1.
- Vậy thế nào gọi là một bức tranh, ông?
Sau khi chuyện trò gần ba giờ đồng hồ, Nguyên hỏi họa sĩ. Định bụng nốt câu này thì chia tay, để ông còn ăn cơm. Đồng hồ cũng đã chỉ 12 giờ kém 5 phút.
- Nôm na thì thế này, trước khi vẽ người ta sẽ xác định, kiểu như đạp xe từ Hà Nội về Bắc Ninh, phải qua cầu Long Biên, cầu Đuống, Từ Sơn rồi mới đến. Nếu đạp đến Từ Sơn thì chưa tới, nếu đạp quá lên Đáp Cầu thì phải quay lại. Tranh khác lại có thể như Hà Nội vào Thanh Hóa, Hà Nội vào Huế... Cái này cực quan trọng, như nấu cơm, cho quá nước, sẽ không thành cơm, không thành cháo, không ăn được. Hay như nấu canh, một thìa bột canh thì vừa, thêm thìa nữa là đổ đi...
Minh họa Phạm Hà Hải |
Nguyên bật cười. Họa sĩ Hữu luôn có cách nói ví von bằng hình ảnh, rất mộc mạc, dễ hiểu, không lần nào giống lần nào. Là họa sĩ nổi tiếng, nhưng ông khác hẳn các họa sĩ cùng thời. Không quần xanh, áo đỏ, phụ kiện rủng rẻng, không râu dài, tóc búi cua hay cạo trọc, không xe nọ, đồng hồ kia... Người ta chỉ nhìn thấy ông như một người bình thường. Ông thành danh từ đầu thập kỉ 80 thế kỉ trước sau khi liên tiếp đoạt giải nhất, giải nhì… triển lãm mĩ thuật toàn quốc. Những tác phẩm với cách vẽ ngây thơ, hồn hậu, mới mẻ của ông khi đó sau này được đánh giá là “thế hệ vàng đổi mới mĩ thuật Việt Nam”. Nhiều người nói rằng ông có cá tính đặc biệt trong nghệ thuật nhưng lại cực kì khó tính. Đến mức, có hai họa sĩ đồng nghiệp vào nhà ông xem tranh, ông đứng chặn ở cửa, nói “Thằng này vào, thằng kia về.” Câu chuyện này đến nay vẫn có không ít người nhắc lại như một giai thoại.
Có lần, Nguyên đưa ông xem một bức tranh Nguyên vừa vẽ. Nhìn qua ông, nói ngay:
- Màu của mày không có chuyển sắc. Nên nhớ, cái tranh dù to đến thế nào nhưng phải không xăng ti mét nào giống nhau. Cái tranh này như chơi dương cầm mổ cò từng nốt một, không có hợp âm, xem rất chán.
- Sao ông chỉ nhìn chưa đầy hai chục giây ông đã nói thế?
- Xem tranh với tao như muối đưa lên miệng. Mặn hay không, mặn đến mức nào tao thấy ngay. Tao đã nói với rất nhiều người, đừng bao giờ hỏi tao cái quần cái áo, cái đồng hồ, cái xe... này thế nào, vì tao không biết gì cả. Đời tao chỉ biết có xem tranh, thế thôi. Tao bảo được là được, bảo vứt là vứt...
- Thế vẽ đè lên cái cũ có được không ông?
- Được, nhiều khi cái mới nó đè lên cái cũ, một số miếng, nét của cái cũ còn sót lại trông rất hay. Có danh họa thế giới từng vẽ rồi cạo đến hơn trăm lần trên một cái toan. Marc Chagall* vẽ sai nét, lại vẽ nét khác đè lên, rất duyên dáng. Nhưng cũng tùy, có cái thương binh chỉ cần sửa, thêm vài nhát lại thành chiến sĩ vác B40 xung trận. Cái khác lại càng thêm, càng sửa lại càng nát. Tôn trọng cảm xúc ban đầu là rất quan trọng. Nó nguyên sơ và thường là mới mẻ.
