Chỉ một tai nạn bất ngờ của một thành viên trong gia đình, đã lật nhào một mô hình gia đình khuôn mẫu và thay đổi số phận của cả ba người. Biến cố của số phận là lửa thử vàng, thiêu rụi những lá chắn mỏng manh, nhận chân kẻ sống giả. Bằng cách tạo ra cú sốc ngay khi vào truyện, tác giả dần dẫn dắt người đọc theo những nẻo lắt léo tâm lý nhân vật, để rồi đưa đến chân lý nhân quả muôn đời. (Kiều Bích Hậu) |
Khang đang ngồi cạo vỏ mía. Lanh, vợ Khang, bưng hai cốc nước mía ra cho khách. Đột nhiên có tiếng trẻ khóc thét lên. Nhanh như cắt Khang nhoài người tắt công tắc điện của chiếc máy ép mía. Tuy nhiên hai bàn tay đứa con gái bốn tuổi của vợ chồng anh đã bị kẹp nát khi nằm gọn trong khe hai con lăn của máy ép. Nhìn thấy con bị nạn, Lanh kêu thất thanh. Mọi người xúm lại. Khang luống cuống, bủn rủn chân tay. Phải nhờ đến mấy bác xe ôm dùng cờ lê, mỏ lết tháo một con lăn của chiếc máy ép mía ra thì mới bế được bé Duyên, con gái vợ chồng Khang Lanh, để đưa đi viện.
Cùng với đôi bàn tay của bé Duyên bị cán nát ở giữa hai con lăn của máy ép mía còn có một chiếc giẻ lau. Thì ra cháu bé đã bắt chước mẹ lau máy khi máy đang chạy và mẹ cháu đã sơ ý không tắt máy. Lúc này vì quá đau nên cháu đã bị ngất xỉu. Ở viện, sau khi cấp cứu, các bác sĩ hội chẩn, đưa ra quyết định phải cắt bỏ hai bàn tay của cháu do bị tổn thương quá nặng. Thế là bỗng chốc cháu trở thành người tàn phế khi mới tí tuổi đầu.
Vợ chồng Khang Lanh là người nhà quê mới lên thành phố làm ăn được hai năm. Nói là lên thành phố là vì quê họ ở một huyện tại phía Nam thành phố, cách xa trên 30km. Họ thuê nhà trọ ở gần bến xe khách để ngày ngày dọn quán trà đá vỉa hè và bán thêm nước mía. Trước đó Khang đã từng là phu vàng ở trên Thần Sa, Lanh buôn bán cá, tôm khô ở các phiên chợ trong huyện. Nhà Lanh và nhà Khang ở hai thôn khác nhau nhưng cùng xã. Khi mới lấy nhau họ thuộc diện các đôi vợ chồng trẻ có cuộc sống khấm khá ở làng. Tuy nhiên, miệng ăn núi lở, khi đứa con đầu lòng của họ, bé Duyên, lên ba thì họ phải tính đến chuyện buôn bán làm ăn để tự nuôi sống gia đình nhỏ. Bấy giờ vì vướng bận con nhỏ nên Lanh đã không còn phù hợp với việc thức khuya dậy sớm để đi buôn bán tôm, cá ở các chợ phiên, còn Khang thì cũng không muốn xa vợ xa con để trở lại bãi vàng. Thế là họ quyết định lên thành phố lập nghiệp bằng cách mở quán trà đá vỉa hè và bán nước mía.
Sau tai nạn của con gái, cuộc sống của vợ chồng Khang Lanh bỗng chốc rơi vào bế tắc. Họ thực sự lo lắng cho tương mai mù mịt của con cũng như cho thân phận bố mẹ của một đứa con không tay. Nhiều đêm họ cùng ngồi trên giường ngắm nhìn đứa con tàn phế đang chìm trong giấc ngủ mà mỗi người theo đuổi một ý nghĩ.
