Sáng tác

Thiền sư và kiếm khách. Truyện ngắn dự thi của Quyên Gavoye

Quyên Gavoye
Truyện
11:00 | 06/11/2024
Baovannghe.vn- Đêm. Căn phòng tĩnh lặng thoang thoảng mùi nhang trầm. Kiếm khách tỉnh giấc. Vết thương tiếp tục hành hạ không dứt.
aa

Chùa nhỏ nằm sâu trong rừng già giữa bạt ngàn trúc và nhấp nhô núi, không khánh đá, không chuông chùa và dĩ nhiên không cả khách viếng thăm.

Buổi chiều. Trong tiếng gió vi vu táp vào rừng trúc, thiền sư đang ngồi thiền trên sân chùa khi kiếm khách xuất hiện cùng thanh kiếm ánh màu máu khô, trên người mang hằng hà những vết thương, toàn thân gã bốc mùi máu tanh. Gã lết đến trước thiền sư giương đôi mắt đỏ ngầu nhìn nhà sư nửa cầu cứu, nửa thách thức trước khi gục ngã vì kiệt sức.

Thiền sư và kiếm khách. Truyện ngắn dự thi của Quyên Gavoye
Minh họa Ngô Xuân Khôi

Buổi sáng. Kiếm khách tỉnh giấc, oằn người vì đau đớn do những vết thương, gã mở mắt nhìn xung quanh. Căn phòng thơm nức mùi trầm hương nhờ nhờ sáng. Từ khung cửa sổ to bằng chiếc quạt mo cau đối diện với giường nằm, mặt trời hắt vào những tia sáng lóe lên như nhát cắt của thanh kiếm gợi gã nhớ về câu chuyện mới xảy ra trong cuộc đời. Gã khẽ rùng mình khi nhận ra tia sáng đang chĩa về nơi gã nằm.

Thiền sư bước vào.

- Thí chủ thấy trong người thế nào?

- Đừng gọi ta bằng ngôn từ của ngươi- Gã gầm gừ.

- Thí chủ đang ở chùa và ta là sư. Thí chủ muốn ta xưng hô như thế nào?

- Ta không phải là kẻ mộ đạo nên hãy cẩn thận cái mạng của ngươi.

Kiếm khách gằn giọng nhả từng từ. Giá như cơn đau không quá tồi tệ thì gã đã có thể gồng mình nói lớn tỏ hết dũng khí của một kiếm khách.

Dửng dưng trước thái độ hiếu chiến của kiếm khách, thiền sư tiến về phía gã, đặt khay đồ chay xuống chiếc phản gần chỗ gã nằm. Hình như thái độ hung hăng của gã không khiến thiền sư nao núng, ông ta ngồi xuống bên cạnh khay đồ ăn.

- Ngươi có biết ta là ai không? - Kiếm khách gằn giọng.

Thực ra gã thừa khôn ngoan để biết phải nói gì trong hoàn cảnh này. Một lời cảm ơn sẽ hợp tình hợp lý hơn thay vì gằn giọng, nhưng gã không thể để lộ ra những yếu điểm của một kẻ giang hồ ngoại đạo.

- Ngươi là một kẻ đang mang trên người hằng hà vết thương. Ta đã băng các vết thương đó -Thiền sư từ tốn trả lời kiếm khách.

Kiếm khách định đáp trả nhưng những cơn đau trở lại khiến gã không thể mở miệng. Gã lịm dần.

Đêm. Căn phòng tĩnh lặng thoang thoảng mùi nhang trầm. Kiếm khách tỉnh giấc. Vết thương tiếp tục hành hạ không dứt. Đầu gã nóng ran nhưng chân tay thì đông cứng như người đi trong giá lạnh. Khắp người gã chằng chịt những miếng băng gạc được cắt ra từ vải nâu sồng. Kiếm khách rùng mình lần nữa. Không hẳn vì sốt. Gã lo lắng.

Thiền sư không ở đó. Hẳn ông ta đang đi tố cáo gã, điều mà bất cứ ai ở vào hoàn cảnh của ông ta sẽ làm. Thiền sư thì cũng chỉ là một người bằng xương bằng thịt và sở hữu duy nhất một mạng sống ở cõi dương gian. Đối diện với tử thần, ông ta chắc chắn sẽ chọn cách đấu tranh để sống sót. Gã cần phải đi khỏi nơi này trước khi bị tóm gọn. Mặc cho những đau đớn thấu xương tủy, kiếm khách nghiến chặt hàm răng, cố đẩy người ngồi dậy. Cảm nhận đầu tiên khi gã đặt chân xuống đất khiến cơ thể rúm ró, mặt đất cắm hàng ngàn mũi kim vào cơ thể đầy thương tích của gã. Gã lịm đi lần nữa.

Trong cơn mộng mị, kiếm khách nghe thấy tiếng chó sủa, tiếng cọt kẹt của cánh cửa và sau cùng là tiếng bước chân. Bóng đêm phủ kín căn phòng, gã nhướn mắt quan sát. Đen. Chỉ có màu đen nhưng gã vẫn nằm trên phản cùng chiếc chăn làm từ vải gai đắp trên người, căn phòng vẫn thơm mùi trầm hương, tạo cho gã cảm giác an yên đến lạ. Gã sờ tay lên mặt phản và chạm vào khay thức ăn, chợt nhận ra mình đang đói và khát.

Cánh cửa phòng bật mở để lọt vào chút ánh sáng yếu ớt của ánh trăng. Thiền sư xuất hiện.

- Ta đã ngủ bao lâu rồi?

- Hai ngày, ba đêm.

Kiếm khách nghiến răng.

- Ta sẽ đi khỏi nơi đây ngay khi có thể tự mình đứng dậy. Ông sẽ đi cùng ta!

Thiền sư không trả lời. Kiếm khách vẫn còn đủ minh mẫn để hiểu bản thân chẳng có quyền hành lẫn sức lực để ra lệnh cho thiền sư, nhưng tính ngang tàng của một kiếm khách dường như đã ngấm vào máu. Gã gằn giọng.

- Đây là mệnh lệnh. Ta có thể giết ông chỉ bằng một nhát kiếm.

Thiền sư khẽ lần tràng hạt nhìn gã bằng ánh mắt thương cảm. Qua ánh sáng yếu ớt, kiếm khách vẫn nhận ra những nét hiền từ trên khuôn mặt bình lặng của thiền sư.

- Ngươi chẳng thể ra lệnh cho ta và ngươi cũng chẳng thể giết ta trong tình trạng hiện thời của ngươi.

Thiền sư bước đến bên phản, ngồi xuống cạnh khay thức ăn và rót đưa cho gã một bát nước.

- Dù ngươi là ai, ngạ quỷ hay chư thiên thì rừng già vẫn mạnh hơn ngươi. Ngươi sẽ chẳng thể tự mình xuyên qua rừng già nếu không muốn mất mạng.

Từng động tác nhẹ nhàng nhưng tĩnh lặng của thiền sư giúp gã trấn tĩnh lại.

- Ông sợ phải xuyên qua rừng già?

- Đúng thế. Chẳng ai có thể bất chấp được những nguy hiểm của rừng già.

Kiếm khách cười khẩy trước sự nhu nhược của thiền sư. Có lẽ ông ta chưa từng phải đối diện với những hiểm nguy của cuộc đời. Đúng thế, một kẻ tu hành ở ẩn thì làm sao thấu hiểu được sự liều lĩnh của những gã giang hồ, ông ta sợ rừng già hẳn cũng chẳng phải là điều đáng ngạc nhiên.

- Những kẻ như ta thì chẳng có mối nguy hiểm nào có thể ngăn được, kể cả rừng già.

Gã nói mạnh như để khẳng định điều mình nói dù thiền sư không hề tỏ ra nghi ngờ điều gã nói.

- Ta đã chiến thắng hết mọi kẻ thù thì chẳng có lý gì lại sợ rừng già của ông.

- Ta biết rất rõ kẻ thù của ngươi. Họ ở khắp nơi phía bên ngoài rừng già. Ta đã nhiều lần đối đầu với họ. Nhưng ngươi thì có vẻ như chẳng hiểu gì về rừng già.

- Ta chẳng quan tâm đến rừng già của ông. Cái ta muốn là đi sang bên kia khu rừng. Chỉ ở đó ta mới có thể sống cuộc sống như ta mong muốn.

Ngày bắt đầu. Ánh sáng trong trẻo xuyên qua ô cửa nhỏ. Âm ngôn là thứ không tồn tại ở đây. Cuộc sống nơi rừng trúc chỉ thoang thoảng những âm thanh của gió, của lá và tiếng chó sủa ma. Mà hình như họa hoằn lắm nó mới sủa. Kiếm khách dần hồi phục và bắt đầu suy nghĩ về một cuộc trốn chạy.

Theo lời của thiền sư thì gã cần phải đi ngay trước khi trời chuyển mùa sang thu, rừng sẽ trút lá và để lại rất nhiều khoảng trống. Sẽ rất nguy hiểm cho cuộc tẩu thoát. Lá rừng vừa là chiếc khiên bảo hộ vừa là nhân chứng tố cáo cuộc chạy trốn của gã. Khi lá rừng rụng xuống, mỗi bước chân của gã chạm vào đám lá khô xào xạo sẽ trở thành mối hiểm nguy, âm thanh phát ra từ những bước chân sẽ đánh thức thính giác của kẻ thù. Hơn nữa không còn lá rừng, chiếc khiên trở lên mỏng manh, tầm nhìn sẽ rất xa nên rất dễ để phát hiện ra con mồi. Sẽ chẳng có sự lựa chọn nào cho gã nếu muốn bảo toàn tính mạng, gã sẽ phải đi trước khi rừng thay lá.

- Tại sao ông lại giúp ta? Ngồi dựa lưng vào cột chùa, mặt hướng về ngọn núi phía trước, gã chậm rãi hỏi.

Thiền sư không trả lời chỉ bình thản xoay người hướng về phía mặt trời. Gã nhướn mắt nhìn theo. Sự tĩnh lặng của thiền sư khiến gã thấy bức bối, hoang mang và nghi ngờ. Ông ta là loại người như thế nào? Một thánh nhân hay là một kẻ nhu nhược?

Tại sao một thiền sư lại giúp một kiếm khách ư? Câu hỏi của kiếm khách gợi cho thiền sư nhớ về cuộc truy đuổi năm đó lúc ông ta vẫn còn là một đứa trẻ. Đám thổ phỉ vào làng, đốt làng và cướp bóc. Những người không kịp bỏ chạy đã mất mạng. Chính mắt thiền sư đã chứng kiến những thanh kiếm vung lên từ tay của kẻ sát nhân tước đi mạng sống của cha mẹ và người em gái trong lúc một sư thầy kéo tay thiền sư chạy về phía rừng trúc cùng với con chó nhỏ. Cuộc đuổi bắt chỉ dừng lại khi họ rời con đường mòn dẫn vào rừng và tiến vào vùng u tịch không có dấu chân người. Họ cứ chạy như thế cho đến khi kiệt sức thì dừng lại nương theo sự quyết định của rừng già để có cái ăn, chốn ngủ. Rừng già đã cứu họ. Sau khi sư thầy qua đời, thiền sư ở lại trông chùa sống cuộc sống của một người tu hành.

Kiếm khách hắng giọng báo hiệu vẫn đang đợi câu trả lời của thiền sư.

Im lặng. Bên ngoài tiếng chó sủa ma ăng ẳng.

Một lúc sau khi không gian trở lại tĩnh lặng, thiền sư chỉ tay về phía con đường mòn giải thích. Nếu cứ men theo đường mòn ngược với hướng mặt trời mọc sẽ là nơi dẫn về cuộc sống trước đây của kiếm khách, nhưng nếu bước ra khỏi con đường, tiến vào những nơi chưa có dấu chân người và cứ nhằm hướng mặt trời mọc, kiếm khách sẽ đến nơi cuộc sống mới đang chờ gã.

Kiếm khách hắng giọng to hơn. Đây là cách mà gã thường làm để thể hiện sự phản đối, câu trả lời của thiền sư chưa thỏa mãn hết sự tò mò của gã. Rốt cuộc vì sao ông ta lại cứu gã dù biết trong cơn cuồng sát, gã có thể không phân biệt được đúng sai và xuống tay với chính ông ta.

Thiền sư thấu hiểu được sự tò mò của kiếm khách. Trước khi gột bỏ những sân si bước vào cửa Phật, thiền sư cũng đã từng muốn biết lý do tại sao sư thầy lại giúp mình. Giả như sư thầy cứ thế mà chạy một mình thì ông đã không vất vả kiệt sức và còn có thể bỏ mạng vì một đứa trẻ cùng một con chó, nhưng ông ta đã cứu họ. Lý do ư? Chả có lý do nào cả. Đơn giản là sư thầy không thể bỏ đồng loại trong cơn khốn khó.

- Tự ngươi tìm đến ta nên ta không thể bỏ ngươi trong cơn hoạn nạn. Ta đã chăm sóc cho ngươi những ngày qua nên nếu ta để ngươi không chút hiểu biết về rừng già một mình xuyên qua nơi này thì chẳng hóa ra ta cứu ngươi một cách vô ích?

- Đã đành là thế, nhưng ông có thể tố cáo ta. Làm như thế ông sẽ được sống yên thân và tiếp tục kiếp tu hành của mình - Kiếm khách nói vừa đủ to để chỉ mình gã nghe.

-Ta không tố cáo ngươi với bọn họ vì ta không đứng về phía họ nhưng ta cũng không muốn giữ ngươi ở lại nơi đây. Ta đã chọn cuộc sống chay tịnh để sống yên ổn nên chưa từng một lần đi về phía bên kia cánh rừng. Nhưng ngươi đã xâm phạm vào chốn linh thiêng của ta, buộc ta phải cứu ngươi. Ta có thể chọn để mặc ngươi chết vì đau đớn hoặc cứu ngươi. Ta cũng có thể để ngươi lần theo đường cũ trở về chốn xưa cũng như ta có thể hướng dẫn ngươi cách vượt rừng già đến với cuộc sống mới mà ngươi đang ao ước. Trong sự lựa chọn này, ta đã chọn cứu ngươi và giúp ngươi đi về hướng của cuộc sống mới.