- Mà ông này, cháu có thấy ông nghe nhạc cổ điển bao giờ đâu mà ông cứ hay ví tranh với chơi dương cầm thế nhỉ?
- Mày nhầm, hồi trẻ, tao nghe nghệ sĩ nhân dân Bích, vợ họa sĩ Đa bạn tao chơi cả chục năm trời.
2.
Từ khi mới ra đời, cậu Hữu đã được mọi người nói là khó nuôi, bởi cứ khóc ngằn ngặt cả ngày. Khi lên ba, mọi người phải bế Hữu đã thấy nhẹ gánh đi rất nhiều. Bởi chỉ cần đưa cho hòn gạch non để vẽ thì lập tức cậu nín. Nhà rộng, ngoài một dãy nhà chính năm gian còn một dãy nhà ngang ba gian, khoảng sân lát gạch cũng rộng chừng năm chục mét vuông, trẻ con có thể đá bóng khá thoải mái. Hữu vẽ kín đặc sân cùng tất cả các bức tường. Người chú ruột thường được giao bế Hữu sau một thời gian vật lộn với cậu nảy ra sáng kiến. Ông đem đập bẹp đầu que tre, thêm một ống bơ đựng nước là có thể yên tâm đi làm việc khác, không cần để tâm đến cậu bé. Vì cậu sẽ vẽ suốt. Vẽ bằng nước lã thì chỉ một loáng là khô, cậu lại vẽ đè lên.
Cả tuổi thơ Hữu tràn ngập trong hân hoan vẽ. Lớn lên thêm, cũng không ai động viên hay ngăn cản việc này. Chỉ có hai lần Hữu ăn đòn thừa sống thiếu chết nhưng cũng chỉ do một việc. Cậu lên cơn vẽ tàu bay suốt ngày, suốt tháng. Lúc này, người chú ruột đập que tre cho cậu vẽ lẫn người anh cả là cán bộ kháng chiến đều hi sinh do bị tàu bay Pháp bắn cách nhau không lâu. Cha Hữu ngày đêm rầu rĩ vì sự mất mát quá lớn bất ngờ đổ ập xuống gia đình. Đó là chính người em ruột mà ông cụ quý mến nhất. Còn người con trưởng, trẻ tuổi nhưng đã là cán bộ cấp thường vụ tỉnh ủy, người mà ông đặt nhiều kì vọng hơn cả. Sự đau khổ khiến ông hụt hẫng, rỗng cả người thì ông con trai thứ lại cứ vẽ tàu bay.
- Mày không thể vẽ cái gì khác ngoài tàu bay à?
Ông cụ hét lên. Trong tay có bất cứ thứ gì ông đều đập, ném lên người cậu bé. Cơn bực tức lên đến đỉnh điểm khi ông tóm được bó củi. Ông dùng cả bó củi giã lên đầu Hữu.
Thường thì trong nhà không ai dám can ngăn bởi biết tính ông cực nóng. Nhưng lần này, người cô ruột của Hữu phải lao ra:
- Ông định giết cháu tôi hay sao mà ông đánh nó thế này?
Hữu thoát khỏi trận đòn nhừ tử. Nhưng cơn vẽ máy bay chưa dứt, chỉ vài ngày sau, Hữu lại bị cha mình trói chặt, ném xuống hố vôi ngập nước, may mà người ta đã lấy hết vôi.
Cho đến sau này, khi Nguyên chừng năm tuổi trở lên, Nguyên thấy, gần như lúc nào gặp bác Hữu, đều thấy bác vẽ. Lúc gặp anh em trò chuyện, bác chỉ nói vài câu rồi lại cầm bút vẽ. Lúc chờ cỗ giỗ, chờ cơm... gần như chỉ chừa lúc ngủ, bác Hữu đứng vẽ, ngồi vẽ... từ phong cảnh, kí họa chân dung ai đó, hay vẽ cây bưởi, cây mít ngay, cái ang, cái lọ… trong sân nhà.