Trước đây, khi Khang còn vàng, còn tiền thì Lanh nhất nhất nghe theo lời chồng. Nhưng từ khi lên thành phố lập nghiệp, tiền bạc, vốn liếng Khang giao cho vợ nắm cả để tiện cho việc chi tiêu và buôn bán. Từ đó quyền lực trong gia đình anh cũng chuyển dần sang vợ. Và đến bây giờ thì mọi việc trong gia đình anh đều do Lanh quyết định.
Một đêm, khi hai người trằn trọc đến gần sáng vẫn không sao ngủ được thì Lanh nói với Khang:
“Bố cái Duyên ơi, từ lâu nay em đã nghĩ nát óc rồi, nên hôm nay em quyết định nói với anh điều này.”
“Có gì, em nói đi!”
“Chúng ta không thể tiếp tục nuôi con trong tình trạng thế này được nữa…”
“Cái gì, cô nói sao?” Khang nói, ngồi chồm dậy.
“Anh im đi! Nghe tôi nói cho hết đã!” Lanh dằn giọng. “Nếu anh muốn giữ con thì anh tự nuôi. Tôi sẽ ra đi để hai bố con anh tự do yêu thương nhau. Còn nếu anh muốn sống cùng tôi thì phải cho đứa con đi!”
“Cô dám…”, Khang gầm gừ rít lên như một con thú dữ, trực vồ lấy Lanh để giằng xé cho tan xương nát thịt. Nhưng rồi anh dừng lại, ngồi thừ người ra với ý nghĩ, nếu Lanh ra đi thì bố con anh lấy gì mà sống.
“Việc này tôi đã tính toán rất kỹ rồi, anh cứ theo lời tôi mà làm”, Lanh nói tiếp khi thấy Khang đã chịu lép vế.
Mấy hôm sau đó hai bố con Khang không ai ra khỏi nhà vì ngoài trời đang mưa Ngâu rả rích suốt ngày, chỉ có Lanh là đi chợ mua thức ăn và làm những việc mà bố con Khang không được quyền biết. Mấy hôm liền cứ gần sáng là Lanh dắt chiếc Wave Alpha đi khỏi khu nhà trọ một lúc mới về. Bé Duyên nhảy chân sáo, ca hát líu lo suốt ngày ở trong phòng trọ như không hề có chuyện gì xảy ra, Khang nhìn con mà se sắt cõi lòng. Anh ngồi lặng yên hàng giờ, nhìn như đếm từng hạt mưa ngoài hiên, thỉnh thoảng thở dài bất lực.
*
Chùa Đại An nằm cách xa trung tâm thành phố. Trụ trì chùa là một sư bà năm nay đã ngoài sáu mươi tuổi. Hàng ngày sư bà Thích Nữ Diệu Hiền dậy từ bốn giờ sáng để gõ mõ tụng kinh. Mấy đêm nay cứ đến gần sáng là Lanh đi xe máy đến cổng chùa, lắng nghe tiếng chuông mõ và lời kinh ngân vang ấm áp của sư bà trong đêm thanh. Lanh đã nắm được giờ giấc sinh hoạt của sư bà vào lúc gần sáng.
Sau mấy ngày mưa Ngâu trời đã tạnh. Một hôm, khi bé Duyên đã ngủ say Lanh nói với chồng:
“Hôm nọ tôi nói với anh là cho con đi. Nhưng ai lại đi nhận một đứa con không tay kia chứ! Nên chỉ còn có một cách…”
“Cách nào?”, Khang vội hỏi.
“Gửi con vào chùa Đại An”, Lanh trả lời lạnh lùng, cộc lốc.
“Nhưng liệu nhà chùa có nhận nuôi một đứa bé không tay?” Khang lại hỏi.
“Không đời nào sư bà ở đấy nhận nuôi một đứa trẻ không tay như con mình”, Lanh nói, nét mặt sắt lại. “Nhưng tôi và anh sẽ trói con vào cổng chùa lúc gần sáng. Như thế nhà chùa bắt buộc phải cưu mang con mình. Mọi người trong khu nhà trọ này sẽ hỏi sao không thấy cái Duyên đâu thì anh cứ nói với họ là vợ chồng mình gửi con về bà nội ở quê.”
“Nhưng nó sẽ kêu gào, khóc lóc. Người ta sẽ biết chúng ta đem con đến bỏ ở cổng chùa”, Khang cắt ngang lời Lanh.
“Lại “nhưng””, Lanh dằn giọng. “Anh im ngay đi và nghe tôi nói hết đã. Đến gần sáng sớm ngày mai tôi và anh sẽ đưa con đến gần cổng chùa Đại An. Phía sau nhà chùa có một lối đi tối om. Ở đấy tôi và anh sẽ nhét khăn mùi xoa vào mồm con bé. Tôi đã buộc chắc một góc khăn vào một đoạn dây rồi. Tôi sẽ để đoạn dây này thò ra khỏi mồm con bé. Sau đó anh giúp tôi trói chặt con bé lại bằng một sợi dây dù. Tiếp tục tôi và anh đem con bé ra trói chặt vào cánh cổng chùa bằng một sợi dây dù khác. Rồi buộc đoạn dây thò ra ở mồm con bé vào một cuộn dây nilon dài được dải sẵn, một đầu buộc chắc vào đuôi xe máy để ở chỗ tối, ra đến cổng chùa. Xong xuôi tôi và anh đi nhanh ra chỗ để xe máy, nổ máy đi và chiếc dây dài sẽ kéo chiếc khăn mùi xoa ở mồm con bé ra. Lúc đó nó sẽ khóc to và sư bà ở trong chùa sẽ nghe thấy. Tôi đã mua sẵn hai cái dây dù và một cuộn dây nilon dài 300m từ mấy hôm trước rồi.”
Sau đấy mọi việc đã diễn ra theo đúng kế hoạch của Lanh. Tuy nhiên nhiều ngày sau Khang đã không thể nào quên đi được ánh mắt vừa cầu khẩn vừa căm hận của con gái khi bị trói nhìn y, và bên tai y luôn văng vẳng tiếng gào khóc của con khi chiếc khăn mùi soa bịt miệng bé Duyên được kéo ra. Đêm nào nước mắt y cũng ứa ra, càng thương con y càng giận mình đã nhu nhược, hèn kém.
*
Hậu là cô gái xin nương nhờ cửa Phật tại chùa Đại An đã gần hai năm. Hằng ngày, cô quét tước trong chùa ngoài sân, lau chùi tượng Phật, bày biện lễ vật cúng dường, cắm hoa, đốt nến, thắp hương. Cô vốn là sinh viên tiếng Anh. Cô đã học hết năm thứ ba. Hiện cô đang bảo lưu kết quả tại một trường đại học ở trong thành phố sau một biến cố cuộc đời thường gặp ở các thiếu nữ là vỡ mộng yêu đương, trở nên yếm thế, muốn xa lánh xã hội. Nhưng với Hậu còn là sự day dứt, hổ thẹn với gia đình, bạn bè, thầy cô khi yêu nhầm phải một gã trai bao của một người đàn bà giàu có hơn gã hai mươi tuổi. Và dưới sức ép của bố mẹ, Hậu đã phải đi phá thai, kết của mối tình vụng dại với gã trai bao, rồi vào chùa ở ẩn. Hậu là một trong những trường hợp hiếm hoi được sư bà Thích Nữ Diệu Hiền cho nương náu tại chùa Đại An lâu như vậy. Vì thường ngày đã có người của các tổ Phật tử cử lên chùa giúp việc cho sư bà.
