Cổ xưa bảo “Mưa tháng sáu là máu của rồng” quả thật không sai tý nào. Tháng sáu, nền trời cao lồng lộng, xanh ngằn ngặt một mầu nắng vàng rực tan lẫn cùng sắc loài hoa Piar tong a rát nở khắp núi rừng Cù Bai. Đỉnh núi Cà Tam như muốn nghiêng xuống dòng Sê Băng Hiêng, cố với cánh tay thần núi của mình vục lên một vốc nước để phả lên mặt cho qua cơn nóng bức khi nhiệt độ nhiều ngày cứ dao động từ 39 đến 41 độ C. Nhiều dòng hợp thủy cứ nhỏ dần, nhỏ dần con nước rồi cuối cùng chỉ còn sót lại những hòn đá cuội chỏng chơ giữa lòng suối cạn. Rừng âm thầm chịu khát, cây trồng âm thầm chịu khát, lũ vật nuôi gần như cả ngày tìm xuống dòng Sê Băng Hiêng để đầm ướt thân mình cho vơi bớt đi cái sức nóng của mặt trời, của ngọn gió Phơn nồng nộc thổi về.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet |
Cứ thêm một ngày nắng là nỗi lo của trung tá Nguyễn Quang Tuấn - Đồn trưởng đồn Biên phòng Hướng Lập lại càng thêm nặng trĩu... Tôi không biết đêm đã trôi qua được mấy canh giờ, chỉ nhìn thấy qua cửa sổ mảnh trăng cuối tháng khuyết vẹt đã chếch về phía Tây. Thấp thoáng trong ánh trăng, một bóng người ngồi trên bậc tam cấp đế cột cờ của đơn vị với vẻ mặt trầm ngâm cứ ngước đôi mắt nhìn lên bầu trời đầy sao như đang cầu xin một điều gì đó giữa khung cảnh tĩnh mịch của núi rừng. Nhìn mãi, tôi phát hiện đó là Nguyễn Quang Tuấn, nhẹ nhàng đến ngồi cạnh.
- Sao giờ này mà đồn trưởng chưa ngủ, lại còn ra sân hóng gió?
- Nằm mãi mà chẳng thể nào chợp mắt được anh ạ.
- Nhớ vợ, con à?
- Không anh, với 42 tuổi đời, 24 năm mặc áo lính biên phòng thì chuyện xa gia đình đã quen nhiều rồi anh. Không ngủ được là vì lo cho rẫy chuối của đơn vị trồng mới bén rễ sợ nắng quá sẽ bị chết.
*
Nhập ngũ vào lực lượng Bộ đội Biên phòng tháng 10 năm 1995 với ước mơ được phục vụ lâu dài trong lực lượng, nên Nguyễn Quang Tuấn đã cố gắng vừa huấn luyện, công tác, vừa dùi mài kinh sử để quyết tâm thi đậu vào Học viện Biên phòng. Kết thúc những tháng ngày trầm mình trong cái nắng Sơn Tây, cái rét Ba Vì, Tuấn về lại với mảnh đất Quảng Trị thân yêu sau khi cầm trong tay tấm bằng tốt nghiệp. Kinh qua nhiều đơn vị, nhiều chức vụ công tác khác nhau, tháng 6 năm 2016, anh được cấp trên điều động giữ chức vụ Đồn trưởng đồn Biên phòng Hướng Lập. Nhận nhiệm vụ là người chỉ huy cao nhất của một đơn vị đã từng hai lần được Đảng, Nhà nước phong tặng Danh hiệu cao quý “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” vừa là niềm tự hào, song cũng là áp lực lớn. Tìm hiểu qua các già làng, Tuần biết rằng những năm vĩ tuyến 17 được chọn làm ranh giới cắt chia đôi miền đất nước thì Hướng Lập đã được ví như “pháo đài” án ngữ “ngã 3 biên giới” giữa miền Bắc xã hội chủ nghĩa với miền Nam Cộng hòa và đất nước Lào. Chiến tranh dẫu diễn ra vô cùng khốc liệt song người dân tộc Vân Kiều nơi đây vẫn một lòng hướng về cách mạng, sát cánh cùng bộ đội và cán bộ, chiến sĩ đồn công an vũ trang Cù Bai để đánh trả quân thù, giữ vững huyết mạch tuyến vận tải đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Hướng Lập cũng chính là địa phương miền núi đầu tiên của tỉnh mà người dân tộc Vân Kiều biết định canh, định cư, trồng cây lúa nước để trường kỳ kháng chiến và giúp đỡ bộ đội...
Chiến tranh đã lùi xa 44 năm và mặc dù đã được các cấp, các ngành quan tâm đầu tư xây dựng song Hướng Lập vẫn đang là địa phương ở trong diện đặc biệt khó khăn với tỷ lệ hộ nghèo tính đến tháng 12 năm 2018 chiếm 59,48%... Đất canh tác của Hướng Lập không phải là ít, cơ cấu cây trồng khá phong phú, thế nhưng bao lâu nay, Hướng Lập vẫn cứ loay hoay trong việc chọn ra một loại cây trồng hay vật nuôi để làm chủ lực đảm bảo cho người dân ổn định trong thu nhập… Một ý tưởng mới chợt lóe lên trong đầu Tuấn khi nhìn thấy bình địa, khí hậu của vùng đất Hướng Lập khá giống với nơi mà anh đã có khoảng thời gian công tác gần 5 năm tại đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo. Cả một vùng đất rộng lớn thuộc các xã Tân Long, Tân Thành và thị trấn Lao Bảo người dân dồn sức trồng cây chuối mật mốc, thậm chí họ còn sang thuê đất cả bên nước bạn Lào để canh tác loại cây này, và chính cây chuối mật mốc đã làm nên sự đổi thay căn bản cho một vùng đất vốn dĩ trước đây được mệnh danh là “thiên đường buôn lậu”...
Tuấn nở nụ cười rồi tiếp tục câu chuyện về cây chuối mật mốc trên đất Cù Bai.
Tối ấy tan buổi họp, tôi đã trực tiếp cùng anh em ở trạm kiểm soát Cù Bai đến tận nhà bác Hoan để bàn bạc và thống nhất những vấn đề cần thiết. Bác Hoan bảo “Sáng mai các chú cứ đem cây giống vào đây, tôi sẽ huy động cả gia đình ra rẫy cũ đào hố để trồng”. Ngay sáng hôm sau, đơn vị vận chuyển 100 gốc cây chuối con đến tận rẫy nhà bác Hoan để cùng nhau trồng. Để kịp trồng 100 gốc chuối trong ngày, bác Hoan đã huy động toàn bộ nhân lực gia đình lên rẫy từ rất sớm đào hố, bỏ phân chờ sẵn, khi cây, con đến là tiến hành trồng ngay, buổi trưa cả gia đình bác và số cán bộ đồn hỗ trợ gia đình bác đều ăn cơm ngay tại rẫy, đến gần 6 giờ chiều thì hoàn thành công việc. Trên đà thắng lợi ấy, đơn vị mua tiếp 500 gốc nữa đem vào để bác Hoan tiếp tục trồng, như vậy tổng cộng đã có gần 1.000 gốc chuối mật mốc đã được trồng trên vùng đất Hướng Lập với tỷ lệ sống là 100%. Hiện nay 350 gốc đầu tiên đã cho sản phẩm đầu mùa, tuy quả chưa to bằng ngoài Tân Thành, Lao Bảo, Tân Long, nhưng chuối ở vùng đất này lại có vị ngọt và thơm hơn…
- Sáng mai tôi sẽ đưa anh sang bản Cù Bai để tham quan vườn chuối của nhà bác Hoan. - Tuấn nói.
Tôi nhận lời. Bóng ngọn núi Ba Rai nghiêng theo ánh trăng xuống dòng Sê Băng Hiêng thanh thản, bình yên con nước chảy sang nước bạn Lào.
*
Buổi sáng, mới 5 giờ rưỡi mà mặt trời đã vàng lóe khắp cả cánh rừng báo hiệu thêm một ngày nhiệt độ không thể xuống dưới 39 độ C. Chúng tôi hành trình đến bản Cù Bai trong cái nắng ban mai trên nền trời không có lấy một gợn mây. Trong những ngày ở lại với Hướng Lập và sáng nay cũng vậy, suốt quãng đường từ đồn biên phòng vào bản Cù Bai, có một loại hoa dại nở vàng rực, hỏi một người dân, tôi biết đó là loài hoa có tên gọi Piar tong a rát. Lạ thay, giữa tiết trời nắng gắt, mọi cây cối đều ủ rũ vì hạn hán, riêng chỉ có loài hoa Piar tong a rát là vẫn thẫm xanh sắc lá và nở rộ những bông hoa vàng rực giữa núi rừng biên cương. Tìm hiểu thêm, tôi mới rõ, cái tên Piar tong a rát theo tiếng người dân tộc thiểu số Vân Kiều nơi đây dịch nghĩa là “Tình yêu đợi chờ”. Các vị cao niên ở bản Cù Bai bảo hoa Piar tong a rát là hoa mang tên của con trai, nên nó sống rất mạnh mẽ, dù trời mưa bão hay nắng gắt thì hoa Piar tong a rát vẫn cứ mọc và cứ nở hoa...
- Sao bác lại dám xung phong trồng cây chuối mật mốc? - Tôi mở đầu buổi nói chuyện bằng câu hỏi khi vừa đến thăm rẫy chuối nhà bác Lê Văn Hoan.
Ông Hoan nhìn tôi mỉm cười, rồi kể.
Tôi có người bà con ở ngoài xã Tân Thành chuyên trồng cây chuối mật mốc mà kinh tế gia đình khá giả lắm, tôi cũng rất thích nhưng chẳng biết làm như thế nào, may có các anh biên phòng mở lối nên tôi tình nguyện trồng thí điểm. Mới chỉ gần một năm thôi mà cây chuối đã phát triển khá tốt rồi, mong sao trong tương lai vùng đất Hướng Lập sẽ trở thành một vùng chuối nguyên liệu như ngoài các địa phương Tân Long, Tân Thành và thị trấn Lao Bảo.
Nhìn rẫy chuối của ông, tuy giữa tiết trời nắng hạn dài ngày song vẫn có những mầm non nhú lên tràn đầy sự sống, bỗng nhiên tôi cảm thấy cái nắng dịu đi phần nào.
*
Đêm cuối tháng sáu âm lịch, vầng trăng khuyết vẹt nhưng vẫn neo sắc vàng trên đỉnh Cà Tam, những áng mây mang hơi nước đang theo từng đợt gió tụ lại trên đỉnh núi để thả xuống vùng đất này giọt nước trời, cho con người, cỏ cây, muông thú giải tỏa cơn khát lâu ngày. Nghe rất khẽ trong cơn gió, tiếng những tàu lá chuối xào xạc vỗ về với thời gian cho một mô hình sản xuất mới đang manh nha hình thành và rạng rỡ bước tương lai trên vùng đất biên cương Hướng Lập nặng khát vọng vươn lên trong công cuộc xóa đói giảm nghèo của chặng đường hành trình “Không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Bút ký của Nguyễn Thành Phú | Nguồn Báo Văn nghệ
------
Bài viết cùng chuyên mục: