Sáng tác

Về lại vườn đào - Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Ngọc Lợi

Nguyễn Ngọc Lợi
Truyện
08:00 | 09/11/2024
Baovannghe.vn - Tết đó nàng về sớm, khi những vườn đào xóm Lèn Mưng đã ưng ửng những nụ hồng. Xóm Lèn Mưng nhà nào cũng có mấy gốc đào. Đất vùng đồi hợp với cây đào, những vườn đào xanh mướt, xum xuê thường ngày, giữa tháng Chạp lá đổ và rụng làm trơ ra những gốc những cành xương xẩu chi chít nụ. Nàng thả túi chạy ra xem đào. Lúc này má nàng cũng hây hây màu của những nụ hồng chớm hé. Miệng nàng mím chặt, mắt nàng long lanh...
aa

“Xóm Đào Viên” - Hàng chữ được in trên một bảng sắt đóng khung gắn trên thân cây thông già và kèm theo mũi tên chỉ. Con đường nhỏ tráng nhựa uốn quanh những đồi thông. Và bám dọc theo con đường là dòng suối nhỏ trong veo róc rách chảy dưới những gộp đá nâu xám, xanh rêu và la đà những khóm rù rì.

Qua con dốc ngắn là đoạn cua, những gì hiện ra trước mặt thật lạ lẫm. Một thung lũng nhỏ có thảm cỏ thoai thoải, và bên kia, dưới chân đồi thông là một xóm núi với những mái ngói mái tôn xanh, đỏ nhấp nhô xen kẽ dưới những dàn hoa, tán lá đẹp như một chốn thiên thai.

Về lại vườn đào - Truyện ngắn dự thi của  Nguyễn Ngọc Lợi
Tranh minh họa của Lê Trí Dũng

Dự án 327, chủ trương “phủ xanh đất trống, đồi núi trọc” được triển khai. Những mái tranh, những túp nhà tạm rải rác được lập thành xóm. Đất chân đồi, lạch khe được tận dụng, khai phá, lại vẫn những nương sắn, nương khoai, những khóm mía, hàng chuối... và những mảnh ruộng trồng lúa nơi vạt trũng cạnh khe suối. Đội Lâm nghiệp được lập với mấy chục thanh niên, ngày đầu dựng lán trên vị trí của dân khai hoang cũ. Lâm nghiệp có nhiệm vụ ươm cây, trồng rừng. Thế rồi sáng sáng, ăn qua quít rồi công nhân Lâm nghiệp túa lên những ngọn đồi trọc trơ đào hố trồng cây. Thông con được ươm quanh lán. Những vạt đất bằng phẳng được đánh tơi gieo hạt, được tưới tắm và phủ lá để che nắng che rét. Thông non mọc tủa như những mũi kim xanh chẳng mấy hôm được bứng lên đồi. Những cô cậu thanh niên vùng dưới, dân đi biển, dân đi cày trở thành công nhân. Con gái ăn tối xong quây quần trên sạp tre, người viết thư người may vá, cũng có người thút thít vì nhớ nhà. Đám con trai rủ nhau theo các lối mòn tìm vào các xóm núi theo tiếng gọi của trái tim nơi rừng núi đìu hiu.

Lèn Mưng, hòn lèn âm u, quanh chân lèn là những vạt rừng rậm rạp, cách mấy trại khai hoang một ngọn đồi thấp, bị dân đốt than chặt tan hoang trở thành xóm Lèn Mưng. “Mấy ông khai hoang” về làng rủ thêm người, thế rồi đoàn người bế bồng dắt díu, đàn bà, con nít, quang gánh nồi niêu, con trâu con bò, con lợn, cùng chó, gà... lũ lượt. Vùng đồi hoang đã thành xóm thành làng. Sức sống nhân gian thật mạnh mẽ, khói tỏa mái tranh, gà gáy buổi tinh mơ, lợn ủi máng đòi ăn buổi cuối chiều. Đám trẻ ngày nào còn ra bãi bứt hoa cỏ chơi trò chọi gà, hái hoa mua cài mái tóc, ăn mua ăn sim tím miệng nay đã thành thiếu nữ. Và cô bé áo nâu mũi dãi ngày nào trở thành cô Đào xinh xắn dịu dàng giữa đám thanh nữ hồn nhiên xinh tươi của xóm.

Nàng chơi thân với chàng nhất. Mỗi cuối tuần, chàng không đi đâu hết, vào giúp bố nàng dọn nương trồng sắn trồng mía, sửa mái chuồng bò. Nàng chăm chú học, những lúc chàng đang nghe bố sai bảo nàng chỉ cắm cúi vào sách vở. Thi thoảng giải lao nàng ra vươn vai, nhìn chàng nhoẻn nụ cười. Chỉ cần thế thôi, nụ cười nàng quyến rũ, khơi dậy nỗi đam mê, cuốn hút cùng nhịp đập gấp gấp của con tim chàng trai trẻ.

Lên cấp 3, mỗi đầu tuần nàng dậy sớm với túi gạo mớ khoai, cặp sách, đạp chiếc xe đạp Thống nhất bố nàng mới mua để nàng đi học xa, men theo chân đồi ra đường xuống trường. Đường mòn đi qua những đồi lỗ chỗ những hố thông non và những chàng công nhân lúi húi trồng cây. Chàng lâm nghiệp trẻ ngẩng nhìn rồi thả cuốc xăm xăm đi xuống. Đã nhiều đầu tuần như thế. Đã nhiều tháng như thế. Tóc nàng ngày một dài đen. Người nàng ngày thêm đầy đặn, và ánh mắt nàng càng thêm lấp lánh mỗi khi họ gặp nhau. Chàng trao cho nàng túi sim mùa sim, túi muồng muồng mùa muồng muồng, có bữa là mấy quả ổi, quả me rừng. Và chàng nhận lại từ nàng ánh mắt ngây thơ mà đằm thắm, nhận về những câu nói hồn nhiên thiếu nữ mà rất đỗi dịu dàng.

Ba năm qua nhanh, nàng trở nên mặn mòi quyến rũ, vẻ đẹp của khuôn mặt, của thể hình tuổi mười tám, và thêm vẻ đẹp của người con gái có học. Vẻ đẹp của sự có học lấp lánh trên vầng trán mịn màng, trong ánh mắt lấp lánh ước mơ hướng tới những chân trời xa. Và chàng cũng đã trở nên chàng trai cứng cáp, trưởng thành

Tối đó cuối tuần, xóm Lèn Mưng sáng bừng ánh điện. Nhà nàng có buổi liên hoan cho nàng ra Hà Nội. Nàng đã đỗ vào đại học, một trường danh giá. Nàng là người đầu tiên của xóm có vinh dự này. Chàng chỉ được biết vậy mà không được mời. Bồn chồn, ruột như có lửa suốt cả chiều, chập tối ăn xong chàng vội vàng rảo bước. Nghe tiếng huýt sáo, nghe tiếng chó sủa… Nàng ra ngõ… Chàng nép bên gốc mít lủng lẳng chùm quả bói và khóm hường lặng lẽ tỏa hương. Nàng bảo:

- Răng không vô nhà?

- Ai cho vô mà vô? Mai người ta ra Hà Nội rồi, còn nhớ chi người chốn núi chốn rừng ni…

- Thôi mà, vô nhà đi. Em định… Em tính… lát mới tìm, giờ gặp rồi…

- Mai đi sớm à?

Chưa kịp nói thêm là để anh đưa đi thì nàng đã trả lời:

- Ừ, đi sớm. Bố đưa em đi.

Có tiếng gọi, chị ơi. Tiếng gọi của em gái nàng, bé Mận. Bé Mận thua chị đâu dăm sáu tuổi, ngày nào chơi chắt chơi chuyền lúc này bắt đầu trổ mã… “... chị ơi, bố gọi”.

- Đừng quên anh nhé. Anh có chừng này…

Chàng trao nàng gói tiền nhỏ của ba tháng lương lâu nay gói cất, vì ở chốn này không tiêu gì, lúc này đã có việc. Nàng rụt tay, dúi đi đẩy lại. “Anh cất đi…”. Cuối cùng nàng cũng cầm. Rồi nàng quay vào nhà mang ra tấm khăn trao chàng và kiễng chân hôn lên má chàng bảo “Anh về đi. Em sẽ nhớ anh” rồi vụt chạy vào nhà.

Rất nhiều ngày sau, và rất nhiều tháng sau, chàng vẫn nhớ như in nụ hôn thơm phức ấy. Và rất nhiều lần chàng ngắm nghía tấm khăn nàng trao. Vuông vải phin trắng được rua quanh bằng chỉ tím, góc thêu một bông hồng, góc kia là hai chữ “Hạnh phúc” bằng chỉ đỏ, nét thêu vụng về mà thật dễ thương... Nàng yêu mình, chứng cứ tình yêu là đây. Cho dù nàng rất ít gửi thư về nhưng chàng vẫn tin vậy.

Tết đó nàng về sớm, khi những vườn đào xóm Lèn Mưng đã ưng ửng những nụ hồng. Xóm Lèn Mưng nhà nào cũng có mấy gốc đào. Đất vùng đồi hợp với cây đào, những vườn đào xanh mướt, xum xuê thường ngày, giữa tháng Chạp lá đổ và rụng làm trơ ra những gốc những cành xương xẩu chi chít nụ. Nàng thả túi chạy ra xem đào. Lúc này má nàng cũng hây hây màu của những nụ hồng chớm hé. Miệng nàng mím chặt, mắt nàng long lanh, chẳng biết nàng đang nghĩ gì.