Lần này kiếm khách gật đầu một cách tâm phục với câu trả lời của thiền sư. Thực ra gã chẳng có sự lựa chọn nào khác ngoài đồng ý với thiền sư. Trong tình trạng của gã bây giờ ngay đến cầm chiếc chổi để quét chùa cũng đã là một thử thách huống hồ là quay trở lại nơi xưa cũ đối đầu với đám thổ phỉ đang muốn lột da gã. Gã không có sự lựa chọn nào khác ngoài đi về phía bên kia cánh rừng.

Nhưng gã cũng không thể ở lại nơi đây lâu hơn. Không phải sự tĩnh lặng của cửa thiền khiến gã lo sợ mà theo kinh nghiệm của thiền sư thì chỉ nội trong chiều tối nay, bọn thổ phỉ sẽ tìm đến chùa lục soát. Thiền sư đã quen với cảnh bị lục soát. Mỗi lần có biến nơi bìa rừng, bọn họ sẽ tìm đến nơi đây. Họ nghi ngờ sự tiếp tay của nhà chùa cho đám người phản băng đảng. Nếu gã cứ ở lại chùa thì chẳng khó gì cho đám thổ phỉ tìm thấy gã để lột da. Cách duy nhất để gã trốn thoát là lánh tạm trên ngọn núi gần chùa. Ở đó có một chiếc hang nhỏ là nơi trú ngụ của những loài động vật hoang dã vào mùa mưa. Mấy ngày qua trong lúc gã chập chờn nửa tỉnh nửa mê, thiền sư đã thu dọn hang để gã có một chỗ trú chân dưỡng thương chờ ngày hồi phục ra đi. Gã lắng nghe lời giải thích của thiền sư rồi cười khùng khục. Đời gã rồi cũng có lúc phải chui rúc trong hang như loài thú hoang? Thiền sư nhận ra suy nghĩ của gã, bằng ngôn ngữ giản dị của nhà chùa, thiền sư giải thích với gã rằng thú hoang không phải là những con vật ngu dốt. Nếu chúng chọn hang sâu để ẩn mình là vì lý do bảo toàn tính mạng. Trong hang có rất nhiều ngóc ngách giúp chúng thoát thân khi bị truy sát. Và hơn nữa sự lựa chọn đó cũng không phải là ngẫu nhiên, từ miệng hang, chúng có thể quan sát được những gì xảy ra ở chùa mà không bị phát hiện.

Gã gật gù thừa nhận nhưng rồi chợt nhớ ra hoàn cảnh heo hút của ngôi chùa, gã hỏi.

- Thế còn ông? Bọn thổ phỉ sẽ để ông yên nếu họ phát hiện ra ông che giấu tôi?

- Họ sẽ chẳng thể có bằng chứng nào chống lại ta. Ngay sau khi ngươi đi khỏi đây, ta sẽ mở hết các cửa, thắp nhang để xóa dấu vết của ngươi. Ngay cả lũ chó cũng khó có thể phát hiện ra dấu vết của người lạ. Trong chùa của ta có một loại nhang rất thơm. Chỉ cần thắp lên, nó sẽ át đi những mùi hương khác lạ.

Thực ra sự tự tin của thiền sư đến từ niềm tin sâu thẳm. Hơn ai hết thiền sư hiểu được tâm tư của đám người đó. Những con người này dù tàn bạo đến mấy vẫn có chút e dè và nể sợ trước những người tu hành. Kiếm khách gật gù, hóa ra gã đang đứng trước một thánh nhân.

- Trong trường hợp họ phát hiện ra dấu vết của ngươi ở đây, bằng mọi giá ngươi phải trốn thoát. Ta đã nguy hiểm mạng sống của mình để cứu ngươi thì ngươi phải sống. Hãy đi về phía bên kia cánh rừng và sống cuộc sống của một con người bình thường.

- Tại sao ông không đi cùng tôi?

Lặng im. Đó là cách thiền sư đáp trả cho những tò mò của người ngoại giới nhưng kiếm khách hỏi không phải vì tò mò. Gã muốn chắc chắn rằng thiền sư khẽ không bán đứng gã khi gã rời đi. Trước mặt gã có thể thiền sư không dám làm càn, nhưng sau lưng gã, ai biết liệu ông ta có giữ được lời hứa của kẻ tu hành. Thánh nhân hay không, ông ta cũng chỉ sở hữu một cái mạng.

Một lúc sau khi đưa cho kiếm khách một tay nải quần áo gồm những đồ dùng cần thiết cho cuộc sống trong hang và tiễn gã lên núi, thiền sư đáp trả.

- Cuộc sống của ta là ở nơi đây để cứu trợ những linh hồn khốn khó. Ta không muốn mưu cầu hạnh phúc nơi khác.

