Tôi hôn gió lên làn mây ửng hồng, nhẹ bước trên con đường rợp lá khô.
Hôm ấy là một ngày kì lạ.
Tôi không bao giờ ghi nhật kí, vì chắc chắn tôi sẽ thêm thắt những yếu tố li kì cho bản thân đọc. Đây, không phải là một câu chuyện trong cuốn nhật kí không tồn tại ấy.
Gió thổi ngọn cây rung rinh, tôi nhìn, một con chim bay ra và nhanh chóng biến mất vào bầu trời chiều. Tôi đi sớm vì tôi luôn đi đúng giờ. Tôi đi trước ba tôi vì ông luôn là ba tôi. Hôm ấy trời không mưa, điểm khác biệt đầu tiên với những ngày trước nó. Tôi khá vui vẻ, điểm khác biệt thứ hai với cả những ngày trước đó nữa.
Ba đã trở về. Ôi! Ba đã trở về từ Hàn Quốc, từ lúc ông chào tạm biệt tôi để đi xuất khẩu lao động. Ba đã gửi tiền về thường xuyên, và hôm ấy ba gửi cả người về để nói chuyện, để mặt đối mặt, để thấy được đôi mắt trìu mến của nhau. Ba tôi hẹn gặp tôi ở một băng ghế công viên ở vòng xoay Bãi Cát.
Ba và tôi thường ngồi trên chiếc xe máy cà tàng, ông chở tôi đi một vòng Bãi Cát rồi tà tà xuống Bến Ninh Kiều. Tôi từng nói với ba rằng để tôi tập chạy xe một mình, tập đến khi rành cách chuyển số thì mới chở ba tôi đi. Nhưng hôm ông đi, tôi vẫn là người ngồi phía sau. Và là người ở lại phía sau khi ông lên máy bay đúng giờ. Nhưng, tôi đoán khi đến Hàn Quốc, ba tôi sẽ nghĩ rằng: Thế là mình phải ở lại phía sau, không đi cùng khi nó lớn lên từng ngày.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet |
Tôi lớn lên nhanh, nhưng vẫn không đủ để vươn qua ngọn cây và núi cao để trông về nơi xa xôi, để mà tìm ba. Và, có vẻ ba luôn bận, vì rất ít khi ba nhắn rằng mình rất bận mà chỉ để một khoảng im lặng dài. Tôi thường xuyên phải đợi, nhưng lúc ấy ba không để cho tôi đợi nữa, ba sẽ đi đúng giờ.
Tôi hiểu ba tôi, và hôm ấy tôi muốn ba hiểu tôi đã lớn như thế nào. Tôi đã đi trước.
Tôi gửi xe ở đường Nguyễn Thái Học rồi đi bộ. Nhịp chân tôi chậm hơn nhịp tim, máu chảy bồi hồi. Tôi không nhìn nhưng nghe được tiếng chim tát cánh vào lá xanh mà bay mất vào bầu trời chiều. Không biết nhà nó ở đâu, tôi tự hỏi rồi đi về phía cầu Ninh Kiều. Một đám mây cuộn tròn lại, gió thổi là lạ qua người tôi, nó âm ấm và như khều vào lưng. Lưng tôi đang đổ mồ hôi.
Đi được một đoạn, tôi bắt gặp một ông già ngồi trên ván gỗ xấu xí có gắn bánh xe, chắc chắn là đang xin một chút cơ hội sống qua ngày.
“Đừng nhìn chằm chằm vào người ta!”
Tôi giật mình quay đi khi nhớ lại câu nói này của ba. Thật khó để tuân theo khi bạn là một đứa trẻ tò mò, nhưng tôi ghét phải mang cái danh bất lịch sự mà ba tôi đã nhắc đi nhắc lại.
Nhìn ông ta rất thảm thương và y hệt cái ông ăn xin tôi đã thấy khi tôi còn nhỏ. Hình ảnh ông ta khi ba tôi vừa kéo tay tôi vừa nhắc nhở cái câu quen thuộc đã xăm một đường viền và bây giờ, ông ta xuất hiện trở lại để tô màu cho cái hình ảnh của chính ông. Nhưng đây không phải là điều kì lạ thứ ba, do nỗi bất hạnh luôn hiện hữu và cái ông ăn xin này có thể đã ngồi đây gần mười năm không nhúc nhích, cái điều kì lạ ở đây là tại sao tôi lại nhớ rõ như vậy, cho đến bây giờ tôi vẫn nhớ, nhớ kĩ. Tôi là một đứa trẻ tò mò, và khi tò mò, bộ não sẽ ngốn lấy mọi thứ, nó sẽ ăn tạp đến những thứ chả quan trọng và không nên ăn, và, nó sẽ ói ra khi quá tải. Thế mà, cái kí ức tôi chưa bao giờ nhớ nữa lại hiện lên rõ ràng trong lúc tôi gặp lại ông già ấy một lần nữa. Có vẻ, cái gặp lại lần nữa với ba tôi đã làm những cái “nữa” khác gặp lại tâm trí tôi từ trong một hốc nào đó trong não. Ánh lửa que diêm đã phát hỏa một sợi dây nối với những thứ gì nữa thì tôi chưa biết, chỉ biết là lưng tôi vẫn đổ mồ hôi và nếu những con chim trên kia không an tọa mà cứ tung cánh thì tôi sẽ tìm cách bắn hạ nó.
Đứng trên lưng cầu nhìn xuống, tôi thả trôi sự tập trung do vẫn còn xa cái điểm năm giờ. Rạch Cái Khế đang ngủ yên, thở chậm rì, mặc cho vài chiếc ghe lướt nhanh qua lưng dần sẫm lại của nó. Thập thò vài con cá bên dưới, tôi tự hỏi có những cái hốc làm nhà nào ở đáy sông hay hai bên bờ cho tụi nó lánh về ngủ hay không. Tôi thì luôn có nhưng ba tôi đã lâu rồi không có, cái nơi gọi là nhà. Chẳng lẽ trôi nổi đến mãi mãi, ba tôi sẽ nói với tôi về chuyện gì, bộ dạng ba tôi sẽ như thế nào, ba tôi sẽ chào tôi như thế nào… đều là những ý nghĩ chảy theo dòng cắt ngang hai mảnh đất.
Bóng không thể đổ xuống mà vướng ở trên thành cầu, tôi rùng mình đi xuống Bãi Cát.
Đến bây giờ tôi vẫn không biết nguồn gốc của cái tên khó hiểu này, vì chưa khi nào tôi thấy được sự xơ xác của nơi “bãi cát”. Cái vòng xoay thật lớn, thật xanh và thật cao, và khi tôi còn nhỏ, những bụi cỏ vẫn còn cơ hội chen chúc với những thân cây to, thi đua nhau làm rạng lên một chút cái danh “bãi cát”, dù ý nghĩ như thế khá kì lạ. Nhưng mà có một chuyện xảy ra vào lúc ấy không khá kì lạ nữa mà rất rất, đám cỏ dại trở lại, nghiêng người vào thân gỗ và ghế đá, thách thức đôi mắt hiếu kì của tôi. Tại sao không ai dọn hết vậy, tôi nghĩ, tại sao chứ, tôi chần chừ, bồn chồn, linh cảm một chuyện không hay sẽ xảy ra dù khung cảnh ở phía trước vẫn thật xanh và tươi mát.
Không có tiếng chim phụ họa, ba tôi ngồi trên một chiếc băng ghế đá sạch cỏ, có thể nói là trơ trọi giữa đường dẫn vào tâm vòng xoay.
Ba tôi đã tới trước tôi, luôn là vậy.
Một âm câm nấc lên trong cuống họng tạo ra vài bọt khí bể lặng thinh, tôi mỉm cười, bước tới bên ông. Bong bóng đang trào ra trong não, tôi nghĩ thế, vì lúc ấy đầu óc tôi nhẹ bẫng, tưởng sẽ nổi hẳn lên đám mây cũng dần sẫm lại với con rạch. Tôi vẫn mỉm cười, bước tới bên ông.
Băng qua vài đợt xe máy đang ôm vòng như những chiếc lá bị gió cuốn vội vã, tôi chầm chậm, cẩn thận từng bước của mình. Gió tạt vô duyên qua người tôi, nó nong nóng và như đang đẩy tôi về phía trước. Lưng của tôi vẫn đang đổ mồ hôi. Khi ấy, ba vẫn chưa quay đầu lại, chưa biết tôi đã thấy ông, việc này cho tôi thêm một ít thời gian mà tưởng sẽ được dư dả để nghĩ về cách chào hỏi ông như thế nào.
Một nụ cười trước cái bắt tay hay ngược lại, ba tôi chắc chắn đang hồi hộp suy nghĩ giống tôi, một cái ôm kèm theo vài tiếng vỗ lưng, tôi chắc rằng ba tôi sẽ ngại. Cha con mà suy tính quá, nhưng đã nhiều năm trôi qua, tôi nhón chân - đã là một con người khác, đã lớn, tôi bành vai - đã biết dè chừng, đã kiếm được tiền, nên, phải chào như hai người đàn ông phải không? “Đàn ông”, cái từ, cái khái niệm, cái hệ thống, cái khoảng ngăn cách giữa hai nguồn cảm xúc cần tràn và hòa quyện vào nhau, đàn ông đông chất đống thành một ngọn núi cứng và xù xì, tôi leo nó đến mệt còn ba tôi thì leo nó ra tận Hàn Quốc. Cha con tôi cần xuống núi, có như thế mới lấp được khoảng trống tình thương… nhưng như thế nào?
Tôi bước vào con đường dẫn vào tâm vòng xoay, vẫn chậm bước, đạp lên từng nhúm cỏ dại quá xanh tươi để tiếng lắc rắc tóe lên.
Minh họa Đào Quốc Huy |
Ba tôi quay về phía tôi.
Tôi không bao giờ chụp hình, vì chắc chắn tôi sẽ chỉ chụp những góc đẹp nhất để tự an ủi chính tôi. Những hình ảnh chụp luôn không thật nhưng ba tôi là thật, và hình ảnh ba tôi vào lúc ấy khiến tôi sợ hãi.
Ba nhìn giống tôi, không phải hoàn toàn mà là rất rất.
Tôi bước nhanh.
Ba tôi mỉm cười, rồi chìa tay ra bắt, bắt xong thì lôi tôi vào ôm rồi vỗ vào tấm lưng ướt mồ hôi vài cái.
Thật kì lạ, tôi càng lớn thì ba tôi càng giống tôi.
Hình như ông đã nói là tôi đã cao quá rồi dù ông đứng ngang mắt tôi. Hình như ông lại thêm vào cái nhìn nhận bộ râu đã xuất hiện trên mặt tôi dù râu ông mới xuất hiện lần đầu tiên trước mắt tôi. Mái đầu bạc hơi khác nhưng được chẻ y hệt. Tròng mắt nâu như viên đậu giữa miếng bánh nấu chín quá rồi cái miệng hình trái tim, cũng y hệt. Hai bờ vai ngang, hai cánh tay dài nằm hai bên phần thân trên cũng dài, và y hệt nốt, tụi nó nằm trên hai cái chân to nhưng săn chắc.
“Đừng nhìn ba chằm chằm vậy con!”
Déjà vu, tôi nhớ đến thuật ngữ ấy rồi mời ba ngồi xuống nói chuyện sau khi chào hỏi.
Ngại nhìn sự nhào nặn của thời gian, tôi đưa mắt lên trời hỏi về khoảng thời gian mà ba tôi xuất ngoại, bắt gặp một cánh chim sà vào tán cây cao. Lao xao, tiếng ba tôi thều thào kể về một trải nghiệm khốn khổ, tôi nhận và công nhận bằng những lần gật đầu thưa thớt.
Lúc lên máy bay - ba tôi bắt đầu kể, ông ngồi không yên do vẫn còn tự hỏi việc mình đi liệu có đúng, ông nhìn vào những người đồng hành cùng chuyến rồi nhìn ra mặt đất đã bị bỏ lại phía dưới mà tự trấn an rằng, đúng chứ, vì Đại Học. Hạ cánh tại Hàn, ba sà vào làm việc cực nhọc, ba nói ông vừa làm vừa nghĩ về tôi, hoàn toàn tin tôi sẽ không quẳng tiền của ông vào chuyện vô bổ mà biết tự bồi bổ về mặt cơ thể lẫn tri thức. Khi chân tay đau nhức, ông dừng lại nghỉ ngơi và lại nghĩ ngợi về mảnh đất nóng ẩm quê nhà, kì lạ, thành phố, tỉnh lớn, đô thị lại trở thành làng quê khi bạn đi đủ xa. Ông kể về những ngày mùa đông lạnh giá, ngồi co ro bên trong cái mền dày cộm kế bên những “em bé mới đến thế giới mới” khác, trò chuyện râm ran về những kí ức ấm áp để sưởi ấm tấm thân. Bất tuân khát khao và lí luận với chất vấn, ba cứ làm! - Ông phất tay lên cùng lời nói như vẫn đang lí luận, làm mệt còn đỡ hơn cứ hoài mệt lắm! - Ông không nói phức tạp như thế nhưng ngấn lệ đã biến hóa lời lẽ đơn giản thành một câu lưu truyền đời đời sau tôi.
Bàn tay thô ráp chạm vào tôi vài lần rồi rút lại ngay, đôi môi nứt nẻ dần ẩm ướt, nhịp nhịp đôi vai rồi xoa xoa đầu gối, ba khóc.
Tôi không muốn khóc vì không muốn càng giống ba tôi. Tôi sụt sịt, bấu bắp đùi nhưng vì nó quá rắn rỏi nên tôi không được xoa dịu chút nào. Rồi, không cản được, nước mắt tràn ra, nước mắt xối xả, rớt lã chã và mọi từ miêu tả tính hối hả đều đúng, tôi khóc.
Tôi nhớ khi ấy có một người đi ngang qua và hai người lập tức quay đi cố nín nấc. Tôi ghét làm đối tượng gợi sự tò mò, cũng như ba.
Bóng cây dần tan ra trên mặt đất, không gian ngả màu trong tiếng líu nhíu của côn trùng, tiếng thổn thức, tiếng trách móc và tiếng hai người đàn ông rủ nhau đi dạo.
Chúng tôi đi ngược lại lên cầu Ninh Kiều, nếu nói là chúng tôi đang trở về chỗ cũ cũng không sai. Khó nhận biết tốc độ của dòng nước trong điều kiện thiếu sáng, ba tôi nói rằng chỉ có thể là chậm rì, do ông từng nhiều lần ăn và ngủ trên chiếc ghe chở cát băng qua con rạch này. Đó là tuổi thơ của ông. Ông nói rằng chỗ ở bên Hàn Quốc của ông cũng kế con sông, gió luôn thổi vi vu qua những chiếc tàu nho nhỏ không biết lướt đến đâu làm ông bồi hồi. Ông thấy lạ, do nhìn cảnh nước ngoài mà nhớ cảnh nước nhà, rồi tôi đoán là dù ở đâu thì người ta cũng sống cho một thứ gì đó. Ông đồng ý dưới ánh đèn vừa được bật lên trên cầu.
Tôi thường nói đại, nhưng do ai cũng sống đại nên tôi thường nói trúng.
Khi tôi hỏi ba có khi nào bắt cá dưới vùng nước này lên ăn không thì nhận được câu trả lời không, ông nói việc ấy giống như phản bội lại điều lành mình nhận được. Nghe thế, tôi kể về việc mình đã sử dụng vài mánh khóe không hay trong công ty thì ông lại trả lời rằng với người, giữa người và người, thì đạo đức được phân chia không rõ ràng và ông luôn dở tính toán. Càng hỏi, càng trao đổi thì càng phát hiện nhiều điểm khác trong suy nghĩ, điều này liệu có tốt và điều này chứng minh gì? Góc nhìn của chúng tôi khác nhau là do khác độ tuổi, tôi tin là rồi tôi sẽ hết tò mò như ông. Ba và tôi, hai điểm trên một đường thẳng.
Một chiếc tàu nho nhỏ lú ra khỏi gầm, đưa ánh đèn chớp chớp đỏ về phía cầu Cần Thơ, chúng tôi đứng tựa vào thành cầu nhìn nó rẽ nước một chút rồi đi xuống dốc.
Bỏ chân dốc một đoạn, ba tôi kể về những kỉ niệm khi xưa, những lần chơi cảnh sát bắt cướp và những cuộc đua đến cửa rào. Ông kể về những lần hai chúng tôi chạy ngang qua đại lộ này trên chiếc xe cà tàng và kể về những lần đậu xe ở đường Nguyễn Thái Học rồi dạo quanh khu phố bằng chân, như chính chiều hôm ấy. Ba đùa một câu gì đó mà giờ tôi không nhớ, chỉ nhớ là có cười và nói lại là: như mẹ vậy.