Nghe tin nàng đã về, tối đó chàng đến. Rụt rè chào bố mẹ xong, chàng quay ra tìm gặp nàng. Đón chàng, nàng không ra vồ vập, cũng chẳng lạnh lùng. Nàng lớn nhanh, đẹp lên rất nhiều và trở nên khác lạ trước chàng. Nàng hỏi, anh chưa về tết à? Nghe xong chàng buồn, người ta chẳng mong gặp mình. Hóa ra tấm khăn thêu chẳng phải nàng chuẩn bị cho mình... Cả một năm học chỉ mỗi một lá thư về, kêu rằng em bận học, học tối tăm mặt mũi.

Tết đó chàng về muộn, chần chừ mãi tới trưa hai tám, tần ngần nhìn về xóm Lèn Mưng trước lúc cất bước. Đi qua eo núi, lên tiếp đồi cao chàng ngoái nhìn về xóm núi, chẳng rõ bóng người, chỉ thấy một vệt hồng.

Xóm Lèn Mưng giờ ở đâu? Hay là xóm này? Chẳng còn Lèn Ngồi, vị trí làm vật chuẩn để định vị. Bao quanh xóm núi là những đồi thông nhấp nhô. Thông xanh mọc sát những khu vườn mỗi nhà nơi chân núi. Và ngay sau những ngôi nhà kiểu dáng lạ mắt thấp thoáng một vệt hồng màu của hoa đào... Tất cả, tất cả như chìm trong sương sớm mơ màng.

Có phải chỗ kia, nơi có cây cầu nhỏ kia, nơi mà trước lúc lên đường nhập ngũ mình đã xuống chào bố mẹ nàng?

Xóm núi đìu hiu trong buổi sáng mùa đông.

Dừng xe trước cổng ngôi nhà kiểu dáng mới lạ, mái lợp tôn đỏ, sơn vàng xinh xắn. Sân lát gạch đỏ, tường hoa. Mấy bụi hồng um tùm, thược dược vàng bung mấy bông. Gốc mít già quanh gốc lá rụng dày. Nhà thiếu bàn tay đàn ông thì phải. Con chó nhách nằm trên thềm thấy bóng người lạ sủa lên lách nhách. Có tiếng dép loẹt quẹt, một bóng phụ nữ độ tuổi trong ngoài bốn mươi, vẻ mặt âu sầu, váy nâu dài, khoác áo len mỏng màu hoàng yến trên thềm bước xuống và thong thả bước ra.

- Ông hỏi ai?

Vừa hỏi, ánh mắt người đàn bà ánh lên vẻ ngạc nhiên một thoáng rồi cụp xuống - Anh vô nhà đi.

Khách theo chân chủ, dắt xe vào sân. Bánh xe lăn trên đám lá mít khô nghe lạo xạo. “… Em chưa kịp quét sân…”. Chủ nhà thanh minh.

Giọng nói rất quen, trong và êm, nghe sao buồn buồn...

- Người nhà đâu cả, xin lỗi.

Khách có vẻ ngượng ngùng.

- Anh ngồi đi.

Chủ nhà rót trong phích ra cốc nước trắng...

- Xin lỗi, nhà không có đàn ông. Ngập ngừng một lúc, chủ hỏi tiếp, anh không nhận ra em ử?

Khách ngơ ngác.

- Cô là, là...

- Em là Mận, em chị Đào.

Lúc này khách mới nhìn quanh phòng khách nhỏ. Bên phải là phòng ngủ, phía sau có lẽ là bếp. Bàn thờ đặt gian chính có ảnh ông bà và ảnh một người đàn ông trẻ... Khách nhận ra, hai ông bà trong ảnh là bố mẹ Đào, còn người đàn ông kia? Hóa ra vị trí này là nhà nàng ngày đó.

- Em nhận ra anh ngay từ đầu ngõ.

Chủ nhà nói:

- Bố mẹ em mất gần chục năm rồi. Và đó là chồng em, anh ấy hy sinh ở chiến trường K... Giọng chủ nhà ngùi ngùi, ánh mắt xa xăm...

- Thế, thế...

Hiểu ý khách, chủ nói tiếp

- Chúng em có được đứa con trai…

- Chắc cháu lớn rồi?

- Dạ, cháu học đại học năm hai rồi…

- Vậy Mận một mình ở đây?

- Vâng. Chồng em mất, bố mẹ đẻ mất, nhà cửa không còn ai. Em bán nhà về đây thờ cha mẹ.

Chủ như định nói thêm... và thờ chồng, nhưng đã kịp dừng lại. Chủ nhà nghĩ, anh ấy không nhắc gì đến chị Đào. Nhìn vẻ mặt trầm buồn của người đàn ông có phần già yếu, chủ nhà thay đổi thế ngồi trên ghế xa lon, chậm rãi nói. Em biết hồi đó chị làm anh buồn. Nhưng em nghĩ, hoàn cảnh hai người khác nhau…

- Tôi biết mà, tôi có trách gì Đào đâu. Chưa có gì với nhau hồi đó cũng là tốt, vì tôi đi lính, chiến trường K cũng đằng đẵng cả chục năm trời. May mà còn về được…

Khách như muốn nở nụ cười, sự gắng gượng làm rúm ró cả khuôn mặt. Vết thương bên má phải do mảnh mìn để lại vết sẹo dài và kéo xệch miệng mỗi khi cười…

- Tết đến rồi, nhớ trên này trồng nhiều đào nên lên xem thử, cũng lâu lắm rồi...

- Dạ, anh uống nước rồi em đưa đi xem.

Hai người đứng dậy. Mở cánh cửa ra vườn, chủ nhường khách đi trước. Lối đi hẹp, lát gạch nghiêng qua lối mở đi dưới rặng nhãn và hàng na… Nhà này chị Đào gửi tiền về sửa sang, lấy chỗ thờ cúng ông bà, mới thuê thợ làm năm ngoái. Chắc Đào giàu có… Cũng khá anh à. Chị ấy kinh doanh…

Họ cứ vừa đi vừa rủ rải nói chuyện.

- Vườn em, nhà không có đàn ông nên đào không được đẹp như các vườn khác. Năm ngoái bị khách chê, họ chỉ chọn được đâu phân nửa. Năm nay khá hơn, anh xem thử…

Vườn đào lắm gốc đã già, xen giữa những gốc đào già là những đào tơ xum xuê bắt đầu rụng lá, phần đất trống bên dưới được trồng xen những vạt hương bài, thứ cây làm nguyên liệu chính cho việc quấn trầm bán trong dịp tết. Chả trách gì, ngồi trong nhà nghe phảng phất mùi trầm thơm ngọt…

- Năm ngoái, tiền bán hương bài của em gấp hai tiền bán đào. Giá có thêm người đàn ông... Biết lỡ lời, chủ nhà cười nhẹ, là em nói… Ý em là bố mẹ chỉ có hai chị em gái.

- Không giấu gì Mận, hoàn cảnh tôi cũng...

- Anh thì sao? Kể em nghe đi.

Khách níu cành đào dày nụ bên cạnh, lưỡng lự. Chẳng lẽ mình bảo tôi cũng chỉ sống một mình với mẹ già ư? Hồi đó đi lính, sau hai tháng huấn luyện vội vàng, cả đơn vị lên xe dông thẳng vào biên giới Tây Nam… Những ngày đánh đuổi các đơn vị Pôn Pốt tràn sang đốt phá giết hại dân ta về bên kia, bao nhiêu đồng đội, những lính trẻ ngã xuống… Tình cảm các mẹ, các chị cưu mang, đùm bọc. Nhiều phen nghĩ mình cũng sẽ chết. Hưởng ứng lời kêu gọi của bạn, các đơn vị lớn của ta đã tiến công vũ bão, giải phóng Nông Pênh rất nhanh. Quân tình nguyện Việt Nam tưởng đâu sớm được về nước, nhưng rồi những gì xảy ra chỉ mới bắt đầu cho một cuộc chiến dẳng dai tốn nhiều xương máu…

Khách vô tình đưa bàn tay khẳng khiu đang níu cành đào lên sờ miếng sẹo bên tai. Vết thương luôn nhắc nhớ về những ngày truy quét tàn quân địch vùng ngả ba biên giới. Biên giới Thái Lan - Căm Pu Chia. Dãy Đăng Rêch, chùa Pretvihia... Mìn khắp mọi chốn mọi nơi, cái chết giấu mặt lẩn khuất rình rập. Mìn lính ta gài, mìn Pốt gài là nỗi kinh hoàng của quân tình nguyện Việt Nam. Mìn gài lối mòn, gài quanh điểm chốt, các đường bò trong rừng, quanh căn cứ địch. Mìn cài trên các trục lộ, cài dưới xác lính, cài quanh gốc cây, cài lối xuống suối, mìn treo ngọn cây... Hôm đó chỉ huy toán đi truy quét, người đi trước vấp mìn, người đi sau lao lên cứu, vấp tiếp. Một mảnh văng chém sượt qua tai, sau mấy tháng được cứu chữa điều trị ở trạm tiền phương và được mẹ nuôi chăm sóc vẫn còn vết sẹo này đây.

Những khu rừng chết. Những cánh đồng chết, những đống xương người, những giếng nước đen ngòm chất đầy xác chết… Những ngày đói khát, sốt rét kinh hoàng đã lấy đi mạng sống bao nhiêu đồng đội. Những tốp lính xơ xác rách rưới tóc tai bù xù, da thịt bủng beo... Những tốp dân K như những thây ma dặt dẹo thoi thóp rừng sâu được bộ đội mình cứu sống... Những bà mẹ Miên, những cô gái góa…

Khỏi vết thương, trở về đơn vị, được đi học khóa làm chuyên gia cho bạn, thiếu úy Kiên về cắm chốt phum Xăng Ke...

- Ôi, anh cũng bị thương. Suýt em quên. Chị Đào gửi cho anh cái này. Lâu lắm rồi. Anh vào đây.

Chủ kéo tay khách...

Ngày chị ra Hà Nội học, sáng đó trước khi lên xe đạp bố chở, chị gọi em vô buồng. Chị dặn em nhớ trao tận tay anh Kiên. Chị dặn đi dặn lại thế. Cái gói được cô bọc thêm lớp nilong bên ngoài rồi cột chặt nhét đáy rương, ngày lấy chồng gửi mẹ cất, ngày trở về coi nhà hương khói cho bố mẹ, vẫn còn. Hơn ba chục năm rồi… Anh vào đây, vào đây...

Thiếu phụ vào phòng trong một lúc trở ra, trên tay là một bọc nilon nhỏ trao cho khách, nói:

- Anh Kiên mở xem đi.

Thiếu phụ chăm chú nhìn khách.

Tay khách run run. Những gì hiện ra thật quá bất ngờ… Mảnh báo cũ ố vàng, những tờ tiền ngày đó. Mấy chục đồng gồm những tờ mệnh giá khác nhau... Lúc trao nó cho Đào trước ngày cô lên đường đi học, mình chỉ nghĩ, vì chẳng có gì tặng người yêu. Không ngờ cô ấy quá nhạy cảm, quá sâu sắc… Thật tội nghiệp cho mấy chục bạc, mấy chục năm rồi, những tờ bạc nhàu mềm giờ đã thành giấy lộn. Từ khóe mắt khách lăn xuống xuống cặp má héo khô mấy giọt long lạnh... Rồi những giọt nước mắt tan nhòe chảy tiếp xuống môi, xuống cằm. Khách đưa tay gạt gạt. Môi khách giật giật, run run... Mảnh giấy nhỏ kèm theo được khách chầm chậm mở: Gửi anh Kiên, em không chắc sẽ giữ mãi tình yêu với anh. Biết là được anh yêu nhưng... em đi học những mấy năm. Nên em không thể tiêu tiền của anh được. Hãy thông cảm cho em. Em còn em gái đấy, bé Mận. Rồi nó sẽ lớn, biết đâu sẽ có duyên với anh…

Khách vo tròn mảnh giấy trong bàn tay run run, liếc nhìn thiếu phụ, lúng túng. Khách không thể biết rằng điều người ta nói với mình cũng là điều chị dặn em gái mà suốt từ lúc gặp anh, thiếu phụ cũng đã nhớ… Chị đi, nếu anh Kiên có đến, em hãy thay chị, nếu có thể.

Khách thoáng thấy, hình như gò má thiếu phụ ửng hồng, và miệng nhoẻn nụ cười kín đáo. Một chút như là ngọn lửa nhỏ bùng cháy, một làn nước mát dịu len lỏi trong hồn. Thiếu phụ lúc này, ánh mắt và cử chỉ có gì đó quá đỗi dịu dàng khiến khách bủn rủn. Mấy chục năm rồi, cuộc đời trải bao buồn tủi đắng cay sống chết, từng yêu, từng được yêu vật vã... Và mọi điều tưởng đâu đã chấm dứt để cuộc đời bình lặng những ngày tháng cuối mà bỗng nhiên giờ đây... Khách đâu biết, chị Đào đi rồi, tâm hồn thơ trẻ trong bé Mận lên tuổi mười ba phảng phất bóng dáng chàng lâm nghiệp này. Chị đi rồi, chàng vài lần quay lại. Hình ảnh người thanh niên trẻ trung làm lớn dậy một cô Mận hồn nhiên tươi trẻ. Nhưng rồi anh đi, anh đi mãi.

Kiên đi, anh không biết, sau đó các chàng trồng thông trong đội cũng lần lượt ra đi. Sau chiến thắng 1975 tưởng đâu đất nước sẽ mãi mãi yên hàn. Nhưng không, đất nước lại có biến. Lính chống Mỹ hầu hết được trở về, giáp trận với lũ quỉ khát máu áo đen lúc này chỉ còn lớp măng tơ... Lớp trẻ tuổi vừa buông bút, da thịt còn căng, tóc tai xanh mướt, sau vài tháng huấn luyện đã cầm súng xông pha…

- Anh Kiên còn nhớ anh Trung nữa không?

- Trung nào?

- Trung cùng đội trồng thông với anh ấy.

- Trung đây ư?

Khách đứng lên nhìn ảnh người đàn ông trên bàn thờ… Ừ, nhớ ra rồi., nhớ rồi. Là chồng Mận nhỉ. Thua ba tuổi, ngày đó Trung lẽo đẽo theo Kiên xuống chơi nhà Đào. Không ngờ cậu chàng ngờ nghệch thế mà hồi đó đã sớm “tia” em Mận...

- Dạ, nhưng anh ấy… chúng em chẳng kịp cưới xin gì.

Giọng thiếu phụ ngùi ngùi.

Thế mà Đào, trong lá thư duy nhất gửi về lúc mình chưa nhập ngũ, Đào cũng ấp úng những lời như trong mảnh giấy này, rằng muốn mình gá nghĩa với Mận. Mận bảo “anh cứ đi mãi, đi hoài” như một lời trách móc. Đời lính như mình, suốt gần mười năm lăn lộn chiến trường K. Hết luồn rừng truy quét tàn quân Pôn Pốt quay sang làm chuyên gia. Một mình bám trụ giữa phum Xăng Ket mà lính Pốt ngoài rừng thường trà trộn. Tính mạng anh như trứng treo đầu gậy. Mẹ nuôi Ka Ri cùng con gái Xa Ít đào cho anh căn hầm bí mật giữa vườn thốt nốt bên bờ sông. Ban ngày anh vào nhà, vào phum vận động, hướng dẫn, giác ngộ bà con về tình hình đất nước, giải thích nhiệm vụ mà quân tình nguyện Việt Nam đang làm trên quê hương họ... Khuya xuống, khi phum sóc đã im ắng anh mới bí mật ra căn hầm ngủ. Mẹ Ka Ri luôn nhắc anh phải cẩn thận. Mẹ lo cho anh từng ngụm nước, miếng cơm, yêu thương đùm bọc, coi anh như con đẻ. Anh đi đâu ít ngày, như về đơn vị, lên huyện báo cáo, khi trở về mẹ mững rỡ ôm anh khóc. Lần anh đưa mấy người lính trong đại đội lính người Khơ Me mới thành lập về. Mẹ và Xa Ít làm bữa cơm có thịt vịt, có mắm bò hóc cho anh đãi bạn. Trong bữa ăn, mẹ kể về những ngày mẹ và Xa Ri bị Ang Ka lùa đi lao động khổ sai tận rừng sâu vùng đông bắc. Ba bốn năm trời, nằm lán dãy dài, không biết tới miếng cơm. Sáng sáng lính Pốt lùa đoàn người lê lết rách rưới bẩn thỉu, tay vung cuốc vung gậy như lùa một đàn bò, ra chỗ làm, đào mương, chặt gỗ, vác đá... Chồng mẹ bị tách đưa đi đâu, sống chết không biết. Mẹ và Xa Ít cùng đoàn người sống trong tuyệt vọng, ngày ngày chứng kiến đồng loại gục chết vì đói khát, vì bệnh tật, và chờ đến lượt mình...

Mẹ vừa kể vừa khóc, anh và ba người lính đi theo cũng khóc theo. Những người như mẹ đã hiểu sâu sắc về cái chế độ quái gỡ do Pôn Pốt đứng đầu. Và mẹ cũng chứng kiến những người lính tình nguyện Việt Nam, những chàng trai vừa mới trưởng thành đã rời bỏ quê hương sang cứu giúp người dân Căm Pu Chia như mẹ. Chính vì thế mà mẹ yêu thương anh, lo bảo vệ che chở cho anh.

Về lại vườn đào - Truyện ngắn dự thi của  Nguyễn Ngọc Lợi
Tranh của họa sĩ Đặng Đình Ngỡ

Và Xa Ít, cũng vì tình yêu mà con gái mẹ đã dành cho khiến anh coi đất nước Chùa Tháp như là quê hương thứ hai của mình. Anh cũng yêu Xa Ít. Tình yêu đầu đời đầy hương hoa và mộng ảo của tuổi mười chín với Đào lúc này trở nên mờ mịt. Với Xa Ít lại khác, một tình yêu đắm đuối trong ánh mắt và sự khát khao hàng ngày của chàng trai hai mươi nồng nàn, dữ dội. Hàng ngày được gặp nhau, được trò chuyện, được chăm sóc nhau, ngọn lửa tình luôn chực bùng cháy trong rình rập hiểm nguy. Kỷ luật dành cho quân tình nguyện Việt Nam trên đất K rất nghiêm ngặt. Anh không thể công khai mối quan hệ của mình với Xa Ít. Ôi, Xa Ít, tình cảm cô gái K luôn rừng rực như ngọn lửa sẵn sàng thiêu cháy anh. Được mẹ nuôi đồng tình, che chắn, anh và Xa Ít đã có những tối nồng nàn chăn gối...

Đồng đội, lứa nhập ngũ cùng đợt lần lượt ra quân, quyến luyến với mẹ nuôi, với Xa Ít, và mảnh đất xa xôi ấy mà mà anh chưa thể nỡ rời. Anh xung phong ở lại thêm thời gian nữa. Anh nhớ lần được đơn vị cho về phép sau năm năm xa nhà, cứ nghĩ anh sẽ về nước luôn mẹ nuôi khóc ròng. Xa Ít tiễn chân anh lên đơn vị, và cuối cùng anh mới biết cô muốn theo anh về Việt Nam. Xa Ít liều mình lên gặp chỉ huy, trình bày, khóc lóc trước các thủ trưởng nhưng không thể được. Chuyến đó về, bố mẹ giục anh cưới vợ nhưng anh không thể. Anh nói còn phải đi. Chiến trường vô cùng ác liệt, sống chết chẳng biết lúc nào, lỡ ra làm khổ người con gái... Đó là lý do chính đáng, cũng chỉ một phần thôi, phần chính là vì anh còn nặng nghĩa với đất K, nặng tình với Xa Ít, và anh thương mẹ nuôi nữa… Thế rồi anh trở lại chiến trường, vẫn là những phút giây căng thẳng, vẫn những ngày sống cạnh Xa Ít và mẹ nuôi. Tưởng đâu đã mất anh, thấy anh quay lại hai người như sống lại…

Khách ngồi lặng phắc như hóa đá. Mảnh giấy trong tay như ngọn lửa thổi bùng lên đám cháy, nhắc nhớ những ngày xa tít mịt mù... Gần mười năm lăn lộn trong những khu rừng chết, trong những phum sóc hoang tàn nhan nhản xương người, những trận đánh kinh hoàng đẫm máu, những mùa khô khát, gần chục cái tết anh đâu được hưởng hương vị quê nhà. Tết của Campuchia vào tháng 3 dương lịch nhưng người dân lúc đó đâu có tết. Và tết Việt Nam vào giữa mùa khô đất K nắng nóng kinh người, chỉ bất chợt trên đường truy quét địch hay đi công tác, đâu đó bắt gặp một cánh mai rừng mới nhắc biết rằng quê hương đang vào tết. Và chỉ những lúc đó mới nhắc anh nhớ tới hoa đào, nhắc anh nhớ vệt hồng chạy suốt triền đồi nơi xóm núi. Và nhớ tới Đào… Lâu lắm rồi, những dòng chữ của Đào gợi anh nhớ lại buổi chia tay hôm đó, cho dù thời gian đã trôi qua nhiều tháng nhiều năm, cho dù về nước anh đã lấy vợ, có con mà toàn thân vẫn rung lên, rung lên như đang bị cơn sốt. Chẳng biết cảm xúc lúc này là vì mối tình với Xa Ít bị chia lìa, vì người vợ đã mất hay vì mảnh giấy, gói tiền mà Đào, mối tình đầu tiên, gửi trả sau bấy nhiêu năm.

- Trưa nay anh ở lại nhé? Ăn bữa cơm cùng em.

Thiếu phụ nhìn anh đăm đăm… Và kể cho em nghe chuyện của anh…

Khách nhìn chủ đã bớt ngượng ngùng:

- Chuyện của anh, buồn lắm.

Khách lúc này đã xưng anh. Tiếng “anh” nhỏ và ấm. Những điều Đào dặn trong thư trước, và trong mảnh giấy, chẳng biết Mận có biết không. Và anh cũng chưa biết mình sẽ phải như thế nào. Anh chỉ biết lúc này, ánh mắt Mận, giọng nói Mận, và cả hoàn cảnh này... có điều gì đó như đồng lõa, như vuốt ve xoa dịu anh. Ra quân về quê, dù bố mẹ giục giã những mãi gần ba năm sau anh mới lấy vợ vì anh chưa thể quên Xa Ít. Vợ anh là cô gái mà bố mẹ đã dấm sẵn trước đó. Cô đã yêu anh, chờ anh cả chục năm trời. Tuy anh không yêu cô, nhưng cuộc sống vợ chồng khiến anh nặng nghĩa. Hai người có với nhau một đứa con trai, chỉ mỗi một, dù vợ chồng rất muốn có thêm. Con trai học xong, làm ăn lấy vợ tận Sài Gòn, vợ anh vào giúp con, chăm cháu, gặp trận dịch Covit quái ác, đã mất. Anh ở vậy cùng mẹ già, rồi mẹ già cũng mất... Mấy lần con trai giục bố bán nhà vào Sài Gòn nhưng anh không thể… Nếp nhà gỗ cũ nát bên cửa sông quê mới được anh gom góp sửa sang cho an thân cối đời. Ở quê còn họ hàng con cháu, còn những người bạn già, còn mồ mả tổ tiên bố mẹ. Tình cảm với mảnh đất quê là sợ dây níu giữ bền chặt nhất. Và nữa anh vẫn còn chút sức lực sáng sáng ra bãi kéo lưới rùng kiếm thêm mớ cá. Anh nghĩ mình sẽ sống vui vẻ giữa tình làng nghĩa xóm những tháng năm còn lại. Nhiều lần chợt nhớ, muốn lên thăm lại vùng đất, nơi cho anh cảm xúc đầu đời về tình cảm gái trai này mà anh thấy ngại ngùng. Ngại ngùng không hẳn vì mối tình đầu bạc bẽo, không hẳn vì tình thương với người vợ bạc phận đã bỏ anh mà đi. Thế mà chẳng hiểu vì sao sáng nay anh bất ngờ nảy ý định lên đây? Có điều gì đó nhắc nhớ, điều gì đó thôi thúc. Thật không ngờ, quyết định bất chợt đó lại cho đưa anh vào tình cảnh này. Tình cảnh khiến đâu đó trong lòn có chút ngọt ngào, ấm áp. Anh mơ hồ dự cảm sẽ có điều gì đó sẽ xảy ra.

Ngày đã sang trưa, ánh nắng cuối đông hoe vàng trên những ngọn thông. Xa xa, những đồi thông mờ ảo như chìm trong sương khói. Và các vườn đào xa gần đã thấp thoáng những nụ hồng. Thiếu phụ vào nhà trong thay bộ đồ hoa trở ra khiến nàng trở nên tươi trẻ đến năm bảy tuổi. Nàng nhìn khách:

- Mai mốt anh lên bán đào giúp em, cả nhang lâu nữa. Khách hàng của “Đào Viên” hẹn mai mốt sẽ lên vườn em...

Tiếng chủ nhà êm nhẹ lẫn trong tiếng trẻ lao xao đi học về. Ngoài đường, khách mua đào kẻ lên người về. Đào sau xe máy, đào trên ô tô. Từng tốp trẻ đạp xe như rượt đuổi nhau, tiếng cười tiếng reo vang rộn trên những đoạn đường về các xóm núi. Xóm núi ngọt ngào mùi nhang lâu đang được đào bán. Xóm núi đang chuẩn bị vào tết.

Một lúc thì có tiếng gà oác sau nhà. Một lúc rồi tiếng thiếu phụ: “Được rồi, để đó em. Anh rửa tay lên nhà đi”. Khách vặn vòi nước rửa tay. Vừa đứng dậy, ánh mắt khách chạm ngay cành đào chi chít nụ hồng ngay cạnh giếng nước trong vắt mà từ đầu không để ý. Cành đào thật đẹp. Đào năm nay thật đẹp. Xóm Đào Viên năm nay sẽ có cái Tết vui.

VN4/2024

Bản tin Văn nghệ ngày 9/12/2024

Bản tin Văn nghệ ngày 9/12/2024

Baovannghe.vn - Hà Nội Concert: Hoà nhạc Mùa đông do Đài PT-TH Hà Nội tổ chức tại Nhà Hát Lớn vào tối 13/12 với sự tham gia của Dàn giao hưởng trẻ Việt Nam
Thủ tướng Chính phủ: Thi đua, khen thưởng truyền cảm hứng cho toàn xã hội

Thủ tướng Chính phủ: Thi đua, khen thưởng truyền cảm hứng cho toàn xã hội

Baovannghe.vn - Sáng 9/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương nhiệm kỳ 2021-2026
Xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới

Xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới

Baovannghe.vn - Ban Nội chính TƯ, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật ra mắt sách “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Đề xuất áp dụng thuế khí thải có giảm thiểu được ô nhiễm không khí?

Đề xuất áp dụng thuế khí thải có giảm thiểu được ô nhiễm không khí?

Baovannghe.vn - Xe máy được chỉ ra là phương tiện xả khí thải lớn nhất gây ô nhiễm môi trường như NO2, CO, SO2, NMVOC, CH4, nhất là bụi mịn PM2.5.
Biết viết và không biết viết

Biết viết và không biết viết

Baovannghe.vn - Tôi thường dè dặt khi đưa ra các dự đoán về công nghệ, nhưng tôi khá tự tin về dự đoán này: trong vài thập kỉ tới, sẽ không có nhiều người có thể viết.