Tờ mờ sáng hôm nay, khi được sư bà đánh thức, Hậu đã cùng sư bà đi nhanh ra cổng chùa lúc có tiếng gào khóc của một bé gái. Hậu thót tim, xót xa trước cảnh tượng bé gái bị trói chặt vào cổng chùa, còn sư bà thì thốt lên một câu rồi lầm rầm niệm Phật. Cả sư bà và Hậu đều không cầm được nước mắt khi phát hiện ra bé gái đó không tay. Sau khi được Hậu bế vào chùa vỗ về, ôm ấp bé đã thôi khóc. Khi được hỏi bé chỉ nói được tên mình và tên bố mẹ, còn tất cả các câu hỏi khác bé đều lắc đầu hoặc im lặng. Sư bà giao trách nhiệm chăm sóc bé Duyên cho Hậu trong thời gian chờ đợi nhà chùa liên hệ với Trung tâm Bảo trợ xã hội của thành phố. Trước bé Duyên nhà chùa cũng phải cưu mang những trường hợp đem con đến cổng chùa bỏ, nhưng đều là những trường hợp trẻ chưa thôi nôi và sau đó nhà chùa đã bàn giao các cháu cho Trung tâm.
Tuy bé Duyên không có đôi bàn tay như những đứa trẻ bình thường khác, nhưng trông bé rất kháu khỉnh, đáng yêu và dễ thương. Sau mấy ngày chăm sóc cho bé Duyên bản năng làm mẹ ở Hậu lại trỗi dậy mạnh mẽ. Hậu cũng ngẫm nghĩ nhiều về cơ duyên cô gặp được bé Duyên ở đời này sau khi đã nhiều lần được nghe sư bà thuyết giảng Phật pháp. Một buổi chiều Hậu ngồi tết tóc cho bé Duyên ở sân chùa thì cô bảo bé hát. Bé Duyên đứng lên, cất tiếng hát trong trẻo, cao vút khiến Hậu hết sức bất ngờ. Sự vô tư lự của bé khi giơ hai cẳng tay không có bàn tay lên cao đu đưa người theo nhịp điệu bài hát đã tiếp thêm nghị lực sống và khát vọng sống cho Hậu. Tự dưng cô khao khát có con, khao khát sống. Đêm hôm đó cô nằm thao thức đến sáng để suy nghĩ trước khi quyết định bày tỏ nguyện vọng của mình với sư bà. Sáng ra, khi sư bà đã gõ mõ tụng kinh xong, bước ra từ gian chính điện của chùa thì Hậu đợi sẵn ở ngoài cửa chính và lên tiếng:
“Thưa sư bà, con muốn thưa với sư bà một chuyện ạ?”
“Chuyện gì đấy con?”
“Phía Trung tâm Bảo trợ xã hội đã có hồi đáp gì về trường hợp của bé Duyên chưa ạ?”
“Hôm qua ta đã gọi điện cho Trung tâm thì họ bảo, do trường hợp của bé Duyên là trường hợp quá đặc biệt, vì không có đôi tay, nên Trung tâm vẫn chưa tìm ra được hướng giải quyết.”
“Hay là…”
“Con định nói gì?”
“Hay là sư bà cho phép con nhận bé Duyên làm con nuôi, được không ạ?”
Sư bà trầm tư một lát, rồi nói:
“Con nói rõ dự định tương lai của con cho ta nghe xem nào?”
“Nếu được như thế mẹ con con xin tá túc tại chùa một hai năm nữa. Trong khi đó con sẽ trở lại trường để học xong chương trình đại học và thi lấy bằng tốt nghiệp. Con sẽ lại vừa đi học vừa đi làm gia sư như trước đây để có tiền trang trải cho cuộc sống của hai mẹ con. Đến khi ra trường con sẽ tìm thuê nhà để hai mẹ con con trở về hẳn với cuộc sống cộng đồng ngoài đời ạ.”