Đêm. Rừng già khép kín mọi ngả đường. Không gian được định hình bằng tiếng vi vu của gió táp vào lá trúc. Thứ duy nhất mà mắt người có thể nhận ra chính là màu đen thăm thẳm. Kiếm khách tỉnh giấc sau tiếng súng phát ra từ phía ngôi chùa nhỏ. Tiếng súng lạnh lùng và đanh thép. Kiếm khách dỏng tai nghe ngóng. Gã nghe thấy những tiếng xì xồ quen thuộc. Dù không thể nghe rõ từng âm ngôn nhưng gã vẫn nhận ra đó là ngôn ngữ của những kẻ một thời chung chiến tuyến với hắn, những kẻ giết người không nương tay. Họ đã đến và bao vây ngôi chùa.

Thiền sư, ông ta đang ở đâu?

Suy nghĩ đầu tiên ngay khi tỉnh giấc của gã hướng về thiền sư. Gã cố lắng nghe nhưng ngoài những tiếng xì xồ quen thuộc tịnh không có giọng nói của ông ta. Gã hoang mang. Sự sợ hãi xâm chiếm cơ thể vẫn chưa hoàn toàn bình phục của gã. Tiếng xì xồ mỗi lúc một rõ ràng. Sẽ chẳng bao lâu nữa họ sẽ tìm đến hang. Gã chợt nhớ đến hoàn cảnh của mình nên cuống cuồng gom góp những vật dụng ném vào tay nải. Theo lời của thiền sư, gã lần mò trong bóng đêm tìm những ngóc ngách cho phép gã tiến sâu vào lòng núi.

Kiếm khách bước từng bước cà nhắc rồi đột ngột dừng lại. Gã chẳng thể tiến sâu vào bên trong. Ý chí về sự sống của bản thân mách bảo hắn phải tìm đường trốn thật sâu nhưng những lo lắng cho sự an toàn của thiền sư khiến gã không thể bước tiếp. Dù sao thiền sư cũng đã cứu mạng gã và đang cưu mang gã. Những ngày sống bên cạnh thiền sư, kiếm khách đã dần cảm nhận được hơi ấm của đồng loại. Gã không còn là một con thú hoang như trước.

Những tiếng xì xồ vẫn chưa dứt. Kiếm khách chần chừ, nửa muốn trở về chùa nửa không dám dời nơi ẩn náu.

Thiền sư, ông ta đang ở đâu?

Gã dừng lại tựa lưng vào tường, từng hơi thở hắt ra khó nhọc. Lần đầu tiên gã cảm nhận mình là một con người, hay ít nhất gã cũng có được những suy nghĩ của một con người. Kiếm khách vẫn muốn xuống núi nhưng chợt nhớ về những mệnh lệnh của thiền sư trước khi chia tay. Gã dừng bước. Biết đâu đó chỉ là tiếng súng bao vây dọa nạt. Với sự khôn ngoan của một người tu hành, thiền sư sẽ biết cách tự bảo vệ mình vì dù sao đây cũng không phải là lần đầu họ đến bao vây chùa. Cứ như thế, gã mấy lần định xuống núi rồi lại dừng. Trong tình trạng vết thương của gã bây giờ, xuống núi là một sự mạo hiểm tính mạng nhưng ở lại đây thì gã lại lo cho thiền sư. Gã gục mặt vào lòng bàn tay lẩm bẩm những lời cầu khẩn.

Màn đêm vẫn thăm thẳm. Tiếng xì xồ xa dần rồi im hẳn. Gió vi vu thổi.

Sáng. Những tia nắng nhỏ nhoi bắt đầu lộ diện. Kiếm khách xuống núi về chùa. Gã lao đi như một tia chớp tưởng chừng như những vết thương chưa từng tồn tại. Thiền sư có lẽ đang đợi gã trở về. Gã cần phải để ân nhân của mình chứng kiến rằng gã vẫn còn sống.

Nhưng rồi những gì gã nhìn thấy ở sân chùa khiến gã thấy đau đớn hơn cả những đớn đau gây ra bởi vết thương.

Thiêm thiếp giữa vũng máu, thiền sư gục bên cạnh xác con chó. Máu của người và vật nhuộm đỏ một vạt sân. Gã gào to lay gọi thiền sư. Những vết thương trên cơ thể gã tứa máu đỏ tươi.

Gã nhấc thanh kiếm toan chạy theo lũ ác ôn nhưng kịp dừng lại. Một mình gã chẳng thể chống lại bọn chúng. Thiền sư lại đang cần gã cứu giúp.

Ném vội thanh kiếm, gã quỳ xuống bên cạnh cơ thể bất động. Bằng tất cả sự dịu dàng của một con người, gã bế thiền sư lên giường, lau rửa và băng bó vết thương. Trong ba ngày, hai đêm trong khi thiền sư lịm đi vì đau đớn, gã cố gắng giữ cho những vết thương không bị nhiễm trùng.

- Ngươi rất biết chăm sóc vết thương! - Thiền sư khẽ nói với gã.

Gã ngước đôi mắt đỏ ngầu của một người vừa trải qua những nỗi buồn khổ nhìn thiền sư. Trong ánh sáng lờ nhờ của ngôi chùa, hai người đàn ông với hằng hà những vết thương cơ thể lặng im cảm nhận nỗi đau của cơ thể.

Buổi sáng. Thiền sư tỉnh giấc tập tễnh bước, những vết thương của kiếm khách cũng đã lên da non.

- Chúng ta sẽ rời đi trong tuần này!- Kiếm khách nhìn về phía cánh rừng nói.

- Chúng ta…? Thiền sư ngạc nhiên hỏi.

- Ông nghĩ vẫn có thể vẫn yên thân ở lại đây? Họ đã giết chết con chó, bạn duy nhất của ông ngay trước mắt ông. Bây giờ ông cũng như tôi, đơn độc.

Thiền sư không trả lời. Những vết thương vẫn âm ỉ hành hạ nhưng khuôn mặt của thiền sư vẫn giữ được sự tĩnh lặng.

- Ông đã cứu ta, và ta cũng vừa cứu ông. Chúng ta có những lý do để dựa vào nhau mà sống. Hơn nữa bọn ác ôn có thể trở lại bất cứ khi nào - Kiếm khách nói tiếp.

Hẳn vậy rồi, từ bây giờ nơi đây sẽ không còn bình yên như trước, bọn người đó sẽ không dễ gì buông tha cho ông. Nhưng nếu rời nơi đây ra đi, ai sẽ là người chăm sóc ngôi chùa nhỏ?

- Bọn chúng đã có thể giết ta, nhưng ngươi thì vẫn sống. Ngươi không thấy đó là một điều kỳ diệu sao? - Thiền sư trả lời.

Kiếm khách lặng im không đáp trả. Gã thừa hiểu những lý lẽ của gã sẽ không bao giờ chạm được tới tâm hồn của một thánh nhân. Rồi đây gã sẽ phải hành động bất chấp sự đồng thuận của thiền sư hay không.

Một buổi chiều muộn, kiếm khách sắp xếp đồ vào tay nải, thiền sư thắp nhang lên ban thờ. Mùi nhang trầm dìu dịu lan tỏa khắp ngôi chùa nhỏ dìu dịu. Kiếm khách đứng dựa lưng vào tường hỏi.

- Ông không sợ ta sao?

- Tại sao ta lại sợ ngươi?

- Vì ta là một kiếm khách đã từng giết người.

Thiền sư chậm rãi đưa tay lần tràng hạt như cách ông ta vẫn làm trước mỗi lời xám hối. Lẽ nào ông ta lại sợ một con người đang lâm vào cảnh khốn cùng? Người đang ngồi trước mặt ông ta chỉ là một trong những nạn nhân của ma vương phạm lỗi trong lúc khốn cùng. Ai mà chẳng phải đấu tranh để sinh tồn. Nếu là vì đấu tranh thì không thể là một người ác. Thiền sư không thể trả lời cho câu hỏi của kiếm khách. Đôi khi ngay cả Đức Phật cũng không thể có câu trả lời chính xác cho những việc làm của con người, đó có phải là tội ác hay không thì chỉ có bản thân con người mới tự hiểu.

Họ cùng im lặng. Kiếm khách lặng lẽ lau kiếm, mặt trời chiếu rọi vấp vào thanh kiếm ánh lên những ánh sắc lạnh. Thiền sư tiếp tục ngồi thiền.

Đêm. Rừng trở gió rào rào. Cây lắc mình răng rắc. Từng vạt nước ào ạt dội từ lưng trời xuống tạt vào mặt cắt cứa. Thiền sư đi trước, kiếm khách bước sau. Mỗi bước đi là một sự đau đớn thấu xương. Rừng già trở nên bí hiểm bởi những dây gai chằng chịt lấp kín những khoảnh đất nơi họ có thể đặt chân, xóa dấu vết ngay khi họ rời bước. Họ lầm lũi tiến sâu vào bên trong cánh rừng. Mỗi người một cách để giấu đi sự yếu ớt của mình. Kiếm khách hỏi.

- Chúng ta sẽ thoát khỏi rừng già?

Thiền sư lặng im. Bất kể lời giải thích nào vào lúc này đều không chính xác. Họ có còn giải pháp nào khác ngoài tiến sâu vào rừng già dù ở đó có biết bao loài thú dữ đang chờ họ nhưng ít nhất khi tiến vào nơi âm u của cánh rừng, họ vẫn còn một tia hi vọng về tương lai. Những người đi rừng biết rằng càng tiến sâu thì sẽ càng hoang mang mất định hướng. Mệt mỏi và hoang mang rất dễ khiến người đi rừng lạc lối và thất vọng. Ở mỗi khoảng trống nơi mặt trời có thể lọt vào, họ sẽ nghĩ rằng lối ra ở đó. Nhưng khoảng trống này lại tiếp nối khoảng trống khác… Đến một lúc nào đó họ cũng ra khỏi rừng. Chẳng có cánh rừng nào là bất tận.

Chiều. Rừng già khép lại những tia sáng cuối cùng. Đây đó vang lên tiếng hổ gầm. Họ tiếp tục rẽ cây tìm đường bước đi. Qua được ngọn đồi thứ nhất, họ quyết định dừng lại nghỉ ngơi dưỡng sức. Thiền sư chọn một cành cây to khỏe trên cao ngồi thiền trong khi kiếm khách chọn một cành thấp hơn mắc võng nằm. Trong khu rừng rậm rạp như ở khúc này, ngay cả tiếng gió thổi cũng không thể chạm đến. Sự hoang vu khiến kiếm khách rùng mình, gã hỏi bâng quơ.

“Có khi nào chúng ta sắp đến điểm dừng?”

Thiền sư không đáp trả.

Điểm dừng? Chẳng có điểm dừng nào dành cho cuộc sống. Từ thuở hồng hoang, ngày đêm cứ nối tiếp và chưa bao giờ dừng. Chẳng có gì làm thay đổi quy luật đó. Con người chỉ có thể nương theo cuộc sống mà bước, mỗi người một nhịp từ lúc sinh ra đến lúc trở thành cát bụi. Nhưng ai rồi cũng phải bước, người ta chỉ dừng lại khi không còn thở nữa.

Không có câu trả lời, kiếm khách hỏi to.

- Ông có chắc chúng ta đang đi đúng hướng? Có khi nào chúng ta đang lạc ở đây?

Thiền sư khẽ mỉm cười. Chỉ những kẻ u muội mới không có chút ngờ vực về con đường đang chọn. Rất có thể họ đang đi lạc. Chả sao cả, nếu thật sự họ lạc đường, chỉ cần tìm một cành cây đủ cao, đứng lặng im và lắng nghe để tìm ra nơi nào có tiếng nước chảy. Kinh nghiệm của những người đi rừng chuyên nghiệp để lại, cứ men theo nguồn nước sẽ có sự sống.

Câu chuyện của họ cứ thế tiếp tục cho đến khi cả hai cùng chìm vào giấc ngủ. Thiền sư ngủ ngồi dựa lưng vào thân cây, kiếm khách nằm đung đưa trên võng. Nếu không nói ra thì sẽ không ai biết họ là hai con người với hai thân phận đối kháng, một thiền sư và một kiếm khách.

Sáng. Những tia nắng yếu ớt xuyên qua đám lá đánh thức họ. Những vết thương cuối cùng của thiền sư và kiếm khách cũng đã lành. Sau một vài đường quyền buổi sớm, kiếm khách chợt nhận ra dù không còn đau đớn như lúc trước nhưng sức lực của thuở trai tráng cũng đã vơi. Thêm một lý do để gã đoạn tuyệt với kiếp giang hồ khi trước.

Họ tiếp tục rẽ rừng và lặng lẽ bước cho đến khi nghe thấy tiếng róc rách, giây phút mà kiếm khách chờ đợi đang tới. Họ sắp thoát khỏi rừng già. Giờ chia tay đã đến. Từ đây, kiếm khách sẽ sống một cuộc sống mới với một thân phận mới. Thanh kiếm sẽ được chôn tại đây. Gã sẽ hoàn lương, sẽ sống cuộc sống của một con người bình thường, sẽ có tổ ấm của riêng gã và không còn lo sợ bị đám người giang hồ lột da. Những bí mật về quá khứ bất hảo của gã sẽ được cánh rừng phong kín.

Thiền sư cũng thấy lòng nhẹ bẫng, hình như ông ta vừa cứu vớt thêm một linh hồn. Trước khi quay gót trở lại con đường dẫn về chùa, thiền sư hỏi kiếm khách.

- Tên của ngươi là gì?

Kiếm khách không trả lời. Lần đầu tiên từ khi gặp nhau kiếm khách phớt lờ câu hỏi của thiền sư. Gã nói với thiền sư.

Chúng ta ngay từ đầu đã không phải là bạn của nhau thì sẽ không cần thiết phải biết danh tính của nhau.

Thiền sư nhận ra ông ta sẽ chẳng bao giờ có được câu trả lời của kiếm khách. Lặng lẽ, thiền sư quay gót.

Rất nhanh kiếm khách đi đến trước mặt thiền sư, bằng đôi mắt đỏ ngầu gã gằn giọng.

- Ở đây ông là người duy nhất biết được quá khứ của ta. Gã vừa nói vừa tiến lại gần thiền sư. Ta sẽ không thể nào đứt đoạn với cuộc sống trước kia vì ông.

Dù có hơi bất ngờ nhưng thiền sư vẫn đứng im nhìn gã bằng ánh nhìn đầy thương cảm.

- Đúng thế, ngươi đã chẳng hề tin ta từ ngày đầu bước chân vào cửa chùa, dù ta có làm gì cho người thì ngươi vẫn không đủ lòng tin dành cho ta. Mọi lời nói chân thành của ta chưa đủ để giác ngộ ngươi vì ngươi chẳng có đủ đức tin vào con người. Ngươi sẽ khó lòng đứt đoạn với quá khứ.

Lặng im. Kiếm khách khẽ lẩm bẩm.

- Lẽ ra ông không nên giúp ta. Lẽ ra ông nên để ta lạc lối trong rừng già.

- Nếu phải chọn lại, ta vẫn sẽ giúp ngươi.

- Đấy chính là sai lầm của ông.

Gã vừa trả lời vừa đưa mắt lần tìm thanh kiếm vừa cắm ở một nơi rất gần chỗ họ đứng. Bàn tay gã run rẩy, dù đã có gắng hết sức nhưng gã vẫn không thể rút nổi thanh kiếm. Rất nhanh thiền sư đã đi đến bên thanh kiếm. Bằng một động tác dứt khoát, thiền sư rút nó ra khỏi chỗ cắm.

- Nếu đây là điều ngươi muốn, thiền sư vừa nói vừa nhìn vào đôi mắt ngầu đỏ của kiếm khách, ta sẽ giúp ngươi hoàn thành ý nguyện lần cuối cùng. Ta sẽ thay ngươi kết thúc việc ngươi muốn làm để tránh cho ngươi những day dứt về sau.

Trước sự bất ngờ của kiếm khách, thiền sư đưa nhanh lưỡi kiếm. Trong không khí mát lành của buổi sớm, một cơ thể đổ gục.

*

Xuân. Sau một mùa đông ảm đạm, chồi xanh mơn mởn phủ rộng cánh rừng phong kín những dấu vết của con người.

Ở một góc âm u cách không xa con suối mọc lên một ngôi chùa nhỏ, không khánh đá, không chuông chùa. Chiều chiều, khi những tia nắng cuối ngày vụt tắt, bóng một thiền sư lặng lẽ ngồi thiền, khuôn mặt hướng về phía gò đất nhô cao tựa hình ngôi mộ có cắm một thanh kiếm đã hoen rỉ. Không ai có thể nhìn thấy rõ khuôn mặt của thiền sư.

Đất ao. Truyện ngắn dự thi của Đào Quốc Vịnh Hoàn lương. Truyện ngắn dự thi của Đặng Thùy Tiên Người Vũng Rô. Truyện ngắn dự thi của An Bình Minh Đọc truyện: Mệnh phụ phu nhân. Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Thanh Bình Trở về. Truyện ngắn dự thi Nguyễn Minh Chung
Hiệu lệnh - Thơ Vi Thùy Linh

Hiệu lệnh - Thơ Vi Thùy Linh

Baovannghe.vn-Ngàn năm nay nghệ thuật tả rằng:/ Xuân là mùa vạn vật sinh sôi, cây cối đâm chồi nảy lộc
BSR và Doosan Vina tìm kiếm cơ hội đẩy mạnh hợp tác, phát triển

BSR và Doosan Vina tìm kiếm cơ hội đẩy mạnh hợp tác, phát triển

Baovannghe.vn - Đoàn công tác của Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn có chuyến khảo sát thực tế và làm việc với Công ty TNHH Công nghiệp nặng Doosan Việt Nam
Bản tin Văn nghệ: Đặc sắc Tuần lễ Văn hóa - Du lịch Hòa Bình năm 2024

Bản tin Văn nghệ: Đặc sắc Tuần lễ Văn hóa - Du lịch Hòa Bình năm 2024

Baovannghe.vn - Ngày 5/11, UBND tỉnh Hòa Bình đã tổ chức Họp báo giới thiệu các hoạt động của Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh Hòa Bình năm 2024, sẽ diễn ra trong 9 ngày (từ ngày 15 - 23/11) với nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc, phong phú.
Chiến binh - Thơ Đào Văn Quang

Chiến binh - Thơ Đào Văn Quang

Baovannghe.vn- Sa mạc hoang vu, rừng xa hay biển rộng/ vó đâu đã mỏi
Khám phá mạch nguồn dân tộc qua Di sản truyền thống

Khám phá mạch nguồn dân tộc qua Di sản truyền thống

Baovannghe.vn - Triển lãm Sắc màu di sản văn hóa, thiên nhiên và sản phẩm thủ công truyền thống Việt Nam có 20 tỉnh thành phố tham dự. từ ngày 22 - 26/11/2024