Cách đây khá lâu, tôi được đọc một truyện ngắn Nhật Bản viết về hai ông cháu người ăn mày cứ sau một ngày lang thang xin ăn lại về ngủ gầm cầu và câu chuyện hàng tối trước khi đi ngủ là tưởng tượng về ngôi nhà sau này hai ông cháu sẽ xây.
Ngôi nhà đó phải có khuôn viên rộng rãi, có những luống hoa, có hòn giả sơn, có bể nuôi cá... Và cứ thế, sau một ngày ê chề và nhọc mệt, trở về gầm cầu trò chuyện, hình ảnh ngôi nhà tương lai lại phong phú thêm những dự định. Cho tới một hôm, đứa bé ăn phải một miếng thịt bò đã hư bị tháo chảy, người lả đi, và trước khi nhắm mắt nó trối trăng:
“Ông ơi, sau này xây nhà ông nhớ phải xây một cái bể bơi..."
“Ngôi nhà có bể bơi..." đó là hình ảnh cuối cùng, nguyện ước cuối cùng thằng bé mang theo khi đi vào cõi vô cùng. Tôi cứ ám ảnh mãi truyện ngắn đó. Nó phải do một "cây bút trẻ" viết ra mới mang một hoài bão da diết đến thế. Tôi nói "cây bút trẻ" vì hồi đó, cách nay phải ngót 20 năm, danh xưng "nhà văn" trên các báo chỉ dành cho những người viết có chân trong Hội Nhà văn Việt Nam, còn lại đều được gọi là các "cây bút trẻ", dù viết nhiều hay viết ít, viết hay hay viết dở. Chuyện đó làm chúng tôi, "những cây bút trẻ" dẫu có buồn lòng nhưng lại thấy có cái "lợi" là chưa phải gánh vác sứ mệnh của người cầm bút thuở đó, đó là người thư ký thời đại "người dự báo thời đại" và người đại diện cho "lương tâm thời đại"... Và bởi thế cái mục tiêu viết của tôi hồi đó là lọt được vào mắt xanh của anh Trần Hoài Dương, chị Nguyễn Thị Ngọc Tú... những người trấn giữ cửa ải báo Văn nghệ, lúc ấy là tờ duy nhất trong cả nước làm công việc "bà đỡ" cho các cây bút trẻ. Nhưng mà lọt được vào cái “khung cửa hẹp" kia cũng không phải dễ, một năm giỏi lắm được in bốn truyện ngắn là "hết suất". Vậy số truyện còn lại biết in ở đâu? Chẳng còn đâu cả. Bởi vậy ngoài những truyện đăng báo Văn nghệ, tha hồ tôi viết "chơi", viết "vô tư", viết "đút ngăn kéo", viết "chuyển tay”, mà một thời người ta gọi là tự xuất bản. Thế mà khối truyện ngắn hồi đó chưa in được 10Bọn họ Ngày đẹp trờ năm sau đều in được và thiên hạ thậm chí còn khen hay. Chẳng hạn những truyện ngắn Bọn họ ngày đẹp trời , Tặng phẩm cho em, Con tàu trắng đi trong khói nắng... Bây giờ có lẽ hiếm "nhà văn trẻ" viết "đút ngăn kéo" như tôi ngày xưa, truyện nào viết ra in ngay truyện ấy, hàng bán hết không kịp sản xuất. Như thế hoặc do các nhà biên tập đã bớt khắt khe hoặc do "các nhà văn trẻ" đã tự vê tròn cho hết góc cạnh? Bởi lẽ ngày xưa khi khen tác phẩm nào, người ta thường đưa ra những chuẩn tắc: có tính khái quát cao, có những phát hiện sâu sắc về xã hội, có những dự báo sáng suốt, nhân vật mang tính điển hình thời đại... Bây giờ các nhà phê bình, các nhà báo văn hóa văn nghệ không khen chê theo kiểu đó nữa, họ thường dùng những định ngữ: lối viết trong trẻo, thanh thoát, mạch lạc, sang trọng, mới mẻ vân vân và vân vân... Như vậy phải chăng văn chương xưa thiên về nội dung xã hội, nay ngả về cắt câu chọn chữ chăng? Sự tách bạch nội dung - hình thức, nói vậy cũng chưa đủ là tương đối, cùng một chuyện "phòng the", người này có thể cho ra một tác phẩm còn ngọt hơn xirô, xoay quanh những chuyện còn tẹp nhẹp hơn chuyện giường chiếu, nhưng người khác có thể viết được tác phẩm mang đầy tâm cảm thời đại.
Trong một bài trả lời phỏng vấn trên báo Thể thao văn hóa, nhà văn Lê Lưu nói đại ý: "Đọc văn lớp trẻ bây giờ chỉ thấy chữ nghĩa chứ ít thấy ý thấy tình..." còn nhà thơ Lê Đạt lại mong rằng chớ đặt lên vai họ "gánh nặng của hư danh" dễ làm quỵ ngã dọc đường. Tôi cho rằng đó là những lời chí tình của người đi trước.
Trong một buổi phát hình "Khách mời của VTV3 với chủ đề Khoa học Việt Nam - thách thức và vận hội" tôi thấy anh Lại Văn Sâm dẫn chương trình thật là có nghề. Dẫn dắt hàng ngàn sinh viên đối thoại với hàng chục vị giáo sư Việt Nam sống ở nước ngoài, anh đã "hoạt náo" rất có duyên và hấp dẫn. Anh luôn luôn hỏi các vị giáo sư xoay quanh vấn đề "sinh viên Việt Nam có giỏi không, có thông minh không, có xuất sắc không?". Lẽ tất nhiên các vị giáo sư Việt kiều đều trả lời sinh viên Việt Nam thật giỏi, thật thông minh, thật xuất sắc... Thế là cả hội trường sung sướng vỗ tay rầm rầm, đê mê trong một hưng phấn tập thể. Tất nhiên khơi gợi ở thanh niên ý thức tự hào là rất cần, tuy nhiên làm cho họ ý thức được chính mình, ý thức được những hạn chế, những khiếm khuyết của chính mình, ý thức được những hạn chế, những khiếm khuyết của chính họ còn cần hơn. Thưa anh Lại Văn Sâm, trong không khí hân hoan tưng bừng buổi ấy, tôi ngờ rằng trong bụng các giáo sư Việt kiều không khỏi băn khoăn vì sao lòng tự hào lại được nói tới nhiều thế?
Tôi rất mừng vì thế hệ trẻ ngày nay hoạt động thật sôi nổi, thật đa dạng trên mọi lĩnh vực. Tuy nhiên tôi cũng rất lo vì xưa những Bỉ vỏ, Giông tố, Số đỏ đều được các nhà văn sáng tác vào độ tuổi 20 tức đều là “Văn nghệ Trẻ" cả. "Văn học tuổi 20" ngày xưa như thế đó.
Vài năm trước tôi thấy có mấy anh làm thơ "quậy" rùm beng cái gọi là cuộc chuyển giao thế hệ. Quả thực tôi khó hình dung cái cuộc chuyển giao ấy nó diễn ra như thế nào. Xin hỏi quý vị: cụ Nguyễn Du, bà Hồ Xuân Hương, ông Nguyễn Gia Thiều, bà Đoàn Thị Điểm... đã chuyển giao thế hệ cho ai và chuyển giao những gì? Riêng tôi, chỉ xin chuyển giao tới các vị đó một lời nhắn: "Xin đừng dopping lớp trẻ". Cuộc hò hẹn sau cùng cho những ai cầm bút dù ở tuổi nào, dù ở cương vị nào, vẫn là trước... "trang giấy, trời ơi, trắng rợn người...
------------------
Bài viết cùng chuyên mục