Tôi cũng nhớ là lập tức cảm thấy hối hận khi nhắc đến mẹ.
Tôi sẽ không kể lại đoạn đối thoại diễn ra giữa chúng tôi sau đó, vì quá riêng tư. Tôi chỉ có thể gói gọn nó, buộc nơ và cất lại trong lòng như thế này: Mẹ tự tử, máu chảy, gia đình bị chia rẽ, ba nghĩ rằng ông là nguyên do và tôi cũng nghĩ vậy. À! Tôi đã kể rằng ba tôi rất thích nuôi chim chưa nhỉ, đúng vậy, và vào hôm ấy, cái hôm mà mọi chuyện đổ vỡ, ba tôi mở lồng, thả con chim cuối cùng của ông bay đi. Rồi hai năm sau, ông cũng đi.
Ông đúng là đã trở về cùng nhiều cái “nữa”.
Chúng tôi hướng về Bến Ninh Kiều. Thật khó để cứ bước khi nhớ lại một chuyện tồi tệ, nhưng chẳng lẽ cứ đứng lại mãi nghe tiếng xe cộ đang tràn ngập không gian, ồ ồ, gừ gừ, để nó nghiến lấy tâm trí của chúng tôi.
Ba tôi im lặng chừng năm phút, nhưng lỗ tai tôi lại bị lùng bùng suốt khoảng ấy, cứ như đang ở một nơi gần đỉnh núi. Bỏ tay vào túi, tôi lấy chuyện ông ăn xin ra nói để đánh lảng. Tôi kể, tả rồi gợi nhớ nhưng ba tôi lại đem câu chuyện ấy đến một nơi lạ hơn nữa, cái ông già ấy đã chết lúc tôi còn nhỏ. Chính mắt ba trông thấy người ta khiêng ông già lên xe chở đi lúc đang đi mua nem nướng, vì thế chuyện tôi thấy ông ta là vô lí. Cảm thấy ghê ghê, tôi dẫn ba đến chỗ mà tôi bắt gặp ông ăn xin, và đương nhiên rồi, không có ai ngồi ở đấy cả, chỉ có vài chiếc lá khô nằm chơi vơi. Có thể ông ta đã lăn đi đâu rồi, tôi nghĩ trong bụng nhưng ba tôi nói ra thành tiếng: có thể ông ta đã lăn đi đâu rồi.
Tôi không bao giờ tin vào các thế lực siêu nhiên nhưng tin vào ảo ảnh, và vì mọi ý ức tồn đọng lại trong đầu đều là ảo ảnh nên tôi chỉ thấy những thứ trong đầu mình, mà bản thân thì đương nhiên không đáng sợ. Nó chỉ tự khiến nó bối rối là cùng.
Tôi không bao giờ hát, do tôi không muốn lặp lại lời ru của linh hồn ai đó muốn ngủ yên, tôi không phải là một người thích chịu trách nhiệm. Cầu mong trong mỗi lần vái lạy thì khác, việc này tôi làm nhiều. Đến bây giờ, tôi vẫn cầu mong cho ông già ăn xin được an nghỉ, và tiện thể cho mọi người xung quanh được bình an, coi như là sự biết ơn đối với điều lành mình nhận được.
Chúng tôi bước lên vỉa hè của Bến Ninh Kiều đang phát sáng.
Ba nhìn chằm chằm vào chiếc ly nhựa nằm sõng soài trên bồn hoa, rỉ từng giọt nước mỏng xuống thềm gạch. Tặc lưỡi, ông ngoắc tôi đi dọc bờ kè, đi nhanh.
Chưa đủ tối để gió thổi vào các kẽ tóc, không khí vẫn còn dư âm hơi ấm của mặt trời chiều. Hơi ẩm thấp, hay là do hai chúng tôi cứ đổ mồ hôi không ngừng, do không thể ngừng nghĩ.
“Đừng có nhìn chằm chằm vào lưng ba như vậy!”
Ba cắt ngang những tiếng bước chân chần chừ khiến tôi giật mình, lời nói xuất hiện thình lình như lưỡi dao bén lóe sáng trong màn sương. Tôi không muốn đổ lỗi cho ba, nhưng ba đã chạy trốn, chính ba đã quay lưng lại cho tôi nhìn, thì tôi nhìn, do tôi còn tò mò, không phải là tò mò về nguyên nhân mà là về làm sao mà ba vẫn còn dựng tấm lưng ấy lên được.
Thật là kì lạ.
Khi đã thấm mệt, ba dừng lại ngả người trên một băng ghế đá. Không ngồi xuống ngay mà hướng mắt ra sông nhìn chiếc du thuyền bé tí tẹo trôi không đúng chỗ, tôi tặc lưỡi, một thứ như thế trôi trên sông Cần Thơ nhìn thật kì, thật chướng mắt. Bóp chặt nắm đấm, cắn nhẹ môi trên, tôi chưa bao giờ cầu mong điều gì cho ba cả, lưng tôi trơ trọi không ánh nhìn vào.
Những tủ xe ăn vặt bắt đầu được đẩy qua lại dưới lòng đường, khói bốc mời gọi báo hiệu đã quá năm giờ, tôi hỏi ba có muốn ăn gì không, ông trả lời là chắc một chút nữa, chắc vậy. Rồi tôi ngồi xuống, ở băng ghế cách ông một khoảng nhỏ. Chưa tối hẳn, vẫn còn một vầng sáng nhạt níu kéo ở chân trời nhưng đèn đêm đã được bật, hai nguồn sáng hòa vào nhau, soi rõ bụi lơ lửng thành một màn sương giăng đặc không gian. Không gian huyền ảo khiến tôi mê man, lọt vào cái trạng thái lưng lửng, không biết nên vui hay buồn về chuyện trở về của ba. Ba thì vẫn ngồi nhìn lên tán cây thấp lùn đã hết tác dụng che nắng, nhịp nhịp giò khe khẽ, ông đang chờ đợi một điều gì đó để giải thoát khỏi sự đè nén khó nói nên lời, cũng như tôi. Ba mươi phút trôi qua, một đám học sinh cấp hai đi ngang, phàn nàn về chuyện thầy cô la vô cớ. Mười phút nữa trôi qua, đến một người đàn ông trung niên chạy bước nhỏ theo người vợ đang đi bộ phía trước. Và sau khi qua một tiếng, khi đàn muỗi đã tự tin bay, ba tôi tằng hắng.
Ông ngồi bật dậy, chụp túi bụi túi quần, rồi lại tằng hắng, nói rằng ông để quên quyển nhật kí ở nhà nghỉ, nhưng sẽ kể cho tôi nghe một câu chuyện quan trọng bên trong đấy. Trong khi tôi mới tự hỏi làm sao ông có thể nhét bất kì quyển nhật kí nào vào cái túi quần kia thì ông bắt đầu kể hấp tấp, và thật kì lạ, tôi nhớ từng chữ một. Nguyên văn là thế này:
Hôm ấy trời mưa không dứt và bắp tay bắp chân của ba cũng mỏi không dứt, lúc ấy là vào khoảng nghỉ giữa hai đợt khuân vác, lúc mà chuyện đó xảy ra. Ba đang ngồi nói chuyện với John, một người Thái, tụi ba nói bằng tiếng Anh và phát âm của tên đó chuẩn hơn ba nhiều, chắc là hắn qua đây chỉ để “trải nghiệm”. Tụi ba nói cùng ngôn ngữ của người xa nhà và phát âm của tên đó lại chuẩn hơn ba nhiều, đúng là hắn qua đây chỉ để “trải nghiệm”. Rồi, tự dưng, giữa cuộc trò chuyện về những cánh đồng dần bị thay thế bởi những cánh thép thì cái tên người Việt, cái tên đồng hương trên danh nghĩa mà ba đã trao đổi tâm sự vào lúc vừa mới qua bển, đã lết dép lại chỗ tụi ba mà bép xép cái chuyện của mẹ, hoàn toàn không báo trước. Đương nhiên John không hiểu tiếng Việt, nhưng cái tên đó hiểu và đó là đã quá đủ rồi. Cơn giận đổ nắm đấm ra ào ào, xối xả vào khuôn mặt đầm đìa mồ hôi, dữ dội. “Tao không quan tâm đến vợ tao à?”, ba vừa nói vừa nghiến cùi chỏ vào cổ họng của tên kia. “Tao đối xử tệ với vợ con tao à?”, ngón giữa của ba đè mạnh vào thái dương của hắn. “Tao không xứng đáng làm chồng, làm ba, làm một người đàn ông thực thụ hả?”, ba tì đầu gối lên bụng của hắn. “Mẹ mày, tao là một thằng đàn ông, việc của tao… việc của tao là… là làm tròn bổn phận…”, ba phun nước miếng lên khuôn mặt đỏ quét. “Nếu cái bổn phận đó là sai nhưng tao nghĩ là đúng thì liệu tao có thật sự sai không?”, thế là ba khóc. John câu hai tay vào nách của ba, lôi ba ra khỏi vũng lầy của chính mình tạo ra, lôi ba ra khỏi cái tên đồng hương nằm bầm dập. Sau đó, không có hậu quả gì đến với ba cả, ông chủ nói không muốn gánh phiền và cho cái tên tả tơi ấy một bao thư mỏng. Mà con biết điều gì rất lạ không? Ông chủ đưa ra lời mời, đúng hơn là lời đề nghị cho cái tên đó, cho hắn cơ hội chuyển qua đơn vị ở tỉnh khác nhưng, hắn không nhận mà cứ làm ở đơn vị mà ba đang làm, cứ chôn chân tại cái nơi mà ở bản chất đã chả phải là quê hương của hắn.
Tôi có thấy hình John chụp cùng ba qua messenger, và cả video hai người ngồi song ca trong một phòng karaoke, hắn chắc trạc tuổi tôi. Ba không phải là người có thể kết thân với ai dễ dàng và cũng không phải là người có thể chấm dứt với ai dễ dàng, thế mà ông thực hiện hai bước tiến ấy thật nhẹ nhàng và bạo lực. Rồi, khi tôi chưa kịp hỏi thế sao ba vẫn ở lại đấy với cái tên người Việt kia thì ông vội vàng đứng lên, vươn vai và nói đi mua cá viên chiên cùng với vài lon bia để ngồi ngắm đêm cùng tôi lâu thêm. Cách ba tôi vội vội vàng vàng quay đi khiến tôi hồi hộp mà đứng lên dõi theo tấm lưng của ông, thấp thỏm, lưng ông nhìn khang khác, nó phập phồng trong làn gió mát lạnh.
Lưng tôi vẫn đổ mồ hôi. Một cảm giác nặng nề nở ra ở đáy lòng, là sợ hãi chăng, đầu óc tôi rối nùi, chỉ có thể hướng mắt vô thức về ba, để mặc cho hai cẳng chân tê cứng, để mặc cho bộ quần áo trên người siết lấy bụng và ngực, chực ngã, nhưng không, sương giăng trong tim, tôi đứng bất động.
Chậm lại, tôi chưa nhớ kịp, khoan đã.
Chuyện diễn ra tiếp theo thật kinh hoàng.
Khi đứng kế xe bán cá viên, ba tôi nhìn về phía tôi, ở xa, sau màn khói mỏng, và hôn gió, rồi mỉm cười.
Tôi chưa từng thấy ba làm thế bao giờ, thật kì lạ, và, thật lạ kì hơn nữa, khi ấy ba tôi không nhìn giống tôi, mà, giống một người thân thuộc hơn với tôi, người mà tôi rất giống với…
Mẹ.
Khoảng thời gian còn lại của đêm đó… tôi không nhớ gì cả, có lẽ tôi đã chìm trong biển suy nghĩ mà mất nhận thức. Hoặc, ba đã trốn ngay trong lúc mua cá viên vì sáng hôm sau, tôi choàng tỉnh trên chiếc nệm trong phòng mình, đọc tin nhắn được gửi lúc hai giờ sáng như sau:
“Ba phải bay qua bển, ba có việc gấp.”
Cứ thế, ba lại đi mất, đi luôn, bỏ lại phía sau…
Tôi.
Buổi sáng hôm ấy, và mọi buổi sáng hôm sau, cho đến tận bây giờ, con chim vô hình cứ bay ra khỏi trán tôi một cách đau đớn lên bầu trời cao và rộng và vĩnh cửu, nó vỗ cánh phạch phạch phạch, và tôi giơ súng ngón tay về phía nó, nhắm, nhắm mãi, nhưng, không bao giờ có thể bóp cò khẩu súng tưởng tượng ấy.
Tôi mỉm cười rồi hôn gió vào làn mây trắng.