Nhìn một cách tổng quan, nước ta chia làm ba vùng miền có sự khác nhau khá rõ rệt về thời tiết bão lũ: miền Nam chịu ít bão hơn hai miền Trung và Bắc. Miền Nam mà tiêu biểu là vùng đồng bằng sông Cửu Long chủ yếu bị tác động bởi lũ sông Mê Kông hằng năm (nhưng nay hầu như cũng đã ít đi rồi). Thế nhưng do đặc điểm địa hình bằng phẳng có nhiều kênh rạch thoát nước, nên người dân nơi đây đã hình thành được một phong cách sống rất phù hợp: “Sống chung với lũ”! Nên lũ lụt với người dân nơi đây không có gì ghê gớm cả, thậm chí với họ nếu hằng năm không có lũ lại là một điều không hay.
Miền Trung nước ta là một dải đất nhỏ hẹp kéo dài hầu như suốt dọc biển Đông mà không có vịnh biển nào che chắn như vịnh Hạ Long, vịnh Bắc Bộ của ngoài Bắc. Nên các cơn bão nhiệt đới ở biển Đông ảnh hưởng đến nước ta thì “điểm đến” hầu hết là nơi đây. Có thể nói miền Trung nước ta như là “rốn bão lũ” cũng không sai. Năm nào cũng có bão lũ, chỉ là ở mức độ nào mà thôi. Chính vì năm nào cũng xảy ra bão lũ, lụt lội nên người dân nơi đây cũng dần hình thành được một lối sống luôn luôn sẵn sàng ứng phó với mưa bão lũ lụt có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. Các gia đình, làng xóm… luôn hầu như có sẵn những phương tiện, cơ sở vật chất để sẵn sàng cho cuộc sống thường nhật trong bão lũ. Bão lũ, lụt là gây thiệt hại, nhưng với người dân miền Trung, nó có thể được họ coi như là chuyện tất nhiên là vậy. Họ đã quen với việc né bão lũ và nương theo để mà sống thôi.
Chung tay trồng lại rừng đầu nguồn. Ảnh minh họa. Nguồn Internet |
So với miền Trung thì miền Bắc ít chịu bão hơn. Tuy hằng năm trước đây (thập kỷ chín mươi của thế kỷ hai mươi trở về trước) năm nào cũng phải chịu cảnh lụt lội mùa mưa. Nhưng nhờ hệ thống đê điều khá kiên cố đã trải qua hàng ngàn năm gia cố nên đời sống của nhân dân vùng này khá ổn định. Chuyện lũ lụt hằng năm ảnh hưởng không nhiều đến đời sống, sinh kế nhân dân. Bão cũng ít đổ bộ vào miền Bắc. Mà có đổ vào thì đã được đảo Hải Nam, Trung Quốc rồi vịnh Hạ Long của ta che chắn và làm giảm nhẹ cấp độ đi một cách đáng kể.
Nhưng cơn siêu bão Yagi vừa đổ vào miền Bắc dịp đầu tháng chín năm nay thì quá khủng khiếp. Nó vượt ra khỏi mọi tính toán thông thường. Những cơ quan theo dõi thời tiết cho rằng tới sáu mươi năm mới xảy ra một lần. Nó khủng khiếp về mọi mặt: gió lớn và mưa nhiều kéo dài, nên đã gây ra những thiệt hại khôn lường. Theo những thống kê và tính toán đầu tiên, có tới hơn ba trăm người dân đã thiệt mạng. Và sự tàn phá về cơ sở vật chất, của cải đã phải tính toán bằng những con số tỷ đô, thậm chí nó tác động sụt giảm cả chỉ số tăng trưởng GDP năm 2024 của nước ta một cách đáng kể.
Sau khi cơn bão đi qua, việc ứng cứu cấp thời cho nhân dân các vùng đã hòm hòm. Việc ổn định lại đời sống và khôi phục sản xuất kinh doanh còn cần khá nhiều tiền của và nhất là cần thời gian mới có thể trở lại được như trước bão. Nên chúng ta cần phải bình tĩnh. Và đây cũng là lúc chúng ta nhìn lại chính mình, đặc biệt là những người đang sinh sống ở miền Bắc, tại các vùng núi cao. Chúng ta cần phải tự vấn: bão lụt là tai hoạ thiên nhiên bất khả kháng, nhưng trong cuộc sống hàng ngày chúng ta đã làm gì để giảm thiểu hay nhân tác hại của nó lên? Trong đời sống, chúng ta đang tác động vào thiên nhiên một cách hài hoà phù hợp hay là chúng ta đang tàn phá, huỷ hoại thiên nhiên, ngôi nhà của chính chúng ta?