Lớn thêm chút nữa, mỗi lần Nguyên đến nhà bác chơi, bác sang hàng xóm mượn con gà chọi, Nguyên bế gà chọi làm mẫu để bác vẽ. Có khi đang vẽ, bác lại chạy ra, véo vào mông bác gái, vừa véo, vừa xoa, vừa bóp, vừa nói:
- Em í thì là Trần Thị Thanh Thanh, anh í thì yêu quá!
Bác Hữu cứ quý ai thường là bác thường bóp, vỗ, véo khi gặp gỡ. Dù người đó là trẻ con hay người lớn. Khi còn nhỏ, Nguyên thấy sợ khi gặp bác, bởi bác vỗ hay véo rất đau. Dù có cả con, cháu ở đó, nhưng bác Hữu chẳng thấy xấu hổ gì khi bóp mông bác gái. Mọi người thường nói bác là bị hâm, bị dở.
Chuyện này cũng không có gì lạ. Người làng gọi bác là thằng dở từ bé. Dở là trong khi những đứa trẻ khác ngoài đi học, về nhà đều làm việc nọ, việc kia còn Hữu chỉ có vẽ. Nếu có tiền, cậu sẽ mua trái cây, rồi cho những đứa cùng lứa ngồi cầm để làm mẫu cho cậu vẽ. Vẽ xong, thì cho chúng ăn. Ngoài vẽ ra, Hữu chẳng biết làm gì.
… Khi Hữu đang học trung cấp mĩ thuật, ở Tràng Tiền, người ta tổ chức một triển lãm của một họa sĩ Liên Xô cũ. Ông này vờn sóng biển bằng bay tuyệt vời. Xem xong, Hữu phi về Bắc Ninh, tìm một lưỡi cưa hỏng, ra bờ tường nhà bà Dậu mài. Bà này cứ ngủ trưa thì lại bị những tiếng vẹt vẹt vẹt… làm thức giấc. Hữu nghe rõ bà Dậu bảo cô Đinh, con gái bà:
- Con chạy ra ngõ xem ai làm gì ở bờ tường nhà mình thế?
Lát sau cô ấy chạy về bảo mẹ:
- Lại cái thẳng dở con nhà ông Tính nó mài cái lưỡi cưa.
Mài gần tuần thì lưỡi cưa vừa bằng cái bay, thép dẻo, chỉ cần miết thử đã thấy rất thích. Hữu mượn xe đạp của cha, đạp thẳng ra trường mĩ thuật. Mò vào lớp đại học, khoét của mỗi người một cục sơn dầu bằng quả trứng. Khi đó, ở trường mĩ thuật, chỉ bậc đại học mới được vẽ sơn dầu. Phi về, Hữu quan sát sóng sông Cầu rồi phết, trát. Lúc nghỉ hè xong, các bạn cùng lớp bảo sóng mày vẽ không kém gì ông họa sĩ Liên Xô kia.
Sau này, khi đã ngoài bốn mươi, về quê, chú Hà (anh em thúc bá) gọi bác Hữu ra, bảo:
- Anh này, em thấy anh thật lạ, anh em thì phải nói thẳng. Đến giờ mà anh chẳng biết làm gì, cứ về quê là tìm chỗ nào vẽ, cứ cái thuyền nào càng rách nát lại càng ngồi vẽ lâu. Em hỏi thật, anh vẽ thế này có kiếm được đồng nào không, anh còn dở đến bao giờ nữa...
“Chẳng biết nói với chú ấy thế nào. Mày thấy đấy, mỗi khi nhà có việc, ngồi cùng bố mày, rồi các bác các chú khác, tao có nói được chuyện gì đâu. Chuyện mình thích thì người ta không hiểu, chuyện mọi người nói thì tao không thích.”
Một lần đi thực tập ở miền núi, thấy một cô gái dân tộc đi nương, cô có đôi bắp chân rất đẹp, họa sĩ Hữu chỉ vì thích vẽ cặp bắp chân đó mà đi theo cô kia hơn chục cây số. Về đến nhà, bố cô ta vác dao định chém, họa sĩ vội nói “Tao là họa sĩ, chỉ muốn vẽ.” Nhưng họ không hiểu tiếng Kinh, thế là đành rút quyển sổ ra, kí họa thật nhanh chân dung ông ấy, ông ấy mới hiểu và cho cô gái ngồi làm mẫu một buổi. Chiều tối lại giết gà, làm cơm mời, rất ngon.