“Nếu được như thế thì còn gì bằng nữa”, sư bà nói, mắt ánh lên niềm vui. “Đức Phật dạy: Cứu một mạng người còn hơn xây bảy tòa tháp. Con không là người cứu bé Duyên khỏi lưỡi hái tử thần nhưng là người sẽ cứu vớt cuộc đời của bé. Tuy nhiên, việc nuôi dạy một đứa trẻ là chuyện không đơn giản, sẽ rất vất vả cho con. Liệu con có chịu đựng được vất vả và vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống mà hai mẹ con con phải đương đầu hay không?”
Hậu không nói gì. Cô nhìn xuống chân mình. Các ngón chân cô hơi cong lên, bấm xuống như đang cố bước đi chân trần ở chỗ trơn. Rồi cô ngẩng cao đầu lên, nói giọng dứt khoát:
“Thưa sư bà! Con sẽ quyết tâm sống ở đời này ạ!”
“Thế thì tốt rồi. Tốt cho con và tốt cho cả bé Duyên. Khi mẹ còn đang phải đi học thì nhà chùa sẽ trợ giúp phần nào cho hai mẹ con.”
“Dạ, con xin đa tạ sư bà ạ.”
“A Di Đà Phật! Sáng nay con đem theo giấy tờ tùy thân cùng ta ra Trung tâm Bảo trợ xã hội. Ta sẽ đề nghị Trung tâm hỗ trợ con làm thủ tục xin nhận trẻ bị bỏ rơi làm con nuôi.”
*
Sau khi vứt bỏ con ở cổng chùa Đại An vợ chồng Lanh Khang quyết định bán chiếc máy ép mía đi để không bị gợi lại những ký ức đau buồn rồi chuyển sang địa bàn khác làm ăn. Lanh quyết định mở quán ốc xào dựa trên kinh nghiệm của những năm còn buôn bán ở các chợ phiên. Khang phụ giúp vợ. Mở quán ốc xào được ba tháng thì Lanh liên tục bị đau bụng dữ dội. Ả đi khám, phải nhập viện ngay vì bị bệnh u nang buồng trứng. Bệnh đã trở nặng, các bác sĩ đã phải cắt bỏ cả hai bên buồng trứng của Lanh. Thế là bàn tay số phận đã giật phăng thiên chức làm mẹ của ả. Còn Khang thì ngày càng trở nên u sầu, luôn chìm đắm trong các cơn say. Một chiều mưa giông người ta tìm thấy y sau khi bị ngã cắm đầu xuống một rãnh thoát nước sâu trong tình trạng đã chết cứng.
*
Thời gian thấm thoát thoi đưa. Hậu đã tốt nghiệp đại học và cùng với con gái nuôi rời khỏi chùa Đại An. Hai mẹ con Hậu thuê nhà trọ ở. Hậu đã tìm được việc làm tại một trung tâm ngoại ngữ và xin được cho con vào học tại trường nuôi dậy trẻ khuyết tật. Được như ngày hôm nay mẹ con Hậu đã phải trải qua nhiều gian truân, cay đắng. Hậu không sao quên được ngày cô cho con về quê ở Thái Bình, biết chuyện của cô, người thân, họ hàng có nhiều người tỏ ra cảm thông, động viên Hậu, nhưng cũng có nhiều kẻ nhìn mẹ con cô với ánh mắt dè bỉu. Từ đó Hậu không cho con về quê nữa. Đến nay, nhờ việc cùng con luyện tập những kỹ năng của trẻ không có tay theo hướng dẫn từ những video ở trên youtube với vô vàn lần thất bại bé Duyên đã tự lập được trong sinh hoạt hàng này ở nhiều tình huống với đôi chân của mình. Hậu cũng đã có nhiều kinh nghiệm chăm sóc con bị đau ốm nên cô đã thoát khỏi tình cảnh những đêm một mình ôm con ốm khóc mà lo sợ.
Từ hơn một năm nay Hậu đã làm thơ gửi cho các tờ báo và tạp chí văn nghệ. Hậu đến với thơ ca như một nhu cầu tự thân để giãi bày những cảm xúc bị dồn nén. Sau nhiều lần gửi bài mà không nhận được hồi âm thì mới đây cô đã vài ba lần nhận được báo biếu và nhuận bút. Điều đó khiến Hậu vô cùng hạnh phúc và càng khao khát sống với đam mê của mình.
Ảnh: Pixabay |
Nghệ sĩ Ưu tú Duy Quang là Trưởng khoa Thanh nhạc của một trường cao đẳng văn hóa nghệ thuật đóng trên địa bàn thành phố. Vì mải mê sự nghiệp nên đến nay anh vẫn chưa lập gia đình. Thế nên anh thường sinh hoạt, ăn uống ngay tại một gian nhà tập thể của nhà trường. Mấy hôm nay anh băn khoăn về việc tìm người giúp các học sinh của đội đồng ca ở khoa Thanh nhạc luyện phát âm, biểu diễn một bài hát bằng tiếng Anh trong một sự kiện đón khách quốc tế tại trường tới đây. Khi đang lang thang trên mạng anh đã đọc được bài viết về Hậu và các sáng tác của cô trên một tạp chí văn học nghệ thuật online, trong đó có ba bài thơ tiếng Anh của Hậu. Duy Quang rất xúc động khi đọc được khổ thơ dưới đây của cô trong bài thơ Con gái tôi:
My daughter has no hands
But she’s my sun
She’s my source of life
She’s my life
Because she’s a talent
with a great voice.(1)
Hai ngày sau, Duy Quang đã liên hệ được với Hậu. Sau khi nghe Duy Quang nói chuyện một cách nghiêm túc về việc anh đang tìm người giỏi tiếng Anh để luyện phát âm cho các học sinh thanh nhạc ở khoa anh phụ trách thì Hậu đồng ý tiếp anh tại nhà mình, nơi mà mẹ con cô đang thuê.
Hậu bằng lòng làm việc cho Duy Quang với một khoản thù lao không lớn lắm, nhưng cô rất vui. Sau đó câu chuyện của hai người nhanh chóng xoay sang nói về cháu Duyên. Duy Quang vô cùng bất ngờ khi biết cháu Duyên chỉ là con nuôi của Hậu. Và khi biết hoàn cảnh của hai mẹ con Hậu anh cũng hết sức thán phục nghị lực sống của họ. Lúc cháu Duyên đang lúi húi chơi đồ hàng ở góc phòng thì được mẹ Hậu gọi ra chỗ mình để Duy Quang gặp mặt theo đề nghị của anh.
“Duyên ơi, con ra đây bác Duy Quang hỏi gì này”, Hậu gọi.
Duyên nhanh nhảu chạy lại và nói:
“Dạ, bác hỏi gì cháu ạ”, Duyên nói với Duy Quang.
“Con rất thích hát, đúng không?”
“Dạ, vâng ạ.”
“Con hát cho bác nghe một bài xem nào!”
Tuy còn bé nhưng cháu Duyên đã có một giọng vang bẩm sinh, âm lượng lớn, khoẻ và đanh gây sửng sốt cho Duy Quang. Anh đã yêu cầu cháu hát tới ba bài. Khi nghe Duyên hát xong, Duy Quang vỗ tay khen ngợi và nói với Hậu rằng nếu con gái cô được đào tạo bài bản thì nhất định sẽ là một ca sĩ tài năng trong tương lai.
Sau một tuần Hậu luyện phát âm cho đội đồng ca của Duy Quang tại trường văn hóa nghệ thuật, công việc cộng tác của Hậu đã kết thúc. Duy Quang đã rất ngưỡng mộ cách phát âm chuẩn tiếng Anh của Hậu, anh nghĩ, chứng tỏ trước đây cô đã có những giờ học ngữ âm rất chăm chỉ khi còn ngồi trên giảng đường đại học. Cuối buổi chia tay ở trường cao đẳng văn hóa nghệ thuật Duy Quang tiễn chân Hậu ra khỏi cổng trường một đoạn và nói:
“Hậu ơi mấy hôm vừa rồi anh đang tìm cách giúp đỡ con em.”
“Về việc gì, anh?” Hậu hỏi.
“Về việc tìm cách cho con em sau này vào học thanh nhạc ở trường anh như là một trường hợp đặc biệt, ngoại lệ. Sắp tới Đài truyền hình tỉnh có mở Cuộc thi Tìm kiếm giọng hát hay thiếu nhi. Em hãy đăng ký cho con gái đi thi. Nếu cháu đạt thành tích cao anh sẽ đứng ra xin nhà trường đặc cách nhận cháu vào học. Anh sẽ trực tiếp đến nhà em để luyện thanh cho cháu.”
“Ôi, được thế thì còn gì bằng ạ. Mẹ con em đội ơn anh!”
“Không có chi. Em đừng khách sáo thế.”
Chiều hôm đó trên đường về nhà Hậu đã đứng trên cầu bắc qua sông Cầu ngắm cảnh hoàng hôn rực rỡ một lúc lâu trong tâm trạng vô cùng phấn khởi.
*
Từ khi chồng chết Lanh lại ăn nên làm ra. Ả bỏ quán ốc xào và tham gia vào việc môi giới, buôn bán bất động sản. Bắt đầu từ nhỏ đến lớn, việc làm ăn của Lanh hai năm nay đều suôn sẻ, may mắn. Chẳng mấy chốc ả đã trở nên giàu có. Nhưng trớ trêu thay khi càng giàu ả lại càng cảm thấy bất hạnh vì một thứ từ lâu ả khao khát sẽ mãi mãi không đến với ả nữa: đó là một đứa con do mình sinh ra.
*
Tối hôm nay, sau một buổi đi gặp đối tác, Lanh về nhà, bật TV để nghe chương trình quảng cáo, trong đó có thông tin nhà đất. Trong lúc vừa tẩy trang, ả vừa ngắm khuôn mặt có đôi gò má cao, đôi mắt trũng sâu và cặp lông mày sâu róm đã xuất hiện nhiều nếp nhăn của mình vừa thở dài. Bỗng ả để ý trên Ti vi xuất hiện chương trình vòng bán kết Cuộc thi Tìm kiếm giọng hát hay thiếu nhi của Đài truyền hình tỉnh. Lanh sững sờ, đứng như trời trồng khi nhìn thấy con gái mình, Duyên, biểu diễn trên truyền hình. Khi định thần lại, ả ra ghế sô pha ngồi theo dõi hết chương trình. Và ả mừng rỡ khi biết rằng con mình đã lọt vào vòng chung kết. Sau đó ả cẩn thận lấy cuốn sổ nhỏ chuyên dùng để ghi các thông tin nhà đất và địa chỉ các loại ghi lại ngày, giờ Đài truyền hình tỉnh sẽ phát sóng trực tiếp vòng chung kết.
Hôm đó Lanh thao thức suốt đêm. Một mình ả đối diện với lương tâm mình trong ngôi nhà đồ sộ. Trong sự cô đơn tột cùng ả lắng nghe lương tâm phán xét. Ả cảm thấy vô cùng hối hận về những việc mình đã gây ra cho đứa con gái ruột của mình. Giờ đây ả có muốn chuộc lỗi thì cũng đã quá muộn. Trong đầu ả chỉ còn vang lên nhiều lần hai tiếng “giá như”. Cứ thế, ả miên man nghĩ rồi ôm mặt khóc rống lên…
*
Ngày mai sẽ là ngày diễn ra vòng chung kết Cuộc thi Tìm kiếm giọng hát hay thiếu nhi. Tối nay Duy Quang đến luyện thanh buối cuối cùng cho cháu Duyên. Khi Duyên đã vào buồng ngủ thì Duy Quang vẫn ngồi nán lại để trò chuyện cùng Hậu. Thời gian hai người gần gũi họ đã để lại trong nhau những ấn tượng tốt đẹp và nảy sinh tình cảm thân mật. Qua nét mặt, cử chỉ, ánh nhìn của Duy Quang linh tính mách bảo cho Hậu biết hôm nay anh sẽ nói với cô một điều rất quan trọng. Và rồi cuối cùng chàng nhìn sâu vào mắt nàng nói:
“Hậu ơi! Anh yêu em!”
“Anh… Nhưng…”
“Em đừng nói gì nữa. Anh biết em sẽ nói gì rồi. Anh không yêu vẻ ngoài, thân phận, hoàn cảnh của em, mà anh yêu vẻ đẹp trong tâm hồn em - một tâm hồn cao thượng!”
“…”
“Em hãy nhắm mắt lại đi!”
“…”
“Em hãy mở mắt ra nào!”
Khi Hậu mở mắt thì thấy Duy Quang quỳ bằng một chân trước mặt mình, hai tay đưa một cái nhẫn lên cao và nói:
“Anh xin cầu hôn em!”
Hậu bật khóc và chấp nhận lời cầu hôn của Duy Quang. Sau đó chàng ôm lấy khuôn mặt xinh đẹp của nàng và nói: “Khi xuân sang anh sẽ cưới em”. Và rồi họ trao cho nhau nụ hôn nồng cháy…
*
Buổi chiều, khi hoàng hôn rực rỡ buông xuống thành phố thì cũng là lúc Hậu đưa con gái đến nhà hát để chuẩn bị bước vào vòng chung kết Cuộc thi Tìm kiếm giọng hát hay thiếu nhi trong buổi truyền hình trực tiếp tối nay. Sau đó Hậu mới quay ra chợ mua một bó hoa để tặng con, vì cô muốn dành điều bất ngờ cho con.
Và rồi Duyên đã xuất sắc giành giải Nhất cuộc thi. Khi nhận Giải xong Duyên được MC hỏi:
“Bây giờ cháu muốn nói điều gì nhất?”
“Cháu muốn nói lời cảm ơn tới người mẹ thân yêu, đã dành hết tình thương yêu ở đời này cho cháu ạ!”
“Hôm nay mẹ cháu có mặt ở đây không?”
“Dạ, có ạ.”
“Xin đạo diễn ánh sáng chiếu đèn xuống phía khán giả để xem mẹ cháu Duyên đang ở chỗ nào ạ! Và chúng tôi đề nghị ai là mẹ cháu Duyên thì đứng dậy!” MC nói.
Lanh đang ngồi ở phía trái khán phòng bất giác đứng dậy, cùng lúc đó Hậu ở phía phải khán phòng cũng đứng dậy. Ánh đèn sân khấu lia qua cả hai người. MC bối rối trong giây lát rồi hỏi Duyên:
“Ai là mẹ của cháu?”
“Dạ, đấy!!! Mẹ cháu là người ôm hoa đấy ạ!” Duyên xúc động thốt lên.
“Mời chị lên sân khấu ạ”, MC nói.
Lanh vô cùng bối rối, tủi hổ. Ả cầm xắc đựng tiền đi nhanh về phía cuối khán phòng, về phía bóng tối.
Hậu mỉm cười rạng rỡ, ôm bó hoa tiến lên sân khấu, nơi có rất nhiều đèn chiếu, về miền ánh sáng…
---------------
1. (Tiếng Anh) - Dịch thơ:
Con gái tôi không tay
Nhưng con là mặt trời của tôi
là nguồn sống của tôi
là cuộc đời của tôi
Vì con tôi tài năng
với giọng ca tuyệt vời.