sự, gồm văn phòng, họa sĩ trình bày, nhân viên đánh máy, sửa in, phát hành.
Từ khi ra số đầu (tháng 5/1963), tính đến năm 1975, giữ chức vụ Tổng biên tập là Nguyễn Đình Thi, sau đó chuyển sang Hoàng Trung Thông, Hoài Thanh, Bảo Định Giang, Nguyễn Văn Bổng. Chức phó tổng biên tập từ Hoàng Trung Thông sang Vũ Tú Nam. Tham gia biên ủy (cùng tổng, phó tổng biên tập) là Tế Hanh, Bùi Hiển, Bùi Huy Phồn.
Công việc biên tập các trang báo Văn nghệ vốn cần đến năng lực và năng khiếu viết văn viết báo. Hầu hết các biên tập viên của báo Văn nghệ thời kỳ này là những tên tuổi đã thành danh hoặc qua hoạt động biên tập và viết cho tờ báo này mà thành nghề, thành danh. Tổ biên tập thơ từng có Trinh Đường, Vĩnh Mai, Phạm Hổ, Trang Nghị, Xuân Quỳnh, rồi Ngô Văn Phú, Bế Kiến Quốc, v.v. Tổ biên tập văn xuôi từng có Mạnh Phú Tư, Mộng Sơn, Võ Huy Tâm, Đỗ Quang Tiến, Nguyễn Thành Long, Trần Hữu Thung, Hoài An, Nguyễn Thị Cẩm Thạnh, Ngọc Tú, Trần Hoài Dương, Ngô Ngọc Bội, v.v… Tổ biên tập lý luận phê bình từng có Hoàng Trung Nho, Khái Vinh, Thiếu Mai, Hữu Nhuận, Ngọc Trai, v.v… Tổ biên tập văn học nước ngoài từng có Trịnh Như Lương, Ngô Vĩnh Viễn, v.v… Tổ biên tập nghệ thuật từng có Nguyễn Trân, Trần Vượng, Xuân Trình, Hồng Phi, Từ Lương, Phan Thanh Nam, v.v... Tổ biên tập thời sự chính trị, tin tức văn hóa văn nghệ từng có Thành Thế Vỹ, Trung Sơn, Huỳnh Huy Phượng. v.v… Trình bày mỹ thuật báo trong nhiều năm là các họa sĩ Phạm Hữu Trí, Lê Chính, với sự cộng tác của nhiều họa sĩ tên tuổi như Văn Cao, Bùi Xuân Phái, Sỹ Ngọc, v.v… Tại báo Văn nghệ có những người đã “vào nghề” trải nghiệm từ công việc sửa in (correcteur) lên biên tập văn thơ, lên đến công việc tổ chức sắp xếp bài vở các số báo của một phó tổng biên tập báo, ví dụ nhà thơ Hoàng Minh Châu(1)
Làm biên tập không phải là chỉ ngồi tại tòa soạn chọn bài vở từ các tác phẩm của cộng tác viên các nơi gửi về. Biên tập báo Văn nghệ, nhất là biên tập trang văn xuôi, thường đồng thời là phóng viên, đi cơ sở tìm hiểu thực tế, viết thành các phóng sự, ký sự cho báo. Ngoài các chuyến đi của từng phóng viên, báo còn cùng Hội Nhà văn tổ chức những chuyến đi thực tế về vùng mỏ, về hải cảng, về các ngư trường, về nông thôn hợp tác xã, và nhất là vào tuyến lửa Quảng Bình, Vĩnh Linh, v.v. Những chuyến đi như thế đã chuyển hóa thành những tác phẩm đẫm hơi thở cuộc sống chiến đấu, sản xuất khắp miền Bắc những năm tháng này, lan tỏa tới công chúng qua các trang bút ký, trang truyện, trang thơ trên báo Văn nghệ.
Sống và làm việc trên miền Bắc những năm “chiến tranh phá hoại” của máy bay không quân Mỹ, cũng như nhiều công nhân viên chức các đô thị lớn khác, cán bộ nhân viên tòa soạn Văn nghệ đã sơ tán về vùng nông thôn ở Bình Đà, rồi Quốc Oai thuộc tỉnh Hà Tây. Cách tổ chức đời sống phân tán này gợi nhớ tới nhiều bậc đàn anh làm tạp chí Văn nghệ thời kháng chiến tại Việt Bắc trước kia, tuy đời sống lúc này tại miền Bắc chỉ là nửa thời chiến nửa thời bình. Tất nhiên tại trụ sở 17 Trần Quốc Toản vẫn luôn luôn có một số cán bộ, biên tập viên thường trực, nhận và chuyển bài của cộng tác viên, thư từ của bạn đọc tới nơi tòa soạn sơ tán, đồng thời làm nhiệm vụ của đội “tự vệ”, bảo vệ cơ quan.
Trong 12 ngày đêm cuối năm 1972 máy bay Mỹ ném bom Hà Nội, tổ trực chiến báo Văn nghệ không chỉ lo bảo vệ trụ sở báo, mà còn chia nhau đi đến những điểm dân cư bị trúng bom, đi đến các trận địa pháo cao xạ, viết các bút ký về những đau thương của thường dân, về sự chiến đấu oanh liệt của lực lượng phòng không-không quân Việt Nam giáng trả lũ “giặc trời”. Số báo Văn nghệ mà trang đầu là ảnh nhà văn Nguyễn Tuân đội mũ sắt lên xe com-măng-ca đến trận địa pháo cao xạ, chứng kiến bộ đội phòng không chiến đấu, để có tài liệu viết thêm bài cho đề tài “Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi” của mình, là số báo thể hiện thời điểm quyết liệt nhất của thủ đô Hà Nội trong cuộc kháng chiến lần này (1).
--------------
1. Hoàng Minh Châu: “Tôi làm báo”, trong cuốn: Nửa thế kỷ báo “Văn nghệ”, 1948-1998, Nxb. Hội nhà văn, H., 1998, tr.217-224.
*Rút từ Kỷ yếu 75 năm Báo Văn nghệ