Gần đây, khi chứng hen ngày càng nặng, bác sĩ không cho phép họa sĩ Hữu tiếp xúc với sơn dầu, ông ngừng vẽ. Một buổi sáng, đi bộ trong công viên, ông thấy một thiếu phụ rất đẹp, kể cả thân thể, ăn mặc lẫn túi đeo. Họa sĩ cứ đi theo sau, rồi buột miệng “Sao có người đẹp thế nhỉ.” Lập tức, thiếu phụ quay lại, giọng gằn lên:
- Ông bị điên à, đẹp thì làm sao, sao ông cứ đi theo tôi thế?
- Thì tôi thấy cô đẹp, muốn vẽ cái chân dung.
- Ông mà biết vẽ á?
- Vẽ đẹp là khác.
Thiếu phụ dịu xuống, rồi ngồi xuống ghế đá.
- Tôi phải ngồi thế nào mới đúng ý ông?
- Cô cứ ngồi thế nào mà cô cảm thấy thoải mái nhất.
Lúc đó, họa sĩ Hữu mới nhớ ra, ông đi tay không, không mang theo gì. May, trong túi cô gái có bút và một quyển sổ. Ông vẽ bốn cái chân dung trong ba mươi phút.
- Đẹp quá, anh có thể tặng tôi một cái tôi mang về treo?
- Biếu cô tất.
- Thế cho tôi xin số điện thoại hay địa chỉ nhà ông, lúc nào tôi qua cảm ơn.
- Không có số điện thoại, cũng không có địa chỉ gì cả. Tạm biệt cô, chúc cô vui khỏe.
Đầu những năm tám mươi, đất nước còn chưa mở cửa, đời sống của mọi người cũng như nghệ sĩ đều khó khăn, hoạ sĩ Hữu vẽ bức tranh Hoà bình. Nhân vật trung tâm là một bà mẹ trẻ nâng đứa con trai bụ bẫm trên ngực mình. Bức tranh đem triển lãm và được giới làm nghề cũng như phê bình đánh giá cao. Nhưng lúc đó làm gì có người Việt nào mua tranh, Tây thì đâu đã vào Việt Nam. Hoạ sĩ Hữu mang về, treo lên gác bếp. Nhà tập thể chật, vừa là chỗ nằm vừa chỗ vẽ cũng không cả có chỗ mà treo tranh.
Ít lâu sau, có một nhà phê bình có tiếng dẫn theo một người khách vào xem. Người khách mua cái tranh này. Bữa tối, có thêm đồ ăn tươi, mừng cái tranh bán được. Vợ họa sĩ nói số tiền này ngay ngày mai sẽ trích ra một phần lớn mua hai chiếc xe đạp mi fa. Xe đạp nhà đang dùng đã hơn chục năm, rão hết cả. Bà mẹ vợ hoạ sĩ lúc đó lên chơi, nghe được, nói luôn: “U cứ nói thật, anh Hữu, anh có lừa người ta thì đem trả thì còn kịp. Chứ miếng bao tải anh khua nhằng lên mà bán được những hơn cây vàng?”
Họa sĩ nói, u thấy từ bé đến giờ con có lừa của ai một hạt thóc đâu. Tranh đó bán giá thế là còn rất rẻ. Bà cụ mới an lòng.
“Hôm sau bác gái và chị mày, mỗi mẹ con dắt một chiếc mi fa về, nghe tiếng líp nó tanh tách, rất vui tai.”
Đất nước mở cửa, tranh bắt đầu bán được rồi bán chạy. Cũng như giới họa sĩ khi đó, họa sĩ Hữu cũng bán được nhiều, đời sống khấm khá lên. Bảo tàng nghệ thuật Singapore mua tranh, triển lãm ở Mỹ cũng bán được, rồi nhiều nhà sưu tập khác sở hữu tranh của ông, có cả nhà vua Maroco...
- Bán tranh cho vua có phải kỉ niệm đặc biệt của ông?
- Không có gì đặc biệt, được cái nhiều tiền hơn. Ba cái nhà các chị mày ở Hà Nội đều là từ tiền tranh mà ra. Nhiều chuyện khác thú vị hơn. Năm 1970, học Trường quân chính Nho Quan (Ninh Bình) để phong quân hàm. Trước lễ kỉ niệm 25 năm Quốc khánh hơn một tháng, nhà trường gọi tao lên giao nhiệm vụ đặc biệt. Vẽ bức tranh công nông binh cao ba mét, dài 6 mét để đặt vị trí trung tâm buổi lễ kỉ niệm. Hạn trong một tháng phải xong. Phải bắc giàn giáo để làm. Nhà trường cho hưởng chế độ đặc biệt trong thời gian vẽ. Mỗi ngày được một con gà, một gói trà và một bao thuốc. Có hai cô phổng phao, trắng, xinh được cử đến phục vụ. Nhiệm vụ của hai cô là nấu ăn, pha trà và đưa vật liệu lên dàn giáo cho họa sĩ vẽ. Thuốc và trà tao không dùng nên cho hai cô đem bán.
Tao vẽ đến ngày thứ ba thì hòm hòm. Bà con đi làm ruộng qua xem ai cũng khen nức nở. Chiều ngày thứ tư, ông thiếu tướng hiệu trưởng xuống kiểm tra. Xem tranh, ông rất hài lòng. Hết ngày thứ năm, hoàn thành tranh thì một cô nói “Anh Hữu ơi anh không thích ăn miến gà, không thích làm cùng chúng em nữa lại muốn về tập ném lựu đạn, tập bắn nữa hay sao?” Nghĩ vừa buồn cười, vừa thương tao mới xoá, dập một số chỗ của bức tranh. Ông hiệu trưởng lại xuống kiểm tra. Ông bảo “Sao hôm trước đẹp thế mà hôm nay lại thế này?” Bèn bảo, đó là chuyên môn, em làm xong còn đẹp hơn lần trước thầy đến nhiều. Cuối cùng, tao kéo đến ngày thứ hai mốt thì xong. Suốt thời gian đó, không dám sờ cô nào dù chỉ một phát. Chỉ sợ nhà trường phát hiện, không phong quân hàm thì chết.
Giải thưởng lớn bé ông đều được trao. Đến tận khi bác đã gần bảy mươi tuổi, mỗi khi vợ họa sĩ về quê, người làng vẫn hỏi “Thằng ấy còn dở không?”
3.
- Mày vẽ chỗ này rất tính toán đúng không?
- Vâng, vẽ thì phải tính xem đặt cái gì vào đó, vẽ cái đó thế nào chứ ông?
- Không ổn. Mày vẽ tự do bác biết, tính toán bác thấy ngay. Tất nhiên là có tính toán nhưng sự tính toán quá kĩ thì lại hỏng. Tao chỉ có ba mươi nghìn trong túi, thích que kem là tao mua ngay khác xa mày có nhiều tỷ nhưng mua xe, mua nhà… cái gì mày cũng phải tính toán quá kĩ. Vậy ai sướng hơn ai. Cứ làm tự do, như chim bay, cá lượn. Tranh phải làm cho người xem cảm thấy phấn chấn, bay bổng thì mới hay.
Họa sĩ Hữu dùng ngón tay gạt qua bức tranh đó trên điện thoại của Nguyên, rồi dừng ở bức tiếp theo.
- Cái này lại mắc bệnh khéo. Mày còn lâu mới đạt độ khéo nhưng cũng phải dặn trước, xem tranh vẽ khéo cực ghê người. Tranh nó cũng như người, phải có chỗ nào đó vụng về, thậm chí có chỗ vẽ sai mới hay. Chứ chỗ nào cũng kĩ, cũng khéo xem kinh lắm. Nó như một người phụ nữ vừa đẹp, vừa duyên dáng, vừa nói chuyện hay, vừa nấu ăn giỏi... Ngoài đời làm gì có ai như thế, họa chăng chỉ có ma may ra mới thế. Mà kể cả ở ngoài có người như thế, mày có dám tiếp xúc, dám gần gũi không? Nghệ thuật hoàn toàn không phải thứ tỉ mỉ, khéo léo của ông thợ kim hoàn.
Họa sĩ Hữu gạt tiếp ngón tay và dừng lại ở một bức vẽ còn dở dang. Cái này là lúc Nguyên đang vẽ thì nhóm bạn thân chát trong nhóm. Có người chát một bức ảnh một cô gái mặc bikini và nói rằng cậu Thắng dạo này người thẫn thờ, không kìm chế được cảm xúc vì cô gái ấy cậu khá thân thiết, nay cô ta vừa đi du học. Nguyên mới bảo “Để tôi vẽ tặng Thắng cái tranh cô này cho cậu ấy nguôi ngoai.” Nguyên vẽ chừng một giờ thì dừng, ngắm nghía, chưa biết vẽ tiếp thế nào. Bức tranh mới chỉ dừng lại ở việc tả sóng biển, đặc tả cô gái. Cô này mặc hai mảnh, một cánh tay để trước bụng. Nguyên vẽ quần tắm lại trùm lên tay cô gái, thành ra cô thò tay vào trong quần. Nguyên tính sẽ vẽ lại sau. Chợt nhớ đến lời một chị bạn, cũng là họa sĩ có tiếng, có lần nói với Nguyên, nếu bí cứ để đó, rồi xem sau, sẽ tự biết đi tiếp thế nào, Nguyên dừng lại...
- Cái này chưa xong, cháu định cuối tuần này vẽ tiếp, ông ạ!
- Cái này không những đẹp nhất từ ngày mày vẽ đến giờ mà còn là tranh đẹp. Cái cô “thò tay bắt cua” của mày rất hay, sóng biển được, không cần vẽ thêm gì nữa, đến Bắc Ninh rồi đó.
Nguyên bật cười:
- Ông ơi, cái tranh này mà đem treo, một nghìn họa sĩ xem chắc chỉ có ông và vài người nữa bảo được...
- Kệ chứ, nghề nào chẳng theo quy luật hình chóp, trên đỉnh có được mấy người...
- Nhưng tranh này giấy vẫn còn trống...
- Ai học mĩ thuật cũng được dạy vẽ hoàn thiện. Cái này đúng nhưng chưa đủ. Nhiều danh họa lớn vẽ để trống giấy, trống toan rất nhiều nhưng đều cực đẹp. Giờ người ta còn trưng bày nguyên tấm toan, không vẽ tí nào. Hoàn thiện mà xấu thì để làm cái gì? Nói thêm, khoảng nghỉ trong thơ, trong truyện, trong âm nhạc cũng như trong tranh... cực kì quan trọng. Mọi người làm việc hàng ngày có ai làm quần quật suốt 8 tiếng đâu, phải nghỉ ngơi chứ...
Nghe họa sĩ nói, Nguyên cười ha hả, lấy tay vỗ vào người ông.
- Sao mày vỗ tao đau thế?
- Gớm, thế ăn thua gì, xưa ông vỗ cháu còn hằn, tím cả người. Anh Vân họa sĩ anh ấy bảo, mỗi khi bác hứng khởi, bác vỗ đồng nghiệp cũng đau phát khiếp.
Lần gặp khác, họa sĩ Hữu nói:
- Nguyên này, thằng Tường nhà bác Lý nó giận bác lắm.
Nguyên rất ngạc nhiên. Bác Lý là con gái duy nhất của ông nội Nguyên, là chị ruột của bố Nguyên và bác Hữu. Bác là người đảm đang, tháo vát, nhân hậu. Nết ăn ở của bác không chỉ họ hàng mà cả làng nơi bác lấy chồng lẫn làng của Nguyên nơi bác sinh ra và sống thời con gái, ai cũng quý mến, nể phục. Nhưng cái được lớn hơn là bác sinh ra bảy người con, cả trai lẫn gái, ai đấy đều ngoan hiền, làm ăn tấn tới. Nguyên rất lấy làm lạ khi bác Hữu nói thế.
- Làm gì có chuyện đó, ông cứ nghĩ lung tung. Tất cả những người con nhà bác Lý đều lành, ngoan, ông còn lạ gì nữa.
- Không, hôm trước, nó có gọi điện bảo, cậu ơi, cháu mới xây xong nhà mới. Cậu chọn giúp cháu mấy cái tranh treo.
Bác bảo, cậu nói thật, cậu không thể giúp cháu được.
- Cậu là hoạ sĩ, cậu nói không giúp được cháu chọn tranh thì cháu còn biết nhờ ai?
- Là vì những cái cậu bảo được thì cháu không xem được. Còn những cái tranh mạ đồng vàng choé, cậu ghét kinh khủng thì có khi cháu lại thích.
Bác nói thế là rất chân thành. Nhưng khổ cái có ai hiểu đâu. Mày thấy đấy, như cái tranh này, hay cái kia, mày và tao cùng rất thích nhưng có khi cho nó, nó còn mắng cho, lại bảo vẽ nguệch ngoạc thế kia mà cậu cho cháu, cậu chê cháu à? Chẳng biết làm thế nào cả.
Nguyên lái câu chuyện sang hướng khác.
- Đời nghệ thuật của ông, đến nay, gần 60 năm vẽ, ông thấy điều gì là quan trọng nhất?
- Thấy cái đẹp của người khác, tránh xa cái xấu. Rồi mày sẽ thấy, những thằng họa sĩ nào màu xấu, tính nết ở ngoài bẩn cực, không thể chịu nổi.
- Thế thấy danh họa nào vẽ đẹp, mình chép tranh người ta, học cách vẽ ấy thì có nên?
- Tây một số nơi họ cũng dạy sinh viên mĩ thuật của họ kiểu này. Nhưng tao thì không thích cách đó. Chỉ nên coi giá trị của nhân loại là điện. Khi họ làm ra điện rồi thì mình có làm ra điện nữa cũng vứt đi. Chỉ nên coi đó là điện, mình làm ra điều hòa, ra quạt điện, ra xe điện… tức là những cái của mình. Khi tao vẽ nude, gần như tất cả những họa sĩ là bạn tao đều phản đối. Họ bảo “Món này thế giới nó làm nát ra rồi, ông lao vào thì còn vớt được cái gì.” Nhưng tao cứ làm. Nó xuất phát từ cảm xúc tuổi thơ. Nhà mình nằm bên sông Cầu, cạnh bến đá to nhất làng. Mỗi chiều hè, cả chục phụ nữ ra tắm. Những vẻ đẹp mộc mạc, đầy đặn, khỏe khoắn… phô bày rất tự nhiên. Có lần, cô Lan, con gái ông Thìn, tắm xong thay quần áo thì lóng ngóng để tụt cái váy quây. Tao tình cờ nhìn thấy, ôi trời, đẹp mê hồn... Mày biết đấy, nude cũng là mảng thành công trong đời nghệ thuật của tao.
Tiễn Nguyên ra cửa, họa sĩ Hữu vỗ vai:
- Về vẽ thật lực vào, đang cơn được đấy, đời người làm nghệ thuật không có nhiều cơn thế này đâu. Phải nắm bắt được và tranh thủ mà làm.
- Vâng, ông khóa cửa rồi đi nghỉ.
- OK. Good bye!
Nguyên lại bật cười. Họa sĩ Hữu chỉ mới học chưa hết bằng A Streamline hồi những năm 90, khi người nước ngoài đến Hà Nội mua tranh nhiều. Nhưng khi nói chuyện ông lại cực thích đệm bằng tiếng Anh. Đó cũng là cách tạo niềm vui cho người khác rất khác biệt của ông.
* Danh họa người Nga, sống ở Pháp, gốc Do Thái.