Một điều nhìn thấy rất rõ ràng là đồng bào ta ở miền núi cao phía Bắc đã chết chủ yếu do lũ ống, lũ quét, lở đất. Những trận lũ tràn ngập bùn đất, trong phút chốc vùi lấp cả bản làng. Những cơn lở đất vùi kín cả nhà trong phút giây. Điều gì đã gây nên những tai nạn kinh hoàng vậy? Bão đem mưa về núi, mưa nhiều, mưa dài ngày trút nước xuống, ngấm xuống khiến đất mềm nhão và sụp đổ thành đống bùn nhão cộng hưởng với nước mưa trôi thành dòng vùi lấp tất cả!
Vì đâu nên nỗi ấy?
Có phải vì chúng ta đã phá hết rừng tự nhiên? Theo thống kê, rừng tự nhiên ở khu vực miền núi phía Bắc còn rất ít, thậm chí là chưa đầy 1% diện tích. Còn lại là nương rẫy và rừng sản xuất. Mà rừng có tác dụng ngăn lở đất, hạn chế xói mòn, giảm lũ… phải là rừng tự nhiên, trong đó có đầy đủ các tầng thực vật từ cây cỏ, dây leo, cây nhỏ cho đến cây đại thụ cùng nhau sinh sống bao phủ kín mặt đất. Đó mới gọi là rừng phòng hộ. Còn với những cánh rừng sản xuất trồng cây ăn quả, cây lấy gỗ như hiện nay, trông màu xanh cũng bắt mắt đấy, nhưng thực tế tác dụng ngăn lũ lụt lở đất của nó hầu như chỉ bằng không! Nên phá hết rừng tự nhiên rồi, không có bão lũ lớn xảy ra thì còn đỡ, có bão lớn đem theo mưa nhiều như vừa qua, tai nạn là điều nhìn thấy trước. Chỉ không biết nó sẽ xảy ra ở đâu và lúc nào mà thôi…
Viết đến đây tôi chợt nhớ đến một ông bạn vốn cũng làm nghề viết lách như mình. Nhưng độ gần chục năm nay thấy ông ấy lọ mọ đi trồng rừng đầu nguồn ở các dòng sông nước Việt. Trồng xong lại giao cho dân sở tại trông nom và bảo vệ. Thậm chí có lần ông ấy còn hỏi tôi về các cây dược liệu phù hợp có thể trồng dưới các tán cây lớn để vừa tạo độ che phủ đất chống xói mòn và thêm sinh kế cho dân giữ rừng. Tôi thấy ông bạn mình vừa phải đi xin tiền các nơi, thỉnh thoảng lại thấy đội mưa đội nắng suốt từ miền Trung ra miền Bắc trồng cây, gây rừng. Tôi không hiểu lắm. Có lúc tự hỏi, sao phải thân làm tội đời thế để làm gì.
Nhưng sau cơn bão Yagi càn quét miền núi phía Bắc với bao cảnh tang thương không kể xiết, tôi chợt hiểu những nỗ lực của ông bạn tôi và khá nhiều người khác nữa hiện nay: cần phải khôi phục lại những cánh rừng tự nhiên ở đầu nguồn các con sông. Đó chính là tấm lá chắn thiên nhiên vô cùng hữu hiệu bảo vệ, giảm thiểu tai hoạ cho con người! Và nó còn cung cấp oxy, hút các bon (khí gây hiệu ứng nhà kính) bảo vệ trái đất. Những hành động đó của họ thật đáng trân trọng xiết bao!
Bấy lâu nay chúng ta hình như chạy theo sự phát triển quá mức: nhà máy thuỷ điện to nhỏ mọc lên mọi dòng sông khe suối. Những cánh rừng tự nhiên âm thầm dần dần biến mất, được thay thế bằng nương rẫy và những cánh rừng sản xuất ẻo lả hầu như vô tác dụng trước mưa lũ. Và hậu quả khủng khiếp, dù mấy chục năm mới xảy ra một lần đã khiến tất cả phải choáng váng. Có lẽ đây là lúc chúng ta cần phải điều chỉnh lại cách ứng xử của mình với thiên nhiên. Đừng tiếp tục tàn phá thiên nhiên nữa. Chúng ta hãy tôn trọng các quy luật của tự nhiên, nương theo nó mà sống cho phù hợp. Phải kêu gọi trồng lại bằng được rừng đầu nguồn và cấm trồng rừng sản xuất trên các núi, đồi có độ dốc lớn. Tạo sinh kế cho người dân bản địa để họ gây rừng tự nhiên trở lại. Hãy hành động ngay, đừng để xảy ra những tai hoạ như vừa qua rồi mới ngồi hối tiếc!
Trần Thanh Cảnh | Báo Văn nghệ
-------------
Bài viết cùng chuyên mục: